Một lời

Đỗ Ngọc                                                                                                           Truyện ngắn

Tết thanh minh, tôi về quê tảo mộ. Đây cũng đúng là dịp giỗ bác tôi và cô tôi. Quê tôi, từ ngày có mấy khu chế xuất mở ra thu hút nhân công trở nên đông đúc, tấp nập. Con đường đê chạy qua làng nay trở thành dãy phố chợ chính. Nhiều cửa hàng, dịch vụ phục vụ công nhân khu chế xuất mở ra. Khu chợ sầm uất, đông vui.

***

Trong sân nhà chị con bác tôi, lõng chõng chiếc xe máy vỡ tan đầu, bánh trước cong queo. Thằng cháu vừa gây tai nạn. Nó “zin“ ba, phóng nhanh, không tránh kịp xe cải tiến trong ngõ lao ra.

Ông anh rể tôi chạy về hỏi vợ:

– Nó có sao không? Nó đâu rồi?

– Nó chẳng sao – Chị tôi đáp

– Thế nó bảo sao?

– Bảo sao? Nó bảo “Con nhỡ!”.

Tôi nhớ năm ngoái chị tôi cầm một cục tiền ra Hà Nội, mừng rỡ thì thầm vào tai tôi:

– Năm nay khách Đài chỉ “ăn” long nhãn Bắc. Chị “ủ” được một ít, trúng đậm cậu ạ. Cậu cứ mua cho cháu cái xe tôn tốt vào.

***

Gần trưa tôi theo bác tôi ra nhà lão Phòng xin chứng thực giấy tờ. Bác tôi lưng còng, đi phải chống ba-toong. Bác chỉ cho tôi nhà nào, bây giờ ở đâu, ai bán gì, làm gì…

Nhà lão Phòng ở ngay mặt chợ, bán hương, tiền vàng và đồ thờ tự.

Lão Phòng thì tôi biết từ hồi đi sơ tán. Ngày ấy làm phòng thuế, lão tác oai tác quái lắm. Sáng sớm lão chặn ở đường đê lối vào chợ để bán vé chợ. Soi đèn pin thấy mặt vợ anh nào trốn bộ đội là lão lôi xuống dưới chân đê giở trò đồi bại. Những người đàn bà có chồng trốn bộ đội thường là những người thân cô thế cô không ai bênh vực, gặp vậy chẳng biết kêu ai.

Một lần, một anh trốn bộ đội lên tận mạn ngược, ít lâu lén về thăm vợ. Sáng đưa vợ đi chợ, anh ta phải đi luồn dưới chân đê.

Quen thói, lần này soi đèn, thấy chị ta là vợ của kẻ phạm pháp, lão Phòng lại lôi chị này xuống chân đê giở trò. Nhưng lần này chị ta nhất định không để yên. Lão Phòng gầm gừ:

– Đ.m. mày! Hôm nay lại giở dói thắt giải rút chặt thế này?

Ức không chịu được, anh chồng rút đòn gánh nhằm lão Phòng vụt cho mấy cái. Trước khi bỏ chạy anh chồng vẫn không quên túm theo cái quần của lão ta. Lão này lu loa:

– Ối giời ơi! Nó đánh cán bộ nhà nước!

Khi mọi người chạy xuống soi đèn thì thấy lão vẫn tồng ngồng.

Sau lần ấy lão không còn làm ở phòng thuế nữa. Di chứng cú nện khiến lão ta đi khập khiễng.

Hồi đầu những năm 1990, tôi cùng cậu tôi đi thu mua nông sản cho công ty xuất khẩu, thì lão đi gom quế trôi nổi về bán cho trạm thu mua.

Ngày ấy tôi hay thấy lão ngồi trông mấy bao quế, tay cầm con dao cạo mấy thanh quế mốc, miệng ê a hát:

Ta có mặt trời chói lọi. Ta có niềm tin vinh quang...

Thỉnh thoảng lại ca vọng cổ:

Em ơi! Nếu kiếp này không thành thì kiếp sau tìm em ở nơi đâu?…

Đối diện nhà lão Phòng là nhà thằng Tín. Thằng này học cùng tôi hồi sơ tán.

