Đường thu

nguyễn thị hoàng bắc


1. Trước đó, mồi khi cùng bạn bè tụ họp tán dóc mấy câu chuyện về tự sát, tự tử, tôi thường dửng dưng khơi khơi coi như chuyện đùa, như cách nói thời thượng, ra vẻ tí chút sinh viên thuộc làu môn triết lý hiện sinh nôn mửa, cuộc sống này không đáng sống nữa thì là ôm cục đá nhảy xuống biển, bưng ly thuốc độc lên ực một hơi, hay lãng mạn tí chút mua hoa về chất đầy phòng rồi chết lịm đi trong hương hoa thơm ngát. Nghe nhẹ nhàng và có lý lắm đấy chứ, bọn tôi cười hích hích thích thú!

Khoảng hai tiếng sau đó, chúng nó đã ra về hết, khoảng 3 giờ chiều, tôi một mình nhận điện khẩn từ gia đình Minh báo tin anh đã tử trận khi đang cấp cứu một thương binh trong hầm quân y viện. Quả đạn pháo kích 130 ly tại mặt trận Quảng Trị đánh sập hầm quân y và thổi bay đầu Minh, là chi tiết biết thêm từ bạn bè anh.

Đứa khởi sự gây sự là ai, đứa chống lại là kẻ nào, ai xâm lăng, ai giữ nước, ai yêu hoà bình, ai chuộng chiến tranh, hai con gà một mẹ hai miền chia phe quốc cộng đánh nhầu. Minh vô tư hay chủ ý, tôi không biết, trôi vào trận chiến. Hai mươi sáu tuổi, áo quân y ra trường còn thơm thẳng nếp đổi thành bộ thuỷ quân lục chiến rằn ri rằn rện cũng mới toanh dị kỳ. Tôi hai mươi, qua cái tuổi mười bảy bẻ gảy sừng trâu vẫn tràn trề sức sống, khoẻ như một con trâu non, tôi ước gì dùng hết sức lực và tuổi trẻ của mình húc một trận, sập hết cả hai cái dàn giáo gọi là hai chế độ chính quyền, hai phe, hai đế quốc đối đầu chiến tranh nóng lạnh, hai miền cộng hoà, cộng sản cái đất nước tồi tệ gọi là nước tôi này.

Tôi đang cần làm cái gì đó, điều gì đó để trả thù cho Minh, cho tôi .

Số phận ngẫu nhiện kéo lết đi, chống và chống, phản chiến, và tiếp tục phản chiến, cả một phong trào, có cả chọn lựa. Những ngày hôm đó, dư luận, báo chí công khai và bí mật mà tôi cũng có cơ may hay rủi ro đọc được hoặc từ ai đó dịu nhẹ rót vào tai chiêu giảng tôi, sao không đầu quân Bắc tiến ra Bắc để bịt họng súng bọn bán nước xâm lược, sao không bay vào bưng biền miền Nam theo Mặt trận kháng chiến đấu tranh cho nước non thống nhất một nhà, tôi gầm gừ, thế ra tôi đang kẹt giữa 3 ngọn cờ, 3 đất nước đấy nhe. Nhưng cùng lúc, ráng tỉnh trí để không rơi vào cái thế: tránh một cuộc giết người này lại lao đầu vào một trận can qua khác. Tuy tôi mới qua tuổi mười chín.

