Số đặc biệt 10 năm Văn Việt: Những ngày đầu sôi động với khát vọng độc lập tự do cho văn học

Tiêu Dao Bảo Cự

 

Tôi nhận được thông báo về việc viết bài kỷ niệm 10 năm thành lập Văn Đoàn Độc Lập đúng lúc đang xem lại các email cũ từ thời tổ chức này bắt đầu khai sinh. Thật phù hợp để viết bài về chủ đề này vì nội dung các email đã tái hiện một thời kỳ sôi nổi và đầy sóng gió, đáng để lưu giữ trong lịch sử của Văn đoàn.

Một số người khởi xướng, mà chủ chốt là nhà văn Nguyên Ngọc, có ý tưởng về việc hình thành một tổ chức hoạt động văn học tự do, đã mời riêng một số nhà văn mà họ tin cậy, trong đó có tôi, tham gia vào nhóm những người sáng lập. Công việc đầu tiên của nhóm sáng lập này là trao đổi để chọn một cái tên và ra một bản tuyên bố về việc hình thành tổ chức.

Tranh luận về cái tên chủ yếu xoay quanh các từ “độc lập” hay “tự do”, “văn đoàn” hay “văn đàn”. Các từ này mang yếu tính định hình mục đích, vị thế và sách lược của tổ chức nên rất quan trọng và được thảo luận đến nơi đến chốn.

Nhóm khởi xướng chọn tên Văn Đoàn Độc Lập với lý do và mục đích ghi trong dự thảo Bản Tuyên bố thành lập: “là một tổ chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước.”

Chỉ trong một ngày 1/3/2014 cuộc trao đổi về tên gọi này dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi. Sau đây là ý kiến của một số người, lấy lại nguyên văn từ email:

Hoàng Hưng thông báo:

“Thưa các anh chị

Có 1 việc vẫn cần ý kiến cuối cùng: một vài bạn vẫn giữ ý kiến không thích chữ "Độc lập" vì có màu sắc chính trị, chỉ cần "Văn đoàn VN". Tôi và 1 số thì e như thế ko tách rõ với ‘hội nhà văn VN", và cũng cần nói rõ tinh thần chủ yếu của Văn đoàn này là "Độc lập": ĐL của mỗi nhà văn, và ĐL của văn đoàn với mọi thiết chế tổ chức. Tôi đề nghị biểu quyết dân chủ qua email. Lẽ ra anh NN và PXN phải lo việc này, nhưng vì tôi đang tạm thời điều phối cho đến khi công bố chính thức, nên nếu mọi ng OK thì mạn phép xin điều phối nốt vụ "biểu quyết" này. Xin cho ý kiến ngay cho kịp. Cảm ơn

HH”

Phạm Toàn lập tức lên tiếng: “Độc lập.

Chính trị cũng được chứ sao? Chả nhẽ lâu nay mình khổ vì chính trị nay bỗng dưng lại sợ "nó" à?

Hội nhà văn độc lập Việt Nam!

Hourra! Hurrah! U-la! (tiếng Tàu)”

Hoàng Dũng:

“Tôi bỏ phiếu cho hai chữ Độc Lập. Hai chữ ấy là linh hồn của Hội.”

Tiêu Dao Bảo Cự:

“Tôi đề nghị Tự Do thay cho Độc Lập: Văn Đoàn Việt Nam Tự Do.

Độc lập mà không có Tự do thì e rằng…

Âm hưởng của từ Độc lập hơi nặng nề, đều là vần trắc, lại ở cuối cụm từ. Tự do nghe thênh thang, bay bổng hơn. Nếu thực sự có tự do thì độc lập không còn là vấn đề vì chắc chắn phải bao gồm độc lập.

Tự do cho Văn đoàn, cũng là Tự do cho Việt Nam.

Văn Đoàn Tự Do Việt Nam.

Xin góp thiển ý.”

Vũ Thư Hiên:

“Tôi tán thành ý kiến của anh Tiêu Dao Bảo Cự. Tự do còn mạnh hơn độc lập (độc lập với tổ chức HNV khác, còn tự do lớn hơn).”

Thế Khôi:

“Tôi tán thành tên gọi "Văn đoàn tự do Việt Nam, vì "ta có độc lập lâu rồi, nhưng đã có tự do đâu (chưa có tự do tư tưởng thì cũng không có sáng tạo nghệ thuật thực sự).”

