Chuyện đời tôi (kỳ 18)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

Đi học

Nói về việc học hành ở Hà Nội. Ngày đến trường nghe sắp xếp tổ chức lớp và sanh hoạt nội qui. Vậy là đối tượng học của trường phải tốt nghiệp văn hóa phổ thông trở lên. Bọn tôi ở An Giang hầu hết là cấp một hoặc trên một chút nên xếp một lớp riêng (lớp B7) gồm các tỉnh, thành miền Nam như tiền lệ. Nhưng không hiểu sao, Lê Văn Nuôi, Lê Hồng Tư, Võ Ngọc An… là sinh viên, học sinh Sài Gòn, anh Huỳnh Chí Thiện ở An Giang mà cũng chung lớp với bọn tôi, nhưng chỉ có bọn tôi phải đăng ký học bổ túc văn hóa ban đêm. Buồn cười, mình đăng ký học lớp 6, nhưng không ai dạy mà chỉ dạy từ lớp 8 trở lên và cũng chỉ dạy có bốn môn: Văn, Sử, Địa, Sinh. Dân An Giang lớp B7 đều đăng ký học, trong đó có anh Út Bình (Nguyễn Thanh Bình), Phó Hiệu trưởng Phân hiệu Nguyễn Ái Quốc 7 Trung ương đóng ở Thủ Đức. Cán bộ miền Bắc học lớp riêng B8. Có lẽ, họ rành Mác-Lênin lắm và trông họ cũng có vẻ tự tin, tự đắc hơn về cái món này!

Vào học bổ túc văn hóa, môn văn đầu tiên lớp Tám là bài ngụ ngôn “Cây tre trăm đốt”. Thầy dạy có thâm niên hơn hai mươi năm, vậy mà chưa đến lượt mua xe đạp phân phối tiêu chuẩn. Nghe thầy nói, chúng tôi mơ màng hiểu được thực chất của chất lượng học “bổ túc” văn hóa và thực chất của “Chủ nghĩa Xã hội” ở miền Bắc như thế nào. Thầy nói: “Các anh trên ba, bốn mươi tuổi hết rồi, biết bao công việc bủa vây, đầu óc đâu còn trống mà nhét vào nữa. Tôi nói, cái nào không rõ nói tôi giảng lại. Khi nào có rảnh, nói tôi cho bài tập về nhà làm”. Tới thầy dạy Sinh vật, nói về thụ tinh, nhiễm sắc thể mang ký hiệu X, Y và làm cách nào có con trai theo ý muốn, nhưng rồi nghe anh em nói lại thầy có ba con rồi, đều gái! Hỏi, thầy cũng nói: “Trong phổ biến cũng có cá biệt!”. Đúng là trường Lý luận – Chánh trị. Nhưng khi học “vật chất tồn tại…”, anh Ba Liêm đi mua cuốn Vật lý lớp Tám, đọc bài bài quang hợp và hô hấp của cây trồng để hiểu “vật chất chuyển hóa” như chứng minh; khi về ăn Tết Nguyên Đán, tôi khuyên cơ quan đừng theo chủ trương “trồng khoai lang bồ” mà thất bại, chúng cười. Vợ tôi và các anh em cơ quan nghe, dẹp bỏ. Đó là kết quả học bổ túc duy nhất của tôi. Từ ý kiến của thầy dạy văn, tôi nghiệm ra: Học bổ túc chỉ nên áp dụng cho “người quá độ” và trong “thời gian quá độ”, tức là những người trên dưới 20 tuổi mà học chưa hết phổ thông và thời kỳ sau Giải phóng cần giải quyết “tồn kho của lịch sử” để cho số này có cơ hội đảm đang những chức vụ mới quá tầm sức họ, nên yêu cầu biết chung chung vậy thôi, làm sao có kiến thức để đủ sức đảm đang lâu dài công tác chuyên sâu, kể cả chuyên làm chánh trị!

clip_image002

Các anh cùng lớp B7

Hôm khai giảng lớp học, tôi nhớ, ông Tố Hữu (kiêm) Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc có nói một câu, tuy lúc đó không hiểu hết ý, nhưng càng về sau mới thấy quí: “Đáng lý các đồng chí có điều kiện đọc trước tác của Mác-Ăngghen-Lênin từ bản gốc như con chiên trước Chúa, chớ không nên qua các thầy giảng và bản dịch như thế này”. Nhớ và ghi lại lời ông Tố Hữu ra đây sau hơn 30 năm là vì tôi thấm thía điều này trong thực tiễn, vì theo các thầy nói: “Khoa học và cách mạng là bản chất của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ nghĩa Mác-Lênin lại là linh hồn của Cách mạng Vô sản”. Nhưng cũng rõ ràng, nếu thiếu kiến thức thì không thể nào hiểu đúng Chủ nghĩa Mác và lực lượng cách mạng nếu thiếu quá hoặc quá ít (không có vai trò) của thành phần trí thức thì cách mạng thường mắc sai lầm tả khuynh hoặc trả giá đắt cho những thắng lợi. Sau này, lúc ông Sáu Dân làm Cố vấn cho Trung ương có kể tôi nghe: Hồi ông làm Bí thư Thành ủy TP HCM có lúc phân công nhà văn Lữ Phương trong nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác, sau đó một thời gian khi gặp, ông hỏi: “Anh nghiên cứu Chủ nghĩa Mác có thấy gì không?”. Ông Lữ Phương trả lời: “Có! Có thấy các anh không có ai đọc Mác hết!”. Và ông Sáu cười ngất!