Đầu những năm 1990 tôi có đánh xe máy lên Yên Bái bán cho bọn buôn gỗ pơ mu. Vợ chồng thằng Tín buôn xe máy ở Quang Trung, Hà Nội. Tôi lấy xe của nó vì là chỗ thân quen, với lời bảo đảm của nó là: xe tốt, giá “đẹp”.

Lần ấy, khách mua xe ở Yên Bái bị tai nạn chết một người. Lúc“bổ” xe ra kiểm tra thì xe bị “ăn đồ” tai hại. Thằng Tín rút ruột xe, từ xăm lốp, pha đèn, dây phanh, má phanh, nhông xích… tráo toàn đồ đểu vào.

Lúc ấy tôi vẫn còn mắc trên Yên Bái năm con xe chưa lấy được tiền. Bên bị hại ăn vạ đòi giữ lại, bắt bồi thường. Tôi phải nhờ người thương lượng, nại cớ do người đi xe chở ba, lại say rượu, đường đá tai mèo… Cuối cùng tôi cũng chỉ lấy được tiền hơn ba con xe.

Sau lần ấy gặp lại thằng Tín, nó xòe tay, nói trơn tuột:

– Tiền vậy thì xe chỉ có vậy. Làm ăn bây giờ nó thế, làm thế mới có “miếng”.

Tôi ghé vào nhà thằng Tín. Vợ chồng nó sau vụ cháy chợ Đồng Xuân, tát nước theo mưa, quỵt được một món của bọn Tàu Lạng Sơn, chạy về quê mua nhà, mở cửa hàng.

Nhà nó bán chủ yếu phụ tùng xe các loại. Tôi hỏi thằng bé con đang chúi đầu vào trò chơi điện tử:

– Bố mẹ cháu có nhà không?

– Bố mẹ cháu đi vắng – thằng bé trả lời, mắt vẫn không rời màn hình.

Lão Phòng tiễn bác tôi ra cửa, miệng bảo:

– Chủ trương thì là thế, trước đây thì có sửa sai, bây giờ thì có xem xét đền bù.

Lão chỉ cho bác tôi cây si cảnh trước nhà, lão vừa mua tận hội chợ cây cảnh Hưng Yên về.

Nhà lão Phòng là được chia hồi cải cách. Nhà này trước đây là của ông nhiêu Hội. Tôi nhớ trước nhà là một bức tường bao. Nghe nói hồi cải cách, gạch bị dân dỡ đi mất mấy đoạn, phải trồng duối gai lấp vào. Cái cổng ra vào cùng cánh cửa gỗ mòn thủng nham nhở, hai bên hàng câu đối chữ nho bằng vữa rơi rụng, nét còn nét mất.

Nghe nói anh em lão Phòng tranh chấp đất đai với nhau ghê lắm. Tới nỗi chú cháu giáp mặt nhau không thèm chào.

Giờ nhà lão xây ra mặt đường chiếm nửa miếng đất, cắt đôi cái cổng. Một nửa cái cổng vẫn gắm vào tường ngôi nhà mới xây.

Thấy tôi nhìn hàng hương nhà lão, lão ta mời:

– Mua hương đi anh. Hương ta, xe tay thật, không như hương Ấn Độ đâu, toàn hóa chất đốt lên nhức cả đầu. Nhà này chỉ bán hàng tốt, hàng xấu dành cho người chết thì phải tội.

***

Chợ quê sáng thứ bảy đông kín. Tôi nhìn thấy cô Thư cầm tay cô bạn tung tăng nghiêng ngó. Thấy bà ngoại tôi, cô chào thật to:

– Cháu chào bác ạ!

Giả vờ như không nghe thấy, bà tôi ngồi thụp xuống hàng trầu không. Như không xảy ra chuyện gì, cô Thư quay ngoắt ngay sang bên ríu rít hỏi chuyện một người khác, như không trông thấy bà tôi, dáng điệu nhí nhảnh, hai bím tóc vung vẩy, như đang cố níu kéo lại cái nhan sắc đã phai tàn.

