Phải sống (kỳ 7)

Tiểu thuyết của Dư Hoa (Trung Quốc)

Dịch giả: Nguyễn Nguyên Bình

PHẦN HAI

Lúc ấy trời đã lạnh rồi, tôi dắt Khổ Căn bước trên đường phố, gió lạnh vù vù luồn vào cổ áo, thấu vào bụng, càng đi càng thấy lạnh. Nghĩ lại ngày xưa cả nhà vui vẻ tưng bừng, nay chỉ còn mỗi một già một trẻ, lòng tôi đau đớn đến nỗi không cả muốn thở dài. Nhưng lại nhìn thấy Khổ Căn, tôi cảm thấy nguôi nguôi đi một chút, trước kia đã có nó đâu, có được nó là không có gì sánh nổi, hương hỏa vẫn được giữ về sau, cuộc đời còn đáng sống lắm.

Đi đến một nhà hàng bán miến, Khổ Căn đột nhiên gào lên lanh lảnh:

– Con không ăn miến đâu.

Tôi đang theo đuổi tâm sự của mình, không để ý lời nó nói, đi đến cửa nhà hàng, Khổ Căn lại gào lên:

– Con không ăn miến.

Gào rồi nó giữ chặt tay tôi không bước nữa, tôi mới biết nó muốn ăn miến, thằng bé mất cả cha lẫn me, nó muốn ăn miến, thế nào cũng phải cho nó ăn một bữa, tôi dắt nó vào ngồi, bỏ ra chín xu mua cho nó một bát con miến, lúc ra khỏi cửa vẫn còn thè lưỡi liếm môi liếm mép, nó bảo tôi:

– Đến mai lại vào ăn nữa được không?

Tôi gật gật đầu, nói:

– Được.

Đi chưa bao lâu, đã đến trước cửa một hàng kẹo bánh, Khổ Căn lại níu tay tôi, nó ngẩng đầu nói rất nghiêm trang:

– Con còn muốn ăn cả kẹo nữa cơ, nhưng mà đã ăn miến rồi, con thôi không đòi kẹo nữa.

Tôi biết là nó đang thay đổi cách để đòi mua kẹo đấy, tôi lần trong túi áo, sờ thấy hai đồng xu, nghĩ ngợi một lát, lần thêm, lấy được năm xu ra, mua cho Khổ Căn năm chiếc kẹo.

Về đến nhà Khổ Căn bảo đau chân lắm rồi, nó đi bấy nhiêu dặm đường, mệt là phải thôi. Tôi để nó nằm lên giường, còn mình đi đun nước cho nó ngâm chân. Nước đun xong thì Khổ Căn đã ngủ say, thằng bé ghếch hai chân lên tường, ngủ khò khò. Nhìn bộ dạng của nó, tôi phì cười. Chân đau ghếch lên tường cho dễ chịu, Khổ Căn bé thế đã biết tự chăm sóc mình, rồi tôi lại thấy xót xa trong bụng, nó vẫn chưa biết là chẳng bao giờ còn được gặp cha nó nữa.

Tối hôm đó, sau khi đã ngủ say rồi, tôi cứ thấy quả tim nghẹn tức lên, tỉnh dậy mới biết cái mông bé bé của Khổ Căn đang đè lên ngực mình, tôi liền đẩy mông đít nó ra. Được một lúc, tôi vừa ngủ đi, cái mông đít của Khổ Căn lại rê rê đè lên ngực tôi, tôi đưa tay sờ sờ, mới biết Khổ Căn đã đái dầm, chiếu bị ướt một mảng to, thảo nào nó mới ghếch đít lên ngực tôi. Tôi nghĩ cứ để nó ghếch lên thế vậy.

Ngày hôm sau, thằng bé đã nhớ tới cha nó rồi. Tôi đang làm ngoài đồng, nó ngồi chơi trên bờ ruộng, chơi chán nó chợt hỏi tôi:

– Ông đưa con về nhà hay bố con đến đón?

Người làng thấy nó như vậy, đều lắc đầu thương hại, có người bảo nó:

– Cháu không về nhà nữa đâu.

Nó lắc lắc cái đầu, nói nghiêm trang:

– Phải về nhà chứ.

