Ở QS. lúc 2 giờ

Ý Nhi                                                                                                             Truyện ngắn

Đời người không đo bằng bao nhiêu hơi thở mà bằng những nơi chốn và khoảnh khắc làm ta nín thở

(Dẫn theo Nguyễn Tường Bách/Đường xa nắng mới)

Thoạt tiên, chỉ là những tiếng ho khúc khắc, bị nén lại. Rồi những tràng ho kéo dài, tràng nọ nối tràng kia.

Có ai đó trong số hành khách đang ngủ vùi, giật mình làu bàu, ồn quá, gì mà ồn quá vậy. Ngay sau đó là giọng một phụ nữ, coi chừng Covid đấy. Hai tiếng Covid tựa như tiếng còi báo động, đánh thức tất thảy hành khách giữa đêm khuya.

Người ta lập tức nhận ra đó là tiếng ho của bác tài.

Một tay đặt trên vô lăng, tay kia vuốt ngực, ông ta tiếp tục ho từng tràng dài.

Rồi xe bất chợt dừng sững lại. Một tiếng rít lạnh lẽo khi bánh xe miết trên mặt đường.

Đèn bật sáng.

Phụ xe, một gã trai mặc chiếc áo bò sờn cũ, mái tóc dài phủ xuống tận cổ, đứng giữa hai hàng ghế, giọng nhỏ nhẹ, thưa các cô chú anh chị, bác tài bị bệnh đột ngột, chắc không thể tiếp tục công việc. Thì cậu lái đi, ai đó từ cuối xe nói vọng lên. Gã ta xua tay, dạ không, tôi thì chưa được phép lái xe giữa đêm khuya, nơi đèo dốc… Vậy làm sao, đem con bỏ chợ à, vẫn giọng nói lúc nãy. Dạ, hắn vẫn nhỏ nhẹ, may mà xe vừa vào tới thị trấn QS. Chúng tôi đã vài lần nghỉ lại ở đây. Thị trấn có dăm ba nhà trọ, đủ chỗ cho tất cả hành khách ạ. Chúng tôi sẽ gọi về chủ xe, đề nghị cử tài xế vào thay. Xin mọi người thông cảm. Gã chắp tay trước ngực, người hơi cúi xuống.

Anh nhìn đồng hồ. 2 giờ.

Suốt từ lúc lên xe, anh vẫn thức. Anh không sao ngủ được trên những chuyến xe, những chuyến tàu, những chuyến bay, bất kể ngày hay đêm. Một nỗi bất an vô cớ khiến anh không sao chợp mắt trong những hoàn cảnh bất thường.

***

Mọi người lần lượt xuống xe, mang theo những túi xách nhỏ. Họ im lặng, trật tự, gần như đi theo hàng dọc, người nọ tiếp sau người kia.

Trong cơn nguy khốn, người ta trở nên điềm tĩnh, biết điều. Anh nghĩ, khi nhớ lại cảnh nhốn nháo ở bến xe, khi mọi người chen chúc, la hét, tranh nhau tìm chỗ cất đồ đạc.

Anh và gã phụ xe đưa bác tài đến gia đình quen của họ. Ngôi nhà nhỏ, khuất sau hàng cây, có mùi hương loài hoa nào thoảng trong đêm.

Một người phụ nữ trạc bốn mươi, hơi đậm người, hốt hoảng kêu lên khi nhìn thấy họ, có chuyện gì vậy, anh ấy làm sao. Gã phụ xe cười cười, thì chị đỡ anh vào nhà đã.

Họ có vẻ là những người bạn khá thân thiết.

Khi anh quay trở ra thì các phòng trọ đã im lặng như tờ. Thiên hạ hay thật, chẳng ai, chẳng việc gì phá vỡ được giấc ngủ của họ.

Anh thả bộ dọc con phố, đầu rỗng không, cho đến khi đột nhiên gặp một con đường lớn cắt ngang lối. Phía bên kia con đường là một mặt nước lấp lánh sáng dưới ánh trăng.

