Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 172): Nguyễn Danh Bằng – Phòng lạ

Nguyễn Danh Bằng, sinh năm 1967, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM năm 1991, sang Mỹ năm 1992, sống và làm việc tại San Francisco.
Đã in: Phòng Lạ, tập truyện ngắn (NXB Đà Nẵng, 2005).


Bên cạnh Đinh Linh và Nguyễn Viện, hai nhà văn đã có chiều dày tác phẩm, Nguyễn Danh Bằng là một khuôn mặt mới. Nguyễn Danh Bằng chỉ bắt đầu viết gần đây. Khác với Đinh Linh, Nguyễn Danh Bằng đến Mỹ vào độ tuổi trưởng thành, sau khi vừa học xong Đại học Mỹ Thuật ở Sài Gòn. Anh không Mỹ như Đinh Linh. Nhưng cũng không như Nguyễn Viện, Nguyễn Danh Bằng có sự chọn lựa của một người bên ngoài. Truyện của Nguyễn Danh Bằng tập trung vào kinh nghiệm hội nhập trên đất Mỹ. Ngay cả khi lấy bối cảnh Việt Nam, như trong “Hội An”, Nguyễn Danh Bằng cũng nhìn sự vật từ góc độ một Việt kiều. Chúng ta có những nhà văn đến Mỹ vào lúc còn rất nhỏ như Đinh Linh. Chúng ta có nhiều nhà văn đến Mỹ vào lứa tuổi mà sự hội nhập gần như không thể. Nguyễn Danh Bằng thuộc thế hệ ở giữa. Có một số nhà văn hải ngoại (viết tiếng Việt) cố gắng mô tả kinh nghiệm hội nhập của họ. Nhưng thường những mô tả này chỉ dừng lại ở việc trình diễn “tình hữu nghị” bề mặt với người bản xứ hơn là cho thấy xung động văn hóa nội tâm. Nếu Nguyễn Danh Bằng có thể mô tả kinh nghiệm hội nhập của anh một cách tự tin hơn, chân thành hơn, anh sẽ làm một đóng góp thú vị cho văn chương hải ngoại. Đọc Nguyễn Danh Bằng, người đọc ngạc nhiên bởi vẻ đẹp của các chi tiết, sự chính xác của hình ảnh, và đặc biệt bởi không khí thơ mộng bao trùm lên tất cả. Truyện của Nguyễn Danh Bằng thường không có cốt truyện rõ ràng. Chúng gần như tùy bút, ghi chép tản mạn. Bút pháp này đặc sắc, nhưng cũng cần được thực hành với sự kiềm chế, nếu không, người viết dễ rơi vào làm dáng. Nguyễn Danh Bằng là người viết có sự hiểu biết về cả hai nền văn hóa Việt-Mỹ và sự tinh tế của một họa sĩ. Anh lại còn khá trẻ. Nguyễn Danh Bằng có những điều kiện để đi xa hơn. [Phan Nhiên Hạo – Mùa hè, đọc Đinh Linh, Nguyễn Viện, và Nguyễn Danh Bằng]

clip_image002

PHÒNG LẠ

Đã nhiều ngày anh nằm trong phòng trọ trên giường bẩn thỉu. Trời rét đậm. Gió hút qua khe cửa thành tiếng gào thét, hơi lạnh của núi rừng như hơi thở một người khổng lồ xa lạ đang tò mò đe dọa bên ngoài. Anh nằm im môi nứt nẻ sưng tấy. Anh đến Trung Quốc độ cuối thu, và mùa đông ập đến khi anh vẫn lang thang trên vùng núi non hiểm trở. Cảnh vật trở nên đáng sợ khi người anh bắt đầu rét run. Anh mềm nhũn trong cảm giác yếu đuối khi mục đích của anh không đạt được. Khi cố về được đến Taijiang thì anh hoàn toàn kiệt sức.

Căn phòng anh trọ cũ và bẩn, hai cánh cửa gỗ vênh váo không đóng khít vào nhau. Anh vẫn có thể nghe rõ mồn một từng âm thanh dưới đường. Anh có cảm giác sợ hãi vì đơn độc. Việc cố hiểu và tìm tòi về một quá khứ nhọc nhằn hơn anh tưởng, nó chẳng dễ dàng hơn việc khai phá điều gì đó mới lạ.

