Người đeo lục lạc (kỳ 15)

Truyện của Võ Bá Cường


Chương 19: Những ngày cuối cùng của Nguyễn Hữu Đang

Khu đất họ Nguyễn chiếm nửa làng Trà Vy đã đi qua bao đời biến đổi thăng trầm, nhưng căn nhà cũ, cái sân cũ, vẫn là nơi ghi lại nhiều dấu chân của ba anh em ông Đang cần được lưu giữ. Căn nhà đó hôm nay được trang trọng treo lên tấm ảnh Nguyễn Hữu Đang, đứng bên Bác Hồ trên lễ đài Độc lập ngày 2/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tay anh Nguyễn Hữu Hà vừa treo bức ảnh lên tưởng, mọi người nhìn bắp gặp hình ảnh ông Đang lúc trẻ.

Chị Lê Thị Ngọc Minh vợ anh Hà đứng ngắm bức ảnh nói:

-Trông ông hồi trẻ đẹp thế mà lúc già ốm yếu, trời đất lấy đi tất cả những gì đã có. Lúc liệt giường cháu Nguyễn Thu Huyền đã nhanh ý mua đâu được cái bô vệ sinh di động rất tiện cho ông sinh hoạt và cũng đỡ vất vả cho người phục vụ. Mỗi lúc nhìn cụ lê nhích hai cái mông trên giường, tay lòng khòng cầm cái gậy móc kéo lại phía mình, rồi khẽ nhắc cái nắp bô lật lên hai tay chống xuống giường cố sức ngồi lên bô. Rồi cụ tự động vệ sinh trên cái bô đó.

Anh Hà nhớ có lần cụ bị táo bón, chân hơi phù nề, mỗi sáng anh xỏ bao tay ni lông dùng ngón trỏ móc phân ra cho cụ một cách khó khăn trong tiếng thở khò khè mệt mỏi. Mỗi lúc như thế mồ hôi cụ vã ra nhìn cháu dâu cháu trai một cách biết ơn…

Hôm nay cụ bảo anh Hà gặn lấy ít cấn nước gạo nhà mình, ít thì đi xin thêm ở nhà hàng xóm. Anh Hà hỏi: “Để làm gì?” Biết tính con người ông chú có tính kỳ cục, cực đoan, anh Hà làm theo lời cụ. Khi anh bê được xô nước gạo lên, cụ tự tay gạn lần nữa. Anh Hà nói chen trong tiếng nước chảy long tong: “Có ít cấn nước gạo nếp của bà Nền ở tầng trệt, bà chưa kịp đổ vào nấu cho lợn”. Cụ Đang ngẩng mặt nhìn cháu cười vẻ mãn nguyện. Cụ bảo cháu cho vào cấn nước gạo một chút muối bắc lên bếp quấy chín cho tôi.

Đúng là cấn nước gạo đun sôi cũng thơm ngon ra phết. Nó như bát bột sắn quấy loãng cho trẻ sơ sinh, nhìn bát bột nước gạo cụ bảo: “Nhớ lại ngày tù tội, thứ này là món ăn lợi hại nhất của người tù mà ít ai biết đến. Muôn vật trời sinh ra nó ngay trước mắt ta nuôi sống ta mà ta coi thường nó, không biết đến nó là do tri thức thấp kém. Ông kéo tay anh Hà ngồi xuống. Cái kéo tay gần gũi như cha kéo con vào lòng, vỗ về ăn ủi hoặc dạy dỗ nó. Anh Hà nghĩ: “Rất ít khi chú thể hiện tình yêu thương như thế này. Thường thì tư tưởng và cái sự suy nghĩ của chú được giấu kỹ trong lòng, chẳng bộc lộ với ai hoặc giả thiết chú coi thường con cháu, cho rằng chúng nó chẳng hiểu biết gì sự đời, việc đời. Nhất là phạm trù tư tưởng có tính triết học cao, định hướng cho một đường lối, một cách nghĩ của dân tộc, một thời đại. Biết đâu đấy là niềm tâm sự giữa hai con người, hai thế hệ, hai cách nghĩ khác nhau mà anh cần phải lắng nghe.

