Tifosi đã đánh lận con đen như thế nào?

Thái Hạo

Ngày 4.9, Page Tifosi tung ra bài viết “GẦN 100.000 ĐỒNG BÀO THIẾU NƯỚC SINH HOẠT, TƯỚI TIÊU VÀ MỘT KHU RỪNG 600 HA (CÓ 137 HA RỪNG ĐẶC DỤNG): CÁI NÀO QUAN TRỌNG HƠN?” để biện minh và ủng hộ cho việc phá gần 700 ha rừng ở Bình Thuận. Bài viết này ngoài nhận một số chỉ trích thì cũng đã thao túng và dẫn dắt một lượng lớn người đọc. https://www.facebook.com/tifosi.hpo/posts/291061090223151

Bài viết cung cấp thông tin phiến diện và có cách lập luận thiếu logic, không thuyết phục, xin lần lượt chỉ ra vài điểm.

1. Tác giả viết: “gần 100 ngàn đồng bào gặp hạn hán và 600ha rừng (137ha rừng đặc dụng), cái nào quan trọng hơn?”.

Trả lời:

– Theo bài báo “Một số giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất ở tỉnh Bình Thuận” đăng ngay trên trang Trường chính trị Bình Thuận, thì đúng là có tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhưng chỉ có 2.658 hộ/10.632 khẩu của “gần 100 ngàn đồng bào” toàn huyện, chứ không phải tất cả. Vả lại, “thiếu” chứ không phải “không có”, nó khác nhau một trời một vực đấy! Nghĩa là Admin của Tifosi đã lấy dân số toàn huyện thay vì số dân thật sự thiếu nước sinh hoạt để thổi phồng sự thật lên gấp 10 lần. Đối với các thông tin khác liên quan đến diện tích đất nông nghiệp cần tưới tiêu tác giả của trang này cũng dùng chiêu thức tương tự. https://truongchinhtri.binhthuan.dcs.vn/…/mot-so-giai… (1).

2. Tác giả viết tiếp: “Chúng ta không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Nhưng phải có những khoảnh khắc chúng ta phải lựa chọn giữa được và mất, giữa sinh tồn của gần 100 ngàn người và một cánh rừng 600 ha”.

Trả lời:

– Cổng thông tin điện tử Bình Thuận (2020) cho biết: “Bình Thuận hiện có 48 hồ chứa thủy lợi các loại đang khai thác sử dụng với tổng dung tích thiết kế thiết kế = 330,29 triệu m3, tổng năng lực thiết kế 36.367 ha” https://binhthuan.gov.vn/…/binh-thuan-tap-trung-phat… (2)

Riêng Hàm Thuận Nam, Báo Bình Thuận online (2016) cung cấp: “Huyện Hàm Thuận Nam đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng 14 công trình hồ, đập, phục vụ nước tưới cho 8.000 ha cây trồng và cung cấp nước sinh hoạt cho 7.394 hộ dân, với tổng chiều dài các tuyến kênh mương khoảng 328,2 km. Trong đó đã bê tông hóa các tuyến kênh chính được 26,23 km và kiên cố hóa kênh mương nội đồng 9,53 km” https://baobinhthuan.com.vn/ham-thuan-nam-thuc-hien-tai… (3)

Tuy nhiên, theo (1): “Tính đến ngày 11/4/2020, lượng nước hữu ích còn lại ở tất cả các hồ chứa thủy lợi là 32,8 triệu m3, đạt 12,6% dung tích hữu ích thiết kế, thấp hơn so với trung bình những năm trước”. Câu hỏi đặt ra là, liệu công trình hồ thủy lợi Ka Pét sau khi hoàn thành thì có nước để chứa không, hay lại cũng rơi vào tình trạng "trơ đáy" như của “toàn tỉnh”? Đó là chưa chất vấn rằng, khi còn rừng mà nước đã thiếu nghiêm trọng như thế cho các hồ chứa, nếu bây giờ mà phá rừng đi nữa thì còn thiếu tới mức nào, khi mà chúng ta đều biết: rừng đồng nghĩa với nguồn nước ngầm?

– Lại nữa, theo (3): “Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết, tổng lượng nước hữu ích trữ trong các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam vào cuối tháng 1/2022 được 41,63 triệu m3 đạt 58,9% thiết kế” (trong khi hồ Ka Pét có thiết kế 51,2 triệu m3 nước) https://baobinhthuan.com.vn/ham-thuan-nam-chu-dong-nguon… Như vậy, nếu đảm bảo được công suất thiết kế của các công trình đang hiện hữu thì sẽ chứa thêm được thêm một lượng nước bằng một nửa của dung tích dự án hồ Ka Pét đang sắp phá rừng để khởi công. Nhưng đó là về mặt lý thuyết trong điều kiện “mưa thuận gió hòa” để có đủ nước mà chứa cho các hồ.

Tuy nhiên, vấn đề của hệ thống thủy lợi hiện hữu của Bình Thuận không chỉ là thiếu nước để chứa. “Theo ông Nguyễn Hữu Huệ – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, khó khăn hiện nay trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam là HẦU HẾT các tổ thủy nông nội đồng hoạt động chưa hiệu quả. Mặt khác, vẫn còn nhiều người dân sử dụng nước chưa tiết kiệm, nhất là những năm hạn. Ngoài ra, đáng lưu ý hiện nay là các hệ thống kênh chuyển nước chưa được kiên cố nên thất thoát nước lớn, hiệu quả sử dụng nước KHÔNG CAO. Một số hồ chứa bị bồi lấp nhiều, không bảo đảm dung tích chứa theo thiết kế, đặc biệt là hồ Ba Bàu và hồ Tà Mon” (theo (3), năm 2022). Xin lưu ý hai từ “hầu hết” và “không cao”, nó nghiêm trọng lắm.