Cô Thư là bạn học của cậu tôi. Bố cô từng là thứ trưởng một bộ to. Thời kinh tế bắt đầu bung ra, cô làm giám đốc một công ty xuất khẩu. Ngày ấy cậu tôi làm công ty sân sau cho cô ấy, chuyên thu mua nông sản, dược liệu xuất khẩu. Bồ của cô là một gã Ba Tàu to cao điển trai.

Vụ cà phê năm ấy, khi các chủ hàng giao một lượng hàng lớn, thằng cha Ba Tàu đem thế chấp ngân hàng lấy tiền, sau đó còn sai tay chân rút ruột lô cà phê, độn toàn bao tải trấu, lấy thêm một lần tiền nữa. Theo ngả Miên, gã chuồn sang Úc tị nạn cùng gia đình.

Vụ này nhất định phải có sự đồng thuận của cô Thư, nếu không, không thể trót lọt được. Ai cũng nhận định như vậy.

Vì chủ hàng toàn là người quen của cô Thư, làm ăn chủ yếu tin nhau, thông qua thằng Ba Tàu kia. Lúc đổ bể, thủ phạm chính đã trốn mất, không biết bấu víu vào đâu mà đòi lại.

Cậu tôi mất hết cả vốn lẫn tiền vay lãi của người thân. Bà ngoại tôi phải bán căn nhà ở Hà Nội để giúp cậu tôi thoát hạn.

Nhưng chưa hết, sau lần làm hạt cau xuất khẩu cho cô Thư, lúc sấy chống mốc, diêm sinh phát nổ, cậu tôi bị hỏng một mắt. Nhưng cậu vẫn còn may hơn người bạn của cậu ở Thanh Hóa, cũng vì tin cô Thư mà khuynh gia bại sản, cùng quẫn, anh ta treo cổ tự tử, để lại vợ góa con côi.

Sau này gặp lại, cô Thư buồn buồn bảo cậu tôi:

– Thời mới bước vào làm ăn theo kinh tế thị trường, ai cũng phải trả giá cho sự non nớt, ấu trĩ của mình.

Cô Thư sau chuyển về bộ Tài nguyên Môi trường. Nghe đâu năm 2001-2002 cô đầu tư vào một dự án bất động sản ở Phú Quốc, dính quả lừa, mất sạch.

Bà tôi bảo: Trời cũng có mắt.

Thấy bảo cô Thư bây giờ hay đi chùa, ăn chay trường…

***

Tôi rẽ vào thăm anh Cảnh con cả bác tôi. Anh bán vật liệu xây dựng ngay đầu chợ. Thằng con thứ hai của anh đang ngủ ngặt nghẽo trên vai bố. Anh đang cố gỡ con rô-bôt trong tay thằng bé. Dù đang ngủ, nó vẫn nhất quyết giằng lại.

Anh Cảnh mảnh khảnh dáng thư sinh. Anh hơn tôi bốn, năm tuổi. Ngày tôi về quê sơ tán, anh là người dẫn tôi đi bắt cua, hôi cá, bắn chim, hun chuột… Với tôi hồi ấy, lúc nào anh cũng như một thủ lĩnh. Sau này lớn lên, anh và bác tôi không hợp nhau, có chuyện gì quan trọng anh cũng gặp bàn bạc hỏi ý kiến tôi.

Năm tổng động viên, anh đi bộ đội đóng ở Lào Cai. Lần ra quân, đi tàu về ga Hàng Cỏ, có một đôi vợ chồng tay xách nách mang nhờ anh cầm hộ một quả mít. Ra đến cửa, anh bị công an chặn lại. Bổ quả mít ra, trong chứa toàn thuốc phiện. Tình ngay lý gian, anh bị tạm giam. Họ gợi ý nếu chạy chọt một tí, cộng thêm chứng nhận thân nhân tốt của đơn vị thì họ sẽ xét.

