Lên đỉnh vinh quang rồi bị lãng quên như đồ phế thải

André Menras – Hồ Cương Quyết

LTS – Ngày 23.5.24 tới đây, nhà xuất bản Les Indes Savantes sẽ phát hành cuốn hồi ký (tiếng Pháp) của André Menras: Le Vietnam entre le meilleur et le pire / 50 ans de fidélité aux combats de ma jeunesse (collection Cinq Points, 386 tr). Giương cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng giữa Quảng trường Lam Sơn mùa hè 1970, hai năm rưỡi bị đánh đập, giam tù tại Chí Hòa; hai năm trời đi khắp năm châu tố cáo cuộc chiến tranh Mỹ và chế độ lao tù của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu; André Menras trở lại cuộc sống giáo viên của anh ở miền Nam nước Pháp, nhưng vẫn đấu tranh không ngừng nghỉ cho công bằng và tự do với tư cách công dân Pháp và công dân Việt Nam. Đấu tranh đòi công lý với bộ máy quan liêu Pháp (liên bộ giáo dục, quốc phòng, ngoại giao…) tả cũng như hữu bằng hai cuộc tuyệt thực trên đỉnh tháp chuông Nhà thờ lớn Saint-Nazaire (thành phố Béziers). Sát cánh với ngư dân Lý Sơn trên vùng biển Hoàng Sa chống chọi với hải quân Trung Quốc, sánh vai biểu tình với các nhà dân chủ trên đường phố Sài Gòn, Hà Nội.. Một bộ hồi ký trung thực, đầy ắp thông tin. Diễn Đàn xin thành thực cảm ơn tác giả đã cho phép đăng lại hai chương. Sau chương Anh bạn Gaspard, đây là một chương dài, nỏng hổi tính thời sự. Nguyên tác tiếng Pháp do công ti Sodis của nhà xuất bản Gallimard quản lý, bạn đọc có thể đặt mua ngay từ bây giờ tại hiệu sách quen của mình, hay đặt mua qua mạng FNAC.

_________________________________________

 

Đó là những người bạn hay những nhân vật cộng sản mà tôi đã gặp gỡ ít nhiều, những người đã không được Đảng miễn trừ vì phạm tội dám nghĩ khác, bất đồng hay khác biệt. Thường là vì tội liêm chính. Những người nam và nữ làm chứng trong phim Un Cri (Tiếng thét từ bên trong) rất ít nói về những cuộc chiến quá khứ của họ mà sau đó bị ném đi như đồ phế thải. Tôi biết một số người trong đó từng là những chiến sĩ kiên trung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã phải trốn chạy sấm sét của Đảng và xin tỵ nạn tại… Mỹ! Từ những bậc thấp nhất cho đến những cấp lãnh đạo danh tiếng nhất, chẳng có ai an toàn cả. Bộ máy nghiền nát một cách lạnh lùng, trong sự nặc danh hèn hạ nhất. Sau đây là một vài ví dụ.

Thư của một người lính dũng cảm, từng bị kết án tử, bị lãng quên.

Tôi quen biết Võ Huy Quang ngay khi trở lại Việt Nam năm 2002. Anh là hạt nhân của nhóm Tà ru *, nhóm đã chăm lo mọi việc cho tôi ở Sài Gòn. Anh là một trong những người nghèo nhất. Sau khi được trả tự do, anh đã dành hai mươi lăm năm cuộc đời để soạn một cuốn sách dày có tựa là: Chân dung những người bị kết án tử trong lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước. Từ 1858 đến 1975, được nhà xuất bản “Văn Nghệ” ấn hành năm 2001 tại TP Hồ Chí Minh. Bảy trăm hai mươi sáu trang, mỗi người bị kết án một trang và mỗi lần nếu có thể đều với một ảnh, những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của họ, trong thời gian ở tù, ngày địa điểm hành quyết. Anh tự nhận mình là bộ đội cụ Hồ và không bỏ lỡ dịp nào để nhắc lại điều đó. Với một chút chua xót, anh viết trên trang bốn bìa sách: “… các đồng chí của tôi đều là những người vô danh dũng cảm, cuộc đời và sự hy sinh của họ đều đơn giản, nếu không muốn nói là cống hiến trong sự im lặng. Thêm vài viên gạch để xây giấc mơ chiến thắng…”. Những cựu chiến binh khác không thẳng thắn được như vậy. Một vị Tà ru* khác, cũng từng bị giam giữ nhiều năm tại Côn Đảo*, cũng là tác giả một cuốn sách về tù nhân chính trị, tỏ ra mềm mỏng hơn. Anh quan niệm rất khôn ngoan rằng “hãy sang trang” thậm chí “hãy lo làm giàu”. Dù không thật sự biến chất, anh đã được tưởng thưởng: nhà ba tầng ở Sài Gòn, đất đai rộng lớn ở Phan Thiết…

Năm 2008, Đảng đẩy sự vô ơn tới cùng khi cắt luôn số tiền trợ cấp ít ỏi dành cho Quang. Lúc đó, anh mới viết một “bức thư phản đối” dài, gởi cho đích danh những nhân vật lãnh đạo của Đảng và Nhà Nước. Anh nhắc họ nhớ lý lịch và công trạng của anh: chiến sĩ trong hai cuộc kháng chiến, 57 năm tuổi đảng, bị kết án tử hình năm hai mươi tuổi, 14 năm nằm chuồng cọp ở Côn Đảo* vì từ chối chào cờ kẻ thù.

“Suy cho cùng thì liệu họ nói có sai không?”

Tôi trích vài đoạn trong bức thư của anh: “Thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù, tôi rơi vào sự kềm kẹp của các đồng chí mình. Sau xà lim tối, cái thân thể tiều tụy này chỉ còn là cái bóng mà người ta đá ra suốt 34 năm, bị cái đói, bệnh tật, đau đớn giày vò không thương tiếc… Từ 1950 tới 2001, tôi không nhận được khoản trợ cấp nào. Từ 2001 đến 2006, tôi chỉ nhận được một ít tiền từ quỹ “an sinh xã hội”. Từ 2007, tôi chẳng có gì nữa… Dưới chế độ cũ, gia đình tôi sở hữu 38 héc ta ruộng hạng nhất. Sau giải phóng, ruộng đã bị tập thể hóa, được cán bộ chia nhau rồi đem bán… Gia đình tôi mất hết mọi thứ và bị xua đuổi khi gõ cửa chính quyền. Thế mà, hai em trai tôi đã hy sinh trên chiến trường, cha mẹ tôi đã vượt hàng rào ấp chiến lược nơi họ bị tập trung để nuôi quân kháng chiến. Đất đai của chúng tôi đã cung cấp cho kháng chiến vài chục tấn gạo mà theo lẽ sẽ được hoàn trả sau khi ”cách mạng thắng lợi”. Chẳng có gì hết, không một lời biểu dương kể cả một chút thăm hỏi…” Quang viết tiếp: “Ở nông thôn và vùng sâu vùng xa, các cựu chiến binh, các “bà mẹ anh hùng” đã mất cả chồng con, dài cổ chờ đợi lòng thương xót của các đồng chí. Họ khiếu kiện để đòi lại đất đai nhà cửa đã bị đánh cắp. Không một chính sách đền bù. Cái hố ngăn cách giữa Đảng và nhân dân, giữa cán bộ và người dân quá sâu rộng… Ngô Đình Diệm nói cộng sản bần cùng hóa dân chúng. Tôi đã chiến đấu chống lại lời dối trá này. Nguyễn Văn Thiệu nói ”Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”. Tôi đã chiến đấu chống lại sự tuyên truyền của hắn. Lê Văn Khương, hùm xám Côn Đảo* nói: “Nếu anh chết, không ai thương tiếc, nếu anh sống sót, tàn phế, anh sẽ sống bên lề”. Tôi đã cười vào mặt y. Bọn chủ ngục và tay sai nói: “cộng sản không có trái tim”. Tôi xem đó như một lời nhục mạ. Suy cho cùng thì liệu họ nói có sai không?

Quang đã gởi bức thư cho tôi, tôi phôtô lại trước khi trao nó vào tận tay của phó chủ tịch ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh. Tôi không có hồi đáp nào.

Phản đối trong vô vọng, cam chịu trong sầu não

Trái lại, khi gởi thư cho chính quyền và bạn bè và như một sự chứng thực về con người của mình trước đây, anh đã kèm theo một thư trả lời của một trong những đồng chí của anh, cựu tù Côn Đảo, mà theo tôi là còn tuyệt vọng hơn là ủi an. Người bạn đó viết: “Khi đọc ”bức thư phản đối” của bạn, tôi không ngăn được những dòng lệ. Khi chúng ta còn ở chung trong chuồng cọp và chuồng trâu trại số 7, anh là người dũng cảm nhất trong các đồng chí chúng ta… Khi tôi biết anh chẳng có thu nhập gì, tôi đã đề nghị chia với anh tám trăm ngàn đồng tiền trợ cấp của tôi để anh sống. Nhưng anh đã từ chối vì sợ tôi gặp khó khăn. Đó chính là tư chất của anh! Chúng ta đang sống trong một thế giới bị đảo lộn. Ngày nay, những niềm tin và chí hướng đã khác xưa. Anh thất vọng ư? Anh Quang thân mến, tôi đã 86 tuổi, hơn 70 năm theo cách mạng và sáu mươi mấy tuổi Đảng. Thân thể đầy thương tích, tôi chưa một ngày nghỉ ngơi. Chúng ta là vậy đó. Chúng ta sống hoàn toàn cho lý tưởng mà chúng ta đã chọn. Để tiến lên, lý tưởng và thực tiễn đụng chạm nhau hàng ngày. Trong vòng xoáy đó, đôi khi chúng ta gặp phải những cung đường gập ghềnh nhưng vẫn phải giữ vững bánh xe bò và cả cái xe bò cho đúng quỹ đạo, mặc dù động lực đã tắt. Tôi không thể đưa ra lời khuyên nào cho anh nhưng chỉ nhắc anh nhớ một bài học mà nhà tù đã dạy chúng ta: chính trong những cơn khủng hoảng kinh khủng nhất, chúng ta mới tỏ ra sáng suốt và thông minh nhất…

Một bức thư nặng nề có kết luận mang tính ẩn dụ của một người bạn và “cựu anh hùng” khuyên anh đầu hàng số phận thay vì đấu tranh. Một số người phản bác nại lý do là vì Việt Nam còn nghèo, chiến tranh để lại hàng triệu người thoát chết từ chiến trận và xà lim tối, bị tàn phế nên trách nhiệm chăm lo cho họ quá nặng nề cho xã hội. Điều đó đúng. Tuy nhiên, trong lúc anh bị đảng của mình “quên lãng” thì Võ Huy Quang biết rõ rằng hàng triệu thậm chí hàng tỷ đô la thu từ người đóng thuế và từ viện trợ quốc tế đã bị các đồng chí của anh, cán bộ và lãnh đạo, chuyển hướng, phung phí, tịch thu. Không người dân Sài Gòn nào là không nhớ vụ án “Năm Cam”, tên của trùm giang hồ cấu kết với những cán bộ cao cấp của Đảng và hàng trăm công chức, công an, quân đội, từ 1995 tới 2004 đã nuốt trọn hàng triệu đô la bằng cách áp đặt bạo lực của chúng. Không người dân Sài Gòn nào là không biết vụ PCI (Pacific consultant international) PMU 18 (Project Management Unit) từ năm 2002 đến 2008. Hàng triệu đô la tiền tham nhũng đã bị rút tỉa cho thượng tầng của Đảng. Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải và thứ trưởng bộ này đều “dính chàm” cùng nhiều cán bộ cao cấp trong đó có những tướng lãnh công an cho đến thành viên chính phủ. Tất cả đã nhiệt tình “quản lý” từ năm 1993 hai tỷ rưỡi đô la viện trợ của Ngân Hàng Thế Giới và nhân đó bỏ túi hàng triệu tiền hối lộ từ Nhật và những nước khác.

Tất nhiên số tiền tám trăm ngàn đồng hàng tháng (khoảng 35 euros) mà người ta từ chối trả cho Quang là quan trọng để nuôi gia đình, nhưng nó hoàn toàn không phải chủ đề bức thư “phản đối” của anh. Mà cái chính là sự phản bội mà anh là nạn nhân, nỗi nhục hàm chứa trong sự nhẫn nhịn mà người ta áp đặt cho anh.

Nhưng anh đã dám lên tiếng, không như hàng ngàn cựu “anh hùng đời thường”, mặc dù tủi nhục, vẫn không dám tố cáo và kêu gọi kết đoàn để đấu tranh với một sức mạnh tương tự như lúc đứng trước quân thù, vì sợ rằng làm như vậy sẽ có vẻ như phải xem xét lại những cuộc chiến đấu đã qua và đe dọa đến tương lai và sự an toàn của gia đình mình.

Bùi Đỗ: “Đất của cha tôi, mộ của mẹ tôi”

Bùi Tiến An, được người ta gọi là Bùi Đỗ, là một anh bạn trung thành. Tôi biết anh vào khoảng năm 2004/2005. Lúc nào cũng kín đáo và cực kỳ đơn sơ, anh gần như mất hút trong nhóm những cựu tù nhân chính trị mà tôi gặp gỡ thường xuyên. Chỉ đến khoảng 2009/2010, chúng tôi mới thân thiết hơn. Anh đã từng tìm cách bảo vệ tôi khi tôi bị công an săn đuổi, sau vụ cấm chiếu cuốn phim đầu tiên của tôi. Mấy tháng tiếp theo sự kiện này, anh trở thành thành viên của nhóm nhỏ “những kẻ âm mưu tử tế” của chúng tôi. Bùi Đỗ không phải là người dễ tâm sự và phải nhờ nhiều hoàn cảnh đặc biệt tôi mới biết rõ hơn về cuộc đời anh.

Lúc đó là vào ngày 12 tháng 12 ở Sài Gòn. Cô bạn Cúc, một cựu tù chính trị chế độ trước, điện thoại cho tôi với cái giọng rặt ròi miền Tây. Tôi không làm sao nghe ra được. Cô bèn đưa điện thoại cho Bùi Đỗ, anh báo cho tôi biết: ông Thái vừa từ trần đêm qua tại Nha Trang. Bùi Hồng Thái, đó chính là người phụ trách cuộc kháng chiến chống Mỹ ở tỉnh Khánh Hòa. Sự dũng cảm và khôn ngoan của một chiến binh của ông thì không cần phải bàn. Ông sống đầy lòng tốt, đầu óc rộng mở và biết lắng nghe. Sau giải phóng, ông đã nắm giữ chức bí thư tỉnh ủy trong vài năm. Hiệp hội nhân đạo mà tôi là chủ tịch đã dựa vào danh tiếng của ông và sự tin tưởng mà những người dân nghèo khó, nhất là dân tộc thiểu số, đặt vào ông để thiết lập những hoạt động đoàn kết, không có mưu mô chính trị hay quấy nhiễu hành chánh, nhờ có ông bảo vệ chúng tôi.

Bùi Đỗ, cựu tù chính trị ở nhà tù Côn Đảo, rất thân thiết với ông, đề nghị tôi đi theo anh để dự lễ tang ở Nha Trang vào ngày mai. Chúng tôi lên máy bay lúc 17g ở Tân Sơn Nhứt. Hạ cánh xuống Cam Ranh, xe taxi, những đồi cát trắng, chúng tôi chạy về hướng thành phố gốc Chăm, thành phố tôn kính ông Yersin¹, nép mình trong cái vịnh xinh đẹp của nó. Trên đường đi, Bùi Đỗ muốn trút bầu tâm sự. Hai bên con đường bốn làn xe gần thành phố, anh chỉ cho tôi những miếng đất trải dài về phía núi hay về phía biển. Những trung tâm giải trí hay khách sạn có tường bao quanh, những nhà ở tư nhân hàng rào quây kín… Anh vừa cười vừa nói với tôi, ngón tay chỉ ngược vào ngực: “Tôi là Việt Cộng chính gốc, một địa chủ theo cộng sản rồi bị cộng sản lấy mất 45 mẫu đất gia đình mà anh đang nhìn thấy đó. Tôi sẽ kể anh nghe sớm thôi”.

Về đến nhà anh, đường Cửu Long, tôi gặp cả gia đình anh, anh trai anh, tiệm cắt tóc ở tầng trệt và nhiều phòng trên lầu. Chúng tôi đi bộ đến nhà tang lễ của tỉnh. Con gái ông Thái đón chúng tôi, giữa hai hàng sĩ quan công an hay bộ đội trong quân phục trắng. Chúng tôi ghi sổ tang. Sau đó, bằng chân trần, chúng tôi đi theo hai hàng thanh niên mang vòng hoa của chúng tôi đến một bàn thờ cách đó khoảng 20 mét. Người ta đưa cho mỗi người chúng tôi một thẻ nhang bốc làn khói xanh như bay theo những tâm tình trìu mến gởi đến linh hồn người quá cố. Chúng tôi vái nhiều lần trước khi được hướng dẫn qua một bàn thờ bên cạnh nơi đặt những tấm ảnh của ông Thái, cạnh một tượng Phật. Chúng tôi lại vái một lần nữa, trong tiếng tụng niệm buồn buồn “A di đà Phật”*. Tôi luôn ngạc nhiên khi thấy những người cộng sản Việt Nam mà lại tôn kính Đức Phật một cách hết sức tự nhiên như vậy.

Cơn mưa gợi lên những tâm tình nhẹ nhàng hơn cho tôi nhưng Bùi Đỗ thì không như vậy. Quá khứ của ông Thái bay theo làn khói nhang đã làm sống lại quá khứ của anh và đêm đó, anh sẽ kể tôi nghe chặng đường dài cuộc sống kháng chiến của anh.

Một gia đình cách mạng

Bùi Đỗ sinh năm 1943 trong một gia đình có năm anh chị em. Khi người Pháp trở lại, cuối năm 1945, cả gia đình đã trốn chạy về phía đông, xuyên qua rừng để đến tị nạn trong nhà của ông nội. Cuối chuyến đi đó, mẹ anh, bị sốt rét hành hạ và không có thuốc men, đã chết vì xuất huyết kéo dài và mất luôn đứa con trong bụng. Năm đó, Bùi Đỗ ba tuổi. Cha anh nuôi các con trong khoảng một năm đến khi bị bắt lần đầu. Là giáo viên tiểu học, ông bị tình nghi tiếp tế cho Việt Minh trên núi. Bị giam một năm rồi được thả vì thiếu chứng cớ, ông trở lại nghề dạy học. Nhưng các con ông, được ông bà nội nuôi, ít khi gặp ông. Sau thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954, ông được phong chánh thanh tra trong ngành giáo dục của tỉnh. Lúc đó là cuối trào Bảo Đại và khởi đầu nền độc tài của Ngô Đình Diệm. Nhưng ông chưa bao giờ ngưng hoạt động kháng chiến. Ông bị bắt lần thứ hai và lại bị giam một năm. Bị sa thải khỏi ngành giáo dục, ông về làm ruộng, làm vườn, trong lúc Bùi Đỗ lên đường vào Sài Gòn như một thành viên đoàn hướng đạo sinh mà Hồ Chí Minh từng là chủ tịch danh dự. Lúc đó, anh đã 19 tuổi và lần đầu tiên gặp những thành viên của Mặt Trận Giải Phóng non trẻ. Ngày nay, như một trớ trêu của lịch sử, phong trào hướng đạo không được chế độ công nhận, một chế độ nghi ngờ thanh niên và mọi tổ chức không phải do nó dựng lên.

Bùi Đỗ hoạt động bí mật trong phong trào học sinh Sài Gòn từ năm 1962 đến năm 1967. Một năm sau khi quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và chỉ một tháng trước những vụ ném bom ồ ạt các thành phố Bắc Việt, nhiều phong trào thanh niên đã tổ chức một cuộc biểu dương lực lượng lớn ngày 1 tháng 5-1966 tại tất cả những thành phố lớn miền Nam. Bùi Đỗ, lúc đó đang là chủ tịch của một trong những phong trào đó, hãnh diện cho tôi xem bức ảnh trên đó anh chụp chung với các bạn mình, loa phóng thanh trên tay. Chính lần đó, anh đã bị bắt giam ba ngày và lôi về Nha Đô Thành khét tiếng để tra khảo. Vì không có chứng cứ anh liên lạc với Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng, mặc dù bị đánh đập và đe dọa, sau ba ngày anh được thả và bị gọi ngay tức khắc lên trung tâm tuyển mộ để gởi ra mặt trận. Đó là lúc mớ giấy tờ giả cứu anh. Trong lúc anh đã 23 tuổi, giấy tờ lại ghi anh dưới 20, tuổi hợp pháp để vào lính. Anh bị giải ngược về Nha Đô Thành rồi được thả ngay. Anh cười nói về điều đó: “Phải công nhận, về mặt này, chế độ cũ rất đúng trong việc áp dụng luật pháp”.

