Công bằng nào?

Thái Hạo

Thử đặt ra một tình huống giả định thế này. Tôi đang ngồi đợi để lên máy bay, trên băng ghế có thêm một người phụ nữ đang bồng con nhỏ, người này bay cùng chuyến với tôi. Đứa bé trên tay chị ta liên tục quấy khóc, nhìn sắc diện và phản ứng thì như đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Người mẹ đó nhờ tôi giữ hộ chiếc va li rồi vội vã đi mua thuốc cho con. 10 phút trôi qua vẫn chưa thấy chị ta trở lại, lúc ấy trên bảng điện tử đã hiển thị tín hiệu lên máy bay, tôi đành phải đứng lên, nhưng không biết giải quyết chiếc va li thế nào. Nghĩ, chị ta đi cùng chuyến mình, thôi cứ kéo va li này vào đứng xếp hàng, hi vọng chị ta trở lại kịp; bằng không thì giao nó cho nhân viên soát vé.

Đúng lúc tôi đang xếp hàng thì an ninh ập tới, bắt giữ tôi. Khám xét va li của người phụ nữ kia, người ta tìm thấy 10kg ma túy trong đó. Tôi nói đó không phải va li của tôi, nhưng không ai tin cả. Thế là tôi bị kết án tử hình vì tội "vận chuyển ma túy". OK, cứ cho là khi tôi không thể chứng minh được mình vô tội, tôi phải chịu hình phạt.

Nhưng, giả sử, trong quá trình điều tra, tôi chợt nhớ ra rằng, lúc người phụ nữ kia nhờ tôi giữ hộ va li thì cũng là khi tôi đang quay video ghi lại quang cảnh ở sảnh chờ. Trong video đó có tiếng (âm thanh) cuộc trao đổi của tôi và chị ta. Tôi cung cấp bằng chứng ấy cho cơ quan điều tra. Lúc này tôi còn có tội không? Nếu video đó là bằng chứng chứng minh hiển nhiên rằng tôi không phải chủ nhân của va li và số ma túy kia nhưng lại vẫn phải ngồi tù thì thật khó hiểu về cái gọi là pháp luật!

Thấy nhiều người dẫn luật ra và nói: không cần biết, miễn là anh xách ma túy thì nghiễm nhiên có tội. Và nếu đó không phải ma túy của anh thì chỉ là tội nhẹ hơn mà thôi, vì “phạm tội quả tang”. Tôi thấy quá vô lý. Nếu luật đúng là như thế thì cần phải sửa lại luật.

4 cô tiếp viên xách ma túy, nếu họ chứng minh được một cách thuyết phục rằng họ bị lừa thì phải thừa nhận họ vô tội chứ? Còn “tội” làm sai quy định của hải quan về việc xách hộ đồ thì là chuyện khác, sẽ bị xử theo quy định riêng, ở đây không bàn. Quy trình thả nghi phạm cũng không bàn, cái này cứ mang luật ra mà chiếu vào xem bên điều tra làm có đúng trình tự không, cái đó không khó.

Hãy đặt ra các giả định khác, ví dụ như bạn bị kẻ xấu lén bỏ ma túy vào ba lô, vào xe, hay vào nhà để hãm hại bạn, và thế là mặc nhiên bạn có tội; việc chứng minh sự không liên quan chỉ giúp giảm nhẹ hình phạt chứ không thể xóa tội, lúc ấy bạn có nói là luật pháp bất công hay không?

Hành vi xách hộ đồ của 4 cô tiếp viên là sai, và họ đã phải chịu hậu quả (bị đuổi việc). Tuy nhiên, vụ án vẫn tiếp tục được điều tra chứ chưa kết thúc, nếu có bằng chứng mới chứng tỏ rằng 4 cô này có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, các cô ấy sẽ lại bị bắt giữ.

Nói rộng hơn (không liên hệ đến trường hợp của 4 cô tiếp viên): nếu cho rằng cứ cầm hộ mà có ma túy trong đó thì nghiễm nhiên có tội, thế thì có nghĩa là luật đã phá vỡ đi những quan hệ lành mạnh giữa người với người. Như cái giả định mà tôi đưa ra ở đầu bài, vì nghĩ tới luật rằng mình có thể phải ngồi tù nên tôi dứt khoát không giúp đỡ người phụ nữ kia, vậy tôi buộc phải sống tệ đi. Một lần nữa, luật như thế là không ổn, dồn trách nhiệm bảo vệ trị an lên vai người dân. Có bạn sẽ nói, vậy thì hãy kiểm tra trước khi nhận lời! Làm sao mà trơn tru hết mọi việc như thế được, trong cuộc sống có vô vàn tình huống khiến người ta không thể làm khác được kia mà. Bạn đi từ Hà Nội về Vinh, người bạn thân của bạn nhờ mang hộ gói đồ ăn về cho mẹ bạn ấy, chẳng lẽ bạn từ chối? (Xin nhắc lại, không liên hệ những tình huống này với chuyện xách đồ của 4 tiếp viên).