Bác tôi là người cương trực, nhất quyết không theo. Anh tôi đi không án hai “lệnh”. Mãi tới cuối những năm 1980, một người trong họ nhà tôi lên làm tư lệnh quân khu, bố tôi nhờ lật lại vụ án, lấy lý do anh Cảnh ra quân nhưng vẫn chưa nộp giấy ra quân cho huyện đội, do vậy vẫn là quân nhân. Công an bắt người mà không giao lại cho bên quân đội là trái luật, nhờ đó anh tôi mới được ra. Anh giận bác tôi lắm.

Ra tù, anh theo mấy bạn tù ra làm cửu vạn ở ga đầu mối. Vòng trong là giang hồ, vòng ngoài là thương binh, bảo kê thỏa thuận làm luật với quản lý thị trường, đem hàng ra cho chủ hàng. Tiền ngày ấy anh kiếm được không biết bao nhiêu mà kể. Anh mua sắm đủ thứ trong nhà. Mua cả đất xây nhà. Bác tôi thì kiên quyết phản đối cách kiếm tiền ấy. Mọi thứ anh Cảnh mua về, bác tôi nhất quyết không dùng.

Anh Cảnh bảo:

– Mình tội tình gì? Lưu manh, tù tội là người ta khoác vào mình. Mấy năm nằm tù bao nhục nhã. Lúc ra tù có ai bảo mình vô tội đâu. Có ai bồi thường cho mình xu nào đâu. Cái án tù thì nó theo mình suốt đời. Vậy sao không đem nó ra để kiếm tiền.

Với tôi, mặc dù hơn vài tuổi, nhưng anh Cảnh lúc nào cũng coi tôi như người bạn đồng niên. Những chuyện thầm kín, không ai biết, anh cũng chỉ thổ lộ bàn bạc với tôi.

Trong tù, với dáng vẻ thư sinh trắng trẻo, anh bị một quản giáo đồng tính hành hạ, hãm hiếp. Chuyện này anh chỉ kể với tôi. Anh bảo đấy là quãng thời gian đắng cay, nhục nhã nhất của đời thằng đàn ông.

Trớ trêu thay, làm ở ga ấy được mấy năm, thì gã quản giáo nọ giải ngũ. Được sự bảo lãnh của một tay anh chị, gã về làm tại chỗ đó.

Anh Cảnh bảo tôi:

– Con người ta lúc đã có tí tiền, tí của thì hèn lắm chú ạ. Hèn hơn mình nghĩ nhiều. Lúc trong tù, bị nó hành hạ thì tâm niệm: ra tù gặp thằng này thì thế nào cũng phải cho nó vài nhát, đến đâu thì đến. Đến lúc gặp lại nó thì lại tiếc những thứ mình vừa gầy dựng, rồi lại còn vợ con vướng víu, thế là không dám ra tay.

– Thế lúc gặp lại anh, thằng đó nói gì? – Tôi hỏi

– Thì nó xin lỗi mong bỏ qua, nó nói là vì xa nhà xa vợ đâm ra sinh tật bệnh hoạn. Rồi nó biếu xén quà cáp, nhờ người này người kia nói giúp – anh bảo.

Cũng sau lần ấy, anh Cảnh bỏ về quê mở cửa hàng vật liệu xây dựng. Tới khi vợ anh sinh đứa thứ hai, nhờ thằng cháu đích tôn này mà bác tôi và anh Cảnh mới làm lành.

***

Ông tôi và cô tôi mất cùng ngày. Cô tôi mất sáng sớm, ông tôi mất qua ngọ. Ngày ấy bố mẹ tôi mới dạm hỏi chưa cưới. Mẹ tôi hơn cô tôi một tuổi, hai chị em thân nhau như chị em ruột.

Thủ phạm cái chết của ông tôi và cô tôi, theo mẹ tôi kể lại, là thằng “phó cối”.

