Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 17): Hoàng Khởi Phong – Phỏng vấn nhà văn Thế Uyên

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013


Hoàng Khởi Phong
thực hiện

Cách đây một khoảng thời gian chưa lâu, Hoàng Khởi Phong có thực hiện một cuộc phỏng vấn nhà văn Thế Uyên trực tiếp và nhanh qua điện thoại, cho đài phát thanh Á châu Tự do (RFA). Đã bị hạn chế thời lượng khi hỏi, đến khi phát thanh, vì một lý do kỹ thuật, lại giảm một nửa thời lượng dự trù ban đầu, do đó thính giả đài RFA chỉ được nghe phân nửa bài. Nhà văn Thế Uyên là người vẫn được biết từ lâu về tính hay nói thẳng và nói thật về mọi sự ở đời, đã quen với sự bài viết bài nói của mình bị cắt xén nhiều hay ít, trước sự trục trặc này, chỉ tuyên bố giản dị: “Tôi thích nhiều câu hỏi của bạn. Khi nào có dịp, chúng ta làm lại từ đầu, và lần này sẽ đăng ở các báo thường cũng như báo điện tử…” Mời các bạn đọc theo dõi cuộc phỏng vấn lần 2, dưới hình thức hỏi đáp của hai đứa chúng tôi. Xin đừng ngạc nhiên khi thấy nó không giống lần 1 bao nhiêu. – Hoàng Khởi Phong

Giới thiệu Thế Uyên.

Đang cư ngự ở Seattle, nhà văn Thế Uyên tên thực là Nguyễn Kim Dũng, sinh năm 1935 tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống văn học. Mẹ ông là em ruột nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, và là chị nhà văn Thạch Lam. Nói một cách khác, nhà văn Thế Uyên và người anh ruột Duy Lam đã được ươm bằng chữ nghĩa, ngay từ khi còn trong trứng nước, do đó người ta không lạ khi vừa qua tuổi 20, bút hiệu Thế Uyên đã hiện diện trong làng báo, và chỉ một thời gian ngắn sau đó, ông là người sáng lập tạp chí Thái Độ, như là một điểm khởi hành mới trong hành trình chữ nghĩa cho chính bản thân ông. Ông là tác giả của các tác phẩm nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam như Mười ngày phép của một người lính, Tiền đồn … Và đặc biệt hơn cả, ông là một trong những số rất ít nhà văn tiên phong trong việc đụng tới vấn đề tình dục, một vấn đề mà dường như văn học Việt Nam coi như một đại kỵ trong thế kỷ 20 vừa qua.

clip_image001

Về đời thường, nhà văn Thế Uyên nguyên là một nhà giáo, dạy học tại nhiều trường trung học công lập ở miền Nam, rồi thuyên chuyển lên Ban Mê Thuột trước khi bị động viên vào khoá 14 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, cùng một lượt với nhà thơ Thanh Tâm Tuyền. Sau 1975, cũng như hàng trăm ngàn sĩ quan của miền Nam, ông bị đi tù cải tạo một thời gian, trước khi đến định cư tại Mỹ. Cách đây vài năm ông bị “stroke”, bị tê bại một nửa người, phải ngồi trên xe lăn để di chuyển trong nhà, nhưng nhờ nghị lực phi thường ông đã tập viết lại bằng tay trái, và đã viết bài cho các tạp chí văn học hải ngoại. Dưới đây là nguyên văn cuộc mạn đàm giữa hai chúng tôi.

Hoàng Khởi Phong (HKP): Xin chào nhà văn Thế Uyên. Chúng tôi xin đi thẳng vào câu chuyện tình dục trong văn học và xin đặt câu hỏi đầu: Gần đây có một số nhà văn nữ trong và ngoài nước đã đề cập mạnh đến vấn đề tình dục trong các tác phẩm của họ. Ông là một nhà văn thế hệ trước, từng viết các tiểu luận cũng như trong tác phẩm đã đề cập đến vấn đề này, ông nghĩ gì về tình dục trong các tác phẩm văn học?