Dư Thị Hoàn:

“Thành thật xin lỗi anh Tụ nhé, theo Dư thị hoàn, ý kiến của anh Bảo Cự TD chiếm thượng phong rồi đấy: lựa chọn 2 chữ "Tự Do" so với 2 chữ "Độc Lập" không những sáng suốt, mà còn là sáng kiến nữa. Đến giờ phút này, Dư thị hoàn xin cải chính: ủng hộ ý kiến anh TD Bảo Cự, thay vì ý kiến trước đây nhé.”

“Thành lập văn đoàn lần này có ý nghĩa khởi xướng cho một tổ chức CHÍNH DANH được đăng quang, có nên chăng, tiếp tục uốn lượn để né tránh, để luồn lách cho ra được văn đoàn này? Độc lập vốn là yếu tổ bẩm sinh của sáng tạo không cần phải minh định hay đề cao, nếu không dành quyền TỰ DO thì tác phẩm độc lập của mỗi chúng ta vẫn phải chịu sự kiểm duyệt hoặc nằm trong ngăn kéo như bấy lâu nay mà thôi! Dư thị hoàn vẫn mong muốn 2 chữ TỰ DO được đăng quang!”

Nguyễn Huệ Chi:

“Tôi cũng thay đổi ý kiến, tán thành anh Tiêu Dao Bảo Cự, thấy trúng ý mà văn đoàn mình muốn nhắm tới, hơn là hai chữ "độc lập".

Hà Sĩ Phu

“Anh chị Hoài Giang-Hoàn Nhi thân mến

Không sao ạ, chúng ta hội kiến tập thể để tìm ra cái tối ưu (trong hoàn cảnh cụ thể) thôi mà! Tôi xin có ý kiến tiếp:

Đọc ý kiến các anh Bảo Cự và Vũ Thư Hiên tôi thấy ngay là rất đúng: tự do lớn hơn và bao trùm hơn độc lập, và tên Văn đoàn VN tự do cũng thanh thoát hơn.

Nhưng khổ nỗi dù có nói khiêm tốn thì trong hoàn cảnh VN hiện nay việc lập Văn đoàn này là một hành vi chính trị, không nên quên đối tượng chính trị quyền lực đang ở trước mặt, tránh được khó khăn chút nào mà vẫn được việc thì đỡ chút ấy.

Chữ Độc lập dễ nuốt hơn chữ Tự do, đỡ trêu tức hơn chữ Tự do (vì đối với độc tài thì chữ Tự do là chữ đối kháng mạnh nhất. Độc lập lại có ý độc lập dân tộc trước bọn Tàu, dễ tranh thủ được quần chúng hơn).

Chứ thuần văn học thì chẳng chữ gì hay hơn chữ Tự do! Tôi có cảm giác rằng ngay từ đầu các anh HH, HD không chọn chữ Tự do là ngầm có ý ấy. (Với Hội các Nhà văn thì chữ nghĩa dễ bị soi kỹ hơn các hội khác). Chữ "Hội" của bác P.Toàn thì càng khiêu khích bác ạ, tôi thấy cứ để "Văn đoàn" hay "Văn đàn" cho nhẹ.

Khiêm nhường một chút để dễ đi xa.Tôi cứ mạnh dạn đưa ý kiến thế để các anh chị ta cân nhắc.”

Nguyễn Quang Thân

“Theo tôi:

Ý kiến anh Tụ xác đáng, Nên né chữ HỘI ra để khỏi rắc rối ông Trâu Điên ạ.

Và VĂN ĐÀN hay hơn VĂN ĐOÀN vì mấy lẽ:

– Thực ra thì cũng là một diễn đàn văn học độc lập để trao đổi, chủ yếu dựa vào NET chứ đâu có hội họp, bầu bán gì? Nếu không lại sa vào cái nồi cháo heo quan liêu khó ngửi phi văn chương như đã thấy.

– Thích hợp với thời internet. VĂN ĐÀN, một tập hợp lỏng lẻo hơn HỘI và VĂN ĐÀN.

– VĂN ĐOÀN chặt chẽ, ràng buộc hơn VĂN ĐÀN. Như Tự Lực VĐ chỉ vẻn vẹn có mấy người.

