Sự thật lịch sử bị đánh tráo có còn là lịch sử nữa không (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 128)

Tương Lai

Chống tay ngồi ngẫm sự đời

Muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm[1]

Máu thấm đẫm trên từng tấc đất từ Nam chí Bắc của đất nước anh hùng và bi thương này, thế rồi đến ngày thắng lợi, thì một số kẻ thất nhân tâm đã rắp tâm tranh đoạt thành quả, cướp công của đồng đội. Không chỉ một Phạm Xuân Thệ cướp công của chính uỷ trung đoàn Bùi Văn Tùng đúng vào một sự kiện lịch sử ngày 30 tháng tư năm 1975, mà không thiếu những “Lý Thông” đời mới, những nhà báo từ xưng là “chính khách”, những “nhân sĩ” giả danh, những trung kiên cốt cán của phong trào tự vỗ ngực xưng danh cũng ùa theo cường quyền, làm mờ chân lý!

Ai đó đúng khi viết: “Trước năm 1985, báo chí và sách vở đều khẳng định bác Bùi Văn Tùng là người viết cả hai văn bản. Ngay cả cuốn lịch sử Quân đoàn 2, nơi hai ông công tác, đều ghi công ông Tùng. Chỉ đến khi ông Thệ lên Tư lệnh quân đoàn 2 năm 1995 thì lịch sử quân đoàn phải viết lại theo lời kể ông Thệ và sự việc kéo dài cho đến ngày hôm nay. Rất buồn là để sự việc này xảy ra có sự "đóng góp" rất lớn của báo chí. Tôi biết rõ nhà báo này”. “Theo tôi, bên cạnh sự cậy quyền thế làm càn của ông Thệ, sự tiếp tay của báo chí bẩn còn cần nói đến sự ủng hộ của các nhà sử học bẩn để tạo nên một vụ bê bối làm nhục quốc thể, bẻ cong sự thật về trưa 30/4/75 tại dinh Độc Lập và Đài Phát thanh Sài Gòn”.[2]Những ai là nhà báo bẩn, những ai là nhà sử học bẩn, những ai là tướng bẩn, chính trị gia bẩn, tưởng cũng chẳng cần viết ra đây. Vả chăng nếu định viết thì viết sao cho xuể!

Nhưng nếu chỉ thế đã đủ tủi hổ và căm giận rồi, người ta lại dại dột đổ thêm dầu vào lửa khi cho ra cái gọi là chỉ thị cần “phổ biến đến các tầng lớp nhân dân” về chuyện xoá nhoà và đánh tráo sự thật lịch sử nhân danh “Quân uỷ Trung ương.

clip_image002

Mà đâu chỉ Quân uỷ Trung ương, Bản tin quân đội ra ngày 20.3.2022 lúc 20:51 cho biết “Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo Tổng cục Chính trị tổ chức các hội nghị rà soát, đánh giá khách quan, khoa học, kỹ lưỡng các cứ liệu lịch sử liên quan đến vấn đề trên và khẳng định làm rõ người soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh trưa ngày 30/4/1975. Cụ thể, tại Kết luận số 974 ngày 14/3/2022 của QUTW ghi rõ: “Vào thời điểm trưa ngày 30/4/1975, sau khi chỉ huy áp giải Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn; tại đây Đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 cùng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tổ chức soạn thảo Lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì đồng chí Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 có mặt. Từ đó, đồng chí Bùi Văn Tùng cùng bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên Đài phát thanh. Riêng lời Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do đồng chí Bùi Văn Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên Đài phát thanh”.

Vậy là các tầng lớp nhân dân đã được phổ biến quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một “sự thật lịch sử”!

Tận dụng việc có hai bản tuyên bố ấy, người ta đã cố làm nhoè chuyện cướp công của Phạm Xuân Thệ sau này phải chăng là cố “rửa mặt” cho một ông tướng đã là Tư lệnh Quân khu I.

