Văn học Miền Nam 54-75 (702): Y Uyên (kỳ 12)

Khói trên mặt nước

Về sáng, lúc đàn ngỗng kêu dáo dác, Dần thấy mẹ và em gái đã dậy sửa soạn thùng để hứng nước mưa. Giấc ngủ trong gian buồng bừa bộn đồ dùng con nít của Tấm, yên ổn không mộng mị. Trời đổ mưa. Dần ra ngoài giúp con Tấm đổ nước vào phuy. Một vài trái sáng cuối đêm nom rõ dù trong cột khói, rải rác, tản mát. Bóng tối đầy lại thực mau với cơn lạnh nhiều hơi nước trở vào, Dần hình dung căn nhà về sáng có Thục ướt át chuyển những thùng nước giúp mẹ. Chuông nhà thờ phía sông đổ hồi gọi con chiên buổi sớm. Dần hỏi mẹ: 
"Anh ấy đã có vợ con gì chưa?"

Mẹ Dần bật cười: 
"Hỏi ngớ ngẩn như Mán xuống núi. Vợ nó là con Cả Sán chứ ai". 
Dần đột ngột thấy trí nhớ rung động trong sự tìm quen mờ mịt. Những cái tên riêng như lời hướng dẫn nửa chừng. Anh Tốt. Chỉ còn một cái tên đó soi rõ. Con Tấm ngồi thủ bọc trên giường bảo: 
"Có những cái chum của bà ngoại ở đây thì thích quá. 
Mẹ Dần hỏi như không định: 
"Bà ngoại có hỏi gì về tin tức dì Phong?" 
Dần lắc đầu: 
"Không thấy bà nhắc tới. Trừ lúc bà bảo "Mày giống dì Phong mày". Con cũng giấu chuyện mẹ gặp dì ấy". 
"Già rồi bà bắt đầu lẫn… Nói nói bữa nay về ăn giỗ Dần-anh mà không biết có thực không?" 
Mẹ Dần cười không rõ rệt. Con Tấm vặn máy thu thanh nho nhỏ nghe buổi đọc truyện về sáng. Truyện Chung Vô Diệm với tiếng kèn hát bội réo rắt bít kín thông cảm. Truyện đọc thực hay. Trong cảnh nửa tối nửa sáng, mẹ Dần có vẻ dạn dĩ trong ham thích nói về họ ngoại. Dần lười biếng để lòng mang về những đời sống không có ở đây. Giấc ngủ chưa dứt hẳn. Những điều nhớ về anh Tốt, những lời nghe mẹ nói mơ mơ như thoảng qua. Mẹ Dần tỏ ra ít khe khắt nghe bà ngoại nói Dần giống dì Phong. Trước giờ bà vẫn giận những ví von kiểu đó. Thực tình, bà không muốn con cái giống mẹ. Những người đã khuất bên họ ngoại còn được nhớ tới bây giờ thường có cái chết xanh xao của ý tưởng. Chén độc dược và bài thơ tự thuật trên mặt thành của một sĩ phu thủ tiết. Phát súng kê vào màng tang của một người Cần Vương với đám tàn quân không tìm được hướng để vọng bái anh quân trước khi tự kết liễu. Những bài vè ngạo cợt của một người áo dài khăn đóng dán lén ở cổng đình, cột chợ và vuông vải trắng trên cành cây vào mùa xuân đám trai gái đánh đu chạy ùa ra đầu làng đón quan công sứ. Người cậu ồn ào đòi hỏi và kết tội bừa bãi với cặp mắt mệt mỏi chậm rãi khép lại vĩnh viễn như một nhận thức về liên hệ xã hội vào phút chót. Giờ thì dì Phong bỏ đi như người cuối cùng của dòng lãng mạn. Những người đó đã sống và chết theo từng luồng tư tưởng mỗi thời. Họ không ăn nhằm gì vào buổi sớm nay. Như Chung Vô Diệm với tiếng kèn hát bội réo rắt. Buổi sáng nay không có chi đặc biệt. Ngoài tiếng ngỗng dáo dác, tiếng mưa và dự tính sẽ gặp anh Tốt coi xem mặt mũi anh có khác trước chút nào. 
