Những chuyện kể của tướng Qua (tiếp)
3/ Trường Chinh – Hồ Chí Minh
Người thứ ba mà tôi thấy tướng Qua hay nhắc đến là ông Trường Chinh. Khi nói về tính cẩn thận, tướng Qua kể: ông này (TC) cẩn thận chưa từng thấy, đo may quần áo cho ông rồi, chiến sỹ của tôi khi đem quần áo đến nhà thì phải chở theo một cái gương rất to. Ông mặc thử rồi đứng trước gương soi. Hai cảnh sát đứng sau lưng ông cầm cái gương để ông ngắm xem phía sau có “chuẩn” không. Chỉ cần cái tà áo phía sau hơi cong một chút là đem về may lại! Trên Tam Đảo, tôi đã bố trí một cảnh sát cắt tóc có nghề để phục vụ cán bộ cao cấp khi nghỉ mát cần cắt tóc. Đến Bác Hồ cũng từng để cậu này cắt tóc, cạo mặt cho. Vậy mà khi cần cắt tóc ở Tam Đảo, theo yêu cầu của ông Trường Chinh, chúng tôi phải đánh một cái xe chở cậu cắt tóc quen thuộc của ông từ Hà Nội lên để cắt tóc cho ngài! Nói xong, tướng Qua lắc đầu than: dictateur! (kẻ độc tài).
Người thứ tư mà tướng Qua hay nhắc tới là Hồ Chí Minh. Ông nhiều lần kể cho tôi câu chuyện, sau CM tháng Tám, bộ đội, công an, dân quân tự vệ, du kích ta “thèm” súng lắm. Ai cũng muốn mình có một khẩu súng để chuẩn bị đánh giặc, vì thế du kích ở Chèm thấy có một cái tầu của quân Tưởng ngược về phía Bắc tưởng là tầu chở vũ khí nên họ đánh úp. Té ra là tầu chở bọn Tưởng ốm về Tầu trị bệnh. Chót giết mất bọn này rồi, quân ta chuồn luôn. Nào ngờ một tên trốn thoát, nó về báo cáo cấp trên. Quân Tưởng hạ lệnh cho ta phải tìm cho bằng được số du kích này để xử. Được lệnh của Bác, tôi phải lên tận Chèm để bắt các vị này. Không khó lắm, chỉ cần hỏi chuyện ông già bán chuối ở đầu làng là ra hết. Bắt được mấy vị này rồi, tôi báo cáo Bác. Nhưng một số anh em bàn, lấy tù thường phạm “thế” vào mấy vị này. Nhưng tên Tầu Tưởng trong lúc nhốn nháo, nó nằm bẹp một xó nhớ mặt các vị đó, rồi nhẩy xuống sông trốn thoát. Nó nhận mặt tù nhân và không chịu. Bác rất than phiền. Ông cụ nói, quân đội cách mạng mới xây dựng mà đã vô kỷ luật thế này thì làm sao mà trưởng thành nổi. Ông cụ phân tích: quân Tưởng là đại diện cho Đồng minh, động vào quân Tưởng là chống lại Đồng minh, vì vậy không thể không xử vụ này được. Lệnh tử hình mấy vị này trước mặt quân Tưởng được ban hành. Trước khi bắn các vị đó, tôi cẩn thận gọi điện báo cáo Bác một lần nữa. Bác chỉ trả lời ngắn gọn: một là mất nước, hai là thi hành lệnh. Anh Nguyễn Văn Trân (bí thư thành ủy HN sau này – LPK) bắn một phát rồi run quá, nằm vật ra, mồ hôi vã ra như tắm. Tôi phải giằng lấy súng, xử nốt mấy vị còn lại bằng các viên đạn vào thái dương. Xong, tôi cũng choáng quá, như muốn ngã xuống đất. Nhưng không quên gọi điện cho Bác, báo cáo đã thi hành lệnh. Từ đầu dây bên kia tôi nghe rõ Bác nói, giọng xúc động: nhớ ghi tên các chú đó để sau này làm bằng liệt sỹ cho các chú ấy.
Mỗi lần kể lại cho tôi nghe câu chuyện này, tướng Qua đều rơm rớm nước mắt. Ông đốt thuốc liên tục. Câu chuyện thứ hai mà tướng Qua kể về ông Hồ là phải đem vàng chuộc Bác. Không hiểu vì lý do gì quân Tưởng mời Bác sang làm việc rồi giam ông cụ lại. Đã mấy ngày trôi qua, ở nhà ai cũng vô cùng lo lắng. Tôi được cử đi gặp ông cụ để nắm tình hình. Đến nơi tôi rất ngạc nhiên là thấy cụ ngồi bình thản hút thuốc như không có việc gì xẩy ra, sau đó bảo tôi: thế là mất toi cả tuần lễ vàng! Sau đó ta phải đem vàng để chuộc ông cụ về!