Anh Hà lễ phép ngồi xuống cạnh chú. Cụ Đang ho mấy tiếng, tay cụ chỉ vào bụng có ý nói đau lắm. Sau này anh mới hiểu đó là thời kỳ đường ruột cụ có vấn đề, không hấp thụ được nữa sinh ra táo bón mà mỗi lần đi vệ sinh, vợ chồng anh Hà thường phải lấy ngón tay móc phân cho chú.

Cụ nói: “Mỗi khi người tù trong kiên lỷ luật bước ra ngoài rất thèm chút nắng trời, cơn gió thổi, cọng rau xanh, có khi mùi tanh tanh máu con vật chết. Tất cả ngoài đời thì thừa thãi, đầy rẫy, có khi con người phung phí nó, xéo đạp nó. Chú nhớ có lần anh tù nằm trong kiên hàng tháng bước ra mắt ngợp trong ánh nắng và gió trời nên không nhìn thấy gì hết, ra khỏi cửa hang đã vấp ngã nằm xuống, tay cứ rứt cỏ đút vào mồm như con trâu đói xổng chuồng. Một con ngóe nhảy qua, mắt anh khẽ mở, chộp ngay được rồi đút ngay vào miệng nuốt. Cách sống con người cổ xưa đã trở lại trong bản năng họ bởi anh ta nghĩ cần được sống.

Những người như thế đường ruột đã hỏng hẳn. Chú biết phải làm gì giúp họ, với vị trí làm bếp, tối đến chú gạn các chậu nước gạo chắt đi chắt lại và thế nào cũng được một ống bơ nước cấn. Cấn nước gạo đó cho tí muối, nhất là có chút nước thịt kho, cá kho thầy quản dùng không hết còn thừa dồn lại trong cái bát nhỏ đun sôi quấy chín tìm cách dấu thầy quản cho vào kiên ốm đói. Những người tù có được nó ngày đầu ra khỏi kiên hoặc khi nằm trong kiên coi nó như thang thuốc cứu sinh. Cái ống bơ cụ Nguyễn Hồng đeo sau đít công khai trước cai ngục thời Pháp đựng thức ăn đi làm cỏ ở căng Bắc Mê. Cái ống bơ của tôi dấu ở trong hốc đá bao năm chỉ để đựng cấn nước gạo giúp bạn tù khỏi phù lũng, khỏi chết đói chú âm thầm phải chịu đựng mọi nhẽ để giữ bí mật này đến lúc rời hẳn “hang cá chép”.

Hôm ấy Nguyễn Hữu Hà như được mở ra cách nhìn nhận mới về cụ Đang giành cho anh thật sâu sắc và tấm lòng con người với con người.

Nói xong cụ Đang húp mạnh bát nước cấn gạo anh Hà vừa nâng lên miệng làm nhòe nhoẹt cả râu ria. Mấy ngày liền cụ đòi ăn như thế, bụng cụ đỡ đau và hai bàn chân bớt phù thũng. Hôm bụng bớt đau, cụ hơi nâng bàn chân lên khỏi mặt giường, hai tay cụ vuốt xuôi từ đầu gối xuống bắp chân nhỏ thon nói một mình “Con cháu bây giờ năng động trong công việc để kiếm lời, nhưng ít chú ý đến kinh nghiệm trong dân gian mà ông đã kinh qua, như việc uống nước cơm chắt trước lúc ghế, húp cấn nước gạo để tồn tại trong tù. Nếu chỉ dựa vào thứ mình có chắc đã chết hẳn”.