Cơn mưa tạnh dần, trời hửng sáng. Mẹ và hai đứa nhỏ đi khỏi. Đàn ngỗng ra khỏi chuồng dẫn nhau về sân trước coi nhà. Dần thay quần áo đi về mạn bờ sông. Bên kia sông là khu chợ và vài con phố mới lập. Bà con Dần thực nhiều bên đó. Một cây cầu gẫy sập ở kế khúc quanh. Mặt trời mới, như nỗi náo nức quanh quẩn. Luồng nước sáng dần chảy chậm qua những vòm sắt cong queo. Dần nhớ những buổi sáng mấy anh em đi với mẹ ra đầu cầu sông Cái chờ cha. Một con đò sang ngang chở những người vận áo vải mới và mấy vòng hoa cho một đám ma bên nhà thờ. Dần nghĩ giá có Thục cùng đi. Thục vẫn che giấu bớt vẻ một mình lủi thủi của Dần. Những chiếc thuyền đang dời chỗ đậu mang theo những luồng khói trôi nổi trên mặt nước. Dần chào mấy người quen vội vã qua sông để vào thành phố làm thêm ngày Chủ nhật. Chủ nhật. Ngày mai sẽ gặp lại Thục dưới chân pho tượng đồng. 
Qua sông và một cánh đồng hẹp, tới khu phố chợ. Những dãy nhà tôn, nhà lá lẫn lộn. Những con đường ổ gà có bóng mát của hàng cây mới trồng, trên mười năm. Đám bà con không có gì đổi khác. Vẫn những ồn ào nằm gọn trong lòng cánh đồng phẳng lặng lại gần mới biết. Cuộc sống lao động không có nổi những nhát cuốc bổ trên mặt đất tự đánh dấu. Anh Tốt. Tiếng vang không gợi được hình sắt hiện sinh. Anh như một cái bóng trong truyện, đã lùi thực xa. Mồ côi từ nhỏ, khi hai tay ôm nổi cái chổi lá cau anh đã sống trên mảnh sân Bát Tràng nhà Dần. Vào những ngày loạn đến gần, anh bắt đầu vỡ tiếng và khoẻ như cái cối đá. Cha Dần mang mấy người con lớn đi những chuyến đò dọc lên Thái Nguyên. Còn lại mẹ Dần mang thai con Hài, anh Tốt và Dần ở nhà. Những buổi chiều rủ Dần ra đóng cổng, anh vỗ bụng tự xưng là cái hột mít. Tháng tám mưa trên nền nhà trồng rau cải. Ao hồ nước lên cao, bèo non nở kín dầy mặt nước. Đi trên đường làng đầy những hàng rào chướng ngại, anh Tốt tít mắt thấy Dần đồng lõa cho uống trộm một ngụm rượu mua về cho mẹ chữa bệnh. Anh làm bộ ngất ngưởng đá vung những đám lá dừa làm giật mình những con ếch chồm hỗm trên những cụm bèo dưới ao. Giọng vỡ tiếng nghe lạ như của một người say thực. Anh hát: "Giờ đây con với u đi tìm thầy, tìm thầy mấy tháng nay mà không thấy…". Mẹ Dần bảo gở, cấm hát, nhưng anh không chừa. Anh kiếm đâu được chữ bí mật đem ra doạ Dần: "Tao còn biết nhiều bài bí mật nữa, khi nào thích mới hát. Nhiều đêm anh xin phép mẹ Dần cho đi công tác. Mờ sáng anh mò về thì thầm với Dần tối qua anh đi với thực nhiều người, đi thực xa. Dần thì cho là anh bắt đầu mê gái. Vào một buổi chiều Dần đang ngồi câu cá ở bờ ao, anh Tốt từ đâu về hớt hải nói giặc tới. Mẹ Dần sắp tới ngày sinh, tính với anh Tốt tìm nơi an