Một văn bản của Quân uỷ Trung ương mà lộn xộn, lủng củng đến cỡ ấy thì quả là đúng như các cụ ta xưa từng nói đường đi hay tối, nói dối hay cùng”. Mà vì đây không là một bài tập viết của học trò phổ thông, đây là văn bản của “Quân uỷ Trung ương” thì e phải nhắc lại lời phê phán thâm trầm của các cụ ta xưa nêu cao nhưng bóng chẳng ngay[3]. Và cái “bóng chẳng ngay” này của “kết luận ghi rõ” rồi sẽ đi vào lịch sử đấy nhé!

Chẳng trách mà Voltaire, nhà Khai sáng Pháp vĩ đại đã thốt lên một lời bi phẫn chua chát: “Lịch sử không là gì hơn ngoài màn kịch của tội lỗi và bất hạnh”! Ai gây nên tội lỗi và ai chịu sự bất hạnh thì lịch sử đã đầy rẫy những chứng nhân. Vì thế mà Voltaire đã phải thét lên: “Hãy đập tan toà nhà của sự dối trá." (Soyez des immeubles effondrés de mensonges). Trong bối cảnh hiện nay, “đập tan” thì e khó, nhưng lên án và lan toả sự phê phán đó trong “các tầng lớp nhân dân” đã được phổ biến sự dối trá đó, thì hoàn toàn có thể. Chẳng phải “người đốt lò” của lịch sử đương đại từng rao giảng “phải biết liêm sỉ” đó sao? Vâng liêm sỉ! Trong chuyện đánh tráo lịch sử này thì ai là vô liêm sỉ đây thưa ngài Tổng Bí thư kiêm Bí thư Quân uỷ Trung ương?

Thú thật là, khi nghe tin ông Phan Văn Giang, một vị tướng của trận mạc được phong Đại tướng, tôi đã thầm có cảm tình và an tâm. Cảm tình và an tâm vì một vị tướng mà năm 19 tuổi đã chiến đấu chống giặc Trung quốc xâm lược tại biên giới phía Bắc, từng có mặt tại Bản Pát – Cao Bằng, điểm giao chiến quyết liệt với quân Trung Quốc trong chiến lược lấy thịt đè người. An tâm vì từ một binh nhì từng bước trưởng thành để trở thành Tư lệnh Quân khu 1, trực diện đối đầu với kẻ thù trên một địa bàn có 564 km đường biên giới với Trung Quốc, trở thành Tổng Tham mưu trưởng, rồi được phong Đại tướng. Qua màn hình tivi, tôi trực tiếp nhìn thấy nỗi xúc động chân thành của ông khi nói về đồng đội đã hy sinh trong trận lũ tháng 10 năm 2020. Nét mặt ấy, đôi mắt ấy để lại trong tôi một cảm nhận thật, khiến giờ đây tôi thật bàng hoàng và ngao ngán khi ông đang là Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương mà lại để cho ban hành một chỉ thị đánh tráo sự thật lịch sử đáng xấu hổ như vậy.

Bỗng nhớ lại câu “Lịch sử lặp lại, ban đầu là bi kịch, sau là hài kịch”. Đó là một câu triết lý mang tính tổng kết của K. Marx. Còn Lỗ Tấn thì diễn giải rất hay rằng: “Bi kịch trình bày sự mất đi của cái nên có; hài kịch trình bày sự mất đi của cái không nên có”. Chỉ tiếc rằng “cái không nên có”, cái “hài kịch” ấy lại đang được trình diễn phổ biến tràn lan trước những đôi mắt ngán ngẩm của “các tầng lớp nhân dân”. Chẳng nhẽ câu mỉa mai của nhà nghiên cứu nọ lại là chuyện thật: “Lịch sử là ngồi lại với nhau để thống nhất và biểu quyết”.

Thì người ta đã thực hiện việc đó rồi, Bản tin Quân đội ngày 20.3.2022 chẳng đã ghi rõ đấy sao: “Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo Tổng cục Chính trị tổ chức các hội nghị rà soát, đánh giá khách quan, khoa học, kỹ lưỡng các cứ liệu lịch sử liên quan đến vấn đề trên và khẳng định làm rõ người soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh trưa ngày 30/4/1975”.