Qua một tuần lễ đầu học môn Triết, đầu óc tôi lung bung lang bang như vịt nghe sấm. Các thầy giảng, thấy học viên không hiểu, hình như họ thích thú lắm nên nói rất “mắc”, nói như “người cõi trên”. Vì vậy, tốt nhất, muốn có điểm cao là phải nói và viết như thầy. Chúng tôi là thế hệ học trò ngoan, suốt hai năm không tổ chức nhậu nhẹt hay tự tổ chức đi chơi các tỉnh, có lẽ chúng tôi ít bạn nhất và có lẽ chi phí cũng ít nhất, nếu không nói là không có “chi phí thù tạc giữa các tỉnh” so các lớp học sau này. Có khi, chúng tôi nghiên cứu, mạn đàm cả ngày Chủ nhật hoặc ngày lễ, mà người ở miền Bắc ai cũng về nhà. Nhờ vậy mà tôi đọc giải trí được hết mấy bộ truyện Tàu, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của nữ văn sĩ Anh đầu thế kỷ 19 về “Con quái vật Frankenstein”, sách về Napoléon, vài tiểu thuyết Nga và đọc hai lần tập 2 tác phẩm Lênin toàn tập để tìm ý tưởng cho nông nghiệp xứ mình.

Nói về sách kinh điển, có lẽ ông Lênin viết khó hiểu nhất, trong đó có “Bút ký Triết học”; tôi cắc cớ hỏi thầy hiểu không, thầy cũng lắc đầu. Trong khi cái gần nhất là cơm ăn, áo mặc cho người dân, thậm chí cho bản thân và gia đình, mình lo còn chưa rồi mà tính toàn chuyện trên trời rồi cãi nhau, qui chụp và triệt hạ, đôi khi cả mạng sống của nhau. Nó trở thành “căn bệnh chánh trị” “ác tính” và “mạn tính” hồi nào không biết!

Phải thừa nhận rằng, trong các phần học ở trường, tôi thích nhất là Triết học Mác, chủ yếu là phép Biện chứng và Kinh tế Tư bản chủ nghĩa của Mác. Còn Lênin thì chánh sách “Tân kinh tế” – NEP, mà chỉ sau Đại hội VI của Đảng ta mới nghe nói đến nhiều. Nhưng tôi thấm thía các giáo huấn của Lênin về tính chính danh và chất lượng Đảng viên qua câu nói nổi tiếng: “Đảng phải nắm ngọn cờ dân tộc. Đảng phải biến thành dân tộc”, hoặc: “Tôi sẵn sàng đổi một tá Đảng viên để lấy một chuyên gia tư sản”. Hay câu: “Không ai khác làm mất uy tín Đảng Bôn-sê-vích, ngoài những người Bôn-sê-vích”. Khi nói chuyện với các đồng chí của mình ở vị trí thiểu số sau bỏ phiếu trong đảng Dân chủ Xã hội Nga: “Các đồng chí ơi! Đa số không hẳn là chân lý”. Câu nói ấy đối với tôi là “bùa hộ mệnh”; là sức mạnh tự tin khi cô đơn trong suy nghĩ, đột phá trong chủ trương, quyết liệt trong hành động, dứt khoát trong tổ chức; chỉ có lặng thinh chớ không có thỏa hiệp hoặc nói theo điều mà tôi cho là sai trái, gây hại… của số đông mang danh “tập thể”.

Đọc Mác, Lênin, nếu ta không ở thời điểm của các ông thì khó mà hiểu đúng; mà thời của các ông khác thời ta xa lắm, về thời gian ít nhất là 150 năm, về không gian, lực lượng sản xuất cũng qua ba cuộc cách mạng công nghiệp (nay là bốn rồi). Nên nhớ rằng bản thân Việt Nam ta chưa qua vai “chủ” cuộc cách mạng kỹ thuật nào cả mà chỉ là “khách đi tàu” thôi! Mác đã rất thận trọng nói “Phương thức sản xuất Châu Á”, để tránh nói cụ thể về cách mạng vô sản Phương Đông. Nếu mọi cái của các ông nói ra đều bất biến như ta hay hô hào thì qui luật phủ định của phủ định và phạm trù lượng đổi chất đổi của các ông tan thành mây khói! Bác Hồ cũng từng cảnh báo: Các nhà kinh điển Mác-xít đều xuất thân Châu Âu và nghiên cứu nền kinh tế thị trường xã hội công nghiệp Châu âu; còn ta là Châu Á nên phải vận dụng phù hợp. Vả lại, lắm người chánh trị thực dụng tả khuynh thường trích dẫn chỗ nào của các vị “khoái khẩu” để phục vụ mưu đồ cá nhân, dân túy.