Đến chập tối, Khổ Căn thấy cha nó chưa đến, đã bắt đầu lo lắng, cái miệng be bé nói liến thoắng lên một lúc lâu, tôi không hiểu nổi một câu nào cả, tôi nghĩ có khi nó đang chửi mắng hay sao, cuối cùng nó ngẩng đầu lên bảo:

– Thôi được rồi, không đến đón thì không đến, kệ. Con là trẻ con không biết đường, ông đưa con về đi.

Tôi nói:

– Cha con không đến đón con đâu, ông cũng không đưa con đi được, cha con chết rồi.

Nó nói:

– Con biết cha chết rồi, nhưng trời tôi thế vẫn chưa chịu đến đón con hả.

Tối đó nằm trong chăn, tôi đã nói với nó chết là thế nào, tôi bảo người chết là phải chôn xuống đất, người sống không bao giờ gặp được nữa. Thằng bé mới đầu sợ run lên, sau nghĩ không bao giờ gặp lại Nhị Hỉ, nó lu lu lên khóc, khuôn mặt nó nhỏ bé áp vào cổ tôi, nước mắt nóng hổi chảy xuống ngực tôi, khóc mãi, khóc mãi rồi nó ngủ đi mất.

Hai hôm sau đó, tôi nghĩ nên đưa Khổ Căn đi cho nó thăm mộ Nhị Hỉ một tí, liền dắt nó đi về phía mé tây làng, chỉ cho nó biết, ngôi mộ nào của bà ngoại, ngôi nào là mộ mẹ nó, lại còn mộ cậu nó nữa. Tôi còn chưa nói đến phần mộ Nhị Hỉ, Khổ Căn giơ tay chỉ mộ cha nó mà khóc, nó nói:

– Đây là mộ cha con.

Tôi vói Khổ Căn ở với nhau được nửa năm, trong thôn bắt đầu khoán sản đến hộ, cuộc sống thế là thành khó khăn hơn rồi. Nhà tôi được chia mẫu rưỡi, tôi không thể nào trà trộn dựa dẫm với người trong thôn để mà len lén lãn công khi mệt nữa rồi. Giờ thì việc đồng áng lúc nào cũng giục giã tôi, tôi không đi làm, chả có ai làm thay tôi cả.

Tuổi tác hơi nhiều, con người liền trục trặc, thắt lưng ngày nào cũng đau, mắt nhìn cũng chẳng rõ nữa. Trước kia gánh rau lên phố, chỉ một mạch là đến nơi mà nay thì vừa đi vừa nghỉ, nghỉ nghỉ đi đi, hai tiếng đồng hồ trước khi trời sáng cất gánh lên vai, nếu không thì đến muộn, rau ế, tôi là “trâu chậm cày trước” mà. Khổ nhất là Khổ Căn, thằng bé hôm nào cũng đang ngon giấc thì bị dựng dậy, hai tay bám vào miệng thúng, mắt nhắm mắt mở theo tôi lên phố. Khổ Căn là đứa bé ngoan, khi đã tỉnh hẳn, thấy tôi gánh nặng quá cứ phải nghỉ luôn, nó liền lấy hai bên sọt mỗi bên một cây rau ra ôm trước ngực, đi lên đằng trước, chốc chôc lại quay sang hỏi tôi:

– Có nhẹ tí nào không?

Tôi vui trong bụng lắm, bèn nói:

– Nhẹ đi nhiều rồi.

Tính ra thì Khổ Căn mới đầy năm tuổi, nó đã là người giúp tôi đắc lực rồi. Tôi đi đến đâu, nó đi theo đó, cũng làm việc với tôi, nó cắt cả lúa nữa. Tôi bỏ tiền ra đặt thợ sắt trên phố làm cho nó một cái liềm con, hôm ấy thằng bé mừng quýnh lên. Ngày thường đưa nó lên phố, đi qua ngõ nhà Nhị Hỉ cũ, thằng bé chạy mất hút vào trong ngõ đi tìm lũ bạn cũ đi chơi với nhau, tôi gọi thế nào nó cũng chẳng chịu thưa. Hôm đó mới bảo sẽ đánh liềm cho nó, nó kéo áo lôi tôi một mạch không chịu buông ra, cùng với tôi đến đợi ở cửa hàng sắt bao nhiêu lâu, cứ có ai đến cửa hàng, nó nhất định phải kéo họ lại chỉ cái liềm, bảo với họ:

– Liềm của Khổ Căn đấy.