Thế Uyên (TU): Điều đó là tốt và tự nhiên thôi. Trong một thời gian dài nhiều thế kỷ, các cụ chúng ta coi thường phụ nữ, coi như một thứ dân hạng 2 để thỏa mãn nhu cầu tính dục cho đàn ông, để sinh con đẻ cái và để lao động… nên không quan tâm cho lắm đến sự việc đàn bà cảm thấy những gì, nghĩ gì. Nếu có, thường là đàn ông nghĩ hộ… Đến đầu thế kỷ 20, mới có Anais Nin, người tình của của nhà văn Mỹ Henry Miller, viết một số truyện ngắn và một hồi ký gợi dục, erotic, làm ồn thế giới văn học đàn ông chiếm ưu thắng tuyệt đối. Sau đó, với phong trào giải phóng phụ nữ lan tràn, càng ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia thế giới văn học, kể cả gợi tình gợi dục, và không thiếu những nhà văn nữ hăng hái vượt rào sang địa hạt gợi dâm và dâm ô luôn.

Khi định cư nhiều năm ở thế giới Tây phương, các phụ nữ Việt Nam di dân cũng biến chuyển theo cùng tiến trình với dân địa phương, với cả tư cách độc giả và tác giả. Bởi thế sự xuât hiện của các Mai Ninh ở Âu châu, những Dương Như Nguyện, Lê Thị Thấm Vân và nhiều nữa ở Mỹ châu, là sự kiện tiến hoá tự nhiên thôi. Còn ở Việt Nam, từ hơn ngàn năm quen mô phỏng, bắt chước Trung Hoa, thì khi có cô Vệ Tuệ xuất hiện và không bị nhốt tù, đó là một thứ bật đèn xanh cho các nhà văn nữ Việt Nam xông lên nhân dịp có “cởi trói” và “Đổi Mới”. Đợt đầu có Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài… còn hiện nay đợt sóng mới trẻ trung đông hơn nhiều: Đỗ Hoàng Diệu, Lynh Bacardi, Đình Đình, Nguyễn Ngọc Tư…

HKP: Cuộc đời ông có thể chia làm bốn giai đoạn: thời thanh xuân trước khi đi lính, thời gian tại ngũ, thời gian ở tù và thời gian ở hải ngoại. Trong mỗi giai đoạn này ông đều có tác phẩm, không ít thì nhiều các tác phẩm này đều đả động tới vấn đề tình dục. Xin hỏi ông có gì thay đổi trong suy nghĩ của ông về vấn đề tình dục qua từng giai đoạn của đời sống?

TU: Thời thanh xuân: tôi khá độc lập trong suy nghĩ, nghĩa là mặc dù kính trọng các ông Khổng, Thích Ca, Jesus… và các triết gia tai to mặt lớn của nhân loại, các vị đó không hạn chế được tư tưởng lông bông của tôi. Với nhiều vấn đề, tôi hay suy nghĩ lấy, suy nghĩ khác, suy nghĩ lại. Chẳng hạn, thấy đa số các nhà văn tiền bối, khi mô tả tình yêu giữa nam và nữ, thường chỉ tả có một nửa, nghĩ là chỉ mô tả phần hồn, mây sao trăng và hoa lá, không tả một câu nào về phần thể xác, nghĩa là chỉ tả tình cảm, bỏ qua thân xác, nhà văn trẻ là tôi không chịu cho thế là đúng, phải tả cả hai diện mới là đủ. Và nghĩ sao làm thế liền, bất chấp mọi khó khăn. Truyện ngắn đầu tay “Những hạt cát” mới chỉ loanh quanh nấn ná một chút ở phần “hình nhi thượng” cô gái, Nhất Linh hình như đã đoán thấy âm mưu sẽ hạ thấp kiểu mô tả xuống đến rốn và dưới nữa, của đứa cháu ngoại này (cháu bên ngoại, và ngoại khuôn khổ), nên từ chối không đăng trên tạp chí ông chủ biên thời đó là Văn Hoá Ngày Nay.