Chiến tranh, dù trong rừng sâu nước độc, hay địa đầu giới tuyến, hay thành phố đèn treo đèn kết hoa đều tàn sát điên khùng như nhau. Chiến tranh nổ toang, đập nát tan những ước vọng trong veo và chính đáng của tuổi mới lớn, những giấc mơ ấp ủ vội vàng, những khi chúng tôi ngồi thủ thỉ không biết bao lâu bên nhau trong sân trường nội trú của tôi ở Đà lạt, ngày giờ theo những giọt nắng hiếm hoi trôi khe khẻ luồn qua những ngón tay ấm áp chúng tôi đan vào nhau, những khi tôi vội vàng một chút, ngại ngùng và điên cuồng một chút, bay về Sàigòn, ghé về phòng trọ của Minh, ngồi yên lặng, hai tay đặt lên vạt áo dài che chiếc quần rộng phủ kín chân, ngó lên tấm lịch ảnh Người đẹp và Quê hương, những người đẹp ăn mặc hở hang tạo dáng uốn éo trước những cảnh quê hương chỉ toàn là mái lá xác xơ. Như lơ đãng mà thật chăm chú nghe anh kể chuyện những bạn bè, thực tập, nội trú đâu đó, thỉnh thoảng dường như quên cả tôi trước mặt, Minh bất thần nói một câu định mệnh, cuộc chiến này còn kéo dài, tuổi trẻ chúng ta rồi cũng phải góp phần thôi. Không hiểu cái gì xui khiến khiến tôi muốn òa khóc lúc đó, và nghĩ, hay là Minh đang nhen nhúm ý nghĩ ra đi? Lần này tôi nghe trong kinh hoàng và sợ hãi, chết, tự sát, tự tử hay bị giết, không thể khơi khơi như khi đang tán chuyện vô tư với bạn bè. Tự sát đâu dễ là đối tượng khách quan hữu thể như kiểu nói liếng thoắng khi chúng tôi cho rằng mình đang nghiên cứu triết học!

Theo Minh vào nhà thương Chợ Rẫy, chân trời bệnh viện lạ lẫm mở ra cho tôi một thế giới khác có những người áo trắng im lìm lướt qua lướt lại, vội vã và lặng lẽ trong sân cỏ, đâu đó điểm xuyết những chiếc lồng sắt khoá kín đột ngột hiện ra dưới bóng các cây cổ thụ, có con rắn to đen vảy lốm đốm trắng, chậm chạp uốn éo vi vu một mình như tạm thoả mãn kiếp trong lồng. Tôi quen Minh từ năm muời bảy tuổi, là nữ sinh nội trú trường bà soeur.

2. Khi hai mươi mốt, tôi rảnh rổi ở nhà vì đã bỏ học năm cuối đại học. Hay Minh chả thiết gì tôi nên mới nhất quyết một chuyến xa khơi tự nguyện để lạc vào nơi mù mịt? Biết đâu Minh đã nghĩ có thể là đi luôn, có thể lạc trôi mãi trong chuyến phiêu lưu, và có thể Minh chẳng mong ai đến tìm kiếm? Nhát dao tổn thương cứa vào trái tim ứa máu, tình yêu, lòng tự trọng, sự đợi chờ được gọi thầm bằng cái tên đẹp đẽ là chung thuỷ vô điều kiện là tôi, và để làm gì, vì chỉ có sụ thờ ơ cô quạnh đáp lại? Khiến mùa đông năm ấy ảm đạm không thể tưởng, tôi xanh như tàu lá, ra vào run rẩy như người sắp chết, mặt và chân tay trắng mướt nổi đầy gân xanh, và vẫn người duy nhất đau khổ lúc ấy là mẹ, trước sau tôi vẫn thấy, và vẫn ngoan cố với người đã cho tôi vô vàn tình yêu hay nỗi chịu đựng vô điều kiện hơn ai hết. Vẫn là mẹ.

Hết đi biểu tình, đi ở tù, đi đọc diễn văn, đi làm báo, lại vào tù, lại ra toà, lại vùng vẫy tranh đấu trong tù, ra tù, và lại vào tù, và mẹ lại đốm tóc trước trán càng lúc càng bạc, hai mắt âu sầu càng lúc càng đục sâu, nhẫn nhịn, ra vào bới xách thăm tù tôi, khi thì cái áo len cũ, khi thì món thịt ruốc kho khô ớt sả cay, và tôi, lập lại không biết chán biết ngượng, nụ cười gượng ráng tươi, thương mình ít mà thương mẹ nhiều, mẹ mắc nợ con nhiêu đó đủ rồi, đã định nói mấy lần mà chưa lần nào há miệng ra nói được, mẹ ơi, không cần đi thăm con đâu, rồi tới tháng thăm tù, lại vô ra ngóng mẹ. Con thật sự đã hư hỏng, bại hoại hết thuốc chữa rồi hả mẹ?

