Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh

Tô Văn Trường

 

Nhiều người hỏi tôi bình luận về bài báo đăng trên Tuổi Trẻ “Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông lo mắc nợ dân về vì quy hoạch bô xít”.

 

image

Đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra thực tế tại khai trường khai thác bô xít ở xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông – Ảnh: TRUNG TÂN (Tuổi trẻ)

 

Cái gì đến sẽ đến vì đã được người dân và nhiều nhà khoa học cảnh báo từ khi chủ trương khai thác bô xít Tây Nguyên, đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư khuyên can gửi lãnh đạo Đảng và Chính phủ.

Đúng là đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh. Ngẫm suy tài nguyên được xem là  nguồn vốn quý của quốc gia nhưng không phải là vô hạn. Tình trạng khai thác lãng phí, thiếu quy hoạch càng làm cho nguồn vốn này mau cạn kiệt. Ăn vào vốn tài nguyên là con đường kiếm tiền nhàn hạ nhất, nhanh nhất nhưng đó cũng là nguyên nhân gây nên những hậu quả không ai lường hết được. Càng ngày, mọi người càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của khoa học công nghệ và vai trò tư vấn phản biện của các nhà khoa học trong việc hoạch định và thực thi các chiến lược, nhiệm vụ kinh tế xã hội nhất là những vấn đề liên quan đến tài nguyên và môi trường.

Ngay từ năm 2009-2010, nhờ có phản biện xã hội, người dân mới biết được thực trạng tình hình của đất nước. Dự án bô xít Tây Nguyên là một dự án gây chia rẽ sâu sắc nhất trong lòng người dân Việt Nam, đặc biệt giữa “chức sắc” và nhân sĩ, trí thức. Cảm nhận được sự bất an, nguy hiểm và tìm cách đổ lỗi cho người chủ trương đóng tàu. Bằng chứng là Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang  phát biểu: “Chuyển nhà máy xuống bờ biển về mặt kỹ thuật cũng như kinh tế thì đưa xuống biển là hợp lý nhất. Nhưng Bộ Chính trị yêu cầu để trên Tây Nguyên vì không chỉ là yếu tố kinh tế mà còn là yếu tố xã hội. Để nhà máy trên đó giúp phát triển Tây Nguyên. Chính vì thế hiệu quả kinh tế không cao và giờ thêm khảo sát, thuê tư vấn xem xét lại, tính thêm phương pháp thải khô thì chưa biết sẽ tác động đến hiệu quả thế nào, chắc chỉ tác động xấu đi thôi…” (Tuổi trẻ ngày 25/10/2010).

Nhớ lại, ngay từ năm 2009 -2010  tôi đã viết một loạt khoảng chục bài phản biện và trả lời phỏng vấn của báo chí liên quan đến dự án bô xít. Có lần ba chuyên gia Trung Quốc đề xuất xin gặp riêng nhưng tôi khước từ.

1.     Phản biện xã hội và dự án bô xít Tây Nguyên (Tô Văn Trường)

2.     Các lỗ hổng bất cập của dự án bô xít Tây Nguyên (Tô Văn Trường)

3.     Bùn đỏ trông người lại ngẫm đến ta (Tô Văn Trường)

4.     Bùn đỏ Hungary thảm hoạ và dự đoán (Tô Văn Trường)

5.     Các lỗ hổng trong thiết kế bùn đỏ Tây Nguyên (Tô Văn Trường)

6.     Dừng dự án bô xít Tây Nguyên được và mất (Tô Văn Trường)

7.     Lại nói về dự án bô xit Tây Nguyên (Tô Văn Trường)

8.     Dự án bô xít Tây Nguyên và lối ra rẻ nhất cho đất nươc (Tô Văn Trường)

9.     Lời cuối cho bô xít Tây Nguyên (Tô Văn Trường)

 

Đánh giá dự án bô xít Tây Nguyên

Bô xít trong quy hoạch của 33 khoáng sản đã được Thủ tướng phê duyệt là không căn cứ vào nhu cầu tiêu dùng alumina của nền kinh tế, chỉ dựa trên ý thích của TKV xuất khẩu alumina (Al2O3) rẻ tiền, lợi nhuận thấp. Càng không tính đến bài toán về "chi phí cơ hội" khi chế biến sâu sản lượng 1,3 triệu tấn Al2O3 alumina hiện có.

