Sài Gòn – Những ngày phong thành (54)

THÔNG TIN:

*Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở TP.HCM kêu gọi 5.000 chữ ký, kiến nghị Chính phủ ‘cứu’ doanh nghiệp

https://tuoitre.vn/nhieu-doanh-nghiep-vua-va-nho-o-tp-hcm-keu-goi-5-000-chu-ky-kien-nghi-chinh-phu-cuu-doanh-nghiep-20210829220210798.htm

*Người đi đường TP.HCM khai báo ‘di chuyển nội địa’ trở lại

https://tuoitre.vn/nguoi-di-duong-tp-hcm-khai-bao-di-chuyen-noi-dia-tro-lai-20210829075255192.htm

*Sau 7 ngày giãn cách nghiêm, bà con ra ‘siêu thị vỉa hè’ mua sạch rau củ

https://tuoitre.vn/sau-7-ngay-gian-cach-nghiem-ba-con-ra-sieu-thi-via-he-mua-sach-rau-cu-20210829155026194.htm

*TP.HCM cho shipper hoạt động ở ‘vùng đỏ’, cấp thêm 20.000 giấy đi đường

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tp-hcm-cho-shipper-hoat-dong-o-vung-do-cap-them-20-000-giay-di-duong-770274.html

*Từ 30.8, shipper tại TP.HCM chỉ được hoạt động trong phạm vi 1 quận.

https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/khan-tu-308-shipper-tai-tphcm-chi-duoc-hoat-dong-trong-pham-vi-1-quan-1441881.html

Như thế, đề xuất của Sở Công thương cho phép shipper hoạt động liên quận đã bị bác: https://zingnews.vn/de-xuat-25000-shipper-duoc-hoat-dong-lien-quan-huyen-tphcm-post1256324.html

*Đảm bảo chuỗi cung ứng thông suốt, các địa phương không ra quy định riêng

https://laodong.vn/thoi-su/dam-bao-chuoi-cung-ung-thong-suot-cac-dia-phuong-khong-ra-quy-dinh-rieng-947539.ldo

*Tổng kết 7 ngày thực hiện giãn cách, TPHCM xét nghiệm ra hơn 64.000 F0

https://laodong.vn/y-te/tong-ket-7-ngay-thuc-hien-gian-cach-tphcm-xet-nghiem-ra-hon-64000-f0-947534.ldo

ĐỀ NGHỊ CHÍNH QUYỀN GIẢI QUYẾT CHO SHIPPER VÀ NGƯỜI CHỞ GAS MẤY VIỆC

Lê Thanh Phong, Lao động ngày 29/8/2021

Shipper phải xét nghiệm âm tính mỗi ngày mới được hoạt động trong vùng đỏ. Ảnh: LDO

Shipper phải xét nghiệm âm tính mỗi ngày mới được hoạt động trong vùng đỏ. Ảnh: LDO

Shipper được phép hoạt động trở lại ở 8 quận, huyện "vùng đỏ" của TPHCM là Thành phố Thủ Đức; các quận, huyện 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh và Hóc Môn để đáp ứng nhu cầu mua hàng của người dân.

Nghe thông tin này, đúng là dân như "mở cờ trong bụng", bởi vì chỉ có shipper mới phục vụ được nhu cầu đa dạng của người dân. Quá nhiều thứ "thiết yếu" mà dân cần, không chỉ là cơm ăn nước uống, ai đi mua hộ cho được ngoài dân chuyên nghiệp.

Dân "mở cờ trong bụng" một thì shipper "mở cờ" mười. Nhưng, xem lại quy định thì tréo cẳng ngỗng, hay nói cách khác là như thách đố người dân vậy đó.

Cụ thể, quy định hằng ngày, từ 5h – 6h sáng, các shipper hoạt động tại 8 quận, huyện "vùng đỏ" sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, nếu âm tính sẽ được hoạt động.

Trời ơi! chạy grab ngày kiếm được bao nhiêu tiền, mà sáng nào cũng bắt đi xét nghiệm mất gần 300.000 đồng, ai trả cho người lao động khoản tiền này. Nếu chính quyền hay công ty hỗ trợ cho người lao động thì shipper có thể "sống" được.

Sáng nào cũng tập trung chờ đợi để xét nghiệm, chờ đợi để lấy kết quả, thì giờ đâu mà làm việc.

Riêng lực lượng shipper tại 14 quận, huyện thuộc "vùng xanh" vẫn tổ chức từ trước đến nay nhưng phải tăng cường xét nghiệm 2 lần/tuần.

Đã là vùng xanh thì cần có sự kiểm soát phù hợp hơn, chưa kể phần lớn người trên 18 tuổi ở TPHCM đều đã tiêm một mũi vaccine, nên việc xét nghiệm âm tính không phải là yếu tố quan trọng. Chưa kể tập trung xét nghiệm cũng là môi trường dễ lây lan dịch bệnh.

Xin lưu ý, cách mua hàng qua app, trả tiền trước, gần như người mua hàng và shipper không giao tiếp, chỉ đến giao hàng ở điểm giao hàng như chốt trạm, sảnh chung cư hoặc treo ở cửa nhà là xong.

Đối với người chở gas, quy định mới cũng khiến họ như "mở cờ trong bụng". Trước đây, khi có quy định về giấy đi đường, người chở gas không hoạt động được, đại lý gas không cung cấp được hàng cho người tiêu dùng.

Báo Lao Động ngày 24.8 có bài Người dân không thể ăn gạo thay cơm nếu không có gas, phân tích người dân trữ lương thực thực phẩm, nhưng không ai trữ gas. Hằng ngày, người dân có thịt cá, có gạo có rau, mà không có gas thì không thể "ăn chín uống sôi" được.

Rất may, TPHCM đã có sự điều chỉnh, từ 29.8, nhân viên vận chuyển gas ở khu dân cư, quy định mới là bình gas đi giao 12kg trở lên, chỉ cần có giấy giao hàng và khai báo y tế là được đi.

Nhưng xin hỏi, nhân viên chở gas đi từ nhà đến đại lý gas, nếu không có giấy đi đường thì làm sao qua được trạm. Nếu họ không đến được đại lý gas thì làm sao chở được gas đến người có nhu cầu, và tất nhiên cũng chẳng kiếm đâu ra hóa đơn giao hàng?