Một câu chuyện khác về ông Hồ rất “độc đáo”. Tướng Qua vui vẻ kể: mới độc lập mà ông cụ đã gọi tôi lên bảo: phải giữ phố Khâm Thiên lại cho Bác. Tôi không hiểu ý ra sao. Còn anh em thì muốn dẹp ngay cái phố cô đầu nổi tiếng ở Hà Nội này đi vì cách mạng đã thành công. Nhưng đến khi quân Tầu Tưởng ồ ạt kéo sang, đại diện cho quân Đồng minh ở miền Bắc để giải giáp quân Nhật thì Bác lại gọi tôi lên bảo: tối tối đưa các sỹ quan tướng lĩnh của quân Tưởng xuống đó chơi bời cho nó đỡ phá phách, gây sự với ta. Thế là chúng tôi hiểu. Nhưng hiềm một nỗi là, bọn quan tướng Tầu Tưởng khốn nạn lắm. Ban đêm chúng “tòm chát” ở Khâm Thiên, ban ngày chúng lại dẫn mấy con đào này đi ưỡn ẹo ở Hàng Ngang Hàng Đào, mấy con đĩ này chỉ vào cái vòng vàng, vòng bạc, đồ nữ trang nào là bọn tướng Tầu lại cướp không cho chúng. Đồng bào thưa kiện lên chúng tôi. Ai lại cách mạng rồi mà không bảo vệ được tài sản cho đồng bào thì còn ra làm sao. Thế là chúng tôi lại phải đến lột lại các đồ vàng bạc đó ở các con đĩ, dọa chúng còn làm thế nữa là “coi chừng mạng sống”, rồi đem trả lại cho đồng bào. Thế mà có con còn ngoan cố, vẫn không chừa… lấy rồi trả, trả rồi lại phải đi lấy lại, như đèn cù.
Nói về sự tiết kiệm, tướng Qua kể: đi công tác trong kháng chiến, chúng tôi phải nắm cơm mang theo. Đến giờ ăn, cậu cần vụ giở nắm cơm ra, cẩn thận cậu ta dùng dao ca-níp gọt vỏ nắm cơm đã bị cứng ở bên ngoài ra, để vào một góc tờ giấy. Gọt đến đâu thì ông cụ bỏ vào mồm nhai đến đó, thấy thế cậu ta từ đó không gọt vỏ cơm nữa. Riêng với cá nhân tướng Qua, có lần ông kể: tôi là dân Hà Nội, không quen đi chân đất nên lúc đi kháng chiến có mang theo một đôi “ghệt” cao cổ. Thấy tôi đi đôi giầy da của bọn police militaire Pháp, có cậu thưa với ông cụ: anh Qua đi kháng chiến mà còn mang thói tiểu tư sản, đi giầy cao cổ của thực dân Pháp! Ông cụ chỉ nói: thôi, chú ấy được việc là được. Còn bộ đồ kaki Mỹ của tôi mặc trên người cũng bị chỉ trích. Ông cụ lại nói: thứ vải ấy nó bền, cứ để chú ấy mặc!
Có lần tướng Qua cho tôi xem một tờ giấy nhỏ bằng bàn tay, đó là bức thư được đánh máy từ cái máy chữ xách tay, chữ nhỏ li ti. Trong thư ông Hồ chỉ thị cho tướng Qua ém quân ở một đoạn đường để bảo vệ cho thiếu tướng Văn Tiến Dũng đưa quân ta vượt sông. Dưới cùng ký tên Hồ Chí Minh, cũng là ba chữ đánh máy. Xem thư tôi mới biết hồi đó quân ta đã được phong hàm, và ông Văn Tiến Dũng là thiếu tướng. Lá thư đó được tướng Qua giữ cẩn thận trong một cuốn an-bum, ông bảo tôi: đây là précieux souvenir (kỷ niệm quý). Ngày ông đau nặng, chỉ còn nói được câu một. Tôi hỏi về từng người: Trường Chinh? Trả lời: dictateur. Phạm Văn Đồng? Trả lời: suốt đời làm hại người khác! Hồ Chí Minh? Trả lời: đâu cũng đi, cái gì cũng biết! Những lời nhận xét của ông đương nhiên chỉ là lời một võ tướng. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ thấy ông “phê phán” ông Hồ Chí Minh cả. Duy chỉ có một lần, sau ngày ông cụ mất (2.9.1969), tôi lên chơi, ông hỏi: cháu có biết ai là người thương Bác Hồ nhất không? Tôi còn chưa biết trả lời thế nào thì ông nói: mấy hiệu nhiếp ảnh là họ thương cụ Hồ nhất vì thức suốt đêm để in những tấm ảnh bốn ông đứng gác hòm kính pha lê… để bán, mắt cậu nào cũng đỏ hoe!