Đường âm hồn (Dead men’s path)

Chinua Achebe

Nguyễn Đức Tùng dịch

Lời giới thiệu:

Chinua Achebe (16.11.1930 – 21.3.2013) thường xuất hiện trong các tuyển tập truyện ngắn thế giới bằng tiếng Anh. Ông sinh tại Nigeria, 1930, thuộc bộ lạc Ibo ở miền Nam Nigeria. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông làm việc trong ngành phát thanh, rồi làm nhân viên cho Bộ Thông tin trong thời gian chiến tranh. Ông từng sống ở Hoa Kỳ vài năm trong những năm 1970, rồi trở lại Hoa Kỳ từ 1990 sau một tai nạn xe hơi làm ông bị tàn phế một phần. Achebe nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có giải Man Booker International năm 2007. Ông mất năm 2013 khi là giáo sư về Phi châu học tại Đại học Brown.

Ông đã xuất bản hơn 20 cuốn sách; được biết nhiều nhất là những cuốn tiểu thuyết: Things Fall Apart (Mọi thứ đều tan vỡ), 1958; No Longer at Ease (Không còn dễ chịu nữa), 1960; Arrow of God (Mũi tên của Thượng đế), 1964; Man of People (Người của nhân dân), 1966; các tập truyện ngắn: Sacrificial Egg (Cái trứng hi sinh), 1962; Girls at War (Những cô gái trong chiến tranh), 1972; các tập thơ: Christmas in Biafra (Mùa giáng sinh ở Biafra); các tập tiểu luận: Hope and Impediments (Hi vọng và trở ngại), 1989, Lưu vong và Quê nhà (Home and Exile), 2000.

Thường viết về châu Phi, Achebe gửi gắm trong tác phẩm của mình niềm ước vọng về những đổi thay tốt đẹp cho người dân và đất nước nơi ông sinh ra.

Truyện ngắn sau đây, nguyên tác "Dead Men’s Path", mô tả sự xung đột giữa tham vọng cá nhân, thói hãnh tiến ích kỷ và các giá trị dân gian, nhưng đằng sau là sự xung đột có tính sâu xa giữa phát triển và văn hóa. Nó là ẩn dụ về sự phá huỷ môi trường thiên nhiên và môi trường tinh thần, vốn là một quan tâm thường xuyên của Achebe.

Nguyễn Đức Tùng

clip_image002

Niềm hy vọng của Michael Obi được thỏa mãn sớm hơn anh tưởng. Anh được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường Trung tâm Ndume vào tháng Giêng năm 1949. Đó là một trường học khá hủ lậu, vì vậy Uỷ ban Giáo dục quyết định gởi một người trẻ và đầy năng lực đến đó. Obi nhận lãnh trách nhiệm với sự hào hứng. Anh có những ý tưởng tuyệt vời và đây là cơ hội để đem chúng ra thi thố. Anh đã qua một chương trình giáo dục trung học đàng hoàng, đến nơi đến chốn, nhờ đó mà được xếp vào loại các thầy giáo giỏi trong hồ sơ của sở học chính, làm anh nổi bật lên giữa những vị hiệu trưởng khác trong khu vực. Anh thường nói thẳng ý mình và chỉ trích những quan điểm hẹp hòi của những người lớn tuổi hơn và thường là có học vấn kém hơn anh.

“Chúng mình sẽ thực hiện trách nhiệm này một cách ngon lành, đúng không hở em?”, anh hỏi cô vợ trẻ khi họ nghe được tin vui về sự thăng chức của anh.

“Chúng mình sẽ làm hết sức mình,” vợ anh trả lời. “Chúng mình sẽ có khu vườn đẹp và mọi thứ sẽ hiện đại và tươi vui…”. Trong hai năm thành vợ chồng, cô đã hoàn toàn nhiễm phải tính hăng hái của chồng, hưởng ứng nồng nhiệt các phương pháp hiện đại, và thói khinh khi những người già cả và đáng bỏ đi trong lãnh vực giáo dục, những vị này có lẽ nên cho họ ra đứng bán hàng ngoài chợ Onitsha. Cô bắt đầu tưởng tượng ra mình như một vị phu nhân được ngưỡng mộ, vợ của ông hiệu trưởng trẻ tuổi, một thứ nữ hoàng của trường học.

Còn những bà vợ của các thầy giáo khác sẽ ghen tỵ với cô. Cô sẽ tạo ra những phong trào đua đòi này nọ về đủ mọi thứ. Thế rồi đột nhiên cô nhận ra rằng có lẽ cũng chẳng có một bà vợ nào cả. Bối rối giữa hy vọng và sợ hãi, cô hỏi chồng mình, nhìn anh một cách lo lắng.