Bên ngoại vợ tôi ở miền Bắc, bị chánh quyền thực dân phong kiến đày biệt xứ vào Nam trước cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Hồ sơ mật thám Pháp còn ghi: Cụ Vũ Hoành (Cử Hoành) có trại ruộng ở Ba Thê – Núi Sập, Cụ Phó bảng mới vào có tá túc ở đây một thời gian trước khi rày đây mai đó Thất Sơn, Cao Lãnh… Sau Giải phóng, ông được Chủ tịch Trường Chinh ký xác nhận là “Cách mạng Tiền bối” và được cấp tiền làm giỗ, người con gái út của cụ cho đến bây giờ (2017) vẫn còn hưởng các chế độ đặc biệt ưu đãi. Bà con bên vợ tôi hiện còn nhiều người ở Hà Đông, Nam Định, Hà Nội… Tôi tranh thủ ngày nghỉ, đạp xe lần lượt đi thăm tận nhà, vừa cho biết bà con bên ngoại vợ vừa để biết đời sống thật của người dân. Đúng là dân rất khổ, rất sợ Hợp tác xã và Chánh quyền. Tôi nghĩ rằng đó là do chiến tranh, nó phá hết các qui luật kinh tế, làm xáo trộn cuộc sống bình thường. Nhưng cái được là nhờ có miền Bắc chi viện cho miền Nam thắng Mỹ, tất nhiên là không thể quên của cải, vũ khí và tiền bạc là của Liên Xô, Trung Quốc, mà nếu không có, chắc gì ta chịu nổi. Cái qui luật “vay trả” nghiệt ngã ấy đè nặng lên người Việt Nam mà lãnh đạo chưa có cách gì thoái trả hết và bản thân tôi, cứ lấn cấn giữa lý luận và thực tiễn, giữa lý tưởng và cuộc sống luôn luôn có sự lệch pha mà tư duy không đủ sức độc lập phê phán, nhắm mắt cả tin đến hàng chục năm sau mới vở òa nhận ra: Không có con đường thứ hai, thứ ba nào cả, mà chỉ có kẻ trước người sau, độc lập – tự mình đi trên con đường đau khổ, gập ghềnh và cạnh tranh khốc liệt để giành “quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc” như tinh thần và lời văn của Tuyên ngôn Độc lập Mỹ năm 1776 mà Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tái minh định. Cái rủi cũng là cái may, nhận ra sớm để làm gì, anh chỉ là hạt bụi, thậm chí là cọng rơm trong cơn lốc “Cách mạng giữa hai con đường”: Bay lên là thắng, rơi xuống là thua, mà cơn lốc nào, kể cả “vòi rồng” rồi cũng phải lặng. Trên con đường đau khổ và vinh quang ấy, nhân loại sẽ thay nhau vào vai “Những người khốn khổ” cho đến hết tấn tuồng đời vậy thôi. Sau Đại hội VI, râm ran có những ý kiến “thức tỉnh” hay “sám hối”. Tôi nghĩ, cha mẹ tôi không theo Việt Minh năm 1945, và tôi không theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam 1960 là không yêu nước, kể cả vào Đảng Lao động hay Cộng sản gì gì thì cũng là vì yêu nước; chớ có ai hình dung Chủ nghĩa Cộng sản, Chủ nghĩa Xã hội là cái gì, hình thù nó ra sao đâu, chỉ nghe nói nó bình đẳng, tự do và sống sung sướng mà ham, vậy thôi. Nhưng trong thực tế, có những vấn đề về đường lối, chánh sách hay chủ trương không phù hợp, có hại cho dân cho nước, nhất là có hại cho hòa giải, hòa hợp và sức mạnh “Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở những nơi, những lúc Đảng cầm quyền: 1954 ở miền Bắc, và từ 1975 trên cả nước mà cứ nhân danh “chân lý cách mạng”, “lý tưởng quang vinh” của Đảng, ép mình và ép dân thi hành là sai, để lại nhiều vết sẹo lịch sử cần phải có thời gian và hành động dũng cảm như thuở mới khởi nghiệp thì mới làm lành. Ngày trước, khi chưa có chánh quyền, quyền lợi của Đảng và của dân tộc là một, là “cộng hưởng”. Nay thì khác lắm: Trong khi đó, vấn đề hóa giải, hòa giải, hòa hợp Dân tộc và đoàn kết Quốc gia là món nợ lịch sử mà ta đã hứa; không chỉ với thế hệ đã qua mà ngay cả thế hệ đang thời cũng đặt ra mà ta chưa làm, nên cuộc sống luôn bám đòi gay gắt!

