New York (Trắng Trên Đen 11&12)

Ruben David Gonzalez Gallego

Vũ Thư Hiên dịch

Theo lệ thường, giáo viên phụ trách giảng bài chính trị. Cô kể cho chúng tôi nghe những chuyện khủng khiếp của lối sống phương Tây. Chúng tôi đã quen nghe chuyện đó, chẳng có gì làm chúng tôi ngạc nhiên. Tôi tin một trăm phần trăm rằng đa số dân Mỹ sống ngoài đường, trong những thùng các-tông, dân chúng ở nước Mỹ không trừ một ai đều đào hầm tránh bom nguyên tử, ở Mỹ đang diễn ra một cuộc khủng hoảng kế tiếp.

Lần này cô kể về New York. Cô dẫn ra bài báo trong tờ “New York Times” viết chuyện người ta phát chẩn phó mát cho dân thất nghiệp, mỗi người được 100 gam, phát hết luôn mấy tấn. Cô đặc biệt nhấn mạnh rằng trong suốt tháng sau đó những kẻ trên không chằng dưới không rễ kia sẽ chẳng nhận được gì thêm.

Tôi hỏi: vậy chứ họ sẽ chết đói hết, phải không cô?

– Chết chứ, tất nhiên. – cô giáo trả lời – Nhưng thay vào chỗ của những người chết sẽ có những đám công nhân mất việc khác.

Tôi tin như vậy.

***

Trong lớp chỉ có tôi và thầy giáo dạy sử. Thầy hí hoáy viết gì đó trong sổ nhật ký lớp, tôi đọc sách. Thầy ngồi ở bàn của thầy, tôi nằm dưới sàn gần đấy.

– Thầy bận lắm, thưa thầy?

– Em muốn gì vậy?

Thầy ngẩng đầu lên. Thầy có cặp mắt hiền từ và thông minh, tóc thầy đã điểm bạc. Một cái huy hiệu trên ve áo.

– Em muốn hỏi thầy một câu.

– Em cứ hỏi.

– Trong giờ thông tin chính trị các thầy cô nói rằng dân chúng ở các nước tư bản sống trong cảnh cùng cực, bên bờ vực chết đói. Em có tính thử, thấy đúng cả. Bọn tỉ phú ở Mỹ có, nhưng ít lắm. Phải thế không ạ?

– Phải.

– Bọn triệu phú cũng có, ít thôi, nhưng dù sao cũng còn đông hơn bọn tỉ phú nhiều lần. Người thuộc giới trung lưu – các chủ tiệm, các thợ cắt tóc – hẳn còn đông hơn các triệu phú nhiều, công nhân thì lại đông hơn các chủ tiệm nhiều nữa, người thất nghiệp lại đông hơn công nhân rất là nhiều. Phải thế không ạ?

– Phải. Chẳng có gì lạ. Ở Mỹ dân chúng khổ lắm.

– Thầy đồng ý như thế ạ? Như vậy, tính sơ sơ thôi, hàng ngày trên đường phố, như New York chẳng hạn có vài trăm người thất nghiệp chết đói, họ chẳng có gì để bỏ vào miệng. Ấy là chưa kể số công nhân có việc làm mà chết đói. New York như vậy đầy xác chết là xác chết, thưa thầy. Suy ra cũng phải có ai đó dọn những xác chết ấy đi chứ. Em không hiểu nổi người Mỹ. Cứ nhởn nhơ trên đường phố giữa các xác chết và những người hấp hối vì đói. Tại sao đến giờ họ vẫn chưa lật đổ lũ địa chủ và tư bản của họ đi?

Thầy đứng lên, rời khỏi bàn, đến gần tôi, ngồi ngồi nhón gót trước mặt tôi. Thầy nhìn tôi bằng cái nhìn khó hiểu và mỉm cười. Hình như thầy cười giễu cái bài toán đứng đắn tôi vừa đưa ra. Mà cũng có thể hôm nay thầy cảm thấy vui vẻ trong lòng.

– Em lên mấy rồi nhỉ?

– Thầy biết rồi mà, em lên mười.

– Thầy biết, thầy biết, – đến đó thầy nói bằng giọng vui vẻ – Em không thấy là ở tuổi em mà nghĩ về những chuyện như thế là sớm hay sao?

Tôi nín thinh.

– Đừng giận thầy. Chẳng qua chuyện đó quá phức tạp đối với em.