Câu chuyện chở gas này như quả trứng và con gà, mong các nhà quản lý tháo gỡ!

 

TÔI SẮP ĐƯỢC VỀ RỒI HẢ BÁC SĨ, MỪNG QUÁ TRỜI

FB Quan Thế Dân

Phố xá vắng lặng, không một bóng người. Thỉnh thoảng có tiếng còi hú của xe cứu thương và xe chở người F0 đi cách ly. Những gương mặt buồn bã lướt qua. Cứ đúng 7 giờ là xe đưa rước lại đổ nhân viên y tế trước sảnh lớn bệnh viện. Chúng tôi mau chóng xuống xe, xếp hàng 1 đi qua cổng kiểm soát nhiệt độ rồi mau chóng tỏa về các tầng. Một ngày làm việc căng thẳng lại bắt đầu.

1. Một căn bệnh bí ẩn

Phải nói ngay, đến bây giờ ngành y vẫn biết rất ít về căn bệnh Covid này. Trong ngành y nếu đủ hiểu biết về một căn bệnh, thì người ta sẽ chữa được nó, nếu vẫn để chết người, là chúng ta vẫn chưa biết hết về nó. Người ta có thể tóm sống ngay virus, giải mã trình tự bộ gen của nó, biết cách nó bám vào thụ thể nào để đi vào cơ thể, biết cách làm sao nó lại nhân lên bên trong tế bào… tức là người ta có vẻ như biết tất tật về con virus này. Thế nhưng sao bệnh nhân vẫn chết. Trong đời hành nghề của mình chưa bao giờ thấy căn bệnh viêm phổi nguy hiểm đến thế. Mới mắc, chỉ ho khan vài tiếng, vẫn khỏe mạnh. Nhưng chỉ một vài ngày sau là khó thở, phải nhập viện. Rồi khó thở tăng nhanh. Lúc mới vào chỉ thở oxi gọng kính 5 lít/phút, rồi sau mau chóng chuyển sang thở mặt nạ oxi 15 lít/ph, vẫn không đỡ, SpO2 thấp dưới 90, phải chyển sang thở oxi dòng cao 60 lít/phút, oxi phun phè phè, vẫn không đỡ. Đành chuyển sang vũ khí cuối cùng đặt ống nội khí quản và thở máy. Nhưng hình như chiếc máy thở là con tàu không có vé khứ hồi, ít ai đặt chân lên con tàu này mà còn quay trở lại được. Đây là tôi kể về tình trạng điều trị Covid ở Italia và Hoa kỳ đấy nhé, không lại bảo tôi nói xấu chế độ tươi đẹp. Các bác sĩ ở phương Tây trước khi đặt ống cho bệnh nhân đều cho bệnh nhân gọi điện lần cuối về cho gia đình, nói lời từ biệt. Nhiều câu chuyện về những người già khi mắc Covid nặng đã xin bác sĩ không đặt ống, để cho họ được ra đi trong bình yên. Họ thật là những người dũng cảm.

2. Bệnh nền

Nhớ hồi tầm này năm ngoái, khi chúng ta chữa khỏi cho bệnh nhân số 91, báo chí đã ca ngợi thành tựu của ngành y VN lên tận mây xanh. Đến khi dịch lại bùng phát ở Đà nẵng, bộ chỉ huy gửi ngay đội quân Quyết thắng covid vào dập dịch với mệnh lệnh ngắn gọn: không được để xảy ra tử vong. Dân tình cũng tự đắc: ui xời, chết thế nào được, bọn bác sĩ Mỹ thua xa bác sĩ Việt Nam. Thế nhưng bọn giặc Covid khó bảo, vật chết một lúc 34 mạng người. Báo chí lúc đó mới luống cuống trấn an, chết vì bệnh nền! Mà kể ra cũng đúng, lắm bệnh nền thì chết thôi.

Nhưng đợt dịch thứ 4 này thể hiện một bộ mặt rất khác, bệnh nhân trở nặng lên mà hầu như không có dấu hiệu gì báo trước. Ngành y đã đúc rút ra mấy nhận diện người sẽ dễ trở nặng là: đàn ông, lớn tuổi, bệnh nền. Thì bây giờ có vẻ như chưa đúng. Rất nhiều người chết trẻ, là đàn bà, và không hề có bệnh nền. Trong bệnh phòng tôi thấy tràn ngập các bà các chị tuổi từ 30 – 50, đúng kiểu các bà nội trợ phía nam, to béo, hay mặc bộ đồ hoa. Họ nằm nghiêng, bụng mỡ to quá không nằm sấp được, nếu bác sĩ nào máy móc bắt nằm sấp là họ suy hô hấp ngay, SpO2 tụt re. Nhìn họ nằm nghiêng bụng mỡ sệ xuống giường, thoi thóp thở, tôi thấy hình như béo phì là nguy cơ tử vong cao nhất của Covid, rồi mới đến các yếu tố khác.

3. Những lời nhắn gửi

Tùy từng góc nhìn, nếu bạn chống covid ở cộng đồng, bạn chỉ tiếp xúc với các người thể nhẹ, mà những người này chiếm tới 80% tổng số người nhiễm, thì các bạn thấy cuộc chiến chống covid nó như là một cuộc dạo chơi. Bạn sẽ thấy những bài viết của tôi quá u ám, bạn cho tôi là cố tình bôi đen hiện thực. Nhưng tôi làm ở chóp nhọn của dịch bệnh, chỉ chiếm 5% số bệnh nhân, nhưng toàn là người bệnh nặng, và ½ trong số này sẽ tử vong. Nên trong mắt tôi, đại dịch này đầy chết chóc.