“Các thầy giáo ở đó đều trẻ và chưa có vợ đâu.” Anh ta nói một cách hào hứng nhưng cô chẳng thấy lý do nào để hào hứng cả. “Đó là một chuyện tốt”, anh nói thêm.

“Sao vậy hở mình?”

“Tại sao ư? Thì họ sẽ dốc hết thời gian và công sức cho trường học chứ sao.”

Nancy thì bi quan hơn. Trong một thoáng, cô đâm ra nghi ngờ cái trường học mới này; nhưng chỉ vài phút thôi. Chuyện không may riêng tư này không đủ làm mờ mắt cô trước tương lai xán lạn của chồng mình. Cô nhìn chồng đang ngồi xếp chân trong ghế bành. Anh ngồi nhô vai lên và trông có vẻ yếu đuối. Nhưng cũng có khi anh làm người ta không ngớt ngạc nhiên về một thứ năng lượng lạ lùng. Tuy vậy khi đang ngồi trên ghế vào lúc này, sức mạnh của cơ thể anh dường như biến đâu mất phía sau cặp mắt sâu và tối, làm cho chúng toả ra một thứ ánh sáng sắc bén. Anh ta mới hai mươi sáu tuổi nhưng trông cỡ ba mươi hoặc lớn hơn. Nhìn chung, chồng cô không phải là không đẹp trai.

“Thưởng một đồng xu cho câu trả lời của anh đấy, Mike.” Nancy trả lời sau một lúc im lặng, bắt chước kiểu khôi hài của tờ báo phụ nữ mà cô đọc.

“Anh đang nghĩ, đây là một cơ hội lớn, cuối cùng thì chúng ta sẽ có khả năng chỉ cho bọn người kia thấy cách điều hành một trường học như thế nào là ngon lành.”

Trường Ndume là một trường tệ hại xét về bất cứ phương diện nào. Hiệu trưởng Obi dành hết tâm sức của mình vào công việc và vợ anh cũng thế. Anh có hai mục đích. Tiêu chuẩn dạy dỗ phải được nâng cao, và nhà trường phải trở thành một nơi có quang cảnh xinh đẹp. Khu vườn trong giấc mơ của Nancy trở thành thực tế vì trời bắt đầu đổ mưa, và cây trái đang trổ bông. Hoa dâm bụt và hoa hoàng anh [allamanda] xinh xắn ở bờ rào đỏ vàng rực rỡ bao quanh ngôi trường được chăm sóc cẩn thận, tách hẳn nó ra khỏi những bụi cây rậm um tùm của dân cư trong vùng.

Một buổi chiều khi hiệu trưởng Obi đang đứng thưởng thức công trình của mình, anh sững sờ thấy một bà già từ trong làng khập khiễng đi xuyên qua khuôn viên của trường, qua những luống hoa cải và bờ dậu. Tò mò đi theo, anh nhận ra những dấu vết lờ mờ của một đường mòn đã không ai dùng nữa từ ngôi làng xuyên qua khu vực nhà trường tới những đám bụi cây dại bên kia. “Thật là kinh ngạc”, Obi bảo một người thầy đã từng dạy học ở đây ba năm, “các ông lại cho phép cho dân làng tự do đi qua khuôn viên của mình. Thật không thể tưởng tượng được”. Anh lắc đầu nhiều lần.

“Đường mòn coi vậy chứ hết sức quan trọng với dân làng,” người thầy giáo nói với vẻ bối rối biết lỗi. “Mặc dù không mấy khi được dùng tới, cái đường này nối ngôi làng với nghĩa địa thầy ạ.”

“Thế thì mắc mớ gì đến nhà trường của chúng ta chứ?”, vị hiệu trưởng hỏi lại.

“Thú thật là tôi cũng không biết,” ông thầy giáo nhún vai trả lời. “Nhưng tôi nhớ là hồi xưa đã từng có chuyện cãi vã lớn khi chúng tôi cố đóng nó lại không cho ai qua.”

“Đó là chuyện thời trước. Nhưng bây giờ thì không được như thế nữa,” Obi buông thõng khi anh bỏ đi. “Ông thanh tra giáo dục sẽ nghĩ thế nào khi ông ấy tới đây để kiểm tra trường của chúng ta tuần tới? Tôi e rằng dân làng thậm chí có thể dùng cả phòng học của chúng ta cho một buổi tế lễ trong khi vị thanh tra ở đây.”