Năm 1992, cụ về hẳn Hà Nội. Lần cuối cụ về làng Trà Vy lên mang theo cái ăng gô kho linh tinh vài thứ. Vào mùa rét, thức ăn cụ vẫn còn để dành chưa dùng đến. Một tháng sau anh Hà mở ăng gô thấy lá lốt kho thịt cá vẫn còn xanh nguyên, nhai vẫn thơm. Hỏi bí quyết cụ nói: “Chỉ có người quê mới làm được, kinh nghiệm này tôi rút ra từ những ngày tù tội. Anh thử làm như tôi xem hai ngày nó có mốc hoáng lên không ?”

Sau lần ấy Nguyễn Hữu Hà càng thương yêu kính trọng người chú ruột mình hơn. Anh hiểu tâm trạng của ông lúc cuối đời. Nhìn vào sự đau xót của người già sống trong sự cô đơn, không nhà cửa, không vợ con giờ chỉ biết nương tựa vào tiên tổ của các cháu. Một hôm Nguyễn Hữu Hà tìm đến nhà thơ Lê Đạt, nhà thơ Hoàng Cầm thưa với hai cụ: “Chú cháu yếu lắm rồi, không đi lại được nữa, cháu hiểu tâm trạng của chú muốn gặp lại bạn bè mà không sao cất nổi bước. Hôm nay cháu thưa với hai cụ muốn tổ chức cuộc gặp mặt những người cùng thời lận đận với chú cháu trước lúc chú cháu về với tiên tổ”. Hai nhà thơ Lê Đạt, Hoàng Cầm vui vẻ nhận lời và cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa đó đã được tổ chức tại căn phòng Nguyễn Hữu Đang ở rộng chừng hai chục mét vuông tầng 5 khu tập thể Nghĩa Đô. Hôm đó rất mừng trong cuộc này có nhà sử học Dương Trung Quốc. Đi cùng với nhà sử học còn có anh Công công tác tại tạp chí Hồn Việt của viện sử học. Đây là buổi gặp cuối cùng của chú Nguyễn Hữu Đang với các cố nhân trước lúc mất một tháng. Hôm đó nhà sử học nói vui: “Mừng cho các cụ được phong thánh mới phải’.

Chị Lê Thị Ngọc Minh thấy chồng làm việc hết sức có văn hóa không quên chạy ra chợ mua con gà giết nấu nồi cháo thật ngon để đãi các bác, bạn bè thân thích của chú Đang.

Lịch sử vẫn là lịch sử, cuộc gặp mặt này ít nhất về sau nó sẽ chiếm một vài dòng chữ trong một trang sử nào đó viết về vụ “Nhân văn”.

Nguyễn Hữu Hà vặn mình chuyển tư thế ngồi nói với tôi:

-Ông có nghị lực sống, ngay cả lúc sắp chết. Ông từng tuyên bố: “Ta sẽ sống đến Thăng Long 1000 năm”. Liệt giường cụ vẫn cố ăn, ăn không cần biết ngon, cụ cố gắng ăn hết lượng không nhỏ mà tự mình đã quy định. Cụ có ý thức kéo dài giai đoạn kết thúc “Sống để xem”.

Lúc cụ nằm bao giờ cũng cầm ngòi bút rà rà lên mặt tờ giấy để viết điều gì đấy, đang nghĩ ra trong đầu: “Tôi có thể khẳng định với mọi người chú tôi sẽ chết nhưng chết cùng lúc khi không viết được” và đúng như thế. Khi không đọc được, viết được sau vài tháng cụ đi…

Lạ thay lúc còn trẻ, khi vào tù tính khí chú “cực đoan cố chấp” ít chịu nhường ai nhưng sau ngày ở chùa Trà Vy ra đi, ẩn mình ở gian bếp trường cấp hai Vũ Công chú tôi suy nghĩ khác hẳn. Lá thư chú gửi cho ông Nguyễn Tiến Đoàn để ngày 1/8/1981 ông nói: “Trong những ngày sống thêm và sống “co lại” thích ứng “cầu an” “chuộng nhàn”. Còn lá thư gửi cho nhà văn Dương Thu Hương ngày 1/6/1990 như một lời sám hối, tự kiểm điểm mình “ không ôn hòa” “tham thắng”.