Nhân Tết Nguyên Đán Mậu Ngọ – 1978, trường cho nghỉ và Tỉnh ủy cho tiền vé máy bay về nhà ăn Tết. Về đến cơ quan, mừng chưa kịp trọn, nghe vợ tôi kể lại: Chú Ba Dừa mới bị Viện Kiểm sát huyện mời làm việc mấy ngày nay mà chưa cho về, nghe đâu có dính líu cây gỗ gì đó với tôi. Anh Năm Điền từ Bến Tre mới về làm Viện trưởng Kiểm sát huyện nhưng không dám nhìn quen với vợ chồng tôi hồi kháng chiến. Sáng hôm sau, tôi lật đật lên Viện Kiểm sát huyện thăm chú Ba Dừa. Gặp tôi, chú khóc ròng. Chú nói: Hàng ngày, có hai cán bộ chấp pháp của Công an huyện đến làm việc, toàn hỏi Bảy Nhị có thông đồng với chú ăn cắp gỗ của cơ quan đem về Long Xuyên làm nhà không? Nếu khai nhận như vậy thì sẽ thả. Ông nói với anh em Công an là ông ăn chay, không thể nói oan cho người không có tội. Tôi hỏi chú Sáu Bảng, Viện phó cũng nói Công an nghi như vậy và đề nghị tạm giam chú Ba ở trại của Công an, nhưng chú và anh Năm Điền thấy không có gì nghiêm trọng, làm vậy coi không được nên đề nghị giữ lại chỗ Viện Kiểm sát thôi, cho nhẹ nhàng hơn. Còn anh Năm Điền kêu nói riêng với tôi: Công an nói ông là tề ngụy cũ mà vào ra chỗ Huyện ủy như chỗ không người. Rồi chính anh cũng xác nhận: Chuyện tề ngụy cũ thì rõ ràng ai cũng biết, còn chuyện vào ra văn phòng hàng ngày là vì Văn phòng hợp đồng làm việc có lương với người ta mà không vào thì làm sao?! Tôi nghe qua lùng bùng lỗ tai, nhưng ráng nén giận ăn bữa cơm chay với chú Ba, chú Sáu Bảng và anh Năm Điền. Hình như hôm ấy là ngày lệ ăn chay hàng tháng của đạo Hòa Hảo. Ăn xong, tôi đề nghị chú Sáu Bảng xuống đo toàn bộ số thuông ruông bằng gỗ sao mà tôi xin của dân, cưa ở trại cưa của ông Sáu Thưởng có tương ứng với khối cây tròn trước khi cưa hay không? Ông và một cán bộ nữa làm việc này không nghỉ trưa và kết luận rằng không có thất thoát. Mà thật tình, dân Nam Bộ không có, hay nói đúng hơn là ít ai dám lấy gỗ sao làm nhà vì nó tuy là danh mộc nhưng thuộc nhóm âm (-) và cũng theo dân Nam bộ: Cây sao thường là của đình chùa, nên càng sợ hơn; vả lại nhà của anh Tư Đào ở Long Xuyên, mua lại của dân không có miếng gỗ sao nào cả! Lúc này, tôi mới nhớ trực lại chú Ba Trừ. Hôm kiểm thảo Ban Chấp hành để chuẩn bị vào Đại hội huyện vòng I, tôi có phê bình đồng chí Bí thư, ngoài ô-tô con tiêu chuẩn lãnh đạo, một mình đồng chí mà hai xe mô tô (một chiếc Honda 90 cc, một chiếc Vespa Italy) và một chiếc ô-bo chủ yếu là về thăm nhà tận Đồng Tháp, trong khi đó, anh Tư Hương, Phó Bí thư kiêm Huyện đội trưởng, mới giải phóng là Chủ tịch Quân quản huyện lại không có xe nào. Người thứ hai tôi phê bình là đồng chí Thường vụ Trưởng Công an huyện: Anh dễ dãi với mọi người, nhưng cũng nhậu nhẹt không phân biệt thành phần, nhất là vụ tôi cho bắt một nhân viên Phòng Văn hóa – Thông tin tội ăn cắp tiền quỹ, mà anh lại cho theo anh mang súng ngắn làm oai để chuyên lo nhậu cho anh. Tôi nói: “Anh còn dung dưỡng nó thì… tôi để Đảng lại cho anh ở, còn tôi về vườn”. Tại hội nghị, các đồng chí đều “rút kinh nghiệm” vui vẻ. Khi giải lao, chú Ba Trừ kêu tôi ra ngoài nói: “Tự hồi nào, tao chưa thấy ai gan như mầy, dám phê hai ông lớn quá nặng”, nhưng trước khi đi học, lúc chia tay, cũng chú Ba Trừ nói nhỏ với tôi: “Tao nghe thằng N. nó nói: Sẽ bắt ông Ba Dừa, để khai ra mầy”. Tôi không tin, vì tôi đâu có gì mà khai? Như vậy là đã rõ. Tôi lên văn phòng lúc 2 giờ chiều cùng ngày, gặp Bí thư Huyện ủy, hỏi: “Bộ các anh ở nhà định bắt ông Ba Dừa để khai ra tôi có cái gì không, hả?”. Ông chưa kịp phản ứng, tôi nói luôn: “Nói thật tình với chú, có bắt hết cái Huyện ủy này, tôi cũng không sợ có ai khai cho tôi chuyện gì!”. Ông khuyên tôi đừng nóng nảy, chuyện đâu còn có đó, rồi ông quay qua giả lả nói như hiểu và thông cảm cho tôi về huyện là bị thiệt thòi hơn những người cùng cỡ còn ở tỉnh, tôi có nhiều đóng góp cho huyện từ đầu tiếp quản…, đại để là kể lể “thành tích” cá nhân để chứng tỏ ông hiểu tôi là cán bộ tốt (!). Tôi thấy ông dịu xuống nên không nghĩ vụ bắt chú Ba Dừa là do ông quyết định, nhưng nhứt định có thông qua ông, đó là nguyên tắc. Chiều hôm đó, chú Ba Dừa được trả tự do. Tôi không thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn mà còn tự nhủ: “Phải đề cao cảnh giác hơn nữa với… các đồng chí của mình!”. Căn bệnh tiểu nông “di căn” từ trong mầm cách mạng đã bắt đầu phát tán, mà có vị tu hành trong vùng phát hiện khi hợp tác với Việt Minh năm 1945 đã nói: “Người đồng đảng giết người đồng đảng”. Mãi đến bây giờ tôi mới nhận ra!

