Cõi đi về (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 134)

Tương Lai

Cõi đi về của ông Sáu Dân vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh trong mỗi tấm lòng của chúng tôi, những người hẹn gặp nhau tại một căn phòng nhỏ ở chung cư Mỹ Phát quận 7, TP HCM nhà riêng của ông Tương Lai – từ 9g đến 12g ngày 23.11.2022 để lời hẹn thề là niềm thương nhớ khôn nguôi.

clip_image002Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm – người từng giữ vai trò lãnh tụ kiên cường của phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn trước 1975 – khai mạc lễ Kỷ niệm:

Kính thưa các cụ,

Thưa quý vị, các anh chị thân mến,

Hôm nay chúng ta lại ngồi với nhau như mọi lần, đặc biệt lần này là Kỷ niệm 100 ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người chúng ta thương nhớ khôn nguôi. Sự hiện diện của các cụ, của quý vị và của tất cả anh chị em chúng ta nói rõ điều đó. Trong gian phòng ấm cúng và quen thuộc này, chúng ta sẽ cùng nhau nhớ lại những kỷ niệm ấm lòng mà Cụ Sáu Dân đã để lại sâu đậm trong chúng ta để cùng nhau dấn bước trên con đường sự nghiệp vì nước vì dân mà Cụ để lại.

Sau đây tôi xin mời anh Tương Lai có đôi lời phát biểu.

clip_image003Sau đây là phát biểu của Tương Lai:

Kính thưa quý vị,

Sự hiện diện của vị sử gia lão thành 103 tuổi, người trí thức tiêu biểu của Sài Gòn Nguyễn Đình Đầu, trong một căn phòng nhỏ ấm cúng để kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng với các vị khác, nói lên sự ngưỡng mộ của cuộc đời đối với sự nghiệp của một con người, một đời người, đang thanh thản nơi miền tiên cảnh vì đã làm trọn phận sự với cuộc đời.

clip_image005Cùng với nhà khoa học lão thành ấy, tôi xúc động giới thiệu Thiền sư Lê Mạnh Thát, một bậc chân tu từng đứng giữa bao phong ba bão táp của trần thế với những cống hiến lớn cho Phật giáo Việt Nam, bằng những công trình nghiên cứu có giá trị khoa học về lịch sử Phật giáo và văn hoá Việt Nam, người có mối quan hệ thân tình với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Xin trân trọng giới thiệu Giám mục Nguyễn Thái Hợp, Linh mục Huỳnh Công Minh mà bình sinh cố Thủ tướng đã thân tình gắn bó và rất trân trọng về sự cống hiến của các vị trong sự nghiệp cao cả của mình, và gần đây Giám mục Nguyễn Thái Hợp đã có một hành động hết sức ý nghĩa, sang tận Đài Loan kiện Formosa xả thải làm nhiễm độc môi trường ven biển Miền Trung, đòi công lý cho cư dân Giáo phận Vinh của ngài.

Tôi cũng xin được giới thiệu người phụ nữ đang ngồi trước mặt chúng ta, một nhà hoạt động nghệ thuật đã 93 tuổi, tiêu biểu cho một trí thức dấn thân, từ một thiếu nữ khuê các học trường Tây, đã theo tiếng gọi cứu nước trải qua mọi hiểm nguy bầm giập, trở thành một đạo diễn điện ảnh lăn lộn nơi tuyến lửa, một nhà sưu tập góp phần giới thiệu nền hội hoạ Việt Nam với thế giới, những điều ấy được thể hiện phần nào trong cuốn Hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” của bà.

Và xin thứ lỗi cho tôi vì không thể nói thêm nhiều hơn nữa những nhà thơ, nhà văn, nhà báo, những người hoạt động phong trào vốn ngưỡng mộ và có mối liên hệ gần gũi với ông Sáu Dân có mặt hôm nay, cũng như đã từng có mặt tại đây trong những lần tưởng niệm, biểu hiện sinh động của tư tưởng lớn Võ Văn Kiệt về hoà hợp, hoà giải dân tộc không phân biệt chính kiến, tôn giáo tín ngưỡng.