Bọn bạn đến rủ đi chơi, nó nguẩy nguẩy đầu, dương dương đắc ý lắm, bảo:

– Bây giờ tớ không có thời gian nói chuyện với các cậu.

Liềm đã đánh xong rồi, Khổ Căn đi ngủ cũng muốn ôm, tôi không cho nó, liền bảo phải để dưới gầm giường. Sáng ngày ra, mới tỉnh dậy, việc đầu tiên là sờ dưới chân giường tìm liềm. Tôi bảo nó liềm càng gặt càng nhanh, người càng chăm càng có sức khỏe, thằng bé chớp chóp mắt nhìn tôi rất lâu, tự nhiên nói:

– Liềm càng nhanh, sức con sẽ càng khỏe nhá.

Khổ Căn dầu sao cũng còn bé, cắt lúa tất nhiên chậm hơn tôi nhiều, nó vừa thấy tôi cắt nhanh một tí, là không vui ngay, gọi tôi ơi ới:

– Phú Quí, ông chậm tí nào.

Người trong làng vẫn gọi tôi là Phú Quí, nó cũng gọi như thế, mà cũng gọi tôi là ông ngoại nữa. Tôi chỉ vào chỗ lúa mình vừa cắt, nói:

– Đây là của Khổ Căn cắt đấy.

Nó liền sướng quá cười tít, cũng chỉ vào chỗ lúa của mình cắt, nói:

– Đây là của Phú Quí cắt đấy.

Khổ Căn còn bé, làm cũng chóng mệt, chốc chốc lại chạy lên bờ ruộng ngủ một lúc, rồi nói với tôi:

– Phú Quí, liềm không nhanh nữa rồi.

Đó là nó bảo mình hết sức rồi đấy. Nó nằm trên bờ ruộng một lúc, lại đứng dậy hớn ha hớn hở nhìn tôi cắt lúa, chốc chốc lại réo:

– Phú Quí, đừng dẵm lên bông lúa đấy.

Người làm bên cạnh đấy nghe vậy đều cười, cả đội trưởng cũng cười. Đội trưởng cũng đã già như tôi, ông ấy vẫn còn làm đội trưởng, người nhà ông ấy đông, được chia năm mẫu ruộng liền với ruộng nhà tôi. Đội trưởng bảo:

– Thằng nhỏ này làm đếch gì mà giỏi nói thế.

Tôi bảo:

– Nó nói trả nợ cho Phượng Hà không biết nói đấy.

Những ngày như thế, mệt thì có mệt, khổ thì có khổ, trong lòng cũng còn có cái vui, có được Khổ Căn, sống còn thấy khỏe trong người. Nhìn thấy Khổ Căn mỗi ngày mỗi lớn, tôi làm ông ngoại cũng mỗi ngày một yên tâm. Mỗi khi chiều đến hai chúng tôi ngồi trên bậc cửa, ngắm mặt trời từ từ lặn, cả cánh đồng đỏ rực một màu, nghe tiếng người trong làng la lối hò hét bọn gia súc vào chuồng. Ở nhà đang nuôi được hai mái gà, chúng cứ đi đi lại lại trước mắt, Khổ Căn với tôi ôm nhau tha thiếtt, sống cùng nhau, lúc nào cũng không hết chuyện để nói. Nhìn hai mái gà, tôi thường nghĩ đến lời cha nói khi còn sống, bèn nói đi nói lại mãi với Khổ Căn:

– Hai mái gà này lớn lên thì biến thành ngỗng, ngỗng nuôi lớn thì biến thành dê, dê lớn lên thì biến thành trâu. Còn nhà mình ấy nhá, cũng sẽ mỗi ngày giàu lên.

Khổ Căn nghe xong cười khanh khách, mấy câu đó nó ghi nhớ hết, bao lần nó nhặt trứng trong ổ gà, thì bấy nhiêu lần miệng lẩm bẩm hát mấy câu ấy.

Trứng gà đã nhiều lên, chúng tôi bèn mang lên phố bán. Tôi nói với Khổ Căn:

– Tiền để dành đủ rồi thì chúng mình đi mua trâu, con sẽ được cưỡi trâu đi chơi đấy.

Khổ Căn nghe nói, mắt đã sáng lên, nó nói:

– Gà sắp biến thành trâu rồi.