– Một tập hợp lởng lẻo sẽ gần với TỰ DO. Ít nhất thì cũng không bị trói bởi chính mình.

Góp ý vậy nhưng tôi theo đa số.

Thân ái”

Nguyễn Huệ Chi:

Anh HSP,

Chữ "Tự do" hơn chữ "Độc lập" thì rõ rồi anh ạ. Nhưng chữ "Văn đàn" có hơn chữ "Văn đoàn" không thì cần cân nhắc. Nếu tránh né một hồi rồi thì sẽ trở thành một trang mạng "quân hồi vô phèng", sự trả giá không ít đâu anh HSP ơi. Kinh nghiệm của DĐXHDS đang cần được cải tiến về nhiều mặt là điều rất bổ ích cho ta. Tôi nghĩ làm cho nghĩa cụ thể của một vài khái niệm "nhạy cảm" nào đó flou đi là điều cần, nhưng về nguyên tắc tổ chức thì có lẽ phải chặt chẽ. Chính các thứ hội đoàn nhà văn của ta hiện nay tưởng là rất chặt đấy song chỉ cần gật cái đầu trước hai chữ CS thì muốn viết lách thế nào cũng chẳng ai có ý kiến, lại còn cổ xúy nữa. Cho nên mới có những hiện tượng như Hoàng Quang Thuận đó anh. Vậy nếu HQT muốn xuất hiện trên "Văn đàn Việt Nam tự do" thì sao? Còn nếu là Văn đoàn thì lại khác, có tuyên ngôn hẳn hoi, nghĩa là có nguyên tắc về cầm bút (Tự lực văn đoàn họ đâu có để xuất hiện trên báo họ những hiện tượng rởm, có phải không?)

Mong anh và các anh nghĩ thêm cho thật chín, tôi cũng nghĩ chưa rành mạch gì đâu.”

Hà Sĩ Phu

“Anh Huệ Chi

– Vâng, thống nhất thế cũng được anh ạ, ta thành lập "Văn đàn Việt Nam tự do"? Tất nhiên chữ Tự do thì xuôi tai hơn và đúng thực chất của ta hơn, đúng cái đích mà ta hướng tới.

– Đồng ý với anh Quang Thân: Nên dùng "Văn đàn" vì chủ yếu giao lưu học thuật và tư tưởng, còn "Văn đoàn" thì có vẻ chặt chẽ về nhân sự và tổ chức. Không biết ý các anh chủ xướng thế nào? Cuối cùng thì chất lượng hoạt động cụ thể thế nào để tồn tại và phát triển mới là quan trọng.”

Tiêu Dao Bảo Cự

“Xin trao đổi tiếp:

Khi đã muốn làm một nhà văn độc lập hay tự do, ta cần trung thực tới cùng theo đúng “thiên chức” của nhà văn (thiên chức theo nghĩa phổ quát của các nhà văn trên toàn thế giới, chứ không phải chỉ là công cụ chính trị như trong các chế độ toàn trị), nhắm đến “lý tưởng tuyệt đối”, không cần né tránh bất cứ điều gì có tính sách lược. Mà né tránh cũng không được, vì trong chế độ này bất cứ cái gì không được đảng và nhà nước “lãnh đạo, quản lý” thì đều bị nghi ngờ hay cho là “phản động”. Do đó tên gì cũng không thoát khỏi chuyện này dù chúng ta thành lập không phải để chống đối ai.

Dù sao, cái tên tuy quan trọng, nhưng ở đây chúng ta tập hợp vì tinh thần tự do, nên tên nào được đa số đồng ý chắc mọi người cũng tán thành thôi. Quan trọng hơn là những việc sẽ làm, có thể làm được trong thời gian tới.

Tôi nghĩ làm trang web, trao đổi hội thảo trên mạng, có thể làm được vì như DĐXHDS đã làm, nhưng không lẽ chỉ làm đến đó. Quan trọng nhất là công bố, xuất bản tác phẩm, bảo vệ tác giả. Vì vậy không thể chỉ là Văn Đàn mà phải là Văn Đoàn. Tuy nhiên điều này còn tùy thuộc (trước hết) vào ý định và khả năng của những người chủ xướng.

Vậy đề nghị các anh chị trao đổi thêm vấn đề này.”