Anh dừng sững lại, như bị thôi miên.

Anh đi từ hướng của con đường này và P. thì đi tới từ phía bên phải của con đường cắt ngang. Góc cắt của hai con đường thành điểm hẹn, từ lúc nào không rõ. Họ thường băng qua đường rồi đi men theo một lối nhỏ viền quanh hồ nước, nơi có một ngôi chùa im vắng, một hội quán của thanh niên rộn rã tiếng hát ca, một quầy báo bỏ hoang. Và bên kia hồ, một rặng cây có những cuống lá rất dài, chỉ một làn gió nhẹ cũng khiến chúng rối bời, xao xác. P. gọi đó là những cây sồi, khi cô nhớ tới những rừng sồi trong các trang sách của các nhà văn Nga cô từng đọc. Họ tin rằng sẽ mãi còn những chiều muộn, bên nhau, men theo vệ cỏ bên hồ, lắng nghe tiếng sóng vỗ nhè nhẹ vào bờ theo nhịp mỗi bước chân, cho đến một ngày, chính dưới hàng cây sồi ấy P. nói rằng cô cần đến một nơi chốn mới.

Đêm đó, dưới ánh trăng, mặt hồ cũng lấp loáng vô vàn những mảnh vỡ, như đêm nay…

Anh dợm bước về phía hồ nước, bỗng nghe ai đó nói sát bên tai, điên hả, rồi một bàn tay bóp mạnh vào bả vai anh, gần như xoay hẳn người anh về phía trị trấn. Khi hoàn hồn, anh quay lại, chỉ kịp nhận ra một bóng dáng tầm thước, mặc chiếc áo khoác dài, như một chiếc áo mưa. Một chiếc áo mưa giữa trời đêm quang tạnh… Anh không hiểu vì sao ý nghĩ đó lại khiến anh nhớ đến giọng nói nhẹ nhàng của mẹ, sau câu chuyện với P.: Cuộc đời sẽ đẩy sau lưng ta, buộc ta bước tới.

Về lại thị trấn, anh ngạc nhiên thấy cả nhóm hành khách đã quần áo chỉnh tề, mặt mày tươi tỉnh đứng trước cửa một nhà trọ.

Bác Tài đã qua cơn cảm sốt.

Gã phụ xe nháy mắt với anh, đi lạc hả.

Anh không đáp. Lẳng lặng khoác ba-lô lên vai, nhập vào đám hành khách đã lại bắt đầu nhốn nháo chen lấn.

Anh là người sau cùng bước lên xe.

Khi chạm chân vào sàn xe, anh bỗng nói to, cho tôi xuống, tôi ở lại.

Cả đám hành khách ồ lên. Gã phụ xe nháy mắt, cười cười.

***

Chỉ còn lại một chủ, một khách.

Sáng sớm, chủ mời khách ra ngồi dưới giàn hoa giấy trước hiên, cậu thức cả đêm rồi, cà phê xứ này hơi nặng nhưng sẽ giúp cậu tỉnh như sáo ngay tắp lự.

Chủ nhà trọ, một người đàn ông da ngăm đen, trong bộ đồ ka ki đã bạc màu, hơi khó đoán tuổi, vừa dùng chiếc thìa nhỏ khuấy cho ly cà phê dậy bọt vừa nói với anh, giọng nhỏ nhẹ, gọi là thị trấn cho oách vậy chứ cả cái QS. này chỉ có một con lộ chính và dăm ba nhánh rẽ. Cậu nhìn coi.

Anh đưa mắt nhìn dọc phố. Những căn nhà một vài tầng, nằm kề nhau, giống hệt căn nhà anh đang ở trọ. Trước hiên nhà nào cũng có một giàn hoa giấy. Hoa giấy rực rỡ vào sớm mai, vào ban trưa, vào chiều muộn là thứ trang sức duy nhất của thị trấn.

Như đọc được ý nghĩ của anh, chủ nhà bảo, đó, đến hoa lá cũng nghèo nàn. Mà cũng phải, hoa giấy mới chịu nổi cái nóng, cái khô của xứ này cậu ạ.