Vắn tắt đôi lời rất không đầy đủ với sự khiêm nhường mà các vị đòi hỏi, tôi chỉ muốn thưa một điều: trong lòng chúng ta, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ông Sáu Dân thân thiết biết bao, gần gũi biết bao. Thật hiếm để có một người giành được sự thân tình ngưỡng mộ và gần gũi yêu quý như người hôm nay chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày sinh. Và cùng với chúng ta hôm nay, ở Boston, Mỹ tại Đại học Havard cũng tiến hành lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Võ Văn Kiệt.

clip_image007Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt

Rọi suốt trăm năm một cõi đi về

Trong cõi đi về ấy, mỗi người tự mang vác lấy thân phận của mình. Thân phận gắn liền với cốt cách và bản lĩnh, không ai giống ai. Tất thảy những cái đó gắn liền với sự nghiệp của đời mình. Mỗi thân phận rồi sẽ trở về với cát bụi, nhưng sự nghiệp họ để lại nếu họ có một sự nghiệp đúng nghĩa dù lớn, dù nhỏ thì sự nghiệp đó vẫn còn. Khiêm nhường, nhỏ nhoi hay kỳ vĩ, hoành tráng đã là sự nghiệp, thì tuỳ hàm lượng ảnh hưởng của nó với cuộc đời, mà tồn tại dài hay ngắn tuỳ theo sự bao dung của người đời.

Và thứ được coi là lý do để sống cũng là lý do tuyệt vời để chết như Albert Camus, người đưa ra ánh sáng những vấn đề đang thách thức lương tâm nhân loại trong thời đại chúng ta đã viết, thì như Mark Twain cây bút khôi hài vào bậc nhất của nước Mỹ thật là sâu sắc khi cho rằng: “Bất cứ ai sống đủ lâu để hiểu được cuộc sống là gì, biết rõ chúng ta cần đội ơn Adam sâu sắc đến thế nào, đó là nhà hảo tâm vĩ đại đầu tiên của nhân loại. Người mang cái chết tới thế gian này”.

Suy ngẫm về ý nghĩ thâm trầm của nhà văn lớn ấy khiến tôi hiểu ra được phần nào câu “Chúa trời rót sự sống vào cái chết và cái chết vào sự sống mà không làm rớt một giọt nào”. [God pours life into death and death into life without a drop being spilled].

Phải chăng vì vậy mà ta càng thấm thía rằng, điều quan trọng không phải là chết như thế nào mà là đã sống như thế nào. Nghĩ vậy thì, ông Sáu Dân đã sống một cuộc đời thật đáng sống, rồi ra đi vào tuổi 86 cũng là thuận lẽ trời. Và nếu “Cái chết là sự thức tỉnh cuối cùng” như câu văn thấm đẫm chất triết lý của Walter Scott, văn hào người Scotland thế kỷ XVIII, thì sự ra đi của ông Sáu Dân quả là sự thức tỉnh cuối cùng về những khuyến cáo của ông đối với cuộc đời, bằng chính cuộc đời ông, bằng chính sự nghiệp cao cả mà ông đã hiến trọn đời mình từ thuở đầu xanh cho đến lúc tóc bạc.

Ấy thế mà, ông Sáu đã từng phải như muối xát lòng mà nhẫn nại ngồi nghe đọc những câu thơ xé ruột xé gan:

Tội lỗi dửng dưng lạnh lùng gian ác vặt

Đạo Chích thành tôn giáo phổ thông

Ào ạt xuống đường các tập đoàn quân buôn

buôn hàng lậu – buôn quan – buôn thánh thần – buôn tuốt…

quyền lực bày ra đấu giá trước công đường…

…Thời buổi thị trường mọi việc đều có thể

có thể nước này mua trọn nước kia

Có thể lập những tập đoàn siêu quốc

những quốc gia mất nước từng phần...

(Nguyễn Duy)

clip_image009để rồi tỉnh táo nói rằng: “Đó là một bản án nhân tình đối với chế độ của chúng ta. Đau, nhưng là sự thật. Chúng ta cần chân thành nhìn nhận sự thật để cùng nhau vươn lên, vượt qua giai đoạn khó khăn. Muốn vượt lên thì phải có niềm tin. Mà cốt lõi của niềm tin, là tin ở con người”. Không phải gần cuối đời ông mới nói với chúng tôi câu ấy. Từ những ngày tháng 6 năm 1975 ông đã ứng xử như vậy với một người trí thức Sài Gòn khi anh đặt câu hỏi “Ai cần phải ra đi nếu tình hình tồi tệ không được chuyển đổi”.

