Đi thăm chiến trường xưa – Điện Biên Phủ

Trần Hải Khánh Trâm

Điện Biên Phủ mảnh đất dài 18 km, rộng 6-8 km ở tận miền Tây Bắc xa xôi đã được ghi dấu đậm nét trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta. Nơi đây 70 năm trước đã diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng quyết liệt của quân và dân ta chống lại đội quân viễn chinh tinh nhuệ của thực dân Pháp. Quân và dân Việt Nam đã phải chiến đấu với một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, bao gồm 49 cứ điểm. Một số tướng lĩnh cao cấp của Pháp-Mỹ đã từng thị sát Điện Biên Phủ cho đây là một pháo đài bất khả xâm phạm.

Ngày còn đi học, tôi được biết về Điện Biên Phủ thông qua sách giáo khoa và bài giảng của thầy cô. Sau này đọc nhiều sách của cả hai bên được hiểu rõ hơn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài Vài hồi ức về Điện Biên Phủ đã khắc họa bức tranh người dân tham gia chiến dịch: “Những đoàn ngựa thồ của đồng bào Mèo từ rẻo cao xuống, xen với những đoàn xe đạp thồ, phương tiện vận chuyển nửa cơ giới của đồng bào miền xuôi. Những đàn bò, đàn lợn của cơ quan cung cấp cũng đi ra mặt trận. Còn bộ đội ta thì có câu ví “chân sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên”. Một hình ảnh của người chiến sĩ trên con đường vạn dặm của cuộc kháng chiến…”.

Hè năm 2012 tôi mới có duyên đi thăm Điện Biên Phủ, thời điểm chỉ còn hai năm nữa là 60 năm chiến thắng Điện Biên. Hôm nay ngồi viết những dòng này lòng tôi ngập tràn xúc động. Hơn nửa thế kỷ trước, ngày diễn ra chiến dịch Điện Biên thì tôi chưa chào đời. Hôm ấy, tôi đã được đặt chân lên đúng mảnh đất của chiến trường xưa để nhớ người xưa.

Sáng ngày 12 tháng 6 năm 2012 từ Hà nội chúng tôi đi Điện Biên. Qua Tuần Châu có đèo Pha Đin với đường dốc quanh co, đi đường mới để tránh nhiều đoạn cua tay áo. Cảnh thiên nhiên núi đồi uốn lượn, màu sắc của cây như một bức tranh vẽ. Có đoạn là lúa nương, nhiều vạt trải dài từ giữa đồi xuống tận chân núi. Có đoạn người Thái còn gieo lúa trên cả đỉnh đồi. Vùng này có hai nhà máy thủy điện nhỏ. Người dân nuôi trâu nhiều, họ chăn từng đàn. Có gia đình bốn người đi theo đàn trâu. Dọc quốc lộ rất nhiều phân trâu bỗng nhớ đến câu chuyện bố tôi kể thời trước khi học lái xe có ông bạn bố nay là tướng Nguyễn Chánh, khi nhìn thấy bãi phân trâu lại bấm còi, tôi nghe xong thì rũ ra cười.

Đến Điện Biên thấy bảo tàng đang sửa không cho tham quan. Chúng tôi đi thăm nghĩa trang liệt sỹ rồi lần lượt đến các di tích mà trước đây chỉ nghe nói.

Đồi A1 nơi diễn ra các trận đánh ròng rã suốt 4 ngày 4 đêm, các chiến sĩ của ta phải giành giật quyết liệt với kẻ địch từng tấc đất. Thương vong của cả hai bên rất lớn. Địch phải rút quân từ các cứ điểm để cứu viện cho A1. Vì A1 được ví như “chiếc chìa khóa” của Điện Biên Phủ, cao điểm then chốt của tập đoàn cứ điểm nên địch quyết tâm bảo vệ bằng mọi giá. Quân ta đánh đợt một không giải quyết được phải rút, đánh tiếp đợt hai rồi tổng công kích mới chiếm được. Tôi đi đến lô cốt cây đa cụt ở ngay chân đồi. Lô cốt này còn có tên gọi khác là “Ụ thằng người”. Lô cốt do đại đội 671 thuộc tiểu đoàn 251, trung đoàn 174, đại đoàn 316 tiêu diệt lúc 1g30 ngày 7 tháng 5 năm 1954.

