Tác giả – Tác phẩm

Nguyễn Viện

Khi đọc một tác phẩm văn học, hay nghe một bản nhạc, thưởng lãm một bức tranh… thường thì tôi sẽ cảm nhận được ngay tác phẩm ấy hay nghệ sĩ ấy lớn lao hay không. Đó là cảm giác đi từ cái tự ngã của tác giả thông qua tác phẩm của mình mang đến cho người thưởng lãm một xúc cảm phản hồi vừa phức hợp vừa nhất thống của đại ngã.

Tôi có hai người bạn, một là họa sĩ Trịnh Cung, lớn hơn tôi 11 tuổi. Hai là nhà thơ-nhà văn Bùi Hoằng Vị, nhỏ hơn tôi mấy tuổi. Nhưng hai ông này không quen nhau.

Tôi chơi với Trịnh Cung cũng được khoảng 20 năm, nhưng mãi đến gần đây, tôi mới được xem gần như đầy đủ tranh của anh qua… sách, khi cuốn "TRỊNH CUNG – Treo trên giá vẽ" của anh được in lại ở Việt Nam. Trước đó, tôi cũng đã được xem một số tranh thật.

Phải nói ngay rằng, đó là một cuốn sách hay và đẹp về cuộc đời và tác phẩm Trịnh Cung. Tôi đã có cảm giác, khi xem tranh của anh, như cái ý bên trên tôi đã viết. Chỉ với mấy cây sồi già đơn độc vẽ bằng chì than, Trịnh Cung đã có thể đưa ta đến cái bản thể của hiện sinh, mênh mang và hiu hắt. Không kể rất nhiều những tác phẩm khác, từ khỏa thân đến trừu tượng hay tự sự về cuộc đời mình, nghệ thuật của Trịnh Cung là một tổng phổ của kiếp người, bi tráng và đẹp lẫm liệt. Ở đây, không cần bàn về kỹ thuật tạo hình.

Đọc Bùi Hoằng Vị, tôi cũng có cảm giác ấy, từ thơ đến văn. Sự lớn lao của tâm hồn con người trong cách anh ta thể hiện. Với tôi, tập truyện "Tầng trệt thiên đường" của Bùi Hoằng Vị là một tuyệt tác. Dù rất ít gặp nhau, nhưng tôi luôn coi Vị là bạn thân. Mỗi khi có gì hay, Vị lại gởi đường link cho tôi xem. Tôi cũng ít khi phản hồi.

Hai người bạn của tôi đều rất sành ăn. Và cũng giống nhau ở cái sự “chảnh”. Nhưng Bùi Hoằng Vị trang phục xuề xòa bao nhiêu thì ngược lại Trịnh Cung điệu đàng bấy nhiêu.

Phần tôi, tất nhiên tôi thích ăn ngon, mặc đẹp.

28/7/2022

image_thumb[3]

 

image_thumb[4]

image

Comments are closed.