toàn để ở yên một chỗ. Không có nơi nào ngoài quê ngoại của mẹ Dần ở trong vùng địch. Ba người sửa soạn thực mau. Ra tới đầu ngõ hai mẹ con Dần phải đứng chờ một hồi lâu anh Tốt mới đóng xong cổng, kiếm được một lối bí mật để ra ngoài. Buổi chiều mưa. Những đoàn người bỗng tụ bỗng tản mát trên những cánh đồng, những khu xóm lạ. Những chuyến đò qua hồ, qua mương với những người đàn ông cởi truồng, những đàn bà váy phùng mặt nước bơi theo. Nơi nào cũng như có súng giặc nổ chặn đường. Gần tối, đám người chạy những đoạn đường gần đã khuất vào các thôn xóm. Còn lại ba người. Hai đứa nhỏ rét lạnh và người đàn bà trên bờ đê đứt khúc bỡ ngỡ định hướng tìm quê ngoại. Khi tới nơi, mẹ con Dần được đón tiếp thực niềm nở. Anh Tốt và Dần ôm nhau ngủ trong căn buồng chứa khoai chứa củ. Một ngày trên đất lạ, Dần và anh Tốt làm mẹ Dần cũng nhớ nhà lây. Quê cũ của bà ngoại không làm mẹ Dần yên lòng. Dần nghe anh Tốt kể chuyện vào buổi sáng hai người rủ nhau ra vườn lánh những mặt lạ. Đứng rũ dưới cây khế ngọt, những lúc ngơ ngẩn, trí nhớ loãng, không bắt được một mẩu chuyện để an ủi Dần, anh hát "Giờ đây con với u đi tìm thầy…". Ba người lại trở về vào buổi chiều. Nhá nhem tối chưa đi được nửa quãng đường tuy lần này không phải chạy xa tiếng súng. Những cây cầu cheo leo ngang sông, những vũng nước ngập đầu giữa đường và những xóm nhà xa không ánh đèn. Anh Tốt trỏ một ngôi chùa bị phá dở dang, nói đã có đêm cùng đoàn người xuống tận đây dỡ ngói. Anh tả suốt đêm phải khom lưng trên mái chùa muốn gẫy lưng. Dần chắc anh bịa nhưng thích nghe. Cuộc phiêu lưu của anh đầy những thế bò và mang mọi người lại gần, làm quen với những cảnh hoang sơ xa lạ. Về tới khu chợ, trời đã khuya. Những cây đa, cây đề um tùm bóng tối, những gian quán lợp ngói bỏ không, khúc rẽ của ma lợn, ngôi miễu ma trơi, chiếc võng trong rặng tre của một bà già mù xõa tóc kẽo kẹt trong đêm. Anh Tốt cắm đầu bước. Im bặt lời bịa đặt phiêu lưu. Nhà bà ngoại ở ngay đầu làng, mẹ Dần định sẽ vào ở đó chờ sáng sớm về. Tới cổng làng mới nghe tiếng anh Tốt. Đột ngột tiếng đứa trẻ đập tay vào cánh gỗ lim cùng tiếng gọi thảng thốt của một giọng khàn khàn vịt đực. Dần nghĩ ngày mai đón Thục dưới chân pho tượng đồng sẽ có thêm chuyện nói. Vào tới con đường đất đỏ chạy giữa hai dãy nhà, Dần gặp chị Lý. 
"Về hồi nào đó cậu?" 
"Được vài hôm". 
Chị Lý đang ngồi chơi với đứa con trai dưới giàn hoa giấy. Hai mẹ con bỏ dở cuộc nô giỡn. Dần cầm bàn tay còn hai ngón của thằng bé dắt vào nhà. Chị Lý theo sau rối rít hỏi chuyện. Dần hỏi: 
"Chủ nhật ăn lương gấp rưỡi sao không đi làm?" 
"Làm mãi, chết xác để lấy tiền nuôi béo nó à?" 