Sau đó là vụ bắt giữ thứ nhì, tháng 12-1967, ngay trước cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân do MTDTGP phát động trên mọi thành phố và nông thôn miền Nam. Người giao liên của tổ bốn người, trong đó có Bùi Đỗ, có mang vũ khí và theo cách nói của những người hoạt động bí mật thì bà không “cắt đuôi” đủ nghĩa là thoát khỏi mọi sự theo dõi. Lúc đó, phía Việt Cộng đem vào Sài Gòn rất nhiều vũ khí để chuẩn bị cho ngày “N”. An ninh, rất cảnh giác, đã theo dõi bà đến tận chỗ ở bí mật của Bùi Đỗ và ba người bạn mình, một căn hộ nơi sinh sống của gia đình một thợ nề nghèo. “Tôi bị lượm như một đứa bé đang ngủ say” Bùi Đỗ đùa: “Tất nhiên tôi chối không biết gì về bà đó: đó là điều tôi nói chắc như đinh đóng cột với điều tra viên”. “Do đó tôi lại bị điệu về Nha Đô Thành, nơi chúng cho tôi nếm đủ ”món ăn chơi”: nước xà bông, chích điện, đập gan bàn chân… Nhưng tôi không phun ra gì cả vì tôi biết chỉ cần do dự hoặc mâu thuẫn trong lời khai là chết chắc. Nó kéo dài đến bốn tháng trước khi tôi được chuyển ra trước tòa án quân sự vùng Ba ở bến Bạch Đằng. Anh biết chỗ này rồi vì anh đã bị xét xử tại đó. Trước những lời chối cãi của tôi và vì thiếu chứng cớ, tôi bị nhốt vào Chí Hòa mà không xét xử. Vài tháng sau, tôi bị đưa trở lại trước toà, chỉ để nghe tuyên án, không xét hỏi gì nữa: một năm tù treo. Tôi đã thụ án đủ thời gian từ lúc bị bắt giữ nhưng thay vì được thả ngay, tôi lại bị đưa về Chí Hòa. Không phải về xà lim cũ nhưng vào ”rạp chiếu bóng”. Anh còn nhớ cái phòng rộng lớn tối tăm đó không? Tôi đã bị cùm ở đó ba mươi ngày. Lần này thực đơn được bọn ”trật tự” điều hành; đây là bọn lưu manh, tội phạm được ban quản trị nhà lao chỉ định, có vai trò như bọn kapo (chó săn) trong các trại tập trung Đức quốc xã. Họ biết xà lim mà tôi làm đại diện tù nhân đã tổ chức khắp nhà tù một phong trào chống chào cờ của họ, chống quay đầu, chống hô ”Đả đảo Hồ Chí Minh!” “… Ba mươi ngày ở ”rạp chiếu bóng” đối với tôi còn dài hơn bốn tháng ở Nha Đô Thành. Sau khi chuyển tôi tới khu ID nhà tù, họ đưa tôi tới nhà lao Tân Hiệp, nơi giam giữ bọn ”lì lợm” như tôi. Rồi đến năm 1969, đày tôi ra trại giam Côn Đảo, đi thẳng vào chuồng cọp để bị cùm. Ở đó tôi được tin Bác Hồ chết vào tháng Chín, nhưng không hề hay biết rằng trước đó một năm, cha tôi đã bị bắt lần thứ ba. Vì bị người hàng xóm tố cáo, ông bị buộc tội làm ”cơ sở cho Việt Cộng”: cảnh sát tìm thấy một chỗ núp trong bụi tre trên đất của ông. Chúng phải thả ông sau đó một năm, vì không thể chứng minh rằng chỗ núp đó là do ông làm. Con trai ở một nhà tù, giữa biển, người cha thì trong nhà lao tăm tối ở Nha Trang, không có tin tức gì của nhauÔng bị bắt lần thứ tư năm 1972. Ông lại bị giam một năm trước khi được thả, nhưng cấm lưu trú ở miền quê mình. Căn nhà ông cho một đại uý quân đội Sài Gòn thuê sẽ không bao giờ được trả lại kể cả tiền thuê nhà. Ông bị chỉ định cư trú ở Nha Trang nơi một người dì cho ông tá túc. Đau yếu, không có đứa con nào ở cạnh chăm sóc, đứa thì ở tù, đứa gia nhập quân đội miền Nam, đứa thứ ba ra Bắc, một đứa khác thì bị bắt giữ từng chặp… Không có tiền để tự chăm sóc, ông vi phạm lệnh cấm và nhờ người đưa về vùng quê, trong ngôi nhà mà cha ông để lại rồi chết ở tuổi 73. Tôi chỉ biết tin ông mất hai năm sau khi được ra tù, bảy năm và bốn tháng sau khi bị bắt”.

“Điều làm tôi phẫn nộ là cách chế độ này đối xử với những hy sinh của chúng tôi”

Đã khuya rồi mà anh bạn tôi xem ra không mệt. Giọng của anh vẫn không run. Có vẻ như nó tách rời khỏi câu chuyện của anh. “Anh thấy không, André, tôi tiếc nhưng chấp nhận bỏ những năm tháng tuổi trẻ ấy đi, gia đình tan nát, sức khỏe mất dần với căn bệnh ung thư đang ăn mòn tôi. Chúng tôi đã lâm vào bão tố và đã đương đầu với nó. Tôi tự hào vì điều đó. Điều tôi phản đối, làm tôi sầu khổ và phẫn nộ, là cách mà chế độ này đối xử với những hy sinh của chúng tôi”.

Năm 1976, một năm sau giải phóng miền Nam, Đảng và Nhà nước đã phát động một chiến dịch lớn mời gọi những điền chủ yêu nước hiến quyền sử dụng đất để quản lý việc sản xuất vì lợi ích công. Theo luật mới, chủ đất không được quyền trực tiếp thuê mướn thợ thuyền. Lúc đó tôi ở TP Hồ Chí Minh, vùi đầu vào hoạt động xã hội như cán bộ của ban tổ chức Đảng rồi bí thư chi bộ phường 13 quận 11 trong vòng 10 năm. Anh chị em tôi phân tán khắp nơi. Hoàn toàn đắm chìm vào công việc tái thiết đất nước với những khó khăn kinh tế xã hội khổng lồ, với mối đe dọa một cuộc chiến tranh mới, Tàu ở phía Bắc, Khmer đỏ ở phía Tây, cấm vận của Mỹ ở biển Đông, tôi còn không có thời gian tự chăm sóc mình, nên không có chuyện về Nha Trang canh tác đất đai của gia đình. Cùng hai trong số các anh chị của tôi, tôi đã ký một giấy cho phép Nhà Nước quản lý đất đai của chúng tôi. Nhưng không được quyền giao đất đai đó cho người khác trong mọi trường hợp. Cũng như không được sử dụng nó nhằm mục đích thương mại hay cá nhân. Rõ ràng đối với chúng tôi là chúng tôi vẫn là chủ sở hữu và tôi còn giữ mọi giấy tờ bằng khoán đất. Thậm chí chúng tôi còn tự hào là đã đóng góp vào việc giúp hàng chục gia đình có phương tiện sinh sống. Không có biên lai, biên nhận. Không một tờ giấy chính thức. Nhiều năm trôi qua trước khi tôi được biết một ông tên Nguyễn văn Trung, nguyên phó giám đốc công an tỉnh đang là chủ sở hữu những miếng đất của chúng tôi. Có lẽ ông đã được thừa hưởng từ Nguyễn Tắc, cha mình, người có vẻ như đã mua chúng từ cha tôi cùng toàn bộ gia súc, trâu bò, heo… Tất cả giấy tờ của vụ cho là mua bán này đều nằm trong một tờ chứng nhận viết tay cùa một bà Vân nào đó, hoàn toàn xa lạ. Một vụ lừa đảo trắng trợn từ phía một gia đình cán bộ cao cấp của Đảng, người thừa kế của Nguyễn Văn Trung là Nguyễn Tiết Hùng, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh. Những con người vận hành thành một mạng lưới không ai dám động đến dưới cái ô của Đảng. Mà họ thì rất nguy hiểm. Hậu quả là những miếng đất trên được phân ra bán lại cho hàng chục hộ dân riêng lẻ, mỗi hộ được cấp “sổ đỏ”, bằng khoán đất hợp pháp. Điều kinh khủng nhất là chính con trai của một trong những chị tôi, tên Lê Thanh Quang, hiện đang là bí thư tỉnh ủy, ủy viên trung ương Đảng, đã đích thân ký giấy chứng giận quyền sở hữu mảnh đất trong đó có mộ của mẹ tôi, nghĩa là bà ngoại nó. Chính cha tôi là người đã nuôi nấng chúng, nó và anh em nó khi cha chúng chết. Loại người đó còn không biết tôn trọng gia đình mình. Hôm nay anh đã thấy nó, đứng đối diện chúng ta, ở lễ tang ông Thái. Nó không thèm chào, thậm chí không thèm nhìn tôi và anh. Thế mà, anh lại là người khách nước ngoài duy nhất tại buổi lễ. Nó dương dương tự đắc, mấy thằng chó giữ nhà bao quanh, nhưng thật ra, nó biết chúng ta biết chuyện và sợ ánh mắt của chúng ta”.

Một “lỗ chó” trong lưới hàng rào…

Tôi còn nhớ năm 2004, Bùi Đỗ đã mời tôi dự một cuộc tụ họp gia đình truyền thống để làm đám giỗ cho cha anh. Nhân dịp này chúng tôi đã ra viếng mộ của mẹ anh và tôi hết sức ngạc nhiên khi phải chui qua một cái lỗ trong lưới hàng rào để đến được mộ phần. Nhưng lúc đó tôi không đặt câu hỏi. Bây giờ tôi đã hiểu: mộ phần hiện đang nằm trên phần đất tư nhân của một gia đình khác mà Bùi Đỗ không được phép vào. Gia đình mới này đã vào tận Sài Gòn gặp anh để đề nghị anh bốc mộ và dời cốt đi nơi khác. Anh không chấp nhận. Do đó họ đã xây một bức tường để chặn lối đi vào mộ. Bùi Đỗ đã làm đơn kiện. Bức tường bị đập bỏ nhưng thay vào đó là một hàng rào lưới sắt, với một “lỗ chó”, theo cách anh gọi.

Tôi đã tỏ lòng tôn kính ông Thái, đặc biệt là khi mời ông sang thăm nhà tôi, trong vùng rừng núi Aveyron cùng những cựu tù nhân chuồng cọp Côn Đảo (xem chương “Những tháng ngày hạnh phúc”). Ông thuộc số những người cộng sản mà tôi kính trọng, với một hiện tại phù hợp với quá khứ của họ, đơn sơ, liêm khiết, gần gũi với người nghèo, trong đó có những người dân tộc thiểu số ở vùng sâu. Họ đã che giấu ông trong kháng chiến chống Mỹ và tôi đã có thể, nhân nhiều dịp đến với họ, đo lường mức độ kính trọng mà họ vẫn còn dành cho ông lúc ông không còn quyền lực chính thức nữa. Câu chuyện nhà của Bùi Đỗ cho thấy sự đê hèn đã đạt đến đỉnh. Tôi không thể ngủ được để rũ bỏ câu chuyện đó.

Ngày hôm sau, hàng trăm người tụ tập bên trong và đàng trước nhà tang lễ. Chiếc xe tang màu mè đã ở đó, chất đầy hoa và vòng hoa. Những chiếc xe tải, xe díp nhà binh với hàng chục binh lính và sĩ quan trong quân phục trắng và xanh ve, chỉnh tề, súng vác vai hay đeo ở thắt lưng để tỏ lòng tôn kính người từng là quan chức cao cấp nhất của tỉnh. Quan tài được đưa lên xe trong tiếng trống và gia đình người quá cố, tang phục trắng, đầu quấn khăn trắng, lên ngồi cạnh áo quan. Xe taxi chở tôi, Bùi Đỗ và hai trong số những bạn của anh chuyển động theo đoàn xe. Mưa như trút nước. Sau khoảng một chục km, chúng tôi tiến vào một con đường hẹp. Nước chảy ròng ròng từ sườn đồi, nơi một nghĩa trang nhỏ dựa vào, biến con đường thành pít trượt. Một người mặc dân sự và vài viên công an ra hiệu cho chúng tôi dừng lại trong lúc đoàn xe đàng trước tiếp tục đi tới cùng gia đình và các quan chức. Chúng tôi ra khỏi xe, tiếp tục đi, chân đạp lên những vũng nước và sình. Những chiếc xe máy theo sau bén gót để qua mặt chúng tôi. Cuối cùng, sau vài trăm mét, chúng tôi cũng đến được phần mộ, nằm lưng chừng đồi, theo hướng phong thủy¹. Tiếng trống và tiếng tụng niệm “A di đà Phật”… Đội vệ binh, quân phục trắng, súng ngang ngực, tạo thành hình vuông, bất di bất dịch. Bên trong hình vuông, gần huyệt mộ, con trai người quá cố, đại úy an ninh nói vài lời. Sau đó đến lượt Lê Thanh Quang, người cộng sản đầu tỉnh, kẻ cướp đất và nhân đó, bán luôn mộ của bà ngoại mình. Đứng đối diện quan tài, anh ta tuôn ra hàng tràng lời sáo ngữ. Như hôm trước, nhân vật đáng khinh này không có can đảm đưa một ánh mắt sang chúng tôi trong lúc đội mai táng, ăn mặc toàn trắng, nón lá đen trắng hạ quan tài xuống huyệt.

Tên quan chức thế lực đã thắng: hắn đã khiến cái khoảnh khắc tưởng niệm trìu mến dành cho một người bạn thân thiết xa rời khỏi tôi. Hắn đã biến nó thành vài phút khinh bỉ và phẫn nộ đối với hắn và đồng bọn của hắn. Tiếng nồi niêu va chạm mà tên quấy rầy gây nên đi theo nó, cuối cùng cũng làm khó chịu lỗ tai của những người, trên cao kia, đang lo ngại cho guồng máy của họ hay đang có một đệ tử cần cơ cấu. Chính vì vậy vào tháng 10-2019, tôi biết tin qua báo Tuổi Trẻ rằng Ủy ban trung ương, sau khi thanh tra trong tỉnh Khánh Hòa, đã nhận định: “Lê Thanh Quang ”chịu trách nhiệm chính” trong nhiều vụ vi phạm và thiếu sót nghiêm trọng trong việc quản lý và sử dụng đất đai cũng như trong việc thực hiện những dự án đầu tư xây dựng… trong việc cấp phát, thuê mướn đất đai, khoán rừng, thuê rừng…” Không hề có cuộc điều tra sâu rộng nào để xác định con số thất thoát quỹ và tài sản bị rút tỉa và buộc phải trả lại. Mặc dù biết rằng đây chỉ là một cầu chì bị đứt để bảo đảm cho sự liên tục của một chu trình chính trị nguy hại, tôi cũng vẫn thỏa lòng. Một sự thỏa mãn khá tương đối vì hình phạt không gì khác hơn chỉ là sự cho về vườn sớm! Ở Nha Trang, bãi biễn vẫn đẹp lắm mà.

Tin tức này đáng lẽ đã có thể tạo thành một niềm vui nho nhỏ cho Bùi Đỗ, nhưng anh bạn tôi đã qua đời một năm trước, tháng 10-2018, vì căn bệnh kéo dài của anh.

Làm từ thiện chứ không phải đấu tranh giành quyền lợi

Nhưng ai cho phép diễn ra vụ lừa đảo đất đai trên? Tại sao pháp luật lại “mũ ni che tai” trước hàng loạt khiếu kiện của anh? Đơn giản là vì Bùi Đỗ, đối với Đảng, không còn là một cán bộ được lòng chính trị nữa. Nghiêm trọng hơn, theo dòng năm tháng hoạt động xã hội của mình, anh đã trượt từ tư cách “trong sạch” sang tư cách “thành phần nhạy cảm” vì sự liêm chính, tính hay đặt câu hỏi, tính không khoan nhượng trước tham nhũng, chống lại sự phục tùng Trung quốc, ủng hộ dân chủ hóa.

Sau nhiều năm đứng sau song sắt nhà tù chế độ cũ, mười năm làm bí thư đảng ủy phường 13 quận 11 ở Sài gòn, anh trở thành ủy viên thường trực ban tuyên truyền của thành phố. Đường thăng tiến xem ra đã mở cho anh đến một chức vụ có quyền hành nhưng những trải nghiệm tiêu cực nhằm đỡ đần người dân và cuộc gặp gỡ với Nguyễn Hộ, viên chủ tịch cấp tiến của Mặt Trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh, đã vĩnh viễn chắn ngang con đường đó. Bùi Đỗ tham gia nhóm “Truyền thống Kháng Chiến” trong đó có Nguyễn Hộ. Bùi Đỗ kể: “Lãnh đạo muốn quy định ban tuyên truyền của chúng tôi chỉ là một hiệp hội từ thiện giải quyết vài sự bất công đây đó và chuyển hướng những lời kêu ca của người dân. Trái lại, chúng tôi, theo đúng truyền thống cách mạng, muốn động viên dân chúng hành động chống lại nguồn gốc của những bất công ấy và đưa chúng lên tận trung ương”. Một sai lầm chết người của Nguyễn Hộ và một số đồng chí của ông. Ông bị bắt lần đầu và cấm đi khỏi nơi cư trú vì tội “chống Đảng”. Nhưng vì ông tiếp tục viết và trình bày những ý tưởng đòi thay đổi, ông bị kết án hai năm tù. Sau hơn năm mươi năm phục vụ trung thành và mẫn cán trong hàng ngũ Đảng, đến lượt mình, ông bị Đảng nhai nát. Bùi Đỗ, vì không có tầm cỡ chính trị như Nguyễn Hộ, chỉ bị cho ra rìa và mất hết mọi chức phận chính trị. Nhưng anh không bao giờ ngừng giấu diếm sự thù nghịch với đường lối chính sách của Đảng. Tháng 8-2014, sau cái chết của Lê Hiếu Đằng ít lâu, Bùi Đỗ là một trong 61 vị “cách mạng lão thành”, được gọi một cách chính thức như vậy, đồng ký tên dưới một thư ngỏ gởi cho Ủy ban trung ương Đảng và, một cách gián tiếp, cho hàng triệu đồng chí và đồng bào, nhằm đòi hỏi những thay đổi và cải cách dân chủ khẩn cấp cũng như một chính sách rõ ràng về sự độc lập trước chế độ Bắc Kinh. Cú trở lại của cái boomerang: cùng năm người cựu kháng chiến trong phong trào học sinh sinh viên chống chế độ cũ, anh bị gọi lên “ban tuyên giáo” thành ủy của Sài Gòn. Bị mời làm bản tự kiểm, anh đã cáo buộc Đảng “hèn với giặc (Đảng cộng sản Trung quốc), ác với dân”. Làm như vậy anh đi đâu cũng có một “cái đuôi” công an theo sát và mất mọi cơ may đòi công lý trong vụ đất đai bị chiếm. Anh tâm sự với tôi, từ nay, tất cả những gì anh yêu cầu, chỉ là có thể đến thăm viếng mộ của mẹ mình.

Trở về từ đám tang ông Bùi Hồng Thái, tôi tự nhủ vị lãnh đạo kháng chiến này, cộng sản từ những ngày đầu, đã rất có thể là chứng nhân bất hạnh của sự trượt dài vào tham nhũng và sự độc đoán mà dân chúng phải gánh chịu. Ông chỉ nắm quyền hành ở tỉnh trong hai năm ngắn ngủi để sau đó lao mình vào những hành động gần gũi với làm việc thiện hơn là xây tình đoàn kết ngầm ý đấu tranh chính trị xã hội. Nhiều bạn tôi cũng theo con đường đó: họ đều là cán bộ trong những năm đầu có chính quyền mới, rồi mệt mỏi vì chịu đựng, lo ngại trước những xu hướng mới đang lộ diện và có thể là bị ép rời bỏ chức vụ, họ tiếp tục hiện diện trong một sự đoàn kết gần với làm từ thiện, qua đó, tôi đã chứng kiến, các bạn bảo đảm sạch sẽ (liêm chính) tối đa với quyền hành tối thiểu.

Tôi còn nhớ vụ đụng chạm với một lãnh đạo nhỏ xíu ở địa phương, nồng nặc mùi rượu, đến để xác nhận lãnh thổ. Lúc đó là vào bữa ăn trưa trong một quán ăn dưới bóng một cây đa cổ thụ. Anh chàng muốn sự trợ giúp của hiệp hội của tôi dành cho trẻ em dân tộc thiểu số phải thông qua quỹ của anh ta. Ông Thái và Bùi Đỗ chứng kiến chúng tôi trêu đùa anh ta mà không can thiệp nhưng với một nụ cười gượng gạo. Một chi tiết khác, trong một lãnh vực khác, cho thấy sự buông xuôi, mệt mỏi, thậm chí là sợ hãi – cho người thân của họ chứ không phải cho bản thân họ – của những người kháng chiến cũ trước một đảng hung hăng như xe ủi. Khi cuốn phim đầu tiên của tôi La Meurtrissure (Nỗi đau) bị Đảng cấm chiếu, tôi đã giao một CD phim cho Bùi Đỗ nhờ chuyển cho ông Thái để xem ông nghĩ gì. Đáp lại, tôi nhận được một tấm ảnh chụp ông Thái ngồi trước máy tính đang xem phim. Không bình phẩm. Người chiến sĩ già vẫn ngoan ngoãn, không tự chối bỏ chính mình trong cách cư xử với người dân nhưng cũng không phê phán công khai những “sai lầm” của nhà cầm quyền. Chắc có lẽ nhờ vậy mà ông có một lễ tang chính thức xứng tầm với những chức vụ cũ của ông.