Bằng sự gắn bó máu thịt với dân, bằng sự trải nghiệm của sự thấm thía về tha hoá của bộ máy quyền lực, ông Sáu Dân ngày càng nhận ra được rằng “Không thể giải quyết được vấn đề nảy sinh bằng chính tư duy đã tạo ra vấn đề đó”, điều mà Einstein đã cảnh báo.

Vì vậy, ông đã dồn hết năng lượng còn lại của cuộc sống để đấu tranh quyết liệt cho việc chuyển biến tư duy, đổi mới thể chế, trước hết là đổi mới về tư duy chính trị. Nhưng rồi lực bất tòng tâm, ông chưa lay chuyển nổi những tảng núi đá giáo điều ngăn chặn sự đổi mới của đất nước trong bối cảnh biến động dữ dội của khu vực và thế giới mang tính đột phá. Cho dù như vậy, tôi vẫn nghĩ rằng “Mặt trời trí tuệ, vốn là Giác tính uyên nguyên của mọi loài chúng sinh, trong sinh tử trường kỳ bị che lấp bởi khách trần phiền não, rồi cũng sẽ bừng sáng khi nhân duyên hội đủ” như lời của Thiền sư Tuệ Sỹ mà tôi đọc được trong Lá thư đầu năm Nhâm Dần của ngài.clip_image011 Một liên cảm bất chợt thật kỳ diệu vụt đến trong tôi: hiện nay linh vị của Võ Văn Kiệt đặt ở góc trái chùa Hoa Yên, cách tháp Huệ Quang, nơi lưu giữ một phần xá lỵ Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Có thể nói ông là một nhà lãnh đạo Việt Nam đương đại duy nhất được thờ tại nơi đất thiêng Yên Tử non xanh nước biếc, “Đông nhìn về Yên Quảng, phía bắc liếc sang hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, [ở trong] ngôi chùa, thường thường dạo chơi để xem động tĩnh để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm” mà Hải Lượng thiền sư đã viết cách nay mấy trăm năm.

Và nếu “thời gian chỉ là ảo giác và mang tính chất tương đối” theo Einstein, thì đôi vầng nhật nguyệt phải chăng đang rọi suốt trăm năm một cõi đi về của người mà chúng ta đang nghĩ đến.

Tiếp đó, trong sự chân tình và cởi mở, những người vốn chân thành ngưỡng mộ và yêu quý ông Sáu Dân đã có những trao đổi thật xúc động và thấm thía nghĩa tình về những kỷ niệm mà họ vẫn trân trọng gìn giữ.

clip_image013Vị sử gia lão thành Nguyễn Đình Đầu xúc động lên tiếng về những kỷ niệm ấm lòng với ông Sáu Dân từ buổi đầu gặp mặt cho đến lần cụ đến dự Giỗ đầu của người mà cụ thân tình trân quý cũng tại nơi này cách đây 14 năm. Cụ nhắc lại cử chỉ thân tình của ông Sáu lần nào đến dự một cuộc hội thảo hay một cuộc gặp mặt chung cũng đều đến ngồi bên cạnh cụ để ân cần hỏi han. Có lần ông Sáu hói “Tại sao không tổ chức cuộc Hội thảo về Nhà Nguyễn vừa tiến hành lại không tổ chức tại Sài Gòn, mảnh đất phương Nam ghi dấu ấn sâu đậm về công lao khai phá mở nước mà người dân biết rất rõ, không nhất thiết phải đưa về tận Thanh Hoá với cội nguồn Gia Miêu, Triệu Tường dòng họ Nguyễn…”.

Tiếp lời vị sử gia, Thiền sư Lê Mạnh Thát nói về bản lĩnh của dân tộc đã vững vàng trước sức ép của phương Bắc, đặc biệt nhấn mạnh về thời đại nhà Trần, giai đoạn phát triển rực rỡ của Phật giáo, được xem là quốc giáo và văn hoá Phật giáo là điểm tựa của sức mạnh và truyền thống dân tộc. Đến triều đại nhà Lê tuy được nhìn nhận là thời kỳ Nho giáo hưng thịnh, song đó cũng là giai đoạn mà chùa chiền vẫn được gìn giữ và văn hoá Phật giáo vẫn tiếp tục truyền thống bền vững trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Ông Sáu Dân là người có tầm nhìn sâu sắc về Phật giáo và nếu không có tầm nhìn ấy tấm lòng ấy, thì đại lễ Vesak lần thứ nhất khó có thể tổ chức tại Hà Nội một cách trọng thể, gây được tiếng vang lớn như vậy.

