Đầu năm nghĩ gì (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi, số 136)

Tương Lai

Đã gửi gió cuốn đi đôi điều tản mạn về “Cuối năm nhìn lại” thì e cũng phải có đôi điều “Đầu năm nghĩ gì” cho phải đạo, chứ lẩn tránh nỗi e ngại phạm huý mà lờ đi sao đặng! Ví như chuyện động trời mà dân tình đang râm ran kháo nhau về câu Sấm Trạng Trình “nghe mà dựng tóc gáy” về những tiên đoán “thần sầu quỷ khốc” của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm cách nay đã năm trăm năm vẫn trúng bóc, cấm có sai một chữ thì trong buổi đầu năm phải nghĩ đến chứ còn “nghĩ gì” nữa cơ chứ!

Vốn dốt về chữ Nho, thấy trên mạng đăng hình bèn chụp lại nhằm biểu tả rằng giữa thanh thiên bạch nhật “nói có sách mách có chứng

những mong có bậc túc nho quan tâm đến vận nước mà dịch ra thì quá may cho kẻ dốt nát này. Vả chăng, về danh chính ngôn thuận thì đã có việc “lên phương án bảo tồn” ngày 8-5, 2020 của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng đề xuất với UBND TP Hải Phòng về vụ việc trên. Theo đó, để UBND xã Kiến Thiết tiếp tục bảo quản hai tấm bia đá, đồng thời chủ trì mời các nhà khoa học, cơ quan quản lý có liên quan nghiên cứu, xem xét xác định giá trị các hiện vật được phát hiện nêu trên để đề xuất biện pháp xử lý theo quy định hiện hành. Cũng trong ngày 8-5, UBND TP Hải Phòng phát đi công văn “hỏa tốc” giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì cùng Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an TP và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh cụ thể và phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Tiên Lãng thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định của pháp luật hiện hành, báo cáo UBND TP kết quả thực hiện trước ngày 20-5-2020.

image

Thật ra thì câu chuyện “Sấm Trạng Trình” đã được gợi ra từ những năm trước đây và tôi cũng được biết qua loa nhưng vì thấy đây cũng chỉ là chuyện kể thiếu sở cứ mà tôi cũng đã từng có dịp biết, nên bỏ qua. Thế rồi gần đây đọc bài viết nghiêm túc với những cứ liệu tương đối rành rọt của nhà nghiên cứu Hà Văn Thuỳ về “Giải mã di ngôn của Trạng Trình trên hai tấm bia Tiên Lãng” tôi mới chú tâm suy ngẫm về những điều tác giả viết: “Nhóm nghiên cứu khoa học xã hội độc lập” được tổ chức trên cơ sở tự nguyện gồm những người hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trên nguyên tắc không vụ lợi, nhằm nghiên cứu, trao đổi, hợp tác và chia sẻ thông tin trong các lĩnh vực khoa học xã hội nói chung, đặc biệt quan tâm những vấn đề thuộc Lịch sử, Dịch học, Phong thủy… Nhóm gồm các nhà nghiên cứu trong nước kết hợp với “Ngũ độn tẩu” (Năm người già ở ẩn, toàn những Cụ ngoài tám mươi và gần chín mươi tuối), người Việt tại Pháp, những học giả có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy tại Viễn Đông Bác cổ Paris và các đại học tại Pháp về Hán ngữ cổ và Phương Đông học. Từ năm năm nay nhóm tập trung vào giải mã các dự ngôn của Á Đông. Qua đó tìm ra các phương pháp cổ nhân trước tác các dự ngôn, sấm thư, vĩ thư. Bằng nhiều phương pháp khác nhau, từ khảo cứu các bản chính văn (Cự ngao đới sơn, Ngụ hứng (cận thủy…), Ngụ hứng (thập nhị phong), Quy lão ký Lại bộ Thượng thư Kế khê bá, Trừ tịch tức sự, Xuân đán cảm tác, Lô hương ký… ), sấm ký và những câu đồng dao, thơ ca lưu truyền trong dân gian; kết hợp với rất nhiều lần đi nghiên cứu thực địa tại hai huyện Vĩnh Bảo và Tiên Lãng, tới các nơi như: Ba Đa, Ba Đồng, Chùa Đót, Thanh Trì, thôn Hà Dương, chùa Hoa Am… Ngày 6/5/2018, nhóm nghiên cứu trong nước do Tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh dẫn đầu khảo sát tại khu vực Cống Cá thôn Thanh Trì, xã Kiến thiết (Giờ bắt đầu khảo sát là giờ Bính Thìn, Ngày Mậu Tuất của Tháng Bính Thìn Năm Mậu Tuất). Sau hơn hai giờ đã tìm được hai bia đá. Một cụ ông trong thôn được mời ra đọc. Cụ cho biết đây là bia liên quan tới mộ phần Trạng Trình và các vua nhà Mạc. Để làm việc này, Tiến sỹ Vịnh đã thông qua lãnh đạo cấp cao nhất của thành phố và báo cáo công an huyện Tiên Lãng, lãnh đạo xã Kiến Thiết. Sau khi chụp ảnh các chi tiết cần thiết phục vụ cho nghiên cứu, bia được niêm phong và giao cho Ủy ban xã Kiến Thiết bảo quản. Qua đánh giá ban đầu cho thấy: đây không phải loại bia thường đặt trước mộ hay đình chùa, mà là hai tấm bia được làm để chôn xuống đất nhằm bí mật chuyển tải di ngôn của người làm bia cho hậu thế. Ảnh hai tấm bia được Tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh công bố trên mạng và chia sẻ với bạn bè. Chữ trên bia là chữ cổ, có lẽ do làm bí mật, phải dùng thợ khắc yếu tay nghề nên chữ xấu, rất khó đọc. Một Tiến sỹ Hán Nôm đọc không nổi, phải nhờ vị túc nho đọc giúp.