Thời tại ngũ: Nếu nghề dạy học đã làm tôi hút thuốc lá từ lúc trẻ cho tới khi bị stroke, thì nghề làm lính làm tôi thích bia rượu và thay đổi hẳn quan niệm và cách viết văn. Tôi từ bỏ (hay bị từ bỏ, vì hoàn cảnh sống có tác động mạnh đến bút pháp) lối viết và đề tài cũ, giã từ những mối tình trai gái lãng mạn trong thành phố an bình, chuyển sang chiến tranh và các hệ luỵ của nó. Với tôi, quân đội và chiến tranh, như một vết cắt, thành trước và sau, before and after, trước sex vẫn hiện diện, nhẹ nhàng thôi, bây giờ sex nặng nề, tràn đầy. Như trong Tiền đồn, Mười ngày phép của một người lính, Nỗi chết không rời… Về sau có lần tự phân tích, tôi cho rằng chiến tranh có trách nhiệm trong sự kiện đó. Nhà văn Võ Phiến (một người không đi lính và không ở tiền tuyến với súng đạn chông mìn) không đồng ý với phân tích đó, cho rằng chiến tranh vẫn có đó, cho nhiều người, nhưng không liên quan gì đến tăng hay giảm sex trong văn chương… Tôi tôn trọng ý kiến nhưng không đồng ý với bậc đại trưởng lão này. Để tránh tranh cãi, tôi xin nói lại thế này: Riêng đối với cá nhân tôi, đang khi và sau khi rời mặt trận, tôi cảm thấy phải sử dụng tới sex, tới làm tình, nghĩa là sự sống, tạo sự sống, mới diễn tả được chiến tranh, sự chêt, huỷ diệt. Tôi cảm thấy thế thì phải viết như thế, thật tự nhiên, không gò ép.

Thời gian ở trong tù: Một nhà văn Pháp không mấy nổi tiếng, Jean Larteguy, có viết nhiều về chiến tranh Đông Dương. Trong cuốn Les centurions, ông đã để cho một sĩ quan Pháp, khi được tha khỏi một trại cải tạo, nói về sex như thế này: C’est la grande paix dans le pantalon (Đại hoà bình ở trong quần), nghĩa đen là con chim không hề ngóc đầu dậy… Nỗi buồn thất trận, thân phận tù đầy, ăn uống quá thiếu thốn, lao động quá nặng, sống xa dân trong rừng núi… là những lý do. Hơn nữa kỷ luật trại về sex nghiêm khắc như trong các chủng viện, và cấm tuyệt đối viết văn làm thơ, trừ khi có lệnh chỉ định người nọ phải đóng góp cho bích báo của trại. Không có lệnh trên mà cứ viết, là bị biệt giam, nhốt hầm, cùm chân cùm tay. Như Nguyễn Chí Thiện, Phan Nhật Nam… Tôi vốn vui tính về văn chương của mình: không cho viết nữa, thì thôi, ta đi chơi trò khác chỗ khác. Bởi thế không có, không thể có tác phẩm nào, trong thời kỳ này, ngoại trừ một vài tiểu phẩm viết sau khi được tha.

Thời gian ở hải ngoại: Trước đây văn chương Mỹ cũng kỵ sex như văn chương Việt. Sau đệ nhị thế chiến mọi sự đã thay đổi nhiều, nhất là từ cuộc sex revolution, sexplosion, trong thập niên 60 thế kỷ 20. Kể từ đó ai muốn viết nhiều sex ít sex tuỳ thích, ai muốn cởi nhiều cởi ít hay cởi hết tuỳ ý, như chúng ta, những di dân tới sau, thấy hiện nay. Những nhà văn như tôi dĩ nhiên vui vẻ hưởng thứ tự do này, dù bị chê bai mắng mỏ bởi không phải là ít những đồng hương mang theo trong ba-lô nhập nội Mỹ những quan niệm xưa, những cấm kỵ của một giáo xứ nông nghiệp châu Á… Nếu tôi viết tiếng Anh, Pháp… cho người bản địa đọc, thì tự do lắm. Còn viết tiếng Việt cho người Việt hải ngoại (và hải nội, đọc qua Net), thì còn nhiều hạn chế. Bởi thế tôi thường dành quyền edit rộng rãi cho các chủ biên, chỉ la oải lên một tí nếu bị edit mất tiêu cỡ 1/3 hay hơn bài văn. Trên báo giấy, báo điện tử hay báo nói…

HKP: Những gì ông trả lời trong hai câu hỏi trước thuộc về các tác phẩm văn học, nhưng trong đời thường ông sẽ hành xử như thế nào nếu như con cháu trong nhà sống hoàn toàn tự do về tình dục như một số nhân vật trong tác phẩm của ông?

TU: Xin lỗi ông bạn cũ một chút, câu hỏi trên đã đặt trên một số các giả đoán. Trước hết, cái thời mà tác phẩm văn học có nhiều ảnh hưởng tới người đọc, đã qua hơi lâu rồi. Các con cháu chúng ta hiện nay, kể cả ở nội địa, chịu nhiều ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông hiện đại khác, như điện ảnh, video, game điện tử… chưa kể hệ thống TV/cable phong phú. Ảnh hưởng của văn học vẫn còn, nhưng khiêm tốn thôi.