Việc chế biến sâu alumina Al2O3 bằng công nghệ điện phân nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc (bằng sử dụng điện cực âm làm từ graphit, vừa lạc hậu, vừa ô nhiễm môi trường) như được đề xuất trong dự án của Trần Hồng Quân cũng chỉ mới sản xuất được NHÔM THÔ, và chắc chắn không có hiệu quả kinh tế vì chi phí điện rất cao (nếu "nhóm lợi ích" không được mua điện của EVN với giá <1200 đ./kWh).

Nói chung, quy hoạch phát triển theo tư duy rất ấu trĩ.

Hiện nay, thế giới đang loại bỏ việc sử dụng điện cực âm graphit vì phát thải carbon. Còn mở rộng khai thác bô xít như quy hoạch đưa ra sẽ tiếp tục xâm hại môi trường đất trên Tây Nguyên.

Nhu cầu về nhôm trên thế giới trong thời gian gần đây tăng bình quân 6%/năm. Giá nhôm kim loại giai đoạn 2013÷2065 sẽ tăng tăng bình quân 1,09%/năm.  Tiềm năng quặng bô xít (chứa nhôm) trên thế giới dự báo sẽ cạn kiệt sau năm 2085.

Công nghệ sản xuất nhôm ngày càng được hoàn thiện trong tất cả các khâu theo hướng nâng cao hiệu quả và ngày càng thân thiện với môi trường. Cụ thể là trong khai thác bô xít nâng cao tỷ lệ thu hồi quặng nguyên khai, giảm tỷ lệ tổn thất quặng tinh, giảm chất thải quặng đuôi, hạn chế tối đa diện tích chiếm đất của bãi thải quặng đuôi.

Trong sản xuất alumina, chuyển từ công nghệ “ướt” sang công nghệ “khô”; giảm tiêu hao nhiệt; áp dụng công nghệ “lò tầng sôi” thay cho lò trống quay; giảm tiêu hao xút; nâng cao hiệu suất phân hủy; hoàn thiện quy trình phân lập aluminat-bùn đỏ; thải bùn đỏ ra môi trường với tỷ lệ chứa xút thấp nhất; xử lý, chế biến tổng hợp bùn đỏ để thu hồi các kim loại quý bằng lò “Magma” hoặc bằng công nghệ florua.

Trong điện phân nhôm, giảm tiêu hao điện năng; áp dụng các máy điện phân tiên tiến có hiệu suất dòng tối đa; loại bỏ dần điện cực carbon; áp dụng công nghệ cực âm khô được làm ướt; áp dụng công nghệ cực dương trơ; áp dụng công nghệ clorua; tiến tới không có phát thải. Trong tinh chế nhôm kim loại, áp dụng công nghệ lò chùm tia điện tử để sản xuất nhôm có độ tinh khiết cao. Trong sản xuất các hợp kim nhôm, hướng tới sản xuất các vật liệu (từ nhôm và từ ô xít nhôm) có hàm lượng công nghệ cao. Trong tái chế nhôm, áp dụng các qui trình tuần hoàn ít chất thải; nâng cao chất lượng nhôm kim loại được tái chế (đáp ứng 30% tổng nhu cầu nhôm).

Về thời gian: Trong quy hoạch chung về khoáng sản của Việt Nam đã được phê duyệt (Quyết định số 866/QĐ-TTg, ngày 18/7/2023), lĩnh vực bô xít đã được “vẽ” ra với qui mô và tiến độ rất không khả thi.

