Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt / Rọi suốt trăm năm một cõi đi về (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi, số 143)

Tương Lai

clip_image003clip_image002Trong cõi đi về ấy, mỗi người tự mang vác lấy thân phận của mình. Thân phận gắn liền với cốt cách và bản lĩnh, không ai giống ai. Tất thảy những cái đó gắn liền với sự nghiệp của đời mình. Mỗi thân phận rồi sẽ trở về với cát bụi, nhưng sự nghiệp họ để lại – nếu họ có một sự nghiệp đúng nghĩa – dù lớn, dù nhỏ thì sự nghiệp đó vẫn còn. Khiêm nhường, nhỏ nhoi hay kỳ vĩ, hoành tráng, đã là sự nghiệp thì tuỳ hàm lượng ảnh hưởng của nó với cuộc đời mà tồn tại dài hay ngắn tuỳ theo sự bao dung của người đời. Và thứ được coi là lý do để sống cũng là lý do tuyệt vời để chết như Albert Camus, người đưa ra ánh sáng những vần đề đang thách thức lương tâm nhân loại trong thời đại chúng ta đã viết, thì như Mark Twain cây bút khôi hài vào bậc nhất của nước Mỹ – sinh đúng vào ngày sao chổi Halley xuất hiện 1835 và mất cũng lại đúng vào lần xuất hiện lần sau năm 1910 – quả thật là sâu sắc khi cho rằng: “Bất cứ ai sống đủ lâu để hiểu được cuộc sống là gì, biết rõ chúng ta cần đội ơn Adam sâu sắc đến thế nào, đó là nhà hảo tâm vĩ đại đầu tiên của nhân loại. Người mang cái chết tới thế gian này”.

Suy ngẫm về ý nghĩ thâm trầm của nhà văn lớn ấy khiến tôi hiểu ra được phần nào câu “Chúa trời rót sự sống vào cái chết và cái chết vào sự sống mà không làm rớt một giọt nào”. (God pours life into death and death into life without a drop being spilled). Phải chăng vì vậy mà ta càng thấm thía rằng, điều quan trọng không phải là chết như thế nào mà là đã sống như thế nào. Nghĩ vậy thì, ông Sáu Dân đã sống một cuộc đời đáng sống, rồi ra đi vào tuổi 86 cũng là thuận lẽ trời. Và nếu “Cái chết là sự thức tỉnh cuối cùng” như câu văn thấm đẫm chất triết lý của Walter Scott, văn hào người Scotland thế kỷ XVIII, thì sự ra đi của ông Sáu Dân quả là sự thức tỉnh cuối cùng về những khuyến cáo của ông đối với cuộc đời bằng chính cuộc đời ông, bằng chính sự nghiệp cao cả mà ông đã hiến trọn đời mình từ thuở đầu xanh cho đến lúc tóc bạc.

Thế mà, Albert Camus – người đưa ra ánh sáng những vần đề đang thách thức lương tâm nhân loại trong thời đại chúng ta vừa dẫn – lại đòi hỏi “phải bắt đầu cuộc tìm kiếm cái gì là giá trị chính đáng… phải tự rèn luyện một nghệ thuật sống trong thời thảm họa, để được sinh ra một lần nữa và sau đó đối mặt chống lại cái bản năng hủy diệt đang hoành hành trong lịch sử của chúng ta. Ông nói lớp trẻ của chúng ta đang phải “sống trong một lịch sử điên loạn, chết không được cứu vớt, như tất cả mọi người trong những cơn co giật cuả thời đại…”. Những lời da diết ấy được Albert Camus đưa ra trong diễn từ nhận giải Nobel văn chương năm 1957!

Phải chăng là ông đang nói về thực trạng đang hoành hành trong “lịch sử chúng ta”, mà tôi e rằng nhà văn người Pháp ấy đang nghĩ về thế giới phương tây mà ông đang sống. Ấy thế mà trong Đại Việt sử ký toàn thư, Kỷ nhà Lê –Trung Hưng Ký” tôi lại đọc thấy cũng một thảm trạng na ná như thế: Việc văn giáo lặng lẽ như băng hàn, người hiền phải bó cánh… Bậc túc nho thì đẩy vào chỗ nhàn, phường dốt đặc thì ồn ào như đàn ong nổi dậy, như chó chuột nhe răng… Hiền tài là rường cột của triều đình mà sạch không như quét đất. Văn chương là khí vận của nhà nước mà im ắng tựa cỏ khô. Bọn xiểm nịnh được tin dùng, kẻ đao bút được tiến cử”…

Gần đây hơn nữa, Ông Sáu Dân từng trầm tĩnh nhẫn nại lắng nghe những lời quằn quại xé lòng của Nguyễn Duy mà cứ ngỡ như nhà thơ đương đại tiếp nối những dòng Đại Việt sử ký toàn thư tự thưở xa xưa ấy để rồi quằn quại viết:

Xứ sở từ bi sao thật lắm thứ ma
ma quái – ma cô – ma tà – ma mãnh…
quỉ nhập tràng xiêu vẹo những hình hài

…Xứ sở linh thiêng
sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác
đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh

Giấy rách mất lề
tượng Phật khóc Ðức Tin lưu lạc
Thiện – Ác nhập nhằng
Công Lý nổi lênh phênh

Ai?
không ai
Vết bầm đen tọa thiền…

Xứ sở thật thà
sao thật lắm thứ điếm
điếm biệt thự – điếm chợ – điếm vườn…

Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn

Vật giá tăng
vì hạ giá linh hồn…

Xứ sở cần cù
sao thật lắm Lãn Ông
lắm mẹo lãn công

Giả vờ lĩnh lương
giả vờ làm việc

Tội lỗi dửng dưng
lạnh lùng gian ác vặt
Đạo Chích thành tôn giáo phổ thông

Ào ạt xuống đường các tập đoàn quân buôn
buôn hàng lậu – buôn quan – buôn thánh thần – buôn tuốt…
quyền lực bày ra đấu giá trước công đường…