Riêng về con cháu chúng ta ở hải ngoại, chúng không thuộc thế hệ một ½ thì cũng thế hệ thứ hai. Tôi toàn con trai, ba đứa đã có vợ con và nói chung chúng nghiêm túc hơn bố. Tôi không chắc chúng có đọc tác phẩm của bố hay không — thế giới văn hoá của chúng bằng tiếng Anh, Pháp… nhiều hơn. Còn mấy đứa cháu, sáu đứa tính tới lúc này, chúng là thế hệ 2 rồi, bập bẹ tiếng Việt với ông bà mấy câu thông dụng, là vui thôi, mặc dù bố mẹ nhắc nhở thường xuyên là phải nói tiếng Việt. Khi đã lớn mới hiểu đa ngôn ngữ đa văn hoá là một ưu điểm, mới lại cắp sách trở lại các lớp Việt ngữ. Cứ như thế làm sao đủ khả năng thưởng thức tác phẩm của tôi, nói chi tới ảnh hưởng.

Có một vài nhân vật của tôi thoải mái về tình dục, chứ không tự do phóng túng đâu. Nhưng so với các nhân vật của các tác giả nữ hiện đại, kể cả nội địa, sợ các cô các bà ấy chê là “xưa rồi”…

HKP : Thưa nhà văn Thế Uyên, ông nghĩ gì về một hiện tượng văn học đang làm xôn xao dư luận trong và ngoài nước, chúng tôi muốn đề cập tới các tác phẩm của Đỗ Hoàng Diệu, Lynh Bacardi, Lê Thị Thấm Vân…

TU: Tôi đã là người viết những bài giới thiệu/phê bình cả ba nhà văn nữ anh vừa nhắc trên, khi viết cuốn biên khảo: Tình dục với các nhà văn nữ Việt Nam, trong và ngoài nước. Khoảng hơn 20 bài. Không phải chỉ có thế, gần đây trong nước còn xuất hiện thêm Đình Đình, Vũ Lê Phương Trinh, Y Ban…

Có thể cắt nghĩa hiện tượng hay phong trào phụ nữ viết văn erotic, dâm tình như sau: Ngoài nước, con gái được học nhiều và cao như con trai, đã quen thuộc với các tác phẩm nhiều sex trong học trình (dĩ nhiên nếu theo học khoa học xã hội, nhất là văn học), như Lady Chatterley’s Lover (D.H Lawrence), bộ Tropiques của H. Miller… do phái nam viết, nữ có Anais Nin (Henry and June, Delta of Venus…), Paule Reage (Story of O.)… Khi đến lượt họ viết văn, khi cần (không phải lúc nào cũng cần) họ cũng viết nhiều sex hoặc erotic như vậy, cho như thế là tự nhiên, không thấy “sốc” lớn nhỏ chi hết. Ở nội địa, từ khi có Đổi Mới, Đảng nới lỏng giây trói cho sách dịch, do đó những romances Mỹ, Trung quốc… nhiều những đoạn erotic khỏi chê, vẫn được in ra và thường bán chạy, làm độc giả quen dần với truyện nhiều sex. Vậy… (xem trên)

Mặt khác cũng có thể cắt nghĩa bằng sự kiện xã hội nào bị áp chế bởi một hệ chính quyền chuyên chế hay bởi các giáo lý hay giáo phẩm quá thanh giáo, đến độ các vấn đề tình yêu và tính dục bị đè bẹp dí, dồn nén tối đa, thì sự vùng lên của lớp trẻ, lớp người mới, thường bắt đầu cứ nói nhiều về sex trong địa hạt văn chương.

HKP: Theo ông, viết về tình dục có nhất thiết phải rõ mồn một những chi tiết cụ thể các động tác của hành vi làm tình. Nói một cách khác, theo ông, trong văn học có một biên giới nào giữa “erotic” và “porno” là hai từ ngữ khi dịch sang tiếng Việt thì rất mơ hồ?