Vấn đề đặt ra là “các hội nghị” đó với sự “rà soát” và “đánh giá” khách quan, khoa học, kỹ lưỡng các cứ liệu lịch sử ấy có độ tin cậy đến đâu khi mà chỉ riêng cuốn lịch sử Quân đoàn 2, nơi cả hai ông công tác, đều ghi công ông Tùng, chỉ đến khi ông Thệ được giữ chức Tư lệnh quân đoàn 2 năm 1995 thì lịch sử quân đoàn phải viết lại theo lời kể ông Thệ và sự việc kéo dài cho đến ngày hôm nay. Và rồi, “lịch sử quân đoàn 2” được viết lại theo lời kể của ngài trung tướng Tư lệnh với sự tiếp tay của các “sử gia bẩn”, các “nhà báo bẩn”. Vậy các vị này khi tham gia các “Hội nghị rà soát đánh giá” kia liệu đã “sạch” chưa hay vẫn còn “bẩn”?

clip_image004

May thay, bằng tầm nhìn của một nhà lãnh đạo hiếm có, Võ Văn Kiệt đã thấy ra được những sự cướp đoạt và tranh công của những người đã từng cầm súng chiến đấu cho tổ quốc trước sự cám dỗ của danh, của lợi đã tự tha hoá biến thành những “Phạm Xuân Thệ” – Lý Thông thời hiện đại cướp công và ám hại Thạch Sanh vẫn còn ẩn sâu trong tâm thức người Việt – nên đã “mách nước” cho nhà quay phim Phạm Việt Tùng: “Việc này phải tìm người bên ngoài khách quan, chứ đừng tìm những người trong cuộc. Người ngoài chẳng có quyền lợi gì, đặc biệt là các ông trong chính quyền cũ như Nguyễn Hữu Hạnh và Triệu Quốc Mạnh… Hãy tìm những người đó. Và có bằng chứng trong tay rồi hẵng tuyên bố”. Với kinh nghiệm và sự từng trải của một nhà quay phim tư liệu có lương tâm, Phạm Việt Tùng “được lời như cởi tấm lòng, tôi nghĩ ra phân cảnh ông Nguyễn Hữu Hạnh đi thăm ông Bùi Văn Tùng: trong phim đã quay trực tiếp ông Nguyễn Hữu Hạnh nói rất rõ ông Bùi Văn Tùng là người thảo văn bản đầu hàng cho Dương Văn Minh.”[4]

Để có thêm bằng chứng, Phạm Việt Tùng tìm gặp Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, ông khẳng định: “theo luật quân đội thì ai thuộc cấp cao hơn – người đó là thủ trưởng. Không có chuyện ông đại uý phụ trách ông trung tá của một lữ đoàn được. Hơn nữa, ông Bùi Văn Tùng hơn ông Thệ 19 tuổi thì càng không có chuyện được ông Thệ chỉ dẫn, phân công ông thảo lời chấp nhận đầu hàng cho Dương Văn Minh. Còn nếu như nói họ viết xong rồi đưa cho ông Tùng đọc thì người cao nhất sửa lại văn bản vẫn là của người đó. Song ở đây lại khác, sự thật thì chữ viết tay bản thảo là của ông Bùi Văn Tùng”.[5]

Nhà quay phim trung thực và có lương tâm ấy còn kể “xem xong phim, người ta suy ngẫm, vì con cháu những người nói dối sẽ phải đối diện với ngàn năm bia miệng. Tôi muốn con cháu tôi biết được sự thật, không thể nói khác. …Cũng may có người tử tế như ông Dương Văn Minh! Máy quay của tôi có dịp tiếp cận sát gương mặt ông. Ông chậm rãi và điềm tĩnh nói: “Hôm nay tôi mừng vì 60 tuổi mới được làm một người dân độc lập của Việt Nam”. Câu nói đó làm tôi xúc động[6].

clip_image006

Đạo diễn Phạm Việt Tùng

Người biết xúc động trước “cái thật”, “cái thiện” và “cái đẹp” ấy là người sôi nổi nhiệt tình mà tôi hân hạnh được quen biết và kết bạn. Duyên do là người giàu nhiệt huyết ấy đã đến tìm tôi để nhờ đưa đến gặp ông Võ Văn Kiệt, rồi như anh nói “được lời như cởi tấm lòng” sau khi gặp được ông Sáu Dân.