Anh hỏi, có khi nào chú tính chuyện rời đi. Không, ông nói to. Đi sao được, cụ kỵ ông bà cha mẹ mình sống ở đây, chết ở đây.

Thấy anh im lặng, vừa uống cà phê vừa nhìn ra con phố, có lẽ ông cảm thấy áy náy, giọng tự nhiên sôi nổi hẳn lên, cậu biết không, cái xứ khỉ ho cò gáy, chó ăn đá gà ăn sỏi này cũng hấp dẫn lắm đó. Anh đáp, hấp dẫn ai hả chú. Không để ý đến giọng nói hờ hững của anh, ông vẫn sôi nổi, nhiều lắm, người ta tới lui rầm rập, hết nhìn ngắm lại đo đạc, hết chụp ảnh lại quay phim. Nghe đâu có dự án chi đó lớn lắm, sẽ lấy hồ nước làm trung tâm. Cái hồ nằm đó bao nhiêu lâu, chẳng ai màng tới, bỗng nhộn nhạo kẻ đi người đến. Cái hồ nước…

Chủ nhà chưa nói hết câu, anh đã đặt ly cà phê xuống mặt bàn giả đá, đứng bật dậy.

***

Hai tiếng “hồ nước” giống như một tiếng gõ đập thẳng vào tâm trí của anh.

Anh lờ mờ nhận ra, cảnh trí anh nhìn thấy lúc nửa đêm chính là nguyên cớ khiến anh quyết định rời bỏ chuyến đi vào phút chót.

Anh muốn ngay lập tức quay lại nơi ấy để xác tín điều mình vừa nghĩ tới.

Anh hỏi chủ nhà, hồ nước có xa không chú. Chủ nhà im lặng giây lát, rồi vui vẻ, cậu rẽ trái, độ non cây số là tới nơi. Cũng nên đến đó, biết đâu… Ông không nói hết câu, đưa mắt nhìn mung lung đâu đó.

Câu nói bỏ lửng và ánh nhìn lơ đãng của chủ nhà khiến anh bất chợt nghĩ, biết đâu, cái cảnh trí kỳ lạ đó, cái con đường cắt ngang đó, cái ánh trăng lấp loáng đó chỉ là một hư ảnh được tạo ra trong cảnh khuya vắng lặng, trong tâm trạng mệt mỏi, trong nhớ tiếc.

Lưỡng lự một chút, thay vì rẽ trái, anh rẽ phải, đi dọc theo con phố.

Hết hai dãy phố, anh lững thững bước xuống một nhánh đường đất đỏ, nơi thấp thoáng những ngôi nhà sau mấy rặng dừa.

Đi loanh quanh trong xóm nhỏ vắng vẻ, anh nhận ra ở cái thị trấn QS. này, ngoài hoa Giấy, còn một loài hoa khác nữa. Hoa Tứ quý. Hoa Tứ quý nhiều màu, nở quanh năm, dày dạn nắng mưa, có nơi còn gọi là hoa Ngũ sắc, hoa Tam thời. Dọc theo những con đường những ngõ nhỏ những bờ giậu, đâu đâu cũng có tứ quý, rực rỡ sắc màu. Hoa làm cho cái xóm nhỏ bớt phần hiu quạnh. Ở quê anh thì đâu đâu cũng vàng rực dã quỳ. P. bảo, màu vàng làm cho những ngày đông đỡ giá buốt. P. …

Anh cảm thấy mừng vui, xao xuyến khi nghe thấy tiếng ho của ai đó trong căn nhà cuối xóm, như thể gặp được người thân quen ở một nơi xa lạ. Giữa lúc anh còn chưa định thần thì nghe thấy một câu mời chào lạ tai, vào uống nước, con Mực hiền lắm.

Con Mực, nghe nhắc tên, sủa một tiếng đáp lời rồi vẫy đuôi mừng khách lạ.

