Về lời ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

Trần Hữu Thục

Nếu “Trăng tàn trên hè phố” (Phạm Thế Mỹ) hay “Chiều hành quân” (Lam Phương) hay “Biệt kinh kỳ” (Lê Dinh) vân vân… cho ta hình ảnh lãng mạn (và đầy hứa hẹn) của đời quân ngũ, thì cũng xuất hiện trong thời kỳ này (1956,1957), lúc chiến tranh còn đang giới hạn, “Phiên gác đêm xuân” của Nguyễn Văn Đông.

Bản nhạc vẽ nên một hình ảnh khác, nếu không muốn nói là hoàn toàn khác, về đời lính:

Đón Giao Thừa một phiên gác đêm

Chào xuân đến súng xa vang rền

Xác hoa tàn rơi trên báng súng

Ngỡ rằng pháo tung bay, ngờ đâu hoa lá rơi.

Không có cảnh “hồn xây mộng ước mai sau”, “cánh chim tung trời”, “vui với phong sương”, “lãng quên ngày tháng”; lại càng không “tuổi ba mươi mà ngỡ như trẻ thơ,” mà là “súng xa vang rền,” “xác hoa tàn rơi trên báng súng.” Tâm sự và nỗi lòng của người lính nghe như một tiếng thở dài:

Ước mong nhiều đời không bấy nhiêu

Vì mơ ước trắng như mây chiều

Tủi duyên người năm năm tháng tháng

Mong chờ ánh xuân sang, ngờ đâu đêm cứ đi

Chốn biên thùy này xuân tới chi?

Tình lính chiến khác chi bao người

Nếu xuân về tang thương khắp lối

Thương này khó cho vơi, thì đừng đến xuân ơi!

Bản nhạc này, theo Du Tử Lê trong một bài viết (đăng hai kỳ trên nhật báo Người Việt) về Nguyễn Văn Đông, (1) được sáng tác đêm giao thừa 1956, khi tác giả đang đóng quân ở Khu 9, Ðồng Tháp Mười. Có thể nói, sự xuất hiện của “Phiên gác đêm xuân” là dấu mốc đầu tiên đánh dấu tính hiện thực trong các ca khúc về lính, mở đầu cho những bản nhạc lính đặc thù sau này của nền nhạc miền Nam. Nó e ấp tiên báo sự lan rộng của cuộc chiến, trong đó người lính mang tính cách của một thân phận. Người lính không còn là kẻ lãng du. Không còn là niềm hưng phấn. Mà là kẻ gánh vác khổ nạn. Người lính đối diện với súng đạn, tuy còn “xa” nhưng đã “vang rền”. Trong khung cảnh đó, mọi mơ ước trở nên “trắng như mây chiều”, vì bóng “đêm cứ đi”.

Sau “Phiên gác đêm xuân”, Nguyễn Văn Đông cho ra đời thêm hai bản khác, mở rộng ý nghĩa và đi sâu hơn vào thân phận người lính: “Chiều mưa biên giới” được sáng tác khi ông đóng quân gần biên giới Việt-Miên và “Mấy dặm sơn khê” khi đồn trú ở vùng cao nguyên Trung phần. Khác với hình ảnh người lính chỉ như là một nét phác thảo có tính biểu tượng và một vài mơ ước chung chung, Nguyễn Văn Đông đã đưa ra một cái nhìn trực diện vào đời lính tráng: sự bất trắc. Mở đầu bản nhạc “Chiều mưa biên giới” là một câu hỏi khá “nỗi niềm”:

Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?

Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu

Kìa rừng chiều âm u rét mướt

Tự hỏi và tự trả lời:

Đêm đêm chiếc bóng bên trời (…)

Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng (…)

Người đi khu chiến thương người hậu phương

Thương màu áo gởi ra sa trường

Lòng trần còn tơ vương khanh tướng

Thì đường trần mưa bay gió cuốn.

“Chiều mưa biên giới” mới chỉ đề cập đến sự cô đơn, xa vắng. “Mấy dặm sơn khê” đi xa hơn: cái chết.

Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng

Ngoài mưa khuya lê thê

Qua ngàn chốn sơn khê.