Trên đồi có nhiều cây gỗ tếch to. Hào tiếp viện của quân Pháp dẫn đến lô cốt, con hào nhỏ và hẹp, sâu 1m. Đi lên đồi, theo mũi tên dẫn đến đường phản kích của quân Pháp từ trung tâm Mường Thanh lên cứ điểm A1. Pháp gọi là Ellian II. 70 năm trước đây là con đường máu và câu thơ “máu của anh chị không uổng / sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam / Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam…” nước mắt tôi cứ trào ra.

Sau cơn mưa trời mát quá, chim hót vang. Các chú chim đang vui chăng?

Lên đến đỉnh đồi cũng gặp lại đoạn đường hào của Pháp cũ. Trên đỉnh có trưng bày chiếc xe tăng “Bazeille” bị đại đội 674, tiểu đoàn 251, trung đoàn 174, đại đoàn 316 tiêu diệt sáng ngày 1 tháng 4 năm 1954. Cạnh xe tăng là ngôi mộ của bốn chiến sĩ thuộc trung đoàn 174, đại đoàn 316 và trung đoàn 102, đại đoàn 308 chiến đấu hy sinh vào rạng sáng ngày 1 tháng 4 năm 1954. Ngôi mộ được xây bằng gạch men đỏ, trên có bát nhang (hương) lúc nào cũng nghi ngút khói.

Đang bận ghi chép tôi nghe tiếng là lạ, hóa ra họ là ba thanh niên H’mong đến từ Mường Nhé cách đây hơn 100 km. Các bạn đi bằng xe honda đến Điện Biên. Ba thanh niên trèo ngay lên nóc xe tăng nghịch súng.

Điểm tiếp theo là hố bộc phá nặng 960 kg giật nổ lúc 20g30 ngày 6 tháng 5 năm 1954 tiêu diệt một đại đội địch. Tôi gặp một nhóm du khách nước ngoài, các bạn rất trẻ gồm ba người Pháp, hai người Úc và một Việt kiều Pháp ngay bên hố bộc phá và cùng chụp ảnh kỷ niệm. Chúng tôi trò chuyện một lát, cô người Úc hỏi: “Tại sao bạn lại đến đây?”. Tôi bảo: “Bố chồng tôi là một trong những tướng Việt Minh đánh Điện Biên Phủ. Ông mất 10 năm về trước. Tôi và ông xã quyết định đi chuyến này để thăm lại di tích lịch sử gắn liền với cuộc đời binh nghiệp của người cha và đồng đội…”. Cô theo từng lời kể của tôi, cả hai cùng xúc động. Chia tay nhau tôi bước vô căn hầm chỉ huy kiên cố nhất của cứ điểm A1, đọc ghi chú nơi đây bị các tiểu đội 315, 317 tiểu đoàn 249, trung đoàn 174, đại đoàn 316 đánh chiếm đêm ngày 6 tháng 5 năm 1954.

 

image

 

Khoảng 5g chiều tôi đến hầm De Castries. Tôi sực nhớ ngay đến lời kể của tướng Giáp khi ông đi thăm chiến trường hai ngày sau khi ngừng tiếng súng. Đó là ngày 9 tháng 5, ông từ sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, đến tận chiến trường để được tận mắt nhìn cho rõ trận địa vừa mới đánh nhau xong và đêm đến ông đã ngủ tại chính căn hầm của ông tướng người Pháp, kẻ thách thức ông qua truyền đơn của máy bay Pháp rải xuống: “Gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi biết bộ đội của ông đã bao vây Điện Biên Phủ nhưng vì sao không tấn công? Tôi đã kiên nhẫn chờ đợi. Nếu ông có gan dám mở tấn công, thì xin bắt đầu đi. Tôi đang chờ đón những thách thức của ông.”