(Nhìn từ xa… Tổ quốc)

Và rồi

Bước nhảy nảy tư duy thị trường
kinh doanh xác mình dù giá thậm rẻ mạt
Quạ có mua ta bán trọn gói
hoặc bán từng phần trước khi thối rữa hết
Cú có mua ta chấp nhận hạ giá
chấp nhận cho trả góp từng phần
Như kiểu bán từng phần rừng-bể-núi-sông
từng khúc ruột đất từng mẩu mặt 
bằng từng miếng địa ốc
Thời buổi thị trường mọi việc đều có thể
có thể nước này mua trọn nước kia
Có thể lập những tập đoàn siêu quốc
những quốc gia mất nước từng phần
(Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ)

Cái sự thật nghiệt ngã đến độ ghê rợn và khủng khiếp được dựng dậy bởi ngôn ngữ thơ, hình tượng thơ và cảm xúc cháy bỏng của người nghệ sĩ. Ông Sáu Dân lẳng lặng nghe, và tôi hiểu lòng Ông như bị xát muối. Ông cũng là nạn nhân của một thể chế mà chính Ông đã góp phần tạo nên nay đang phải thực hiện cái quy luật nghiệt ngã của nó: quyền lực đang thối rữa (corrupt). Quyền lực tuyệt đối thì thối rữa cũng tuyệt đối (absolute power corrupts absolutely). Cái hệ luỵ ấy được ông Sáu Dân cảm nhận và phát hiện ngày một ngày hai rõ dần trong lăn lộn với cuộc sống của người dân, trong quá trình sâu sát xử lý công việc của bộ máy quản lý từ trung ương đến cơ sở. Vốn thích gần gũi và chuyện trò với văn nghệ sĩ và cánh nhà báo, ông có những nhận xét tinh tế về con người và tác phẩm của họ. Có thể nói đây là năng lực bẩm sinh và điều này có tác động lớn đến công việc mà ông phải xử lý. Sau khi nghe Nguyễn Duy đọc “Nhìn từ xa Tổ quốc”, ông nói: “Đó là một bản án nhân tình đối với chế độ của chúng ta. Đau, nhưng là sự thật. Chúng ta cần chân thành nhìn nhận sự thật để cùng nhau vươn lên, vượt qua giai đoạn khó khăn. Muốn vượt lên thì phải có niềm tin. Mà cốt lõi của niềm tin, là tin ở con người.

Còn nhớ, cũng bằng sự chân thành nhìn nhận sự thật ấy, ông đã điềm tĩnh trả lời vấn đề hóc búa và đầy thách thức của nhà trí thức Nguyễn Trọng Văn giữa Hội trường Thành phố về ai cần phải ra đi nếu tình hình bê bối của những ngày đầu của Sài Gòn mới giải phóng cứ kéo dài mà nhiều người biết. Mãi sau này, một lần ngồi nhâm nhi ly cà phê tại nhà anh ở gần cư xá Bắc Hải tôi nhắc lại câu chuyện “động trời” ấy, anh Nguyễn Trọng Văn cười: “Tôi được biết ngay hôm đó đã có người đòi phải bắt ngay người dám công khai lên án chế độ, nhưng với tư cách Bí thư Thành uỷ, ông Kiệt đã gạt đi. Không những thế, ông còn hẹn gặp để trao đổi thêm với tôi”. Thì cũng tựa như việc Ông bảo Nguyễn Duy chép lại bài vừa đọc gửi cho Ông. Duy lẩn thẩn cười hỏi Nguyễn Quang Sáng: “Ông muốn có chứng cớ à?”. Sáng gạt đi: “Muốn bắt thì ổng cứ hạ lệnh chứ cần gì phải thế. Ổng muốn đọc kỹ đấy thôi!”.

Người ta bảo Võ Văn Kiệt là người có khả năng quy tụ và phát huy sức mạnh của trí thức. Cũng khó để giải thích cho thật tường minh điều này. Nhưng bằng những gì tôi hiểu và được chứng kiến một vài trường hợp, nghĩa là rất ít và khá hạn chế, tôi nghĩ rằng do ông thật lòng với họ, tin họ. Trường hợp anh Cao Xuân Hạo là một ví dụ.

Một lần nhân trao đổi về câu chuyện liên quan đến “người ta đang làm hỏng tiếng Việt”, tôi có nói đến phàn nàn của anh Hạo, một nhà ngôn ngữ học rất uyên bác, ông Sáu Dân hỏi khá tỉ mỉ về điều kiện sống và làm việc của anh và rồi ngay buổi trưa hôm ấy, Ông đến thăm anh. Đang nghỉ trưa, tôi nhận được điện thoại của Trang, người cảnh vệ đang lúng túng: “Chú ơi, con đến theo địa chỉ mà không ai biết giáo sư Hạo cả. Chú hướng dẫn lại giúp con”. Thì ra ở cái xóm nghèo ấy, chẳng mấy ai biết đến một ông giáo sư suốt ngày ngồi trong nhà làm việc, hoạ hoằn mới bước ra ngoài hút thuốc đi lại vài bước hít thở khí trời rồi lại chui tọt vào nhà tranh thủ viết!

Khi anh Hạo mất, Ông đến viếng rất sớm, hình như sớm nhất. Đón ông từ xe bước lên bậc thềm nhà tang lễ, ông nói “Anh chuẩn bị giúp mấy dòng ghi vào sổ tang để tôi ký”. Tôi hỏi lại: “Vậy anh định viết những gì?”. Vừa bước, Ông vừa nói: “Thì như anh nghĩ cần viết gì về anh ấy. Anh hiểu về anh Hạo hơn tôi chứ, sao phải hỏi lại tôi”. Ông đi thẳng đến thắp nhang và chia buồn với gia quyến người mất, tôi rẽ về lối đặt bàn Sổ tang.