Trong cuộc điện thoại vừa rồi anh còn háo hức nhắc lại với giọng nói trầm hùng ào ào quen thuộc của hơn 15 năm trước mà tôi vẫn nhớ khi anh đến tìm tôi – người chiến sĩ với vũ khí là chiếc máy quay phim – đã bất chấp mọi hiểm nguy để sao cho đủ độ cao ống kính bắt được hình ảnh pháo đài bay B52, giữa những vệt sáng của tên lửa trong rào rào tiếng súng cao xạ vút lên trời như sao sa để kịp bấm máy thu hình B 52 bốc cháy trên bầu trời Hà Nội. Hình ảnh ấy đã in đậm trong tôi, để hôm nay nhắc đến anh như một nhân chứng lịch sử.

Liệu “các hội nghị rà soát, đánh giá khách quan, khoa học, kỹ lưỡng các cứ liệu lịch sử ” và “Ban Bí thư Trung ương”, “Quân uỷ Trung ương” có tìm đến những nhân chứng như nhà quay phim trung thực và dũng cảm Phạm Viết Tùng? Có lẽ nên thưa với các vị lời khuyên của Werner Herzog, nhà đạo diễn nổi tiếng từng đoạt giải thưởng cho đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 1982: “Tôi đã luôn luôn bị cuốn hút bởi những câu hỏi, ‘Điều gì tạo nên sự thật và điều gì cấu thành nên chân lý’. Tôi luôn tìm kiếm chân lý sâu sắc từ những hình ảnh trong điện ảnh". Tuy nhiên, để làm được điều đó thì cũng đừng quên lời bình thâm thuý của đại văn hào Trung Hoa Lỗ Tấn: “Dùng con mắt hạt đậu để đo núi Thái Sơn thì núi Thái Sơn cũng chỉ bé bằng hạt đậu”!

clip_image008

Phóng viên báo Tấm Gương (Đức) và Bùi Văn Tùng

Tôi không dại dột để gọi bạn tôi – anh Phạm Việt Tùng – là núi Thái Sơn! Nhưng, một bản lĩnh dám đương đầu với mọi áp lực để dũng cảm và trung thực nói lên sự thật bằng những thước phim giàu tính biểu tượng và có sức công phạt mà anh đã quay được thật đáng giá ngàn vàng. Võ Văn Kiệt đã thấy ra được điều ấy khi ông dặn tôi chú ý đến những khó khăn mà nhà quay phim hiếm có ấy gặp phải để kịp thời cho ông biết, sau khi ông tiếp và trao đổi với Phạm Việt Tùng. Rất buồn là rồi sau đó, người mà Phạm Việt Tùng “được lời như cởi tấm lòng” ấy đã vội ra đi, khi mà nhà quay phim đầy bản lĩnh vẫn tiếp tục cho ra những thước phim nói lên sự thật lịch sử từng bị đánh tráo mà anh đã hứa với ông. Anh tâm sự: “Tôi sợ rằng nếu không xác định chính xác thì thế hệ chúng tôi – những nhân chứng sẽ già và chết đi, thế hệ trẻ sẽ không biết gì nữa.

Ngày đó, sau 20 năm ngày 30 tháng tư lịch sử, có một cán bộ Bộ Ngoại giao đến phòng tranh của bà Françoise Demulder ở Pháp. Tại đây, ông nhìn thấy chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc lập không giống hình ảnh của ta. Lúc đó, theo như bà biết, chưa có người Việt Nam nào quay lại được những hình ảnh đầu tiên ấy… Khi được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm mời đến Việt Nam, bà đã tặng lại bức ảnh với điều kiện cho bà gặp 4 anh hùng xe tăng giữa đời thường… Thế rồi sự thật dần được phơi bày… Chúng tôi tìm ra 4 người lính xe tăng năm nào và trả lại đúng giá trị lịch sử của họ với chiếc xe tăng 390 đã tiến vào dinh Độc lập đầu tiên nhưng bị người khác tranh công”.[7]

clip_image010

Phóng viên Pháp Françoise Demulder

Anh kể: “Những lần phỏng vấn nhân vật liên quan, từ ông Bùi Quang Thận đến ông Phạm Xuân Thệ, tôi phát hiện ra họ nói không giống nhau, mỗi lần mỗi khác, chứng tỏ họ nói dối. Ông Thận lúc thì bảo là lái xe lách vào và vượt lên chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh Độc lập, vào trước ông Bùi Văn Tùng, lúc thì bảo vào sau ông Vũ Văn Toàn lái tăng 390. Còn ông Thệ lúc đầu tranh công treo cờ trên nóc Dinh Độc lập với ông Thận không được, sau lại nhận là người soạn văn bản đầu hàng cho Dương Văn Minh”.[8]