Lễ tang dưới sự canh chừng của công an

Đó không phải là trường hợp của Bùi Đỗ. Lễ tang của anh diễn ra ngày 15 tháng 10-2018. Tôi đã nhờ mấy bạn Việt tại chỗ đi viếng một vòng hoa tên tôi và tên hiệp hội Pháp mà tôi đại diện. Tôi cũng muốn tham gia vào vòng hoa của những bạn Việt trong câu lạc bộ “Lê Hiếu Đằng”. Hai bạn Tô Lê Sơn và Kha Lương Ngãi đến tiệm bán vòng hoa tang kế bên nhà tang lễ. Khi các anh đưa tên của câu lạc bộ chúng tôi để gắn lên vòng hoa, nhân viên tiệm nói không thể được vì máy tính đang hư. Các bạn đã chờ mười phút để nghe nói rằng việc sửa máy sẽ kéo dài. Cuối cùng các anh cũng hiểu rằng an ninh đã qua đó. Họ trở lại nhà tang lễ mà không có vòng hoa. Ở bàn tiếp đón, tất cả những ai đến viếng tang, cá nhân hay tổ chức, đều phải đăng ký. Sau đó người ta sẽ xướng tên trên loa. Khi các bạn đưa tên câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, người ta trả lời các bạn: “Chúng tôi đã được lệnh không xướng tên này”. Phòng tang lễ đông chật người với đủ mọi quan điểm. Anh bạn Hồ Hiếu đã soạn sẵn vài câu dưới tên chúng tôi nhưng chúng tôi phải từ bỏ vì sợ an ninh sẽ ngăn anh nói, ngắt micro hay gây sự cố. Người Việt Nam rất sợ đám tang bị phá quấy vì có thể gây hại cho vong linh người quá cố. Thế đấy, dưới chế độ này, cả cái chết cũng phải đặt dưới sự kiểm soát. Khi một cán bộ hay cựu cán bộ phải nhờ cậy đến nhà tang lễ để tổ chức lễ tang dân sự, tất cả những gì đi ngược với phát biểu chính thức đều bị chặn ngay. Nếu họ đã cấm nêu cái tên Lê Hiếu Đằng đơn giản, thì làm sao có thể hy vọng họ cho phép Hồ Hiếu nói lên tình cảm của chúng tôi mhân danh nhóm? Chỉ còn có Facebook và trang mạng Bauxite.vn còn hoạt động…

Tất nhiên, những điều đó đều có thể dự đoán nhưng làm sao khác được? Không có chỗ trong căn hộ chung cư để tổ chức tang chế. Giải pháp đem ra chùa làm lễ thì không được, Bùi Đỗ không phải tín đồ. Nhà tang lễ “của Đảng” là giải pháp duy nhất… để Bùi Đỗ chịu bị lấy mất lễ tang của mình như anh đã từng bị lấy mất đất gia đình.

Lê Hiếu Đằng, vị luật sư nổi loạn

Không thể nói về Bùi Đỗ mà không nhắc đến Lê Hiếu Đằng. Vị luật sư khoảng lục tuần này có một quá khứ kháng chiến không thể chê trách. Với hơn bốn mươi tuổi Đảng, ông đi từ đấu tranh sinh viên học sinh dưới thời Mỹ, kinh qua hàng loạt chức vụ lãnh đạo trước khi trở thành phó chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc TP Hồ Chí Minh, chức vụ mà ông từ bỏ năm 2009. Đó là lúc tôi quen biết ông. Tôi vừa nhận được quốc tịch Việt Nam. Lê Hiếu Đằng rất thích cách tôi nâng đỡ những gia đình ngư dân miền Trung. Ông đã có mặt một tối mùa mưa tháng 9-2011 khi hàng chục công an mặc thường phục tràn vào khu vực nơi cuốn phim của tôi đáng lý phải được chiếu. Ông đã đồng ký tên vào bức “thư khiếu nại” của tôi gởi lãnh đạo ủy ban nhân dân thành phố.

Ông Đằng có cái vẻ tốt bụng dễ mến, nhưng đừng lầm tưởng. Đó không phải là người dễ nhượng bộ. Khác với một số người kháng chiến, ông không sợ nói ra điều ông nghĩ… Ông vẫn giữ lòng nhiệt huyết và sự táo bạo của tuổi trẻ, cùng những giá trị giải phóng đã thôi thúc những cuộc chiến của ông. Ông nói và viết thẳng không lòng vòng trên trang Bauxite.vn, không gian mạng duy nhất vẫn còn sống và đang bị treo đó. “Các anh sợ gì?” Ông chất vấn độc giả, công dân bình thường hay lãnh đạo: “Lúc này chúng ta phải đoàn kết để chiến đấu. Phải dũng cảm lên. Nếu mỗi người đều sợ cho mình, cho gia đình mình, đất nước sẽ ra sao?” Ông Đằng là một trong số 72 nhân vật danh tiếng, những người khởi xướng và đồng ký tên đầu tiên vào bản kiến nghị quốc gia đòi xem lại Hiến Pháp “đi ngược với quyền lợi của nhân dân, phản dân chủ, đặc biệt là vấn đề sở hữu đất đai”. Ông đã đòi hỏi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức vì tham nhũng, cáo buộc Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành “đảng của các nhóm lợi ích”, “một sức mạnh ngăn cản sự phát triển của đất nước, đi ngược với quyền lợi nhân dân”.

image 
Hình trái: Biểu tình chống Trung Quốc tại trung tâm Sài Gòn
(từ trái sang: Đỗ Trung Quân, Lê Hiếu Đằng, X, André Menras, Tương Lai)
Hình phải: Tuyên bố công khai ra khỏi đảng của Lê Hiếu Đằng (2013)

 

Rời bỏ một Đảng đã quy tụ mọi lực lượng chống thực dân không phải là điều dễ dàng khi Đảng là cả cuộc đời chiến đấu đã ăn sâu cắm rễ vào người ông, tất cả điều đó hướng dẫn cuộc đời hoạt động cách mạng, xã hội, tình cảm, văn hóa… của ông, nhưng những trò mày mò sửa đổi Hiến Pháp mới đây của nhóm thân Trung Quốc cầm quyền nhằm tăng cường chế độ độc tài công an trị đã khiến, theo ông, “giọt nước cuối cùng làm tràn ly”. Ông Đằng đã rời bỏ Đảng một cách công khai và từ trần một năm sau đó, ngay trước Tết âm lịch của năm 2014, cũng vì căn bệnh kéo dài như Bùi Đỗ sau đó.

Tang lễ bị báng bổ

Giống như Bùi Đỗ bốn năm sau đó, thậm chí tệ hơn, tang lễ của ông còn bị bạo lực công an làm cho nhơ nhuốc hơn. Tầm cỡ chính trị của ông Đằng lớn hơn tầm cỡ của Bùi Đỗ nhiều, sự báng bổ cũng theo đó mà xứng tầm. Nhà báo Phạm Chí Dũng, sau dạo đó bị kết án mười lăm năm tù và khi tôi viết những dòng này đã ngồi tù được hai năm kể lại: “Có hai vòng công an mặc thường phục; một vòng lẫn lộn vào đám đông và vòng kia đứng ngoài để chống lại mọi cuộc biểu tình nếu có. Những người thứ nhất, chìm, làm ra vẻ giúp đỡ nhưng lại chuyển những vòng hoa tang ra chỗ khác, giật bỏ những băng rôn, xé những hàng chữ, ngay dưới mắt của gia đình và bạn bè người quá cố. Một số người đã chống lại. Những tấm ảnh rất rõ chụp những cảnh báng bổ đó. Trong số những băng rôn bị xé hay gỡ bỏ, có: “Diễn đàn xã hội dân sự”, “Bauxite Việt Nam: một con đường cho Việt Nam”, “Hiệp hội Nạn Nhân của bất công”, “Hiệp hội công lý và hòa bình”. Tên đã bị lấy mất chỉ còn lại hàng chữ công thức ”… thành kính chia buồn”. Người ta không biết vòng hoa của ai đi viếng”.

Những hành vi gây hấn như vậy càng tỏ ra bạo liệt hơn khi biết rằng nghi thức Phật giáo là nhằm mục đích đưa hương hồn người quá cố sang thế giới khác một cách thanh thản nhất. Con số không đếm xuể những tờ lá cải của giới báo chí nhà nước câm như hến về vụ việc. Chỉ có các đài BBC, VOA, RFA và RFI mới đưa tin rộng rãi. Phạm Chí Dũng còn dám viết: “Lực lượng an ninh có nhiệm vụ đảm bảo trật tự địa phương lý ra phải hành động để ngăn chặn bọn lưu manh côn đồ. Phải chăng họ cấu kết với chúng hay chính họ là côn đồ?”

Một số chính trị gia cả gan, còn một số khác lại trơ mặt dám hiện diện trong cái bầu không khí nặng nề đó. Trong số những người trơ trẽn nhất, có ông Lê Thanh Hải, lúc đó còn là ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh. Ông “trùm” quyền lực này, ai cũng biết có liên can đến việc tịch thu đất đai ở Thủ Thiêm và ném hàng ngàn gia đình ra đường. Đến nỗi, cuối cùng năm 2020 Đảng phải, hình phạt này mới ghê chứ, bãi nhiệm ông ta, chức vụ mà ông ta đã rời bỏ từ năm… 2015! Ông ta nhỏ vài giọt nước mắt cá sấu và tiếp tục sống thoải mái. Ông ta là hiện thân của tất cả những gì ông Đằng căm ghét và chống lại. Đến nỗi nhiều người bạn đã xem sự có mặt của ông ta ở lễ tang như một sự khiêu khích. Những tên báng bổ mà ảnh được đăng tải rộng rãi trên các trang mạng xã hội chưa bao giờ phải lo lắng cả. Vẫn là sự hèn nhát nặc danh ấy.

Trong số những nhân vật quyền lực có gan đến viếng người bạn kháng chiến cũ của mình, nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến cùng phu nhơn, với tư cách cá nhân. Trên sổ tang, ông viết những hàng, theo tín ngưỡng Phật giáo về sự siêu thoát của linh hồn, “Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Tôi chúc bạn Lê Hiếu Đằng yên ổn được siêu thoát”. Một lời bóng gió không thèm che đậy về cuộc đấu tranh chống đối của người quá cố.

Thậm chí một nguyên chủ tịch nước cũng phải thận trọng với câu chữ.

Tang lễ lố bịch của tướng Trần Độ

Nhiếu tang lễ nổi tiếng khác làm chứng cho những trò báng bổ như vậy, như lễ tang của tướng Trần Độ. Đảng viên từ năm 1940, bị thực dân Pháp bắt giam năm 1941 cùng lúc với Lê Đức Thọ và Xuân Thủy, những vị sau này trở thành những nhà thương thuyết Hiệp định Paris đầy quyền lực khi đối mặt với Kissinger, ông đào thoát năm 1943 nhân khi bị đày ra ngục Côn Đảo. Năm 1958 là thiếu tướng, phó bí thư đảng ủy quân giải phóng miền Nam, trung tướng năm 1974, ủy viên thường vụ ban chấp hành trung ương Đảng từ 1961 đến 1991, phó chủ tịch Quốc hội từ 1987 đến 1992… Tóm lại, huân, huy chương có lẽ đã làm nặng ngực ông đến nỗi khiến ông đau lưng kinh niên (mạn tính) luôn.

Nhưng ông tướng hiểu rằng một nền hòa bình đòi hỏi phải có được sự tự do trong hành động mà quá nhiều tư thế đứng nghiêm chào làm cho đông cứng. Ông đã phạm vào một tội không thể tha thứ thường dẫn đến cột hành hình, tội báng bổ cực điểm: ông đòi đa nguyên đa đảng, bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Ông tố cáo sự lệ thuộc của văn hóa vào quyền lực chính trị, chủ trương tự do lập hội, đòi quyền lập đảng phái chính trị, tự do báo chí… Ông chỉ ra rằng chế độ một đảng là nguyên nhân chính dẫn đến lệch lạc (chuyệch choạc) kinh tế và xã hội. Về cơ bản, ông chủ trương phải dỡ bỏ chế độ quân sự – chính trị rất hiệu quả trong quá khứ để chống lại bọn xâm lăng các kiểu. Quả là một lời tuyên chiến thật sự với những cấp thẩm quyền cao nhất của Đảng, những người vừa gặp lãnh đạo Đảng của Trung Quốc tại Thành Đô để ký một hiệp ước trung thành được giữ bí mật. Một hiệp ước đã đè nặng từ dạo đó lên sự phát triển của xã hội Việt Nam.

Bị khai trừ Đảng năm 1999, ông tướng vẫn không nao núng. Ông mất vào tháng 9 năm 2002 vì ung thư. Lúc đó tôi đang ở TP Hồ Chí Minh và hoàn toàn không biết gì về lễ tang tướng Trần Độ, diễn ra tại Hà nội. Mười lăm năm sau, con trai ông kể lại câu chuyện được nhà thơ Nguyễn Đình Cống công khai trên trang facebook của mình. Lúc bấy giờ, chủ tịch Quốc Hội chịu trách nhiệm tổ chức lễ tang chẳng ai khác chính là tổng bí thư Đảng hiện nay, ông Nguyễn Phú Trọng. Ông ta đã làm mọi cách sáng chói nhất để báng bổ một cách có hệ thống lễ tang với sự có mặt đầy đe dọa của hàng đàn “nhân viên nghi thức” và bộ đội: đánh tráo sổ tang lễ, chuyển chỗ những vòng hoa tang, những ruy băng và băng rôn, tước hiệu tướng được thay bằng “ông”, kể cả trên vòng hoa viếng của tướng Giáp…

Vào lúc tướng Trần Độ bị xóa chức tướng và những trận chiến vì tổ quốc của ông ở nhà tang lễ Hà nội, tôi vui mừng được nhận danh hiệu công dân danh dự TP Hồ Chí Minh với sự có mặt của những người bạn cựu tù chính trị vẫn còn có ảnh hưởng. Nếu tôi biết được những chuyện trên, bài phát biểu của tôi nhân dịp này hẳn đã khác.

Nhưng phải biết rằng rất nhiều công dân, có nhiều thông tin hơn tôi và rất can đảm, vẫn còn tin vào sự thay đổi. Đó có thể là điều đã cho phép tôi đứng vững cho đến nay trên cái sườn dốc đi xuống của những sự vỡ mộng với sự giận dữ và phẫn nộ ngày càng lớn. Cho đến khi nào?

Tại bảo tàng chứng tích chiến tranh ở TP Hồ Chí Minh, đường Võ Văn Tần, trong khu vực dành cho tình đoàn kết quốc tế, tôi có mặt trên hai tấm ảnh: một ảnh trông tôi khó nhận ra bên cạnh lá cờ Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng khổng lồ, tấm kia là một ảnh chụp nửa người, được chú thích bằng tiếng Anh: “Anh André Menras, cựu tù chính trị quốc tịch Pháp, thăm bảo tàng chứng tích chiến tranh ngày 13 tháng 6-2000”. Sau nhiều năm tôi đặt hàng loạt câu hỏi công khai và biểu thị tức giận về cách vận hành của chế độ, tấm ảnh thứ hai này đã biến mất mà theo lời người ta là vì “hết chỗ”. Từ lúc đó, mỗi lần có một người bạn đến TP Hồ Chí Minh, tôi hỏi bạn xem tấm ảnh tôi đứng cạnh lá cờ còn treo không. Chỉ để xem Đảng đã xóa tôi chưa, kể cả từ mảng tường của một viện bảo tàng.

Những kiếp nạn của hùm xám đường số 4

Tôi cũng muốn nhắc đến trường hợp của một người lính tên tuổi lẫy lừng khác, một con người không giống ai bị Đảng xóa hết những trang vinh quang chính thức ngay trong lúc ông còn sống vì tội lý lịch. “Hùm xám đường thuộc địa số 4” đó là cách mà những địch thủ Pháp gọi trung tá Đặng Văn Việt, trong khi những người Việt chiến đấu dưới lệnh ông gọi ông là “ông vua đường 4”. Tôi không kể ra đây cuộc đời của ông tướng không sao này. Ông đã tự làm điều đó rất tốt theo cách rất ngây thơ và lý thú. Một cuộc đời chìm nổi mà ông bình thản trải qua, ông, con cháu của những quan lại văn nhân của triều đình, đại điền chủ, lại gần gũi với người dân hơn là một số tướng lãnh cộng sản. Ông thích cho tôi xem những vết thương lãnh nhận từ những chiến dịch khác nhau từ đường thuộc địa số 9 (RC 9), đường RC 7 đi qua xứ người Mèo, thuốc phiện và sốt rét, đến đường RC 4, then chốt của biên giới Đông-Bắc với Trung Quốc. Sau khi đã loại bỏ từng đồn, từng đoàn xe của lực lượng viễn chinh Pháp, là chỉ huy, ông đã dẫn trung đoàn 174 của mình, được tạo thành phần lớn là người dân tộc thiểu số, đi chân trần, với vũ khí thủ công hoặc lấy từ quân địch, tiến ra đường RC 6 và chiến thắng Mộc Châu, mở đường tới Lào. Là chỉ huy của một trong ba trung đoàn lập nên Quân đội Nhân dân Việt Nam, chàng sinh viên y khoa này là một trong những lãnh đạo quân sự lịch sử đã giải phóng vùng biên giới Trung Quốc và làm thay đổi cán cân lực lượng từ tình trạng chống trả sang tổng tấn công dẫn đến sự thất trận quyết định của người Pháp ở Điện Biên Phủ hai năm sau. Những nhân vật chính trị và quân sự cao cấp nhất phải thừa nhận thiên tài quân sự và lòng dũng cảm của chàng trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt. Vào một số thời điểm trong các trận đánh, tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và đích thân ông Hồ Chí Minh đã đến tận nơi để khen ngợi trung đoàn của ông, một trung đoàn đã sản sinh ra hai mươi vị tướng.

Không được tham gia trận Điện Biên Phủ mà phải vào nơi luyện tội của Tàu 15 năm

Nhưng trong lúc trung đoàn của ông được điều động ra tuyến đầu của trận chiến quyết định đó, qua đó trung đoàn bị thiệt hại nặng, vị chỉ huy của những ngày đầu thành lập lại bị gạt ra rìa. Vì lý do gì? Để giữ mạng ông chăng? Ông từng gặp nhiều nguy hiểm hơn trong những chiến dịch trước, nơi ông kề cận tử thần ở những tình huống khó tin khi đối mặt với những lính tráng nhà nghề được vũ trang cực mạnh. Bất tài ư? Khó mà chấp nhận với một chiến binh mà 120 trận đánh đã thắng tới 116 trận. Kể cả người mà ông gọi là “đồng chí Léo Figuères”, ủy viên trung ương đảng cộng sản Pháp, cũng biết phẩm chất lãnh đạo và chiến lược của ông. Được cử sang Việt Nam để nắm tình hình, ông Figuères đã chứng kiến công cuộc chuẩn bị của trung đoàn 174 trước trận Đông Khê và khen ngợi tài năng cầm quân của Đặng Văn Việt, người đã dẫn ông an toàn đến biên giới Trung Quốc.

Vậy thì có phải sức thu hút của người thanh niên con cháu của những quý tộc văn nhân này đối với lính của ông kể cả với kẻ thù đã gây lo ngại cho số người theo chủ nghĩa Mao đang tăng lên trong Đảng không? Lý đo đưa ra để loại ông ra khỏi trận Điện Biên Phủ và cách ly ông bảy năm trường trong những trại quân xa xôi miền Nam Trung quốc, thật là thảm hại: “Huấn luyện quân sự và chính trị”. Trên bình diện chiến lược chiến thuật quân sự, ít có lãnh đạo nào trên ông lại chứng tỏ được tài năng như ông. Trái lại họ lại tăng uy tín nhờ những thành công của ông. Về chính trị, chàng thanh niên này đã vào Đảng CSVN từ năm 1948 và luôn tuân theo những chỉ đạo của Đảng một cách nhiệt huyết.

Lý do thật sự nằm trong ảnh hưởng tăng lên của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong lòng Đảng CSVN. Việt Nam đang rất cần lương thực, thuốc men, vũ khí… và Trung quốc của Mao lại là nhà cung cấp chính. Biên giới Bắc đã “giải phóng”, chủ yếu là nhờ những trận chiến và sự hy sinh mạng sống của những người như Đặng Văn Việt. Đường chuyển người và khí tài đã rộng mở. Những “cố vấn” Trung quốc đã có mặt trong những trận đánh và công tác chuẩn bị.

Mao ra điều kiện cho viện trợ là phải thanh trừng “giai cấp”

Nhưng Mao bắt phải có điều kiện là cần phải có một đối chứng chính trị mới viện trợ vật chất. Cùng với việc Đảng CSVN phải đuổi những con quỷ ngoại quốc khỏi chốt chặn phía Nam của Trung quốc, Đảng cũng phải loại bỏ kẻ thù giai cấp theo kiểu Trung quốc: những địa chủ bị “nước ngoài làm biến chất”. Và đó là điều đã diễn ra từ năm 1953 đến năm 1956, hàng chục ngàn gia đình bị lột sạch của cải, ly tán khắp đất nước và ra nước ngoài, bị tàn sát trong một chiến dịch khủng khiếp gọi là “cắt giảm địa tô” hay nói rộng ra là “cải cách ruộng đất”. Trong số những gia đình đó, rất nhiều hộ đã tự nguyện hiến tặng không đong đếm cho cách mạng. Rất nhiều gia đình (trong số nói trên) có thành viên là đảng viên kể cả cán bộ của đảng cộng sản. Gia đình bên mẹ của Đặng Văn Việt ngay từ năm 1945 đã đáp lại lời kêu gọi của Đảng nhân “tuần lễ vàng” tại Hà Nội. Số vàng đóng góp của gia đình ông là một trong những đóng góp quan trọng nhất: 117 lượng vàng hiến cho Đảng. Những thành viên trong gia đình cha ông, bị thuyết phục vì nhất thiết phải “giải phóng người nông dân” đã tự nguyện chia rất nhiều đất đai cho nông dân địa phương, chỉ giữ lại vài mảnh để tự mình canh tác đủ sống. Nhưng chẳng ăn thua gì: trong khi người con trai, dưới bộ quần áo của quân giải phóng Trung quốc, được gởi đi lên bờ xuống ruộng, giam hãm trong những trại lính “giống như trại trừng giới”, cha ông Đặng Văn Việt phải trải qua “đấu trường của buộc tội và tố giác”, tòa án nhân dân. Bị ngược đãi, lăng mạ công khai, ông cụ, một bộ trưởng được kính trọng dưới ba chế độ (Bảo Đại, Trần Trọng Kim và Hồ Chí Minh) bị lột sạch của cải còn sót lại, cho đến cả tủ bàn giường chiếu trong nhà. Ông cụ qua đời vì điều đó năm 1954 và cụ bà tự để cho chết một năm sau đó. Những người còn lại trong đại gia đình phải trốn chạy trước sự săn lùng không thương tiếc của đội cải cách ruộng đất đầy quyền lực.