Căng óc nghĩ và kịp viết mấy dòng có thể được những gì về nhà khoa học đã ghi dấu ấn vào lịch sử ngôn ngữ học nước nhà để ông Sáu Dân xem kỹ, chỉnh sửa vài dấu chấm phẩy và hạ bút ký. Câu chuyện tương tự cũng lại diễn ra với trường hợp nhà văn Nguyễn Khải. Cũng một ngỏ lời chuẩn bị giúp mấy câu ghi vào sổ tang người quá cố, cũng một thái độ chân tình và nghiêm cẩn của người muốn biểu tỏ cảm nghĩ đối với một nhà văn mà ông kính trọng. Có khác chăng là không có câu hỏi của tôi như lần với Cao Xuân Hạo vì tôi biết ông sẽ nói lý do ông cậy nhờ chuẩn bị nội dung thật cô đọng những gì cần ghi nhận về tác phẩm mà con người ấy đã để lại cho văn học, cho cuộc đời mà tôi hiểu và đã từng có dịp trình bày với Ông.

Sau này nhớ lại câu chuyện ghi sổ tang ấy, lòng tôi trĩu nặng suy tư về cách ứng xử của Ông, một người lãnh đạo tôi xem như một người bạn lớn mà tôi hân hạnh có được trong hơn mười mấy năm vào chặng cuối của quãng đường đời dấn thân. Khi ông Sáu Dân bật ra câu trả lời rất thẳng thắn cho câu hỏi trong một tình thế rất vội hôm ấy, Ông đã bộc lộ được cốt cách của một người lãnh đạo có tầm nhìn và biết tự vượt lên phía trước, vì vậy phải có niềm tin. Mà cốt lõi của niềm tin, là tin ở con người. Người nhận được niềm tin ấy, vì thế phải càng cố gắng gấp bội, tận khả năng để có thể không phụ niềm tri ngộ ấy. Phải chăng đó là nghệ thuật lãnh đạo. “Nghệ thuật” ấy không bỗng dưng có được. Những chiếc rễ của mỗi tư tưởng – cội nguồn của những ứng xử, những hành động kiểu Sáu Dân – phải cắm sâu vào những trải nghiệm đường đời lên thác xuống ghềnh khắc nghiệt, “vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh” (Nguyễn Du) của người từng gánh vác trọng trách nơi tuyến đầu khói lửa chiến tranh cũng như vượt qua những dinh luỹ của giáo điều rêu phong ẩm mốc. Những dinh luỹ ấy lại là sức trì kéo sự nghiệp xây dựng đất nước từ đống tro tàn của chiến tranh đang phải đương đầu với bao mưu ma chước quỷ của kẻ thù khoác bộ cánh “người đồng chí cùng chung ý thức hệ” ở sát cạnh nách.

Có một chi tiết cũng tại phòng lễ tang xin kể lại, khi rời khỏi bàn ghi sổ tang, Ông Sáu Dân khẽ hỏi tôi: “Anh có phải trực lễ tang không?”. Tôi lắc đầu: “Nguyễn Duy thay mặt cho anh em chúng tôi lo liệu việc này”. Ông nói: “Vậy thì anh đi với tôi”. Ngồi trên xe rồi tôi mới biết, Ông muốn tôi đưa Ông đến thăm giáo sư Hoàng Như Mai mà tôi cứ lần lữa thu xếp sao cho chu đáo. Có lẽ ông không muốn rồi lại sẽ phải bị động nên việc gì cần làm thì tranh thủ làm ngay, ông đang hối hả với những việc mà trong thời kỳ đương nhiệm ông không có đủ thời gian và đó là đìều làm lòng ông không yên. Câu chuyện này tôi đã có dịp viết trên “Mênh mông thế sự” nay xin không nhắc lại.

clip_image004Sau này xem triển lãm ảnh của Nguyễn Duy ở phố Hàng Bài, Hà Nội, ông thích bức hình Nguyễn Duy ngồi rít điếu cày thả khói thuốc lào lên bức tuợng K. Marx tại nghĩa trang Highgate ở London nước Anh nên đã nhờ người cảnh vệ kín đáo đến hỏi mua. Có lần bên chén trà, Ông đã trầm ngâm nói với tôi: “Cậu Duy đúng là có cái sâu sắc mà Việt Phương gọi là “thông tuệ dân gian”, lại có cái hóm rất độc đáo của anh nông dân. Trong hành trang đến thủ đô nước Anh, Duy đã mang theo chiếc điếu cày đến ngồi thoải mái dưới chân tượng K. Marx để rít thuốc và nhả khói lên cụ Tổ của chủ nhĩa cộng sản. Tôi thích cái ý tưởng làm nên cái hình ảnh khá hài hước và giàu ý nghĩa này”. Bức hình này được ông cho đóng khung và treo lên để những lúc cần vài phút thư giản đã tủm tỉm nhìn ngắm.

Ông chỉ nói có vậy, nhưng trong suy tư đậm tính chủ quan rất riêng tư của mình, tôi chắc một con người từng dấn thân trọn vẹn cho lý tưởng cao cả kể từ lúc còn là một anh nông dân trẻ tuổi được “giác ngộ” tham gia cuộc khởi nghĩa bằng việc đánh đồn Bắc Nước Xoáy ở Vũng Liêm quê nhà cho đến khi trở thành vị Thủ tướng phải cùng tham gia xử lý mối quan hệ với “người đồng chí cùng chung ý thức hệ XHCN” vừa xua 60 vạn quân xâm lược tràn vào tàn sát dân lành sáu tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Tôi hiểu, là người biết rõ tâm địa của kẻ thù, ông Sáu Dân quá ghê tởm cái mệnh đề “lý tưởng tương thông, vận mệnh tương quan” mà kẻ thù đang rao giảng. Thư gửi Bộ Chính trị 9.8.1995 của ông có đoạn: “…không thể xem xét sự phục hồi ở mức độ nào đấy của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế – kể cả ở những nước Liên Xô Đông Âu cũ, có cùng một chất lượng và cũng một giá trị cộng sản chủ nghĩa như trước kia. Chủ nghĩa xã hội dân chủ và nhiều quan điểm pha trộn khác đang tác động mạnh mẽ vào trào lưu này. Nghĩa là sự phục hồi này chưa mang lại cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế sức nặng chính trị vốn có trước đây”.

Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, “sức nặng chính trị vốn có” liệu còn được bao nhiêu. Biểu tượng toát ra từ tấm hình người nông dân Việt Nam nhả khói thuốc lào vào tượng K. Marx mà ông Sáu Dân thích sẽ còn gợi lên những gì nữa đây tuỳ thuộc vào cảm nhận và suy tư của mỗi người.

Trầm tư với hoài niệm trăm năm trong cõi đi về của con người mà hôm nay chúng ta xúc động đốt nén hương lòng trước di ảnh của ông nhân kỷ niệm một trăm năm ngày sinh, tuy không muốn nhưng không thể quên điệp khúc rớm máu chúng ta đã từng thốt lên tại đây, trong những bưổi tưởng niệm suốt hơn chục năm ròng từ ngày ông bỏ chúng ta mà đi, và cuộc đi đột ngột ấy cho đến hôm nay vẫn còn vấn vương trong sương mù những nghi hoặc, “Giá lúc này mà có ông Sáu Dân”.

Giữa bộn bề những nhiễu nhương và thách đố cho sự nghiệp của dân tộc, cũng là sự nghiệp của Võ Văn Kiệt, điệp khúc rớm máu ấy như lại càng buốt nhói trong tim chúng ta, những người muốn noi gương ông, học theo ý nguyện của Ông, mà gánh vác sự nghiệp vẻ vang ấy. Liệu có phải vì quả ỷ lại, thiếu tự tin và không dám triển hết gân sức để gánh vác sự nghiệp ông để lại, nên đã cố níu kéo một ông già đã vượt tuổi “xưa nay hiếm” hơn một thập kỷ rưỡi, buộc ông phải tiếp tục gánh vác thay cho chúng ta, thay cho thế hệ trẻ, như đã có ý kiến phát biểu rất xác đáng của Kim Hạnh tại đây trong một lần tưởng niệm ông. Đúng là xác đáng, tôi đã chép lại ý ấy trên một bài viết cách nay cũng đã 5 năm.

Ấy thế mà thời gian trôi đi, “trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy…” thì phải đau đớn lòng mà nhắc lại lời than của Khổng Tử “Đáng sợ bọn trẻ, biết đâu sau này họ chẳng hơn mình bây giờ? Nhưng khi họ đã bốn năm chục tuổi mà vẫn không làm nên sự nghiệp gì, thì chẳng đáng sợ họ nữa”.[1]

Phải nhắc lại hai từ “giá mà” khá là viển vông và bất lực ấy, vì quả là trong những biến động dữ dội mang tính đột phá của tình hình thế giới và khu vực hiện nay đang tạo ra một thế giới khá bấp bênh giữa những đối cực cực kỳ phức tạp và hết sức nguy hiểm, cần một tầm nhìn, một bản lĩnh của Võ Văn Kiệt như cách ông đã góp phần khá quyết định cùng với những bộ óc sáng láng như Nguyễn Cơ Thạch… Tầm nhìn và bản lĩnh đủ sức tháo gỡ thế bế tắc của đất nước trong thế cô lập và suy thoái tưởng như đứng bên bờ vực của sự sụp đổ, hoá giải được tình thế hiểm nghèo để từng bước kết nối được với thế giới và khởi động được sức dân, nâng cao sức mạnh nội lực để đưa đất nước đi tới. Liệu lịch sử có sản sinh ra được một nhân vật có thể xoay chuyển được thế nước như Võ Văn Kiệt? Và lúc nào, đã manh nha hay vẫn đang bị phủ kín dưới bùn đất, èo ọp giữa um tùm cỏ dại!

Một ông Đại sứ phương Tây có lần đến thăm tôi với tính cách là bè bạn sau hơn mười lần gặp nhau khi thì ở nhà tôi tại Sài Gòn khi thì tại tư dinh của ông ở Hà Nội trong suốt nhiệm kỳ của ông, đã thẳng thắn nói ra: “Chúng tôi chưa tìm ấy những gương mặt sáng giá cỡ Võ Văn Kiệt ở những người tôi được tiếp xúc, và tôi tin không phải chỉ mình tôi”. Chuyện này tôi đã viết trên “Mênh mông thế sự” cách đây nhiều năm. Thời gian vẫn chưa giúp tôi hé mở chút ít hy vọng mặc dầu tôi vẫn cứ tự lên dây cót cho mình để cố lạc quan mà sống với một mớ những lý luận về quy luật lịch sử, về sức mạnh của thời gian, “thời gian đã tịch tụ vô vàn mảnh vụn của niềm tin ý tưởng… những chiếc rễ của mỗi tư tưởng đều cắm sâu vào một quá khứ dài lâu. Khi chúng đơm hoa, thời gian đã chuẩn bị sẵn cho mùa nở…”.

Và chắc ông bạn phương Tây của tôi không biết, còn tôi thì không muốn kể vì buồn thay, chính người từng lăn lộn trong cuộc chiến đấu và có lúc là cấp trên trực tiếp của Võ Văn Kiệt, do đầu óc quá giáo điều lại thiển cận và hẹp hòi, đã quyết liệt ngăn chặn dòng chảy tư duy đổi mới sáng tạo đã được khởi động bởi trí tuệ và bản lĩnh của Võ Văn Kiệt. Và rồi trượt dài theo cái lối mòn tư duy giáo điều và thiển cận đó, với tầm nhìn không vượt quá những lợi ích cục bộ của cái ghế quyền lực nhân danh trung thành và bảo vệ ý thức hệ Mác Lênin đã tìm đến “người đồng chí cùng chung ý thức hệ” để tự chui đầu vào cái thòng lọng của “sự kiện Thành Đô”, khởi đầu cho nỗi nhục “Bắc thuộc lần thứ hai”. Hệ luỵ thảm khốc của cái kiếp nạn kéo dài cho đến tận hôm nay rồi sẽ sao đây nếu chưa có được một bản lĩnh, một trí tuệ và một sức hút nhằm quy tụ được hiền tài kiểu Võ Văn Kiệt.