Mà sự tranh công không chỉ một Thệ tệ hại ấy và những người mà Phạm Viết Tùng vừa kể, không thiếu những người khác vốn là người tử tế, nhưng rồi không cưỡng lại dục vọng thấp hèn của danh và lợi đã không ngại bẻ queo sự thật, kể cả những người giữ trách nhiệm bảo tàng cứ liệu lịch sử nhằm lưu giữ cho hậu thế.

Điều thật đáng suy nghĩ là nhờ sự có mặt của hai nhà báo nước ngoài, một của Pháp và một của Đức mà tiếng nói khách quan của họ đã trả lại sự thật cho một sự kiện có một không hai của đất nước quật cường và đầy bi kịch của chúng ta! Một sự kiện lịch sử sẽ được lưu truyền cho các thế hệ Việt Nam sau này. Chắc chẳng cần phải có một “quyết định”, một “kết luận” nào dám chen vào đây, cho dù từ cấp cao chót vót để bác bỏ được tiếng nói trung thực của họ, tiếng nói của lương tâm, lương tri của những nhà báo chân chính. Tiếp theo lời kể về nhà báo Pháp Françoise Demulder nói trên, báo Tuổi Trẻ đã đăng lời kể của vợ nhà báo Đức Boerries: Sáng 30-4-1975, Boerries đến dinh Độc Lập. Xe tăng quân cách mạng vẫn chưa đến. Thấy cổng không có người bảo vệ và mở, anh bước vào. Sau đó, những chiếc xe tăng của quân cách mạng lao qua cánh cổng sắt tiến vào khu vườn dinh. Là nhà báo châu Âu duy nhất, Boerries chứng kiến ông Dương Văn Minh đầu hàng và hỗ trợ việc ghi âm, phát thanh lời đầu hàng lịch sử. Không có gì làm tôi ngạc nhiên là Boerries có đủ dũng cảm và khả năng để tham dự sự kiện lịch sử quan trọng đó. Boerries đã chứng kiến tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng và sự xuất hiện của chính ủy Bùi Văn Tùng. Khi ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu và Bùi Văn Tùng rời căn phòng ở dinh Độc Lập để đi xuống các bậc thang trên bãi cỏ, có những chiếc xe Jeep đang đợi đưa họ đến đài phát thanh – nơi lời đầu hàng sẽ được ghi lại và phát sóng. Boerries cùng đoàn người đi theo. Ông Minh và ông Mẫu ngồi xe đầu. Chính ủy Tùng ngồi xe thứ hai. Đứng ngay cạnh chiếc xe thứ hai, Boerries bắt đầu nói chuyện với chính ủy Tùng bằng tiếng Pháp. Khi anh ấy hỏi người chính ủy xem mình có thể đi cùng không thì ông Tùng đã gật đầu đồng ý. Boerries và Hà Huy Đỉnh cùng nhảy lên xe.

Tại đài phát thanh, chính ủy Bùi Văn Tùng viết lời đầu hàng cho ông Dương Văn Minh đọc. Tuy nhiên, khi mọi việc sẵn sàng, không ai có mặt ở đó có thiết bị thu thanh và ông Tùng đã chỉ rõ việc Boerries phải làm. Bài phát biểu thông báo sự đầu hàng của chính quyền miền Nam Việt Nam và kết thúc chiến tranh đã được thu âm bởi Boerries bằng chiếc máy ghi âm của tòa báo Tấm Gương. Đó là sự may mắn tuyệt đỉnh của nhà báo, khi được chứng kiến và còn được giúp đỡ cho sự chuyển giao quyền lực tại Việt Nam.[9]