Về không gian: Việc tổ chức phát triển ngành công nghiệp nhôm ở Việt Nam có rất nhiều bất cập cơ bản về lựa chọn địa điểm xây dựng, cho đến nay vẫn không thể khắc phục được, và sẽ làm giảm tính cạnh tranh của ngành công nghiệp nhôm.

Về qui mô: Chi phí đầu tư của các dự án alumina được lựa chọn quá lớn theo cảm tính, trong khi các dự án điện phân không được triển khai và không triển khai được. TKV vẫn là nhà xuất khẩu nguyên liệu thô cho công nghiệp nhôm của các nước.

Về công nghệ: Việc sản xuất alumina theo quy trình Bayer từ bô xít Tây Nguyên của Việt Nam rất thuận lợi (do hàm lượng silica SiO2 khá thấp), dễ làm, được triển khai bằng các thiết bị lạc hậu (lỗi thời), nhưng của nhà thầu không có kinh nghiệm cung cấp. Vì vậy, hiệu quả của các dự án bị giảm đi đáng kể, rất thấp và không tương xứng với chất lượng quặng.

Dự án điện phân nhôm được triển khai tại Nhân Cơ cũng hội tụ đủ các bất cập về địa điểm, qui mô, lựa chọn công nghệ, nhà thầu, v.v. Đặc biệt, nếu sử dụng điện lưới theo cơ chế thị trường, dự án điện phân nhôm Trần Hồng Quân có nguy cơ sẽ trở thành “dự án thứ 13” của Bộ Công thương.

Khuyến nghị

Cần tổ chức tổng kết một cách thực chất, bài bản, và đặc biệt phải khách quan đúng theo kết luận của Bộ Chính trị trong Thông báo số 245-TB/TW ngày 24/4/2009 về việc “cần đánh giá toàn diện, tổng thể và khách quan về hiệu quả kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, an ninh, quốc phòng… của hai dự án bauxite thí điểm”

Trên cơ sở đó, cần soạn riêng “Quy hoạch phát triển tổng thể công nghiệp nhôm của Việt Nam”. Trong đó, phải thực sự tính đến các yếu tố: chính trị-xã hội; kinh tế-tài chính; khoa học-công nghệ; hợp tác quốc tế, v.v. để phát triển có hiệu quả và phát triển bền vững ngành công nghiệp nhôm của Việt Nam.

Phải ưu tiên tính đến nhu cầu về “không gian sinh tồn” của dân tộc: Trong tương lai, do biến đổi khí hậu, khi nước biển dâng, cần hạn chế tối đa các nguy cơ về bùn đỏ và nguy cơ chiếm dụng đất ngày càng lớn trên Tây Nguyên.

Lựa chọn địa điểm triển khai các dự án một cách khoa học, có tính đến bài toán vận tải (cung ứng các nguyên vật liệu đầu vào và tiêu thụ/xuất khẩu các sản phẩm đầu ra) và bài toán về cung cấp năng lượng (điện năng).

Phát triển công nghiệp nhôm với qui mô phù hợp, nhưng phải đồng bộ các khâu từ khai thác quặng bô xít, điện phân nhôm đến sản xuất các sản phẩm từ nhôm (đúc, cán, hợp kim, v.v.).

Chỉ đưa ra thị trường các sản phẩm nhôm có giá trị gia tăng cao (thị trường “ngách”) để xuất khẩu và/hoặc để phát triển tại Việt Nam ngành sản xuất vật liệu công nghệ cao từ nhôm.

Hạn chế các dự án có qui mô lớn, nhưng không đồng bộ, không có chế biến sâu đến sản phẩm kim loại. Không cấp phép mở rộng sản xuất alumina nếu chỉ để xuất khẩu nguyên liệu thô;

Trong phê duyệt, cấp phép và đấu thầu triển khai các dự án nhôm cần sử dụng các hội đồng tư vấn độc lập và mang tính phản biện. Nội dung đánh giá phải cụ thể và toàn diện các vấn đề: tính khả thi về tài chính kinh tế; tính khả thi về công nghệ kỹ thuật; tính khả thi về môi trường sinh thái.

Comments are closed.