Cái chất độc ý thức hệ ấy nay đang hoành hành dữ dội trong cuộc chiến của Putin với sự câu kết của Tập Cận Bình tấn công Ukraina đang đẩy thế giới thành hai cực đối lập giữa độc tài toàn trị phương Đông với dân chủ tự do phương Tây và cả hai đều thủ sẵn vũ khí hạt nhân làm con bài tẩy và ngón đòn cân não.

Việt Nam và Trung Quốc có sự tương đồng về thể chế chính trị. Nay Tập Cận Bình cũng như Nguyễn Phú Trọng đã giành được vị thế lãnh đạo “cốt lõi” và độc tôn, nên có thể thay đổi quy định của đảng để làm nhiệm kỳ thứ ba. Nay Trung Quốc và Việt Nam đều chủ trương chống tham nhũng để củng cố chế độ XHCN và quyền lực cá nhân… Trong các mối bang giao quốc tế, quan hệ Việt-Trung là quan trọng nhất và cũng nan giải nhất, không chỉ hiện nay mà trong suốt lịch sử hàng nghìn năm. Đó là quan hệ láng giềng “núi liền núi, sông liền sông” không thể thay đổi được như một “định mệnh”. Nó quyết định vị trí địa chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á và Biển Đông, đặt Việt Nam vào thế mắc kẹt giữa hai siêu cường tranh giành quyền lực, như bài viết của Nguyễn Quang Dy vừa nêu lên trên Viet-Studies gần đây.

Từ năm 1955, Albert Camus, nhà văn Pháp được trao tặng giải Nobel đã cay đắng viết: Lớp trẻ của chúng ta đang phải “sống trong một lịch sử điên loạn, chết không được cứu vớt, như tất cả mọi người trong những cơn co giật cuả thời đại Thế hệ này đã chấp nhận cuộc thách thức kép của chân lí và tự do. Và nếu có phải chết nó cũng biết chết mà không hề oán hận cuộc thách thức ấy. Chính thế hệ này đáng được chào đón và khích lệ ở khắp nơi nó đang hiện diện, và nhất là ở nơi nào nó đang xả thân”.

Nhưng nếu chỉ luẩn quẩn với chuyện thời thế tạo anh hùnganh hùng tạo thời thế cho dù đó từng là điểm tựa cho những người ưu thời mẫn thế của một thời nuôi dưỡng sự chờ mong vào một quy luật được đúc kết trong Kinh Dịch “cùng tắc biến, biến tắc thông”…. “Quân tử tàng khí ư thân, đãi thời nhi động”, tạm hiểu là người quân tử giấu tài năng bên trong, chờ thời cơ mới hành động. Và chờ đến bao giờ? Đương nhiên, sự chờ mong ấy là có cơ sở và vì vậy mà giúp nuôi dưỡng niềm tin về vận nước.

Vẫn nghĩ như thế, nhưng sao tôi lại cứ mãi dằn vặt bởi khuyến cáo của thiên tài Einstein “Không thể giải quyết được vấn đề nảy sinh bằng chính tư duy đã tạo ra vấn đề đó”. Một khi mà cung cách tư duy đã ươm mầm và làm sinh sôi, nảy nở quá um tùm khu rừng rậm rạp – cái sản phẩm đáng ra phải thay hạt giống để dẫn đến những thay đổi từ khi gieo, giúp mọc lên những cây non, rồi may ra nhờ vận nước xui khiến mà trở thành cổ thụ. Ngững cuộc gieo mầm, trồng cây, gây rừng ấy dù chưa có ngay những đột biến cũng phải là chuyển động theo dòng chảy ào ạt của cuộc sống trong thời đại của cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.

Tôi dẫn lại đây ý tưởng của một nhà khoa học mà tôi đã đưa lên Mênh mông thế sự ngày 21.8.2018 cách nay 5 năm: “Cách mạng 4.0 đột phá về việc học: chung quy chỉ có một chữ là làm ngược. Cách mạng 4.0 mở ra một cơ hội về sự làm ngược nhưng mang lại kết quả bất ngờ, cơ hội của các đột phá, cơ hội cho những người đi sau, nhưng không phải những người đi sau mong muốn giống người đi trước, đi theo cách này thì mãi mãi là người đi sau. Đi sau, nhưng làm khác người đi trước. Các công cụ 4.0 chủ yếu hỗ trợ cho sự làm khác, làm ngược. Bằng cách này chúng ta sẽ đi trước một cách vượt trội các nước đi trước chúng ta. 4.0 đi liền với từ Distructive, tức là phá huỷ, đột phá. Gọi là sự sáng tạo mang tính phá huỷ.

Người có quá nhiều quá khứ hoành tráng, có quá nhiều hạ tầng 1.0, 2,0, 3.0 sẽ không có đủ can đảm phá huỷ, chỉ có những ai đang không có gì hay có rất ít thứ trong tay. Chúng ta đang có mọi thứ để thắng vì chúng ta không có gì trong tay, không có gì để mất… Cuộc cách mạng 4.0 sẽ tạo sẽ tạo ra những đột phá, cái mới thay thế cái cũ. Để phá huỷ thay vì tiến hoá”.[2]

