Tuấn Khanh
Bìa sách “Một cơn gió bụi” của sử gia Trần Trọng Kim. Ảnh: Kiều Mai Sơn.
Thật ngạc nhiên, bản PDF từ một cuốn sách cũ của học giả Trần Trọng Kim đột nhiên trở thành thứ được săn tìm trong suốt nhiều ngày ở Việt Nam, kể từ khi có lệnh “ở trên” là phải thu hồi bản in lại của nhà sách Phương Nam từ ngày 26/6/2017. Dù đó là một phiên bản bị kiểm duyệt và cắt xén một cách tồi tệ.
Những câu chuyện bị xoá đi, những chi tiết quan trọng liên quan đến những nhân vật lịch sử như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp được giấu lại sau lưỡi kéo kiểm duyệt của chính quyền. Nhưng chính điều đó, lại khiến vô số người săn tìm và đọc lại những bản in gốc để ngẫm nghĩ về chuyện tình của ông Hồ Chí Minh với cô Đỗ Thị Lạc, rồi chuyện những người kháng Pháp đầu tiên từ chối không muốn theo cộng sản đã bị Việt Minh thủ tiêu… Thậm chí đây là cơ hội-đánh động để nhiều người nhìn thấy lại một chính phủ dân chủ đầu tiên của người Việt với chủ nghĩa quốc gia, chỉ trong 4 tháng tồn tại đã tạo ra những tiền đề cho một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và văn minh như thế nào.
Bản văn Một cơn gió bụi của ông Trần Trọng Kim cũng nhắc về nguồn gốc của lá cờ vàng ba sọc đỏ – vốn là nguồn cơn của các cuộc tranh cãi giữa phe cộng sản cực đoan với phe chống cộng – đó là lá cờ có từ thời khởi nghĩa đòi độc lập của bà Triệu Thị Trinh. “Lá cờ vàng là từ xưa nước ta vẫn dùng. Trong sách Quốc sử diễn ca nói khi bà Triệu Ẩu nổi lên đánh quân Tàu, đã dùng lá cờ ấy khởi nghĩa, nên có câu rằng: ‘Đầu voi phất ngọn cờ vàng’. Vậy lấy sắc cờ vàng là hợp với cái ý cách mệnh của tổ quốc… Chữ ly còn có nghĩa là lửa, là văn minh, là ánh sáng phóng ra bốn phương”. (Sách Một cơn gió bụi).
Quả là thú vị, khi sự ngăn cấm lại tạo cơ hội cho lớp người bị trị có được thứ quyền lực to lớn nhất, quan trọng nhất: tri thức và sự thật.
Cũng tương tự như vậy, khi quyển sách về học giả Petrus Trương Vĩnh Ký bị cấm, người ta cũng tìm đọc những bản hiếm hoi, photo chuyền ra ngoài. Thậm chí những dữ liệu khác về Petrus Ký cũng được dò tìm nhiều hơn trên Google. Thế hệ mới lại có dịp học-biết về một trí thức bậc nhất của người Việt bị nhấn chìm vào quên lãng trong một xã hội mà mọi góc nhìn đều phải soi qua lỗ kim tư tưởng cách mạng-cộng sản. Loại lỗ kim mà những bản văn đầy máu và nước mắt ghi chép về Gạc Ma và cuộc xâm lược của Quốc dứt khoát không được phép ấn hành, nhưng sách ca ngợi hết lời Đặng Tiểu Bình, kẻ chủ trương xua quân đánh và dạy “một bài học” cho Việt Nam vào 1979, thì được phát hành bản đẹp và trưng bày trang trọng ở nhiều nhà sách.
Thời đại đang thay đổi. Hôm nay nếu bạo chúa Tần Thủy Hoàng có sống lại và đốt, chôn mọi thứ văn hóa tự do và sự thật của người Việt Nam thì cũng vô ích. Internet đang cứu rỗi mọi thứ. Trong khi kẻ thống trị tìm mọi cách để xây dựng một hệ thống công an hùng hậu, dùi cui, súng đạn, án tù… thì nhân loại đã trao cho nhau món quà vĩ đại, đó là khả năng lưu giữ vô tận quyền được biết về sự thật. Khi mọi rào cản được dựng nên, con người lại càng khao khát hơn nữa sự thật và tri thức về tự do của mình, của thế hệ mình.
Ngăn cấm giờ đây thật dễ bộc lộ gương mặt trơ trẽn của kẻ thống trị, và nhanh chóng tạo quyền lực nhận thức cho kẻ bị trị.
Nếu không có những cấm đoán, những cuộc săn lùng và hủy diệt, chưa chắc nhạc vàng đã có được một giai đoạn được hàng triệu người dân miền Nam gìn giữ một cách lặng lẽ trong trí nhớ và tiếng hát, dẫu phải thì thầm, để rồi có hôm nay, khi nhạc vàng trở thành đặc trưng và một phần sức sống không thể chối bỏ trên mọi nẻo đường miền Nam.
Nếu không có sự kiện thu hồi giải thưởng và bức tranh Biển Chết của họa sĩ Nguyễn Nhân vào ngày 1/6/2017 (ngày Ban thường vụ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh ra văn bản), chắc không phải ai cũng có dịp hiểu về sự thối nát và thô bỉ của các hiệp hội nô tài được nhà nước cho bú mớm. Sự thối nát nhắc lại nhiều thứ, thậm chí có thể vẽ lại từ đầu bức tranh tăm tối về nhiều thế hệ trí thức Việt Nam bị bóp nghẹt tự do và nhân cách từ thời Nhân văn Giai phẩm cho đến tận hôm nay.
Và nếu không có sự kiện bức tranh Biển Chết bị “tịch thu làm tang vật”, chắc nhiều người đã quên hơn 200 cây số biển miền Trung hôm nay giờ đã ra sao. Nhiều người chắc cũng không nhớ được bao nhiêu thanh niên miền Trung phải tha hương đi lao động nước ngoài khi biển quê mình đã chết, Formosa được bảo vệ trùng trùng cho tội ác của nó, và những mưu mô đồi bại của chính quyền Nghệ An đang bủa vây các linh mục dám lên tiếng vì quyền con người.
Nhiều năm trước, có lẽ chúng ta đã thở dài trước những hàng rào kiểm duyệt ngăn cản, những mệnh lệnh với âm mưu chặt đứt sinh lộ tinh thần của con người.
Nhưng giờ đây, có lẽ chúng ta cũng nên cám ơn những sự kiểm duyệt tầm thường và tội nghiệp đó. Vì bởi hôm nay, không có gì có thể ngăn cản chúng ta đến với tri thức và sự thật nữa, ngoài sự hèn yếu từ chính bản thân mình.
Nguồn: http://baotiengdan.com/2017/06/29/quyen-luc-cua-ke-bi-tri/