Hoàng Hưng

“Ý kiến về tên tổ chức đang sôi nổi, song anh NN đề nghị nên có điểm dừng. Tôi đề nghị đúng 14h: hôm nay (2h sáng ở Mỹ), tôi mạn phép thống kê các ý kiến, ai ko phát biểu coi như đương nhiên tán thành tên đề ra trong Lời tuyên bố.

Sau các trao đổi về tên, đã có những đề xuất:

– Văn đoàn VN

– Văn đoàn VN độc lập

– Văn đoàn VN tự do

– Văn đoàn tự do VN.

– Văn đàn VN tự do

Song đa số (cả lên tiếng lẫn thầm lặng) vẫn chọn Văn đoàn độc lập VN.

Vậy xin ai phản đối tên ấy mà chưa lên tiếng thì lên tiếng ngay, nếu ko sẽ bị "liệt" vào phe duy trì tên cũ đấy ạ.”

Cuối cùng cái tên Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam đã được quyết định. Cuộc thảo luận trên đây cho thấy nhiều nhà văn đã thực sự khát khao độc lập tự do cho văn học một cách mãnh liệt mà bao lâu nay bị tước đoạt, gò ép vào khuôn khổ phục vụ chính trị. Đây chính là bản chất của việc sáng tạo văn học khi nhà văn ngồi trước trang giấy hay màn hình vi tính, thể hiện suy tư và sáng tạo của một công việc đặc thù trong lịch sử tiến hóa của loài người. Việc ngăn cản điều này chỉ làm văn học thui chột, trở thành công cụ cho chính trị.

Tiếp theo là những người tham gia đầu tiên tiếp tục giới thiệu, mời thêm người tham gia, qua hai đợt sơ kết, số lượng cuối cùng chốt lại thành hội viên sáng lập có 61 người. Trong số này có 3 nhà văn ở nước ngoài đã nằm trong nhóm khởi xướng là Vũ Thư Hiên ở Pháp, Nam Dao ở Canada, Lê Minh Hà ở Đức. Riêng tôi có giới thiệu thêm 4 người và họ đồng ý tham gia là các nhà văn Trương Anh Thụy, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Thị Thanh Bình ở Mỹ và Nguyễn Đức Tùng ở Canada.

Sau khi Tuyên bố về việc thành lập được công bố, lập tức đã có nhiều phản ứng trong công luận, thuận lợi và không thuận lợi. Đặc biệt có một vụ việc làm cho mọi người khó nghĩ. Đó là nhạc sĩ Tô Hải tung ra một bài viết với tựa đề:

“NIỀM HỨNG KHỞI CUỐI ĐỜI CỦA MÌNH ĐANG BAY BỖNG GIỮA TRỜI BỖNG…“XÌ HƠI”

Thú thiệt là: Đã cả một tuần cân lên, đặt xuống, cuối cùng mình đã rắp tâm làm một chuyện hiếm thấy trên đời của một lão già “thiều quang chín chục đã gần 90”!, Đó là “âm mưu” làm một chuyện bước ra sân khấu “văn nghệ không cộng sản” với niềm tin sẽ thành công ở cái thời “Giá trị hỗn mang, dở-hay đảo ngược” này!”

Sau khi phân tích nội dung của Bản Tuyên bố, Tô Hải kết luận:

Thế là, cuối cùng mình đành tự nhận thấy: Đây vẫn không phải là cái tổ chức mà mình có thể trông chờ gì lúc cuối đời vì cái tính chất:

– Quá sang trọng trong chữ nghĩa của nó

– Vẫn mập mờ trong đường lối

– Vẫn nửa vời trong tranh đấu cho một nền văn học không cộng sản hay nói trắng ra rằng cái tổ chức này nó chẳng hề “phi cộng sản hóa” nền văn học mà chỉ là cùng nhau tồn tại mà thôi!”

Tất cả những vấn đề nhạc sĩ Tô Hải nêu ra, mọi người trong nhóm khởi xướng đều thấy nhưng không thể làm theo vì việc hình thành một tổ chức như Văn Đoàn Độc Lập trong tình thế hiện tại không thể cứ muốn làm gì thì làm để rồi bị đập tan trong trứng nước.