Từ đó trở đi, Khổ Căn ngày càng mong mỏi đến lúc mua được trâu, hôm nào cũng vậy, cứ sớm ngày ra, mở mắt đã hỏi ngay:

– Phú Quí, hôm nay mua trâu chưa?

Có khi lên phố bán trứng, tôi thấy Khổ Căn tội nghiệp quá, định mua cho nó mấy chiếc kẹo để nó mút mát, Khổ Căn lại cứ nói:

– Mua một chiếc là được rồi, chúng mình còn phải mua trâu kia mà.

Mới chớp mắt mà Khổ Căn đã lên bảy, thằng bé khỏe lắm. Năm đó đến vụ hái bông, loa phát thanh của thôn báo hôm sau sẽ có mưa to, tôi lo cuống lên, một mẫu rưỡi bông tôi trồng đã chín nẻ rồi, nếu mà gặp mưa thì hỏng hết. Mới sáng sớm ngày ra tôi đã kéo Khổ Căn đến ruộng bông, bảo với nó hôm nay phải hái bằng hết, Khổ Căn ngửa mặt lên bảo tôi:

– Phú Quí, con đau đầu.

Tôi nói:

– Cố hái đi, hái xong thì cho con đi chơi.

Khổ Căn liền bắt đầu hái bông, hái được một đồi, nó đã chạy lên bờ ruộng nằm, tôi gọi nó, bảo đừng nằm nữa, Khổ Căn nói:

– Con đau đầu.

Tôi nghĩ thôi cứ để nó nằm một lúc đi, nhưng Khổ Căn nằm mãi không chịu dậy, tôi hơi bực mình, mới nói:

– Khổ Căn, hôm nay không hái hết bông thì chẳng mua được trâu nữa đâu.

Khổ Căn lúc đó mới đứng dậy, nói với tôi:

– Con đau đầu ghê lắm.

Chúng tôi làm mãi đến trưa, thấy bông đã hái được quá nửa, tôi yên tâm hơn nhiều rồi, liền dắt tay Khổ Căn về nhà ăn cơm, vừa nắm tay Khổ Căn, tim tôi thót lên, vội sờ vào trán Khổ Căn, trán nó nóng đến phát sợ. Tôi mối biết nó bị ốm thật, tôi quả là già lẩm cẩm, hồ đồ quá, lại còn bắt nó phải làm việc. Về đến nhà, tôi cho Khổ Căn nằm lên giường. Người làng nói gừng tươi trị được bách bệnh, tôi liền nấu cho nó một bát nước gừng, nhưng trong nhà không có đường, định rắc vào một ít muối, lại thấy tủi thân cho Khổ Căn quá, liền chạy sang mấy nhà trong làng đi xin tí đường, tôi nói:

– Ít nữa bán thóc, tôi xin trả nợ các bác.

Nhà kia nói:

– Thôi mà, Phú Quí.

Cho Khổ Căn uống nước gừng xong, tôi lại cho nó bát cháo, trông cho nó ăn. Tôi cũng ăn vội cơm, ăn xong tôi lại phải ra ruộng ngay, tôi nói với Khổ Căn:

– Con đi ngủ một giấc là khỏe thôi.

Đi ra khỏi cửa, tôi càng nghĩ càng đau lòng, mới đi hái một nửa nồi quả đậu tương, đem về nấu chín, rắc thêm ít muối. Kê chiếc ghế lại gần giường, để nồi đậu trên ghế, tôi bảo Khổ Căn ăn đi. Nhìn thấy có đậu, Khổ Căn cười ngay, tôi đã đi đến cửa còn nghe tiếng nó nói:

– Sao không ăn với con.

Rồi tôi mãi đến chập chiều mới về đến nhà, bông vừa hái xong, tôi mỏi quá không nhấc nổi người nữa. Từ ngoài đồng về nhà chỉ có một quãng đường ngắn, đi đến cửa nhà mà cũng rủn hêt cả chân, tôi vào trong nhà gọi to:

– Khổ Căn ơi, Khổ Căn.