Dần nhìn khắp nhà chắc chồng chị đi vắng. Dần cười với thằng bé trố mắt ngồi trên đùi. Nghe Dần nói sang gặp anh Tốt, chị bảo anh chắc quanh quẩn ở một bàn bạc nào đó. Từ bữa ở chi Chiêu Hồi được về, anh ở mỗi nhà mấy bữa, ăn no lại nằm. Chỉ có nhà chị là tệ, chị đi làm, chồng chị đi hút cho béo, anh Tốt ghé chơi có lệ. Dần hỏi: 
"Hai vợ chồng chắc đã lộn xộn?" 
Chị Lý kêu lớn nguyền rủa. Chị bảo thằng nghiện đó vẫn không ngớt nhắc tới quả pháo tống hồi tết. Tối qua, thằng chết đâm lại cuốn tóc chị đánh như đánh kẻ thù. Chị thấp giọng: 
"Nó vẫn còn tiếc những lóng ngón tay của thằng bé gói trong giấy bông đỏ vứt ngoài sông". 
Dần hút một điếu Salem trong gói thuốc chị Lý. Căn phòng đầy những đồ Mỹ. Chị Lý khoe mới lên lương. "Phải giấu, không cho thằng chết đâm biết". Răng chị nom lạ mắt. Lặp lại chuyện tối qua, chị vẫn muốn la hét với cái mồm mới cạo răng trắng. 
"Bao giờ cô Thục cho chị ăn cỗ?" 
Chị hỏi lúc Dần đứng dậy. Dần bảo: 
"Tối nay giỗ trăm ngày Dần-anh, hai mẹ con sang chơi". 
Ngoài đường mưa rơi nhỏ. Dần đi thẳng tới nhà anh rể. Dưới mái tôn trước nhà, xe gắn máy để thành hàng. Chắc của đám đánh bạc. Ngày nghỉ không phải trực trong đồn, anh Kính vẫn mời mấy người làm sở Mỹ tới ăn uống, đánh bài để lấy xâu. Dần vào nhà, vợ chồng anh Kính có vẻ mừng. Dần chào mấy người ở bàn tổ tôm, có ý kiếm anh Tốt. 
"Nó vừa đi mua phở cho anh Thắng". 
Anh Kính nói. Thắng ngồi ở bàn tổ tôm cười bảo Dần: 
"Bây giờ nom đồng chí già gấp hai tuổi cậu". 
Dần hỏi Thắng: 
"Nghe anh sắp nạp đơn vào Quốc hội?" 
"Thì cũng mới định vậy. Anh em họ giục dữ quá". 
Anh Kính hiền lành nhìn Thắng nói và cười phụ. Dần bảo anh: 
"Vợ con binh sĩ, công chức mỗi người được thêm hai trăm tiền gạo, cũng đỡ?" 
Anh Kính cười rộng thêm: 
"Thì cũng biết mừng vậy". 
Cánh cửa đẩy hé cho một người bước vào. Dần gọi: 
"Anh Tốt". 
Người đàn ông tay xách cái gà mèn bỏ nón, ngạc nhiên nhìn Dần. 
"Anh già quá, anh Tốt". 
Anh Kính đón cái gà mèn chuyển vào bàn tổ tôm. Tốt cười: 
"Anh nom cũng lớn". 
Dần bảo lại bàn uống nước nói chuyện, Tốt lấy trong túi áo bà ba một xấp giấy vuông nom như giấy lau đũa bát ở một tiệm ăn, nhón một tờ lau bộ mặt lởm chởm râu ướt nước. Anh Kính vứt cho hai người một gói thuốc thơm. Tốt kéo vài điếu nhô ra, mời Dần: 
"Vào tới đây cái gì cũng thấy lạ". 
Bộ mặt Tốt vẫn tròn, mắt vẫn híp nhưng hai vai thực gầy. Dần hỏi: 
"Ở ngoài ấy có mấy con rồi?" 
Tốt cười híp mắt. Tiếng trả lời không rõ. Trong buồng, chị Kính ru con: "Làng Phù Đổng có một người. Sinh ra chẳng nói chẳng cười trơ trơ. Những ngờ oan trái bao giờ. Nào hay thần tướng đợi giờ ra quân…". 