Thầy đứng lên, cầm lấy sổ nhật ký lớp rồi đi ra phía cửa. Đến trước cửa, thầy ngoảnh lại, nghiêm khắc nhìn tôi, như thể thầy nhìn thấy tôi lần đầu.

– Em nghe đây: chớ có nói với ai, với bất cứ người nào, về đề tài ấy nhá. Em lớn rồi, em cần phải hiểu chuyện đó.

Ngày hôm sau thầy đến bên tôi, cúi xuống, đặt xuống sàn một cuốn sách dày và đẹp.

– Em đọc đi. Một cuốn tiểu thuyết lịch sử đứng đắn đấy. Thầy biết em sẽ thích nó.

MIẾNG CHẢ BĂM

Tôi nghe lời người lớn, bao giờ tôi cũng nghe lời người lớn. Năm học nào cũng vậy, cứ đến cuối năm là tôi được nhà trường long trọng trao bằng khen “học tập xuất sắc, hạnh kiểm gương mẫu“. Nói học tập xuất sắc thì đúng, cái đó có, còn nói “hạnh kiểm gương mẫu” thì nó chỉ có nghĩa là tôi không bao giờ cãi lại các thầy. Ứng xử với các thầy chẳng khó: các thầy toàn nói những chuyện lăng nhăng. Hàng giờ liền các thầy thao thao bất tuyệt về những điều hoàn toàn không cần thiết và vô tích sự. Còn trong giờ học thì các thầy bắt chúng tôi phải nhắc lại chính những cái không cần thiết và vô tích sự ấy. Trí nhớ của tôi tốt, lặp lại bài học đối với tôi dễ ợt. Thấy thế, các thầy lại nghĩ tôi rất cố gắng. Thật là những người kỳ cục. Đi học rất sướng, ở trường toàn những thứ vớ vẩn, chẳng dùng được việc gì. Học trò được phát những cuốn sách có hình đẹp, được phát vở giấy kẻ, giấy ô vuông. Có một trò chơi như thế, tên là trường học.

Đã là học trò thì phải nghe lời người lớn. Nghe lời các bà bảo mẫu là khó hơn cả. Họ chẳng cần biết những cuốn sách thông minh với những hình vẽ đẹp dùng để làm gì. Đối với họ, thơ của Pushkin mà chúng tôi phải học thuộc lòng hay những công thức toán chẳng là cái gì hết, những thứ vô tích sự hoàn toàn . Họ chỉ cần ở tôi độc một thứ: ấy là nhờ vả họ càng ít càng tốt. Tôi vừa bước qua tuổi lên sáu, họ kêu tôi nặng quá, bởi vì tôi ăn nhiều quá. “Nốc cho đẫy vào để chúng tao phải bế, phải bồng. Đồ vô lương tâm. Bọn mọi đẻ con, còn chúng tao thì suốt đời lẽo đẽo cõng con chúng nó trên lưng. Mày coi chúng tao là cái thứ gì hử? Mấy con mụ Nga ngốc nghếch, lòng dạ xởi lởi, mới phải chịu đựng chúng mày, chăm bẵm chúng mày. Bố mẹ chúng mày khôn lắm, cuốn gói về châu Phi nhà chúng mày hết rồi“. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, tôi phải nghe các bà kể lể về lòng tốt và tình thương của các bà, về bố mẹ da đen của tôi. Kể cũng buồn cười, nhưng tôi bị nghe cái bản văn này ở khắp mọi nơi, ở khắp các cơ quan nhà nước Liên Xô – trong nhà trẻ, trong bệnh viện, trong nhà già. Y như một bản quay cóp trong kỳ thi, như một bài học thuộc lòng, như một lời nguyền.

Tôi đã cố gắng hết sức. Nhưng tôi chỉ làm được cái lớn nhất mà tôi có thể làm, ấy là ăn ít đi, uống ít đi. Còn làm cách nào để sống không cần ăn uống gì nữa thì tôi không biết. Cũng chẳng biết hỏi ai. Hỏi các thầy các cô thì không được, các thầy cô không phải là bảo mẫu đích thực, họ không phải đổ bô. Các bà bảo mẫu bảo công việc của các bà nặng hơn giáo viên rất nhiều, thế mà lương lậu lại thấp hơn. Theo quan điểm của các bà thì trả lương cho các giáo viên là vô ích, họ có làm gì đâu mà trả. Tôi hoàn toàn đồng ý với các bà. Kể lại những câu chuyện trong những cuốn sách đẹp thì dễ, đổ bô thì khó. Tôi hiểu lắm chứ.