 

image

 

Bên ngoài hầm là cây sung già chắc mọc sau này. Con hào chạy dọc quanh hầm sâu 2m. Đi xuống hầm có bốn khoang, còn hai tấm bản đồ cũ. Đó là bản đồ diễn biến chiến sự đầu tháng 5 năm 1954 và cái kia là Trung tâm đề kháng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Sang đến đây tôi cứ hình dung tiếng pháo nổ, tiếng đạn rơi, xác người và cái chết năm xưa nhưng tôi không khóc. Bao nước mắt tôi dành hết cho đồi A1. Tôi cũng nhớ về lịch sử và biết rằng đại đoàn 312 là đơn vị đánh mở màn chiến dịch ngày 13 tháng 3 năm 1954 với địa điểm được chọn là đồi Him Lam và cũng là đại đoàn kết thúc chiến dịch bắt được tướng De Castries ngày 7 tháng 5. Tôi dành khá nhiều thời gian cho địa điểm này. Lên khỏi hầm tôi đến khu trưng bày đứng ngắm chiếc xe tăng Ettlingen Chafee 24 bảo vệ sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm bị đạn pháo của đại đoàn công pháo 351 bắn cháy vào lúc 16g30 ngày 7 tháng 5 năm 1954 còn chiếc tăng Conti Chafee 24 thì bị tiêu diệt ngay sau đó, lúc 16g45 cùng ngày. Gần đó là hiện vật cũng không kém phần quan trọng, đó là xác máy bay khu trục thuộc phi đội máy bay ném bom ở sân bay Mường Thanh, bị pháo 7 mm của các đại đội 756, 757, trung đoàn pháo binh 675 phá hủy lúc 17g10 ngày 17 tháng 3 năm 1954.

Nhìn sang bên kia, chỉ cách một con đường, phía bên này là xác xe tăng, máy bay. Bên kia là vườn hoa của một lão nông nào đó. Những cây hồng tầm xuân màu cam đỏ, hồng Đà Lạt vàng, đỏ sẫm và nhiều cây kiểng… Cái chết và cái đẹp chỉ cách nhau một bước chân.

Hơn 18g00 tôi rời khu di tích. Chân cầu Mường Thanh cũ vẫn còn cái chợ. Đường Nguyễn Chí Thanh là dãy cửa hàng bán quần áo, hàng tiêu dùng, tiệm hớt tóc, may đồ… Tôi dạo quanh chợ lần đầu thấy con bìm bịp, dân rao bán 180 ngàn /con (khoảng 400 gram), dùng ngâm rượu. Anh bán hàng kể, bìm bịp bị mưa phùn ướt cánh không bay được, người ta vồ bắt đem về. Kế bên là người bán tắc kè, gọi là tắc kè núi đá vì màu da hệt như đá, giá 100 ngàn/con.

Sáng hôm sau, chúng tôi đi thăm đồi D1 (Pháp gọi là Dominique 2). Tiếng chim hót trên cây thông già, đồi D1 chào buổi sáng. D1 là cứ điểm ở vị trí cao nhất của dãy đồi phía đông thuộc phân khu trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, do một đại đội của tiểu đoàn 9, trung đoàn 3 Algérie đóng giữ. Nơi đây lúc 17g ngày 30 tháng 3 năm 1954 được pháo binh yểm trợ, hai tiểu đoàn 166 và 154, trung đoàn 209, đại đoàn 312 đã nổ súng tấn công và chiếm lĩnh cứ điểm này. Có tượng đài giương lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” do Bác Hồ trao cho đại đoàn 312. Khu tượng đài vắng vẻ, trang nghiêm, ngoài hai chúng tôi chỉ có một chị lao công đang quét sân. Từ đây đứng về hướng tây nam nhìn thấy đồi A1.

 

image

 

Khoảng 9g chiếc xe bon bon nhằm hướng Mường Phăng nơi đóng trụ sở chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cách thành phố Điện Biên Phủ 40 km. Vô Mường Phăng hơi khó vì đường xấu, đi 23 km đường rừng trong mưa. Chúng tôi dừng nghỉ ở trạm thủy điện Thác Trắng. Nước lấy từ hồ Pá Khoang, gặp bốn người đang đi ngắm địa hình, phát cỏ để mở đường cho lễ kỷ niệm 60 năm. Con đường ở khu rừng nguyên sinh này khá hẹp, đường vô chỉ đủ cho xe mini bus. Biết là khó đi nhưng chúng tôi quyết tâm phải đến được Bộ chỉ huy thì chuyến đi mới trọn vẹn.