Lịch sử đã đi những bước ngẫu nhiên thật kỳ diệu! Không có những ngẫu nhiên đó thì sự đánh tráo sự thật lịch sử bẩn thỉu có lẽ sẽ hoàn tất một tất yếu của sự vá víu và phục dựng cái thể chế toàn trị phản dân chủ đã quá rệu rã vì đã đánh mất lòng tin của dân, trong đó những đảng viên còn lương tâm, lương tri đang day dứt về vận nước. Đúng là “cái mà người ta quả quyết là tất yếu thì lại hoàn toàn do những cái ngẫu nhiên thuần túy cấu thành, và được gọi là ngẫu nhiên lại là hình thức trong đó ẩn nấp cái tất yếu”. Chúng ta đang chứng kiến điều mà F. Engel vừa nêu ra.

Thì chẳng phải người ta cố dồn sức tô son vẽ phấn cho một thây ma chính trị đang thoi thóp vẫn quyết “sáng tạo con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” khi mà thành quả của “chống tham nhũng” là tham nhũng ngày càng tệ hại đang tàn phá đất nước mà giữ nhịp cho sự tồn tại của “người đốt lò” là những thông báo của Uỷ ban Kiểm tra về những vụ kỷ luật “làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước và phá hoại uy tín của Đảng”. Tệ hại nhất là tham nhũng ngay trên nỗi đau đớn, chết chóc của dân trong nỗi đau đại dịch covid với những trung tướng, thiếu tướng của Học viện Quân Y kế tiếp sau vụ 11 vị tướng tàn phá “Lực lượng Cảnh sát biển”, và án lệnh vẫn còn treo lửng lơ đợi ngày công bố với hai ngài bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – đương kim Chủ tịch Hà Nội…

Những tệ hại ấy diễn ra giữa lúc thế cuộc như nước sôi lửa bỏng trước sự câu kết của Putin và Tập Cận Bình – đại diện cho sự chuyên chế toàn trị của độc tài phương Đông – tấn công vào thể chế dân chủ và tự do mà EU và Mỹ đang chống đỡ. Phải làm cái chuyện chẳng đặng đừng đó vì cũng chẳng biết làm gì hơn để tự hiến dâng sự trung thành với Bắc Kinh, một chỗ dựa có thể là bất đắc dĩ, và cũng có thể là một tất yếu nhằm duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ để giữ cái ghế quyền lực với những lợi ích rất cụ thể mà trong mơ cũng khó hình dung được.

Chính vì thế người ta cố làm ngơ cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina của Putin là tiền đề để Tập Cận Bình ấp ủ một mưu toan bành trướng hướng về Biển Đông và Việt Nam – một miếng mồi ngon trước mõm con sư tử đói. Miếng mồi này dễ vồ hơn là Đài Loan vì sự kiên cường của bà Tổng thống Thái Anh Văn và nhân dân nước này, đang được sự bảo trợ mạnh mẽ của Mỹ, của Nhật, của NATO.

Cần phải nhắc lại ý tưởng tuyệt vời của K. Marx: “Lịch sử sẽ mang tính chất thần bí nếu tất cả những cái ngẫu nhiên không có tác dụng gì cả. Những ngẫu nhiên này chính là một bộ phận trong tiến trình chung và sự phát triển diễn ra nhanh hay chậm phụ thuộc vào cái ngẫu nhiên, kể cả những cái ngẫu nhiên rất nhỏ”. Chính nhờ những cái ngẫu nhiên rất nhỏ ấy so với cái rất lớn là máu thấm đỏ trên từng thước đất của Tổ quốc trong đại ngàn Trường Sơn, trên những đồng lúa trải dài từ đồng bằng sông Cửu Long, những dải đồng bằng duyên hải miền Trung đến ruộng lúa bát ngát đồng bằng sông Hồng rồi trên từng đường phố của các đô thị miền Nam, trên từng nương rẫy Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Bắc, mà sự thật lịch sử của thời đoạn hào hùng và bi thương này không bị đánh tráo.

Vậy thì đáng vui hay đáng buồn đây?