Hai năm đèn sách ở Hà Nội rồi cũng qua. Tháng 5.1979, sau khi thi tốt nghiệp có kết quả, tôi và anh Mười Minh được xếp loại giỏi, đang chuẩn bị thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp III (Hệ 10/10 chuyên Văn-Sử-Địa-Sinh). Đùng một cái, được điện tín của anh tôi báo tin “Ba hấp hối, em về ngay”. Tôi lật đật xin phép nhà trường, bỏ thi văn hóa và nhờ anh em nhận bằng lý luận giùm. Anh Ba Ngô có lần được điện tín má anh đang hấp hối, vậy mà đến gần một tháng mới mua được vé máy bay, về đến nhà thì bà đã mạnh khỏe bình thường rồi. Tôi đang ngao ngán thì rất may, nhờ có anh Sáu Phong (Trần Đông Phong) bạn học từ khóa 44 Trần Phú Khu 8 năm 1973, anh có người cậu làm Giám đốc xăng dầu sân bay Gia Lâm nên anh lấy xe đạp chở tôi ra nhà ông ấy ở Hà Nội để nhờ mua vé đi ngay. Tôi ngủ nhà ông, sáng hôm sau ông chở tôi trên chiếc Vespa Italy (có lẽ mới mua từ miền Nam) ra Gia Lâm. Đúng là “nhất thân nhì quen” nên mới được vậy.

Từ bến xe Miền Tây, tôi phải tự lực mua vé về An Giang. Lần đầu tiên phải tự đi như thế này, tôi lờ quờ như con “gà công nghiệp” xổng chuồng. Vì muốn xếp hàng nhanh, tôi phải mua chỗ đứng của một người “nhường lại” với giá năm hay mười đồng gì đó. Hồi ấy, có người chuyên đi xếp hàng bán chỗ; còn ở Hà Nội, thay cho người là những túi sách, giỏ bàng và cả cục gạch cũng tượng trưng cho người đứng xếp hàng có thứ tự, còn người thật ngồi nơi khác đọc sách, thêu đan hay làm chuyện gì gần đó. Lãng phí nhân lực và thời gian kinh khủng. Có vé rồi lên được xe cũng là một trận giặc nhỏ chớ không thường. Tôi vừa bước lên, một người “có trách nhiệm” sặc mùi rượu đưa tay ngăn lại với thái độ rất “gà cồ”. Tôi định đấm vào mặt anh ta cho hả giận nhưng nhìn quanh thấy cô thế, chắc gì mình còn sống về nhà. Nhưng cũng may, khi tôi vừa hỏi sẵng một câu: “Như thế nào anh mới cho lên xe?”. Hắn nói “Chỉ trừ khi cha chết”. May quá, tôi đưa cái điện tín cho hắn xem, hắn gật đầu và tôi thoát nạn cửa quyền mà lần đầu “mục sở thị”! Ngồi trên xe, nhìn hai bên vun vút lướt qua, lòng tôi như bị đá neo lại ở cái giây phút lên xe, miên man nhớ lại biết bao câu chuyện bà con kể, nhất là của vợ tôi kể về nỗi nhục và nỗi khổ khi có việc phải đi xe đò. Về đến Long Xuyên, tôi vào ngay Trạm xá thị xã Long Xuyên trên đường Nguyễn Trãi, gặp ba đang lên cơn sốt oằn oại. Vợ và con tôi từ Phú Tân được tin ba hấp hối cũng mới vừa về đến. Đêm ấy, anh Tư Đào chạy vạy mua được của Công ty Lâm sản tỉnh mấy miếng ván sao làm áo quan và rước thợ đóng hòm, sơn véc-ni… đến gần sáng mới xong, tiền công gấp bội. Hồi này không dễ gì lo được ván sao đóng hòm đâu, cô bác tôi, ai thấy cũng trầm trồ. Đó cũng là lý do mà anh tôi quyết lo được một cái hòm đàng hoàng cho ba chúng tôi để cô bác cũng được vui.

Các bác sĩ thân quen từ trong kháng chiến chẩn bệnh, nghi ba tôi bị sốt rét, vì cữ lạnh và nóng rõ lắm. Riêng Bác sĩ Trí (lưu dụng) cho rằng bị áp-xe gan; ông chỉ cho tôi và anh Tư Đào xem bên ngoài vùng gan có hiện tượng nhô lên, rờ vô rất đau và đề xuất nên mổ lấy mủ ra. Tôi hỏi lại bác sĩ, lý do gây áp-xe gan? Anh giải thích: “Ông cụ bị kiết lỵ, trị không dứt, con amip khu trú vào gan, có dịp gây mủ gan”. Tôi hiểu được, nên cùng anh tôi quyết định mổ cho ba tôi. Ba tôi lúc này tuổi đã 76, tính theo tuổi mụ, nên cô Mười Cư, chú Chín Hiến đều là em ruột của ba, khuyên không nên mổ, sợ không thành, chết mang thương tích. Nhưng anh em tôi rất cương quyết. Ca mổ thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, do nữ Bác sĩ Tường (lưu dụng) làm phẫu thuật chính. Tôi không được tiếp cận, nhưng thoáng qua, thấy chị tốt người, trắng, cao và phúc hậu. Tôi rất biết ơn chị và Bác sĩ Trí về ca trị cho ba tôi. Sau này, nghe dân khen nhiều vế tài và y đức của chị. Tôi thấy ba tôi gặp may, ở hiền gặp lành! Trong lúc lo “hậu sự” cho ba, đồng thời tôi đi chọn nơi an nghỉ cho ba và cả cho má sau này. Đó là phần đất của ông ngoại dành riêng một công làm nghĩa trang gia tộc. Ở đó đã có ông bà Cố và ông bà Ngoại tôi và những cậu dì thuộc kiếng họ Đặng đi trước an nghỉ. Tiếc là… sau khi tôi có tiền chuộc lại đất của cha mẹ bị người chị đem cầm hồi còn kháng chiến, việc xây kim tĩnh cho ba má đã đâu vào đấy nên không dám tự ý thay đổi. Vả lại, nơi đã xây nếu không “địa linh” thì cũng là đất tốt.