Mục đích anh lang thang khắp các vùng hẻo lánh xa xôi ở tỉnh Guizhou là cố săn lùng chiếc mũ bạc huyền thoại tương truyền được làm nên từ vùng Kaili. Ở các phiên chợ họ vẫn bán đủ thứ hàng thổ cẩm và bạc giả linh tinh trong các túi xách tay, nhưng anh không tìm được một dấu tích gì của những kỹ thuật dùng trong chiếc mũ ấy. Nhiều người già chỉ lắc đầu khi anh đưa cho họ xem tấm hình chiếc mũ. Nó có vẻ xa lạ với chính người Miao. Tìm đến các tay nghiên cứu hoặc buôn bán thổ cẩm, họ chỉ càng đưa thêm hàng tấn các dữ kiện mơ hồ! Rồi việc tìm kiếm trở thành chuyến đi kéo dài lòng vòng không còn rõ mục đích khi anh đi qua hết ngôi làng này đến ngôi làng nọ, cũng khung cảnh ấy, bắp phơi cao đến mái, đùi heo ướp treo hong khô dần, mấy con đò tấp nập bên chợ. Anh được mời về nhà, ăn uống với họ, cùng nhúng vào cái chảo đen ngòm mấy con cá nhỏ bằng hai ngón tay bắt dưới sông, anh được mời uống rượu gạo, được cho xem các bản thêu họ đang làm, cho anh xem mấy con chim họ chuẩn bị đi đấu hót. Anh cũng chẳng nói những lời khách sáo hoặc kiếm cơ hội đền đáp, họ vui vẻ tốt bụng và chia tay chóng vánh.

Rồi mùa đông tóm lấy anh.

Anh nằm trong căn phòng có lúc nghe như nhiều tiếng cào trên vách, nghe như có cả làng đang bàn bạc xúm xít rằng họ phải làm gì với căn phòng, rằng có lẽ họ phải phóng lửa. Họ cư xử với anh như một người xâm hại, một kẻ xa lạ đến để đánh cắp cái gì đó của họ.

Rồi anh lại thấy họ cố choàng lên anh cái áo dài kỳ quặc, đội lên đầu anh cái khăn xếp, dồn anh đến một cô gái trẻ cũng quấn khăn đầu. Cô tươi cười, thụ động nhưng chẳng ngượng nghịu, đi theo anh về ngôi nhà trống. Và anh bắt đầu đuổi theo cô đang lẩn trốn qua những cái cột gỗ khổng lồ. Anh tóm lấy cô, cố hôn cô, cô tươi cười đưa trán. Trán cô nhô cao mùi nhựa gỗ.

… Rồi anh lại thấy mình đứng trong thùng chiếc xe tải lái ngoằn nghèo trong ngôi nhà khổng lồ không vách, chỉ có mái và cột. Chiếc xe tải băng qua những vật dụng bụi bặm, nhiều rương gỗ đóng kín, lò đất đang hừng cháy người ta đang rỡ những cái bánh bột mì tròn ra khỏi lò, cái giường ọp ẹp trong một góc tối, có hẳn một góc vườn che chắn bằng phên tre. Anh muốn nhảy ra khỏi chiếc xe tải, nhưng xe luồn lách tìm đường ra khỏi ngôi nhà. Anh nhìn lên cái mái khổng lồ bao trùm lên tất cả trên cao, có những lỗ hổng nắng soi vào thành luồng.

Có lúc anh mơ màng thấy bóng dáng chiếc mũ ấy trong cảnh vật trắng toát, người con gái nhanh nhẹn di chuyển ẩn hiện qua lá cây. Anh vội vàng theo đuổi nhưng cô đi nhanh và biến đi đôi khi. Anh muốn gọi to nhưng miệng anh khô khát, cuống họng anh như bị cắt đứt, vết thương chưa lành. Anh cố đuổi theo trong làn nước cũng trắng toát, có lúc tưởng như bọt sóng cuốn anh đi. Rồi khi đến một nơi quang đãng khúc quanh lưng chừng núi, cô ngừng lại nhìn anh nghiêm nghị. Cô bảo: Anh về đi. Anh chợt nhận ra không thể nói ra ý định tìm mua chiếc mũ mà cô đang đội, ý định ngu xuẩn. Khối bạc khổng lồ đang rung lên từng chi tiết tinh xảo va chạm lanh canh. Cô lại bảo Anh về đi. Anh bảo Sao?. Cô chẳng trả lời, vẫn nhìn anh cực kỳ nghiêm nghị! Có hội à?. Vâng. Anh cảm thấy xấu hổ nói lí nhí: Thế em đi đi. Cô đi chưa kịp qua khỏi khúc quanh đã mất hút tan loãng vào màu trắng của không gian. Màu trắng lấn dần về phía anh. Anh quay đi…