Từ trong thâm tâm, tôi chỉ mong rằng đúng là các cô tiếp viên này bị lừa. Và nếu bị lừa thì các cô ấy sau khi chịu hậu quả có liên quan đến công việc và tài chính (bị phạt), các cô sẽ được về nhà. Việc điều tra và phá án là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, họ phải có trách nhiệm triệt phá đường dây và bắt giữ những kẻ phạm pháp.

Ở một khía cạnh khác, liên quan đến tố tụng văn minh là nguyên tắc “suy đoán vô tội”, luật sư Ngô Anh Tuấn, trong bài viết Thời lên ngôi của nguyên tắc suy đoán vô tội?, nhận định: “Ở nhiều quốc gia, cơ quan pháp quyền sẵn sàng trả tự do cho các đối tượng tình nghi sau quá trình thẩm vấn ngắn mà không mang lại hiệu quả – Họ chủ trương thả nhầm còn hơn bắt ép. Có những vụ án, người ta mất cả chục năm cho trinh sát theo dõi người được phóng thích và bắt giữ họ khi đủ cơ sở cáo buộc. Còn ở ta, áp lực về thành tích quá lớn khiến cho những người thực thi nhiệm vụ bất đắc dĩ phải làm sai. Các hành vi tiêu cực xuất phát từ cả hai phía đôi khi từ đây mà ra…”.

“Do đó, việc 4 cô tiếp viên xinh đẹp của Vietnam Airlines được trả tự do, với tôi, đó là tín hiệu đáng mừng hơn là đáng lo. Loại bỏ đi các thuyết âm mưu, tôi cho rằng đây là bước tiến quan trọng để chúng ta có dịp đưa những quy định vô tri trong sách vở vào thực tế. Nó mở ra cơ hội để những đối tượng tình nghi, thậm chí là bị can, bi cáo được trả tự do sớm khi không đủ hoặc chưa đủ cơ sở để cáo buộc họ. Thế nên, tôi mong đây sẽ là một tiền lệ tốt, chứ không trở thành một ngoại lệ để cánh luật sư chúng tôi và nhiều người có thêm cơ hội được sống trong không khí của một nền tố tụng công bằng, hợp pháp, hợp lý hơn theo như mong ước chính bản thân mình” (hết trích).

Nhìn sâu vào tâm lý, việc nhiều người bất bình với hành động thả 4 cô tiếp viên khi “chưa đủ cơ sở khởi tố” có lẽ xuất phát từ những tiền lệ “xách hộ bị lãnh án” từ trước đến nay. Nghĩa là người ta đòi hỏi công bằng. Nhưng, là loại công bằng nào? Tại sao sự “công bằng” lại không được đòi hỏi theo hướng ngược lại, là hãy trả tự do cho những người đang bị giam giữ vì “xách hộ nhưng không biết” như 4 cô này? Và từ nay, sẽ lấy đó làm nguyên tắc pháp lý trên thực tiễn? Suy rộng ra, tất cả các án “chưa đủ cơ sở” đều phải được phóng thích mà vụ Hồ Duy Hải là một điển hình. Tôi nghĩ, nên lấy việc thả người trong vụ 4 tiếp viên này làm bàn đạp, vận động xã hội theo hướng văn minh thay vì kéo nó trở về với sự “công bằng phi nhân” vốn đã gây ra quá nhiều oan sai và đau khổ cho nhiều người, mà không chỉ là trong các vụ án ma túy.

Cuối cùng, để cho ma túy tràn lan trong dân, gây ra biết bao hệ lụy cho xã hội thì nhà nước là đối tượng phải bị chỉ trích đầu tiên. Trách nhiệm của công dân là tố giác tội phạm và đòi hỏi các “cơ quan chức năng” làm tốt công việc của họ, trả lại sự trong lành và bình yên cho xã hội. Lấy “bắt nhầm còn hơn bỏ sót” làm phương pháp quản lý xã hội là một cách làm khỏe nhất mà hậu quả luôn là do người dân gánh chịu; nguy hiểm hơn, nó sẽ là mối họa tiềm tàng đối với bất cứ ai, vì tất cả đều trở thành “tù nhân dự khuyết”.

T.H

Comments are closed.