Linh mục Huỳnh Công Minh thì nối lời về tầm nhìn của ông Sáu đối với vai trò của Công giáo trong lòng dân tộc. Chính ông chủ động tạo mối quan hệ thân mật với Đức Hồng Y Tổng Giám mục Giáo phận Sài Gòn và Linh mục Minh là người giữ trách cầu nối. Ông Sáu đã có sự cởi mở, mạnh dạn cấp đất ở Củ Chi – căn cứ địa của cách mạng – cho bà con giáo dân lên khai hoang lập nghiệp. Trước những nghi ngại của chính quyền Củ Chi, ông đã đứng ra “bảo lãnh” cho bà con giáo dân. Nhường lời cho Linh mục Huỳnh Công Minh, Giám mục Nguyễn Thái Hợp chỉ thêm đôi lời về sự chu đáo của ông Sáu đối với mình từ những chuyện rất cụ thể trong bộn bề công việc mà ông Bí thư Thành uỷ lúc ấy đang phải lo toan. Vị Giám mục nói rõ, chuyện thì nhỏ nhưng ý nghĩa thì lớn, vì nó nói lên tấm lòng rộng mở của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Nối lời vị Giám mục, bà Xuân Phượng kể lại một ứng xử rất thân tình và thiết thực của ông Sáu Dân vào buổi sơ kiến khi biết bà là đạo diễn của bộ phim về Cần Giờ mà ông vừa xem. Câu chuyện khá dí dỏm và thú vị khi bà từ chối mấy lần không đến gặp lãnh đạo Sở Nhà đất vì công văn ghi hai từ “đương sự” mà bà rất dị ứng. Mãi đến khi trong phong bì công văn có kèm một lá thư nhỏ viết mấy chữ của ông Sáu Dân nói về chuyện cấp một chỗ ở cho mấy mẹ con bà, thì bà mới sửng sốt về tấm lòng của một nhà lãnh đạo không quên giải quyết một việc nhỏ trong cơ man những điều to lớn hơn bội phần.

Còn nhiều những điều muốn nói và râm ran nhiều chuyện thân tình khi tạm dừng cuộc trao đổi chung để từng nhóm chuyện trò quanh ly cà phê, chén trà và mấy thứ bánh ngọt được bày trên hai cái bàn dài. Khó để ghi lại nội dung khá phong phú, đầy cảm xúc và rất thú vị, nên xin chỉ gợi lên vài câu trao đổi.

Cầm tách trà nóng Huỳnh Sơn Phước rủ rỉ nói: “Là người luôn có những ý tưởng đột phá, ông Sáu Dân có cái thế mạnh của người trong cuộc, trong tổ chức, trăn trở, động não khi bi buộc phải khép mình chờ đợi, nhưng xuyên suốt vẫn là khả năng vượt qua chính mình, vượt ra khỏi cái trật tự lỗi thời, ông thường gọi là “vật cản” để có được những quyết định cải cách. Bị ngộp trong không gian hẹp của những giáo điều cấm kỵ, ông tìm niềm vui sống với người có thể đặt lên bàn những cuộc tranh luận những sự kiện mới, những ý tưởng mới, những chọn lựa khác với mình. Ông sợ nhất là bệnh giáo điều, xa dân, xa thực tế và quay lưng với sự thật, lãnh cảm với con người, với những phát kiến đổi thay…” .

Nhấp một hớp cà phê, tôi tiếp lời anh: “Nhưng dám đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm đến cùng cho quyết định ấy, theo tôi là nét tính cách nổi bật của ông Sáu. Dứt khoát chưa cho phổ biến chỉ thị của Khu uỷ để vẫn chủ động huy động mọi lực lượng đánh trả quân địch tấn công lấn chiếm nhằm bảo vệ dân, giữ vững trận địa ở khu IX với trách nhiệm Bí thư Khu uỷ là một ví dụ. Dám làm một việc động trời như vậy, vì với ông, còn dân là còn tất cả. Dám quyết định xây dựng đường truyền tải điện từ Bắc vào Nam trong vòng hai năm là một ví dụ động trời khác nữa. Và cuộc sống đã chứng minh những quyết định ấy cũng như với nhiều quyết định khác của ông là đúng. Dám quyết định là bản lĩnh của người lãnh đạo, đứng mũi chịu sào, và Sáu Dân là một nhà lãnh đạo như vậy”.