Vui vì tránh được một thảm hoạ từng được cảnh báo: “Cách hữu hiệu nhất để hủy diệt một dân tộc là phủ nhận và phá hủy sự thấu hiểu của họ về lịch sử của chính họ”.[10] Chúng ta đang phải đương đầu với mấp mé của “thảm hoạ” ấy khi đọc “kết luận” của “Quân uỷ Trung ương” thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, và hùa theo đó là những nhà báo bẩn, sử gia bẩn, chính khách bẩn… Nếu theo “kết luận” ấy thì ông tướng bẩn Phạm Xuân Thệ sẽ đi vào lịch sử với sự “toàn thắng” của hành trình cướp công, đẩy người chính uỷ trung thực và cao thượng Bùi Văn Tùng vĩnh viễn lùi sâu vào bóng tối.

Xót xa thay người bị đẩy vào bóng tối ấy lại là một người thầm lặng trong sự trung thực và trong sáng. Khi trở lại Đà Nẵng, cụ thân sinh của ông còn giữ được bản chứng thực từ thời thực dân về mảnh đất căn nhà của ông, nơi đã có nhiều hộ gia đình dọn đến sinh sống trên đó nhiều năm rồi, ông cụ muốn đòi lại thì ông Tùng can: “Mình đi làm cách mạng để nhân dân có cơm ăn, áo mặc, nhà cửa ở, nay cách mạng thành công rồi mình không thể đuổi họ ra khỏi căn nhà họ đang sống được mặc dù khi về hưu, đồng lương hưu eo hẹp, ông phải nuôi gia cầm cho vợ đem ra chợ bán để thêm đồng ra đồng vào.

Liệu có phải để cho tướng Thệ rộng đường thăng quan tiến chức mà người ta cho ông chính uỷ Tùng về hưu lúc 53 tuổi để rồi hơn chục năm nằm liệt giường do tai biến mạch máu não. Những tai biến nhỏ có lẽ do những nỗi đau lòng hậu chiến tranh không nói ra được, đã khiến ông dần mất đi khả năng vận động và nói lưu loát, như lời của con gái ông kể cho phóng viên BBC ngày 28 tháng 4 năm 2020.

Những nhà báo nước ngoài ấy đã giúp phục dựng lại sự thật lịch sử đã bị đánh tráo khi họ ngẫu nhiên có mặt tại Dinh Độc lập đúng trưa ngày 30.4.1975. Thật đáng vui là vì thế.

Tuy nhiên cũng vì vậy mà buồn, rất đáng buồn. Không thiếu những chứng nhân có mặt trực tiếp hoặc gián tiếp đúng vào thời khắc lịch sử ấy nhưng không đủ sức để làm nổi cái nhà báo người Đức đã làm. Đơn giản là vì họ – những chứng nhân người Việt – đã hoặc đang phải chịu sức ép khủng khiếp, hữu hình và vô hình của nhiều năm sau, khi mà sự tha hoá của quyền lực đủ độ “chín” để vươn cái vòi bạch tuộc bẩn thỉu uy hiếp họ, với những lý do bí ẩn chưa được phơi bày đầy đủ. Cho đến hiện nay, vẫn còn những chứng nhân của thời khắc lịch sử ấy đang im lặng. Áp lực của bộ máy quyền lực đang bị thao túng còn quá lớn có phải là lý do?

Đã đến lúc cần nhắc lại lời cảnh tỉnh của Martin Luther King: “Lịch sử sẽ phải ghi nhận rằng bi kịch lớn nhất của thời kỳ chuyển dịch xã hội này không phải là tiếng la hét đinh tai của người xấu, mà là sự im lặng kinh khủng của người tốt”.

Họ im lặng cũng có nguyên nhân. Từng chứng kiến biết bao nhiêu người trung thực dám lên tiếng thì đã phải gánh chịu sự trừng phạt của một thể chế toàn trị phản dân chủ lên đè lên đầu họ, đáng sợ hơn là uy hiếp gia đình, con cháu họ, khiến họ phải thu mình lại, giữ thân. Vì rằng “toàn trị là thứ chống lại tự do giá trị thiêng liêng đối với cuộc sống của con người” như ông Võ Ngọc Hoàng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Ban Thường trực Ban Tuyên Giáo Trung ương cũng vừa chỉ ra. Chừng nào mà chế độ toàn trị vẫn còn ngự trị trên đất nước này thì sự thật lịch sử còn bị đánh tráo theo ý muốn của quyền lực.