Sau này khi ra tù sống với mẹ và không biểu tình biểu tội gì nữa, một bữa tôi hứng lên ngây ngô hỏi mẹ:

“Sao hồi đó mẹ đi thăm nuôi con hoài?”

Mẹ trả lời hơi ngẫm nghĩ:

“Thì cũng như ông già mi xưa kia chống tây đi tù, tao cũng thăm nuôi bới xách đầy đủ, mi có tù trộm cắp cũng phải thăm!”

Lại một người nữa bị cuốn trôi. Đó cũng là chuyện sau này, những ngày sau 75, những người đàn bà rã rời mỏi mệt đã chen chân vào dòng thác người đói nhịn đói để đi thăm nuôi đám đàn ông được gọi là bọn ngụy quân ngụy quyền học tập. Nhưng vẫn là chuyện xưa sau, xa xa lắm trong dòng thác sẽ cuốn trôi của lịch sử tương lai.

Minh, thật sao, là chiếc bóng bên đường dã man bước vào đời tôi, dã man bước ra, tôi biết được điều ấy thì giặc đã tan (giặc nào, chỉ suông miệng nói thôi!) hai miền Bắc Nam, thành phố, bưng biền đã là một, đã thống nhất hoà bình nhưng là một hoà bình kẻ thắng lớn, người thua đau, trong vết thương khoét rộng túa máu ấy, chẳng thấy ai vinh danh cái chết cho Tổ quốc chàng hảng giữa của Minh, nếu không phải là anh đã tự ghi tên mình vào danh sách những kẻ phản bội Tổ Quốc, chạy theo đế quốc. Ôi Tổ Quốc, người là ai sao mà lắm chuyện?

Người trong gia đình ruột thịt Minh đã phải gạt cả tên anh ra khi khai lại lý lịch hộ khẩu với chế độ mới. Liên hệ với một tên bác sĩ nguỵ chết trận cũng là một liên luỵ lý lịch khó tẩy xoá, ảnh hưởng không ít gọi là tiêu cực đến tiền đồ, tiến độ, tương lai sự nghiệp của các em cháu nhỏ của Minh. Huống chi tôi chỉ mới dừng bước ờ hình ảnh người tình không chân dung như phim ciné của chị Kiều? Không biết Minh ngậm cười nơi chín suối thế nào?

3. Trái tim ứa máu, thân thể nát tan vì những lần nằm lăn lên hàng rào kẽm gai ba-rắc để biểu tình nằm lì phản đối, những lần nghiến răng cho mật vụ lôi đi xềnh xệc máu me trầy sướt rồi ném đùng lên xe bắt chó, vứt vào bót cảnh sát, đeo còng tay ra toà, nhốt vào chuồng cọp để tra tấn cho ra tội làm gián điệp cho miền Bắc; độc lập rồi, hoà bình rồi, tôi ngậm khóc không kịp, cười không ra hơi, với cái lý lịch chế độ mới ghi chống đối chế độ cũ nhưng còn có nhiều mắc mớ với ta. Chế độ mới không ưa ai đối kháng, cho dù là chống cái ác, chống cái xấu, chống chiến tranh. Minh có lẽ đã đi qua giông bão hay bay nhẹ vào kiếp khác rồi, lúc nào chàng cũng hơi thông minh vô ý và vô tình nhanh nhảu và bước trước tôi.

xanh, lá vàng, lá đỏ, lá úa, lá khô, và lá rụng. Con đường thiên nhiên kỳ diệu và kỳ quái như một bản hợp xướng khi bàn tay vô hình đưa lên, tất cả các giọng nam cùng trầm, các giọng nữ cùng vút cao, bập bềnh trôi mênh mang về một hướng chân trời. Bỗng tất cả đồng loạt hạ xuống thật thấp, thật chậm, ngân nga, thình lình im bặt, thinh không lặng thinh, thính giả nín thở, tắt thở. Bỗng ba hồi chuông trống đùng đùng nổi dậy, vùng lên, lại dạt dào, những bàn tay kéo riết, những ngón tay đập rầm, khe khẻ, và dữ dội lên mặt nhạc cụ, mặt trống, kèn trompette phun lửa phập phồng, số phận đánh thức người nghe cứ như vực mọi người dậy từ một giấc ngủ sâu thẳm trăm năm.