“Cải tạo xã hội chủ nghĩa

Ba hết bịnh, tôi đến Ban Tổ chức Tỉnh ủy trình diện và nhận quyết định phân công về làm Ủy viên Thường vụ – Thường trực Huyện ủy Phú Tân, kiêm phụ trách Trưởng Ban cải tạo nông nghiệp và Trưởng Ban chống tiêu cực – Hình như Ban 72 hay 79 gì đó, mà nội bộ và nhân dân thời bao cấp có câu: “72 đánh từ vai trở xuống – 79 đánh lính trừ quan”! Anh Tư Hương được quyết định làm Phó Bí thư trước tôi không lâu, giờ đang đi học lý luận một năm. Riêng chú Bảy Tạo hình như cũng đi học lý luận ở Hà Nội một năm.

Tôi nhận nhiệm vụ Ủy viên Thường vụ – Thường trực Huyện ủy, tháng 6.1979, giữa tháng Tám, nước lên đồng rất nhanh và mạnh. Tôi phụ trách chống lũ các xã đầu nguồn giáp Tân Châu. Ở đây có con đường về Châu Đốc, chỉ có việc đắp đập kinh Thần Nông và mấy họng cầu theo lộ là khống chế được cơ bản lượng nước đổ vào đồng Phú Tân mà trực tiếp là xã Long Sơn, Phú Lâm. Ty Thủy lợi có anh Trần Khoa Tỉnh là kỹ sư miền Bắc tăng cường làm Phó ty, trực tiếp tham gia chỉ đạo hàn khẩu. Anh cùng tôi ăn ngủ tại xã cho đến khi xong. Nhìn anh mình trần, ngâm nước, tôi thắc mắc: Một cán bộ là kỹ sư, có tinh thần như vậy mà tại sao không được vào Đảng? Và tìm hiểu, tôi mới biết anh có lý lịch gia đình lớp trên hay gì gì đó! Trong khi đó, anh Huyện ủy viên – Bí thư xã Phú Lâm, ngày ấy, bỏ đi ăn giỗ không báo cho tôi một lời. Tôi bực quá, gọi điện thoại về đề nghị anh Ba Thu đang Phó Bí thư – Chủ tịch Ủy ban huyện cách chức hay tạm đình chỉ chức vụ ông ấy để chờ kiểm thảo. Anh Ba Thu từ tốn nói qua điện thoại: “Ông mới về, anh Bảy Tạo (Bí thư) đang đi học, ông làm quá bất lợi cho ông lắm”. Nghe anh nói, tôi hiểu ra và tự nhiên xìu xuống như “bông súng luộc”! Vậy rồi, không đình chỉ, phê bình cũng không, chớ nói gì đến kiểm thảo. Tính chiến đấu của Đảng ngày nào giờ đang bị thử thách và mất dần qua mỗi kỳ đại hội toàn quốc, cho đến ba mươi năm sau gần như bị triệt tiêu hoàn toàn vì bọn “lợi ích nhóm”. Có lẽ, vì vậy mà khi tôi làm Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy, phụ trách công tác chi bộ cơ sở và Đảng viên và công tác cán bộ (1982-1988) với thành tâm xây dựng Đảng, tôi có đề xuất được Ban Tổ chức và Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý thành qui định bắt buộc: Phải là Đảng viên mới được đề bạt trưởng phòng thuộc Sở. Tôi tưởng rằng đề xuất vậy là hay, vì Đảng viên và trưởng phòng đều hàng ưu tú cả, nhưng hóa ra không phải vậy, vì Đảng viên chỉ là “tinh hoa” của Đảng, còn trưởng phòng là phải am tường công tác quản lý hành chánh-kinh tế-kỹ thuật. Vậy hóa ra, tư duy tôi tụt hậu hơn câu chuyện anh Tỉnh không phải Đảng viên mà khi ấy vẫn được đề bạt. Lòng trung thành của tôi chỗ này được xem là “ngu trung”, góp phần làm cho Đảng mất tính khoa học và Đảng lãnh đạo đất nước bị tụt hậu. Vì có kỷ niệm đó mà sau khi anh Trần Khoa Tỉnh xin chuyển công tác về quê nhà, hơn ba mươi năm sau, anh vẫn còn nhớ, liên hệ và vào thăm tôi. Anh nhắc: Một lần tôi đi giảng bài ở Trường Đảng của tỉnh có nêu sự kiện anh làm Phó ty mà không được vào Đảng là chuyện tréo ngoe. Bây giờ đã sửa, tôi thấy càng tréo ngoe hơn, vì cán bộ lãnh đạo bây giờ phần lớn đều xuất thân từ “Bốn C” cả! – bốn C là: “con cháu các cụ”.