Ngày 20/11/1992 chú tôi có bài viết mừng ngày sinh nhật Nguyễn Hữu Đang, trong buổi lễ “sống dai” ông đã nói hết sự cảm động của mình mà hai gia đình Nhà thơ Phùng Cung, Phùng Quán đã tổ chức ngày lễ ấy cho ông…Ông viết: “Nói cho thật đúng gọi sống dai trong trường hợp này cũng có ý nghĩa của nó…Vì đáng lẽ ông quy tiên từ lâu vì sống trong điều kiện sinh hoạt quá eo hẹp mà tôi lại sống với bốn chữ “khỏe”, ăn khỏe, ngủ khỏe, nói khỏe, đi xe đạp khỏe…

Nhưng vấn đề đáng quan tâm không phải là “sống dai” có lợi ích gì? Cho nên tôi cũng như mọi người lúc về già không tránh được ý muốn kiểm điểm đời mình, đã làm bao nhiêu việc hay dở.

Tôi đọc bài chú tôi viết chuẩn bị cho cuộc gặp mặt phát biểu ngày mai tự đáy lòng kêu lên: “Ôi ông già tám mươi tuổi lúc còn trẻ hùng tâm tráng chí giờ đầu râu tóc bạc chân chậm gối mỏi mắt mờ lại tự dằn vặt kiểm điểm mình”. Tôi biết chú viết điều thành tâm như thành tâm chú sống với con cháu bạn bè, chứ đâu ra vẻ khiêm tốn. Cũng chẳng đành lòng nói dối với thiên hạ, bởi chú tôi rất thích thật thà.

Chú viết : “Quả núi Nguyễn Trãi về cuối đời còn phải than thở : “Ta dư cửu bị Nho quan ngộ” “Ngã thị canh nhàn điếu tịnh nhân” (Thương cho ta bấy lâu bị cái mũ nhà Nho làm cho sai lầm. Ta vốn là kẻ ưa cầy nhàn câu vắng). Quả núi Nguyễn Trãi còn như thế huống hồ là hòn sỏi Nguyễn Hữu Đang! “

Chú tôi đã nghe lời khuyên tìm thấy cái đúng cái sai của đời mình một cách khách quan để so sánh. Chú đã tìm ở các vị danh nhân Đông Tây Kim Cổ, chủ thuyết này, chủ thuyết nọ, chưa phải là chắc, đành tìm ở khoa học tự nhiên, khoa học chứng nghiệm chú tôi đã gặp được câu định nghĩa “Khoa học là gì? Mà nhà thiên tài đã đưa ra mấy thế kỷ nay, được dư luận cho là hay nhất phải nhất “Khoa học là thay một cái sai bằng một cái sai khác hợp lý hơn”. Câu này chú tôi gạch dưới rồi chú tôi kết luận: “Trên đời không làm gì có cái đúng, chỉ toàn những cái sai, sai tương đối sai nhiều hay sai ít”. Thế thì đời tôi toàn những sai lầm, cũng là bình thường, cũng là quy luật, cũng “hòa cả làng”.

Lúc nằm trên giường bệnh chú thường nói: “CCRĐ ở nước ta có những sai lầm nghiêm trọng, bên cạnh cái thắng lợi cơ bản là người cày có ruộng. Những sai lầm ấy làm cho nhiều người hoang mang, thậm chí chán nản…kẻ địch dèm pha… Giữa lúc lòng người phân tán. Một bậc đàn anh trong lĩnh vực báo chí văn hóa đã tuyên bố một câu đơn giản mà có sức thuyết phục, trấn an động viên rất hiệu quả. Đó là câu khẳng định đanh thép “Còn làm còn sai, hễ sai lại sửa”. Theo chú tôi đó làm châm ngôn hành động thiết thực mà các bạn có thể chấp nhận. Có điều chú tôi không nói bậc đàn anh đó là ai? Cuối cùng chú chúc các bạn sống lâu hơn và gửi tới các bạn lời chào “sửa sai liên tục…”.

