Cái quan định luận – nhân chuyến viếng mộ tướng Trần Độ

Tô Văn Trường

Cây ngay sống giữa đời thường

Tướng hùng huyền khí chiến trường là Ông

Trọn đời kết với non sông

Hồn thiêng quyện với gió đồng hương quê

Cầu sao một sớm mai về

Mù tan, trời tỏ, đồng quê lại vàng.

Buổi sáng ngày 19/6 vừa qua ở Hà Nội, tôi có buổi hàn huyên tâm sự việc nước, việc đời với nguyên Chủ tịch Quốc hộị Nguyễn Văn An. Trong câu chuyện, chúng tôi nhắc nhiều đến tướng Trần Độ nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ trung ương.

Tôi có người bạn là đại biểu Quốc hội kể cho biết ngay từ đầu năm 1990 tướng Trần Độ đã là Phó Chủ tịch Quốc hội. Hồi đó, bên cạnh Hội đồng Nhà nước là cơ quan thường trực của Quốc hội, còn có Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội là những nhân vật có vai trò điều khiển phiên họp Quốc hội theo chương trình mà Hội đồng Nhà nước chuẩn bị và trình Quốc hội thông qua. Trong thời gian này, các cơ quan của Quốc hội hoạt động không thường xuyên, nên các chức danh được bầu ở các cơ quan Quốc hội hầu hết là kiêm nhiệm. Với anh em chuyên viên Văn phòng Quốc hội hồi đó, ông Trần Độ là vị lãnh đạo có am hiểu sâu rộng về nhiều lĩnh vực, rất gần gũi, thân thiện, dí dỏm, mỗi khi tiếp xúc.

Thế hệ chúng tôi, từ thời trai trẻ đã biết danh tiếng của tướng Trần Độ, trong đó có lẽ có cả sự thêu dệt mang tính huyền thoại, bởi sự quý trọng của người đời dành cho ông. Trần Độ không chỉ là vị tướng tài trong cả chính trị và quân sự, mà còn là một vị lãnh đạo có tư tưởng đổi mới ở nhiều lĩnh vực. Ông được phong Trung tướng năm 1974 cùng đợt với các ông Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đàm Quang Trung, Đồng Sỹ Nguyên. Tiếc rằng, những ý kiến, kiến nghị đổi mới của ông hoặc là chưa đúng lúc, nóng vội, hoặc là không được chấp nhận, bởi những người không chấp nhận ông.

Sáng ngày 21/6/2020 nhân dịp về quê, tôi cùng nhóm bạn, có cả cựu chiến binh anh lính Cụ Hồ về nghĩa trang xã Tây Giang, huyện Tiền Hải viếng mộ ông Tạ Ngọc Phách tức tướng Trần Độ. Cả nhóm 4 người chia nhau đội nắng mất nửa tiếng đồng hồ, không tìm được mộ, cuối cùng phải đến nhà ông quản trang. Nhờ có người quản trang dẫn đi, khá ngóc ngách vì không có đường, phải nhẩy qua các đám cỏ may mới đến khu mộ gia đình rất đơn sơ, giản dị. Ông Chanh quản trang kể lại cách đây 6 tháng có vị cựu chiến binh đạp xe đạp từ Hà Nội về đến đây, ngồi ôm mộ tướng Trần Độ khóc thương vị tướng tài, chịu nhiều oan khuất.

clip_image002[4]

Dạo còn trẻ, lứa tuổi chúng tôi rất ngưỡng mộ các nhà chính trị viết văn, làm thơ, vẽ tranh, sáng tác nhạc… Nghĩa là thích cái "típ” các vị quan chức, lãnh đạo có máu nghệ sỹ. Đơn giản vì nghĩ rằng các ông ấy chắc không quan cách, hống hách quát nạt như nhiều ông quan khác mà mình vừa sợ, vừa ghét.

Có thể mọi người không nhớ lắm về những chiến công vào sinh ra tử suốt hai cuộc kháng chiến của tướng Trần Độ, hoặc không nhớ ông đã từng làm những chức nọ chức kia. Nhưng nhiều người lại rất nhớ những năm 60, 70 trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam thường xuyên phát đi những bài viết, những câu chuyện vô cùng hấp dẫn, dí dỏm của ông Trần Độ kể về con đường ông đi làm cách mạng từ quê lúa Thái Bình. Người ta thường nói ông Trần Độ vừa là vị tướng, vừa là nhà văn. Cả hai lĩnh vực ông đều xuất sắc, đúng là "văn võ song toàn". Chả thể mà có giai đoạn ông được giao lãnh đạo Bộ Văn hóa, rồi Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương.

Mộ phần ông Trần Độ khiêm nhường lắm, nằm giữa những bụi cỏ, khóm lúa miền quê Tiền Hải, Thái Bình. Mảnh đất "địa linh nhân kiệt" nơi sinh ra những tướng quân lừng danh như Trần Độ, Hoàng Văn Thái, Đào Đình Luyện… Nhưng nay thì họ đều đang phiêu du ở cõi vĩnh hằng. Khi thắp hương khấn tướng Trần Độ, tôi chợt nhớ bài thơ “Phủi tay” của ông Vũ Mão nguyên Chánh Văn phòng Quốc hội cũng mới ra đi về cõi vĩnh hằng.

Hãy cứ tin rằng nếu có gặp nhau ở nơi xa xăm ấy thì hai ông (Trần Độ và Vũ Mão) lại vẫn có thể cởi mở chia xẻ những chuyện trên thiên đường, dưới trần thế mà dường như quên hết những ưu sầu day dứt, áy náy bấy lâu. Rồi có thể hai ông lại hứng khởi đọc cho nhau nghe những đoạn thơ, đoạn văn…mà mình tâm đắc, hoặc đàn hát cùng nhau những ca khúc của một thời bay bổng lãng mạn. Có thể là như thế, vì hai ông vốn cùng chung cái máu nghệ sỹ "từ thuở mang gươm đi dựng nước".. .Có thể lắm… vì không gì là không thể!

Tôi rất tâm đắc câu: "cái quan định luận". Nghĩa là, đánh giá một con người, phải để đến khi nắp quan tài đóng lại. Câu này thật thâm hậu vô cùng, bởi chỉ có nhân dân, chủ thể khách quan, công bằng của lịch sử, mới định rõ công/tội của một trung thần hay một gian thần, tùy vào trí tuệ, tâm hướng mà người đó cống hiến cho nhân dân, cho Tổ quốc. Nhiều kẻ ngáo danh, khi đang nắm giữ quyền lực bằng thủ đoạn hạ tiện (chứ không phải bằng minh trí, thanh tâm), sẽ không có đủ lương tri, lương năng để ngộ ra điều này.

Với cách nhìn ấy, ta hãy đọc những gì mà người đời viết về tướng Trần Độ sau ngày ông từ giã cõi trần để đi mãi vào cõi vĩnh hằng với vô lượng kiếp của luân hồi sinh tử.

Comments are closed.