clip_image007Thật ra thì cách nay hơn 40, anh bạn chí thân “ngỗ ngược” của tôi – Hồ Ngọc Đại – đã nói về chuyện “các chân lý khoa học luôn luôn ngược đời”. Suốt gần 70 năm gắn bó với nhau, đặc biệt là khi chúng tôi làm công tác nghiên cứu và giảng dạy, Đại vẫn luôn nhất quán trong tư duy khoa học, bạn tôi gọi một cách dân dã là “không chơi hoà”, “Tư duy khoa học tỉnh táo ở chỗ là biết bảo vệ phạm trù còn trứng nước, còn chưa được số đông chấp nhận”. Dạo ấy Đại đưa tôi “Phạm trù Người”, bản thảo dày cỡ 400 trang đánh máy khổ A4 bảo tôi đọc, và nếu thích thì cho xuất bản. Duyên do là dạo ấy anh Quất ở Khoa Triết Đại học Tổng hợp Hà Nôi mời tôi đến giảng về Đạo Đức học cho sinh viên Khoá I, Đại thì đang giảng về Hegel cho cùng Khoa ấy. Chúng tôi có trao đổi với nhau quanh khái niệm đạo đức có hạt nhân là niềm tin. Đức tin tôn giáo là ví dụ mẫu mực. Tin là tuyệt đối, chỉ vướng một phần triệu không tin đã là không tin… Đại chỉ nói lơ mơ, nhưng sau đó hắn đưa tôi “Phạm trù Người”: “Đọc đi rồi ta bàn tiếp”. Tôi mất cả tháng mới “tiêu hoá” nổi hơn 400 trang của hắn. Chỉ dồn vào nhõn một câu: “Người là thực thể tinh thần”… Trẻ em hiện đại sinh sống cùng lịch sử với triết học của phạm trù cá nhân. Trẻ em sống và lớn lên trong một quá trình kép. Phát triển là quá trình đặc trưng cho sự sống người, một quá trình liên tục không giới hạn. Phát triển bằng cách làm ra cái mới, cái chưa hề có. Mới gần đây, tôi đưa lại cho Đại: “Bây giờ thì xuất bản được rồi đấy, thế cuộc vần xoay và bây giờ thì người ta có thể chấp nhận”. Nếu tôi không lẩm cẩm thì những điều tôi đọc từ bạn tôi thuở ấy hình như cũng mang máng điều mà nhà khoa học vừa dẫn ra.

Không hiểu nhà khoa học đề xướng luận điểm đúng đắn đó nay đã tham gia chính trường, đang là một mắt khâu trong bộ máy quyền lực, thì kiểu tư duy “sáng tạo mang tính phá huỷ” có còn chỉ đạo cung cách “làm ngược” nữa không đây? Và “làm ngược” với ai, làm ngược những gì nhỉ? Liệu rồi anh ta có dám nắm lấy cái “cơ hội cho những người đi sau làm khác người đi trước”. Nhất là liệu anh ta có vượt qua nổi cái “tập quán được thần thánh hoá G.W.S. Hegel từng cảnh báo cách nay hơn hai thế kỷ: mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá”.

Sự cảnh báo của nhà triết học Đức vĩ đại ấy từng được F. Engel dẫn ra khi bàn về lý luận biện chứng mà tôi đọc đuợc trong tập 21, trang 421 của bộ Marx-Engel toàn tập do NXB Chính trị Quốc gia – Sự Thật in năm 1995. Ấy vậy mà điều thú vị hơn là, ông cha ta từ thế kỷ XII, cách Hegel gần tám thập kỷ đã từng đề xuất ý tưởng vượt khỏi những tập quán được thần thánh hoá.

clip_image009Trước bàn làm việc, tôi treo bài thơ Thiền của thiền sư Quảng Nghiêm (1120-1190), bài “Hưu hướng Như Lai” in trên giấy dó và đóng khung lại do Nguyễn Duy tặng cách nay cũng đã mười năm. Tôi thuộc nằm lòng và mỗi lần gõ máy tính quá mỏi mắt tôi dừng lại trong sâu thẳm suy tư ý tứ của vị thiền sư trong bài ấy:

Nam nhi tự hữu xung thiên chí

Hưu hướng Như Lai hành xứ hành

(tạm hiểu là: “Làm trai phải có chí xông lên trời thẳm, việc gì cứ phải giẫm theo vết chân của Phật tổ Như Lai).

Sửng sốt với ý nghĩ đây là lời của một nhà sư! Một nhà sư mà lại nói là phải có cái chí xông lên trời thẳm, không nhất thiết phải giẫm theo bước chân của Phật tổ Như Lai. Thế rồi mãi gần đây tự tìm thấy lời giải thật thông tuệ và tường minh cho chính mình trong “Lá thư đầu năm Nhâm Dần” của Thiền sư Tuệ Sỹ: “… mặt trời trí tuệ, vốn là Giác tính uyên nguyên của mọi loài chúng sinh, trong sinh tử trường kỳ bị che lấp bởi khách trần phiền não, rồi cũng sẽ bừng sáng khi nhân duyên hội đủ. Đạo Phật Việt Nam, kể từ thời dựng nước, độc lập và tự chủ, đã dung hội giác tính trong nhất thể dân tộc, trải qua những thăng trầm, vinh nhục của lịch sử, vẫn tự tin và đứng dậy từ những sụp đổ đau thương. Vũ trụ xoay vần trong các chu kỳ thành-trụ-hoại-không, thiên nhiên xoay vần trong bốn mùa xuân-hạ-thu-đông, những người con Phật, qua các giai đoạn thịnh suy, bĩ thái của dân tộc và nhân loại, vẫn hướng đến tương lai trong ánh sáng Từ bi và Trí tuệ”.

clip_image011Trong dòng suy tư ấy mà nghĩ đến sự kiện Phật hoàng Trần Nhân Tông rời ngai vàng lên Yên Tử. Trong “Lịch triều hiến chương loại chí – Văn tịch chí”, sử gia Phan Huy Chú ghi lại lời của vua Trần Minh Tông viết về ông nội của mình: “Thế Tôn bỏ ngai vàng quý báu, nửa đêm vượt thành, bỏ áo rồng cao sang, non xanh cắt tóc, mặc chim thước làm tổ trên đỉnh đầu, mặc con nhện giăng tơ trên vai cánh, tu phép tịch diệt để tỏ đại chân như, dứt cõi trần duyên mà thành bậc Chánh giác. Đức Tổ ta là Điều ngự Nhân Tông hoàng đế ra khỏi cõi trần, thoát vòng tục lụy, bỏ chốn cung vua ra giữ sơn môn”. Yên Tử là “linh địa”, nơi có vị trí đặc biệt của dòng họ nhà Trần. Hải Lượng thiền sư có lời bình: “Người ta thấy Điều ngự Đệ nhất Tổ đến chùa Hoa Yên thì bảo Ngài xuất gia. Ta biết rằng Đức Ngài lúc bấy giờ biết xem thiên hạ là công, trong nước vô sự, nhưng ở phía Bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ, sợ người ta dao động cho nên nhằm được ngọn núi Yên Tử là cao nhất, phía đông nhìn về Yên Quảng, phía bắc liếc sang hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, dựng lên ngôi chùa, thường thường dạo chơi để xem động tĩnh để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm”.