Nhà thằng này nghèo rớt, không có tấc đất cắm dùi. Cả nhà nó chỉ đi đóng cối thuê cho thiên hạ hay làm thuê làm mướn. Nhưng thằng này chết mê chết mệt cô tôi. Ở trong làng ông tôi không phải giàu có gì, nhưng ông là trưởng một họ to nhất làng. Chức sắc, tai to mặt lớn trong làng nhiều người là con cháu trong họ cả.

Mẹ thằng “phó cối” chắc bị thằng con thúc bách, một hôm đội giầu cau sang nhà ông tôi hỏi cô tôi cho nó. Ông tôi từ chối thẳng thừng. Bị cả làng chê cười là “đũa mốc đòi trèo mâm son” nó căm lắm.

Ngày Đội cải cách về bắt rễ xâu chuỗi, thằng “phó cối” bám lấy ngay. Vì khai không ruộng đất “vô sản” lại khoác cái mác “thợ cối” là giai cấp công nhân, nó được Đội nhận là cốt cán. Nó dẫn Đội đi khắp làng tuyên truyền, xúi bẫy, kéo bè cánh, bịa chuyện vu vạ…

Làng tôi chẳng to tát gì mà cũng có mấy địa chủ bị bắn, trong đó có ông tôi.

Ông tôi không có ruộng phát canh thu tô, nhưng tội là có nhà thờ họ to nhất làng. Hăng hái tố ông tôi nhất là thằng “phó cối”.

Ngày phát động, thằng “phó cối” dẫn đầu một đám súng ống cờ quạt biểu ngữ xông vào nhà bắt ông tôi. Chúng đánh ông tôi không thương tiếc. Bác tôi và bố tôi lăn vào đỡ cho ông tôi thì bị thằng “phó cối” lấy báng súng nện liên hồi.

Chúng trói hai chân hai tay ông tôi lại, xỏ đòn xóc khiêng đi như khiêng súc vật, vứt vào chuồng bò, xích cùng với mấy người bị quy là địa chủ.

Bác tôi bị đánh chết ngất, đến đêm vẫn chưa tỉnh.

Tối hôm ấy thằng “phó cối” đến bảo cô tôi là ông tôi cần gặp, muốn thì nó đưa đi. Cả nhà đang lo chạy chữa cho bác tôi nên không ai để ý. Cô tôi cả tin, thương bố nên đi theo nó.

Nó dắt cô tôi đưa ra lều canh cá giữa đầm hãm hiếp. Gần sáng trong làng có đám cháy, thằng “phó cối” trói chặt tay chân cô tôi lại rồi chạy về làng.

Có hai kẻ vô lại trong làng theo dõi hành tung của thằng “phó cối” , khi thấy thằng này chạy về làng thì liền nhảy vào lều canh cá hãm hiếp cô tôi. Quá uất ức, cô tôi cắn lưỡi tự tử.

Sau này một trong hai kẻ ấy phát điên, kể lại đầu đuôi câu chuyện, nên mọi người mới biết ngọn ngành. Người thứ hai, sau lần ấy trốn biệt lên mạn ngược, không dám quay về làng. Mẹ tôi bảo: “Loại ấy cũng còn biết nhục”.

Trưa hôm sau, cuối buổi mít tinh, ông tôi bị bắn. Nhưng mãi đến chiều tối cả nhà mới biết cái chết của cô tôi.

Bác tôi sau lần ấy ốm liệt, may mà nhà bà ngoại tôi có nghề thuốc nam, phục thuốc cho bác mới qua khỏi, nhưng từ đấy đến giờ đi lại vẫn phải chống gậy.

***

Đám giỗ nào cũng vậy, ngay từ hồi tôi con bé, khi mâm cỗ đưa lên bàn thờ thắp hương, thì là lúc mẹ tôi phủ phục xuống bên cạnh, nơi để bàn thờ cô tôi. Nước mắt Người chan nhòa, mẹ tôi khóc hồi lâu rồi nỉ non:

– Em ơi, sao em lại bỏ đi lúc đầu xanh tuổi trẻ. Sao em lại dại dột nghe lời đứa bất nhân bất nghĩa. Lúc đưa em về chị vẫn thấy mấy bông hoa bưởi chị cho em từ hôm trước trong túi áo em. Cái khăn mùi xoa em cho chị, chị vẫn cầm đây. Cái cặp ba lá em cho chị, chị vẫn cầm đây. Trời tru đất diệt những đứa bất nhân bất nghĩa. Cầu mong cho cả họ nhà nó sống không một ngày yên lành…

Bố tôi, sau một chốc, ngồi khẽ sau mẹ tôi, ôm lấy đôi vai bà, rồi cả hai đu đưa người theo dòng nước mắt.