Người bệnh của chúng tôi cũng hiểu thế. Họ nhìn thấy các giường xung quanh cứ lần lượt ra đi. Nhiều người hoảng loạn. Có người cứ nằm khóc, bác sĩ ơi, cho tôi về, tôi không chữa nữa đâu, cho tôi về để tôi nhìn con tôi lần cuối. Có anh thanh niên thì nói: bác ơi, bác cố cứu tôi nhé, tôi còn con nhỏ, vợ tôi mới mất hôm trước rồi. Chúng tôi nước mắt lăn dài, cố tỏ ra vẻ gắt gỏng, chết thế nào được, nằm yên thở đều đi rồi sẽ khỏe. Những lời nói dối lúc này có khi còn hiệu quả hơn những liều thuốc. Vì bệnh nhân hốt hoảng sẽ thở nhanh hơn, đòi hỏi nhiều oxi hơn, thì sẽ quá sức chịu đựng của lá phổi đang tan nát. Giá mà lúc này có các đội từ thiện của các tôn giáo vào an ủi bệnh nhân thì tốt biết mấy.

Chị nằm yên ở giường ngoài, ngoan ngoãn nghe theo lời khuyên của bác sĩ, bảo nằm nghiêng là nằm nghiêng, bảo nằm sấp là nằm sấp, không kêu than. Sáng nay đo thấy oxi máu tốt quá, SpO2 lên 98%. Giảm liều oxi thở xuống, một lúc sau quay lại đo, vẫn 98. Tôi bảo: em đỡ nhiều rồi rồi nhé, mai cho chuyển sang buồng nhẹ hơn, sắp về được rồi. Chị mỉm cười mừng rỡ, hỏi lại tôi, giọng thì thào: Tôi sắp được về rồi hả bác sĩ, mừng quá trời. Vẻ mừng rỡ của người thoát chết nó ấn tượng ghê lắm, chính chị cũng không tin là có ngày về.

Cầu mong cho ngày mai tôi được gặp lại chị và chính tay tôi viết trong bệnh án chuyển chị về khoa nhẹ.

clip_image002

Đoàn bác sĩ nội trú trẻ tuổi của YHN lại tiếp tục đến tăng cường

clip_image004

Trong phòng bệnh

clip_image006

Mừng quá, người bệnh đã đỡ hơn rồi

 

BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG

FB Lê Huyền Ái Mỹ

“Người dân phường Phú Hữu ‘chưa nhận được tiền hỗ trợ’ đã được hỗ trợ” là tựa một bài báo trên Tuổi trẻ, xuất bản chiều tối 29.8. Đọc tựa thôi đã thấy đó là một câu chuyện rất… có hậu.

Lật lại mới hay, ngày 27.8, hàng trăm người trong hai dãy trọ lụp xụp ngay cầu Ông Bồn kéo ra vòng xoay Liên Phường để phản ứng vì chưa nhận được tiền hỗ trợ người lao động tự do thất nghiệp.

Ngày 28.8, sau khi người dân phản ứng, phường đã nhận được tiền hỗ trợ từ TP (gói hỗ trợ 10 nhóm lao động tự do mất việc được bổ sung) và nhanh chóng chuyển tới 111 hộ dân trong khu trọ, mỗi hộ 1,5 triệu đồng.

Ngày 29.8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức, TP.HCM đã đến thăm hỏi, động viên người dân trong khu trọ.

Trả lời báo Tuổi trẻ, bà Nguyễn Thị Hương Hiệp – bí thư Đảng ủy phường Phú Hữu nói: "Với phương châm không để người dân thiếu đói, ngoài hỗ trợ nhu yếu phẩm như rau củ quả thì phường cũng cố gắng hỗ trợ thêm bà con lạp xưởng, cá hộp… để bà con cải thiện bữa ăn".

Nhẽ, là người rất thuộc bài “với phương châm không để người dân thiếu đói”, bà bí thư phải nắm trước tình hình người dân ở khu xóm trọ, họ đã lây lất 2 tháng không việc làm, không thu nhập, lại bị chủ nhà trọ đòi tiền thuê, dọa đuổi không cho ở. Đằng này, để xảy ra cớ sự, lại lý giải rằng, “theo bà Hiệp, qua tìm hiểu, người dân kéo ra đường phản ứng không phải vì thiếu nhu yếu phẩm mà mong muốn nhận được tiền hỗ trợ” – (trích).

Trong trường hợp này, nhu yếu phẩm không quy đổi ra được tiền mặt để trả tiền trọ, thưa bà bí thư.

Và lời dọa đuổi không cho ở nó ngày đêm lơ lửng trên đầu những người ở xóm trọ này, trước khi bà và cán bộ phường đích thân xuống vận động để được kết cuộc “không đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê trọ đến tháng 9”, “chủ nhà trọ cam kết giảm 50% tiền phòng”.

Chỉ một ngày sau khi phản ứng, tiền đã về trong tay họ. Nghĩa là không phải không có tiền sẵn, nghĩa là họ hoàn toàn đủ điều kiện được nhận hỗ trợ. Nhưng là cấp cơ sở, sát dân, gần dân nhất có thể, cái “phương châm” kia lại nằm lòng, vậy mà phải để dân tình bức bối phản ứng thì mới “ra tay” đốc thúc.

Cũng là bà bí thư, “ngay sau khi nhận được thông tin người dân kéo ra đường phản ứng vì chưa nhận được tiền trợ cấp, bà cùng lực lượng chức năng, cán bộ phường nhanh chóng có mặt, giải thích cặn kẽ, vận động bà con bình tĩnh quay lại phòng trọ”.

Để bà con “bình tĩnh”, thì trước hết, bà không được “bình thản” trước hoàn cảnh khốn cùng của họ.

Còn một khi để dẫn tới hiện tượng chậm trễ, không một lời giải thích, lại trong cơn bí bách, thiếu thốn, bủa vây đủ thứ thì “bước đường cùng” của những anh Pha, chị Dậu mà kéo ra đường, tìm kho thóc, lại họa chẳng phải mất “bình tĩnh” đâu, thưa nữ Hiệp bí thư!

Xin đừng “lội nước đi sau” như thế!

 

DÂN CÓ QUYỀN LỰA CHỌN NƠI CHĂM SÓC SỨC KHỎE CHO MÌNH

FB Tran Duy Canh

Theo thống kê của Bộ Y tế ngày 29.8.2021 thì Việt Nam đứng đầu thế giới về tỷ lệ tử vong trên số mắc bệnh. Thậm chí cao hơn 0.4%. Điều đó là đáng báo động và xấu hổ.