Trên thềm nhà, một cụ ông đang ngồi vót nan tre, sau lưng cụ là những rổ rá, nong nia, thúng mủng xếp chồng lên nhau, cao gần tới trần nhà. Ông cụ ngẩng nhìn, tay vẫn chẻ nan, cậu ở xa tới hử. Dạ, cũng không xa lắm ạ. Ông hắng giọng, lóng rày, người tứ xứ về đây nườm nượp. Dạ, cháu thấy cũng vắng vẻ mà. Ừm, chắc không phải ngày, không phải buổi. Mới hôm qua, hôm kia họ còn xuống tận đây hỏi mua đất. Họ làm nhà ạ, anh hỏi lại. Hừm, nghe sắp nhỏ nói có dự án chi chi đó nên sốt đất. Đất ở đây còn rẻ chứ phía hồ nước thì người ta hô giá trên trời, mỗi ngày một giá.

Lại hồ nước, anh nhủ thầm, rồi hỏi, cái hồ nước có từ xa xưa hả cụ. Ừm. cụ bỏ chiếc lạt ra khỏi miệng, nói một hơi, người thì bảo có mạch nước thiêng, kẻ thì bảo có cô gái nọ thất tình, khóc mãi, khóc mãi nước mắt đọng thành hồ.

Cụ bật cười không thành tiếng, nước mắt mà đọng thành hồ thì trái đất này ngập lụt mất rồi. Dạ, anh đáp dè dặt. Nghĩ anh không hiểu ý mình, ông cụ nói to, cậu thử nghĩ xem, người ta chẳng than chẳng khóc từ năm này đến tháng nọ, từ đời xưa đến đời nay đó sao.

Ông đẩy ấm nước bằng sành lại phía anh, cậu uống nước đi.Nước vối đấy. Lão thấy chả có thứ nước nào bằng nó. Mấy thứ nước ngọt gì gì mà lũ trẻ mua về, uống chỉ tổ khát thêm. Anh cười, thế cụ đã uống thử chưa. Chưa, chưa, cụ xua xua tay, mặt hơi nhăn lại như sợ hãi, có những thứ người ta chả nên thử cậu ạ.

Anh nhìn cụ, nhìn khuôn mặt đầy nếp nhăn của cụ, mái tóc bạc thưa thớt của cụ, hai bàn tay gân guốc sạm đen của cụ, tự nhiên muốn bật thành lời, ông ơi, ông là một bậc hiền triết- bậc hiền triết ngồi vót nan tre trên hiên nhà ở một xóm nhỏ đầy hoa Tứ quý.

Khi anh quay lại chào cụ để ra về, bậc hiền triết đã bỏ lơi cả rựa cả đoạn tre đang vót dở, tựa đầu vào chiếc cột nhà bằng gạch chưa trát vữa, mắt nhắm lại, gương mặt hiền hòa phảng phất nét cười.

Anh không dám cử động, chỉ ngồi im trên hàng hiên, nhìn nắng đổ xuống những tàu chuối đang như héo lả, cho đến khi một người đàn ông còn trẻ về nhà vừa đỡ ông cụ vừa lầu bầu điều gì đó, anh mới rời đi.

***

Quán trọ có thêm ba người khách.

Khi đi ngang qua họ, anh nhìn thấy cả bọn đang cúi xuống một tấm bản đồ khu vực, tỉ lệ khá lớn.

Trong phòng của mình, anh nghe vọng tới giọng nói lảnh lót của cô gái, cách gì thì cũng phải giữ gìn nguyên vẹn cái hồ nước. Nó không chỉ là cảnh đẹp mà còn là linh hồn của cả vùng đất…

Giọng nói ấy, giọng nói ấy… Ý nghĩ đó lặp đi lặp lại vài lần trước khi anh chìm sâu vào giấc ngủ mê mệt với không biết cơ man nào những con người, những núi rừng sông biển… Một lúc nào, anh thấy mình đứng trước một thác nước lớn. Nước trắng xóa, ào ào tuôn chảy khiến giọng P. lúc được lúc mất, khi khoan khi nhặt. Nghĩ là cô đứng phía sau dòng thác, anh vội vàng lội xuống, giật mình vì dòng nước lạnh buốt.