Người ta cho đóng những cái cọc lớn để rào lối đi lại ở phía nó chạy vào và chạy ra khỏi khuôn viên nhà trường. Họ dùng cả dây kẽm gai bít lại chằng chịt hết khu vực.

Ba ngày sau, vị linh mục của làng Ani đến gặp hiệu trưởng. Đó là một ông già có dáng đi lụ khụ. Ông dùng một cái gậy cứng cáp để chống, gõ gõ lên sàn nhà khi cần nhấn mạnh một điều gì lúc tranh cãi với người khác. “Thưa thầy, tôi nghe nói rằng con đường của tổ tiên chúng ta đã bị đóng lại rồi…”, ông nói sau một vài câu chào hỏi thông lệ.

“Đúng thế cha ạ.” Obi trả lời. “Chúng tôi không thể cho phép người ta làm một đường xa lộ cao tốc xuyên qua khuôn viên nhà trường.”

“Hãy nhìn đây, con trai của ta ơi”, vị linh mục gõ cây gậy xuống đất, “con đường này đã có ở đây lâu rồi, trước lúc thầy sinh ra và trước cả lúc thân phụ của thầy sinh ra nữa kia. Đời sống của chốn làng quê này phụ thuộc vào nó. Những người thân mới qua đời của chúng tôi rời bỏ ngôi làng bằng con đường này, trong khi tổ tiên chúng tôi đến thăm viếng con cháu cũng dùng con đường đó. Nhưng quan trọng hơn, đó là đường mang con trẻ tới đây để chúng được sinh ra.”

Vị hiệu trưởng lắng nghe với nụ cười thỏa mãn trên khuôn mặt.

“Tất cả mục đích của hệ thống nhà trường chúng ta”, anh trả lời, “là xoá sạch, xoá toàn bộ những niềm tin cổ lỗ sĩ này. Những vong hồn của người chết chẳng cần chi đến đường đi lối lại. Mấy cái ý tưởng này là bày đặt ra mà thôi. Nhiệm vụ của nền giáo dục là dạy cho trẻ con biết cười vào mũi những trò mê tín vớ vẩn.”

“Điều thầy nói có thể đúng,” vị chăn chiên trả lời, “nhưng chúng tôi tuân theo những phong tục của cha ông. Nếu thầy cho phép mở lại con đường thì chúng tôi chẳng có chi phải tranh cãi với thầy ở đây cả. Tôi vẫn thường khuyên mọi người là hãy để cho chim ó đậu trên cây mà cũng để cho chim phượng hoàng đậu xuống nữa.” Ông già đứng lên từ biệt.

“Tôi thật xin lỗi”, vị hiệu trưởng trẻ tuổi trả lời, “nhưng nhà trường có phải đâu là thứ giao thông công cộng? Nó ngược lại với các luật tắc của chúng tôi. Tôi đề nghị linh mục cho xây một con đường khác đi vòng quanh nhà trường. Chúng tôi có thể gửi người tới giúp cha. Tôi không nghĩ là vong linh tổ tiên lấy làm phiền chi chuyện phải đi vòng một chút.”

“Tôi không có gì để nói thêm nữa”, vị linh mục trả lời, lúc này ông đã ra hẳn bên ngoài.

Hai ngày sau, một phụ nữ trẻ trong làng chết trong khi lâm bồn. Một vị thầy pháp được mời đến, ông ta sai làm lễ cầu đảo rất lớn để xoa dịu những vong hồn bị xúc phạm vì chuyện cái hàng rào.

Hiệu trưởng Obi thức giấc ngày hôm sau giữa những hoang phế của công trình. Những luống hoa rào giậu bị nhặt lên, ném từng bó vương vãi, không phải chỉ ở quanh con đường mòn mà còn khắp khuôn viên trường, và một dãy lớp học bị kéo sập xuống. Cùng ngày hôm đó, vị quan thanh tra người da trắng đến xem xét trường học và viết một bản báo cáo tệ hại về quang cảnh của khuôn viên trường, nhưng nghiêm trọng hơn là về “tình trạng chiến tranh bộ lạc, giữa một bên là nhà trường và một bên là dân làng, gây ra một phần là bởi sự sốt sắng ngu ngốc của ông hiệu trưởng mới.”

———–

Nguyễn Đức Tùng dịch từ nguyên tác tiếng Anh, “Dead Men’s Path”, trong “Girls at War and Other Stories” của Chinua Achebe (Heinamann, London 1972).

Comments are closed.