Lúc bắt vào chuyện chúng tôi đều háo hức bây giờ cả hai đều thấy buồn, buồn vô cớ, buồn từ ruột buồn ra. Ở Hà Nội gia đình anh em bảo nhau quấn túm chạy về quê xả hơi mấy ngày rồi lôi chuyện đẩu đâu ra nói để lòng buồn rời rợi nghĩ mà dại. Tôi bảo anh Hà cái tuổi già của cánh ta không thể sống khác theo thói quen được, kể cả cái thói cằn nhằn khó chịu của các bà vợ. Với cách sống ấy, lớp trẻ bây giờ rất bực bội vì tức. Mới sáng sớm các cụ đã ngồi dạy dỗ các con cháu gây nên cho chúng nó khó chịu. Bởi các cụ toàn nói những câu vặt vãnh vớ vẩn. Cụ Đang đến cái tuổi chín mươi mà vẫn giữ được thái độ bình tĩnh không nổi khùng, không gây sự với ai là quý lắm.

Nguyễn Hữu Hà bảo tôi: “Những ngày cuối đời cụ càng ít nói. Sáng dậy vệ sinh xong cụ xuống đường Hoàng Quốc Việt, gia đình ông Hà có mở quán bún mọc ở đó. Cụ đi thóng thả, tìm cái ghế góc khuất thong thả ngồi xuống, tay luôn xách theo một cái túi vải cũ trong nhôm nhoam. Đó là cái túi ông hành khất mang từ làng Trà Vy lên. Trong túi cụ luôn thủ một cái kéo nhỏ. Nhìn ông già như không có việc gì lo toan bận mải. Khi bát bún mọc được bê lên, hai cánh mũi cụ khịt khịt, tay cụ với tờ giấy lau đôi đũa nhiều lần rồi gác ngay ngắn vào đĩa rau thơm đã có sẵn miếng chanh cái thìa và mấy miếng ớt đỏ như hoa cắt sẵn. Bấy giờ cụ mới cho tay lôi cái kéo từ túi ra, một động tác thật điệu nghệ, chiếc kéo trong tay cụ cứ kêu lách tách, đầu kéo kẽ động vào từng viên mọc. Viên mọc được cắt nhỏ ra từng miếng. Rồi miếng thịt sau cùng là những sợi bún, cũng được cụ cắt vụn ra như thế.

Cụ ăn uống cũng thong thả không vội vàng như khi mới ở trong tù ra, cụ bảo: “Bây giờ có ai ăn cướp của mình đâu mà ăn vội”. Sau bát bún là hai quả trứng gà “la coóc” chần cả vỏ các cháu đã chuẩn bị sẵn, cụ dùng thìa đập đập khẽ, vỏ trứng tách ra đưa cùi thìa múc. Có quả cụ dốc ngược cho hột trứng chạy tuột vào cổ họng. Đến lúc cụ liệt giường liệt chiếu con cháu cho cụ ăn cũng theo một thói quen cắt nhỏ mọi thứ như thế…

Bao giờ khi cụ ăn xong cụ cũng thong thả lau miệng, quán cà phê “Hằng chúa chổm” đã đưa cho cụ tách còn bốc khói kèm theo điếu thuốc lá thơm…Rít hết hơi thuốc lá cuối cùng, cụ lại thong thả đi về nhà, hoặc thong thả tới nơi nào cụ thích, như nhà Phùng Quán, Phùng Cung chẳng hạn. Khi cụ về nhà lúc đã tọa lạc trên giường, cụ nằm thả tâm hồn mình nhìn đăm đăm vào bức ảnh treo trên tường, mặt trước là Nguyễn Hữu Đang mặt sau là cô gái Hà Nội, Huyền Nhiên.

Hai cuộc đời, hai con người đã ép chặt vào nhau, mà phải vĩnh viễn xa nhau, giờ cụ chỉ còn sống trong những kỷ niệm.