Tại Đại hội Đảng bộ Phú Tân lần II từ 15 – 20.11.1979, tôi được bầu Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, anh Tư Hương làm Bí thư thay ông Bảy Tạo đi về làm Bí thư Chợ Mới. Tôi mới học về như dao rèn mới ra lò, còn hăng lý luận về Chủ nghĩa Xã hội lắm, miệt mài nghiên cứu và lăn lộn với cải tạo nông nghiệp mà Đảng nói là “trục quay” của Cách mạng xã hội chủ nghĩa lúc này. Nhưng càng đi sâu càng bế tắc mà chưa có lý lẽ nào phản biện; nhưng cũng may, lúc đó chưa có phản biện, phải có, biết sẽ ra sao với cái khí thế hừng hực “Cách mạng quan hệ sản xuất” ấy. Nhưng cái tôi quan tâm nhất trong quá trình học là tôi muốn cán bộ, Đảng viên ta sớm thoát qua cái trình độ văn hóa-chánh trị quá độ hiện thời, như tôi chẳng hạn, vì “cán bộ dốt, càng nhiệt tình càng phá hoại” là nỗi ám ảnh với tôi. Tôi chủ trương: Phải gấp rút đào tạo văn hóa hết lớp 12/12 cho số cán bộ kháng chiến, cán bộ tham gia từ những ngày đầu mới Giải phóng, chừng năm năm sau kết thúc “nâng cấp” thế hệ này để chuyển qua chế độ tuyển dụng cán bộ phải lấy từ số có trình độ phổ thông, kết thúc giai đoạn “bị xảm” kiến thức “Bổ túc-Tại chức”, để cho kiến thức ngang tầm với nhiệm vụ. Ở ngoài Bắc, người ta hay nói: “Dốt như chuyên tu/Ngu như tại chức” là chính xác nhưng không hiểu sao họ không chịu bỏ chế độ đào tạo như vậy trong suốt hàng chục năm sau? Tôi và anh Mười Minh có xem bài kiểm tra của anh Chín H. và Tư C. trong Chi bộ học tập. Thật tình, chúng tôi đọc không chạy, vì chữ xấu và nhiều chỗ không hiểu nói gì, vì học vấn thật sự của hai anh chỉ biết đọc biết viết, nhưng do học bổ túc nhiều lần cũng “đạt yêu cầu chuẩn hóa cán bộ”; vậy mà bài nào hai anh cũng 6 điểm. Chúng tôi gọi đây là điểm an toàn cho người dạy, người học và người chấm thi. Và như tôi đây học bổ túc hoàn thành lớp 10/10 mà có hiểu biết gì đâu, nên chỉ để ghi lý lịch; còn ai hỏi, tôi cũng tự thú chỉ học hết nửa lớp Nhất trường làng những năm 1958; ngay như học lý luận, do trình độ văn hóa phổ thông không đến đâu nên học lý luận cũng không tới đâu, kiến thức triết học, kinh tế học như tấm áo bông lốm đốm, mặc dù tôi được xếp loại giỏi. Nhắc lại việc hai anh cùng lớp làm bài thi nói trên là dẫn chứng “hiệu quả” của cách đào tạo “bổ túc” cho cán bộ, chớ không có ý khen chê các anh, vì hai anh có thành tích kháng chiến oai hùng hơn tôi, thậm chí anh Chín H. còn được Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ trân trọng gặp riêng. Nhưng thành tích không thể thay cho kiến thức. Từ nhận thức qua thực tiễn và kinh nghiệm bản thân, tôi nhân danh Ban Thường vụ Huyện ủy ra chỉ thị bắt buộc cán bộ chưa hết lớp 12/12 phải học bổ túc văn hóa, ai trốn học sẽ bị trừ lương ngày ấy. Tiếc rằng chỉ thị mà tôi ký bị Thường trực Tỉnh ủy “thổi còi việt vị”, nên đành rút lại! Từ đó tôi hiểu dần “không bao giờ sửa được cái gì sai (hay thực trạng cần sửa) mà ai cũng quen hoặc còn thích”!

clip_image004

Chủ trì lễ phát thẻ Đảng viên đợt đầu tiên ngày 19/5/1980 – huyện Phú Tân

clip_image006

Minh, vợ tôi nhận thẻ đợt này (và gầy còn 36 kg). Nhưng rất vui!