Con đường có mười cây tên gì không rõ, thẳng tắp, mười cây cao bằng nhau, mười cây xanh mướt nõn nà, mười cây tàn phai héo uá, mười cây vàng, mười cây chín đỏ, và mười cây khô xạc xào trút lá, liên tục thoăn thoắt, êm ái và công khai bí mật diễn ra trong vòng một tuần lễ mùa thu khi tôi viếng thăm Bắc Mỹ. Bàn tay nhạc trưởng mùa kỳ diệu đưa lên hạ xuống, xương xẩu lẫn mềm mại, bàn tay trắng muốt lướt nhẹ lên mười cây cao bằng nhau, mười cây xanh mát tươi, mười cây đỏ chói lọi, mười cây vàng kim óng ánh, mười cây trơ, mười kiến trúc xương trắng rỗng. Rồi nhạc gió lùa qua vi vu, vi vu, con đường mùa thu.

Tôi đi qua đi lại không biết chán, ngớ ngẩn, điên dại cứ như ăn hoài một món, thở hoài một bầu trời đến phát ghiền, nổi điên nói hoài một chuyện cũ, nghĩ hoài đến nỗi mong chờ hồi hộp khắc khoải, nghĩ mãi đến một người, mong chờ mãi mỗi nỗi nhớ đến con đường.

Phải quên quá khứ đi để có tương lai.

.

4. Gió nổi lên loạn cuồng, lá đỏ là xanh bay tung, dù rụng, dù khô, dù vàng chết, cứ một lần dại dột tung tăng. Tôi đã dại dột tung tăng, bỏ cả đời đi phản chiến, mà sâu xa, thật tệ, chỉ là vì Minh sao? Anh trưởng nhóm phản chiến, người hùng, người anh cả, vị lãnh tụ anh minh suốt một thời tuổi trẻ tranh đấu của tôi, cuối đời hưởng phước theo vợ xuất cảnh sang xứ lạnh, một bữa gió lên giữa con đường Bắc Mỹ, đã trầm giọng thì thào tâm sự vào tai tôi về những người đồng chí cũ, người chôm văn anh để cho vào Hồi ký in riêng của họ, kẻ nằm vùng trong tổ chức hồi đó để tố cáo ngược lại bạn bè lấy điểm lập công với chế độ mới, kẻ bị làm vật hy sinh thế thân cho các vụ các quan lớn đỏ tham ô xử lấy lệ, đẩy một lũ dê tế thần vào ngổi tù khóc hận chung thân, hệt như những vở cải lương rẻ tiền mà có thật.

“May, nếu không nhờ có vợ cũ mang quốc tịch nưóc ngoài thương hại cứu anh ra khỏi nước… nhưng em chưa bao giờ nói với anh ngày ấy sao em điên, thừa sống thiếu chết chống đối đến thiêu thân vậy…?”

Rồi e dè nhìn tôi như muốn hỏi:

“Ngọn lửa nào thiêu đốt em dạo ấy cứ như muốn đốt cả thiên đường địa ngục?”

Tôi âm thầm và không thấy cần thiết để trả lời.

Về tới nhà, vợ anh, người vợ cũ đã ly dị khi anh mải mê tranh đấu trâu đánh, đã nghĩ lại, và cho anh cơ hội trở lại, ôn tồn thông cảm:

“Em muốn ở chơi nhà anh chị bao lâu cũng được, hết hạn visa thì xin gia hạn, rồi hẳn về!”

Có lẽ có chút thương hại? Có lẽ chị ấy là người già dặn, tích luỹ kinh nghiệm để thấu hiểu tình đời? Có lẽ, it ra ngoài mẹ, tôi còn có hai người tốt bụng thương thật và thương hại tôi cũng được, họ thương người đã từng bị quay cuồng một dạo trong những con lốc xoáy không gì cưỡng lại được?