Thức dậy, anh xoa xoa hai bàn chân vào nhau, cảm thấy cơn lạnh từ dòng thác đang chạy trong cơ thể rêm rêm như một dòng điện.

Ngoài phòng khách vẫn còn tiếng rì rầm bàn luận. Họ không ngủ hay anh chỉ vừa chợp mắt, anh tự hỏi và liếc nhìn chiếc đồng hồ treo tường. 2 giờ sáng.

2 giờ sáng, anh nhủ thầm, đột nhiên tỉnh táo hẳn.

Không muốn làm phiền ba người khách, anh nhẹ nhàng rời giường, xuống bếp của nhà trọ, định bụng tự pha một ly cà phê.

Gian bếp khá sạch sẽ, mọi vật dụng được sắp xếp trật tự. Trên chiếc kệ inox, anh tìm thấy lọ thủy tinh đựng cà-phê bột, một túi Nest coffee 3 trong 1, mấy chiếc phin inox nhưng không tìm thấy ấm pha nước siêu tốc. Sau một hồi loay hoay trong gian bếp, anh quyết định bỏ cuộc, trở lại phòng, nằm chờ sáng.

Khi lách mình qua hai chiếc kệ, anh đá phải đống xô chậu đặt dưới đất. Tiếng xủng xoảng vang dội trong đêm vắng. Tiếng cô gái hét lên, trộm, có trộm. Rồi ba người họ chạy xuống, sửng sốt nhìn anh. Ba khuôn mặt trẻ măng, cùng mặc quần jean, áo thun. Quả là một team ăn ý, anh nghĩ.

Cô gái lên tiếng trước, em chào anh. Cô có khuôn mặt tròn, tóc cắt ngắn, đeo một cặp kính cận khá dày, gọng màu xanh lá cây. Anh nghĩ, chẳng có chút gì như mình hình dung nhưng chỉ nói khẽ, tôi xin lỗi.

Cô gái nhìn anh, lảnh lót, chắc là anh định pha cà-phê. Bọn em cũng đang cần thứ gây nghiện này. Bác chủ nhà không có ấm siêu tốc, chỉ dùng ấm nhôm đun trên bếp gas thôi ạ.

Cô xăng xái cho cà phê vào phin, bắc ấm đun nước.

Thấy anh tựa vào tấm cửa bếp im lặng, một trong hai chàng trai lên tiếng, anh cũng về làm việc ở QS ạ. Anh cười, không, tôi ghé chơi thôi.

Cô gái lấy khay bưng bốn ly cà-phê lên phòng khách, anh ngồi chơi với bọn em. Nhưng chẳng mấy chốc họ đã quên bẵng vị khách bất đắc dĩ.

Anh nghe loáng thoáng những độ cao những mặt bằng những thảm thực vật những độ ph… trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Anh chỉ choàng dậy khi nghe thấy cô gái nói đến mấy từ “những con đường”, bất giác chen vào câu chuyện của họ, các bạn sẽ xử lý thế nào cái con đường cắt ngang trước mặt hồ ấy. Cả ba người quay lại nhìn anh. Cô gái nhíu mày, em không nhớ có con đường ấy. Anh xem này, cô chỉ tay vào tấm bản đồ, đường từ thị trấn chạy thẳng tới, giáp bờ hồ rồi tỏa ra hai nhánh men theo vòng hồ. Ngưng một chút, cô nhắc lại, quả quyết, không có con đường cắt ngang đâu anh.

Anh đáp khẽ, cố giữ vẻ bình thản, tôi cứ tưởng… tôi xin phép.