Vừa rồi lục lại trong “Hồ sơ Máy tính” của mình, tìm lại được bài viết của anh Nguyễn Thuỵ Kha trên GiadinhNet ngày 09/02/2010, tôi bàng hoàng về tác động của bài viết, xin chép lại đây: “Dường như đây cũng là một cái “duyên” trời định cho tôi. Đó là một câu chuyện hết sức tình cờ. Tôi không bao giờ nghĩ rằng lại có chuyện này xảy ra trong cuộc đời. Đó là vào đầu năm 1991, tôi ngồi với mấy người bạn và nói rằng: “Năm nay kỷ niệm 500 năm ngày sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi không hiểu tại sao chúng ta không làm phim về ông. Câu đó lọt vào tai một người bạn và chỉ hai tháng sau việc đó thành hiện thực. Bộ Văn hoá quyết định làm một bộ phim về Nguyễn Bỉnh Khiêm và lại chọn đúng tôi để thực hiện bộ phim đó. Trong quá trình làm phim, tôi có nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ hơn về ông, dù trước đó nhiều năm tôi cũng đã tự tìm hiểu về ông vì vốn dĩ tôi rất kính trọng ông. Quê hương của ông cũng chính là quê hương của tôi, làng Trung Am. Bất ngờ hơn nữa, trong gia phả thì họ Nguyễn Thuỵ của tôi là một cành nhánh của họ Nguyễn Bỉnh. Sau khi phim hoàn thành, Nhà nước quyết định sẽ tổ chức kỷ niệm 500 năm ngày sinh cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm một cách long trọng. Dù sống trước chúng ta hơn 500 năm nhưng ngay từ thời ấy, thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã rất hiện đại. Ví dụ như câu: “Vếu váo câu thơ cũ rích/ Khề khà chén rượu hăng xì”. Ai thời ấy có thể làm được câu thơ như thế. Và ngay cả bây giờ cũng có ai làm được câu thơ như thế đâu… Cái lớn nhất về thơ mà Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại cho hậu thế là đã nghĩ ra thơ lục ngôn. Đó là một nhịp thơ khác, riêng của ta. Còn thơ nhất ngôn, nhị ngôn, tam ngôn, tứ ngôn, ngũ ngôn, thất ngôn đều có ở Trung Quốc cả. Nhưng riêng thơ lục ngôn thì chỉ duy nhất Việt Nam có. Nghĩ ra thơ lục bát đã là giỏi nhưng thực chất nó vẫn có ở Trung Quốc, còn lục ngôn thì là thể thơ độc đáo của riêng Việt Nam”.

Vậy là, câu chuyện “Sấm Trạng Trình” có cơ sở để lưu lại trong “tư duy khoa học xã hội học, triết học” của tôi, chỉ tiếc rằng đã bước vào tuổi 88, tôi không còn sức để thực hiện nổi một cuộc “khảo sát thực địa” như trước đây vớ được một “sự kiện” như “Sự kiện Thái Bình” năm nao mà tôi đã hăng hái nhào vào bất chấp những hệ luỵ không sao lường trước được. Từ chiều sâu của những trải nghiệm xã hội học, tôi nghĩ phải nghiêm túc suy ngẫm và tìm hiểu những vấn đề tâm linh mà tôi đã trải nghiệm, đặc biệt là từ văn hoá dân gian (folklore). Điều này thì tôi được thuyết phục bởi nhà sử học tài danh Trần Quốc Vượng mà tôi rất mực kính phục. Với người bạn đã quá cố của tôi thì “Việt Nam ta đã có mấy nghìn năm văn hiến… thì dù có xa nhau vạn dặm đường, dù có khác nhau nhiều môi cảnh, dù có tiếp thu, ở những mức độ khác nhau trong những “không – thời gian” khác nhau về nhịp điệu tiếp biến văn hoá thì Việt Nam ta “bốn ngàn năm ta vẫn là ta” “mà TA chính là Dân gian mà cũng là dân tộc”.[1] Khi tiến hành những cuộc khảo sát xã hội học, chúng tôi tìm về trong “kết cấu hạ tầng tâm lý xã hội” (infrastructure psychologique) của đời sống dân tộc đã được trải nghiệm qua hàng ngàn năm tồn tại để cố tự lý giải cho mình về niềm tin tâm linh đó từ “nền tảng cổ truyền đã qua nhiều tiếp biến và phát triển” của văn hoá dân gian nói riêng và văn hoá dân tộc nói chung mà nhà sử học tài danh Trần Quốc Vượng, người bạn thân thiết đã quá cố, từng nhiều lần trao đổi với tôi.