Chỉ đến năm 1957, trở về từ cuộc lưu vong sang Tàu, ông “lính già” mới biết rằng bão tố đã đổ ập xuống gia đình mình và người thân khi ông vắng nhà. Nhiều người ở địa vị ông sẽ nổ ra cơn giận dữ nhưng một lần nữa, ông đã chế ngự được nó. Ông chỉ đơn giản hai lần viết thư cho Đỗ Mười, bí thư Đảng và Phạm văn Đồng, thủ tướng, để đòi phục hồi cho cha mình và người thân: không một câu trả lời. Trong lúc rất nhiều bạn bè cũ, có thời nằm dưới quyền của ông, được thăng lên hàng tướng, ông vẫn giữ lon trung tá đến chết. Không một lần thăng chức trong 63 năm!

clip_image003
Đặng Văn Việt, Đặng Bích Hà (vợ tướng Giáp) và André Menras

Những vất vả hành chánh và nỗi vất vả của người giao bánh

Bị loại khỏi chức vụ chỉ huy, ông chờ đến tuổi nghỉ hưu trong khi lần lượt bị đẩy vào làm trong văn phòng bộ Xây Dựng, nhảy dù vào một thế giới mà ông biết tỏng là “như vịt nghe sấm”. Rồi, theo ngôn ngữ của ông, ông tuột vào “mặt trận thủy sản” (phụ trách việc nuôi tôm) nơi ông phải làm việc cật lực để tránh “nỗi nhục dốt nát” và còn ghi danh học lớp đêm trường Bách Khoa trong năm năm không bỏ một lớp nào để lấy bằng được mảnh bằng kỹ sư. Tóm lại, một lần nữa ông lại tiếp diễn trò chơi ngốc nghếch và đau đớn của sự đền tội chỉ vì tội ác lý lịch.

Sau một thời gian đủ để từ chối vài cái phong bì luồn dưới gầm bàn để thông qua một số công trình nào đó là đến ngày về hưu năm 1980. Thu nhập không đủ để nuôi vợ và hai con, ông khai hoang mảnh đất của một chị em bà con để lấy rau trái bán. Đây là thời kỳ mà ông dí dỏm gọi là “trên mặt trận sản xuất nhà vườn”. Ông bày sản phẩm trên lề đường hoặc ngã tư, cạnh tranh với những người buôn bán đúng nghĩa, rồi ông kết tình đồng lõa với họ, nhất là khi xuất hiện một anh công an mà người ta không nên “nhìn đểu”.

Cuối cùng ông đã tìm thấy một sự nguôi ngoai thăng bằng khi, lúc vắng ông, khu vườn bị một nhóm trẻ trâu được cha mẹ chống lưng phá hoại đều đặn. Chính quyền vô cảm trước những lời kêu cứu của ông. Do đó ông bỏ luôn việc canh tác để, với chiếc xe đạp cũ có gắn những túi xách lớn, đi giao bánh trong những con hẻm khu vực 36 phố phường cạnh hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội. Vẫn trong sự an nhiên. Chuyến viếng thăm cá nhân và thân tình của tướng Giáp, lúc này cũng đang trải qua thời kỳ khó khăn về chính trị, cũng chẳng thay đổi gì cho số phận của người lính già nghèo và bị lãng quên.

Khi tôi được biết, qua bạn Bùi Đỗ, về cuộc đời ba chìm bảy nổi của trung tá Đặng Văn Việt thì đã là tháng 3-2008. Tôi xin được gặp ông ở nhà tại Hà Nội. Lúc đó ông đã 88 tuổi. Người rất thẳng, mũ cát kết đội hơi lệch, trông ông ra dáng lắm trên chiếc xe máy cũ. Chúng tôi như quen biết nhau lâu ngày rồi. Ông giới thiệu với tôi người phụ nữ mà tôi kính trọng gọi bằng từ ngữ chỉ vợ của một người đàn ông có địa vị nhưng quý bà nhỏ hơn ông ba mươi tuổi ấy vội vàng đính chánh bằng tiếng Anh: “girl friend” (bạn gái). Cặp tình nhân này trông dễ thương, tự nhiên, thích sống tốt, có chút gì đó bốc đồng. Đặng Văn Việt có vẻ như bằng lòng với số lương hưu ít ỏi để sống an nhàn. Từ 5 giờ sáng, ông đã bắt đầu chương trình hàng ngày: khiêu vũ (boléro, tango, boston…) rồi ten nít, sau đó là viết sách và học tiếng Anh… Ông thích chở tôi thăm thú Hà Nội trên cái poọc ba ga sắt cứng ê mông của chiếc xe máy cà tàng của ông. Thú thật là viễn tượng lái xe kiểu thi sĩ giữa một cảnh giao thông náo loạn thì không hào hứng lắm đối với tôi. Nhưng người hướng dẫn viên danh tiếng của tôi tỏ ra vui thích quá khiến tôi đành chấp nhận… Cảm giác mạnh trong những quỹ đạo may rủi của xe, nhất là khi ông quay ra sau để đưa ra những bình luận không thể hiểu, đủ khiến tôi quên đi những cú chấn động nghiêm khắc mà chỗ da thịt để ngồi của tôi phải gánh chịu. Tôi vẫn còn nhớ chuyến đi hai vòng quanh Hồ Tây, vòng thứ nhất không đủ dài cho những lời giải thích của ông Việt. Từ ổ gà sang ổ voi, nhắm mắt lại tôi tưởng tượng ra cảnh gian khổ trên đường mòn Hồ Chí Minh. Cái điện thoại di động tuột lên tuột xuống trên ngực tôi trong cái túi áo sơ mi, lợi dụng một trong những cú chấn động võ biền ấy để đào ngũ trong lúc xe đang chạy khiến tôi phải tìm kiếm một trận để đời.

Với ông Đặng Văn Việt, người ta chẳng bao giờ chán. Chúng tôi còn gặp nhau sau đó nhiều lần tại TP Hồ Chí Minh để được đạo diễn Nguyễn Hoàng phỏng vấn. Và khi đạo diễn Đào Thanh Tùng báo cho tôi biết Đảng chính thức đặt hàng cho anh làm một phim mà tôi là nhân vật chính, một trong những điều kiện của tôi là cuộc đời ông Việt phải có một chỗ đáng kể trong cuốn phim tài liệu dành cho sử sách của Đảng đã quên khuấy ông. Đề nghị được chấp nhận và lời hứa được thi hành. Tôi rất sung sướng đã góp phần vào sự công nhận giờ chót người lính già bị bỏ quên, mặc dù đối với tuyệt đại công chúng, điều đó vẫn còn rất riêng tư. Như vậy, chúng tôi đã sống cùng nhau nhiều ngày để quay một phần cuốn phim tại nhiều địa điểm lịch sử: trong sân của nhà lao Hỏa Lò; tại Văn Miếu ở Hà Nội nơi tôn vinh những vị đỗ đầu bảng những cuộc thi làm quan mà ông nội của ông, Đặng Văn Thụy, có thời gian làm giám đốc; trước đại học Y Khoa cũ nơi ông từng là sinh viên đúng vào năm đói Ất Dậu 1945, trước khi ra chiến trường; tại số 30 đường Hoàng Diệu, nơi ở chính thức của tướng Giáp, vừa qua đời và gặp gỡ bà Đặng Bích Hà vợ ông Giáp… Tôi tận hưởng những khoảnh khắc ấy đến mức xin được xem trước cuốn phim cùng ông, hai khán giả duy nhất trong khán phòng rộng. Không có một sự báo thù nhỏ nào cho sự bất công.

Chỉ trong vòng vài năm chúng tôi đã đạt được một sự đồng lòng khác thường. Ông thường mời tôi dùng trà hay chia sẻ một ly rượu nhỏ trong sào huyệt của ông số 125 đường Minh Khai, Hà Nội. Ông quăng xe máy trong một cái sân chung quanh là những chung cư cao tầng cũ kỹ, thường để lại cả những chiếc cặp hồ sơ mà chẳng ai đụng vào rồi ông dẫn tôi vào một cầu thang tường loang lổ vữa, leo lên tầng ba đến trước một khung cửa sắt mở vào một thứ mà ông gọi là “BT 205” (B=biệt, T= thự). Ở đó cuối một hành lang rất hẹp, chúng tôi đến chỗ đóng quân của ông rộng 12 m². “Đó là chỗ tôi làm việc, tiếp khách, ăn, ngủ. Cũng là cái kho luôn”. Ông có thú vui bình phẩm mọi ảnh chụp, sách vở mà ông tặng tôi, những tập sách nhỏ in tiết kiệm, rất phê phán chế độ, hiến pháp, chính sách bành trướng của Trung Quốc. Như bằng ấy huân chương, ông cho tôi xem bằng ấy vết thương trên người, ở đầu, ở bụng, ở gót chân Achille… trong lúc mô tả lại từng trận đánh. Trong lúc quay phim, đạo diễn và các trợ lý không hiểu tiếng Pháp đang bận điều chỉnh cái này cái kia, ông vừa đùa vừa nói với tôi: “Menras, hai chúng ta xem ra hơi điên, anh là người Pháp mà lại treo cờ Việt Cộng giữa trung tâm Sài Gòn còn tôi, con nhà quan lại đi kéo cờ Việt Minh trên hoàng thành Huế?” Đó là câu hỏi mà một số người vẫn còn đặt ra ngày nay. Nó có ý nghĩa nhưng không ai trong hai người điên này tiếc nuối cái sự điên của mình vì nó có nhiều lý do và mỗi anh em chúng tôi sẽ mang theo mình những hình ảnh có một không hai mà không ai có thể làm phai mờ đi được.

Người lính già, vĩ đại hơn cả trăm tướng lãnh

Sức khỏe của người lính già kém đi nhiều, ông bị gãy chân và tôi đã đi thăm ông năm 2016 ở bệnh viện Hữu Nghị, Hà nội. Mặt dán đầy những ô vuông nhỏ che những nốt châm cứu, ông không mất đi một chút hào hứng nào, máy tính bên cạnh ông trên giường còn điện thoại di động trong tầm tay. Ông vẫn đang thực hiện dự án viết một Phác thảo Lịch sử Quân sự Việt Nam. Một dự án mà ngay từ năm 1990, Nguyễn Khắc Viện, lúc đó là giám đốc nhà xuất bản Ngoại Văn, cũng như đích thân tướng Giáp đã mời ông làm cùng với sự trợ giúp của những vị tướng cao cấp khác và những nhà nghiên cứu lỗi lạc về quân sử. Những trận phục kích trong lòng Đảng thời bình đôi khi còn dữ dội hơn những trận phục kích mà kẻ thù giăng ra trong thời chiến, mà cái khí lực của thời chiến thì không có, nhóm tinh hoa nghiên cứu ấy mau chóng cho dự án chết yểu. Nhưng người lính già cứ bám lấy nó một cách tội nghiệp, như thể không muốn biết rằng một tác phẩm nhạy cảm như thế sẽ chỉ có thể viết và ấn hành với sự chúc lành của Đảng. Mà ông thì không có nó thực sự từ rất lâu rồi.

Lúc ông nằm bệnh viện, tôi đã giới thiệu ông với những người bạn trẻ Việt Nam gặp tình cờ. Các em đang có mối quan hệ với một giáo sư ở Toulouse, tên Nguyễn Tiến Dũng cũng là người có quan hệ với một nhà xuất bản nhỏ. Qua internet và những cuộc gây quỹ khác, một số vốn được gom đủ để phát hành một cuốn sách mới để thay thế, như một phương pháp chữa bệnh nhằm vực dậy tinh thần hơi lắng xuống của người lính già bị lãng quên.

Tôi gặp lại ông Việt lần cuối cùng ngày 19 tháng 2-2018. Ông đến chỗ hẹn, vẻ đắc thắng trên một chiếc xe ba bánh điện, có bạt che bằng vải toan xanh trắng, chống lên bằng hai vòng cung. Đầu đội cát kết xám đậm, bộ côm lê xám nhạt có gắn một huy hiệu in hình tướng Giáp, khăn quàng cổ đỏ và đeo trên vai một túi xách thêu của đồng bào thiểu số. Bên hông con ngựa chiến đỏm dáng của ông là cái túi đựng vợt ten nít: trông ông thật tuyệt! Đặt chân xuống đất ông nở nụ cười hết cỡ trước khi ôm tôi: “Menras, tôi đã trăm tuổi!” Tôi giới thiệu ông với anh cọc chèo của tôi, lúc đó đang thăm Việt Nam và ông nằng nặc mời anh đến uống trà ở “biệt thự 205” của mình. Rồi đến bữa, chúng tôi cẩn thận bước xuống những bậc cầu thang khó đi để đến một nhà hàng nhỏ mà ông biết, theo lời mời của ông, có tên là “Napoléon” – thật đấy không bịa đâu – nổi tiếng vì món bò bít tết. Trong lúc chờ taxi, ông tự nhiên ngồi lên yên một chiếc xe máy đậu ngay đấy. Ông anh cọc chèo của tôi ấn tượng với sự thoải mái của ông già trăm tuổi này. Trước nhà hàng Napoléon, đóng cửa nghỉ Tết, chúng tôi xoay lời mời về phía chúng tôi để mừng sinh nhật của chàng chiến binh trăm tuổi gần hồ Hoàn Kiếm, nhà hàng “Lục Thủy”. Ông đã dùng cây gậy chống hướng dẫn tôi giữa những dãy bàn ghế ở sân trời, nơi chúng tôi an vị. Ném cái nhìn quanh một vòng về phía khách hàng và xe cộ giao thông trên đại lộ Lê Thái Tổ kề bên, cũng như đám đông người đi dạo trên bờ hồ: “Việt Nam đang phát triển và một số người thậm chí rất giàu. Tôi thì như vậy là đủ. Cả đời, tôi chưa bao giờ tơ hào lấy một xu từ nhân dân. Lương hưu 10 triệu đồng (khoảng 400 euros) đủ cho tôi sống. Thậm chí còn dư nữa nên tôi giúp luôn cho năm gia đình nghèo”. Trước khi gọi món ăn, tôi gợi ý, vì không có bít tết Napoléon đầy phù hoa, ông nên dùng món bít tết T-bone (xương hình chữ T) New-Zealand cho chắc bụng. Ông trả lời tôi rằng dạ dày của ông không còn khả năng như hồi hai mươi nữa nhưng một bữa ăn mừng sinh nhật như vầy đáng được thưởng thức. Mà thưởng thức thật tận tình. Miếng bít tết nhanh chóng bị hạ gục bởi những pha công phá dũng cảm điểm xuyết với những ngụm vang đỏ hào phóng. Món kem lạnh sau đó cũng cùng chung số phận, tiếp theo là một tách “Irish coffee” (cà-phê Ái Nhĩ Lan có pha rượu whisky). Ông anh cọc chèo của tôi chỉ còn biết thán phục: ông trung tá già có sức khỏe của một ông tướng tư lệnh trẻ tuổi!

Món bít tết và ông tướng! Vì liên tưởng bằng một cách ít nhẹ nhàng hơn nhiều, tôi luôn nghĩ đến một ông tướng ngày nay, kẻ đã hạ gục những nông dân ở Đồng Tâm và món bít tết nạm vàng ở Luân Đôn có giá năm ngàn đô la của ông ta… ông Tô Lâm đáng sợ! Vâng, thì Việt Nam đang phát triển… và, với hòa bình cả quân đội của đất nước nữa. Nhóm 36 vị tướng trong cuộc tổng tấn công năm 1975 trở thành một đám tướng, như kiểu lạm phát, gồm 490 ngôi sao lặn năm 2014 trong đó 44 vị, có cả nguyên bộ tư lệnh bảo vệ biển, bị ra tòa vì tham nhũng năm 2022…

Hai giới quân sự: một của Đặng Văn Việt, người lính của một quân đội vì nhân dân mà những lãnh đạo đã chia sẻ sự khốn cùng và sức mạnh và một là “quân đội của Đảng” đã thay đổi bản chất. Đó là quân đội của những tướng lãnh tỷ phú, quân đội của những chỉ huy tung tẩy hàng triệu đô la và sống như những ông hoàng, vượt khỏi mọi kiểm soát, ngoại trừ sự kiểm soát trong mạng lưới của họ. Với bộ quân phục xanh và ngôi sao vàng, họ trông chẳng khác mấy với những đồng cấp Trung Quốc.

Người lính già lịm tắt ở tuổi 102, vào tháng 9-2021 mà tôi không được gặp lại lần nào nữa. Lễ tang của ông được tổ chức ở nhà tang lễ bộ quốc phòng. Điếu văn xoay quanh chủ đề “hùm xám đường số 4”. Bệnh quên kinh niên về những năm lưu vong ở Trung Quốc, ngay trước trận Điện Biên Phủ, vụ triệt hạ gia đình ông trong cải cách ruộng đất, việc loại ông khỏi quân đội về “mặt trận xây dựng và nguồn lợi thủy sản”, sự khốn cùng của người về hưu “trên mặt trận làm vườn và giao bánh”… Một lần nữa, lần này tử tế hơn, Đảng đã xóa bỏ và ký tên.

Võ Nguyên Giáp, tướng của nhân dân, không luôn luôn của Đảng

Mặc dù diễn ra nhanh chóng hơn nhiều, một cuộc gặp gỡ khác đã ghi đậm dấu ấn trong tôi. Không hẳn vì nội dung trao đổi mà vì sức nặng tình cảm xung quanh nó. Đó là cuộc gặp với tướng Giáp và phu nhân, đầu tháng 2-2009.

Ba mươi bảy năm trước, trong xà lim Chí Hòa, vây quanh là kiểm duyệt, cấm đoán, và canh giữ thường trực, một thầy giáo trẻ là tôi mới khám phá ra Lịch Sử Việt Nam, ngay trước mũi bọn cai ngục. Hai cuốn sách quý giá, được xuất bản từ nhà Maspéro bằng khổ nhỏ: một trong hai cuốn có tựa là Chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân của tướng Võ Nguyên Giáp, đã đến tay tôi, qua đường Mỹ (xem chương Anh bạn Rich của tôi). Trong lúc bị cai tù dẫn về xà lim, tôi bước đi trong hành lang nhà tù, cuốn sách nhỏ dán chặt vào bụng, sung sướng hơn cả một đứa trẻ vào lễ Noël, uy quyền hơn và kiêu hãnh hơn một ông vua. Trong cảnh đày đọa cực kỳ này, nó đem lại cho tôi một cảm giác tự do không giới hạn. Một cử chỉ trêu chọc khổng lồ mà nhân loại nhe ra cho sự man rợ của chúng! Chưa kịp mở sách ra, tôi đã chắc sẽ có thể đánh cược cả cuộc đời để có được mấy trang này, để có được tất cả những gì mà chúng đại diện. Trong ánh sáng mờ mờ của ngục tối, khi nghiến ngấu cuốn sách có mùi như bánh bít cốt đến từ đầu kia của thế giới, sách mà mẹ tôi đã từng cầm trong tay, một mắt trên trang sách, mắt kia dán vào ô cửa tò vò, hai tai lắng nghe, tôi khám phá ra những chân trời xưa kia quá xa xăm nhưng lại rất gần tôi lúc này. Tôi mới đo lường được đúng hơn việc tướng Giáp, chủ tịch Hồ Chí Minh của ông, và những bạn chiến đấu của họ lại trở nên một với người dân của mình như vậy, một loại xi măng không thể phá hủy gắn kết họ một cách tự nhiên như không khí mà họ thở. Và cũng là dịp để tôi nhận thức được rõ hơn sự may mắn và vinh dự của tôi được đứng một cách tự do bên phía họ.

Khi tôi trao cuốn tài liệu quý giá này cho các sinh viên bạn tôi: Lập, Mẫm, Diệm Công… để dịch và phát tán bí mật, tôi đã tự hứa với mình, một lời hứa hơi bốc đồng, như một ước mơ không bao giờ thành mà người ta thích ôm ấp khi tinh thần đang ở mức thấp: nếu có ngày mi thoát được, mi phải làm sao gặp được tác giả những trang này để ráng nói với ông rằng chúng đã sưởi ấm tâm hồn và trái tim mi như thế nào, chúng đã tăng thêm sinh lực cho mi ra sao để mi chiến đấu.

Vậy mà cái khoảng khắc mơ ước đặc biệt ấy đã đến trong năm con trâu 2009. Nhờ trung gian của ông chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, Lê Hoàng Quân và phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài, tôi đã có thể gặp vị tướng tại nơi ông ở, ngay Hà Nội. Đi qua cánh cửa sắt lớn và người lính gác cửa, tôi được ông Hải, thư ký riêng, ưu ái dẫn tới gặp vị tướng quân, giúp tôi mang bó hoa và những tài liệu mà tôi mang theo. Tôi bị choáng ngợp như một cậu bé và hàng loạt hình ảnh chen chúc trong đầu tôi khi nhìn thấy con người 98 tuổi ấy ngồi trước mặt tôi, thân hình thật thẳng trong bộ quân phục xanh không tì vết, vai nổi bật với bộ cầu vai rộng lấp lánh bốn ngôi sao vàng, mái tóc bạc vẫn còn dày đàng sau một vầng trán đã hói, ánh mắt kiêu kỳ dưới bộ lông mày rất rậm.

clip_image004
Tướng Giáp và bà Bích Hà tiếp Menras tại nhà riêng

 

Tôi đứng đấy trước một tượng đài của Lịch sử Thế giới, biểu tượng của biên niên sử đấu tranh giải phóng dân tộc, một trong những người cha đẻ ra nước Việt Nam hiện đại, tác giả tuyệt diệu của cuốn sách nhỏ mà tôi từng ôm ấp thật chặt trong ngục tối… Nỗi xúc động làm tôi tê liệt, khiến tôi nói không ra lời. Tôi vướng víu với những bó hoa và xấp tài liệu. Tôi chẳng biết mình sẽ nói tiếng Pháp hay tiếng Việt nữa… Tướng quân, người quan sát tôi rất chăm chú trong khi chờ tôi nói câu gì đó, phu nhân ông, bà Hà, ngồi cạnh ông, tùy viên của tướng quân và ông Hải đứng lùi ra sau, mọi người chắc thấy tôi lúng túng lắm. Để mau chóng vượt qua sự bối rối mà nỗi xúc động gây ra, tôi quyết định nói bằng tiếng Việt để tỏ lòng kính trọng mặc dù tôi biết tiếng Pháp của tướng quân và phu nhân ông đều rất giỏi và sự xúc động sẽ chơi khăm tôi về khoản từ vựng và phát âm.