Khi chỉ còn 7 km nữa là đến, ruộng bậc thang hiện ra. Mùa này chưa có lúa, hai phụ nữ đứng tuổi đang đi gieo mạ, tay vẩy hạt trông cứ như múa. Đi thêm vài km chúng tôi dừng tượng đài liệt sĩ ngay bên đường. Có 11 tên liệt sĩ. Đọc các họ thấy toàn tên dân tộc: Lò, Lường, Quàng, Cầm, Cà, Khiếu… nhìn cảnh hoang tàn, chắc xây đã lâu, không người trông coi. Đứng đây nhìn xuống khe núi có vài nóc nhà, có cái lợp mái tranh. Quanh nhà là ngô, chuối và ruộng lúa. Ruộng này lúa đang thì con gái, cứ mơn mởn. Vẻ đẹp đồng quê miền núi bao đời nay bây giờ tôi mới được chiêm ngưỡng.

Khu rừng này còn rất nhiều khóm tre già, cao hơn chục mét. Đi đến ngã ba, rẽ trái còn 2,6 km đến Sở chỉ huy có hầm Đại tướng. Rẽ phải thì đi Điện Biên. Trước mắt tôi là thung lũng rộng như đồng bằng. Hai bên lộ là lúa đang làm đòng, có nhà dân, trường tiểu học Mường Phăng và tượng đài chiến thắng. Bên ngoài cổng các phụ nữ Thái bán thuốc dân tộc. Chị bảo: “Rượu sung sướng chồng uống vợ khen”. Tôi hơi bất ngờ khi nghe được những lời tiếp thị khá hiện đại từ chính miệng chị phụ nữ dân tộc. Bản này có khoảng vài chục nóc nhà, toàn nhà sàn. Khi xưa các cụ đóng Sở chỉ huy ở đây thế là cũng gần dân (để có nguồn thực phẩm và lương thực).

Cách tượng đài 200 m là khu di tích. Vé tham quan: 5000 đ/ người. Chúng tôi mua vé xong thì ngay phía sau tiếng con nít tranh nhau nói. Quay lại đếm được cả chục em,vừa trai vừa gái trên dưới khoảng 10 tuổi. Tôi tủm tỉm cười vì hiểu rằng mình có 10 “hướng dẫn viên”. Đây là một bất ngờ thú vị nữa. Trẻ em kể chuyện: “Từ đây vào rừng đi 800 m, có 400 m đường dốc, 400 m đường bằng. Lối đi trải đá này là từ 2003 cô ạ. Đoạn đường dốc trước kia có 1,5 km giao thông hào nay đã sập”. Chúng tôi hỏi chuyện thì được biết các em không biết viết chữ Thái. Cha mẹ cũng vậy, ông bà thì còn biết viết. Tôi nhìn thấy một em hút thuốc lá, hỏi: “ Cháu còn nhỏ sao lại hút thuốc? Bao nhiêu tuổi rồi?”. Cậu bé xem chừng bẽn lẽn nhưng vẫn đưa điếu thuốc lên miệng. Bé gái đi cạnh nhanh nhẩu nói: “Nó 11 tuổi cô ạ”.

 

image

 

Dọc lối đi vài trăm mét đất đường rừng này, người dân cũng đem hàng ra đây bán, những thứ “cây nhà lá vườn”. Tôi nhìn thấy trái vả rừng to hơn vả dưới xuôi, đặc biệt có những chiếc thớt nho nhỏ màu vàng nhạt được giới thiệu làm từ cây mật nhân. Thứ cây này bây giờ tôi mới nghe tên. Một em kéo tay tôi nhờ mua hàng cho mẹ mình. Tôi hỏi thì được biết bạn tên Lò Văn Trường. Tôi mua cho mẹ bạn chiếc thớt để làm kỷ niệm. Món quà nhỏ từ Mường Phăng sẽ theo tôi về phương nam.

Đến nơi chúng tôi lần lượt tham quan:

1. Nơi làm việc của Ban Thông tin. Có 24 người làm việc trước đây, có lán ngủ của điện báo viên, có hầm tổng đài điện thoại.

2. Hầm của trưởng Ban Thông tin Hoàng Đạo Thúy dài 2 m.

3. Lán ở của tướng Giáp thông với lán của tướng Thái bằng con đường hầm dài 69 m; cao 1,8 m; rộng 1,3 m. Trong hầm có phòng làm việc của tướng Giáp và 5 ngách thông tin liên lạc. Điểm kết thúc nối với lán ở của tướng Thái.