Mọi người đồng ý không tranh luận với nhạc sĩ Tô Hải mà chỉ đọc để biết và thực hiện theo sách lược đã tính toán kỹ, kể cả việc tự gọi là Ban Vận Động Thành Lập Văn Đoàn chứ chưa phải là Văn Đoàn, để tránh truy bức về mặt pháp lý mà một số người cũng không tán thành.

Tuy nhiên một số người hùa theo Tô Hải để phê phán, chưa kể một số trang web ma được lập ra cũng như một số bài trên các báo chính thống của nhà nước đánh phá việc thành lập cũng như từng cá nhân nhà văn trong nhóm sáng lập. Ngay trong nội bộ cũng gặp khó khăn khi một số người tham gia đã rút lui vì nhiều lý do khác nhau, người vì lý do cá nhân, gia đình, người bị o ép… Chưa kể có một người tham gia ngay từ đầu lại không có tên khi công bố, do sơ sót kỹ thuật sao đó, cũng tạo ra một sự áy náy, phiền muộn chung.

Về sau này, sức ép càng mạnh thêm khi các nhà văn tham gia Văn Đoàn là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam bị Hội “gạch tên” không cho tham dự Đại hội. Các Hội viên này đã phản ứng bằng cách công khai tuyên bố ra khỏi Hội Nhà Văn. Ngoài ra tác phẩm của các nhà văn này đều được đưa ra khỏi sách giáo khoa văn dù tác phẩm của họ đã từng được xem là mẫu mực cho nhiều thế hệ học sinh.

Do vậy, thời gian đầu, ngoài Ban Đại Diện của Văn Đoàn được đưa ra công khai, các biên tập viên cho trang web đều hoạt động thầm lặng. Một số nhà văn khi gởi bài không trao đổi được và không biết người biên tập là ai nên họ cũng phiền lòng, có người nói đùa Văn Đoàn hoạt động “bí mật như mafia”. Riêng Dạ Ngân trong Ban biên tập có trao đổi với tôi khi tôi nêu ra một số vấn đề. Điều này cho thấy sự thành lập và hoạt động Văn Đoàn quả là một cuộc đấu tranh thực sự khó khăn trong một chế độ độc tài toàn trị.

Sau khi trang web Văn Việt đi vào hoạt động, tiêu chí và chất lượng của bài viết là một vấn đề đáng quan tâm và tạo ra cuộc tranh luận khác. Thế nào là đứng đắn, hay, sang trọng? Có né tránh những vấn đề chính trị không?…

Email của một tác giả ít nghe tên, có thể là bút danh mới của một nhà văn đã thành danh nào đó, đặt vấn đề khá gay gắt như sau:

Vũ Biện Điền

“Các anh chị kính mến,

Nhiệt tình là cần thiết nhưng không nên nóng vội. Văn học nghệ thuật là chuyện trăm năm, ngàn năm…

Tôi có cảm tưởng một số lập quy của văn đoàn ta chưa ổn định, chưa nhất thống mà đã vội vàng lên đường.

Riêng về tạp chí, bài vở, tôi nghe một số ý kiến – có tính cách chủ đạo, đòi hỏi phải hay, nhưng không chính trị, không được viết tục, không được chửi bới… Và rất nhiều cái không nữa! Hay, đúng rồi. Nhưng văn chương là cuộc sống, là xã hội, là con người,… là muôn mặt.

Muốn độc lập thì phải tự do – độc lập mà không tự do là ngụy biện.

Tác giả xây dựng một nhân vật thuộc dạng côn đồ mà không cho nó văng tục thì làm sao đây? Tác giả đang đứng trên lập trường độc lập dân tộc mà không cho chửi bọn mãi quốc cầu vinh thì làm sao đây? (Tôi có thể đưa ra hàng trăm ví dụ kiểu này trong các thể loại văn. thơ, nhạc họa…thông qua một số tác phẩm kinh điển)

Trước 1975, ở miền Nam VN, và gần đây khắp cả VN, các chủ báo đều cho đăng những tác phẩm có nội dung viễn mơ, chung chung, vô tội vạ. Những thế lực cầm chịch chính trị vong bản rất ưa bụng sự điều hướng này của các chủ nhiệm, chủ bút, tổng biên tập.. dưới trướng mình.

Điều tôi muốn thưa, nên đòi hỏi viết hay, còn cuộc đời là hỉ nộ ai lạc ái ố… thì không nên nắn bút tác giả, mà nắn cũng không được đâu.