Việt Nam có lẽ là nước hiếm hoi trên thế giới không có nhu cầu huy động hệ thống y tế tư nhân vào việc chống dịch. Ở ta, chỉ bắt buộc các cơ sở y tế nhà nước làm, không cho tư nhân. Nói không cho cũng không đúng. Cho nhưng không thu được thu tiền thì cũng như không. không thu tiền thì lấy tiền đâu để trả lương, cơ sở vật chất, thuốc men… khi bên y tế nhà nước được ngân sách bao cấp toàn phần. Hầu như thích gì được nấy, thiếu nhân sự vận hành thôi.

Điều lạ lùng là chính quyền cứ kêu cứu hệ thống y tế quá sức chịu đựng nhưng ông y tế tư nhân nào chữa bệnh covid-19 thu tiền là phạt, cấm. Kiểu giành giật bệnh nhân để chữa trị nhưng lại không kham nổi. Và một phần do đó, tỷ lệ tử vong tăng cao vì không được chăm sóc y tế chu đáo.

Xã hội hóa hoạt động y tế trong thời gian qua khá thành công nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Dân có nhiều lựa chọn để chăm sóc sức khỏe cho mình. Trong điều kiện hiện nay cần đưa hệ thống y tế tư nhân vào khám chữa bệnh covid-19 để san sẻ gánh nặng với nhà nước và đặc biệt cùng nhau hạ ngay lập tức tỷ lệ tử vong đáng xấu hổ này xuống. Dân có điều kiện kinh tế, họ có quyền lựa chọn nơi chăm sóc sức khỏe cho mình.

Cái gì XH làm được thì để XH cùng làm, đừng ôm 1 mình để chứng tỏ mình ưu việt hơn chỗ khác rồi dân tình nước Việt lâm cảnh điêu linh.

Mong lắm thay.

Bổ sung: thành phố đã xin Bộ YT và Bộ TC cho bệnh viện tư được chữa bệnh thu tiền: https://thanhnien.vn/…/tphcm-benh-vien-tu-gong-minh…

clip_image008

clip_image010

HÓA RA, CHỈ CÓ DÂN LÀ KHỐN NẠN?

FB Khanh Nguyen

Câu chuyện trên báo điện tử Zing về cái gọi là phường An Phú, TP Thủ Đức có hơn 100 đơn hàng bị “bom”, tức tiếng lóng của dân chuyển hàng về việc đặt hàng rồi không nhận, gây xôn xao không ít, và cũng tạo cớ luồng dư luận được định hướng chửi bới dân Hồ Chí Minh là sống vô ý thức, sống khốn nạn.

Câu chuyện này được ông Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch phường An Phú, TP Thủ Đức mô tả diễn ra ở phường của ông, nhưng không nêu rõ là ai, đã nhanh chóng trở thành câu chuyện để đào bới từ xu hướng ghét bỏ các khác biệt trên mạng xã hội. Trên truyền hình tối 27-8, trong phần livestream "Dân hỏi – Thành phố trả lời", ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông nói rằng nhiều phường ở HCM xác nhận đã gặp tình trạng này, và ông giải thích đơn giản "Khi cán bộ giao hàng đến thì người dân không nhận và nói ‘chỉ đặt thử xem có đi mua thật không’. Họ nói đặt cho biết vậy thôi”.

Ở vị trí của một cán bộ cấp cao về ngành tuyên truyền, câu trả lời gieo hoang mang và không có kết luận đủ của ông Lê Quang Tự Do, là vô trách nhiệm, hay nói đúng hơn là thiếu tư cách để phát ngôn. Việc của một cán bộ lãnh đạo tuyên truyền, không có nghĩa là chỉ ngồi phòng lạnh và đọc tin báo cáo. Việc kiểm tra và tìm hiểu vấn đề của “hơn 100 đơn hàng” đó, là gì, vì sao, và cần có cái nhìn khác hơn khi có tin là một tập thể dân chúng đồng lòng bất tín với chính quyền đến mức cùng nhau làm một phép thử.

Chỉ ít ngày sau đó, trên mạng xã hội đã xuất hiện những lời phản đối của dân An Phú. Nhiều lời bình luận đã kêu gọi chính quyền phải làm rõ là ai, chuyện gì đã xảy ra chứ không thể vơ đũa cả nắm. Cách nói để mô tả đời sống một cộng đồng dân cư ở Sài Gòn hành động như vậy, chính là kiểu ngụy biện đòn bẫy “chính quyền đã làm đúng và tận tâm nhưng hóa ra, chỉ có dân chúng là khốn nạn”.

Khó mà tin vào câu chuyện đó, với lối mô tả một chiều lấp lửng như vậy. Tôi cũng như nhiều người sống ở đất nước này – không chỉ riêng ở Sài Gòn – cảm thấy nghi hoặc về chuyện dân đen dám giỡn mặt với một lực lượng giao hàng có vũ trang trong lúc phong tỏa như thiết quân luật.

Dĩ nhiên, người chịu trách nhiệm ở đây, phải là chính quyền của phường An Phú. Và nếu làm rõ được mọi thứ – nếu có thật và đúng lý – chính những người đang “bom hàng” và quấy rối như một kiểu “chống lại người thi hành công vụ”, cũng cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, theo khoản 1, điều 330 BLHS năm 2015.

Người phát ngôn là Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch phường An Phú, TP Thủ Đức cần có sự giải thích minh bạch, công bố chi tiết các địa chỉ giao hàng mà không nhận, cùng với số điện thoại hay phương tiện liên lạc đặt hàng của họ, để báo chí cũng như truyền thông công dân kiểm tra tính xác thực. Câu chuyện không thể dừng lại ở một lời nói có thể gây tổn thương vô chừng với cả một thành phố, vốn đang bị các trang và cá nhân có mục đích chia rẽ, hạ nhục và tấn công vô cớ. Mà trong thành phố đó, cũng có cả tên công dân Nguyễn Văn Hải.

Ông Hải có thể bị quy vào khoản 2, điều 331, BLHS, với điều khoản “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, nếu không chứng minh được tính đúng đắn và nội dung sai hoàn toàn từ phía người dân.