Điều cần nói nữa là cùng với bản lĩnh quyết đoán không một chút dao động khi tin chắc sự quyết đoán đó là chuyện sống còn, con người ấy lại rất bao dung trong xử thế, bao dung ngay cả với kẻ toan tính làm hại mình. Thái độ của ông với Nguyễn Hà Phan – một nhân cách tồi tệ đã trở thành kẻ phản bội trở thành nội gián – nhưng lại biến thành con bài tẩy trong tay những người sợ bản lĩnh Võ Văn Kiệt đang định dùng hắn, một kẻ nham hiểm đầy tham vọng, để ngăn chặn Sáu Dân, hiện thân của một tư duy đột phá mở đường mà những đầu óc giáo điều quyết ngăn ông trở thành người giữ trọng trách lớn hơn, tạo ra một bước ngoặt lịch sử. Âu cũng là vận nước vào buổi nhiễu nhương. May mà những cán bộ lão thành trung thực đã kiên quyết vạch mặt kẻ phản bội mà họ đã biết quá rõ và đưa ra những chứng cứ không thể lấp liếm. Kẻ hèn nhát đã phải cúi đầu nhận tội.

Ấy thế mà chính Võ Văn Kiệt lại là người bỏ qua cho kẻ đã ngã ngựa với lập luận rằng đó là chuyện xảy ra đã lâu vả chăng hắn cũng đã hối lỗi và đã cố gắng “phấn đấu” trong một thời gian đủ dài. Đương nhiên là sự bao dung ấy không được các đồng chí của ông tán đồng, họ vẫn quyết liệt đưa vấn đề đó ra Ban Chấp hành Trung ương và kẻ phản bội phải bị xử lý. Tôi tình cờ biết được chuyện đó qua anh Vũ Quốc Hùng, người tôi có quen biết vì anh từng là học sinh trường Chu Văn An niên khoá đầu tiên sau ngày Giải phóng clip_image015Thủ đô, tôi là giáo viên về tiếp quản trường đúng vào niên khoá ấy. Vũ Quốc Hùng cũng là bạn của vợ tôi trong công tác Đoàn Thanh niên và đã có lần nhóm bạn ấy họp mặt ở nhà tôi. Trong một lần ngồi chuyện gẫu với nhau bên ly cà phê ở Trung tâm Hội nghị Quốc tế 37 Hùng Vương, lúc này Hùng đã là Phó ban trực của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng, nhân hỏi về công việc của tôi bên cạnh ông Sáu Dân, anh có nói qua về câu chuyện vào loại “động trời” ấy.

Tri nhân giả trí, tự tri giả minh”, Lão Tử đã nói vậy, kẻ biết người là trí tuệ, kẻ biết mình là sáng suốt. Tôi kể lại cũng để nói lên một khía cạnh thuộc về một nhân cách mà tôi quý trọng, để góp phần gợi lại một “sự kiện lịch sử” mà rồi bụi thời gian sẽ phủ kín!

Thời gian là sự khoan dung của vĩnh Hằng và hình như Cicero, nhà hùng biện vĩ đại của La Mã cổ đại, khẳng định rằng “Thời gian phá hủy những tính toán của con người, nhưng khẳng định bản tính của họ”. [Time destroys the speculation of men, but it confirms nature]. Nhưng rồi thời gian cũng là cơn bão mà tất cả chúng ta đều có thể lạc đường trong đó thì “trăm năm trong cõi đi về” của nhân vật lịch sử hôm nay chúng ta đứng trước nụ cười trong di ảnh của ông, một niềm tin vững chắc vẫn ẩn sâu trong lòng chúng ta.

clip_image017Nhà báo Lưu Trọng Văn nói với nhà báo Nguyễn Quốc Thái khi cùng nhau nhấm nháp chiếc bánh ngọt và huơ tay chỉ vào những vị đang ngồi trên chiếc ghế da dài đặt giữa phòng: “Một hình ảnh đẹp, một biểu tượng thật sâu sắc và sống động về ý tưởng lớn của cụ Kiệt: hoà hợp hoà giải dân tộc, mối quan hệ ấm áp giữa những người không cùng một chính kiến, không cùng một tôn giáo tín ngưỡng ngồi sát bên nhau trong tự tình dân tộc sâu nặng, trong lòng thương yêu con người, tin ở con người”.