Gợi chuyện “Sấm Trạng Trình” trong lời tiên tri cách nay hơn 500 năm về “trọng cái kia, bạc cái nọ, xọ cái tày trời” mà nhắc đến e phạm đại huý, nên phải lờ đi, nhưng lòng vẫn day dứt suy tư về vận nước. Thao thức không sao ngủ được. Bỗng mang mang thoáng nghĩ đến một lời bàn được gửi vào thơ “Câu sấm tiền triều phi chiến địa, xa rồi ôi cố đô Thăng Long” mà không nhớ nổi là của ai. Lọ mọ tìm trên mạng thấy có ai đó viết “Thăng Long phi chiến địa tự đốt cháy mình để giành chiến thắng. Thăng Long phi chiến địa. Thiên hạ vạn đại xương. Thăng Long – Hà Nội không muốn có chiến tranh” không như câu tôi thoáng nhớ.

Nhưng, có đúng là “phi chiến địa” không? Chẳng phải là có những cuộc chiến còn tàn khốc và đáng sợ, và trên một ý nghĩa nào đó, còn đáng sợ hơn cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, vì nó mở đường cho kẻ thù chưa cần đem quân viễn chinh xâm lược vẫn cướp được nước bằng “món võ cổ truyền” của thầy Tàu phương Bắc: cố tóm bằng được kẻ cầm đầu vì muốn muốn giữ chặt cái ngai vàng quyền lực nên sẵn sàng ôm chân kẻ xâm lược! Thì chẳng phải “Hoàng Lê nhất thống chí” đắng cay mà viết “Nước Nam ta từ khi có đế có vương tới nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế[2] đó sao. Lời cảnh tỉnh của người xưa chắc là chưa ứng nghiệm được với “hậu thế thời hiện đại của thế kỷ XXI”?

Phải chăng vì thế mà dân gian mới rầm rộ chào đón và râm ran bàn tán – đúng là bàntán – về câu “Sấm Trạng Trình”. Nghĩ cho kỹ, sao mà không râm ran bàn tán được, chẳng hạn như chuyện hiển hiện ra dưới tấm bia đào lên được trong câu chuyện “Thằng Trứ phá đền” mà dân gian truyền tụng và được ghi chép: “Vào giai đoạn thế kỉ XIX, những năm 1834, vào đời Minh Mệnh thứ mười bốn, tức 249 năm sau khi Nguyễn Bỉnh Khiêm qua đời, vua Minh Mệnh có chiếu dụ cho Nguyễn Công Trứ đi khai phá vùng đất Hải Dương, đào sông mở đường giúp cho dân chúng phát triển. Ở tại đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm trấn Hải Dương, Nguyễn Công Trứ thấy cần phải di dời đền thờ Trạng thì mới đào được con sông theo ý muốn. Ông liền xin phép triều đình và được chấp thuận. Lúc di dời những đồ đạt có trong đền, khi động đến bát nhang, binh lính thấy ở dưới có một bia đá nhỏ phủ vải điều, bèn đưa cho Trứ xem, Trứ kinh hãi toát mồ hôi lạnh đổ mồ hôi tay, lúc đọc mấy dòng chữ ‘Minh Mệnh thập tứ/ Thằng Trứ phá đền/ Phá đền thì phải lập đền/ Nào ai đụng đến doanh điền nhà mi.’” Và thế rồi, miên man trong suy ngẫm, thao thức không ngủ được những mênh mông thế sự trong câu “Sấm Trạng Trình” gợi biết bao suy tư. Ra ngồi trước ban công nhà, nhìn sang bờ đối diện của dòng sông lững lờ trôi dưới ánh trăng, điểm xuyết một bóng cò từ luỹ tre vọt ra lượn bay là là mặt nước, bỗng nhớ câu thơ Thôi Hiệu trong Hoàng Hạc lâu:

日暮鄉關何處是 Nhật mộ hương quan hà xứ thị, Quê hương khuất bóng hoàng hôn

煙波江上使人愁 Yên ba giang thượng sử nhân sầu, Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai

Bài thơ toàn bích đến độ người ta đồn rằng, khi đến Hoàng Hạc Lâu, Lý Bạch định làm thơ, đã thấy thơ Thôi Hiệu đề trên vách, đọc xong, vứt bút, ngửa mặt than rằng: “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc, Thôi Hiệu đề thi tại thượng lầu. (Trước mắt thấy cảnh không tả được vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên lầu). Một “thi tiên” với mấy ngàn bài thơ vào hàng tuyệt bút, làm xong bài nào vứt bài ấy, nhờ ghi chép lại của người đời thì chỉ còn khoảng một phần mười được giữ lại. Kiêu bạc, phóng túng đến cỡ ấy thì khó để có thể nói gì hơn. Ấy vậy mà Lý Bạch “dám chịu thua” một tài năng Thôi Hiệu. Phải chăng đó là một phẩm cách? Cần nhớ rằng “thi tiên” Lý Bạch từng đặt chân du ngoạn trên nhiều nơi, làm thơ và uống rượu, cũng clip_image006[7]từng bị đi đày. Tại ghềnh Thái Thạch (một khúc thuộc sông Trường Giang), huyện Đang Đồ, tỉnh An Huy, trong một đêm rằm, Lý Bạch đang say thấy trăng in đáy nước đẹp quá, liền nhảy xuống với bắt mà chết đuối. Nơi đó có một cái đài, người sau đặt tên là Tróc nguyệt đài (đài bắt trăng). Chuyện này được Đỗ Phủ, người đời gọi là “thánh thơ,” cùng với “tiên thơ” Lý Bạch trở thành hai thi nhân vĩ đại nhất của lịch sử văn học Trung Hoa, kể lại.

Trong tản mạn suy tưởng và hoài niệm, biết rằng mọi so sánh đều khập khiễng, và những hoài niệm đều gợi nỗi buồn! Những hoài niệm ấy đã mượn “gió cuốn đi” cách nay chưa lâu lắm về hình ảnh con cò lờ mờ hiện lên trong sương sớm bên bờ sông vắng, để rồi chìm đắm trong lời khẩn cầu da diết của cò mẹ: “Ông ơi ông vớt tôi nao. Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng. Có xáo thì xáo nước trong, Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”.

Theo tôi, đó là bài ca dao hay nhất trong số những ca dao mà tôi đã được biết. Hay nhất vì thấm đẫm tính nhân bản về con cò “đậu phải cành mềm…”. Đó là một hạt ngọc trong veo giữa chuỗi ngọc của phẩm giá làm người “sống đục không bằng chết trong” bao đời ông cha ta gìn giữ. Thú thật rằng, trong cảm thức thẩm mỹ hàm chứa tính nhân bản, tôi trân trọng và thấm thía “hình tượng thơ” của “Con cò mà đi ăn đêm” cũng chẳng kém là bao những tuyệt bút Lý Bạch, Thôi Hiệu của Đường Thi.

Nói như vậy chính vì, với tôi, sự nhuần nhị và thanh thoát trong tấm lòng cao cả của “cò mẹ” mang dáng dấp người Mẹ Việt Nam ngàn đời can trường, hy sinh trong bình dị, chịu đựng trong nhẫn nại, cao cả trong thiết thực. Những người Mẹ Việt Nam lầm lũi mưu sinh trong sự nhẫn nại vô bờ bến cho con mình. Vì con, người Mẹ có thể chịu đựng mọi đắng cay thách thức, cố sao cho con “nên người” giữa cuộc đời đầy rẫy cạm bẫy. Đương nhiên, không chỉ trên đất nước ta.

Giữa thế kỷ XX, trong diễn văn nhận giải Nobel văn học, Albert Camus đã lên tiếng cảnh báo thế hệ trẻ đang phải “sống trong một lịch sử điên loạn, chết không được cứu vớt, sống như tất cả mọi người cùng tuổi với tôi trong những cơn co quắp cuả thời đại”. Phải chăng vì thế mà thiên tài Albert Einstein đòi hỏi “Hãy có can đảm để đại diện một cách nghiêm túc những niềm tin đạo đức trong một xã hội đầy rẫy những kẻ vô liêm sỉ”.[3] Trong một xã hội mà “liêm sỉ” là một thứ xa xỉ thì những khái niệm nhân bản, nhân tình, nhân ái chỉ được đưa ra đầu lưỡi để che giấu những thủ đoạn đê hèn, nếu không là sự giả trá bịp bợm. Chính vì thế mà cũng trong diễn văn nhận giải thưởng Nobel văn chương vừa nhắc, nhà văn Pháp đã đòi hỏi: “Cái thế hệ này của tôi, từ những phủ định của chính mình, đã phải dựng xây lại ngay trong bản thân mình và xung quanh mình một chút giá trị gì còn lại đủ để tạo thành niềm kiêu hãnh sống và niềm kiêu hãnh chết. Thế hệ này đã chấp nhận cuộc thách thức kép của chân lý và tự do. Và nếu có phải chết nó cũng biết chết mà không hề oán hận cuộc thách thức ấy!”.Tôi muốn tìm thấy trong “cuộc thách thức” của nhà tư tưởng hiện sinh tiêu biểu nhất ấy hình ảnh thấm đượm tính nhân bản của “cò mẹ” với lời khẩn cầu cho mình “được chết trong” để khỏi đau lòng cò con”.