Dần nhìn ra ngoài trời, bảo Tốt ra kiếm la-de uống chơi. Hai người ra một cái quán gần cánh đồng. Tốt bắt đầu bỡ ngỡ. Anh cười nói dóc rằng, người đàn bà mặc váy cầm cái vồ đứng bên cái chuông bằng vỏ bom báo chí trong này đăng hình chính là vợ anh. Vẻ lù dù của mái tóc rậm và đôi vai so giảm bớt ở cái cười tinh quái thoáng có. Dần hỏi anh có dự định gì không. Anh bảo chắc Thắng sẽ giúp việc làm. Giờ tới ngày bầu cử, anh sẽ đi vận động cho Thắng. 
"Anh ấy bảo có muốn lấy vợ anh ấy giúp". 
Tốt nói. Dần bật cười không tin: 
"Hắn lấy vợ cho hắn còn chưa xong, giúp được ai. Ở khu chợ này đám con gái già không đứa nào không chửi hắn. Hắn ứng cử vì hỏi vợ mãi không ai ưng". 
Tốt hỏi: 
"Anh không ưa anh ấy?" 
"Dần-anh còn sống mấy lần suýt đập lộn với hắn. Dần-anh ghét hàng ria mép của Thắng". 
Dần cười dài nắn nắn cánh tay xâm chằng chịt của Tốt, thấy hai người nói những chuyện trẻ con lúc nào không hay. Trỏ chữ tím thẫm trên da, Dần hỏi: 
"Xâm hồi nào đó?" 
Tốt tít mắt: 
"Làm ở chi Chiêu Hồi. Họ bảo đó là chữ Sát Cộng. Cái đầu rồng làm thêm ở ngực mới đẹp". 
Dần đùa: 
"Nếu còn chỗ nên xâm thêm cái hình vợ anh đánh chuông". 
Lúc trở về, mưa tạnh, nắng sáng trong, Dần gặp người chú tuyệt ngôn đội mũ nịt, để râu ba chòm, vận quần áo sồi mới rảo tới nhà anh Kính chầu rìa tổ tôm. Dần bảo Tốt: 
"Ghé nhà ông Cổn một chút". 
Hai người rẽ vào một khu vườn nhỏ có mấy dãy nhà nuôi gà. Ông Cổn đang đứng bên cái máy ấp trứng. Thấy Dần, ông vỗ cái máy: 
"Mười ngàn đó. Cũ nhưng còn tốt". 
Ông Cổn không mấy khi tỏ cảm tình lúc đột nhiên có một đứa con, đứa cháu trở về. Ông bảo tụi nó có mặt hay vắng mặt cũng thế thôi. Nhưng sau khi thằng con thứ tư – thằng Ơn – đi nốt, ông kêu khu phố chợ này đã hết con trai. 
"Tối nay chú sang ăn giỗ". 
Dần nói. Ông Cổn nhìn Dần, nghiêm trang nghe ngóng. Ông gật: 
"À, một trăm ngày thằng Dần-anh". 
Ông lại bàn uống nước. Dần hỏi: 
"Thím đâu chú?" 
"À, bà ấy vẫn quanh quẩn đâu đó". 
Dáng to béo nặng nề của ông xoay trở trên ghế. Ông rót nước vào mấy cái tách, giọng lửng lơ: 
"Đã có đàn gà nuôi đôi vợ chồng già này". 
Dần hỏi chuyện chăn nuôi để khỏi nghe những chuyện khác. Ông Cổn ồn ào kể và cười lớn. Trại gà, cái máy ấp trứng không để ông có chỗ sàm sỡ, thân mật một cách giả dối. Vẻ cười cười nói nói của ông vẫn bao ngoài nỗi xa cách với gia đình Dần. Những người ở đây cũng không khác. Từ hồi cha Dần mất, mối liên hệ hàng ngày chỉ còn với vài ba người quên được mẹ Dần là con quan. "Cái dòng họ dâm loạn vì giàu sang, chết cuồng vì chữ nghĩa", có lần người ở đây đã chuyền nhau câu nói đó của ông Cổn. Giờ thì chỉ chị Kính và Dần-anh thực sự được họ hàng nhìn nhận. Chị Kính vì biết sống cho chồng con. Dần-anh thì không có cái chết giống mấy người bên họ ngoại. Hắn không kịp quay lại phát súng nổ phía sau. 