Tóm lại là đã có nhiều công trình thủy lợi nhưng vừa không đủ nước để chứa, vừa đang để lãng phí vì xuống cấp. Những công trình đã có “hầu hết chưa hoạt động hiệu quả”, bây giờ không tập trung khắc phục, tu bổ, lại đi làm cái mới, vậy có thuyết phục không, thưa ông Tifosi?

Cách đặt vấn đề và lập luận của Tifosi là mang sự “sinh tồn” – tức sự sống còn của “100 nghìn đồng bào” để lấp liếm một thực tế rằng hệ thống hồ đập và thủy lợi nói chung ở Hàm Thuận Nam đã có và cơ bản đáp ứng nhu cầu. Nhưng anh ta lại không hề nhắc gì tới việc chúng “hầu hết chưa hoạt động hiệu quả”, đó lại một lần nữa lập lờ đánh lận con đen.

3. Tifosi dạy: “Trong cả ngày hôm nay, người ta thương tiếc một khu rừng. Vậy, bây giờ đặt một câu hỏi như thế này, những người thương tiếc ấy sẽ làm gì để giúp người dân Hàm Thuận Nam nói riêng và Bình Thuận nói chung thoát hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, làm sao để hơn 60 ngàn ha đất nông nghiệp tại huyện này có thể được canh tác? Làm sao để hơn 26 nghìn hộ dân có được nước uống, nước tắm? Nói mồm thì lúc nào cũng dễ, nói đạo lý thì lúc nào cũng hay, nhưng đưa ra giải pháp thì tuyệt nhiên câm lặng”.

Trả lời:

– Như phần 2 đã phân tích và chỉ ra về năng lực và thực tế khai thác có phần bi đát của các công trình thủy lợi hiện có ở Hàm Thuận Nam, thì việc Tifosi mang sự “sống còn” của “100 nghìn đồng bào” ra đe dọa (như thể nếu không phá gần 700 ha rừng để làm ngay hồ Ka Pét thì toàn bộ người dân của huyện sẽ bị biến mất vậy) để làm bình phong nước mắt là một lối ngụy biện nhằm thao túng tâm lý người đọc. Trong khi, ông ta không hề đả động gì tới các giải pháp mà ngay chính công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Thuận cũng thẳn thắn và thật thà nêu ra, đó là: “đề xuất địa phương củng cố tổ thủy nông nội đồng, nạo vét kênh mương nội đồng. Tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân để nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm đúng mục đích, không sử dụng nguồn nước sinh hoạt để tưới nông nghiệp. Mặt khác, hỗ trợ đơn vị khai thác thủy lợi xử lý kịp thời các khó khăn trong việc quản lý nguồn nước. Đối với Chi nhánh Hàm Thuận Nam và Trạm Ba Bàu, tổ chức nạo vét, khơi thông các tuyến kênh, phối hợp với các tổ dùng nước xây dựng lịch cấp nước cho từng công trình” (3).

Vậy ai đang “nói đạo lý” và ai đang “tuyệt nhiên câm lặng”? Chính công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Thuận đã đưa ra giải pháp rồi đấy, chỉ có ông Tifosi mới đang hô hào phá rừng và tuyệt nhiên không muốn làm gì khác nữa ngoài việc phá rừng.

Còn nhiều lỗi ngụy biện khác trong bài nhưng vì chúng quá lộ liễu, thiết nghĩ không cần mất thời gian phân tích thêm.

Ông Tifosi mắng những người lên tiếng đòi hỏi sự cẩn trọng trong dự án này bằng kết luận: “Xin được lặp lại một câu nói mà mình đã nói nhiều lần: "Yêu môi trường kiểu rởm đời". Tôi cũng muốn nhắc ông rằng, với tất cả những ngụy biện của ông như đã chỉ ra, thì khó mà mà không thấy ông chỉ đang "Yêu con người kiểu rởm đời", người ta còn gọi là đạo đức giả.

●●●●●●●●●

Tôi không phản đối việc làm hồ thủy lợi, tôi chỉ phản đối phương án phá một cánh rừng giàu mấy trăm năm tuổi để làm, vì tôi tin rằng còn có những lựa chọn khác hài hòa hơn, vừa đảm bảo được nguồn nước, vừa bảo vệ được diện tích rừng vốn đã gần như cạn kiệt.

Thêm nữa, nay là thời của “kinh tế tri thức” không phải cái kiểu cứ “chặt to kho mặn” mà thành công được đâu. Đừng tưởng cứ có một hồ nước tràn ngập là nông nghiệp Việt Nam có thể lập tức “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Hãy xem những quốc gia như Israel, họ nằm giữa sa mạc khắc nghiệt nhưng vì đã dùng công nghệ và chất xám nên đã tạo ra một nền nông nghiệp khiến cả thế giới phải kinh ngạc và kính phục như thế nào.

Hô hào phá rừng là một việc rất dễ, ông Tifosi ạ, chỉ có bảo vệ rừng, và nhất là trồng rừng, mới là khó. Ông hãy về miền Tây xem nước lênh láng ra sao và nền nông nghiệp đang như thế nào, đừng làm nông nghiệp bằng cách “nói đạo lý”, vì nó “rởm đời” lắm.

Rốt cuộc bên cạnh giải pháp tình thế để giải quyết tình trạng thiếu nước trước mắt, thì vẫn dứt khoát cần phải có một chiến lược toàn diện, để vừa giữ và tạo được nguồn nước ngầm bằng cách giữ rừng, trồng rừng, vừa chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chứ không phải lại “giật gấu vá vai” hay “thằn lắn ăn đuôi”. Đừng cưa tay phải để lắp vào cánh tay trái đã bị cụt.

image

Comments are closed.