Trong tất cả những lần ra lệnh, thay đổi, lấp lửng, tái lập… trong công cuộc phòng chống dịch tại Hồ Chí Minh, bất kỳ người dân nào cũng thấy những bất cập của chính quyền gây ra – dù có đủ một ban tư vấn học giả tên tuổi – mà chính ngay ông bí thư Nguyễn Văn Nên cũng thừa nhận rằng chính quyền đã “lúng túng” và xin nhân dân hãy “lượng thứ”.

Ngay cả việc đưa quân đội vào để vận chuyển, tưởng chừng như là thông suốt, lại trở nên rối rắm hơn khi hủy diệt toàn bộ hệ thống logistics đã trơn tru và chuyên nghiệp của một thành phố có đời sống hiện đại và phức tạp. Hơn nữa các mệnh lệnh duy ý chí còn ép phía quân đội phải làm thêm chuyện mua hàng và giao hàng. Dĩ nhiên, quân đội Việt Nam thì luôn chiến thắng mọi kẻ thù nhưng không phải chiến sĩ nào cũng giỏi phân biệt sữa người già với sữa cho em bé, hoặc thông thuộc mọi ngã đường lắt léo ở Sài Gòn.

Đang có rất nhiều ý kiến trên các trang mạng xã hội, bày tỏ chuyện không tin “bom hàng để thử xem có thật không” từ nguồn tin của ông Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch phường An Phú, TP Thủ Đức. Nhất là khi người dân phải luôn ứng tiền trước cho chuyện đặt hàng của mình. Chính các thông báo từ các phường ở Thủ Đức cho người dân đã chứng minh cho chuyện này. Sự khốn nạn từ câu chuyện này cần được làm rõ là từ những người dân khốn nạn, hay thất bại trong công việc mới của một địa phương lại được điển hình về khốn nạn, đẩy mọi chuyện cho dân.

Chúng ta đã nghe nhiều chuyện về sai lầm của người dân trong đại dịch: nào là vô ý thức chạy về quê, nào là làm loạn khu cách ly, nào là chống tiêm vắc xin Trung Quốc làm hỗn loạn điểm tiêm ngừa… Nhưng chỉ có người dân là đủ sự chân thành và nhân tính để mô tả với nhau rằng chuyện gì đang thật sự xảy ra trong đại dịch. Những ngôn từ thấu hiểu và sẻ chia, chỉ có dân và dân với nhau. Không ai khác.

Khủng hoảng và biến động xảy ra là điều không ai muốn. Và bất kỳ chính quyền nào cũng sẽ phải va vấp, thất bại đôi lần với những tính toán để vượt qua sự cố. Nhưng chia nhau những thứ đó, hiểu đúng mọi sự, thì mới đáng gọi là “chung tay” – như theo lời kêu gọi của chính quyền.

Nhưng nếu phía quản trị nhà nước lại trẻ con đến mức bất kỳ thất bại nào cũng lùi lại và đổ lỗi là sự “khốn nạn” của dân chúng, thì đất nước này chỉ còn lại một câu hỏi luôn im lặng tìm về minh bạch theo thời gian: quan chức đang vất vả lãnh đạo một loại nhân dân khốn nạn, hay nhân dân đang nhìn về sự khốn nạn của quan chức?

clip_image012

TÂM THƯ CỦA SƠ MARIA TRẦN NGỌC THẢO LINH VIẾT CHO CÁC SƠ CÙNG LỚP SAU KHI BIẾT MÌNH BỊ NHIỄM BỆNH!

(SƠ ĐÃ QUA ĐỜI Ở TUỔI 32)

FB Nguyễn Ngọc Nam Phong

Các chị rất thương mến!

Cám ơn các chị rất nhiều vì tình yêu, sự quan tâm, lo lắng, thăm hỏi, vì những lời cầu nguyện chân thành cùng những hy sinh âm thầm các chị đã dành đặc biệt cho em trong những ngày qua.

Có lẽ nhờ thế mà em có thể đón nhận thánh giá này cách vui vẻ và bình an đến vậy. (Thánh giá là: những lao nhọc vất vả, những khó khăn trở ngại, ngoài ý muốn của mình)

Có chị từng hỏi em: "Đây là một căn bệnh hiếm, tại sao trong bao nhiêu người, lại là chị?"

Em đã suy nghĩ về câu hỏi này và thấy rằng: Ồ, có lẽ em là người được chọn nhỉ. Như thế thì thật là tốt phải không? Là em thì không phải là những người còn lại: không phải là các chị, không phải là ai đó trong gia đình em, hay là một người nào khác.

Nhìn theo hướng khác, thì căn bệnh này là thánh giá Chúa đã chọn và dành riêng cho em. Cũng vậy, các chị, mỗi người đều có thánh giá của riêng mình mà, phải không? Thánh giá là phương tiện giúp chúng ta theo Chúa và nên thánh nhỉ.

Với em, đây là cơ hội để sống ơn gọi Mến Thánh Giá triệt để hơn. Có thánh giá thì mình sẽ dễ dàng "tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của Chúa Giêsu" hơn, dễ mang lấy tâm tình và ý hướng của Chúa Giêsu khi Ngài chịu thương khó hơn, phải không các chị?

Chưa biết tương lai thế nào, nhưng hiện tại em vẫn tạ ơn Chúa vì bệnh của em chẳng làm em mệt mỏi hay đau đớn gì cả.

Suy nghĩ về sự sống và cái chết, em thấy nó chỉ là tên gọi của hai hình thái sống khác nhau mà thôi. Thực tế thì, chúng ta có bao giờ chết đâu.

Vậy đó, nên em cũng chẳng năn nỉ Chúa cho mình được khỏi bệnh hay được sống lâu.

Nếu bước đi trên một cuộc hành trình, điều người lữ hành mong mỏi nhất là có thể đến đích sớm bao nhiêu có thể. Thì cũng vậy, nếu cái chết đến sớm có lẽ là điều đáng mừng phải không? Tuy cái chết không phải là đích chúng ta nhắm tới, nhưng nó là dấu hiệu cho thấy chúng ta đã gần đích lắm rồi.