Ở nhà ông Cổn trở ra, Tốt bảo Dần ghé chơi chỗ ở của anh. Dần bảo trước giờ chưa vào nhà Thắng, để khi khác. Dần hẹn tối Tốt sang rồi trở về. Qua sông, nắng loáng trên mặt nước rộng. Dần nhìn bờ cỏ cao chạy trước mặt thấy như vừa chợt có nỗi cảm tình phí phạm, tào lao. Thục vẫn như ước muốn được tìm đến, gặp mặt kèm nỗi bâng khuâng hình dung được nơi chốn và nhan sắc.

° ° °

Ông Cổn nói cười nhiều nhất. Ông nói chuyện đám con ông và mỉa mai Thắng. Thanh niên khu phố chợ đã đi hết. Thắng mà trúng cử chắc không còn nhận ra họ hàng. Thắng mà được một đứa gái già bỏ phiếu thì chắc hết loạn. Giờ hắn không cưỡi vespa, rà rà đi tán gái nữa. Mỗi buổi chiều, đám con gái thường thấy hắn mượn xe của viên Ty trưởng già, tập lái trong khu phố. Hắn để đầu mượt và ngậm Hav-A-Tampa. Đã có mấy con chó bị cán chết. Ông Cổn kết luận: 
"Cũng may, thanh niên đi hết, đường phố vắng vẻ xe cộ". 
Trời tối mau. Không thấy dì Phong về. Ông Cổn và mấy người nữa sợ mưa, ăn trước rồi về. Đám trẻ nhỏ được chị Kính nom cho ăn uống ở đi-văng cười la ồn ồn. Tốt và anh Kính từ ngoài giàn mướp trước nhà đi vào. Cả hai áo đều bỏ trong quần nom tươm tất. Anh Kính nói vào Địa phương quân, ở gần nhà cũng đỡ, chỉ kẹt không biết bao giờ giải ngũ. Tốt nói nếu sang năm phải đi quân dịch, chắc phải nhờ Thắng xin cho vào Nghĩa quân. Chị Lý đang bày bàn ăn đùa anh Kính: 
"Đầu óc mấy người giờ chỉ có một thứ phải gió đó". 
Anh Kính đùa lại: 
"Còn chị thì hết chết đâm đến phải gió. Hết phải gió đến chết đâm. Tôi mà là anh ấy, tôi cũng biết khện". 
Người chú tuyệt ngôn ngồi trước mấy đĩa ăn chay, theo dõi hai người đối đáp và cười. Mẹ Dần mệt đã vào nhà trong nằm, anh Kính trở nên vui chuyện. Anh bảo chị Lý: 
"Lâu lắm mới được ngồi ăn với bà chị. Có dám say một bữa không?" 
Chị Lý cười lớn: 
"Bữa tiễn thằng Ke Nơn về nước, mấy thằng phải gió lén đổ huýt-ky vào la-de, người ta vẫn cười nói như thường. Chưa biết rồi đứa nào say, đừng có thách". 
Mọi người quây quanh bàn ăn. Người chú tuyệt ngôn ngồi riêng một góc. Dần rót cho ông một ly la-de: 
"Bữa nay chú uống nhiều một chút cho vui". 
Chị Lý so đũa cho ông: 
"Chú cứ uống cho say. Nếu say quá, cháu trở về gọi thím thuê ghe sang chở chú về". 