4. Hầm chuyên gia Trung Quốc: cách 200m từ nhà tướng Thái về phía bên phải.

Trong suốt cả tiếng đồng hồ trong rừng các “hướng dẫn viên” nhí luôn đồng hành cùng chúng tôi. Tôi rất vui khi thấy các em thuộc lịch sử của cha ông mình. Một em nói làu làu: “Mẹ cháu bảo cụ Giáp đóng quân ở khu rừng này ba tháng rưỡi. Khi chiến thắng cụ cho mổ một con trâu ăn mừng. Ngày trước khi cụ đóng quân ở đây dân không được biết trừ ông Lò Văn Bóng năm nay 91 tuổi…”. Các em cũng biết sự tích cây bưởi trước cửa hầm tướng Giáp được mọc từ hạt trái bưởi Đoan Hùng của nhân dân Phú Thọ gửi tặng. Tôi cũng chụp tấm ảnh cây bưởi trên nửa thế kỷ, một “nhân chứng” còn đây nay vẫn đang ra trái. Những trái vừa bằng quả cam. Lúc đứng trong căn hầm Đại tướng tôi cố hình dung lại quá khứ và cố tưởng tượng xem ông đã vui mừng như thế nào khi nhận được tin báo đại đoàn 312 đã bắt sống được tướng De Castries như bút ký của tướng Trần Độ: “Chiều hôm 7 tháng 5 đang theo dõi diễn biến trận đánh thì được tin một số đơn vị của chúng tôi đã vượt qua sông Nậm Rốm vào đến Sở chỉ huy của địch rồi. Lát sau trung đoàn báo cáo lên, E 209 bắt sống được De Castries. Nhận thấy tin này rất quan trọng, tôi và anh Tấn năm lần bẩy lượt điện xuống chỗ anh Hoàng Cầm kiểm tra đi, kiểm tra lại xem có thật không. Anh Hoàng Cầm trả lời “bắt được rồi, đúng rồi”. Đúng lúc anh Văn ở Bộ Tư lệnh gọi điện hỏi chúng tôi tin đó thế nào? Anh Văn còn nói thêm: Anh Tấn và anh Độ chịu trách nhiệm về tin này nhé. Phải lập tức kiểm tra kỹ lại xem có thật đúng mới được báo cáo. Bộ Tổng Tư lệnh sẽ phái người mang ảnh De Castries xuống để các anh so ảnh xem đã chính xác chưa, hay đã bắt nhầm. Nhận được tin này chúng tôi lập tức gọi lại anh Hoàng Cầm, yêu cầu thuật tỉ mỉ, thì nghe trả lời rất hỉ hả: Nó đang đi trước mặt tôi đây. Tôi cho anh em giải lên chỗ các anh đấy. Chúng tôi mừng quá gọi dây nói cho anh Văn. Bấy giờ anh Văn mới yên tâm, yên trí tin đó là đúng sự thật. De Castries đến chỗ chúng tôi, đầu đội mũ nồi, lon ngù vẫn mang đủ….

Khoảng gần trưa chúng tôi ra về. Các em nhỏ vẫn vừa đi vừa hát “Giải phóng Điện Biên”. Tôi đã chụp chung với các em tấm hình bên tấm bia đá nổi bật dòng chữ “Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ” bằng hai thứ tiếng Việt-Anh và tôi nhớ những căn hầm, nơi nhận những tin vui buồn của chiến dịch “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ máu trộn bùn non/ gan không núng/ chí không mòn/ những đồng chí thân chôn làm giá súng/ đầu bịt lỗ châu mai/ băng mình qua núi thép gai/ ào ào vũ bão…” để “chín năm làm một Điện Biên/ nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.

Nhớ lại chuyến đi 12 năm trước đối với chúng tôi vừa là mong mỏi, vừa là kỷ niệm. Tôi vẫn còn giữ những tấm hình đã chụp ngày ấy và đọc được khá nhiều hồi ký, sách, bài viết của những nhân chứng tham gia Điện Biên Phủ của cả người Việt lẫn người Pháp, đặc biệt là cuốn Hồi ký của cố vấn Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam. Tôi học được nhiều hơn và hiểu hơn về rất nhiều sự kiện đã diễn ra trong lịch sử mà quá khứ thì không thay đổi được trong đó những danh từ “kẻ thù”, “đồng chí” của ngày ấy hôm nay lại đổi chỗ cho nhau.

Comments are closed.