Thế nên, em đã nói với Bà Ngân thế này: "Con với Bà cùng chạy nhé, không chừng con sẽ đến đích trước Bà đấy!"

Các chị biết đấy, bây giờ em là một loại cây không ưa ánh nắng mặt trời và có thể chỉ là một loại cây ngắn ngày. Không biết nhà thiết kế cảnh quan của Hội dòng có thể tìm được chỗ nào thích hợp cho loại cây đặc biệt này không nhỉ?

Maria Trần Ngọc Thảo Linh.

clip_image014

NƯỚC CHÚA Ở ĐÂU?

FB Lưu Trọng Văn

MA SOEUR MARIA TRẦN NGỌC THẢO LINH 32 tuổi vừa về nước Chúa… do nhiễm virus corona khi tình nguyện giúp Dân trong đại dịch.

AMEN!

Thảo Linh ơi, nước Chúa ở đâu?

Anh không biết nước Chúa ở đâu, nơi em về

Nhưng anh biết có một miền quê

đang mùa lúa chín

Không tiếng chuông nhà thờ

Không lời cầu nguyện

Có một kẻ lang thang là anh

đang khóc thương em

Nước Chúa ở đâu em vụt bay như một thiên thần

Anh chẳng kịp

Gửi theo chút hương đồng cỏ dại

Cái mùi cỏ muôn đời con gái

Một thời nuôi hương tóc em

Nước Chúa ở đâu, ở đâu Thảo Linh ơi?

Em hãy cắp cả nụ cười bay đi.

Đừng để lại!

Nụ cười ấy nếu em để lại không cùng em bay về nước Chúa

Buồn lắm em à

Bầu trời nước Chúa

sẽ thiếu vầng trăng

Nước Chúa ở đâu? Nước Chúa ở đâu?

Đêm nay anh nhìn lên bầu trời

Anh thấy nước Chúa rồi

Nơi ấy

Một vầng trăng.

clip_image016

SÀI GÒN CHÓNG BÌNH AN NHA…

FB TRANG VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM

Mình quê Ninh Bình, ba mẹ đều là người NB cả. Mình lớn lên ở Thanh Hóa. Rồi đi học ĐH ở HN, đi làm ở HN 3 năm. Rồi bị thất vọng dập mặt, ôm nỗi đau bỏ vào vali đi vào nam. Ở lại Nha Trang đi dạy gia sư và tìm việc làm gần 1 năm. Nha Trang thì đẹp nhưng khó tìm việc quá, nên mình quyết định vào Sài Gòn.

Năm 2000 vào Sài Gòn, tài sản chỉ có một chiếc xe đạp, mình thuê phòng trọ ở ghép cùng với mấy bạn Sinh viên.

Rồi mình thi tuyển và có việc làm ở SG. Rồi để dành được tiền! Và rồi chính quan niệm của người SG đã khích lệ mình mua nhà: nhà là để ở, không phải để chứng tỏ. Năm 2004 mình tìm mãi mới gặp một miếng tàm tạm, thì giá gần gấp 3 số tiền mình đang có.

Bạn bè Sài Gòn biết tin, hỏi “Cần nhiêu?”. Rồi ngay chiều hôm đó, có đứa cầm chứng minh thư ra ngân hàng, vét sạch tiền trong tài khoản được 8tr cho mình mượn. Có đứa lấy lương xong, rút lại chỗ lẻ, còn số tròn cho mình mượn. Tuấn Huy họp ngay nhóm cộng tác viên, thu tiền tận tay từng đứa, rồi tới nhà, đưa cho mình 1 cục tiền cộng 1 tờ giấy dài ghi tên từng đứa, đứa 5 tr, đứa 3 tr, đứa 10tr… Bị Huy lột sạch tiền, nên có hôm cả nhóm chả còn gì ăn, Huy kiếm đâu ra mấy trăm, chia mỗi đứa mấy chục: “Tiền ăn đây, đừng có đòi bà Hà, bả chưa có đâu!”

Người Sài Gòn kỳ lạ thế đấy.

Mình bắt đầu xây nhà, các chủ vựa nguyên vật liệu của Sài Gòn cứ tươi cười nói: “Lấy đi, khi nào có tiền thì trả!”. Các dịch vụ trong SG rất tốt. Tới tận nhà tiếp thị đủ thứ, nào nguyên vật liệu, đồ gia dụng ti vi tủ lạnh, máy giặt, tới rèm cửa, tủ giường, bàn ghế… tất cả đều có thể trả sau, trả dần! Thế nên chỉ vài ngày là nhà mình đầy đủ đồ.

Mình bắt đầu làm việc nhiều hơn, tiêu xài ít hơn, danh sách nợ mỗi tháng gạch được 1, 2 cái tên, thấy mừng rơn trong lòng!

Nhớ có lần mình đang chạy xe thì xe chết máy. Dắt vào 1 tiệm trong hẻm ở đường Trương Quốc Dung, Phú Nhuận. Bác thợ kiểm tra xe 1 hồi rồi nói “Xe chị hỏng cái (abc gì đó) trong máy, phải rã máy ra và làm lại. Sẽ mất một buổi và chi phí cả mua đồ và công thợ là 1,2tr”. Mình ngậm ngùi vâng dạ rồi để xe lại, bắt xe ôm đi làm.

Chiều về ghé tiệm, đưa 1,2tr cho bác thì bác bảo: "Tôi tháo máy ra, hóa ra không phải nó hỏng cái abc, mà nó chỉ hỏng cái xyz thôi. Nên cô chỉ hết 450.000đ". "Ủa, hồi sáng nay cháu đã chịu giá 1tr2 rồi mà, sao bác không lấy luôn?"

Ổng thủng thẳng: "Làm người đâu ai làm vậy!"

“Làm người đâu ai làm vậy". clip_image018

Đó, yêu Sài Gòn, không chỉ vì đất Sài Gòn, mà vì người Sài Gòn. Hào sảng, chân tình, và bao dung.

Nên là đừng ai hỏi vì sao mà nhiều người dân nhập cư cứ cảm thấy Sài Gòn như máu thịt của mình, đừng hòng mà nói xấu SG.