Lúc đó tướng quân mới mời tôi ngồi cạnh ông trên một ghế bành dài bằng gỗ sơn mài và cầm tay tôi. Sau khi hỏi thăm sức khỏe ông, tôi giới thiệu với ông những tài liệu mà tôi mang theo: cuốn sách tôi viết cùng người bạn tù Nous Accusons (Chúng tôi tố cáo), do nhà xuất bản Trẻ tái bản năm 2004, những bài báo mà tôi viết hàng ngày khi trải qua 46 ngày trên gác chuông vương cung thánh đường Saint-Nazaire, chương trình chi tiết của cuộc đấu tranh lưu động sau khi được trả tự do, tại 17 nước trên thế giới để tố cáo những tội ác của chế độ nhà tù Sài Gòn-Mỹ…

Tướng quân và phu nhân nghe tôi rất chăm chú. Bà Hà lâu lâu lại sửa cho tôi những câu tiếng Việt không chuẩn. Tướng quân vẫn cầm tay tôi như thể muốn cảm nhận rõ hơn sự rung động của từng lời. Lúc đó tôi thiếu mất can đảm: tôi đã chuẩn bị sẵn một số câu hỏi về thời sự, những câu muốn hỏi liên quan đến sự phát triển của Việt Nam, chủ quyền đất nước trên biển và đất liền…. Nhưng vì không muốn tạo không khí nặng nề lên những phút giây đặc biệt hạnh phúc, đầy sự tươi mới, biến cuộc gặp mặt thân ái này thành một cuộc phỏng vấn tầm thường, tôi bỏ ý định đặt câu hỏi. Tôi có nên hối tiếc không?

Vào một lúc nào đó trong buổi nói chuyện, tay của tướng quân siết chặt tay tôi hơn: bàn tay nóng với lớp da nhăn theo năm tháng, như bàn tay của cha tôi (tướng quân chỉ lớn hơn cha tôi ba tuổi). Ông buông lời, bằng tiếng Pháp tuyệt hảo, mắt long lanh: “Tôi thấy tiếng Pháp của tôi tốt hơn tiếng Việt của anh”. Phải chăng đây là lời mời tôi hãy tiếp tục bằng tiếng Pháp hay lại là một quả đạn thần công thân hữu của vị tướng bắn thẳng về phía tôi? Biết rằng tiếng Pháp của tướng quân và phu nhân là cực giỏi, tôi nhanh chóng xem câu đùa trên là tích cực khi tự nhủ rằng nó hàm ý dù sao tiếng Việt của tôi vẫn có thể hiểu được. Do đó chúng tôi tiếp tục nói chuyện bằng tiếng Việt trong một bầu không khí thân ái đôi khi điểm theo những tràng cười vang. Sau nửa giờ hạnh phúc, tôi lập lại những lời chúc sống thọ và “mọi sự tốt lành” trước khi xin phép từ giã và được ông Hải tiễn ra cửa. Nhưng vừa ra đường, vẫn còn hơi choáng váng, những câu hỏi mà tôi soạn sẵn lại trách tôi tại sao giữ chúng lại. Lần duy nhất mà tôi phát biểu về nỗi buồn của tôi trước thảm kịch của ngư dân và câu hỏi về bô xít ở Tây Nguyên bán rẻ cho Trung quốc, gương mặt bà Hà tối sầm lại và bà trả lời tôi một cách nghiêm trọng như một dấu chấm hết: “Chúng ta không có quyền quyết định”. Tôi biết ngay mà.

Tướng lãnh chiến khu chống tướng lãnh ngân hàng

Điều đặc biệt là tôi biết vài ngày trước buổi gặp gỡ của chúng tôi, ngày 5 tháng 1-2009, tướng quân đã gởi thư công khai cho vị thủ tướng đầy quyền lực lúc bấy giờ, Nguyễn Tấn Dũng, để cảnh báo về những nguy cơ nghiêm trọng của dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên bao gồm sự hiện diện của hàng ngàn lao động và cán bộ Trung Quốc. Ông căn cứ trên bản kiến nghị rất chi tiết mà một số đông những nhà khoa học danh tiếng và những nhà chuyên môn gởi đến Đảng và Nhà Nước năm trước. Nguy cơ về môi trường vì phải phá rừng và nguy cơ ô nhiễm vì bùn đỏ ngấm vào những vỉa nước ngầm trên thượng nguồn sông Đồng Nai và những dòng nước ở miền trung và miền đông nam; nguy cơ xã hội, văn hoá và con người vì sự mất ổn định và bần cùng hóa những người dân thiểu số sống ở đó; nguy cơ kinh tế vì đòi hỏi phải đầu tư; nguy cơ quốc phòng vì phải định cư một số đông người Tàu trong vùng đất chiến lược này. Vị thủ tướng chưa bao giờ trả lời trực tiếp bức thư của tướng quân. Nếu có thì là một tuyên bố công khai đầy uy quyền và giáo điều, như một thông điệp cảnh báo đến tất cả những người chống lại dự án: “Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà Nước”. Nói rõ ra là người nào chống lại nó là chống lại Đảng và Nhà Nước. Ai ở Việt Nam cũng đều rõ những hậu quả của việc này. Chúng được ghi rõ trắng đen trong Hiến Pháp. Mặt khác những hậu quả nói trên sẽ sớm bộc lộ qua những vụ bắt bớ.

Không có câu trả lời, tướng quân đã gởi một bức thư thứ nhì cho phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đề ngày 09 tháng 4-2009, nhân buổi hội thảo mà chế độ buộc phải tổ chức về vấn đề trên. Không có hồi đáp. Thế là tháng sau, tướng Giáp đã gởi một bức thư – kiến nghị thứ ba chi tiết hơn cho Bộ Chính Trị, cho Ban chấp hành trung ương Đảng, cho Quốc hội và cho Chính phủ. Ông yêu cầu ngừng ngay những vụ “khai thác thử” đã bắt đầu tại các tỉnh Lâm Đồng và Đắc Nông. Bộ Chính Trị làm như đang chọn vị thế chờ đợi khôn ngoan trong lúc mọi ủy viên đều biết rằng các vụ “khai thác thử” đã tiến hành rồi. Mặt khác thủ tướng bắt đầu ra tay bằng một nghị định giới hạn thậm chí bãi bỏ phạm vi hoạt động và truyền thông của các nhà khoa học ngoài Đảng với lời đe dọa rút giấy phép hoạt động. Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS (Institute of Development Studies), lúc đó là viện nghiên cứu khoa học độc lập duy nhất của Việt Nam, tự giải tán như dấu hiệu phản đối.

Sự việc trên đã góp phần lớn vào nhận thức của tôi về thực tế quyền hành ở Việt Nam. Tôi tự hỏi: Nguyễn Tấn Dũng là nhân vật như thế nào mà dám coi thường những dặn dò của tướng quân? Ai nắm quyền trong cái Đảng này? Vì quyền lợi của ai? Về một vấn đề chiến lược cho đất nước, tôi nhìn thấy rõ ràng hai quan điểm biểu lộ ra và kình chống nhau: một mặt, sự can thiệp dai dẳng của vị tướng huyền thọai, bạn đồng hành của Hồ Chí Minh, người sáng lập những chiến khu đầu tiên và cả nước Việt Nam nữa. Một trong những người đã đào giếng. Đối diện là những người, như Nguyễn Tấn Dũng, lớn lên trong chiến khu nhà băng, được uống nước từ cái giếng rồi kiên quyết, bằng một lời đáp trả, gạt đi mọi lo ngại nói trên.

Đúng lúc tướng Giáp lo ngại cho những tài nguyên thiên nhiên của đất nước được đem bán rẻ cho Trung Quốc, thì Nguyễn Tấn Dũng lại thúc đẩy Đảng thông qua những khoản vay quốc gia hàng tỷ đô la ở thị trường chứng khoán New York và Singapore. Tiền công quỹ sẽ được dùng để rót vào các “khoản lỗ” của những tập đoàn hàng hải nhà nước lớn như Vinashin và Vinalines, bị người dân gọi là “những chiếc tàu đang đắm” mà Nguyễn Tấn Dũng chịu trách nhiệm. Cầm quyền từ 2005, người đàn ông này, qua hai nhiệm kỳ, đã mở rộng tầm ảnh hưởng của mình bằng tiền và những nhóm lợi ích. Ông ta củng cố “cái ghế” của mình và mua sự ủng hộ từ vận động hành lang và sức ép kinh tế bằng công an.

Một trong những người bạn của tôi, Trịnh Văn Lâu, nguyên chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long, nguyên ủy viên trung ương Đảng, rất có ảnh hưởng và được kính trọng vì những năm tháng ở tù, nằm chuồng cọp ở Côn Đảo, đã viết một thư phản đối về vấn đề đó. Ông tiết lộ trong thư bằng cách nào ông được một chủ nhà băng ở Sài Gòn, phái viên của Nguyễn Tấn Dũng, trực tiếp đề nghị mua lá phiếu của ông. Trong một bộ máy quen với những thủ đoạn như vậy, Nguyễn Tấn Dũng đã dệt nên và củng cố những mạng lưới của mình, tới mức cạnh tranh thẳng với tổng bí thư rất thân Tàu Nguyễn Phú Trọng.

Giữa hai căn bệnh, Bắc Kinh mạnh hơn đô la

Nhưng chưa đầy bốn năm sau khi đưa ra những cam kết lệ thuộc vào Trung Quốc qua dự án Bô xít, vị thủ tướng đầy quyền lực đã làm mọi người chưng hửng khi tuyên bố tại Diễn Đàn kinh tế Thế giới “không muốn đánh đổi độc lập và chủ quyền (của Việt Nam) lấy hòa bình và tình hữu nghị (với Trung quốc) ảo tưởng hay vì sự phục tùng dưới bất cứ hình thức nào”. Sai lầm chết người, tội tự đánh giá quá cao và, dù sao thì thủ đoạn công khai tạo nghi hoặc về đường lối chính trị đoàn kết vô điều kiện với anh lớn Trung Quốc đã được đưa ra quá sớm. Đối với Bắc Kinh, bất chấp phát biểu nội bộ của ông ta như một người cộng sản không chỗ nào chê trách, những lới nói đó khẳng định rằng sự trung thành của Nguyễn Tấn Dũng không có được những đảm bảo như những đảm bảo của Nguyễn Phú Trọng. Mặt khác, ông thủ tướng lại quá gần với ngân hàng và vốn của Mỹ… Ba đứa con ông ta học trong những đại học Mỹ hay Thụy Sĩ; con gái ông, chủ tịch quỹ “Việt Capital Investment Fund” trị giá 55 triệu đô la, thành viên hội đồng quản trị Ngân Hàng Việt Nam. Một cô con gái đầy sức nặng cưới một người Mỹ gốc Việt, tổng giám đốc của “IDG Ventures Vietnam” đầu tư vào lãnh vực truyền thông, công nghệ và còn là, cái này thì bảo đảm là Mỹ hóa, người đứng đầu đại lý “Mac Donald” ở Việt Nam.

Lúc đó, những “vụ việc” lâu nay bị chôn lấp mau chóng được lôi ra ánh sáng nhờ bàn tay đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Ông này vẫn giữ trong đầu giọt nước mắt bất lực từng phải chùi vào tháng 10-2012, trước “toàn Đảng, toàn dân” vì thất bại trong cuộc chiến chống tham nhũng. Ông ta “đốt lò” hàng loạt những người cộng tác với địch thủ Nguyễn Tấn Dũng, những người liên can đến những “khoản lỗ” chóng mặt của những tập đoàn nhà nước. Những vụ bắt giữ ồ ạt tăng tốc và quả đạn trượt qua không xa vị xếp lớn được chủ tịch nước Trương Tấn Sang gọi công khai là “đồng chí X”. Nhưng con chuột này quá lớn nên việc loại bỏ nó, ném nó, có nguy cơ gây vỡ bình. Những mạng lưới kinh tế và những người ủng hộ ông ta ở uỷ ban trung ương Đảng còn quá mạnh.

Những lần chiến bại của tướng quân

Cuối cùng hội nghị toàn thể lần thứ sáu họp kín quyết định không kỷ luật “Bộ Chính Trị vì những sai lầm của một đồng chí trong nội bộ”. Do đó, Ông X biết thân rút lui và hứa sẽ trở thành “người tốt”, một lời cam kết từ bỏ mọi tham vọng chính trị hàng đầu. Nguyễn Phú Trọng đã loại được địch thủ. Ông này, cho đến năm 2016, sẽ chấm dứt nhiệm kỳ của mình một cách ngoan ngoãn và mọi vị tướng trên thế gian này, kể cả tướng Giáp huyền thoại, cứ việc biểu lộ những tình cảm yêu nước: Đảng đã quyết rồi. Đảng sẽ đưa đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, từ nay đã bị vô hiệu hóa, lên chót vót đỉnh danh dự. Sau đây là bài tụng ca được thủ tướng Phạm Minh Chính nói để kỷ niệm 55 năm tuổi đảng của đồng chí từ nay đã “tốt”, ngày 24 tháng 5-2022: “Tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; với tư tưởng Hồ Chí Minh; tin tưởng không lay chuyển vào chủ nghĩa mác xít-Lê ni nít; không lay chuyển trong việc thực thi những hoài bão và lý tưởng của Đảng; không lay chuyển trong việc bảo vệ những giá trị cách mạng mà những đảng viên gương mẫu của Đảng đang nghiên cứu, vun trồng và thực hiện và luôn cố gắng vươn lên”.

Đó là bức tường mà tướng Giáp đụng vào khi ông cáo buộc dự án bô xít: việc đó không có một cơ may thành công nào. Tệ hơn là ông thủ tướng đâu chỉ có một mình. Ông ta có người đồng hành là phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, rất thân Trung Quốc, bản thân cũng là chuyên gia trong việc phá sản của những công ty nhà nước Việt Nam, làm lỗ cho Việt nam để làm lợi cho… Trung Quốc và nguyên nhân của những vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như vụ Formosa.

Tiếng kêu của người chiến binh già Võ Nguyên Giáp, mấp mé tuổi trăm, bị Đảng chối bỏ trên thực tế, có cái gì đó thật bi tráng. Nhưng áo giáp của tướng quân rất dày, ông đã từng gặp những thời kỳ khó khăn khi bất đồng với đường lối thường hay thân Tàu của Đảng. Những cố vấn Trung quốc ở Điện Biên Phủ, nắm giữ cái vòi nước sống còn của viện trợ, những người đã thúc giục ông phải có chiến lược chóng vánh, rồi trả giá rất đắt về sinh mạng… người Việt; những tội ác trong cải cách ruộng đất mà ông phải công khai xin lỗi… Rồi những tin đồn cộng tác với CIA, việc loại ông ra ngồi chơi xơi nước trong quân đội được nhìn nhận như một cái tát vào vị tướng lừng danh. Ông đã trải qua tưổi già như vậy, được bày ra trước mặt tiền của một quá khứ đầy vinh quang mà Đảng giành hết trong khi phản bội lại ông.

Tuy nhiên tướng quân chẳng bao giờ để mình bị ngắt ra khỏi dòng thời sự, cũng không để lòng dũng cảm của mình bị dao động, bằng cách nói ra công khai chính kiến của mình. Chẳng hạn năm 2006, ông đánh giá như sau về những lãnh đạo cấp cao chịu trách nhiệm vụ án PMU 18* (đã đề cập ở những trang trước): “Những kẻ thù bên trong, bằng thủ đoạn tham nhũng, đã làm bại hoại Đảng khi che chở bảo bọc chúng để chúng hành động”. Mãi dâm, cá độ đá banh, sòng bạc lậu: hàng triệu đô la công quỹ bị tham ô. Ngay trước đại hội Đảng lần 10, câu trả lời của Đảng dành cho tướng quân rất rõ ràng, như một lời biện minh gay gắt: vụ việc không được đưa vào chương trình nghị sự. Trái lại vụ việc kéo dài bằng những đấu đá giành quyền lực và có những nhà báo bị bắt giam nhiều năm trời vị đã dính líu quá sâu. Thời kỳ đó là một khoảng khắc nhận thức mạnh của tôi.

Một năm sau khi lên án vụ án tham nhũng tày đình đó, tướng Giáp lại lâm trận năm 2007, lần này là chống lại quyết định của Đảng phá Hội trường Ba Đình, một tòa nhà lịch sử, đối diện với lăng Hồ Chí Minh, để xây dựng tòa nhà Quốc hội. Trong tất cả những tờ báo đã nhận được thư phản đối của tướng quân, chỉ có một tờ nhật báo quốc gia dám đăng nó. Những tờ khác tuân lệnh phải giữ im lặng. Tôi biết tất cả những điều đó nhờ hai năm sau gặp tướng quân và tôi mới nắm hết ý nghĩa của câu nói nhỏ của phu nhân tướng quân: “Chúng ta không được quyền quyết định”.

Để tang: Đảng thu nhỏ, nhân dân suy tôn

Tang lễ tướng Võ Nguyên Giáp không thể thu nhỏ như một số lực lượng trong Đảng mong muốn. Nhân dân Việt Nam và nhân dân nhiều nước trên thế giới sẽ không chấp nhận. Nhưng xét thấy tình cảnh cuối đời của cụ chiến binh già, tang lễ của cụ trở thành một “chủ đề nhạy cảm”. Không có một cuộc biểu tình phản ứng lại những vụ tấn công trên đất liền hay trên biển nào của Trung Quốc mà chân dung của tướng quân lại không hiện diện. Kể cả đám thanh niên, mặc dù không nắm hết những chi tiết của Lịch Sử, cũng giương cao chân dung cụ nhân những trận đấu bóng tròn ở châu Á!

Tin về cái chết của cụ vào ngày 4 tháng 10-2013, chỉ được báo chí chính thức công bố vào ngày hôm sau, sau nhiều mạng xã hội và còn rất trễ sau một số cơ quan truyền thông quốc tế. Phải có thời gian để Bộ Chính Trị quyết định tổ chức tang lễ cấp quốc gia. Vì điều đó không phải tự nhiên mà được. Theo một nghị định do… thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký, chỉ có bốn nhân vật cao nhất mới được lễ tang cấp nhà nước: tổng bí thư Đảng, chủ tịch Nước, thủ tướng chính phủ và chủ tịch Quốc Hội. Tướng Giáp chưa từng giữ bốn cương vị đó. Nghị định trên nêu những trường hợp khác sẽ do Bộ Chính Trị quyết định. Tôi còn nhớ lúc đó trong dân chúng có lúc còn nghi hoặc. Mặt khác, hai tướng lãnh là Nguyễn Trọng Vĩnh và Đồng Sĩ Nguyên, nhân sinh nhật thứ một trăm của đại tướng, đã cho đăng trên trang mạng bauxite.vn một bức thư nói rằng, trường hợp đại tướng từ trần, hai ông yêu cầu phải có lễ tang cấp quốc gia cho vị tổng tư lệnh tối cao của họ vì “nếu xem lại quá trình phấn đấu của những nhà lãnh đạo hiện tại, không có ai xứng đáng bằng tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp về mặt cống hiến cho Lịch Sử nước nhà”.

Cuối cùng Đảng cũng phải đồng hành với cụ một cách phù hợp, bị thúc đầy bởi hàng trăm ngàn người Việt Nam ở khắp các thành thị và làng mạc, cũng như của những người tập trung nhau lại trên những con đường dẫn đến nhà cụ ở Hà Nội một cách tự nhiên trong sự nhiệt tâm quả quyết, đầy tình cảm và nghiêm trang.

Thủ tướng Trung Quốc trước cả tướng Giáp

Tuy nhiên, họ đã không thể tránh được một trở ngại giờ chót cho sự tôn kính vị tướng của mình. Thời gian chính thức để tang quốc gia là hai ngày, tất cả cờ đều treo rũ. Thời gian này bị Đảng rút ngắn còn một ngày, nại lý do có chuyến thăm viếng ngoại giao “đã dự trù từ lâu”. Chuyến thăm của ai? Đố các bạn đoán ra… của thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường. Do đó, là cờ đỏ sao vàng treo rũ để tang cho vị tướng lịch sử của nó đã được kéo lên sớm hơn để vinh danh một vị khách có lẽ đến đây để ký, với đồng cấp Nguyễn Tấn Dũng, những hiệp định mới mà chắc hẳn tướng quân sẽ tố giác.

Madeleine Riffaud và cuộc chiến thứ tư

Nhắc đến Việt Nam, thì Madeleine Riffaud không cần phải giới thiệu. Là phóng viên của tờ L’Humanité, bà đã đồng hành với người dân Việt Nam trong công cuộc kháng chiến, dưới bom đạn ở Hà Nội, Hải Phòng, trên vĩ tuyến 17, trong chiến khu miền Nam, dưới địa đạo… bên cạnh “đội quân búi tóc” (1). Chị Tám Riffaud đã thi gan cùng cái chết, bệnh tật, nỗi sợ bên cạnh người dân Việt Nam. Bà cũng đã hy sinh mối tình trái cấm với nhà thơ Nguyễn Đình Thi (2). Hồ Chí Minh đối xử với bà trìu mến như cô con gái nhỏ và bà thì tôn sùng ông.