Hôm tiễn tôi về lại nhà, anh chỉ cho tôi một đoạn viết của anh mà anh chặc lưỡi, ừ thì dạo này anh cũng thích đọc viết cái gì có chút xíu cải lương:

“… Chống chiến tranh là chống lại súng đạn bên này hay bên kia gây đầu rơi máu đổ, nhưng hết chiến tranh tăng T-54, trực thăng Chinook hay B52 gào rú, những cuộc chiến thầm lặng vẫn máu me trong bóng đêm tiếp diễn, những đồng bào đồng chí đồng đội vẫn tiếp tục cắt tiết lẫn nhau, anh nhiều khi không chắc anh em mình dạo đó ngồi được trên tảng băng nổi mà cứ tưởng mình đã dầm mình lặn xuống đáy nước chìm…”

Và cũng vẫn là lời âm thầm (vô duyên hay có duyên?) nhắn nhủ, quên đi, hãy quên quá khứ đi để có tương lai.

Máy bay nhẹ nhàng lướt đi giữa khoảng trời hai màu xanh trắng, nhà cửa, phi trường, bóng anh chị tiễn đưa, tôi đoán thế, đang lùi dần, lùi dần, lẫn dấu chân mây bồng bềnh to nhỏ.

5. Trong mùa thu, khách tên Ấn, tôi lén đặt lại tên là Ấn Tượng cho xôm, đến chơi nhà anh chị kể chuyện vượt biên tị nạn, và những ngày đầu đến Mỹ. Chị vợ khuôn mặt tròn, hai má bạnh, mỗi khi nói, hai mắt mở to, mặt đanh lại như thói quen đang doạ nạt ai, dù câu chuyện chẳng có gì là doạ nạt. Hai vợ chồng râm ran ôn chuyện cũ, khi đứng giữa đường hứng tuyết, trời thình lình tuyết đổ, dân tị nạn mới sang đã biết gì đâu mà lo đọc bản tin thời tiết trước khi ra khỏi nhà thông thạo như dân địa phưong. Mua áo quần, giày vớ cho mùa đông xứ lạnh còn chưa biết đâu vào đâu mà mò, sở xã hội hay nhà thờ nhặt cho món gì mặc món đó, mùa hè cũng mặc dày cộm quần áo mùa đông, và mùa đông thì phong phanh tấm áo cô-tông để nghe gió luồn vào lưng lay phành phạch. Chị vợ ôm chặt đứa con gái bốn tuổi vào lòng, quấn hai cái khăn loại khăn lông đi tắm, hai mẹ con chuyền hơi ấm lẫn cho nhau trong trạm chờ xe buýt, trong khi anh chồng xông xáo ra đón đầu chờ xe buýt tới. Hơi tuyết bám đầy trên những đầu ngón tay tím ngăn ngắt và cứng như nước đá, và đứa bé trong hai lớp khăn bọc cũng mắt môi tím rịm, mắt nhắm riết, không biết còn thở nữa hay đã thôi.

“Có cái thẻ medicaid sở Xã Hội phát cho dịch vụ đi bác sĩ, mua thuốc miễn phí cho dân tị nạn cũng không biết đường mà dùng. Đi bác sĩ thì phải nhặt tờ báo chợ kiếm cho ra anh bác sĩ Việt Nam mà đi, sau này ở lâu mới biết bọn bác sĩ Việt tị nạn lắm tên phải ra toà vì chuyên gạt đồng bào để gian lận một tính mười phí y tế, ngày đó thì con bé đau bụng ỉa chảy, gặp được bác sĩ Việt thì như gặp bắt được vàng, và không ngớt van lơn đấng cứu tinh bác sĩ cứu giúp giùm con gái chúng tôi.”

Hai vợ chồng nói nói cười cười châm biếm lẫn bùi ngùi thuật lại chuyện cũ, và người vợ mắt vẫn mở to như đang thảng thốt đe doạ con ma vô hình trước mặt…Mười bốn năm sau, đứa bé gái bé bỏng trong tay người mẹ đó đã tử nạn trong một chuyến đi chơi khuya, cả bọn bạn bè lẫn tài xế say khướt tự đâm sầm vào cột đèn đường, cả lũ năm đứa bị thương bất tỉnh rồi tỉnh dậy, nhưng đứa con gái của hai vợ chồng họ ngổi ở giữa hàng ghế sau, đập cổ mạnh vào thành ghế đã gãy cổ đi luôn.