TU: Không nhất thiết mọi sự “phải thật rõ mồn một” như ông bạn nói. Còn rõ tới đâu, thì tuỳ hai thứ. Thứ nhất là tuỳ người viết muốn rõ tới đâu, cũng như nhà nhiếp ảnh căn độ rõ/mờ của tấm hình. Có thể nói mỗi nhà văn có một mức độ rõ riêng, kiểu riêng, như bút pháp vậy. Thí dụ như Lê Xuyên có tiếng là viết văn “mặn”, nhưng toàn chụp xa, độc giả phải tưởng tượng vì có thấy cái gì đâu. Và lại còn tuỳ theo đề tài truyện, tuỳ theo tuổi tác của nhà văn (Nhất Linh hồi trẻ sương khói mù mịt chẳng thấy gì cả, khi về già ông viết rõ hơn nét hơn).

Thứ hai là tuỳ theo resume của từng người đọc. Đưa cho một nữ tu đọc thì Gone with the wind cũng là “dâm ô” lắm rồi, trong khi đối với một người trung bình, truyện đó xếp loại lãng mạn… kiểu Tự Lực Văn Đoàn.

Còn biên giới giữa erotic và porno? Một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Hoa-kỳ đã có lần phán như đùa: “Thế nào là dâm ô? Tôi biết khi tôi trông thấy nó” … Còn giữa tôi với bạn thì có thể tạm dùng hai tiêu chuẩn: mục đích của người viết và tác động trên người đọc. Người viết mượn sex để diễn tả một cái gì khác, con cu và cái nghêu vẫn ở thể tĩnh, bất động. Đó là erotic, gợi tình gợi dục, dâm tình. Còn porno dứt khoát dịch là dâm ô, dâm dục, là bên này ranh giới rồi, tác giả viết cốt để kích thích dâm tính người đọc, làm con chim chuyển sang tính cứng, cái nghêu chuyển sang tính ướt…

HKP: Thưa nhà văn Thế Uyên, giờ thì chúng ta tạm ra khỏi lãnh vực tình dục trong văn chương để bước xuống đời thường. Xin ông cho khán thính giả được biết những nỗ lực vô bờ của ông trong khi tập lại tay chân sau khi bị liệt nửa người?

TU: Ngoài chữ “vô bờ” anh vừa dùng, tôi muốn thêm chữ “bất tận” vì tôi khởi sự tập, bị tập thì đúng hơn, ngay từ lúc rời khỏi phòng cấp cứu, cho đến tận lúc này. Mới đầu là tập nhúc nhích, tập ngồi cho vững và lâu, tập ngồi trên xe, tập đứng không đổ… Ngưng tập vài ba hôm, là thấy muốn nằm bẹp một chỗ luôn. Tôi hay nghĩ rằng nếu giàu có, đến được các phòng tập chuyên biệt với các chuyên viên thượng thặng, tôi có thể đi lại được không cần gậy và xe lăn. Nhưng thôi, để một chút gì để ước mơ, mơ màng…

HKP: Xin ông cho biết trong thời gian là sĩ quan QLVNCH, ông nghĩ gì khi hoàn thành các tác phẩm Mười ngày phép của một người lính, Tiền Đồn, Nghĩ trong một xã hội tan rã… Ông nghĩ gì về chiến tranh và hai thế lực đối chọi là miền Nam và miền Bắc?

TU: Một câu hỏi quá lớn và phức tạp, không thể trả lời vắn tắt trong một buổi phỏng vấn mà không gây ngộ nhận. Tôi xin nói về một vài điểm thôi. Trong Mười ngày phép…, tôi đã viết người lính Việt Nam phải chiến đấu cho các thế lực ngoại lai, Nga Mỹ Pháp Tàu… Hồi đó, một cơ quan truyền thông của Anh đã mỉa mai: “Trung quốc sẵn sàng chiến đấu cho đến người bộ đội… Việt Nam cuối cùng.” Còn một chức sắc Mỹ tuyên bố: “Biên giới Hoa kỳ là sông Bến Hải, VNCH là tiền đồn của Thế giới Tự do…” Trong Tiền đồn, chị Ba nông dân tượng trưng cho dân Việt cả Nam lẫn Bắc, phải, được và bị làm tình với cả ba phe lâm chiến hồi dó.

Trong Nghĩ trong một xã hội tan rã, tôi phân tích phải trái đúng sai rồi tiên đoán Mỹ sẽ rút quân khỏi Việt Nam và quân đội VNCH sẽ tan rã như chúng ta sẽ thấy trong năm 1975. Nhà thơ Tô Thuỳ Yên đọc xong cuốn đó đã nói như đùa: “Thế Uyên là một nhà tiên tri bi thảm…” Không biết ngày xưa các tiên tri có lương bổng gì không, còn thứ tiên tri là tôi ấy thì bị ghét bỏ ghê lắm, từ thời đó tới hiện nay.