clip_image013Cũng không phải không có những những lời bắt bẻ về chuyện lên núi nhằm dò xem động tĩnh để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm… “đã làm giảm đi cái đẹp lớn lao của ông vua hoá Phật.”. Nhưng nếu đóng khung trong một hướng tiếp cận xuất phát từ một giáo lý, mà chưa đạt tới một khát vọng tâm linh thẳm sâu ánh rọi chiếu của một dòng tư duy đậm chất triết lý của một bậc trí thức lớn như Ngô Thì Nhậm mà Phan Huy Ích đã từng viết: “bao quát được bách gia, khu khiển được cửu lưu, tài uyên bác thông đạt trở thành ngọn cờ chót vót giữa rừng Nho chúng ta thì chưa thấu được cái ý kín đáo của vị Thiền sư đang là“ngọn cờ chót vót giữa rừng Nho”. Còn nói như Nguyễn Mộng Giác (Giai phẩm TÂY SƠN Xuân Ất Hợi 1995) thìTrong lịch sử Việt Nam, ít có người trí thức nào đạt được mức tự tín và tài ba như ông. Xã hội ông sống bị hỗn loạn tận gốc rễ, nhất là sự hỗn loạn về ý hệ”….

clip_image015Vương triều Tây Sơn suy vi nhanh chóng sau khi Quang Trung mất. Ngô Thì Nhậm vừa mất Người-Tri-Kỷ vừa mất niềm tin tuyệt đối vào đạo nho. Phải chờ tới lúc đó ông mới hiểu đạo Phật. Ông lập thiền viện, soạn công án, trở thành Hải Lượng thiền sư. Từ một nhà nho nhiệt tín, một nhà chính trị nhiệt tín, ông trở thành đệ tứ tổ của Thiền tông Việt nam. Chưa có một người trí thức Việt Nam nào, từ xưa tới nay, có một đời sống tâm linh và đời sống trần thế phong phú đa diện cho bằng Ngô Thì Nhậm.

Phải chăng chìm sâu trong thông điệp của vị thiền sư thế kỷ XIV là quan điểm duyên sanh của Phật giáo “sự tồn vong của dân tộc có liên hệ mật thiết đến sự tồn vong của mỗi cá thể làm nên dân tộc đó. Cho nên, dù mục tiêu cuối cùng của đời sống Phật giáo là sự giải thoát, tức là đạt đến tự do tuyệt đối cho mỗi con người, nhưng mục tiêu đó chỉ đạt được nhờ vào mối tương quan với các cá thế khác trong một cộng đồng”, như thiền sư – giáo sư Lê Mạnh Thát viết.

clip_image017Bình sinh, ông Sáu Dân rất trân trọng và có mối quan hệ mật thiết với vị thiền sư giàu lòng yêu nước và có công hiến lớn cho Phật giáo trong lòng dân tộc. Và bản thân vị thiền sư uyên bác mà sự nghiệp trước tác của ông – chỉ nói riêng trên lĩnh vực Phật Giáo – là sự đóng góp vô giá vào kho tàng văn hoá Việt Nam cũng rất kính trọng và gắn bó với ông Sáu Dân – vị Thủ tướng làm được nhiều việc nhất cho đất nước, cho dân tộc – như đánh giá của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Vào ngày Rằm Tháng Mười vừa rồi, trong bữa cơm chay ông mời, cũng như những lần hân hạnh được trò chuyện với ông tại nhà riêng của ông trước đây, Võ Văn Kiệt vẫn là chủ đề được ông nói đến nhiều nhất. Vị thiền sư nhắc đến ông Sáu Dân không chỉ như một nhà lãnh đạo mà như một người bạn thân tình. Ông kể, nếu không có sự giúp đỡ chân tình và hết sức chủ động của Võ Văn Kiệt thì Đại lễ VESAK lần thứ nhất khó có thể thành công rực rỡ như vậy. Có những chuyện tôi chưa hề được biết và càng ngỡ ngàng thú vị về mối thâm tình bè bạn giữa vị Thiền sư và ông Thủ tướng. Khi tôi kể lại cho ông nghe về câu chuyện lễ cầu siêu cho ông Sáu Dân tại chùa Hoa Yên trên Yên Tử và linh vị của Ông được đặt tại Gian thờ Tổ dưới ảnh Tam Vương, thiền sư Thích Mạnh Thát mới nói là chính ông đã đặt Pháp danh cho Võ Văn Kiệt là Trung Dân.

Linh vị của Võ Văn Kiệt nằm ở góc trái ngôi chùa, cách tháp Huệ Quang, nơi lưu giữ một phần xá lỵ Phật hoàng Trần Nhân Tông. Có thể nói ông là một nhà lãnh đạo Việt Nam đương đại duy nhất được thờ tại nơi đất thiêng, non xanh nước biếc “đông nhìn về Yên Quảng, phía bắc liếc sang hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, [ở trong] ngôi chùa, thường thường dạo chơi để xem động tĩnh để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm” mà Hải Lượng thiền sư đã viết cách nay mấy trăm năm.