Phải chăng nhận định tinh tế của cây bút bình luận kịp thời những sự kiện nóng bỏng chứng minh cho điều đó khi tôi trân trọng tiễn thiền sư Lê Mạnh Thát ra nơi xe đỗ khá xa vì lần đầu tiên ông đến đây. Vừa đi vừa dừng lại nơi có bóng râm vì ngài sợ tôi đang bị cảm, câu chuyện cứ rỉ rả hết chuyện này sang chuyện khác không dứt: “Thật may quá, tôi quá ngạc nhiên vì may mắn được gặp Giám mục Nguyễn Thái Hợp tại nhà giáo sư [ngài vẫn cứ trân trọng xưng hô như vậy mặc dầu tôi đã lúng túng cố tránh]. Dạo có dịp ra Nghệ An vì công chuyện của nhà chùa, tôi quá vội không gặp được Giám mục Hợp để trao đổi một việc chúng tôi đang quan tâm nên vẫn băn khoăn, nay tình cờ được gặp trong buổi Lễ Kỷ niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thật quá bất ngờ, hay quá”. Câu chuyện của vị Thiền sư cứ như tô đậm thêm nhận xét tinh tế và sâu sắc của nhà báo Lưu Trọng Văn vừa dẫn.

Chuẩn bị kết thúc bài viết về buổi tưởng niệm thì vừa kịp nhận đươc thư của Nguyễn Anh Tuấn từ Boston kể về “Sự kiện Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt” sáng 23/11/2022 “tại nơi rất trang trọng của toà nhà Loeb House, Đại học Harvard (nơi lãnh đạo Đại học Harvard tổ chức đón tiếp các nguyên thủ quốc gia… Có những diễn văn rất xúc động: như Diễn văn của Governor Michael Dukakis và Giáo sư Thomas Patterson (Harvard Kennedy School). Ramu Damodaran (First Chief của United Nations Academic Impact, đồng chủ tịch Sáng kiến Liên Hợp Quốc 100 năm), Cựu Quyền Bộ trưởng Thương mại Mỹ Cameron Kerry (em ruột của John Kerry) đặc biệt là video giới thiệu một số công lao nổi trội của Thủ tướng Võ Văn Kiệt gây ấn tượng mạnh… Tiếp đó, trong buổi sáng 23/11, có những nội dung rất ý nghĩa, nâng tầm sự kiện Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt: – Thảo luận Sáng kiến xây dựng liên minh bốn trụ cột quan trọng bảo đảm hoà bình và an ninh thế giới: Mỹ, Liên Âu, Nhật, Ấn Độ. – Sáng kiến Shinzo Abe cho Hoà bình và An ninh của Diễn đàn Toàn cầu Boston (với sự tham dự của các nhà lãnh đạo Nhật, gồm có Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật). Với ý nghĩa và dấu ấn đó của sự kiện Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong Hội nghị đặc biệt 22-23/11/2022, có tầm vóc và vị thế trang trọng.Tháng 12, Boston Global Forum sẽ làm một ấn phẩm (E-book) đặc biệt về sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở Đại học Harvard ngày 23/11/2022.

clip_image019Tấm lòng của những nhà khoa học, những chính khách Mỹ và thế giới thật đẹp biết bao. Điều ấy càng khẳng định tầm vóc của Võ Văn Kiệt trước những đôi mắt tinh tường giữa một thời điểm cực kỳ nhạy cảm của những biến động mang tính đột biến của đời sống toàn cầu và những thách thức chưa từng có đối với đất nước ta đang đứng giữa hai cực đối lập của đời sống trên quả đất này.