Trong sâu thẳm tâm thế dân tộc Việt Nam ta, cái khí phách sống đục không bằng chết trong luôn chiếm lĩnh một vị trí cực kỳ thiêng liêng. Đương nhiên đương đầu với cái chết thật không dễ, Nguyễn Trãi là một ví dụ. Ai đó đã nói đúng: “Nguyễn Trãi nhân nghĩa quá, trung thực quá, thanh liêm quá. Nguồn gốc sâu xa của thảm án vô cùng đau thương của Nguyễn Trãi bị “tru di” ba họ là ở đó”.[4] Nhà trí thức số một của dân tộc phải gánh chịu nỗi đau thương của cường quyền và cuộc huỷ diệt lẫn nhau giữa lực lượng cầm quyền trong cuộc tranh bá đồ vương đầy rẫy trong mọi thời đoạn bi thương của lịch sử. Bài “Cảm hoài” của Đặng Dung là một ví dụ tiêu biểu. Được làm trong nỗi đau chưa đền được nợ nước: “Thế sự du du nại lão hà” (Việc đời còn dằng dặc mà ta đã già tính sao đây?). Đau đáu nỗi bi thương “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch, Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma (Thù nước chưa trả được mà tóc đã sớm bạc. Vẫn kiên trì bao phen mài kiếm dưới trăng chờ ngày phục hận). Bài thơ ngùn ngụt khí phách của người chiến bại nhưng không cam chịu bó tay. Lý Tử Tấn, danh sĩ thời hậu Lê viết rằng: “Phi hào kiệt chí sĩ bất năng” (Không là kẻ sĩ hào kiệt thì không viết được như vậy) là một ví dụ tiêu biểu từng gây ấn tượng mạnh với niềm xúc động sâu sắc trong tâm hồn Việt thuộc nhiều thế hệ. Xin dẫn tiếp hai câu bộc lộ rõ khí phách ấy:

致 主 有 懷 扶 地 軸Trí chủ hữu hoài phù địa trục Giúp chúa những mong nâng địa trục

洗 兵 無 路 挽 天 河 Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà. Rửa binh không lối kéo thiên hà.

Trải qua bi thương, dân tộc lại vươn mình đứng dậy, đẩy đất nước đi tới. Đó cũng là quy luật của lịch sử. Tuy phải chịu đựng nỗi đau nghìn năm Bắc thuộc, dân tộc ta vẫn không chịu sống quỳ. Đó không là một ngoa dụ mà là một thực tiễn sống động được kiểm chứng, đang được chứng minh với những bước đi mới.

Cách đây không lâu, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, tôi đọc thấy, trên “Diễn Đàn” ở Paris ngày 5.10.2021 đăng bài của Hồ Bạch Thảo “Niềm tin vào lịch sử” với hình ảnh tìm lại những cọc gỗ Bạch Đằng xác minh các sử liệu xưa. Nhà sử học viết: “Chiến thắng Bạch Đằng lại được khẳng định một lần nữa với kỹ thuật hiện đại bằng hai công nghệ: “định tuổi gỗ bằng carbon phóng xạ” và “máy định vị GPS ”; sự kiện được nêu lên qua bài viết nhan đề “Bạch Đằng: một chiến trường hiển lộ dần” của nhà nghiên cứu Lauren Hilgers đăng trên Archeology vào 3/tháng 4/2016 do Trần Ngọc Cư dịch. Nội dung cho biết vào thập niên 1950 các nhà khảo cổ Việt Nam đã phát hiện hệ thống phòng thủ trên sông trong một ruộng lúa gần sông Bạch Đằng chạy ra biển; gồm những cụm gỗ dày đặc, chôn dưới bùn, mũi chĩa lên theo các góc khác nhau. Hồ Bạch Thảo còn cho biết nhận xét của Kimura, hiện làm việc tại Đại học Tokai, Tokyo: “Các nhà nghiên cứu của Việt Nam trước đó không thể giải thích rõ ràng các cọc gỗ đã được phân bố trên trận địa như thế nào. Trong những năm 1950 người ta chưa sử dụng được cách định tuổi gỗ bằng carbon phóng xạ; cũng như chưa xác định nơi đóng cọc bằng máy định vị GPS.”

Ông viết thêm: “Trong các năm 2010, 2011,2013, ông Kimura cùng học giả Staniforth trở lại Việt Nam, khai quật ao cá gần sông Bạch Đằng, họ phát hiện được tổng cộng 55 cọc gỗ, cùng với các mảnh đồ gốm và gỗ. Điều quan trọng là các cọc gỗ được giám định có độ tuổi từ 700 năm trở về trước; gần như chắc chắn có liên quan đến cuộc xâm lăng của quân Mông cổ vào năm 1288”. Nhà sử học kết luận: “Công việ̣c không dừ̀ng tại đây, chúng ta hãy kiên nhẫn tiế́p tục phố́i kiểm với nguồ̀n tư liệu quốc tế xác minh các sử liệu xưa. Càng xác minh, càng củng cố thêm niềm tin về̀ lịch sử, tin tưởng và̀o tiền đồ tổ quốc.