VĐĐL có rất nhiều kẻ thù – cả trong và ngoài đất nước. So với chúng ta, họ rất mạnh (đặc biệt bạo lực và tiền…) và lắm mưu mô (đã từng hành xử thành công). Nhưng theo tôi kẻ thù đáng sợ nhất của chúng ta là định kiến, chính nó sẽ không cho ta với tới bờ bến đích thực của văn học nghệ thuật.

Rút lại, vạn sự khởi đầu nan, tôi muốn chúng ta thận trọng, bàn cho thông rồi làm, tiến từng bước vững chắc, không nên chín háp và không nên đơn giản hóa sáng tác văn học nghệ thuật.

Vài lời thô thiển e không nói hết tâm tư, xin được nhận xét và góp ý, không phải thống nhất với cá nhân tôi, nhưng để chúng ta có ý thức chung…

Kính chào.”

Vấn đề này phát sinh chủ yếu giữa các hội viên sáng lập khi trang web bắt đầu đăng tải nhiều bài viết. Cuộc tranh luận khá gay gắt nhưng cuối cùng cũng tạm ổn và cần phải chờ đợi thời gian để theo dõi các tác phẩm và cách làm việc của Ban biên tập.

Riêng tôi, thời gian đầu tôi tham gia rất tích cực nhưng sau đó do hoàn cảnh riêng, không gắn bó nhiều với các hoạt động của Văn Đoàn, kể cả việc từ chối không tham gia Ban đại diện và Ban biên tập khi được đề cử. Thỉnh thoảng tôi gởi bài viết hay tác phẩm để đăng tải thể hiện trách nhiệm và sự đóng góp của mình trong việc xây dựng Văn Đoàn.

Mười năm qua, Văn Đoàn đã trải qua nhiều bước thăng trầm và đạt được nhiều thành tựu, mà có lẽ lớn nhất là khôi phục lại vấn đề Nhân Văn – Giai Phẩm, giới thiệu nền văn học ở Miền Nam trước năm 1975, sự tham gia của các tác giả trẻ và các tác giả là người Việt ở nước ngoài ngày càng đông đảo. Với 61 hội viên sáng lập ban đầu, hiện nay danh sách các tác giả có bài trên trang web có thể đến cả ngàn người. Những thành tựu này có lẽ Hoàng Dũng và Hoàng Hưng sẽ có tổng hợp đầy đủ vì hai anh gắn bó và chịu trácnh nhiệm về hoạt động thường xuyên của Văn Đoàn.

Ý nghĩ cuối cùng khi tôi viết bài này là một đối chiếu hiện tình với những ngày đầu thành lập. Bây giờ có lẽ không còn ai quan tâm và nhắc đến cụm từ Ban vận động thành lập Văn Đoàn mà chỉ nhắc tới tên gọi Văn Đoàn Độc Lập, mặc nhiên xem đây là Văn Đoàn. Tuy nhiên thực chất của hoạt động hiện nay là Văn Đàn chứ không phải Văn Đoàn. Văn Đoàn chưa bao giờ họp hội viên, cũng không ai được biết còn bao nhiêu hội viên hay kết nạp được bao nhiêu hội viên mới. Tôi nghĩ hoạt động chủ yếu hiện nay là trang web, có thể xem là một Văn Đàn Tự Do, như tên gọi mà một số người đề nghị thuở ban đầu. Đó là một sự chuyển biến đáng mừng hay đáng lo còn tùy thuộc cách nghĩ và cách nhìn của người trong cuộc và cả bạn đọc, những người quan tâm đến sự có mặt và hoạt động của Văn Đoàn.

Tháng 2/2024

Tiêu Dao Bảo Cự

clip_image002

(Phải qua) PHAN ĐẮC LỮ, HẠ ĐÌNH NGUYÊN, HOÀNG HƯNG, TIÊU DAO BẢO CỰ

clip_image004

(Phải qua) BÙI MINH QUỐC, TIÊU DAO BẢO CỰ

clip_image006

NGUYÊN NGỌC VÀ TIÊU DAO BẢO CỰ

clip_image010

(Phải qua) TIÊU DAO BẢO CỰ, HÀ SĨ PHU

Comments are closed.