Mẹ mình có lúc sốt ruột bảo: Thân gái 1 mình, hay về quê đi con. Mình nói: "Không, SG là nhà con rồi. SG đất lành lắm!". Mình, chỉ số IQ bình thường, ba mẹ không có uy lực gì, không biết chạy chọt gì, mà vẫn sống được ở Sài Gòn.

Ngoài những việc tốt dễ đếm, như giúp tiền, thì điều lớn nhất mình nhận được từ người SG và các sếp ở SG, là dạy việc truyền nghề nhiệt thành và miễn phí, để mình từ 1 đứa chuyên toán có thể trở thành nhà báo như hôm nay.

Mùa này SG bị ốm, và SG ốm thì cả nước liêu xiêu. ĐBSCL và Tây Nguyên với 5 triệu tấn lúa, 4 triệu tấn rau củ. 400.000 quả trứng, 60.000 tấn gà, 120.000 tấn hải sản, 80.000 tấn thịt heo,… để ế. Thanh long Bình Thuận hỏng, sầu riêng Đăk Lăk, rồi các trang trại hoa Lâm Đồng… đổ bỏ. Các tp du lịch cũng liêu xiêu…

SG cần khỏe, không phải chỉ để cho riêng SG, mà còn để tiếp tục gánh 22,2% nền kinh tế cả nước.

Sài Gòn chóng bình an nha!

Trần Thu Hà

clip_image020

HAI CÂU CHUYỆN NHỎ VỀ SẺ CHIA VỚI SÀI GÒN

FB Hoàng Nguyên Vũ

Hôm qua, mình nhận được ba thùng từ miền Bắc gửi vào, trên nhãn ghi: "Vì miền Nam thân yêu", từ Trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ Sfora (Cơ sở Hà Đông, Hà Nội). Mở thùng hàng ra, có một lá thư viết tay, xin được trích vài đoạn:

"Chị gửi số lạc nhân này góp cùng mọi người sẻ chia những hoàn cảnh khó khăn, nhờ em chuyển giúp nhé"

"Chúc các em và mọi người luôn mạnh khoẻ và Sài Gòn sớm trở lại bình thường như vốn có của nó"

Những thùng quà chủ yếu là lạc (đậu phộng), do những trẻ em tự kỷ đóng gói cẩn thận. Mình sẽ chuyển đến bếp để làm món đậu phộng rang muối, gửi vào các phần quà cứu trợ cũng như thêm một chút gia vị vào cho bữa ăn của bác sĩ ở bệnh viện dã chiến.

Một món quà chan chứa tình cảm của những trẻ em miền Bắc gửi góp cho đồng bào miền Nam, thật đáng trân quý.

********

Hôm qua, trên đường đi trao thực phẩm cho những nhà có F0 về, mình nhận được tin nhắn của chị bạn hoạ sĩ. Chị ấy có người bạn cùng cậu con trai 12 tuổi từ nước ngoài về, hiện không mua được đồ ăn, đặt qua đi chợ hộ thì người ta báo phải 4 ngày mới có.

Trong khi, anh đã hết sạch đồ ăn và mai là sinh nhật cậu con trai, anh cần ít thịt gà làm món đãi con trai.

Tức tốc về nhà lấy gà, dầu ăn, sữa, bánh mì mang đến. Gọi anh xuống lấy và không quên gửi lời chúc mừng sinh nhật cậu bé. Vậy là bố cậu đã làm được món cậu yêu thích cho cậu mừng tuổi mới, trong những ngày đặc biệt này.

Sài Gòn, luôn là thành phố của những sẻ chia…

clip_image022

clip_image024

clip_image026

clip_image028

10,000 TÚI OXI MIỄN PHÍ TẶNG F0

FB Trạm Oxi cộng đồng Sài Gòn

Để có thể hỗ trợ Oxy cấp cứu cho nhiều bệnh nhân hơn, Trạm Oxi cộng đồng Sài Gòn khởi động chương trình cung cấp 10,000 túi Oxy miễn phí đến các bệnh nhân F0.

Mỗi túi Oxy có thời gian sử dụng trung bình 1h30’, là lựa chọn tiện lợi và hữu ích cho các tình huống khẩn cấp hoặc trong khi bệnh nhân đợi nhập viện.

clip_image030clip_image030[1]Chỉ với 200.000 đồng, bạn đã có thể tặng 1 túi Oxy kèm mặt nạ có túi khí cho bệnh nhân F0.

Trạm Oxy hy vọng có thể tặng 10.000 túi Oxy đến các bệnh nhân F0 ở khắp nội thành Sài Gòn trong thời gian sớm nhất. Mong bạn chung tay cùng Trạm.

Mọi đóng góp để mua túi Oxy xin gửi về:

Tạ Thuỳ Trang clip_image030[2]

VP Bank, STK: 555 5555 123

Ghi chú: Tui oxi

Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng Trạm Oxi cộng đồng Sài Gòn

clip_image032

THIỆN NGUYỆN VIÊN: THƯ GỬI MẸ

Hoàn Phạm, MSV – TGP Sài Gòn, 29/08/2021

clip_image033

TGPSG — Con đã gặp Ngài ngay chính nơi những lấm lem, nơi những lao cực, nơi những hạt mồ hôi rơi…

Mẹ kính mến, bây giờ là 12 giờ đêm. Ngoài đường rất yên bình giống quê hương mình. Con đi trực về và ngồi nhớ mẹ.

Hôm nay là ngày lễ Thánh Monica và cận kề lễ Thánh Augustinô, con viết cho mẹ một vài dòng tâm sự, kể cho mẹ nghe những câu chuyện hết sức bình dị nhưng lại linh thiêng, về những con người đơn thành như mẹ. Qua họ, con thật sự đã thấy Chúa và biết thế nào là một người tin.