Một buổi tối cụ gọi Nguyễn Hữu Hà ngồi lại, cụ khen cháu dâu Lê Thị Ngọc Minh đã làm đúng bổn phận cháu dâu cả trong gia đình, hết hầu hạ bố chồng lại hầu hạ bác ruột đến lượt chú ruột Nguyễn Hữu Đang. Lúc đó cô Minh đang xắn quần lội mưa từ dưới phố đi về nhà, người ướt sũng, cái nón còn chụp trên đầu long tong nước rỏ xuống nền nhà. Cái dáng nhọc nhằn vất vả ấy khiến ông Đang động lòng chép miệng: “Cũng là một kiếp con người mà lầm than đến thế, lại còn lo toan bao công việc giời ơi đất hỡi của nhà, của họ, của cả khu phố nữa. Bây giờ lại lo phục vụ một người phạm tội, cái tội mà cụ chọn lựa từ lúc trẻ, đến già cũng không thay đổi…Cụ bảo:

-Cháu Hà lúc nào bảo với vợ, chú biết chú làm phiền vợ chồng cháu nhưng chú không còn cách nào khác. Chả nhẽ sang nhà hàng xóm nhờ vả hay ra hè phố nằm vạ vật nhờ người qua lại. Chú bán nhà công vụ được 120 triệu rồi lại mua nhà tập thể 303 khu tập thể Nghĩa Đô lúc sắp chết lại vạ vật vào nhà cháu. Tiền bán nhà thuốc thang, bệnh viện lên xuống, còn chút đỉnh sau này vợ chồng cháu lo tang ma cho chú, nhưng nhất định phải giành một ít đem về làng Trà Vy ủng hộ quỹ Khuyến học.

Sau buổi tối đó cụ ốm nặng, nhất là sau cái chết của Phùng Quán, Phùng Cung, cụ như người thất sắc phải ôm chăn chiếu vào bệnh viện nhiều lần. Cuối năm 2006 bệnh quá nặng phải đi Việt Xô… Hà kể tiếp trưa hôm ấy cụ vẫn ăn uống bình thường, ăn kiểu “hút”. Chiều vẫn ăn như thế bằng thứ sữa bột pha loãng lẫn nước gạo cụ vẫn dùng. Khi hết cốc to, tự tay anh Hà cho húp ít sữa, khi cụ nín hơi thứ ba cụ sặc, thức ăn tràn ra, vợ chồng anh Hà vội dựng cụ ngồi dậy, nhưng tiếng ằng ặc trong cổ không dứt. Anh Hà gọi to mấy đứa cháu: “Đi kêu tắc xi ngay” và mấy bố con thay nhau bế chú Đang từ nhà tập thể bánh mỳ Nghĩa Đô, phòng 508 tầng 5 Từ Liêm Hà Nội chạy xuống.

Trên đường đến bệnh viện Việt Xô Hà luôn dục người lái xe “tăng tốc”, gặp đèn đỏ cứ vượt, tội đâu Hà Chịu! Vì chẳng còn cách nào khác bằng mọi giá hãy cứu lấy chú.

Một tay ôm chú một tay khẽ đập vào ngực chú mong cho cấn sữa xuôi xuống cũng không được. Vào phòng cấp cứu, bác sĩ cho thở bằng máy cũng không xong, người ta vội khoét một lỗ ở cổ để lấy đờm ra cũng không có kết quả. Lúc sau mắt chú hé mở cố ngước nhìn lên trần nhà như nhìn lên trời xanh. Sau cái nhìn cuối đời đó chú co rút người lại vặn mình thật mạnh, duỗi chân tay mắt khép lại, chân tay tím tái. Chú tôi chết thương cảm thế đó. Sống sót được ở nhà tù cầm cố cũng nhờ cấn nước gạo, giờ chết vì cấn sữa. Chú tôi đi vào ngày 21/12/2006.