clip_image019clip_image021Có quan hệ mật thiết với những bậc cao tăng và bà con Phật tử bằng mối liên hệ thân tình gần gũi, ông Sáu Dân cũng lại niềm tin vững chắc vào những vị chức sắc Công giáo mà ông rất nể trọng và ứng xử như bè bạn. Là bậc hậu sinh, tôi được ông ân cần chỉ vẻ phải biết cách gần gũi những bậc chức sắc có nghĩa vụ chăm sóc bà con giáo dân. Có lần ông hỏi tôi có biết linh mục (về sau được thăng làm Giám mục) Nguyễn Thái Hợp không. Tôi trả lời là chưa biết. Ông nói, vậy thì anh thu xếp thời gian, để có thể được, thì tham dự Câu Lạc Bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình do giáo sư Nguyễn Thái Hợp chủ trì, cũng là cách anh hiểu thêm về Sài Gòn! Giám mục Nguyễn Thái Hợp thường trân trọng tham dự những lễ tưởng niệm ông Sáu Dân tổ chức hàng năm tại căn hộ nhỏ hẹp của tôi giữa bạn bè thân hữu vốn gần gũi thương mến vị cố Thủ tướng. Linh mục Huỳnh Công Minh cũng vậy, hầu như không thiếu buổi nào. Tại đây, ông đã phát biểu những lời cảm động: “Bất cứ lúc nào tôi gặp khó khăn, tôi đều cậy nhờ đến ông Sáu và chưa có lần nào ông ấy từ chối.

Cùng gia đình hành hương lên dự lễ cầu siêu cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có nhiều bạn bè gần gũi thân thiết từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác được chúng tôi mời hơn 200 người đi năm chiếc xe bus đến Chùa Hoa Yên. Trong đó có giáo sư Phạm Như Cương, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, ông Trần Đức Nguyên, Đại sứ Nguyễn Trung nguyên Trưởng Tổ, Trưởng Ban và là Thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng… Lễ Cầu siêu cố Thủ tướng do Hoà thượng Trụ trì Chùa Hoa Yên làm chủ toạ cùng nhiều vị chư tăng cùng hành lễ. Khi buổi lễ đã hoàn clip_image023tất viên mãn, tất cả khách hành hương đã cùng dự buổi cơm chay do cô chủ quán “Cơm chay Nàng Tấm” dưới chân Yên Tử trân trọng mời thụ lộc. Chúng tôi cần nói thêm là, buổi lễ cầu siêu được tổ chức thành công tốt đẹp còn nhờ sự đóng góp nhiệt tình của anh chị em ở VietNamNet, trước hết là tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn.

Hiện tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn cùng với các giáo sư và nhà khoa học có tên tuổi đang chuẩn bị chu đáo cho Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Võ Văn Kiệt tại Đại hoc Havard, Mỹ đúng vào ngày 23.11.2022. Vừa qua anh cũng đã mời cựu Thủ tướng Ehud Barak đến thắp hương tại nhà riêng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông cựu thủ tướng và phu nhân đã thành kính dâng hương trước ban thờ người mà ông ngưỡng mộ chân tình.

Cũng giống như giáo sư Michael Dukakis, cựu ứng cử viên Tổng thống của Đảng dân chủ Mỹ người đã đến thắp hương cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại đây từng đánh giá cao và trân trọng vai trò lãnh đạo dẫn dắt đổi mới và tư tưởng tin dân, dựa vào dân, phát huy sức mạnh nhân dân của Võ Văn Kiệt. Ông nói nếu Việt Nam có một môi trường để mọi công dân được phát huy cao nhất năng lực của mình như tâm nguyện của Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì chắc chắn Việt Nam là nước đứng đầu ASEAN, thì ngài cựu Thủ tướng Israrel Ehud Barak cũng nói như vậy trong lần đến dâng hương. clip_image027

Cũng như bao lần chúng ta đốt nén hương dâng lên người đang phiêu du thanh thản vì đã làm trọn phận sự một con người. Đốt nén hương lòng dâng lên người quá cố, một vùng tâm linh đang bát ngát rộng mở để vẫn tiếp tục rọi vào cuộc sống sự thức tỉnh đúng với ý nghĩa cái chết là sự thức tỉnh cuối cùng”. Thức tỉnh chúng ta.

clip_image025Liệu có đúng là

Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt

Rọi suốt trăm năm một cõi đi về[3]

Ngày 20.11.2022

________________

Chú thích ảnh

1. Ông Sáu Dân

2. Nguyễn Duy dưới chân tượng K. Marx

3. Hồ Ngọc Đại & Tương Lai

4. Bài thơ in trên giấy dó của Thiền sư Quảng Nghiêm

5. Thiền sư Tuệ Sỹ

6. Tháp Huệ Quang cạnh chùa Hoa Yên

7. Ông Sáu Dân cùng với Thiền sư Lê Mạnh Thát

8. Thiền sư Lê Mạnh Thát và Tương Lai nhân Rằm Tháng 10 năm Nhâm Dần

9. Giám mục Nguyễn Thái Hợp, Linh mục Huỳnh Công Minh và Tương Lai trong ngày Tưởng Niệm Võ Văn Kiệt năm 2018

10. Linh mục Huỳnh Công Minh phát biểu tại Lễ Tưởng Niệm

11. Tại quán cơm chay Nàng Tấm dưới chân núi Yên Tử (ông Trần Đức Nguyên, Hoà thượng Thích Thanh Quyết, bà Nguyệt, bà Hiếu Dân, Tương Lai, bà chủ quán Cơm chay, bà Kim Hạnh)

12. Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak và phu nhân thắp hương trước ban thờ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

13. Nguyễn Anh Tuấn, Hiếu Dân, ông bà Ehud Barak


[1] Luận ngữ: “Hậu sinh khả uý, yên tri lai giả chi bất như kim giả? Tứ thập, ngũ thập nhi vô văn yên, tư diệc bất túc uý dã dĩ”. Nguyễn Hiến Lê dịch, trang 23.

[2] Phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Hùng ngày 19/9/2020, tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Công nghiệp Hà Nội tổ chức (tháng 2/2018 (https://tamnhin.trithuccuocsong.vn/ong-nguyen-manh-hung-noi-ve-cach-mang-40-chi-ro-nguoi-dot-nhat-co-the-la-nguoi-gioi-nhat-neu-62465.html)

[3] Trịnh Công Sơn

Comments are closed.