Cùng với sự “xác minh” đó, phải chăng việc xác minh sự nghiệp văn thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong đó có “Sấm Trạng Trình” là một đòi hỏi của văn hoá dân tộc, của lịch sử dân tộc. Những đầu óc thiển cận nếu chưa gọi là vong bản, quên cội nguồn dân tộc, chắc gì đã hiểu nổi điều ấy, hoặc hiểu được phần nào nhưng cố ỉm đi nhằm né tránh những hệ luỵ nặng nề sẽ phải gánh chịu. Bởi lẽ, câu chuyện “Sấm Trạng Trình” đang được dân tình rộn ràng tìm hiểu, thật sự là một mối lo cho những nhân vật mà câu “Sấm” hướng vào đúng vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Chẳng thế mà BBC ngày 19.1.2023 loan tin: “Trong lịch sử Đảng CSVN và Quốc hội VN chưa bao giờ có chuyện 27, 28 Tết, các đại thần quan phải bỏ việc nhà, bỏ nhiệm sở, họp nhau chia lại các ghế trên thượng tầng quyền lực […] Mọi manh nha của những đòi hỏi “Cải cách Thể chế”, biết đâu sẽ dẫn tới “Cách mạng Màu”, phải được triệt từ gốc. Đây là điều các lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam công khai đồng ý với nhau từ cuối tháng 10 năm ngoái và luôn được các báo chính thống nhắc”. Bài báo giật tít: “Lo ‘đêm dài lắm mộng’ nên Đảng xử lý gấp gáp nhân sự cao cấp?”…. BBC lưu ý thêm: “[…] những con số biết nói […] “đêm dài lắm mộng”, ông sợ nếu không dứt điểm trước Tết, các phe phái có thêm thời gian, có thể bày ra lắm mưu nhiều kế, gây bất lợi …”.

Cái “mộng” gì mà thất nhân tâm làm vậy, vì “sợ gây bất lợi” cho phe cánh núp sau cái ngai vàng quyền lực mà bất chấp một tập quán ngàn đời thấm đẫm tính nhân bản từng chìm sâu trong tâm thế người Việt “chuyện gì cũng phải đợi cho qua ba ngày Tết”.

Sự tàn nhẫn của cái gọi là chính trị ấy thì sách báo đã nói nhiều. Vậy mà giáp Tết, anh bạn thân của tôi, anh Th. Ng., muốn làm dịu nỗi bức xúc, đã gửi cho tôi câu chuyện của bà Thatcher, Chủ tịch Đảng Bảo thủ nước Anh, được bầu làm Thủ tướng, đã yêu cầu người Trợ lý dự thảo bài diễn văn nhậm chức, trong đó có những câu: “… Không thể thiết lập nền an ninh bền vững bằng số tiền đi vay… Không thể cứu giúp người nghèo bằng cách triệt hạ kẻ giàu… Không thể giúp người làm công ăn lương bằng cách tiêu diệt kẻ trả lươngKhông thể tạo dựng ý chí và lòng can đảm nếu lấy đi óc sáng kiến và tính độc lập của con người…”. Bà Thủ tướng im lặng lắng nghe rồi lẳng lặng ghi vào một tờ giấy nhỏ: “Tôi sẽ không bao giờ đi bất cứ đâu mà không mang theo bài phát biểu này”.

Tôi hiểu tấm lòng của bạn và dụng ý của anh, vì anh đã gợi cho tôi nhớ ra những hoạt ngôn rủng roảng và hùng hồn một dạo đã nghe vào khoảng bảy năm trước đây: “hoàn thiện thể chế để bảo đảm ‘không thể’, ‘không dám’, ‘không muốn’, ‘không cần’ tham nhũng, rồi rủng roảng hơn nữa: Nhốt quyền lực trong lồng thể chế”… mà cứ băn khoăn không hiểu đây là cái thể chế gì?

Liệu có phải là cái thể chế đang dựa vào số tiền đi vay để duy trì sự an ninh, cứu giúp người nghèo bằng cách triệt hạ kẻ giàu, giúp người làm công ăn lương bằng cách tiêu diệt kẻ trả lương, tạo dựng ý chí và lòng can đảm bằng cách triệt tiêu óc sáng kiến và tính độc lập của con người. Và rồi cái “lồng thể chế để nhốt quyền lực” được chế tác ra sao? Bằng thép không rỉ hay sơn son thiếp vàng?

Có khi chiếc lồng được đan bằng vàng ròng cũng nên, vừa đẹp vừa bền lại được độc quyền sử dụng “theo đúng thể chế” luôn được canh phòng nghiêm mật, chẳng kẻ nào dám xớ rớ đến gần. Chắc vì thế mà bảy năm trôi qua cái lồng quyền lực ấy đã tạo ra được nhiều cái lò mà những củi khô, củi tươi đút vào đều rừng rực cháy, thiêu rụi những kẻ cần thiêu bất luận thế nào, tuỳ theo những bản án bỏ túi theo đúng luật pháp đầy rẫy tính nhân bản, nhân ái, nhân tình, nhân văn.