Khổ Căn không thưa, tôi nghĩ nó ngủ say rồi, đến bên giường nó, Khổ Căn nằm dẹo dọ trên giường, miệng há há ra, nhìn thấy bên trong còn vài hạt đậu chưa bị nhai nát. Vừa thấy miệng như vậy, đầu óc tôi ù hết cả đi, môi Khổ Căn đã xanh ra cả rồi. Tôi ra sức lay nó, ra sức gọi nó, thân người nó ngoảnh đi ngoảnh lại chẳng chịu thưa một tiếng nào. Tôi cuống cuồng chẳng biêt làm gì, ngồi thừ bên giường, nghĩ quanh nghĩ quẩn, nghĩ không biết có phải Khổ Căn chết hay không, nghĩ đến đó tôi không nhịn được, khóc ầm lên. Tôi lại lay gọi nó, nó vẫn chẳng trả lời, tôi nghĩ chắc nó chết thật mất rồi. Tôi liền bưốc ra khỏi nhà, trông thấy một người trai trẻ ở cùng làng, nói với anh ta:

– Nhờ anh vào xem hộ Khổ Căn với, hình như nó chết rồi.

Người đó nhìn tôi hồi lâu, rồi co cẳng lên chạy về phía nhà tôi. Anh ta lay lay Khổ Căn rồi ghé sát tai vào ngực Khổ Căn, nghe rất lâu mới nói:

– Không nghe thấy tim đập.

Rất nhiều người trong làng đã đến, tôi nài nỉ mọi người đến xem xem Khổ Căn thế nào, họ đều lay lay, nghe nghe rồi nói với tôi:

– Chết rồi.

Khổ Căn chết vì ăn đậu bị bội thực, thằng bé vốn có phải tham ăn tham uống gì đâu, chỉ vì nhà tôi nghèo quá, trẻ con trong làng chả đứa nào khổ bằng Khổ Căn, đến quả đậu luộc cũng hiếm khi được ăn. Tôi thật là mụ mẫm, sao lại luộc những bằng ấy đậu cho nó ăn, tôi đã già đến lẫn cẫn, cái đầu vừa đần độn vừa ngu xuẩn đi rồi, tôi đã hại chết Khổ Căn.

Những ngày sau đó, tôi đành phải sống một mình, tôi cứ tưởng mình chẳng được bao lâu nữa, nào ngờ cứ lần khân mãi cũng được từng ấy năm rồi. Tôi vẫn chỉ như thế thôi, thắt lưng lúc nào cũng đau, mắt thì vẫn mờ, nhưng tai thì lại rất thính, nghe người trong làng nói chuyện, tôi chẳng cần nhìn cũng biết là ai đang nói. Tôi có lúc buồn tủi lắm, nhưng nghĩ lại có khi cũng thấy chẳng phải phàn nàn gì, mấy người trong nhà đều một tay tôi chôn cất, lo liệu, rồi đến ngày tôi nhắm mắt xuôi tay, cũng chẳng còn phải lo lắng cho ai nữa. Tôi đã nghĩ chán ra rồi, đến lượt tôi phải chết, thì cứ việc thanh thản mà đi, chẳng phải sợ có ai đắp điếm cho hay không, chắc chắn trong làng sẽ có người đến chôn tôi, nếu không tôi chết thối ra đây, ai mà chịu được. Tôi cũng sẽ không để người khác phải chôn tôi không công, dưới gối đầu đã dấu sẵn mười đồng bạc, mười đồng này có chết đói tôi nhất định không đụng đến, người trong làng đều biết mười đồng ấy tôi để lại cho người đắp điếm mộ tôi, họ cũng đều biết tôi chết đi muốn được chôn cùng với bọn Gia Trân rồi.

Kiếp này, nghĩ lại cũng thấy sắp xong đến nơi rồi, cuộc đời sống một cách bình thường, trầm lặng thế thôi, cha tôi cứ mong tôi phải làm rạng rỡ tổ tông, nhưng ông đã chọn lầm người rồi. Tôi ấy à, cái số tôi nó thế đấy. Lúc còn trẻ thì dựa vào tiền bạc của tổ tông để lại, vung tay quá trán một hồi, đến sau thì càng sống càng chán nản, nhưng thế mà lại có cái hay, cứ xem những người xung quanh kia: Long Nhị với Xuân Sinh, họ cũng chỉ vung vinh được một dạo, rồi đến lúc cả mạng cũng không còn nữa. Làm người kể cứ bình bình mà lại hóa hay, tranh này đoạt kia, tranh đi tranh lại đến mất cả mạng. Cứ như tôi đây, nói ra thì là càng sống càng kém cỏi, nhưng hóa lại thọ cao, những người tôi quen biết cứ theo nhau mà chết dần, mà tôi thì vẫn sống trơ trơ.