Tôi thường cùng đi với cô Bảy Vân – Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách Hợp tác xã Phú Mỹ I là điểm của huyện, của tỉnh mỗi khi cô về làm việc với Hợp tác xã này. Hợp tác xã tọa lạc cạnh Văn phòng Huyện ủy Phú Tân, có qui mô ấp. Nông dân đang canh tác ngon lành nhất tỉnh, năng suất cũng cao nhất, vậy mà khi lên Hợp tác xã thì… như ai cũng biết. Tôi mới về nghe nói lại thôi, nhưng hôm tôi đến làm việc mới té ngửa ra: Ông Chủ nhiệm là anh Ngô Văn Bảy, từng là lính nghĩa quân “kiểng”, không từng làm ruộng, đang chạy xe lôi; vậy mà nay làm đến chủ nhiệm (có lẽ do không ai chịu làm); mới thoạt nhìn, tôi nhận ra ngay là anh Bảy “cán bộ” chớ không anh Bảy ngày nào trước đi học mà tôi quen. Tôi tiên đoán ngay sự thất bại của cái Hợp tác xã này là điều chắc chắn. Nhưng tôi vẫn huy động cán bộ xuống hỗ trợ, cô Bảy cũng thường xuyên xuống làm việc; cái chính, tìm cho ra lối sản xuất đạt gần bằng trước lúc tập thể hóa thôi, chớ chưa nói tới “ưu việt”. Tôi hỏi cán bộ, hỏi dân, làm cách nào để khôi phục sản xuất lại như trước. Tất cả đều đề xuất nhiều cách, nói vòng vo rốt cuộc vẫn là “khoán hộ”. Anh Hai Thăng, Phó ban Cải tạo huyện đề xuất, nói lòng vòng một hồi, rồi anh Bảy Cường khều tôi cười hơi “móc câu”, và chỉ anh Hai Thăng: “Khoán hộ nữa rồi!”. Cái gì cấp trên bảo nhưng làm không được, phải nói dối hoặc nghe ai nói khác thì hay “nói móc ngược lại” như thể hiện mình quán triệt hơn người ấy. Có lần, tôi chủ trương: “Tuần tới toàn huyện đồng loạt nạo vét các đường nước nổi để chuẩn bị xuống giống Đông – Xuân 1979 – 1980”. Thứ Hai tuần sau, ngày họp báo huyện; trước một ngày, nhằm Chủ nhật, tôi đi kiểm tra đường nước Trạm bơm số I thị trấn Phú Mỹ, thấy đường nước chưa ai vét đất bồi sau mùa nước, nhưng có dấu ai vét sơ sơ ba cái rác nylon, xác mía… Hỏi dân, được biết chiều hôm qua, Bí thư chi bộ có dẫn học sinh đến vét rác kiểu làm “vệ sinh đường phố”. Sáng thứ Hai, người phát biểu đầu tiên là Bí thư Phú Mỹ, đang nói ngon lành. Tôi sợ mất thời giờ, chận hỏi: “Anh vét hồi nào? Phải chiều Thứ Bảy, anh và các cháu Trường Phổ thông cấp III Phú Mỹ?”. Ông sượng trân ngồi xuống. Ông là cán bộ chống Pháp hồi kết, là người gốc gác gia đình ở đây, nên chúng tôi xem là vốn quí, rất trân trọng, nhưng mấy ông này hay “nói bốc” quá trời, làm tôi chú ý và hay chỉnh khéo. Có lần, nhân có hơi rượu, anh thố lộ, khen tôi “nói được, làm được, viết được, nhưng có nhược điểm là “tả chân” quá, làm người khác khó chịu”. Tôi phát hiện bệnh không “nói chân – thật” và dần dần thành dối trá… bắt đầu phổ biến trong nội tình và dần lan ra xã hội. Đó là bi kịch của Đảng Cộng sản. Anh Năm Điền đang làm Bí thư Đảng ủy xã Long Sơn, cũng cái kiểu nói “đâm hơi” chủ trương cải tạo. Có lần, anh nói với tôi: “Cái chỗ này (anh chỉ cái bục ở hội trường Huyện ủy giáp với ruộng Hợp tác xã Phú Mỹ I) là chỗ để nói láo, ai lên cũng nói láo ít nhiều”. Bị người không ưa thêu dệt, rất nguy hiểm cho anh, buộc tôi phải bí mật đề xuất rút anh về tỉnh cho yên thân; vậy mà anh không hiểu, còn thắc mắc tại sao rút? Tôi không dám nhắc lại câu anh nói; mãi sau đổi mới, tôi mới có dịp kể cho Ba Thợ Tiện báo Lao Động nghe, hình như anh có viết một bài về “Cái bục”.

Tôi không có công với các loại cải tạo xã hội chủ nghĩa và đổi tiền, vì vậy cũng không có tội gì trong công việc này. Có lần, tôi kêu anh em Văn phòng Ủy ban huyện dẫn tôi vào kho cải tạo công thương nghiệp. Trước mắt tôi là một đống hàng hóa hư hỏng, phụ tùng xe và máy móc bị thay đổi còn toàn cái cũ… Tôi chỉ còn biết kêu trời cho tình trạng vô chủ và sự phá hoại không thể tưởng tượng được, vì tính từ khi gom của cải vào đến nay cũng hơn bốn năm rồi, thừa thời gian ăn cắp và phá phách mà tôi không cảm nhận được, nay mới biết nó ra nông nổi này. Từ đó, tôi lặng êm cho đến khi tôi về tỉnh. Vì cũng đã thuộc bài học vỡ lòng về vụ ông Ba Dừa rồi! Mục đích Cách mạng đã bị thay bằng “Phương pháp cách mạng” mà không hay, và cũng không ai dám lên tiếng.

Sau Đại hội huyện, anh Ba Thu đi học Nguyễn Ái Quốc – Hà Nội một năm. Tại hội nghị Ủy ban tỉnh, ông Sáu Hơn Chủ tịch tỉnh kêu tôi nói: “Ông phải qua làm Chủ tịch thay cho ông Ba Thu”. Tôi nói: “Không được, vì đi học như vậy mà thay là chưa có tiền lệ, không khéo hiểu lầm nhau. Tôi trực Huyện ủy nhưng tôi sẽ dành thời gian nhiều hơn để phụ tiếp với anh Bảy Cường, Phó Chủ tịch trực. Tôi sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng bộ công việc ở khối Ủy ban huyện cho đến anh Ba Thu về”.

N.M.N.

Comments are closed.