Nói cho cùng, tôi vẫn thích chế độ Việt Nam Cộng Hoà, dù bị công giáo bảo thủ khống chế, ít nhất cũng vì họ để tôi sống, viết và xuất bản những cuốn sách như thế. Rất đáng với công tôi cầm súng để bảo vệ trong bao nhiêu năm… Chế độ miền Bắc, từ lúc thành lập 1945 cho tới hiện nay, mặc dù Đổi Mới có làm khá lên, cũng khó mà dung được một nhà văn tương đương như… tôi trong lòng chế độ họ.

HKP: Nhân đây chúng tôi xin được đặt một câu hỏi về thời gian bị đi tù cải tạo, ông đã gìn giữ tinh thần và thể xác như thế nào?

TU: Giữ gìn tinh thần: Đây là điểm quan trọng nhất, tôi xin nói trước về phần tôi thôi. Khi đã được phép viết thư về nhà, vợ tôi viết lên an ủi như thế này: “Anh vẫn có dự tính sang Israel sống trong nông trường tập thể kibboutz ½ năm, xem có thể áp dụng cho lớp trẻ Việt Nam sau này không. Nay anh đang sống trong một thứ nông trường tập thể tương tự… lại được chung sống với đồng đội nữa… vui chán còn gì nữa…” Đọc thư này, tôi biết cô vợ nhỏ nhắn vui tính chọc quê tôi, nhưng có phần sự thật ở trong. Tại sao không nhìn thấy những cái vui và buồn của đời cải tạo? Tôi vẫn là kẻ lạc quan: thấy ly có nước, nói: May quá hãy còn đầy một nửa… chứ không bứt đầu bứt tóc than: Than ôi khổ thân tôi chưa, ly nước chỉ còn có một nửa. Tôi thuộc thành phần ngồi nhìn ngắm mấy bông hoa cỏ trong hàng rào kẽm gai, chứ không đứng đó nguyền rủa kẽm gai và khóc cho thân tù đầy.

Khi bị đói đến nỗi chỉ nằm mơ được mời ăn tiệc, thì tỉnh dậy, ta đi một đường mưu sinh đã học ở trường võ bị: cào cào, kiến, bò cạp, rắn rết… đều là protein, ta cứ việc xơi tươi hay nướng chui, theo phương châm cái gì nhúc nhích là cái đó ăn được. Cán bộ dùng cái đói để xuyên qua dạ dầy khống chế tinh thần, để dễ dàng “tẩy não” học viên, chứ không định giết chết họ bằng cái đói (nếu họ định làm thế, số cải tạo bi chết sẽ cao hơn nhiều). Ra khỏi trại nhiều năm, tôi mới “ngộ” ra cái mà Đảng CS cần đạt nhất là bẻ gẫy, triệt tiêu ý chí đấu tranh của cải tạo viên, tạo phản ứng phản xạ sợ công an. Tương tự như cấy sinh tử phù, bắt uống tam thi não thần đơn trong truyện võ hiệp Kim Dung.

Còn nỗi buồn thất trận ở tôi nhẹ thôi, vì tôi vẫn nghĩ rằng “được làm vua, thua làm nguỵ (hay giặc).” Bởi thế tôi ít bị chấn thương chiến tranh hơn một số đồng đội cũ… Còn về thân xác, tôi chọn giải pháp khoẻ nhất là sống theo tiếng kẻng, kẻng dậy, kẻng ăn sáng, kẻng lao động, kẻng nghỉ… Không quên tập thể dục hàng ngày dù có lệnh hay không. Ráng tuân theo nội qui, thu hình cho bé lại, một người như mọi người, ai sao ta vậy, nín thở qua sông… Và giữ được như thế, không phải là dễ đâu. Quản giáo vệ binh nhiều kẻ không chịu được một thái độ mà họ qui chụp là ngạo mạn, họ luôn tìm dịp và cơ hội để hành tôi, biệt giam hay nhốt Conex hay hầm tối (không tốt cho sức khoẻ chút nào!).

HKP: Có dư luận không mấy thiện cảm với ông, vì họ cho là ông đã viết một bài ký, hay truyện ngắn gì đó có tên là “Giáng sinh trong rừng Katum” trên tờ Đứng Dậy, một tờ báo của linh mục Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan, mà trong đó có vài đoạn mà nhiều người cho rằng ông ca tụng chế độ Cộng Sản. Ông muốn nói gì về việc này?