Một năm sau khi Khổ Căn chết, tiền để mua trâu đã dành dụm đủ rồi, xem ra mình cũng phải sống vài năm nữa, tôi thấy vẫn cần phải mua trâu. Trâu là một nửa con người, nó vừa có thể giúp tôi làm việc, lúc nhàn rỗi lại làm bạn với tôi, trong lòng buồn bã thì đi nói chuyện với nó. Dắt nó ra bờ ao đi ăn cỏ, thì cũng như dắt đứa trẻ vậy.

Cái hôm đi mua trâu, tôi dắt tiền vào người, thủng thẳng nhằm thẳng hướng Tân Phong, đó là là một cái chợ trâu bò rất lớn. Đi qua một thôn trang bên cạnh thôn tôi, thì thấy một đám người đang xúm xít ở sân phơi thóc, đến gần xem có cái gì, thì thấy một con trâu. Nó nằm phục dưới đất, cổ nghẹo xuống, nước mắt chảy ròng ròng, bên cạnh đó là một người đàn ông mặc áo hở nách, hai cánh tay trần ra, đang ngồi chồm hỗm mài dao quèn quẹt, mấy người bên cạnh đang bàn chọc tiết cỡ nào là tốt nhất. Tôi thấy con trâu già khóc lóc thật thương tâm quá, trong lòng cứ nhột nhạt không yên. Nghĩ bụng thân phận làm trâu thật tội nghiệp, cả một đời lầm lũi vất vả kéo cày cho người ta, đến lúc già yếu không làm được nữa thì lại bị người ta chọc tiết mổ thịt.

Tôi không nỡ đứng nhìn nó bị làm thịt, bèn rời khỏi khu sân phơi tiếp tục đi về hướng Tân Phong. Chân cứ bước mà bụng không thể nào yên đi được với con trâu nọ, nó biết mình sắp chết đến nơi, bên dưói chỗ đầu nó có một vũng nước mắt chảy xuống đất.

Tôi càng đi càng thấy áy náy không yên, sau chợt nghĩ, hay là mua biến ngay con trâu đó đi. Tôi vội vã quay trở lại đến chỗ sân phơi, bọn trẻ đã trói cả bốn chân nó lại rồi, tôi len vào nói với cái tay đang mài dao:

– Làm ơn đi, bán con trâu này cho tôi nhé.

Người đàn ông để tay trần kia gại gại ngón tay vào lưỡi dao để thử, nhìn tôi rõ lâu rồi mới nói:

– Ông bảo cái gì?

Tôi nói:

– Tôi muốn mua con trâu này.

Anh ta há mồm ra cười hơ hơ, nhưng ngươi đứng cạnh cũng cười phá lên, tôi biết họ đang cười tôi, tôi móc tiền trong bọc ra đặt vào tay anh ta nói:

– Anh đếm xem.

Cái tay cầm dao đó liền ngây mặt, lại ngó nghiêng nhìn tôi hồi nữa, rồi cứ vươn cần cổ ra mà hỏi:

– Ông định bụng mua thật đấy à?

Tôi chả buồn nói gì nữa, ngồi thụp xuống tháo dây trói ở chân trâu ra, rồi đứng dậy vỗ vỗ vào đầu con trâu, nó thật thông minh, biết thế là mình đã không phải chết, liền đứng ngay dậy, nước mắt cũng thôi không chảy nữa. Tôi cầm thừng trâu, nói với tay đàn ông kia:

– Anh đếm tiền đi.

Anh kia đưa tiền lên trước mắt xem xem dầy mỏng, xem xong thì bảo:

– Không cần đếm đâu, ông dắt đi.

Tôi liền dắt trâu đi, bọn họ cười tung tóe ở đằng sau, tôi nghe thấy cái tay cầm dao nọ nói:

– Hôm nay lời to, hôm nay lời to.

Trâu cũng biết tính người đấy, khi tôi dắt nó đi về, nó biết là tôi đã cứu mạng nó, nên nó cứ đi sát vào người tôi, ra chiều thân thiết lắm, tôi nói với nó:

– Này này, đừng tưởng là sướng đấy nhé, tôi dắt anh về là để bắt anh phải làm việc, không phải để nuôi như bố già đâu đấy.