Tôi biết chuyện của bà từng mảnh một, từ những tháng năm đằng đẵng trong tù, từ những người bạn Việt Nam. Tên của bà cùng tên của Henri Martin (3) và Raymonde Dien (4), là những tên tuổi không thể tránh khỏi khi nhắc đến tình đoàn kết đấu tranh. Người ta đã làm thơ, bài hát về điều đó. Tôi mới chỉ thỉnh thoảng gặp bà ở Hội Hữu nghị hay tòa đại sứ Việt Nam ở Paris. Bà đã chia sẻ với tôi những mối bận tâm của bà và đã ký tên dưới bản kiến nghị ủng hộ khi tôi ở trên gác chuông nhà thờ năm 2003.
Tôi không được tin gì từ bà nhiều tháng tới khi bà gọi điện thoại cho tôi để nói về một chuyện làm phiền lòng bà rất nhiều. Từ ngày người yêu của bà, Nguyễn Đình Thi, mất, bà cố gắng mà không thành công lấy lại những bức thư tình giữa bà và ông và một vài đồ vật cá nhân, lúc này đang nằm trong tay con trai nhà thơ, Nguyễn Đình Chính, cũng là nhà văn và nhạc sĩ. Đối với bà, chúng có giá trị tình cảm lớn và bà sợ chúng bị rơi vào tay kẻ xấu. Một trong những người bạn Pháp của bà, Jean-Luc, được bà giao nhiệm vụ tới Hà Nội để thu hồi kho báu và cả bà Nguyễn Thị Bình đầy uy tín, bạn của bà Madeleine nữa, cả hai đều thất bại trong nỗ lực lấy lại. Theo hiểu biết của tôi, người con trai mong muốn tiếp cận Madeleine khi đến Pháp và thương lượng theo cách nào đó về những tài liệu riêng tư nói trên. Câu chuyện diễn ra cùng lúc với sự hâm mộ bất ngờ vị phu nhân nổi tiếng này từ phía một số người bạn Việt Nam muốn tiếp đón bà ở Sài gòn. Ở Hà Nội, chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, cho tôi biết về một dự án Bảo tàng Madeleine Riffaud ở thủ đô và nhờ tôi thuyết phục bà cho mượn những đồ vật thuộc về bà. Thật là quá quắt! Những người bạn ở Sài Gòn đồng thời nhờ tôi thuyết phục bà đến Việt Nam.

Tôi rất yêu mến Madeleine và tính cách bộc trực của bà, với sự ngưỡng mộ lớn dành cho người phụ nữ phi thường và người chiến binh mà bà đã thể hiện trong kháng chiến ở Pháp và Việt Nam. Nhưng đầu óc tôi bận bịu với những dự án hành động bên cạnh các ngư dân và những người bạn dân chủ khác, khiến tôi tốn rất nhiều thời gian, năng lượng và tiền bạc. Hơn nữa, bỏ qua mối bận tâm chóng qua này, biết rằng bà đang sống trong một quá khứ tuyệt đẹp, đầy vinh quang, cả lãng mạn nữa mà tôi thì mới bắt đầu vùng vẫy trong một hiện tại ít vẻ vang hơn, lại thường hay gây phiền toái, khiến ký ức vinh quang bị ô nhiễm đi. Bà đã đi hết ba cuộc chiến tranh, Kháng Chiến, Việt Nam, Algérie mà cuộc chiến thứ tư tôi vừa bước vào, lại xa lạ đối với bà. Tôi không thể vượt quá một vài sự vận động. Hơn nữa, tôi rất phiền khi phải một lần nữa đến thăm đòi nợ người con trai của người yêu bà. Thậm chí rón rén, người ta cũng không dám đường đột xông vào cuộc sống của những nhân vật như vậy. Tôi đành ngăn mình đóng vai trò sứ giả – người đưa thư một cách kín đáo nhất có thể.

Trước khi đi Việt Nam, ngày 2 tháng 9-2010, tôi đến nhà Madeleine ở Paris để lấy những bản thư nghe nhìn mà bà gởi cho bà Bùi Thị Mè và ông Dương Đình Thảo, các bạn của bà, vì bà không thể nhìn rõ để viết thư tay nữa. Tôi được giao nhiệm vụ đưa đến tận nơi hai tài liệu quý. Tài liệu thứ nhất là một thư vidéo gởi cho tướng Giáp, nhân sinh nhật thứ một trăm của ông, thứ hai là một đĩa DVD vừa được phát hành: Les trois guerres de Madeleine Riffaud (Ba Cuộc Chiến của Madeleine Riffaud) – phim tài liệu của Philippe Rostan. Bà mong muốn “nó được các bạn Việt của chúng ta xem để đánh giá xem có thể chiếu ở Việt Nam được không”.

Do đó tôi đã gặp người con trai của người yêu bà tại nhà riêng ở Hà nội, một ngôi nhà bề thế không xa sông Hồng. Người này không làm tôi tin tưởng lắm. Và tôi cũng chẳng hề đòi được vật gì thuộc về Madeleine. Ở Sài Gòn, tôi bắt liên lạc với giám đốc đài truyền hình, sau vài câu đánh trống lảng, cũng cho phát lời chúc mừng sinh nhật tướng Giáp. Sau đó tôi liên lạc với nhóm bạn của Madeleine để nói với họ về cái đĩa DVD mà bà đã từ chối cho phát tại Maison du Vietnam (Nhà Việt Nam) ở Paris vì lý do cắt xén quá nhiều và những trở ngại tài chánh và pháp lý với France Ô. Những người bạn Sài Gòn của tôi nắm ngay lấy cơ hội, họ đã mời tôi đến xem phim.

Kiều Xuân Long, người đã quen biết Madeleine trong chiến khu, đến đón tôi ngày 22 tháng 10 ở đường Lê Quý Đôn với cái xe BMW cũ kỹ của anh để đưa tôi tới Sở Ngoại vụ. Tôi được Bùi Thị Mè và Dương Đình Thảo, hai người nói tiếng Pháp hoàn hảo, đón, có Lan, cán bộ bộ Ngoại giao, năm trước đã đồng hành với tôi trong việc làm thủ tục hành chánh để được cấp quốc tịch Việt Nam và một phó phòng, một trưởng ban nhỏ tên là Tuấn với thông dịch viên của anh ta. Bầu không khí rất trịnh trọng.

Trong phim, Madeleine, với một sự tế nhị khôn khéo, nhắc về sự kiện mà bà gọi là “kịch tính năm 1956” và “áp lực từ phía những anh trai lớn Mát-xcơ-va và Bắc Kinh” dẫn đến “hàng vạn người bỏ mạng”. Bà nói về Hồ Chí Minh “Bác đã muốn từ chức”. Tóm lại, Lịch sử như bà đã sống. Đèn vừa bật sáng, Thảo cướp lời ngay để đi thẳng vào chủ đề: “Madeleine có quyền phát biểu như bà muốn nhưng nói rằng Bác Hồ ”bị buộc phải”… là lăng mạ Bác”. Ba lần như một, ông lập lại câu nói, tiếp theo sau là lời hùng biện: “Nói như vậy chẳng khác nào nói Hồ Chí Minh phải theo lệnh của người Nga và người Tàu trong cải cách ruộng đất. Điều này có hại cho Việt Nam”.

“Bị ảnh hưởng bởi báo chí tư sản”

Và Bùi Thị Mè đế thêm, nặng nề hơn: “Madeleine đã bị ảnh hưởng bởi báo chí tư bản… Đặt cuốn phim này vào tay bọn phản động là tạo cho chúng cái cớ”. Nhưng bà mau mau xức miếng dầu cù là giảm đau: “Chúng tôi kính trọng người chiến sĩ bất khuất, độc lập, người bạn có một không hai”. Về tình yêu bị ngăn trở với Nguyễn Đình Thi, Thảo tích cực hóa: “Sự hy sinh này còn làm cho mối quan hệ của bà với Việt Nam thêm mạnh mẽ”. Nhưng anh sếp kiểm duyệt không đồng ý: “Nói theo kiểu đó là rất tiêu cực: làm sao giải thích được rằng các vị lãnh đạo thúc đẩy người ta cưới nhau rồi, bất chấp tất cả, chia lìa họ. Công chúng sẽ không thích điều đó đâu…” Về cải cách ruộng đất, Bùi Thị Mè: “Nói về điều đó làm gì nữa? Lâu quá rồi mà…”

Viên quan chức của Bộ Ngoại giao theo đà đó mà kết luận. Anh ta lạnh nhạt cám ơn tôi đã trao phim và nói rằng với tư cách là người trẻ (nghĩa là bốn mươi tuổi), điều đó cho phép anh ta hiểu được một số chuyện trong quá khứ. Song le anh ta nghĩ một số đoạn trong phim cần phải thay đổi đi để được chiếu ở Việt Nam và rằng phim quá dài. Nói cách khác: hoặc phải cắt xẻo theo khẩu vị của chế độ hoặc sẽ tuyệt đối không được thông qua.

Tôi chờ đến lúc nghỉ giải lao khi người ta muốn nghe ý kiến của tôi để nói, theo những gì tôi được nghe, thì cuốn phim có lẽ sẽ không được chiếu ở Việt Nam. Tôi không che giấu nổi sự thất vọng: tôi đã cho họ biết rằng tôi tiếc vì đã phí thời gian để nghe những đánh giá như vậy, sánh ngang với thời cải cách ruộng đất, và rằng, nếu cuốn tài liệu về Madeleine này không thể làm đẹp cái điều không thể làm đẹp, nó lại là chứng nhân cho một tình yêu không phải phổ biến dành cho Việt Nam. Tôi than thở rằng, rõ ràng một số người không xứng đáng với tình yêu ấy. Và tôi tiếp tục: “Đúng là cải cách ruộng đất có thật, hỡi ôi với hàng triệu người Việt. Đúng là Madeleine đã trải qua nó và đã chứng kiến những tòa án nhân dân nếu không muốn nói là những vụ hành hình chóng vánh tương tự như những đồng nghiệp Xô Viết của bà. Bà đã không nói ra điều đó, thật đáng tiếc. Nhưng bà đã nói với tôi. Tôi thì có lẽ tôi sẽ nói vì điều đó sẽ tốt cho sự thật và nền dân chủ. May là nhiều người Pháp khác, lúc đó còn là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng là chứng nhân của những thời khắc vô nhân đạo đó; họ đã nói ra cho khắp bàn dân thiên hạ như Albert Clavier và Georges Boudarel. Họ đã xin ra khỏi Đảng và chỉ toàn thân khi trốn ra nước ngoài. Ai dám phủ nhận điều đó? Hồ Chí Minh đã bị Đảng Cộng sản Tàu và những người ủng hộ nó trong nội bộ Đảng Việt Nam khống chế như con tin và Madeleine đã đúng khi hé lộ rằng quyền lực của Bác Hồ và có thể cả sự an nguy của Bác nữa cũng bị đe dọa. Nói ra điều đó, không phải là lăng mạ Bác mà, trái lại là đàng khác, nó đã chứng minh bằng cách nào quyết định và như thế là trách nhiệm về những tội ác thời kỳ đó hoàn toàn thoát khỏi ý chí của Bác… Đúng, tình yêu của Madeleine đã bị cấm đoán và Hồ Chí Minh không thể bảo vệ bà. Đúng, người ta đã âu yếm nói với bà: ”Madeleine, thu dọn hành lý đi!”“.

Tôi khó mà kìm nén được sự phẫn nộ trước đầu óc đông cứng giáo điều của những người mà dù sao tôi cũng biết là tử tế và dũng cảm. Với thái độ khô khan, tôi lấy lại cái DVD mà anh chàng trưởng ban muốn giữ lại. Trước khi rời khỏi phiên họp xoi mói, Thảo nhắc khéo, chắc là với tôi, đừng nhắc nhở gì tới buổi chiếu này: “chỉ là buổi chiếu giữa những người bạn, không có gì chính thức”. Tôi đã đề nghị điều này ngay từ đầu và đó cũng là mong muốn của Madeleine, bà chỉ đơn giản muốn biết ý kiến của những người bạn chứ không phải kiểu dàn dựng kỳ cục và mang tính quyết định mà chính Thảo tổ chức. Để giương dù che chắn ư? Khi chào tạm biệt, anh chàng trưởng một cái ban nhỏ xíu còn có can đảm nói với tôi: “Khi nào bác có phim gì khác, cứ đem lại đây chúng ta cùng xem”. Tôi đi ra luôn chẳng chờ ai hết.

Vừa đi tôi vừa tự nhủ: sao lại có thể như vậy được? Nhất là từ phía Thảo. Và tôi ôn lại trong đầu những hình ảnh đẹp trong quá khứ. Thảo, bình thường rất nồng nhiệt, cởi mở, rất thông minh, nguyên phát ngôn nhân của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời (GRP), người đã mời tôi cùng Annie ăn uống với chủ tịch Huỳnh Tấn Phát ở Verrières-le-Buisson. Cũng anh Thảo này, trước những bạn Tà ru, đã lén ôm hôn tôi theo kiểu Nga khi tôi trở lại Sài Gòn năm 2002; người đã tâm sự về sự “ngu ngốc và mờ ảo” của khái niệm “quyền làm chủ tập thể của nhân dân” bên lề đại hội Đảng năm 1977, người đã giải thích với tôi, năm 2004, rằng “thuyết giảng trong chùa thì dễ hơn thuyết giảng ngoài chợ”, người đã nhiều lần tâm sự với tôi rằng “đang gặp biển động mà không có bánh lái”, người đã không làm gì khi tôi xin vào quốc tịch Việt Nam nhưng đã mời tôi ăn bánh để mừng khi tôi có được quốc tịch… Và sau cùng, làm sao mà cũng anh Thảo này, người bạn lớn của Madeleine, người được Madeleine mời nhiều lần đến nhà bà ở Normandie chơi cùng với những thành viên khác trong phái đoàn miền Nam tham dự Hòa đàm Paris, làm sao bây giờ anh lại có thể lôi bà xuống như vậy trước một quan chức nhỏ xíu?

Đừng tham gia vào chuyện chính trị!

Và cái thái độ nửa bao che, nửa dạy đời dành cho bà bạn Madeleine của anh: “Bà là một nữ anh hùng đã cống hiến rất nhiều cho Việt Nam mà chúng ta rất yêu mến, nhưng bà lại hơi ngây thơ và không cân nhắc lời nói… Bà cứ viết, chụp ảnh, quay phim… nhưng bà đừng nên tham gia vào chuyện chính trị”.

Ngay tối hôm chiếu phim, Thảo đã điện cho tôi nhưng tôi không bắt máy. Tôi không muốn nói với anh những gì tôi nghĩ về việc làm đáng xấu hổ của anh, cũng không muốn nghe những câu than vãn, hay những lời tâm sự. Tôi muốn xóa bỏ cái khoảnh khắc ác mộng đó, qua đó hình ảnh của anh trong tôi vừa phai tàn đi. Tôi đã không bao giờ gặp lại anh nữa. Việc đó đôi lúc làm tôi hối tiếc. Tôi cũng không thuật lại chi tiết buổi chiếu đó cho Madeleine. Để làm gì? Câu chuyện buồn thảm đó chỉ là một trong những chiến dịch thanh lọc mà Đảng biết cách thực hiện: viết lại Lịch Sử theo sự tiện lợi trước mắt. Phải chăng chính bản thân chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã được ướp xác trong lúc ông muốn được hỏa thiêu? Không phải người ta đã cho ông chết một ngày sau khi chết thật vì cái chết của ông diễn ra đúng ngày quốc khánh để rồi hai mươi năm sau mới nói ra sự thật?

clip_image005
Dương Đình Thảo, Annie và André Menras, Phan Thị Minh (Paris 1973)

 

Ngày 1 tháng 11, tôi gặp Lợi, lúc nào cũng sẵn sàng để thực hiện một phim về hòa bình. Có vẻ anh là người thạo tin tình báo công an, anh đã khẳng định với tôi nhiều lần rằng Thảo đã bị “đánh”. Ngay sau giải phóng, Thảo xứng đáng có một địa vị quan trọng hơn là chức vụ giám đốc sở văn hóa thông tin của Thành phố. Lúc bấy giờ, tất cả những cán bộ cao cấp của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam, bà Bình, Thảo, bà Minh, v.v. là những tiếng nói rất nặng ký. Chúng mau chóng bị Hà Nội làm cho nhỏ lại, đặc biệt là tiếng nói của Thảo là người đã phát ngôn không đồng ý với đường lối của Đảng. Bây giờ anh sợ.

Ngày 3 tháng 11 tôi gặp Kiều Xuân Long, người đã dẫn tôi tới sở Ngoại vụ để dự buổi chiếu phim. Trước khi tôi về Pháp hôm sau, anh đã đem tới cho tôi thư từ và quà của bà Bùi Thị Mè và Thảo gởi cho Madeleine Riffaud. Khi tôi tỏ ra giận thái độ của Thảo, anh khẳng định với tôi rằng Thảo sợ vì “anh ấy đã nhiều lần bị đánh” nhưng nhất là vì anh ấy đã có mặt ngoài Bắc khi diễn ra cải cách ruộng đất. Do đó anh ấy hoàn toàn biết Madeleine Riffaud đã nói thật. Long nói thêm những gì tôi vừa trải qua không phải là một hiện tượng riêng lẻ. Anh nói về sự áp đặt của miền Bắc lên miền Nam ngay sau 1975 và khẳng định rất nhiều trí thức miền Nam không dám nói lên chính kiến. “Họ đã rất can đảm hồi thời còn Mỹ những họ đều sợ hãi dưới chế độ cộng sản”. Thế mà, người đàn ông đang nói với tôi đây đã trải qua tuổi thanh niên dưới bom đạn, trong rừng chiến khu. Ngay trước khi lên máy bay về phi trường Roissy, tôi đã lọt vào một lỗ không khí to (quá hụt hẫng!).

Gọi “đồng chí”, một danh xưng đẹp. Lời chứng kinh khủng của Tân

Đó là vào tháng 9 năm 1977 tại TP Hồ Chí Minh, tôi gặp Thiều Thị Tân lần đầu tiên. Tôi được long trọng mời đến Việt Nam, chỉ hai năm sau cuộc chiến tranh chống Mỹ, một năm trước cuộc tấn công quân Khmer đỏ ở Cam-pu-chia và hai năm trước cuộc công kích tàn phá của Trung Quốc vào biên giới phía Bắc nước ta. Ý muốn nói rằng bầu không khí hoàn toàn không thích hợp cho những cuộc gặp gỡ hay tái ngộ thanh thản.

Lúc đó là cuối buổi họp mặt có khoảng năm mươi cựu tù chính trị của chế độ Sài Gòn, chủ yếu là đàn ông, mà tôi đã gặp ở Chí Hòa, những người từng biết chuồng cọp ở Côn Đảo. Trong cơn chóng mặt của những cái ôm và những câu chuyện qua lại, tôi không có thời gian để bắt chuyện với Tân (Danièle) và chị gái cô, Tạo (Mado). Tôi chỉ còn nhớ gương mặt trẻ con và hay cười của cô gái 24 tuổi với khả năng nói tiếng Pháp tuyệt hảo, vì cô đã tiếp cận tôi ở cuối buổi họp mặt để nhờ tôi gởi cho cô từ Pháp cuốn Le Capital của Karl Marx! Tôi quen anh trai cô, tù chính trị ở Chí Hòa, anh đã kể cô nghe chi tiết về cung cách ở tù của tôi, điều khiến tôi có thiện cảm hơn trong mắt cô.

Tôi chỉ gặp lại Tân năm 2002 mà chẳng có tin tức gì từ cô trong suốt khoảng thời gian đó. Lúc đó tôi mới biết lõm bõm về câu chuyện thương đau của cô. Theo năm tháng, khi chúng tôi đã thân nhau hơn, cô tiếp tục tiết lộ nhiều hơn. Cho đến những cuộc đấu tranh gần đây nhất đã làm chúng tôi xích lại gần nhau từ từ dẫn tới một tình bạn thật sự. Cô đã mở cho tôi nhiều cánh cửa và đồng hành cùng tôi trong nhiều tình huống hiểm nghèo khi tôi thực hiện cuốn phim cuối, trong đó cô dũng cảm lên tiếng làm chứng: Vietnam, un cri qui vient de l’intérieur (Việt Nam: tiếng thét từ bên trong).

Cả hai chúng tôi đều là thành viên câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng ở TP Hồ Chí Minh. Nhưng chỉ đến ngày thứ sáu, 15 tháng 12, cô mới quyết định xé toang màn bí mật về những khoảng khắc tăm tối nhất trong cuộc đời của cô gái tù chính trị qua những lời chứng gây sửng sốt, được thốt ra trong nỗi đau tột cùng và dù biết rằng khi được in trong cuốn sách này sẽ có những hậu quả nặng nề cho người phụ nữ dễ tổn thương là cô hiện nay. Tôi đã lưu lại đoạn phim gốc.

Một bước đường rất đặc biệt của người nữ kháng chiến

Trong khám Chí Hòa, tôi đã gặp nhiều tù nhân chính trị rất trẻ, xuất thân từ những gia đình kháng chiến hay bị bắt vì những hành động phản kháng (giao liên, chuyên chở vũ khí kể cả nhân viên phá hoại và chiến sĩ). Tất cả đều đến từ giới nông dân nghèo và sống ở nông thôn hay ngoại ô thành phố. Phần lớn đều mù chữ. Đó không phải trường hợp của cô Tân nhỏ tuổi, tham gia kháng chiến ở tuổi mười ba.

Mẹ cô, phụ nữ đơn thân, mặc dù vất vả trong chợ An Đông để bán trái cây và đôi khi cả vải vóc, nhất quyết phải cho hai con gái một nền giáo dục tiếng Pháp vững vàng: học tiểu học ở Trường Pháp Chợ Lớn rồi lên trung học ở trường Pháp, Marie Curie. Chính ở đó, Tân cùng học với con gái của những sĩ quan cao cấp của Sài Gòn.