Qủa thật, “sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì? Để gió cuốn đi”. Tôi thích ý tưởng ấy và đã lấy ý tưởng ấy để gửi đi tấm lòng mình với cuộc đời. Nhìn ngắm ngôi nhà nhỏ bên sông Sài Gòn ông Sáu Dân từng ở, nay vừa được con gái tôn tạo lại thành nơi lưu trữ những kỷ niệm về cha mình, tôi đắm mình trong dòng suy tưởng về dòng sông chảy trước ngôi nhà nhỏ ấy trong lần thực hiện ý nguyện của ông muốn “sum họp” với vợ ông – bà Kim Anh – và hai cháu nhỏ như ông viết trong bức gửi Thảnh uỷ Tp. HCM về việc trả lại ngôi nhà ông đang ở trên đường Tú Xương “Sanh đâu, nằm xuống ở đó nhưng tôi có một hoàn cảnh riêng khá đặc biệt. Người vợ quá cố của tôi và hai con tôi nằm xuống tại một đoạn sông Sài Gòn, không tìm được xác do giặc Mỹ sát hại (1966). Những nỗi đau không nguôi gần 30 năm. Và từ đó tôi có một nguyện vọng: khi tôi qua đời được hỏa táng và rải tro xuống đoạn sông Sài Gòn để trọn nghĩa thủy chung, đúng đạo lý của con người bình thường. Nếu có một thế giới nào đó ở bên kia thì tôi sẽ gặp lại vợ con tôi, còn không, chắc là không thì tâm hồn cũng được thanh thản…”. Ngồi trên thuyền, nhìn dòng nước chảy xiết cứ cuộn tròn hoa và tro cốt tượng trưng dạt dần vào bờ, Trang – người cận vệ thương quý của ông Sáu – hỏi tôi: “Chú có tin rằng Chú Sáu của chúng ta gặp được thím và các cháu không”.

Tin chứ, tôi đáp ngay với Trang, tiện thể nói đến ý kiến của nhà khoa học thiên văn Trịnh Xuân Thuận mà tôi vừa được gặp trong một buổi giao lưu: “Vấn đề tâm linh rất quan trọng với một nhà khoa học vì khoa học không thể cho chúng ta biết cái gì phải hoặc trái, chỉ có tâm linh như là đạo Phật mới cho ta biết… Nhưng khoa học và Phật giáo là hai cách nhìn về vũ trụ, và không nên dùng Phật giáo để chứng minh cho khoa học hoặc dùng khoa học để chứng minh cho Phật giáo. Vì Phật giáo và khoa học là hai lối suy tư khác nhau. Đó là hai cái nhìn thực tại có tương đồng với nhau”. Chính sự tương đồng ấy là điểm tựa cho tôi, một người nghiên cứu xã hội học đòi hỏi phải có tư duy triết học đi liền với những khảo sát thực chứng. Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một điểm của dòng sông. Và, mọi con sông đều chảy. Tuy nhiên, “từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe”, cho nên trở về với ngọn nguồn của nó luôn là một nhu cầu tâm linh.

Nhìn ngắm ngôi nhà nhỏ bên sông, nơi lưu giữ những kỷ niệm của người chúng ta thương mến, tôi nghĩ rằng ông Sáu Dân vẫn đang bên cạnh chúng ta.

Tâm linh hay thực tại? Có lẽ cả hai.

Ngày 26.11.2022

Chú thích ảnh, từ trên xuống, trái qua phải :

1. Huỳnh Tấn Mẫm khai mạc Lễ Kỷ niệm.

2. Tương Lai phát biểu.

3. Kỹ sư Ngô Bá Bạt, nhà văn An Bình Minh, nhà thơ Hoàng Hưng, gs Hoàng Dũng, Đạo diễn Xuân Phượng, Giám mục Nguyễn Thái Hợp, Linh mục Huỳnh Công Minh, Thiền sư Lê Mạnh Thát, sử gia Nguyễn Đình Đầu, kỹ sư Tô Lê Sơn

4. Linh mục Huỳnh Công Minh, sử gia Nguyễn Đình Đầu, nhà báo Nguyễn Quốc Thái, Thiền sư Lê Mạnh Thát, ôngTrần Quốc Thuận, gs Hoàng Dũng, nhà báo Lưu Trọng Văn.

5. Tháp Huệ Quang bên trái chủa Hoa Yên, Yên Tử.

6. Bà Xuân Phượng, cụ Nguyễn Đình Đầu, kỹ sư Nguyễn Công Bình, nhà báo Lưu Trọng Văn

7. Cháu Linh (cháu gái của cụ Đầu), nhà thơ Hoàng Hưng, anh Hùng, bà Minh Nguyệt

8. Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, Thiền sư Lê Mạnh Thát, nhà báo Lưu Trọng Văn, Giám mục Nguyễn Thái Hợp.

9. Ngôi nhà nhỏ của ông Sáu Dân bên sông Sài Gòn.

Comments are closed.