Vì rằng, lịch sử được viết theo ngòi bút của những “sử quan”, chứ không ghi lại những sự thật đã diễn ra. Mà sử quan thì phải theo “chỉ thị”, “nghị quyết” của người đang nắm quyền lực trong tay như chúng ta đang thấy!

Muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm là vì vậy!

Chuyện này không lạ, đông tây kim cổ đều chứng kiến cái tệ ấy. Sử gia vĩ đại Tư Mã Thiên thời cổ đại nói: “ngàn người chỉ biết vâng vâng dạ dạ chẳng quí bằng một kẻ sĩ dám nghiêm nét mặt mà nói thẳng” (Thiên nhân nặc nặc, bất như nhất sĩ chi ngạc ngạc 千人之諾諾, 不如一士之諤諤). Còn Voltaire của Thế kỷ Ánh sáng thì thật chí lý khi viết: “Lịch sử chỉ được viết tốt trên một đất nước tự do”. Một khi mà sự thật lịch sử đã bị đánh tráo thì lịch sử không còn là lịch sử. Đó là một tội ác “trời không dung, đất không tha”. Đến những người từng là kẻ đi xâm lược nước ta cũng không thể làm chuyện “đánh tráo lịch sử” như người ta đang làm.

Xin được trích ra đây Tài liệu số 139 (bằng tiếng Anh) nằm trong Tập 17 của Quan hệ Đối ngoại của Mỹ, giai đoạn 1969-1976, phần về Trung Quốc (1969-1972). Tài liệu được đăng tải trên trang web chính thức của Cục Sử gia thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ (tại địa chỉ mạng: history.state.gov/):

Tiến sĩ Kissinger: Họ là dân tộc anh hùng, dân tộc vĩ đại.

Thủ tướng Chu Ân Lai: Họ là một dân tộc vĩ đại, anh hùng, và đáng ngưỡng mộ. Hai ngàn năm trước, Trung Quốc đã xâm lược họ và rồi Trung Quốc bị đánh bại. Trung Quốc đã bị đánh bại bởi hai nữ tướng.Và khi tôi tới Việt Nam với tư cách là một đại diện của nước Trung Hoa mới đi thăm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cá nhân tôi đã đi viếng mộ của hai nữ tướng đó và đặt vòng hoa lên mộ để tỏ lòng kính trọng hai nữ anh hùng này – những người đã đánh bại tổ tiên chúng tôi, những người đã đi bóc lột.

Thế đấy! Trên đất nước ta hôm nay tất nhiên không thiếu những “kẻ sĩ biết nghiêm nét mặt mà nói thẳng”! Trong số họ, có những người đang cất lên tiếng nói thẳng ở trong tù trong sự lắng nghe của cả nước và công luận thế giới mà Phạm Thị Đoan Trang, Trần Huỳnh Duy Thức là những tấm gương sáng chói. Cùng với họ, là nhiều người yêu nước khác cháy bỏng khát vọng tự do và dân chủ đang ngồi tù, hoặc đang quằn quại nung nấu nỗi ưu tư về vận nước.

Họ vững tin rằng lịch sử là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ, như đại văn hào Pháp V. Hugo nói, vì thế không kẻ nào có thể đánh tráo đươc sự thật lịch sử.

Sự công bằng của lịch sử sẽ trả lại sự thật cho chính nó! Ngày 5.4.2022


[1] Nguyễn Gia Thiều, “Cung oán ngâm khúc”.

[2] https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=3112073039121789&id=100009573691787

[3] “Nêu” ở đây là “cây nêu” dựng giữa sân ngày Tết.

[4] https://danviet.vn/dao-dien-nsut-pham-viet-tung-co-nhung-su-that-30-4-1975-can-lam-sang-to-de-khong-phai-xau-ho-truoc-lich-su-2021043023171841.htm

[5] Nt.

[6] Nt.

[7] Nt.

[8] Nt.

[9] https://tuoitre.vn/chung-nhan-phuong-tay-duy-nhat-trong-dinh-doc-lap-ngay-30-4-1975-20210428084307205.htm

[10] George Orwell, nhà văn người Anh, tác giả của tác phẩm “Trại gia súc” nổi tiếng.

Comments are closed.