TU: Có chứ. Điều thứ nhất là xin nhắc là mọi lời nói, chữ viết, nhất là chữ in ra, thời đó, đều phải theo đúng đường lối chính sách của Đảng CS. Đang đói thấy mồ ông nội ông ngoại, nhưng có ai hỏi tới, nhất là người ngoài, phải tuyên bố ngay “nhờ có Bác, Đảng và Nhà Nước, chúng tôi no đủ, không thiếu thốn điều gì, sung sướng lắm…” Tôi đứng tên tác giả hai bài ký đó, nhưng nhiều điều tôi viết chỉ là “bài bổn” thôi. Như những bài văn bài báo khác. Ngay bây giờ, sau vụ đó gần bốn mươi năm, có Đổi Mới rồi, các nhà văn nhà báo ở Việt Nam hiện nay, năm 2007, mới chỉ nói được một phần ý tưởng của mình thôi, và chỉ về những vấn đề Đảng cho phép. Và vẫn phải nói dối nói trá về khá nhiều điều. Bởi vì nói dối nói bịa là một đặc tính của nền chuyên chính vô sản, “sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”

Có một điều tôi nói khá thật trong hai bài ký ở Đứng Dậy hồi đó, là trong một buổi chào cờ đầu năm trong trại cải tạo Katum, khi thấy lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện (từ 30 tháng 4/75, chỉ thấy cờ Mặt Trận Nguyễn Hữu Thọ xanh vàng đỏ) tôi chấp nhận lá cờ đó là cờ của nước Việt Nam. Khoan nói đến địa hạt tình cảm, thích hay không thích, de facto cờ đỏ sao vàng là cờ của nước Việt Nam thống nhất. Điều đó là đúng sự thực, cũng đúng thật như cờ vàng ba sọc đỏ là cờ Việt Nam Cộng Hoà, một quốc gia yểu tướng chỉ tồn tại được có 21 năm (1954-1975) ở Đông Nam châu Á.

Bây giờ lá cờ vàng ba sọc đỏ được một số tiểu bang ở Mỹ công nhận là cờ biểu tượng của cộng đồng di dân Mỹ gốc Việt. May quá, vì về tình cảm, trong những lễ lạc ở Mỹ, tôi vẫn thích đứng nghiêm chào lá cờ vàng sọc đỏ, trong ý thức sáng suốt là nó chỉ tượng trưng cho một quốc gia đã mất. Lâu rồi…

HKP: Ông có thể cho biết bí quyết nào khiến cho ông giờ đây chỉ còn hoạt động được một nửa người, và đã bước vào tuổi bẩy mươi mà ông vẫn cho thấy một tấm lòng ngùn ngụt với văn chương và chữ nghĩa?

TU: Làm gì có bí kíp nào. Hoạ chăng nhờ may mắn là lấy được một cô vợ xinh xắn hiền thục, vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con (và cháu). Và khéo cả làm bếp nữa…

Ngoài ra có lẽ tại tôi cố giữ tinh thần lạc quan trong mọi tình huống, kể cả tình huống không lạc quan vào đâu được, như mấy tháng đầu sau khi bị stroke. Ngoài ra tôi ráng tránh không oán thù ai nhiều và lâu. Cái gì rồi cũng qua đi thôi. Hết chưa nhỉ? Còn. Tại tôi thích viết văn cho mọi người đọc cho vui. Như cụ Nguyễn Du đã phán: Mua vui cũng được một vài trống canh… Tại libido của tôi phong phú trên trung bình một chút chăng, tôi cũng chẳng biết rõ… Sau cùng chắc là cái “tạng” tôi nó thế…

HKP: Giờ đây với quĩ thời gian không còn nhiều, điều gì ông cho là quan trọng hàng đầu cho một nhà văn ?

TU: Sự thành thật, tự do viết, kiến thức và kinh nghiệm. Tôi thường hay góp ý với một vài bạn trẻ: nếu có thể, đừng nên viết về những gì mình chưa hoặc không trải qua.

Thế Uyên trả lời xong tháng 5/07, Seattle.

Nguồn: http://www.diendantheky.net/2013/06/hoang-khoi-phong-phong-van-nha-van-uyen.html

Comments are closed.