Anh hai trưởng nhóm (vẫn là cái tên thân thương gọi ngày cũ) thuật:

“Vết thương dường như đã biến người mẹ thành một người hoàn toàn khác. Nhiều người nói, trước đây chị là người hiền lành nhút nhát, ít ăn ít nói, giờ một tay chị là Chủ tịch Hội Phụ Nữ Bảo vệ Cờ Vàng, từ những cuộc biểu tình chống các phái đoàn lãnh đạo, đại sứ, kinh doanh Cờ Đỏ từ trong nước ra cho đến những Đêm Không Ngủ thắp nến cho Tù Nhân Lương Tâm, chị luôn đi hàng đầu dưới lá cờ vàng ba sọc…”

Tôi chột dạ nghe anh vừa lắc đầu vừa bình luận:

“Tai nạn xe cộ thì ảnh hưởng gì tới cờ đỏ cờ vàng không biết nữa!?”

Tôi sợ nghe tiếng nói xa xôi đâu đó của Minh khẻ vang lên:

“Đạn pháo kích đâu chỉ giết mình anh mà em phản chiến? Chiến tranh mắc nợ nhiều người lắm, người sống, kẻ chết, kẻ sống mà như chết, những người là anh hùng liệt sĩ lẫn những kẻ mang tiếng là phản bội sát nhân, những kẻ vô can, những người tham dự, những người mất mát, những kẻ hưởng lợi…”

Không, Minh không thể trách gì tôi được. Minh bỏ ra đi khi tôi mới mười chín tuổi. Có trách là tôi sẽ tự trách mình tôi thôi, mà cũng phải chờ đến ba chục năm sau mới biết tự trách thân!

6. Ba mươi năm, đi lang thang quanh quẹo không nghĩ mình sẽ tới đâu về đâu, chỉ chăm chăm hôm nay công việc mình đã hoàn tất chưa, ba mươi năm, công việc ngày mai sắp xếp thế nào, trốn cho kín, chuồn cho nhanh, qua mặt cảnh sát mật vụ ông Nhu, ông Thiệu, làm mặt vờ vịt tỉnh bơ như mình vô tư, vào tù rồi thì giữ cho quật cường để chờ ngày ra nối tiếp, sống chết đâu chỉ cho mình mà còn cho tổ chức, bạn bè, chưa bao giờ tôi nghĩ tôi cần một chỗ để trở về.

Thế mà hôm nay, máy bay đáp xuống, chân thấp chân cao ra khỏi cửa, đã nhảy vội lên chiếc xe ôm, đưa tay chỉ quanh quẹo cho người tài xế, trái tim khô bỗng đập thình thịch rồi êm lại như một nốt nhạc trầm, tôi kêu anh xe ôm bỏ mình ngoài con ngõ hẹp mấp mô để tập tểnh đi vào. Cái ngõ quanh co, hai hàng cây lơ thơ cô đơn vắng vẻ một cách quen thuộc, bậc cấp đá trước thềm nhà sù sì mà mát mịn, cánh cửa mở hé, mẹ đang tư lự mơ màng đăm chiêu viết thư hay đọc thư gì của ai đó. Cũng may ngoài tôi ra, mẹ còn có một lô các dì, các em, các cháu, bạn bè ở xa và học trò cũ vẫn nhớ, vẫn thỉnh thoảng viết thư về cho mẹ.

Mẹ bảo:

“Thư điện tử meo méo gì đó chẳng thấy mặt người. Các dì của mày ở Mỹ ai cũng biết skyping, mẹ chưa văn minh thế, thế là tụi tao viết thư cho nhau như thời đi học mới lớn!”

Mẹ bỗng thơ ngây như cô bé mới lớn. Quên quá khứ đi để có tương lai. Nhưng đôi khi quá khứ giữ gìn lại điều gì đó để an ủi cho hiện tại.