Những phút như vậy, không gian như chững lại. Ai ở đâu ngồi yên đấy. Tưởng chừng như giọt nước cũng ngừng rơi, chó gà cũng không dám chạy lung tung, cây cối không lay động. Tất cả ngồi hướng mắt về ban thờ đang nghi ngút khói.

Năm nay cũng vậy, mẹ tôi lại nắm chặt cái cặp ba lá, và cái khăn mùi xoa cũ kỹ, xõa mái tóc bạc, ngồi phục xuống trước bàn thờ cô tôi. Tiếng khấn rên xiết nỉ non. Bố tôi lại khẽ ngồi xuống bên cạnh bà, ôm lấy đôi vai bà, đu đưa theo tiếng rì rầm đau đớn. Hai mái đầu bạc chập lại làm một.

Nhưng bây giờ không còn như xưa. Chỉ có đám người già, người lớn ngồi yên chắp tay theo dõi. Ngoài sân trẻ con vẫn chạy chơi. Dưới bếp vẫn nghe tiếng cười mấy con bé. Tiếng nhạc cát-xét xập xình đâu đó vẳng lại. Tiếng xe máy rú dài ngoài ngõ….

Trong nhà tôi không ai dám cãi lại bác tôi một lời, mà cả họ tôi cũng vậy. Bố tôi cũng sợ bác tôi một phép. Bác tôi cất tiếng nói thì mọi người chỉ ngồi yên nghe. Nhưng chỉ mẹ tôi là dám đối đáp, chất vấn bác tôi. Lúc nào bác tôi cũng nhường nhịn mẹ tôi. Hình như bác nhìn thấy một chút cô tôi trong mẹ tôi.

Cỗ tàn, mẹ tôi hỏi bác tôi:

– Thế bác ra nhà thằng “phó cối” thì nó bảo sao?

– Ờ thì nó bảo: Chủ trương vẫn thế, trước đây thì có sửa sai, bây giờ thì có chính sách đền bù.- Bác tôi đáp.

– Đền bù… Sửa sai…! – mẹ tôi dài giọng – Sửa sai thì cái nhà thờ họ này còn trơ bốn bức tường. Đền bù mấy mạng người nhà người ta, danh dự cả họ nhà người ta vài triệu bạc. Sao bác lại màng vài đồng tiền của cái lũ ấy mà ra xin chứng nhận.

Bác tôi gằn giọng:

– Sao thím lại nghĩ tôi vì mấy đồng bạc của bọn bất nhân ấy. Chẳng qua là đây muốn lấy mấy chữ làm bằng cho con cháu mai sau thôi.

***

Trời sớm, từ đê nhìn xuống đồng, đám người đi tảo mộ từng nhóm, từng nhóm tản mạn. Sương thấp là là quyện khói hương. Có nhóm còn đem theo cả cờ làng, hoa sặc sỡ.

Cô Thư nhún nhảy giang hai tay đi trên bờ ruộng như người đi trên cầu thăng bằng. Lão Phòng đội mũ len đen hai tay nắm bó hương cháy đỏ rực, vừa đi lắc lư vừa hoa hoa bó hương lên đầu, như gã phù thủy đang lên đồng.

Bên này đê, chợ đã lác đác người. Nhà lão Phòng đang có người dọn hàng. Nửa cái cổng cắm vào tường nhà lão như một dấu hỏi của quá khứ: già nua, cũ kỹ, dai dẳng, bất lực.

                                                                                                                        Đ. N

                                                                                                    České Budějovice – 10/2009

Comments are closed.