Là học sinh giỏi và dễ kết bạn, cô thường được mời về nhà những cô gái này nhân những dịp lễ tết nên cô thấy được hố ngăn cách khổng lồ giữa cái thế giới sung túc đó và thế giới trong đó mẹ cô đang làm ăn cực nhọc.

Tân đã chứng kiến vụ đàn áp Phật giáo cứng rắn của Ngô Đình Diệm. Ngày 11 tháng 6-1963, kinh hoàng và giận dữ, cô bé mười tuổi có mặt trong đám đông người, khi thượng tọa Thích Quảng Đức tự thiêu.

Cô cũng đau buồn và phẫn nộ khi nghe tin qua đài phát thanh những trận bom Mỹ khủng khiếp đánh xuống những đồng hương miền Bắc Việt Nam trong những năm 1964, 1965. Trong bối cảnh bạo lực toàn thể và đầy đàn áp này, Tân, ở tuổi mười ba, đã tự mình đi đến cùng một kết luận với tôi ở tuổi hai mươi: chỉ có chiến thắng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam mới có thể chấm dứt cuộc chiến tàn khốc này. Phải giúp sức cho kháng chiến thôi!

Chính vì vậy cô học trò Tân và chị gái cô, Tạo, sau nhiều chuyến thăm dò, đã liên lạc được với tổ chức kháng chiến và được dự những khóa huấn luyện du kích chiến. Mọi chuyện diễn ra ở Trảng Bàng, cách Sài Gòn bốn mươi lăm km. ”Chúng tôi được đào tạo tháo ráp súng trường, tiểu liên, súng ngắn K54 rồi AK47, AK50, cách sử dụng TNT rồi chất C4, chất nổ mạnh gấp mười lần nhập từ Liên Xô, dễ nhào nặn hơn, dễ nhét vào lon bia, vỏ xe, đồ hộp...” Bé Cò, đó là bí danh được đặt cho cô vì vóc dáng mảnh khảnh của cô. Cô mau chóng trở thành chuyên gia và được gia nhập “một đơn vị quân sự gọi là ban Binh Vận, chuyên lung lạc tinh thần binh lính và sĩ quan quân đội địch”, dưới quyền lãnh đạo của Uỷ Ban trung ương Mặt trận GPMN. “Đã có cuộc tổng tấn công năm mới âm lịch 1968 mà tôi không được tham gia. Chưa đủ để chặn đứng chiến tranh. Rồi đợt thứ hai vào tháng 5 cùng năm cũng thất bại. Nhưng ít người biết có đợt tấn công thứ ba đầu tháng 10-1968, lần này thì tôi có tham gia, lòng thầm nhủ chắc đây là cú đánh quyết định của cuộc chiến. Lúc đó tôi mới mười lăm tuổi. Theo các chỉ huy của chúng tôi, có tất cả mười chín điểm chiến lược trong Sài Gòn cần phải chiếm giữ khoảng nửa giờ trước khi quân chính quy đến thay thế. Trong số những điểm then chốt ấy đặc biệt có dinh Độc Lập, tòa đại sứ Mỹ, đài truyền hình và đài phát thanh, bộ chỉ huy hải quân, trung tâm cải huấn Chí Hòa và bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia. Điểm cuối này được giao cho đội chúng tôi và đã nhiều tuần lễ chúng tôi chuẩn bị cho thời điểm đó bằng cách chuyển chất C4 từ mật khu về nhà rồi vào bên trong trụ sở của bộ tư lệnh cảnh sát. Chặng cuối này trông chờ vào một người bạn gái tên Kim, nhân viên lâu năm trong những cơ quan này. Trong cuộc tấn công đầu tiên đầu tháng 1, quân kháng chiến đã xâm nhập vào quận Mười và để đẩy họ ra khỏi đó, quân đội Sài Gòn đã thiêu rụi một loạt nhà cửa, trong đó có nhà cô bạn gái. Chúng tôi đã cho gia đình cô chỗ tạm trú và thuyết phục cô giúp chúng tôi khi chúng tôi thi hành nhiệm vụ. Sau khi được đánh giá đáng tin cậy, cô được đặt bí danh là “Dung”. Trong nhà chúng tôi đã có năm ký C4, sẵn sàng để được chuyển vào bên trong trụ sở cảnh sát. Nhưng, thật là thảm kịch, “Dung”, vì yêu một cảnh sát mà chưa được cha mình, rất hủ nho, cho phép kết hôn chừng nào hai người chưa có nhà riêng. Mặt khác, một đạo luật vừa được thông qua, để phá vỡ hạ tầng cơ sở của Việt Cộng trong lòng thành phố, luật này tăng cường việc săn lùng những người ủng hộ phe kháng chiến: người nào phát hiện ra dù chỉ một truyền đơn hay một dấu hiệu có cảm tình với Việt Cộng trong nhà nào sẽ trở thành chủ nhân của căn nhà đó. Một phần chất C4 để trong nhà chúng tôi, “Dung” đã phản bội chúng tôi để được thưởng căn nhà đó và do đó được cha cô cho phép kết hôn.”

clip_image006
Thiều Thị Tạo và Thiều Thị Tân

Bị bắt, tra khảo và Nhà Tù

Tân và Tạo bị bắt trên đường đến trường Marie Curie. Tạo có một số truyền đơn trong cặp. Mọi thành viên trong gia đình cô đều bị bắt. Những cuộc hỏi cung trước hết diễn ra tại Chợ Lớn, trong một vi la hai tầng bề ngoài bình thường, gần một con kênh có tên “Kênh Tàu Hủ”, ngay góc đường An Bình. Đó là trụ sở của hai cơ quan tình báo (Ty 2 và Ty 3) của bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia, trong đó có nhiều văn phòng, phòng hỏi cung và giam giữ. “Vụ bắt giữ là kết quả của một năm theo đuôi và cuộc bố ráp nhắm vào mọi người có liên lạc với chúng tôi trong giai đoạn này, từ ông bán rau đến anh chàng theo đuôi, tán tỉnh tôi khi tan học ở trường. Mẹ tôi bị xiềng cùng với phụ nữ, hai anh tôi với đàn ông, nhưng thằng em út năm tuổi, Noël Hiếu, được để tự do trong phòng. Vậy mà nó mè nheo, đòi được xiềng như những người khác. Vài ngày sau, những người thân của tôi được trả tự do cùng phần lớn những người khác. Bọn cảnh sát cách ly tôi với chị Tạo. Họ còng tôi vào một cái khoen ở tường, ngồi bệt xuống nền gạch bông. Suốt những cuộc hỏi cung, tôi thường bị đánh, những cú dùi cui vào bàn tay trái, vết phỏng thuốc lá, tôi bị treo lên không bằng tay trái với một dải băng cắt ra từ ruột xe cột ở cổ tay để không lưu lại dấu vết. Chúng tránh đụng đến bàn tay phải và cánh tay phải, dành cho việc ký tên vào những tài liệu. Việc này kéo dài gần ba tuần lễ. Để làm tôi khiếp sợ, chúng dẫn tôi vào một phòng, ở đó tôi thấy chị Tạo nằm dài trên một cái băng ghế cứng thô ráp, đầu thấp hơn chưn, một mớ giẻ trên mũi và miệng, dưới một sô nước có vòi mở đóng. Nước chảy và rót vào mũi chị. Trong tình cảnh khủng khiếp đó và bất chấp sự đau đớn không thể tả, khi phải đối diện với cái thân thể của chị tôi, bị trói chặt bằng những sợi thừng dơ dáy, mặt và lông mày thấm đẫm nước, tôi vẫn thấy chị tuyệt đẹp… Lúc đó người ta đẩy tôi ra cửa, rời khỏi phòng tra tấn, Hai chưn mang tôi đi nhưng cặp mắt tôi không tài nào rời khỏi chị tôi, với cái váy lót đăng ten trắng run rẩy dưới cái váy hoa của chị. Về phần tôi, tôi vẫn còn giữ trong đầu kỷ niệm đặc biệt về một buổi hỏi cung trong đó một tên cảnh sát giáng cho tôi một cái tát mạnh và bất ngờ đến nỗi tôi té nhào xuống đất mụ mị luôn. Hàng loạt ngôi sao chớp tắt quanh đầu tôi và bất chấp sự đau đớn và áp lực, tôi bắt đầu nghĩ đến “Tintin và Milou” và thuyền trưởng Haddock. Vì khi ông này ngã xuống người ta thường vẽ đầy ngôi sao quanh ông. Những ngôi sao của tôi làm tôi nhớ đến những ngôi sao của ông.

-– “Mật khu của tụi bay ở đâu? Ai chỉ huy tụi bay? Ai dạy tụi bay sử dụng chất C4?” Và nhất là, luôn luôn là câu hỏi đầu tiên: ai thuyết phục tụi bay theo Việt Cộng?” Bọn chúng không thể nào tin rằng chính tình cảnh của đất nước bị chiến tranh tàn phá và một xã hội quá tàn bạo đã đủ để thuyết phục chúng tôi và dẫn chúng tôi đến với kháng chiến”.

Một sự tình cờ oái ăm, trưởng phòng tình báo, người đứng đầu cuộc hỏi cung Tân và chị Tạo của cô, trung tá Nguyễn Mậu, nói tiếng Pháp hoàn hảo, sẽ là người hỏi cung tôi hai năm sau.

Thế rồi, đầu tháng 12-1968, Tân bị chuyển về Tổng Nha Cảnh Sát để điều tra bổ sung. Ở đó, cô chỉ bị hỏi cung chích điện một lần duy nhất và theo cô, có lẽ là nhờ Nguyễn Mậu đã bảo vệ hai cô, cô và Tạo, khỏi những cực hình tồi tệ nhất. Hồ sơ đóng lại mà không có gì mới, cô bé bị gởi ra trại giam Thủ Đức. Chế độ ở đó rất hà khắc và sự phản kháng của nữ tù nhân chính trị thì ngoan cường. Tra tấn là như cơm bữa.

Tháng 6-1969, Tân ra tòa án quân sự Vùng Ba Chiến Thuật. Cũng là tòa sẽ kết án tôi hai năm sau. Trong đêm 22 tháng 8-1969, ba nữ tù nhân mất mạng, sau khi bị cách ly và tra tấn nhiều tuần liền vì không chịu chào cờ Sài Gòn. Tân cho tôi tên của họ: Đặng thị Rành, 16 tuổi; Nguyễn thị Tần, 42 tuổi và Nguyễn thị Xuân Đào, 40 tuổi. Hôm sau, vụ bạo loạn diễn ra sau đó đã đầy Tân và các nữ đồng chí của cô về khám Chí Hòa, nơi cô bị nhốt trong khu OB, cũng chính cái khu mà tôi bị nhốt sau đó. Cô ở đó tới ngày 26 tháng 11, ngày bị đi đày sau cùng ra Côn Đảo, với bốn trăm nữ tù khác, ngay trong các “chuồng cọp”.

Hai lần bị đày Côn Đảo

Một trăm hai mươi chuồng chia thành hai khu nhốt bốn trăm phụ nữ. Cô bị giam cùng chị Tạo và một phụ nữ khác trong chuồng số 60. Lần theo những cuộc đấu tranh để sinh tồn và chống lại việc áp đặt chào cờ Sài gòn, tháng này tiếp nối tháng khác với những khoảng khắc khủng khiếp: nước hạn chế theo khẩu phần và cơm không có muối, không có thuốc men, đôi khi bị cùm cứng, ẩm ướt và lạnh lẽo, vệ sinh không có… Ngày 7 tháng 7-1970 khi đi thăm nhà lao, nhà báo Mỹ Don Luce và một nhóm nghị sĩ do Augustus Hawkins thuộc đảng Dân Chủ dẫn đầu, đồng hành cùng vị thư ký ban đại kết những giáo hội vì Việt Nam (của Mỹ), khám phá ra những chuồng cọp từ những tài liệu mật do một sinh viên vừa được trả tự do tiết lộ. Đó là Cao Nguyên Lợi mà tôi đã đề cập đến ở trên. Công luận Mỹ và thế giới xúc động. Ba tháng sau, Tân và các bạn nữ được chuyển qua trại số 5 và phân vào những phòng (buồng) lớn rộng rãi hơn nhiều. Khoảng 70 tù nhân một buồng, tay chân không còn bị trói buộc và không cấm liên lạc với nhau nữa. Họ ở đó đến đầu năm 1971 thì được chuyển về đất liền vào nhà lao Tân Hiệp. Rồi từ Tân Hiệp, Tân bị chuyển vào bệnh viện tâm thần Biên Hòa, cùng bệnh viện mà tôi sẽ phải ở hai năm sau. Và cũng chính vị bác sĩ giám đốc, bác sĩ Hiệp, sẽ dũng cảm giải thoát chúng tôi khỏi cái áo nịt của người điên mà chế độ muốn nhốt chúng tôi vào đó để tước đi mọi ý nghĩa của cuộc chiến chúng tôi tiến hành. Sau hai tháng sống với người tâm thần, một lần nữa Tân lại bị đày ra Côn Đảo, vào trại số 4. Cô và chị gái sẽ ở đó tới tháng 9-1973. Rồi Tân và hơn hai trăm nữ tù lại được chuyển về trại số 2, trong những buồng lớn 8, 9 và 10.

Trong những điều kiện nhân đạo hơn, cuộc sống tập thể mạnh lên và cấu trúc của đảng cộng sản cũng vậy. Chi bộ Đảng, thường phát động và điều phối những cuộc đấu tranh, có thể can thiệp vào mỗi phòng thông qua một cấu trúc nhỏ gọi là tổ, quy tụ vài ba đảng viên, cho phép phối hợp những hoạt động trong nhà lao và tạo điều kiện cho việc loan truyền thông tin. Chính những tổ này, gồm phần lớn là thanh niên, khi có những cuộc tấn công của cai ngục sẽ ra đứng trước để bảo vệ những người tù yếu ớt nhất.

Những người “đa số” trong Đảng đàn áp những người “thiểu số”

Ngày 27 tháng 1-1973, việc ký kết Hiệp định Paris mở ra viễn cảnh đầy hy vọng tự do sắp tới đối với những tù nhân chính trị. Nhưng oái ăm ở chỗ việc ký Hiệp định sẽ đánh dấu, đối với một số tù nhân, sự khởi đầu của một thời kỳ còn khổ sở đau đớn hơn cả thời kỳ bạo lực gây ra từ chế độ lao tù: sự đàn áp từ chính những đồng chí của mình.

Qua những máy radio lén đưa vào giấu trong tù, cũng như qua một số cai ngục, các tù nhân được biết một số điều khoản của Hiệp định, đặc biệt là những điều khoản về số phận của những “nhân viên dân sự”, nghĩa là tù chính trị. Trong xà lim cũng như trong trại, ai cũng biết đến điều khoản 8 liên quan đến việc đối xử với tù nhân sau khi ký kết Hiệp định cũng như điều khoản 7 về việc trao đổi những tù nhân này. Viễn cảnh được trả tự do dưới dạng trao đổi giữa bốn bên có vẻ như rất gần lại rồi. Nó diễn ra trên thực tế hai tháng sau, tháng 3-1973, tại Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước (hiện nay). Rất nhiều tù nhân, cả nam lẫn nữ, đã được trao đổi ở đó. Trong số đó có những bạn tôi là Cao Lập, Huỳnh Tấn Mẫm cùng những sinh viên và trí thức khác. Nhưng nhiều người khác, trong đó có Tân, vẫn tiếp tục mang kiếp tù nhân.

Trong tình thế cấp bách cực kỳ nguy hiểm, nhà tù đã làm giả hồ sơ của tù chính trị để không phải trao đổi họ, bằng cách biến hồ sơ đó thành hình sự về mặt hành chánh, trong lúc vùi dập họ để họ ký vào hồ sơ khống. Khẩu phần gạo giảm xuống và những nữ tù nhân yếu ớt bệnh hoạn không được chăm sóc. Trong vòng hai tháng sau những cuộc trao trả đầu tiên, ba nữ tù nhân trại số 4 bỏ mạng. Lê Thị Cúc, 58 tuổi ngày 24 tháng 4 rồi Trần Thị Thanh, sáu ngày sau và Nguyễn Thị Hương, 55 tuổi, hai ngày sau Thanh. Họ chết mà không bị đánh đập hay tra tấn, đơn giản chỉ là vì người ta để cho họ chết vì đói và bệnh”.

Bình thường trước những sự kiện nghiêm trọng như vậy, phản ứng của các nữ tù là đoàn kết thành một khối, la lớn những khẩu hiệu chống ban giám thị, chống chế độ lao tù, nêu ra những yêu sách còn chi bộ cùng những tổ Đảng sẽ đứng ra cầm trịch và đứng ngay tuyến đầu. Lần này, sau vài giờ im lìm, bí thư chi bộ trong phòng của Tân, chị Đỗ Hữu Bích, một nữ trí thức nói tiếng Pháp, tử tế và hiền hậu, cho cả ba buồng biết là không nên phản ứng, không phản đối.

Đối với Tân và rất nhiều người khác, họ có cảm giác như trời sập lên đầu: “Sao cơ? Với quá khứ của chúng ta và tất cả những chị em đã hy sinh để không phải chào cờ, để bảo vệ phẩm giá của chúng ta và tự bảo vệ lẫn nhau, không lẽ bây giờ chúng ta phải câm lặng trước cái chết của ba chị trong số chúng ta sao? Để thút thít âm thầm như những đồ hèn? Nếu làm vậy, chúng ta coi như không kính trọng những người đồng chí đã hy sinh, chúng ta không tự tôn trọng mình! Chúng ta không phải đồ hèn, chúng ta là những chiến binh. Nhiều người trong chúng ta đã đương đầu với bọn Mỹ, bọn Nam Hàn, bằng lựu đạn trên chiến trường… Thật là xấu hổ, không thể chấp nhận!

Chị Đỗ Hữu Bích bèn triệu tập một cuộc họp trong mỗi buồng 8, 9 và 10 để đọc một bức thư được cho là ”mật” đề ngày 10 tháng 10-1973. Bức thư có tựa là “Chỉ thị của Đảo ủy T45”. Về sau, năm 1975, tôi đã lấy lại đựợc nó khi các cấp ủy đảng, dưới sức ép, phải mở một cuộc họp bí mật về thời kỳ đen tối này. Lúc đó mới biết chỉ thị không đến từ những cấp ủy Đảng nhưng xuất phát từ chi bộ nhà tù, theo sáng kiến của họ. Được soạn một cách nước đôi, lúc thì như từ nội bộ nhà tù, lúc lại như phản ảnh tiếng nói của Đảng từ bên ngoài, chỉ thị nhắc đến tình hình chiến sự căng thẳng, những trở ngại trong việc trao trả tù nhân do Sài Gòn gây ra. Sau đó nó lao vào phân tích một cách nhố nhăng và cố ý làm yên lòng về tình hình kinh tế, cho phép dự đoán khẩu phần ăn trong tù sẽ có thể không giảm xuống nữa từ nay đến cuối tháng 12.

Bức thư còn thêm rằng trong trường hợp các tù nhân còn đấu tranh, ý đồ hiện tại của ban giám thị nhà tù là thay đổi họ sang buồng, trại khác, phân tán họ ra để xóa dấu vết của họ. Lúc này là lúc học tập văn hóa, chính trị và … ca hát. Như vậy bức thư ngầm ý là các bạn đừng nôn nóng quá, khi hai bên giải quyết được vấn đề trao đổi người, các bạn chắc chắn sẽ được về… Đừng dùng bạo lực để yêu sách đòi trao đổi… Làm như bạo lực đến từ phía các nữ tù nhân không bằng…”

Sau bức thư đó, chị Đỗ Hữu Bích đã tổ chức những buổi học tập chính trị dựa theo một tài liệu có tên ”Nhân sinh quan cách mạng”, nêu bật sự việc những người bôn-xơ-vích tốt chống lại bọn men-xê-vích xấu ở Liên Xô. Để kết luận, chị ấy tuyên bố rằng cuộc xung đột nội bộ hiện nay của chúng tôi là một ”xung đột đối kháng cơ bản” chỉ có thể giải quyết bằng việc xóa bỏ hoàn toàn phe phản động và rằng theo “Hiệp định Paris”, ở đây trong tù, chúng ta phải làm lành với chế độ lao tù, với bọn cai ngục! Trả lời lại, một số khá đông nữ tù nhân nói rằng cái chết mới đây của các đồng chí bạn tù của chúng tôi chứng tỏ rằng ban giám thị cố ý gia tăng đàn áp bằng cách làm nghiêm trọng thêm điều kiện vật chất giam giữ, rằng những nỗ lực của bọn chúng nhằm thay đổi tư cách của tù chính trị thành tù hình sự bằng cách giả mạo hồ sơ chứng tỏ ý đồ của chúng là triệt hạ càng nhiều càng tốt những cán bộ tương lai (của Đảng), rằng sự quy phục hoàn toàn sẽ lấy đi của những tù nhân trong tầm ngắm sự bảo vệ ít ỏi mà nhờ đấu tranh mới giành được cho đến nay. Sau cùng, cần đòi hỏi một cách hoàn toàn hợp pháp tù nhân phải được trao đổi như ghi rõ trong Hiệp định Paris. Chúng tôi xem sự sơ lược hóa Hiệp định Paris, kéo nó xuống một cách nực cười theo tầm mức của tình hình nội bộ nhà tù là trẻ con. Như kêu gọi đầu hàng trước một kẻ thù chỉ lăm lăm tiêu diệt ta.”