Kể sao cho xuể các loại “tội phạm” đó xin tạm bằng lòng với một bài vắn nhặt được trên mạng: “Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, ngoài kỳ họp chính thức, Ban Chấp hành Trung ương đảng phải tổ chức họp bất thường ba lần để giải quyết vấn đề nhân sự, loại bỏ cả chục thành viên, trong đó có hai đảm trách vai trò Ủy viên Bộ Chính trị và Quốc hội cũng y hệt như thế… Cũng chỉ trong vòng một năm, ngoài Chủ tịch Nhà nước từ nhiệm, còn có hai Phó Thủ tướng được… cho thôi việc, chưa kể hàng loạt Bộ trưởng, Chủ tịch các địa phương phải… chuyển công tác, kể cả vào tù để… hợp tác điều tra”.

Chẳng rõ tác giả của đoạn trích dẫn này căn cứ vào đâu để dẫn ra rành rọt làm vậy, nếu không từ các báo, đài chính thống nhận được tin từ cấp trên trực tiếp, hay ở chốn “thâm cung bí sử” tòi ra?

E rằng cũng chẳng phải nhọc lòng nhặt trên mạng, cứ dẫn ra từ diễn văn của Tổng Bí thư ngày 30.6.2022 cho chuẩn xác: “Trong giai đoạn 2012 – 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Uỷ viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 Uỷ viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Đây là một bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.

Đấy là chưa nói đến RFI ngày 20.1.2023 dẫn lời một chuyên gia Pháp nhắc đến cuộc chiến do Putin gây ra cho Ucraina đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi khu vực: “Chúng ta thấy rằng cuộc xung đột này mà các phương tiện truyền thông phương Tây mô tả như là một cuộc xung đột của các giá trị chính trị, diễn ra ở một mức độ sâu hơn là một cuộc xung đột của các giá trị nhân học. Chính sự vô thức này đã làm cho cuộc chiến trở nên nguy hiểm.

BBC gợi lên hình ảnh “trở nên nguy hiểm” nếu nhìn vào khía cạnh an sinh xã hội đang trở nên trầm trọng: sau khi mô tả ấn tượng về “Tết và con số 20.000 đồng” đọng lại từ cuộc tiếp xúc với những công nhân trẻ ở các khu công nghiệp tại Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang,… – Những người đang vật lộn để tồn tại với các suất ăn không được quá 20.000 đồng, bởi lương chỉ năm đến bảy triệu mỗi tháng nhưng đang tiếp tục giảm do giờ làm việc bị giảm thành ra các khoản chi cho ăn, ở, gửi về nhà nuôi thân nhân,… trước nay vốn đã bị xắt nhỏ giờ phải bóp lại cho nhỏ hơn. Những phòng trọ vốn đã nhỏ, chỉ dành cho hai người, nay là nơi tá túc của bốn người, nấu ăn, tắm rửa, vệ sinh đã được chuyển hết ra ngoài,… Vậy đó nhưng công nhân của các doanh nghiệp này, vẫn đeo bám bởi con số 20.000. Mùa Tết công nhân sẽ còn phải hạ con số 20.000 xuống nữa? Tới bao nhiêu? Sau Tết, họ vẫn chưa biết mức hạ tiếp vì… biết có còn việc không mà hạ? Hay lại về quê cắm câu?

Còn Đài VOA ngày 4.1.2023 thì cảnh báo về hiểm hoạ Covid từ du khách Trung Quốc: “Tết Canh Tý năm 2020, dân Trung Quốc từng đi bộ chật Bờ Hồ và Phố Cổ mà không đeo khẩu trang. Đầu mùa hè đó, Việt Nam công bố dịch COVID toàn quốc, hệ thống hỏa táng ở Sài Gòn chạy hết công suất vẫn không thiêu hết tử thi… Năm nay, từ 8/1/2023, dân Trung Quốc lại có dịp tràn sang Việt Nam và nhiều nước khác. Thế giới đang đang khẩn trương lo đối phó. Ngày 23/12/2022 tại Hà Nội, trong phiên họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, Bộ trưởng Y tế đã cảnh báo về nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch do biến chủng mới...

Vô thức đúng là nguy hiểm, nhưng “cuộc chiến” này đâu có vô thức mà là hữu thức hẳn hoi. Cuộc mưu sinh của biết bao thân phận người đang bị đe doạ. Ai sẽ chịu trách nhiệm đây? Xin được hỏi: đây là “thành tích” lãnh đạo, điều hành bộ máy quyền lực của ba nhiệm kỳ ở cương vị cao nhất hay là những hệ luỵ khủng khiếp chưa từng xảy ra trong lịch sử của “Đảng cầm quyền” kể từ năm 1945 (ngoại trừ việc phải dồn sức cho ba cuộc kháng chiến chống ngoại xâm)?