Mẹ, một người không biết chữ, một người không dạy con những trang sách vở như cha, hay những câu chuyện đượm tính văn chương như những người mẹ khác. Nhưng mẹ lại dạy con sống đức tin rất cụ thể, dạy con đọc đi đọc lại những lời kinh có khi con phát chán, những lời kinh Mân Côi chẳng hạn… Bây giờ con mới thấy điều đó là cực kỳ quan trọng…

Những ngày đầu tiên đi thiện nguyên tại bệnh viện, để tránh cho khả năng bị lây nhiễm cao, con đã tuân thủ khá tốt những phương pháp ngăn ngừa và vệ sinh để tránh nguy cơ lây nhiễm cao. Con sử dụng cồn, sử dụng nước muối… theo chỉ dẫn của các bác sĩ. Nhưng có một điều quý giá – con thấy mình còn chưa ‘tận dụng’ cho đủ – đó là tràng chuỗi Mân Côi.

Hôm nay, vào trong bệnh viện, con gặp cụ Long, hơn 90 tuổi, trong tay vẫn một tràng chuỗi và đọc thầm kinh Kính Mừng. Đến gần, con hỏi thăm, cụ tươi cười và nói đọc kinh để cầu nguyện cho mấy người con của cụ biết đạo đức hơn, biết sống tốt hơn. Cụ cũng bảo cầu nguyện cho dịch Covid mau qua, cho mọi người bớt khổ. Hỏi cụ có sợ khi bệnh như thế này hay không thì cụ bảo có Chúa và Mẹ Maria rồi. Cụ rất bình an trong một không gian mà ngay cả những người khỏe mạnh như con cũng lo ngại. Khi con cho cụ ăn, cụ đưa mắt nhìn với lời thầm cảm ơn. Một đôi mắt rất đẹp, và nụ cười nhẹ nhàng chứ không có chút nặng nề của một người già đang mang bệnh. Sau khi ăn xong, cụ cầm lấy tay con, mỉm cười và ra dấu cảm ơn. Khi con đi rồi, cụ lại tiếp tục cầm tràng chuỗi trong tay. Ra khỏi phòng, con dừng lại và lẩm bẩm tự hỏi bản thân: “Đức Tin là gì nhỉ?"

Đi đến phòng cụ Hoài, con cũng thấy một nụ cười sáng và tràng chuỗi trong tay. Cụ ra dấu chào con. Nhìn khuôn mặt cụ con thấy bình an lạ thường. Cụ khoe hôm nay vẫn đọc kinh cầu nguyện cho mọi người. Con lại tự hỏi: "Đức Tin là gì?"

Con nhớ lại lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô nói với người trẻ: “Tất cả chúng ta, ngay cả trước khi sinh ra, đã nhận lãnh – như phúc lành từ các ông bà – một giấc mơ đong đầy tình yêu và hy vọng, giấc mơ về một đời sống tốt đẹp hơn." (Tông huấn Christus Vivit, số 194). Những giấc mơ này vẫn luôn ở trong những người như cụ Long, cụ Hoài, hay những người mẹ có đức tin đơn thành, những người đã gieo trồng hạt mầm cho chúng con ngay từ đầu để rồi hạt giống đó lớn lên và sinh hoa kết trái.

Lúc này, cả nhân loại đang cố gắng tìm cách ngăn ngừa tiêu diệt con Corona. Con thấy rất ngưỡng mộ những nhà khoa học bào chế ra vắc xin. Con cũng rất khâm phục những y bác sĩ, các nhân viên y tế và tất cả mọi người cách này cách khác đang chung tay để trả lại cho thế giới sự bình thường. Nhưng trong đức tin, con biết rằng những người như cụ Long, cụ Hoài hay những bệnh nhân nơi đây cũng đang nâng đỡ nhân loại, nâng đỡ chúng con rất nhiều. Họ như những Monica của thời đại mới, vẫn âm thầm lặng lẽ cầu kinh cho một nhân loại đau thương, một nhân loại đang oằn mình vì dịch bệnh như chính cuộc đời của thánh Augustino.

Người ta thường dễ dàng ca ngợi sự tỏa sáng của cây đèn mà hay quên những chân đèn trong đêm tối, quên những người mẹ vẫn âm thầm ôm con vào lòng, vẫn thổn thức nói với từng đứa con:

Mẹ vẫn luôn ở đây lúc con mỏi gối chồn chân

nhìn ra chung quanh biết cuộc đời xa lạ

con không cần làm gì và cũng không cần phải mặc cả

mẹ sinh ra con giống như thân cây nảy mầm một chiếc lá

đã có gốc rễ lo vun trồng…

Mẹ vẫn luôn ở đây để ôm con, con biết không?

(Mẹ vẫn ở đây và ôm con, Phong Việt)

Một số người trẻ như chúng con thường nghĩ rằng, người già thường vô ích, chỉ là những người ăn bám và không cống hiến được gì cho sự tiến bộ của văn minh nhân loại. Nhưng chính lúc này, khi con thấy mình khá là bất lực, thì chính các bệnh nhân lớn tuổi ấy đang nâng đỡ chúng con, nâng đỡ nhân loại… Những người tu sĩ chúng con thường có suy nghĩ sẽ nâng đỡ đức tin cho người khác, giảng giải đức tin cho người khác. Nhưng hôm nay chính cụ Long và cụ Hoài dạy cho con biết thế nào là tin.

Con vẫn thường đi tìm vẻ đẹp nơi những hiện đại của khoa học, của những triết lý nhân loại, mà lại hay quên đi nét đẹp trong chính cuộc đời, chính nơi những người như mẹ, nơi cụ Hoài, cụ Long và những người bấy lâu nay con nghĩ rằng không có gì để học hỏi, không có gì để củng cố đức tin, củng cố nhiệt huyết tông đồ.

Viết những dòng này cho mẹ, con vui và bình an lạ thường. Khi trở về phòng, con vẫn thầm tạ ơn Chúa vì hôm nay con đã gặp Ngài ngay chính nơi những lấm lem, nơi những lao cực, nơi những hạt mồ hôi rơi, như lời thơ Tagore:

Hãy ra khỏi mọi suy tư, trầm mặc,

cất cả hoa hương sang một bên,

mặc cho quần áo rách bẩn,

cứ thế đến bên Người

trong lao động cùng cực, trán đổ mồ hôi…

Hoàn Phạm MSV – Hội Thừa Sai Việt Nam

TRANH Theo Sài Gòn Báo

clip_image035

DÂNG NHỊP TIM HƠI THỞ – Hương Nguyên OP

Đa Minh Bùi Chu

Comments are closed.