Mấy ai ra đi hẹn …về dệt nốt tơ duyên

Chít lên vành tang trắng,

Cầm tay nhau đi anh

Tơ trời quá mong manh.(2)

Về giai điệu thì nhạc Nguyễn Văn Đông chưa có sắc thái gì mới so với những bản nhạc cùng thời. Nhưng lời ca thì trau chuốt hơn, nhiều ẩn dụ và đầy “tâm trạng”. Với những cụm từ rất gợi hình như “đứng ngóng”, “chiếc bóng”, “vành tang trắng”, “mưa khuya lê thê”, “mong manh”, Nguyễn Văn Đông vẽ nên một khung cảnh buồn về người lính phục vụ ở các tiền đồn. Lời ca vừa khinh bạc vừa chán nản. Ông dựng nên hình tượng một người lính miền Nam khá nghịch lý: một kẻ phiêu lãng, gắn bó với đời quân ngũ đồng thời lại là một kẻ cô đơn, khắc khoải về tương lai. Giấc mộng “khanh tướng” được đổi chác bằng một cuộc chơi sinh tử đầy “mưa bay gió cuốn.”

Đọc kỹ hơn lời ca, ta tìm thấy tâm trạng rối rắm của tác giả: vừa nhận rõ và chấp nhận trách nhiệm và vai trò của mình trong quân ngũ lại vừa than thở về chính trách nhiệm và vai trò đó. Vừa “bèo trôi theo xóm đưa”, lại “nghìn sau nối nghìn xưa”; vừa “Nước non còn đó một tấc lòng, không mờ xóa cùng năm tháng” lại “Chít lên vầng tang trắng, cầm tay nhau đi anh”; vừa “Anh hỡi anh, đường xa vui đấu tranh” lại “nghìn sau tiếc nghìn xưa.” Vừa chấp nhận lại vừa khước từ. Như đã nói ở trên: một nghịch lý. Hãy gọi là nghịch lý Nguyễn Văn Đông! Bên cạnh những “Chiều mưa biên giới”, “Mấy dặm sơn khê” hay “Anh trước tôi sau”, ta lại có “Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp” hay “Hải ngoại thương ca” chất ngất một niềm lạc quan hiếm thấy: “đời dâng cho núi sông”, “lòng này thách với tang bồng”, “cờ bay phất phới quên chuyện ngày xưa.” Một nghịch đảo hoàn toàn với “Đêm đêm chiếc bóng bên trời” hay “Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu.”

Qua ba bản nhạc, ra đời trong thời điểm chiến tranh đang còn diễn ra đâu đó xa xôi, ta tìm thấy hình ảnh người lính vừa bi hùng lại vừa bi tráng. Và không ngạc nhiên gì khi cả ba, đặc biệt là hai bản “Chiều mưa biên giới” và “Mấy dặm sơn khê” (và tác giả của chúng), phải trải qua nhiều “gian khổ” (3) trước khi đuợc phổ biến một cách rộng rãi. Nói như Du Tử Lê, Nguyễn Văn Ðông là người nhạc sĩ “đứng chông chênh giữa hai đầu tả, hữu”. Có lẽ Du Tử Lê muốn nói: “tả” là bi quan, tiêu cực; “hữu” là lạc quan tích cực. Theo tôi, không chỉ Nguyễn Văn Đông là kẻ đứng chông chênh. Mà nhạc lính về sau này, nói chung, đều đứng chông chênh như thế. Có thể xem đó là một trong những đặc tính của nhạc lính miền Nam trong suốt thời kỳ chiến tranh.

(Trích đoạn từ bài “Nhạc lính” của Trần Hữu Thục, xem: http://damau.org/archives/12005)

___________________________

(1) Du Tử Lê, Hình ảnh người lính khác, trong nhạc Nguyễn Văn Đông, nhật báo Người Việt 25/11/2009

(http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=104676&z=97) và

Nguyễn Văn Ðông và, điểm đứng chông chênh giữa hai đầu tả, hữu , nhật báo Người Việt 2/12/2009

(http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=104937&z=97)

(2) http://www.maiyeuem.net/vlyric-vl-mye78794d9669f76d8b18e47c8942a80d438net.html

http://lyricenter.com/viewvietlyric-3669-maydamsonkhe.php . Có bản ghi khác: “Khoát lên vòng hoa trắng” thay vì “Chít lên vầng tang trắng”. Đồng thời, có bản ghi “Non nước ơi, hồn thiêng của núi sông, kết trong lòng thế hệ” thay vì “Non nước ơi, bèo trôi theo xóm đưa, hiến thân đời gió bụi”. Hai ca sĩ Hà Thanh và Thái Thanh đều hát theo lời đã đổi này. Ngoài ra, “xóm đưa” hay “gió đưa”? “Gió đưa” thì có nghĩa hơn.

(3) Xem bài viết của Du Tử Lê.

Comments are closed.