Khi tôi dắt trâu về đến làng, người làng đều tò mò xúm đến rất đông, họ đều bảo tôi già lẩm cẩm rồi, ai lại mua con trâu như vậy mà đem về, có người nói:

– Phú Quí này, xem ra nó còn nhiều tuổi hơn cả ông cụ nhà ông đấy.

Người sành xem trâu thì bảo tôi, rằng nó cao lắm cũng chỉ sống vài năm nữa thôi, tôi nghĩ được vài năm nữa là đủ quá rồi, bản thân tôi chắc gì đã sống được lâu đến thế. Nào ngờ chúng tôi đều đã sống đến tận bây giờ, người trong làng vừa ngạc nhiên vừa khiếp, hai hôm trước đó, còn có người gọi chúng tôi là… “Hai tên Mãi-không-chết”.

Trâu đã về nhà rồi, thì cũng như là người trong nhà, phải đặt cho nó một cái tên, nghĩ đi nghĩ lại vẫn cảm thấy gọi nó là Phú Quí cũng hay. Đã định gọi nó là Phú Quí, tôi nhìn ngắm nó từ đầu đến chân, xem đi xem lại, lại thấy nó giống mình quá, trong bụng thấy thú lắm. Sau đó người làng cũng bắt đầu bảo hai chúng tôi giống nhau, tôi cười hề hề, nghĩ bụng tôi đã biết nó giống tôi từ lâu rồi.

Phú Quí là trâu ngoan, có lúc cũng hơi lười làm việc một tí, người cũng còn hay trốn khéo việc nữa là trâu. Tôi biết lúc nào thì nên bắt nó làm, lúc nào thì nên để nó nghỉ một chút. Hễ tôi mệt là tôi liền biết nó cũng mệt, thế là cho nó nghỉ một lúc, tôi nghỉ thấy khoan khoái rồi thì nó cũng đã có thể tiếp tục làm việc.

*

* *

Ông già vừa nói câu đó vừa đứng dậy, phủi phủi đất dính ở đít quần, chõ ra phía ao nước gọi một tiếng, con trâu liền đi tới tận chỗ ông lão, cúi đầu xuống, ông lão đặt cái ách cày lên vai nó rồi cầm thừng dắt nó chậm rãi bước đi.

Chân cẳng của cả hai Phú Quí đều lấm đầy những đất. Lúc bước đi, cả hai đều hơi lắc lư, lắc lư. Tôi nghe thấy ông lão nói với con trâu:

– Hôm nay Hữu Khánh, Nhị Hỉ đã cày được một mẫu, Gia Trân, Phượng Hà cũng đã được bảy tám phần, Khổ Căn còn nhỏ cũng cày được nửa mẫu đấy. Còn chú mày ấy à, cày được bao nhiêu ta chẳng muốn nói ra đâu, nói ra chú mày lại bảo tao bêu xấu chú. Thôi, nói đi rồi cũng phải nói lại chứ, chú đã có tuổi, cày được từng ấy ruộng cũng là tận tâm tận lực lắm rồi.

Ông già với con trâu đã đi xa dần, tôi nghe thấy cái giọng khàn mà vang to dễ khiến người ta cảm động của ông lão từ xa vang tới, tiếng hát rập rờn như gió trong buổi hoàng hôn bát ngát. Ông lão hát rằng:

Niên thiếu đi lang thang

Trung niên muốn ẩn làng

Lão niên làm hòa thượng.

Khói bếp ngoằn nghèo bốc lên trên mái rạ nhà nông, loãng dần rồi tan mất trong ráng chiều đang chiêu đỏ rực khắp nơi.

Tiếng những người đàn bà quát tháo con cái bắt đầu choang choang cất lên, một người đàn ông gánh thùng phân từ trước mặt tôi đi lại, đòn gánh kẽo kẹt suốt quãng đường. Rồi dần dần, ruộng đồng đã chìm vào tĩnh lặng, bốn bề bắt đầu mờ mịt đi, ráng chiều dần lặn mất.

Tôi biết hoàng hôn sẽ tàn đi trong chớp mắt, đêm tối từ trên trời sẽ chụp xuống. Tôi nhìn thấy cánh đồng mênh mông đang để hở hang ra bộ ngực rắn chắc của mình, nó đang đón chờ mời gọi, như những người đàn bà đang đón chờ những đứa con của họ, ruộng đồng đang đón đợi đêm tối đến phủ lên.

Hết

D.H.

Comments are closed.