Dẫu Minh không về lại trên con ngõ xưa được nữa, dẫu lòng tôi đã muối xát dạt dào, nước mắt từng lưng tròng không dám nhìn thẳng con ngõ vắng không Minh… Chuyện xưa ba mươi năm có lẽ phải khép lại rồi, tôi đâu còn tung tăng nhảy chân sáo trên con ngõ nhỏ được nữa, nhưng hôm nay, tưởng trong lòng mình là trẻ con muốn hét lên đùng đùng “mẹ, con về đây“, và chạy ào tới ôm chầm lấy mẹ. Nhưng chỉ là tưởng tượng, chỉ lách cửa nhè nhẹ bước vào, và cười tươi mỏng mảnh như hoa với mẹ từ bên ngưỡng cửa. Đừng, đừng nữa, chiến tranh hoà bình hãy dừng lại ở ngoài cửa, chống hay theo cũng cứ dừng đó, đứng bên ngoài.

Nên cũng phân vân không biết, không dám có nên kể lại chuyện chị Ấn Tượng cờ vàng cho mẹ nghe không.

7. “Dalat, ngày… tháng… năm…,

Anh chị Trưởng ơi,

… Lá vàng cờ vàng, lá đỏ cờ đỏ, và đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ* của anh chị vẫn còn nguyên đấy chứ? Chị Ấn vẫn theo, chống, bảo vệ cờ đỏ cờ vàng gì đó? Dạo này dân Việt trong nước hay chửi thề, thí dụ những lá cờ chết tiệt, những nỗi đau chết tiệt, những viên thuốc đểu, những cái nhìn đểu, hay hiện thực, mạnh bạo hơn đéo biết, đéo nói, đéo ưng, đéo kể…, nghe cũng dui dui anh chị nhỉ? Em nay năm chín, tóc lốm đốm bạc, mẹ bạc phơ tóc, tám ba, em về nằm li nhà gọi cho đẹp đẽ là phụng dưỡng mẹ già. Thật ra hai mẹ con “phụng dưỡng” cho nhau, em phụ mẹ gói bánh bột lọc và đi bỏ bánh cho nhà hàng, người quen kẻ lạ. Giống như một thời xáo trộn, mẹ vẫn thỉnh thoảng nhìn em e dè khi em là Phương xuống đường, Phương bãi khóa, Phương phản chiến, Phương đi tù… giờ cái nhìn của mẹ có phần nào nghiêng về ái ngại cho Phương bột lọc… Ha ha… Tổ quốc đã hoà bình nhưng khó có tự do, độc lập hoàn hảo. Bàn thờ Minh cũng phải làm nhỏ đi, và dẹp lại từ khi đất nước thống nhất. Chính quyền mới nói lý lịch em đầy mâu thuẫn và đáng nghi ngờ vì em đã luôn đóng vai kẻ chống đối. Anh Trưởng nghĩ gì khi em chỉ còn con đường thỉnh thoảng ký tên vào các Thư Công Khai gởi chính quyền đòi quyền tự do đi đứng, thờ phượng, và phân minh pháp luật vân vân. Em muốn lập lại bàn thờ cho Minh như ngày xưa, nhưng mẹ bảo đã già đã yếu, không còn sức đâu để chịu nữa. Mẹ bảo, thôi con để chỗ thờ mẹ, thờ con, nay mai mi chết rồi, không chồng không con, ai thờ mi mà mi đau đầu lo chi chuyện thờ phượng hắn? Kết cục sao thế, tình yêu cho một người, tình yêu cho cái gì gọi là vĩ đại theo và chống gì đâu, chung cục hạ màn thì cũng là tuỳ theo thời thế, và thời thế thì thường khá viển vông nằm đâu đấy trong những chân trời ước mộng cái thời tưởng nơi nào mình muốn tới thì cũng tới được…

Em chúc anh chị mãi mãi vui hưởng tuổi vàng với nhau anh chị Trưởng nhé…”

Em.

Virginia, 10/2015

nthb

______________

*thơ Tuệ Sỹ

Comments are closed.