Anh vừa bước ra cửa thì chạm mặt ông chủ nhà trọ. Đến lúc này anh mới nhận ra sự vắng mặt của ông, chú đi đâu cả tối vậy ạ. Ông trả lời, giọng mệt mỏi, ra thăm cái mảnh đất trên đồi, gần hồ nước. Chẳng biết nghe ngóng làm sao, bà xã tôi chạy đôn chạy đáo mua bằng được, bảo mai kia có dự án, đất sẽ tăng giá. Ông thở dài, đêm tối, nhìn cái hồ nước đen thui, buồn chi lạ. Anh dừng sững lại nơi cửa phòng, cố nói thật to, thật rành rọt, có trăng mà chú, cảnh đẹp mà chú. Ông nhìn anh như thể anh vừa rơi từ cung trăng xuống vậy, cậu không biết câu “tối như đêm ba mươi” sao.

Anh rời phòng khách cùng với người chủ quán, bỏ lại nhóm ba người vẫn đang cúi xuống tấm bản đồ địa hình khu vực.

Ông im lặng, đặt tay lên vai anh, đúng nơi người lạ mặt đã đặt và xoay người anh khỏi mặt hồ vào hồi rạng sáng. Ông cũng đang xoay anh quay mặt khỏi một hư ảnh.

Ông và cô gái đã vô tình khép lại trước anh một cánh cửa.

P. đã ở bên kia, như cô đã ở bên kia dòng thác trong giấc mơ của anh.

***

Khi anh trở dậy, chỉ có chủ nhà đang ngồi dưới giàn hoa Giấy, lặng nhìn từng giọt cà-phê chậm rãi rơi xuống chiếc ly thủy tinh trong vắt. Ông nhìn anh, cậu tái xanh tái tử rồi kìa.

Không đợi anh mở lời, ông bảo, kéo nhau đến chỗ hồ nước rồi, bảo là đi thực địa. Bác có biết họ từ đâu tới không. Chủ nhà ngẩng nhìn anh, thường tôi không hỏi khách những câu hỏi họ không muốn trả lời nhưng nghe cách họ trò chuyện, tôi nghĩ nhóm này khác các nhóm trước. Có vẻ như họ đang tìm cách gìn giữ vẻ đẹp tự nhiên ở QS. trước những dự án rầm rộ kia.

Im lặng uống cà phê, một lúc lâu sau ông mới nói thêm, việc đời, khó nói cậu ạ. Dân xứ này vừa mong họ mở mang cho đời sống đỡ khổ lại vừa lo họ phá tanh banh hết cả.

Bối rối vì lời tâm sự của chủ nhà, anh im lặng nhìn ra khoảng không trước mặt. Một nửa mặt đường và dãy phố bên kia đã ngập nắng mà nửa đường và dãy phố bên này vẫn còn râm mát. Nếu có một cơn mưa “chia đôi” kiểu này thì sẽ ra sao nhỉ. Chắc sẽ là một cảnh trí kỳ ảo, đầy mê hoặc.

Mải nghĩ bâng quơ, anh gần như giật mình khi nghe tiếng ông chủ, xin lỗi cậu, tôi xin phá lệ, hỏi cậu một câu. Cơn cớ làm sao cậu lại ở lại nơi này. Anh cười nhẹ, tình cờ thôi ạ. Nếu tài xế không đau ốm đột ngột, chắc cháu đã ở tận đẩu đâu rồi.

Tình cờ cũng có sự sắp đặt, cũng có nguyên cớ ở đâu đó, bởi ai đó, ông đáp, không nhìn anh.

Tránh một câu trả lời trực tiếp, anh đáp khẽ, sáng mai cháu rời đi, cháu hết phép rồi.

***

Anh đón chuyến xe trở về, cùng hãng X.

Bác tài khúc khắc ho, gã phụ lái đứng ở bậc lên xuống, huýt sáo theo giai điệu một bài tình ca thời thượng. Hành khách ngủ vùi.

Anh ngồi vào chiếc ghế còn trống, bên ô cửa mở rộng, lặng nhìn những hàng cây lao vun vút vào chiều ngược lại, bóng ngả rạp trên mặt đường.

Đồng hồ trên buồng lái chỉ 2 giờ.

SG 3/2024

Comments are closed.