Đưa chú về, ba chân bốn cẳng chạy lên phường khóm làm thủ tục khai tử rồi chạy lên Hội Nhà văn. Các anh ở Hội Nhà văn bảo tôi phải sang Hội Khuyến học, cấp trên đã giao cho bên đó tổ chức lễ tang cho ông.

Sang đến Hội Khuyến học, họ bảo tôi đi tìm ông Nhĩ nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo Dục, Chủ tịch Hội Khuyến học thì phải. Nhà ông Nhĩ ở phố Hoàng Quốc Việt, tôi lếch thếch đi xe ôm rồi cuốc bộ vào nơi ông ở. Ông nhìn, ngó tôi kỹ lắm mấy phút sau mới đẩy cách cổng nặng nề cho tôi lách vào. Tôi rụt rè thưa: “Cháu có người chú tên là Nguyễn Hữu Đang đã qua đời trước ở Hội Truyền bá Quốc ngữ. Sau làm thứ trưởng Bộ Tuyên truyền, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, là trưởng ban lễ Độc lập 2/9/1945”.

Ông Nhĩ nghe xong nói thủng thẳng “Tôi không thấy ai nói gì và thực sự Nguyễn Hữu Đang là ai tôi không biết”. Chỉ còn một ngày một đêm nữa thôi là phải đưa chú ra đồng mà chưa có cơ quan nào đứng ra lo lễ tang cho chú. Mấy anh em trong nhà có người nói: “Không cơ quan nào đảm nhận thì gia đình mình lo lễ tang cho chú. Đúng sai thế nào có dư luận và lương tâm họ phán xét”. Nhưng tôi nghĩ còn nước còn tát tôi lại chạy về cơ quan Hội Nhà văn.

Tôi và gặp anh Hữu Thỉnh, qua anh Thỉnh cho biết trên đã bàn giao lại cho Bộ Giáo Dục, gia đình sang gặp anh Giáp là chánh văn phòng Bộ bàn bạc cụ thể.

Tôi ba chân bốn cẳng chạy vào phòng ông Giáp. Chạy như người chạy cháy nhà, gặp người chẳng kịp chào, qua cổng quên bỏ mũ. Gặp được ông Giáp mới biết được Bộ Giáo dục đứng chủ tang.

Tay anh Hà đẩy sang cho tôi “lời điếu” do Bộ Giáo dục sơ thảo sẵn.

Bà Trần Thị Ngọc Mai Thứ trưởng là Trưởng ban tang lễ.

Tang lễ chú tôi ngoài hai cơ quan Hội Nhà văn và Bộ Giáo dục còn có nhiều nhà văn nghệ sĩ trí thức, các nhà khoa học, sử học đến dự. Đặc biệt cụ Mười Hương đến dự từ đầu đến khi ra đài Hoàn Vũ.

“Trong đám tang người ta loáng thoáng nghe thấy hai chữ Nhân văn Giai phẩm”

Khi ông Dương Trung Quốc gặp cụ Hương ở đám tang, cụ Mười Hương nói rằng lúc xảy ra vụ “việc đó” cụ đang ở chiến trường miền Nam. Khi nghe tin từ ngoài vào, chuyện khác thì không bình luận nhưng cái chi tiết Nguyễn Hữu Đang bị gián điệp đàn bà lung lạc thì cụ không tin “Anh Đang là người sống thủy chung và nghiêm túc lắm”.

Vâng, tôi biết chú tôi, chẳng phải người vô tâm với làng với nước vì thế khi cụ ra tù, biết bao người rủ cụ Trưởng ban tổ chức ngày lễ Độc lập ra nước ngoài ở. Cụ đâu làm vậy. Cụ hơn người là ở chỗ đó! Thế mà tại sao họ lại đào xới nơi cụ ở!

Tôi lặng lẽ cúi đầu thắp cho cụ Đang một nén hương lên mộ chí tại nghĩa trang làng Trà Vy cùng cụ Thục và con cháu cụ vào một chiều hè mưa đổ.

V.B.C.

(Xem tiếp kỳ sau)

Comments are closed.