Của đáng tội, các thầy cô thỉnh thoảng cũng làm được đôi ba điều có ích. Các cô giáo tốt bụng mang cho tôi sách báo mà họ có. Trong một cuốn tạp chí phụ nữ tôi đọc được một bài viết về chế độ ăn kiêng. Để không bị béo ra cần phải loại khỏi khẩu phần những sản phẩm làm ra từ thịt và chất bột. Tôi thôi, không ăn bánh mì và mì ống nữa. Người ta ít khi chiều chúng tôi đến đỗi cho chúng tôi ăn những món có thịt, tuy nhiên thỉnh thoảng chúng tôi cũng được ăn chả băm. Khước từ món này khó, nhưng tôi làm được. Một cuốn truyện tình báo thông minh đã giúp tôi thực hiện điều đó. Sách viết rằng một người đàn ông đáng mặt đàn ông thì phải rèn luyện sức mạnh ý chí hàng ngày. Thế là tôi rèn luyện. Lúc đầu thì thèm ăn lắm, sau quen đi. Khi thức ăn được mang đến, tôi máy móc chọn những gì ăn được và tôi ăn, nếu tôi nuốt nổi thức ăn ấy. Thường hơn cả, tôi chỉ cho phép mình uống một cốc chè hoa quả, húp vài thìa cháo. Tâm trạng tôi khá hẳn lên. Giờ tôi làm cái gì cũng được, có điều lúc nào tôi cũng thấy buồn ngủ, còn ở trường thì đến tiết thứ ba là tôi không còn hiểu gì nữa, đầu óc cứ quay như chong chóng. Đã mấy lần tôi bị ngất xỉu ngay trong giờ học.

Hôm đó tôi bị đau bụng và tôi không kịp bò tới phòng vệ sinh. Một bà bảo mẫu xốc tôi vào đấy, bỏ tôi xuống đất và bắt đầu lên lớp tôi. Bà mắng tôi là đứa hư đốn, lặp lại chuyện “con mẹ da đen chó má”, rằng các bà chăm bẵm tôi thế, mà tôi là đồ vô ơn bất nghĩa. Tôi lặng thinh. Có nói gì cũng vô ích. Chuyện như thế này xảy ra đâu phải lần đầu. Khóc lóc, van xin cũng vô nghĩa, người ta chỉ còn nhìn thấy mỗi một thứ là cái quần dây bẩn của tôi. Bà bảo mẫu quát mỗi lúc mỗi to, bà cúi xuống tôi, đôi má bụng nhụng thây lẩy, nước bọt tung toé. Tôi nín lặng. Tôi biết nói gì? Bà ta đúng, rõ ràng là như vậy. Tôi quá béo và lúc nào tôi cũng chỉ nghĩ đến ăn. Mới gần mười một tuổi mà tôi đã cân nặng mười bảy kí. Tôi không thể bào chữa cho mình được. Tự tôi, tôi cũng căm ghét tôi yếu hèn. Hai hôm trước tôi đã ăn hết một cái chả băm. Tôi không có định bụng ăn cái chả ấy, thật vậy, tôi không hề muốn thế. Tôi chỉ định ngửi nó một tí tẹo thôi, thế rồi tôi cắn một miếng bé. Rốt cuộc tôi ăn sạch cái chả lúc nào không biết.

Tôi lặng thinh. Tức thì bà ta bèn lấy những ngón tay múp míp bóp chặt đầu tôi và giúi giúi nó xuống cái quần bẩn.

– Mày im à, mày im à? Ít nhất thì mày cũng phải thốt lên một lời chứ. Mày xin lỗi đi, hứa từ rầy không dám thế nữa đi. Nói đi, nói lấy một tiếng.

Bà ta giúi giúi mũi tôi vào cứt và lặp lại câu nói, nhưng đã nhỏ hơn trước: “Nói đi, nói đi, nói đi”. Tôi biết nói gì cơ chứ? Tôi hiểu rất rõ rằng tất cả những gì người ta muốn ở tôi chẳng phải là lời nói nào hết, tôi đã thử nhiều lần rồi. Bà ta chỉ muốn có một thứ thôi, bà thật sự muốn thế, là tôi phải học được cách tự đi vệ sinh Tôi thì lại không thể hứa điều đó, vì thế tôi nín lặng.