Sự đối kháng giữa khuyến cáo của Đảng – không làm gì cả và chờ – với ý chí cương quyết tiếp tục đấu tranh để tự bảo vệ của một số nữ tù tuy chỉ là thiểu số nhưng trước sau như một, mau chóng không chỉ dừng lại ở những lý lẽ bằng lời nói. Chế độ ăn uống thiếu thốn, chăm sóc y tế bằng không là những vũ khí chính của bọn cai tù và nhất là, cuộc trao đổi giải thoát (khỏi tù tội) đã được ký kết và lên chương trình lại không thấy đâu, tất cả những điều đó biện minh và nuôi dưỡng sự cần thiết phải kháng cự và phản đối từ phía những đồng chí của Tân.

Tân tâm sự: “Hàng ngày, cứ mỗi bữa ăn, tôi lại thấy tầm mức dối trá của những tác giả chỉ thị trên. Chưa bao giờ tôi đói như vậy. Tôi cố ngủ để không cảm nhận được cái đói hành hạ. Và khi tôi ngủ thiếp đi, tôi nhìn thấy hàng dãy chén cơm và chén cơm đầy đặn diễu qua”.

Sự bất đồng giữa những người theo vị thế chờ thời, đúng khuyến cáo của chỉ thị, “phe đa số” và những người chủ trương chiến đấu mỗi ngày để tự bảo vệ và sống sót, “phe thiểu số” lúc đó tăng cao. Đảng đã có biện pháp. Trong mỗi buồng giam nữ trại số 2, nhóm đảng viên tạo thành “tổ”, cho đến lúc này có mục đích bảo vệ những người yếu thế nhất, được đổi lại thành “Ban hành động”. Vai trò của nó: giữ trật tự cho phe thiểu số, đầu tiên bằng cách thuyết phục rồi nếu cần sẽ bằng sự cưỡng bức thể chất.

Những nỗ lực lôi kéo sự thuận tình “hợp lý” theo quan điểm của chỉ thị mau chóng mất tác dụng. Trong mỗi buồng 8, 9 10, phe thiểu số bị loại ra rìa, như những người bị bệnh dịch. Và vì điều đó cũng chưa đủ làm họ im mồm, Đảng cấm họ nói, trao đổi với nhau, một biện pháp mà bọn cai ngục chỉ áp dụng ở chuồng cọp. Bình thường họ ngủ đâu tùy ý nhưng từ giờ họ bắt buộc phải ngủ tập trung thành từng hàng. Ban hành động trông chừng việc thi hành đúng những quân lệnh này.

Khi chúng tôi đi dạo trong hành lang, kể cả khi đi vệ sinh, phe đa số vẫn kè kè theo chúng tôi để bảo đảm chúng tôi không nói chuyện với nhau”.

Nhưng phe thiểu số không phải lúc nào cũng quy phục. Khi đó, những phụ nữ trẻ của những ban hành động bèn dùng đến chửi rủa và bạo lực thể chất.

Các chị ấy quay sang kiếm chuyện với mấy cô dì lớn tuổi, nói với các dì một cách thô tục. Trong tiếng Việt, khi nói với một phụ nữ có tuổi, người ta xưng hô ”dì” hoặc ”cô”, hoặc có khi là ”tata” trong lúc mấy chị ấy, xưng hô bất nhã bằng tiếng mày” tuyệt đối vô lễ, chỉ dành để nói chuyện với người ngang hàng hoặc nhỏ hơn. Ngón tay đầy đe dọa chỉ vào mặt: ”Mụ già kia, sao mày ngu quá vậy? Mày không nghe lời Đảng sao.” Tôi còn nhớ má Tư Mai, người Cần Giuộc, Long An, rất anh hùng, má đã có mặt ở nhà tù Phú Lợi năm 1958, nhân vụ đánh thuốc độc hàng loạt những tù nhân chính trị của ban giám thị nhà tù. Các tù nhân đã nổi dậy, cùng nhau đục thủng mái nhà, xâm chiếm trại giam, chiếm phòng radio… Từ trại tù này sang ngục tối kia, đến xà lim nọ, suốt mười lăm năm, má chưa bao giờ chùn bước. Má luôn từ chối chào cờ địch. ”Ai cho mày nói?” hai chị phụ nữ trẻ nói với má. Và xông vào đánh má. Tôi muốn nhảy ra can thiệp nhưng hai nắm tay cú đấm xuất hiện trước mặt tôi và hai cánh tay giữ tôi thật chặt từ đàng sau. ”Đừng đụng vào cô bé Tân!” Đó là má Ba Chi, một lãnh đạo phe đa số, đã cứu tôi khỏi một phen nhừ đòn. Chúng tôi, những người thiểu số, đa phần là những chiến sĩ cảm tử đã từng chiến đấu trên chiến trường trước khi bị bắt, vậy mà chúng tôi quyết định sẽ không đánh trả khi các chị đánh chúng tôi, vì dù sao, các chị cũng cùng chung chiến hào với chúng tôi và từng từ chối chào cờ Sài Gòn. Các chị không phải là kẻ thù của chúng tôi… Cũng ngày 31 tháng 12-1973, ngày xảy ra chuyện đánh đập dì Tư Mai, khi cai tù mở cửa cả ba phòng để cho chúng tôi đi dạo trong hành lang nhà tù, tôi đi ngang một nữ đồng chí mà tôi nhận không ra. Chị đi rất khó khăn bằng cách dựa vào tường, tóc tai rối bù, mặt xưng húp, lòng trắng mắt đã chuyển thành màu đen và màu tím. Đó là Huỳnh Thị Lan. Hiện chị vẫn sống ở Long An. Còn chị chúng tôi, Phạm Thị Lộc, chị là một trong những người bị ngược đãi nghiêm trọng nhất.

Điều kinh khủng nhất là nỗi xấu hổ dành cho những người ngược đãi chúng tôi như vậy, xấu hổ cho Đảng, cho cộng đồng đấu tranh của chúng tôi trước một kẻ thù chung. Xấu hổ vì bọn cai ngục nhìn thấy những hành vi man rợ ấy và thích thú vì chúng. Có khi những đồng chí thiểu số bị đánh tàn nhẫn lại lấy tay che miệng để ngăn tiếng kêu thét khỏi thốt ra…

Chia tay: một sự giải phóng

Thế rồi các chị thuộc phe đa số còn tiến xa hơn nữa. Một thời gian ngắn sau, lúc chúng tôi đi dạo về, các chị cố thủ trong các buồng, sau khi ném đồ đạc của chúng tôi ra ngoài và ngăn không cho chúng tôi vào. Sáu mươi người chúng tôi ở lại ngoài cái hành lang rộng mênh mông, bàng hoàng, mất phương hướng. Một trong những nữ tù lâu năm nhất, dì Hoa Sứ, bị choáng mạnh, đã bất tỉnh ngã sóng xoài xuống đất. Bọn cai tù chuẩn bị khóa cửa. Tôi dán mặt vào cửa buồng mình và van lơn, như một cô bé: “Dì ơi làm ơn cho con vào với!” Từ bên trong, Nam Liên trả lời: “Không nhỏ ơi, em cứ ở ngoài!” Tôi cảm thấy hụt hẫng, bị bỏ rơi, trao cho bọn cai tù. Thông điệp của phe đa số gởi cho ban giám thị là rõ ràng: “Các ông muốn làm gì chúng thì làm, không liên can gì đến chúng tôi nữa”. Trong lúc đó ở hành lang, các chị thiểu số khác không có phản ứng gì.

Bị số đông những đồng chí mình chối bỏ và bị bọn cai ngục điểm mặt như những phần từ lì lợm, điều xấu nhất đã có thể xảy đến cho chúng tôi: bị nhốt vào xà lim cách ly, bị đánh đập, bị tra tấn lại. Khoảng thời gian ba mươi phút chờ trước khi ban giám thị có phản ứng, đối với tôi thì dài như bất tận. Sau đó, bọn gác tù ra lệnh chúng tôi thu dọn đồ đạc và dẫn chúng tôi đến buồng số 7, kế bên buồng số 8 và cũng rộng như vậy, rồi đi ra và khóa cửa. Tôi khóc vì mừng, sung sướng vì chúng tôi được ở chung, thoát khỏi sự soi mói và những trận đòn của các chị đa số. Các chị đã bán chúng tôi cho bọn cai ngục, mà làm vậy coi như các chị đã tự bán mình. Trái lại, phẩm giá của chúng tôi lại được thừa nhận.

Những ngày tiếp theo, chúng tôi tự chế một cái loa tay với giấy dày để hét lên những khẩu hiệu của mình, yêu sách được cung cấp thức ăn đầy đủ, tố cáo việc không tuân thủ Hiệp định Paris của phía Sài Gòn và đòi được trao đổi ngay lập tức. Chúng tôi la ban ngày và ba lần ban đêm.

Một sự kiện bất ngờ khiến chúng tôi như được xoa dịu trái tim. Theo truyền thống ở Côn Đảo, những tù nhân chính trị bị đánh giá là ”cứng đầu” vì chống lại việc chào cờ Sài Gòn, cũng bác bỏ luôn việc lính gác tù khám xét buồng của họ. Điều đó dẫn tới những vụ xung đột”. Tân kể lại, ngày khám xét, phe đa số để yên cho bọn gác tù khám xét không hề cản trở trong những buồng số 8, số 9 và số 10. Sau đó tới lượt buồng số 7 của phe thiểu số, kiên quyết đương đầu.

Bên ngoài, hàng trăm bảo vệ và lính gác chuẩn bị, dùi cui lăm lăm trong tay. Chỉ huy của chúng tới cửa buồng chúng tôi thông báo chính thức tổ chức cuộc khám xét rồi hắn đóng cánh cửa gỗ, nằm trước cánh cửa sắt. Chúng tôi lấy loa tay và hét lên: “Vui lòng không khám xét buồng chúng tôi, đồ đạc của chúng tôi!” Và nhiều khẩu hiệu khác. Rồi chúng tôi chuẩn bị nhận cuộc tấn công. Im lặng hoàn toàn. Sau khỏang hai mươi phút thay nhau chồng người lên xem xét qua cái cửa sổ nhỏ chằng chịt dây kẽm gai, chúng tôi phát hiện ra rằng không còn ai trên cái sân rộng mênh mông của trại giam! Chúng đã bỏ đi mà không khám xét. Nước mắt và ôm nhau chúc mừng!

Từ giây phút đó, mối quan hệ của chúng tôi với phe đa số, lúc đi dạo cũng như khi đi tắm, đông cứng lại. Chúng tôi đi ngang nhau mà không nói chuyện. Và chúng tôi tiếp tục hô yêu sách cho đến khi bị đưa về đất liền vào trại giam Hố Nai, trước khi được trao trả tự do ở Lộc Ninh ngày 5 tháng 3-1974”.

Cuộc họp bí mật của Đảng trong chiến khu

Tháng 2&3-1975, ít lâu trước chiến dịch Hồ Chí Minh vào Sài Gòn, ban tổ chức Trung ương cục miền Nam, bị sức ép từ một số khá đông cựu tù, cả nam lẫn nữ, đã tổ chức một cuộc họp riêng tư trong sự bí mật triệt để về những sự kiện diễn ra ở Côn Đảo sau khi ký Hiệp định Paris. Cuộc họp diễn ra trong rừng Việt Nam, cách biên giới Campuchia vài km. Nó sẽ kéo dài 31 ngày. Dưới sự chủ trì của ông Chín Lực, trưởng ban thanh tra trung ương Đảng và ông Sáu Chí, trưởng ban thanh tra Đảng khu vực miền Nam. Hai cán bộ cao cấp. Chỉ có khoảng hai mươi cựu tù được mời tham dự và Tân nằm trong số đó.

Trong số những cựu tù có mặt, người ta thấy có bí thư đảng trại nam số 2 nhưng không có bí thư đảng nữ. Ba nhóm tù nhân có đại diện: phe đa số, phe thiểu số, và phe trung lập, phe này rốt cuộc cũng đã phải quy phục phe đa số.

Suốt ba mươi ngày, phe đa số chối bỏ hoàn toàn những vụ bạo hành của họ. Hai vị lãnh đạo, đã đọc những báo cáo viết tay của những người tham dự và đã nghe câu chuyện của họ, tuyên bố với phe đa số rằng các vị đã xé bản báo cáo ban đầu của họ, đánh giá là không thụ lý được vì nói dối trắng trợn. Bản báo cáo thứ hai cũng không thuyết phục gì hơn”. Tân nói tiếp: ”Tôi đã kể lại nhiều sự kiện trong buổi họp ấy, những khoảng khắc đau đớn. Trong số đó, sự kiện chị Mỹ Lan (người mà chị tôi chỉ định làm người bảo trợ cho tôi. Chị tôi và tôi phải chia tách nhau khi ở trại số 4) đến gặp và nói với tôi: “Kể từ lúc này, chị bị bắt buộc không được nói chuyện với em. Em mà có bệnh chị cũng không chăm sóc cho em được. Chị phải từ biệt em dù chúng ta cùng ở chung một buồng.” Lúc đó lãnh đạo Chín Lực, mắt ngấn lệ, đập tay rầm rầm lên bàn nhiều lần. ”Tôi đã trải qua hai cuộc kháng chiến và chưa bao giờ tôi lại phải buồn phiền như vậy. Thậm chí sau cái chết của cha tôi. Làm sao có thể đối xử như vậy với chính những đồng chí của mình!?”
Ngày cuối cuộc họp, phe đa số cuối cùng cũng thú nhận đã đưa ra những chỉ đạo để đánh đập chúng tôi nhưng chỉ gián tiếp thôi bằng cách dùng công thức: ”vô hình trung” có nghĩa là: không phải ý muốn dùng chữ như vậy. Mọi việc được giải quyết, cuộc họp khép lại. Các lãnh đạo yêu cầu chúng tôi đốt hết những tài liệu viết tay và giữ bí mật nhất có thể về vụ việc này. Giờ là lúc, theo các vị nói, tập trung cho chiến dịch Hồ Chí Minh cận kề, lần này sẽ chấm dứt hẳn chiến tranh.

Như vậy “phe thiểu số” đã được phục hồi danh tiếng trung thành với cuộc đấu tranh cách mạng cũng như giữ được phẩm giá của họ trong lúc ”phe đa số” bị ban lãnh đạo lên án nhưng chưa bao giờ có lời xin lỗi cả. Những lãnh đạo đã phải mủi lòng nhưng những tài liệu được ghi chép sau ba mươi ngày làm chứng chẳng thấy xuất hiện lại ở đâu cả, chẳng bao giờ. Khi Tân đi tìm hiểu về sự tồn tại của chúng với một người bạn, ông Tám Báu, cựu tù chính trị lúc đó là “trưởng ban phụ trách bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” TP Hồ Chí Minh, ông cho biết hồ sơ đã được đem ra Hà Nội. Ông cũng nói với hai chị em: “May cho các em vì các em là những chứng nhân ngay thật chứ không thì đã bị bắt rồi”.

Năm 1997, một trong những nữ tù bị phe đa số hành hạ nặng nề nhất tại trại số 2, Huỳnh Thị Lan, đã gởi một bức thư tố cáo chi tiết tới “Ban tổ chức trung ương”. Tôi có bức thư ấy. Sau khi mô tả lại những trận đòn mà các bạn nữ tù tặng cho bà và những di chứng mà bà còn mang đến nay, bà nêu tên những thành viên bạo lực nhất của “ban hành động” có liên can, rồi kết luận: “Hơn hai mươi năm nay tôi bị day dứt vì những sự kiện này. Tôi chỉ yêu cầu Đảng làm sáng tỏ chúng. Chúng ta không thể để những kẻ đã đánh đập đồng chí và bạn chiến đấu của mình ngồi trong Ủy ban trung ương hay Quốc hội. Nhất là khi họ chưa thành thật thừa nhận và công bố hành vi của họ”. Thư không có hồi âm.

Tháng 12-2001, một bức thư tương tự – tôi cũng có nó trong tay – được gởi cho lãnh đạo ủy ban trung ương và lãnh đạo tỉnh Long An; tác giả là bà Nguyễn Thị Lộc, nạn nhân của những hành động hung bạo từ “ban hành động” trong buồng giam của bà và vẫn còn bị truy bức tám năm sau, trong bệnh viện mà bà làm việc, bởi một trong những nữ tù đã hành hạ bà. Trong thư bà cũng nêu ra nhiều cái tên.

Với sự kinh ngạc tột độ và một nỗi buồn mênh mông, tôi phát hiện thấy mình quen biết vài người từng xử sự như những tên súc sinh trong câu chuyện đó. Cho đến lúc phát hiện như vậy, tôi vẫn tin các bà là những tấm gương nữ chiến sĩ cách mạng. Các bà có vẻ ngược hẳn với hình ảnh các bà thời đó. Những lời chứng này khiến tôi mất phương hướng nhưng chúng được nhiều tài liệu chứng minh đến nỗi người ta không thể không tin chúng và vì sự thật là trên hết, phải phản ảnh nó.

Về phần Đảng cộng sản, nếu trong cuộc họp mật trong rừng tháng 3-1975, Đảng đã phán quyết, trong vòng riêng tư, những nạn nhân là đúng và lên án những kẻ súc sinh, thì cuộc sống tiếp theo ra sao?

Phía phe đa số, người ra lệnh hay lính thi hành, tình trạng vật chất của họ hiện nay, vị trí của họ trong Đảng cũng như trong xã hội chẳng có gì khiến họ phải phàn nàn cả. Hai trong số họ thậm chí leo rất mau lên những nấc thang đến tận những đỉnh cao nhất của Nhà Nước. Ngược lại, Lan, Lộc và rất nhiều người khác phải trải qua những năm tháng cực kỳ vất vả.

Lan, trở về vùng quê Long Thành, đã trải qua hơn hai mươi năm ngoài lề đường, đuổi theo hết xe này đến xe khác, cái mâm đội trên đầu, để bán mía ghim. Khi Tân và chị cô bắt đầu tìm kiếm những người bạn thời khốn khó, hai chị em đến nhà của bà, một căn nhà tồi tàn có tường bằng lá dừa. Ở tuổi bốn mươi lăm, người ta cảm tưởng như thấy một bà già mặt đầy vết nhăn, miệng móm mém. Chồng bà, cũng là một cựu tù chính trị Côn Đảo, bị thương nặng ở một chân khi bị bắt, là một người tàn phế.

Trần Thị Bé, người phụ nữ đã tấn công xe cam nhông chở lính Nam Hàn bằng lựu đạn, suốt ngày đeo một cái mâm treo lên cổ bằng một sợi dây to bản để bán hành tỏi và những sản phẩm rẻ tiền khác. “Khi tôi gặp bà ở chợ Cầu Muối, ngay trung tâm Sài Gòn, bà chẳng có sạp, cũng chẳng có chỗ để ngồi bán và bị ban quản lý chợ đuổi hoài”.

Về phần bà Lộc, trở thành hộ lý, bị cấm vô Đảng bởi một nữ cựu tù phe đa số, người đã đánh đập bà trong trại số 2. Sự cấm đoán này được một nữ cựu tù khác, nay đã trở thành một trong những nữ lãnh đạo của Nhà Nước, chống lưng.

Phải chăng Đảng đã thay đổi?

Nhà lao Côn Đảo đã cho thấy qua những nỗ lực cực kỳ nhằm phi nhân tính hóa của nó, cái khả năng vô tận, cực kỳ lớn của sự kháng cự tập thể đối với sự phi nhân tính hóa đó. Trong cuộc đấu tranh này, các chiến sĩ cộng sản đã rất nhiều lần đứng ở tuyến đầu trong trí tuệ, đoàn kết và hy sinh. Nhưng Côn Đảo cũng cho thấy công tác tổ chức của Đảng, sự mù quáng vô điều kiện trong hoạt động cách mạng và thói độc đoán ngu xuẩn có thể dẫn Đảng tới tính vô nhân đạo, thậm chí là tính tàn ác.

clip_image007
Thăm cụ Lê Đình Kình, làng Đồng Tâm (8.4.2019)

Khi biết thảm kịch mà phe thiểu số từng phải chịu đựng, người ta mới hiểu rõ hơn về vụ ám sát người cộng sản lớn tuổi Lê Đình Kình ngày nay. Người ta mới hiểu hơn cái bản án hàng chục năm tù buộc cho những công dân yêu nước, có tiếng nói ngược với tiếng nói duy nhất đồng lòng với sự cộng tác với Bắc Kinh. Người ta mới hiểu rõ hơn nạn tham nhũng và những vụ tịch thu đất đai, của cải…

Vì dị ứng một cách bệnh hoạn với những tiếng nói lạc điệu và dùng bạo lực như lý lẽ cuối cùng để áp đặt, đảng này dù thắng nhiều cuộc chiến tranh nhưng, khi đơn độc nắm quyền lực, nó sẽ không bao giờ là một chính đảng của hòa bình.

André MENRAS – Hồ Cương Quyết

Bản dịch của Biệt Hiệu

Chú thích của tác giả:

* Tà ru: nói lái từ Tù ra, tên gọi nhau của những người đã bị giam tù dưới chế độ Sài Gòn.

(1) Từ ngữ mà Madeleine Riffaud dùng để nói về những nữ chiến sĩ du kích miền Nam Việt Nam.

(2) 1924-2003, Nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, ghi dấu ấn trong cuộc kháng chiến chống Pháp những năm 40. Từ 1958-1989 tổng thư ký Hội Nhà Văn Việt Nam.

(3) 23/01/1927 – 17/02/2015, nhà hoạt động cộng sản Pháp bị tù từ 1950 đến 1953 vì chống đối chiến tranh Đông Dương. Ông là đối tượng của một phong trào ủng hộ tầm mức quốc gia và quốc tế.

(4) 1929 – 2022, nhà hoạt động cộng sản Pháp, bị tù mười tháng năm 1950 vì bà nằm trên đường ray để cản đường một chuyến xe lửa chuyên chở khí tài cho Đông Dương.

Nguồn: https://www.diendan.org/sang-tac/len-dinh-vinh-quang-roi-bi-lang-quen-nhu-do-phe-thai-2

Comments are closed.