Trời bắt đầu mưa. Con Tấm đi lùa ngỗng về vào nhà gọi Hài mang đèn ra cổng lượm một mớ truyền đơn đả đảo bầu cử mang xuống bếp đốt. Anh Kính, chị Lý không ngớt thách đố nhau. Tốt, Dần, người chú tuyệt ngôn bị nài, uống theo cũng nhiều. Hai gò má cao từ hồi người chồng nghiện bắt đầu đỏ óng. Chị Lý cười, nói lớn như đã thực sự quên có hồi chị thực đẹp. Anh Kính đã dám quát lúc mấy đứa con bu quanh "Mẹ bảo bố đừng say", "Mẹ bảo bố đừng say". Tốt thầm thì bên tai Dần: "Không phải người đàn bà nào cũng cầm vồ nện vào vỏ bom báo động". Giọng Tốt nhỏ, còn tỉnh, như rời xa bộ mặt nạ, gồ ghề và yên tĩnh. Anh ta lấy ra xấp giấy lau bát đũa ở tiệm ăn đưa mỗi người vài tờ lau miệng, rồi bảo Dần: 
"Cứ mưa này, la-de này mãi, bụt cũng phải nhớ vợ nhớ con". 
Tốt không say. Những ly la-de chỉ tạo một hứng khởi nửa chừng, chưa đủ làm Tốt thành ồn ào. Người chú tuyệt ngôn thiêm thiếp giữa những khua động ly chén, bát đũa và tiếng cười không mỏi. Ngoài Tốt, không ai quen được chất rượu. Những chai la-de mẹ Dần khuyên uống từ trước tới giờ vẫn như một liều thuốc có chút ít chếnh choáng. Dần ngả đầu, bỏ tay đũa, ngậm một điếu thuốc dường như đã tắt, không còn muốn cựa quậy. Dì Phong không về. Mẹ Dần từ nhà trong ra như vừa qua một lúc chợp mắt. Bà có vẻ lạ, thấy vẫn còn người ăn và tiếng ồn ào dưới ngọn đèn thu nhỏ ánh sáng ngôi nhà. Bà không lại gần nhưng có ý kiếm Dần xem có còn ngồi đó? Bà lại phía bàn thờ thổi tắt nốt mẩu nến đã ngả bấc. Bức hình Dần-anh ngồi vắt chân ngửa cổ hút thuốc trong lòng chiếc ghế sa-lông nhà một người bạn nào đó bớt vẻ ngỗ nghịch. Bà thắp thêm vài nén nhang. Dần chợt nhớ buổi chiều tắm bãi Trời Trồng với đám học trò và đêm gió to mang người đàn bà có đôi tay đen đủi về giấu trong nhà bà ngoại. Thấy khó chịu, Dần ngồi thẳng dậy châm điếu thuốc đã tắt. Chiếc mũ bịt đầu, mấy chòm râu, tấm áo sồi tươi màu của người chú tuyệt ngôn khiến Dần chợt bỡ ngỡ như vừa mới chợp mắt. Dần bỏ vào nhà trong nằm. Trong lúc chập chờn, Dần nghe như mọi người ra về giữa lúc còn mưa lớn. Dần mơ nằm chung với Thục. Thục cười bảo anh gối đầu ê cả cánh tay em. Em vừa mơ thấy hai đứa qua sông. Vì anh cấm thoa phấn nên lúc đó mặt em thực tái. Vì anh gối đầu lên cánh tay nên lúc đó em chỉ thấy còn mỗi một cánh tay. Dần tỉnh dậy mưa đã im. Dì Phong không về thực. Dần ra ngoài kiếm nước uống. Một ngọn đèn bóng sơn đỏ thắp ở bàn thờ Dần-anh. Mẹ Dần đã buông mùng đi nằm. Con Tấm kể lại lúc về Tốt phải cõng người chú tuyệt ngôn. Hai chị em nó chưa ngủ. Hai đứa nói còn sớm, trời mưa nên tưởng đã khuya. Chúng đang ngồi trên ghế áp mặt lên bàn vặn ra-dô nho nhỏ nghe với nhau chương trình "Gia đình". Có tiếng một đám trẻ nhỏ nô giỡn reo cười ở đâu đó như từ trong bầu trời mông lung những làn sóng điện.

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=co%20loai%20chim%20la&page=3

Comments are closed.