Nếu quyết liệt thực hiện phương châm “không có vùng cấm” trong cuộc chống giặc “nội xâm” thì cần chỉ ra ai là người phải gánh chịu trách nhiệm nặng nề nhất, quyết định nhất nếu không phải là người đang giữ trách nhiệm cao nhất? Những “tội phạm” bị tống vào lò, sau khi đã được chọn mặt gửi vàng trong quá trình cơ cấu nhân sự rất chi là nghiêm minh và dân chủ không hề “cá cậy vây, cua cậy càng” trong việc “ra quyết định cuối cùng” đưa tới những thành tích (hay hệ luỵ) vừa được kể ra. Vậy thì, chẳng phải để “làm gương” và “biết trọng liêm sỉ” – như đã từng dõng dạc tuyên bố – thì nên chăng phải ra trước quốc dân đồng bào nhận “trách nhiệm chính trị”, tức là trách nhiệm cao nhất, xin lượng thứ nếu chưa thể từ chức là đúng luật nhất theo nghĩa “quyền lực đã được nhốt vào trong lồng thể chế” chứ. Có thế mới thật sự là “nêu gương” cho “toàn đảng, toàn dân, toàn quân” chứ.

Với cuộc nêu gương ấy, chắc cũng chẳng cần “dưới cờ gươm tuốt nắp ra”, cũng chẳng cần “ba quân đông mặt pháp trường, thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi” như thi hào Nguyễn Du đòi hỏi. Vì rằng, chuyện này cũng đã được ông nói ra khì khuyến cáo “thanh gươm công lý” của lực lượng điều tra phải sẵn sàng tuốt ra đó sao. Ông cũng đã dẫn lời Nguyễn Du: “Có tài mà cậy chi tài, Chữ tài liền với chữ tai một vần”, rồi dẫn ca dao, tục ngữ: thượng bất chính, hạ tất loạn”, “cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên cấp dưới chúng tôi hỗn hào”. “Chính ngôi” là “ngôi” nào đây? Ngôi Chủ tịch thì đang bỏ ngỏ, bà Phó Chủ tịch Nước chỉ mới tạm quyền nên ông phải đứng ra chúc Tết bất chấp cả luật pháp chỉ Chủ tịch Nước được đứng ra chúc Tết quốc dân đồng bào ở thời điểm giao hoà giữa “Năm Cũ” và “Năm Mới”. Nói là nói vậy chứ khỏi lo bò trắng răng, đến Hiến Pháp còn phải xếp dưới “Cương lĩnh đảng” của ông thì sức mấy mà bà Quyền Chủ tịch Nước đọ lại nổi!

Liệu đó có phải là lý do để dân tình râm ran bàn tán về Sấm Trạng Trình từ nông thôn đến thành thị? Đây không phải là câu sấm “tiền triều phi chiến địa” mà tôi không nhớ được chính xác là của ai, nhưng chuyện trọng đại về “chống nội xâm” đang được hùng hồn rao giảng hết ngày dài lại đến đêm thâu từ nông thôn đến thành thị thì cắc cớ làm sao câu “Sấm Trạng Trình” lại rộ lên đúng vào thời điểm này? Thế rồi trên mang lan truyền câu đưa tiễn ai đó “Người về cởi áo thay son phấn, trả hết vinh hoa lẫn bụi trần”. Vinh hoa phú quý của con đường thăng quan tiến chức vùn vụt, hay phong ba bão táp trong cuộc tranh bá đồ vương hãi hùng? E cũng thế cả, mà có khi cả hai cũng nên. Nói cho cùng thì “nghĩ thân phù thế mà đau”, cũng là những ảo ảnh lướt qua của “bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê”. Những trò mèo mất công dàn dựng, đi khắp mọi miền, thì rồi mèo vẫn hoàn mèo. Chỉ có điều, con mèo nom hiền lành thế nhưng khi đã bị chọc giận, quạu lên, nó nó thể cào sứt mặt kẻ chơi ác.

Đành rằng “thiên cơ bất khả lộ”, nhưng lòng dân thì đang rộn ràng sôi sục với chuyện Sấm Trạng Trình làm xáo trộn ý tứ của “Đầu năm nghĩ gì” thì làm sao mà không nghĩ, nên đành viết ra cho dù còn lắm vấn đề vẫn còn đang bỏ ngỏ, cần phải tiếp tục nghiên cứu một cach cẩn trọng. Biết rằng “khôn văn tế, dại văn bia”, dù đã đào được bia có khắc chữ hẳn hoi, vẫn cứ phải nghĩ rằng: “Trăm năm bia đá thì mòn. Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Bia đá đã do dân vừa đào ra. Bia miệng thì luôn ẩn kín trong lòng dân không sao khai thác hết được. Đúng nhất là hãy tôn trọng ghi nhận lòng dân.

Ngày 26.1.2023, tức Mồng Năm Tết Quý Mão,

Giỗ Trận Đống Đa


[1] Trần Quốc Vượng, Văn hoá Việt Nam, Tìm tòi và suy ngẫm. NXB Văn học 2001, tr. 189, 190.

[2] NXB Văn học 2006, trang 344.

[3] Dẫn theo Nguyễn Xuân Xanh, Einstein, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2007, tr. 203.

[4] Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc, báo Nhân Dân, ngày 19-9-1962.

Comments are closed.