“Nói đi, nói đi, nói đi. Mày có chịu nói hay không, hở? – bà nhắc đi nhắc lại bằng giọng đều đều. Y như tên sĩ quan Đức tra hỏi một tình báo viên Liên Xô dũng cảm trong một bộ phim chiến tranh. Một tên sĩ quan Đức. Một tên Đức.

Bất thần từ trong miệng tôi vọt ra một câu đơn giản bằng tiếng Đức: “Russisch schwein ”.

– Du bist russisch schwein – tôi hét lên trong cơn bướng bỉnh tuyệt vọng – Du bist russisch schwein. Russisch schwein. Russisch schwein. Bọn Đức bắn chết bố mẹ mày là đúng lắm. Cả mày nữa, mày cũng đáng như thế.

Đó là lời nói, chỉ là lời nói. Nhưng chúng đã tác động. Bà ta sững người. Khi còn nhỏ bà đã trải qua thời Đức chiếm, đã trải qua nạn đói. Tôi biết tôi đánh trúng huyệt.

Tôi đã quen với tình trạng tàn phế của tôi. Trong tôi thỉnh thoảng lắm mới vụt hiện ý muốn đứng lên bằng đôi chân của chính mình. Ý muốn ấy, tất nhiên, bùng lên một cách tự phát từ một nơi sâu thẳm nào đó trong nội tâm sinh vật. Trong khoảnh khắc ấy tôi khao khát được dùng tay phải cầm con dao nhọn đâm thẳng vào cái bụng to béo của bà ta. Đâm nữa, đâm nữa. Rạch toạc bụng nó ra. Tôi muốn trả thù.

Tôi oà khóc. Tôi khóc và tôi chửi. Tôi chửi thẳng vào cái mặt mẹt của con mụ ngu xuẩn kia những lời bẩn thỉu và bất công. Tôi chửi toáng lên, gắng làm cho mụ thật đau.

Một cô giáo đi ngang. Nghe tiếng tôi la hét, cô rẽ vào. Cô thấy tôi trần truồng trên nền xi măng, trong cứt đái, nước mắt giàn giụa. Hiểu ra đầu đuôi câu chuyện, cô làm ầm lên. Những người tốt bụng tắm rửa cho tôi, bế tôi đi, đặt tôi vào giường. Một cô y tá đến, mang theo ống tiêm.

– Em lặng đi nào, rồi đâu sẽ có đó mà. Bây giờ cô tiêm cho em một mũi, em sẽ ngủ yên…

– Cút khỏi đây ngay, đồ chó má, đồ giòi bọ. Mày là người Nga. Tao căm thù mày. Tao thù tất cả bọn Nga chúng mày. Bọn phát-xít, đồ súc vật. Một mũi tiêm hở? Hãy tiêm cho tao một mũi, nhưng không phải mũi tiêm này, mà một mũi tiêm thật sự, để cho tao chết quách đi. Tao là thằng mọi đen. Còn chúng mày là người Nga. Vậy thì cứ đánh chết tao đi, đừng hành tao nữa. Cả đến một mũi thuốc độc cho tao chúng mày cũng tiếc. Chúng mày xấu xa hơn cả bọn phát-xít. Bọn phát-xít, chúng nó giết hết những người tàn tật, vậy mà chúng mày giễu cợt chúng nó.

Cô y tá cứ tiêm cho tôi. Tôi cứ la, tôi cứ hét. Tôi kể hết mọi chuyện: tôi nói về chế độ ăn kiêng, về chuyện tôi béo. Tôi nói cho họ biết từ nay tôi sẽ không ăn bất cứ thứ gì nữa. Cô giáo và cô y tá nghe tôi, họ chẳng hiểu gì cả. Họ tìm cách dỗ dành tôi.

Mũi tiêm bắt đầu có tác dụng. Tôi mau chóng ngủ thiếp đi và ngủ một mạch đến tận trưa hôm sau. Tôi cảm thấy trong người nhẹ nhõm và dễ chịu. Bữa trưa hôm ấy có chả băm. Tôi quyết định ăn bằng hết. Tôi ăn chả băm, tôi ăn súp bắp cải chua với bánh mì. Mặc cho béo, mặc. Tôi cóc cần.

Comments are closed.