Có lúc tiếng phì phà bên cửa sổ thức anh dậy. Ngoài kia trắng toát! Một con ngựa chiến gầy đét. Trên cổ nó lòng thòng vài sợi đai da, vài vết xây sát. Cuối sợi dây đai còn lòng thòng vài mảnh gỗ của chiếc xa kỵ. Vào thời cổ đại người Trung Quốc dùng những cỗ xe bốn ngựa kéo để đi đánh nhau. Theo sách Giản Truyện: Vua Thành Thang chỉ dùng bảy mươi cỗ xe tốt mà thắng được người Hạ, tiêu diệt nhà Hạ lập nhà Thương. Anh tự hỏi người cưỡi chiếc xa kỵ này hiện ở nơi đâu? Hắn đang nằm yên trên đồng cỏ, đá sỏi ngổn ngang, đêm đêm chỉ có tiếng mạch nước ngầm và bầu trời bên trên rộng sâu? Anh dùng con dao gấp cắt bỏ những đoạn đai da. Nó thở phì phà đi tiếp trên con đường về phía chợ. Trời còn sớm tinh mơ. Một người đàn ông ngồi chồm hổm trước cửa ngôi nhà gỗ hai tầng khổng lồ, hai tay ôm cái tách gốm, uống từng ngụm nước trà. Ngay một góc quanh cái lò rèn chừng ba mét vuông. Người thợ rèn đang ra sức gõ đập trên thanh sắt đỏ rực, cây sắt cong vòng, dẹp ở đằng đầu hiện dần thành cái đinh móc dài đoạn ba tấc. Cứ mỗi nhát đập lửa tóe ra thành những mảnh vụn rơi tỏa. Bên trái độ sáu người đàn bà khỏe mạnh đeo tạp dề, đang xả thịt heo thành những miếng vuông lớn rồi quăng vào cái chảo nước sôi độ hai mét đường kính. Một người đàn ông dùng cái móc sắt lôi ra từng miếng thịt tái, dùng con dao quắm cạo sồn sột lên lớp da dầy, lớp da lúc này đã chuyển sang màu vàng nhạt. Bên đường một người đàn bà trạc ba mươi đang bày ra mấy cái vại đất bên trong đựng phẩm nhuộm, những thứ phẩm làm từ lá cây, đất thó, máu và da bò, tro, vân vân. Khi con ngựa đi qua hiệu bông, người thợ nhanh nhẹn tháo bỏ cái mền cũ đổ bông ra mặt bàn lớn, dùng dây căng trên khung tre lớn, gõ từng miếng mạnh vào dây, dây vỗ vào giữa đám bông cũ làm bông nẩy tơi ra. Tiếng dây nẩy vang cả một khu thành tiếng trầm khó nhận thấy thừng, thừng,… thừng. Con ngựa đi qua tất cả khung cảnh ấy thản nhiên như thể nó đã quen thân. Nó đi tiếp qua khu chợ bước qua chiếc cầu đá đầy rêu. Dưới chân cầu nước xanh rì. Xa xa hai người phụ nữ chít đầu trong bộ quần áo bó đen, đang phơi trên bờ đất đoạn vải mới nhuộm. Đoạn vải dài dễ đến hơn ba mươi mét. Qua khỏi cầu độ hai trăm thước, con ngựa rẽ vào một cái cổng gần đổ. Cây dại mọc um tùm trong sân. Căn nhà vẫn im ỉm đóng. Ngay sau nhà là cái ao cũ hôi thối. Đang độ lạnh cây trơ cành…

Anh mừng vô cùng vì con ngựa đã về được nhà!

Có tiếng gọi anh ở mãi trên cao, nơi có miệng hầm và ánh sáng nhỏ tí. Tiếng gọi như những mũi nhọn đâm thốc vào mũi, vào mắt, vào não bộ làm anh đau nhức. Anh dần tỉnh ra, dơ tay chấp chới. Có người nắm tay anh, bàn tay nhỏ và lạnh nhưng mạnh mẽ. Cô gái nói từng câu ngắn bằng thứ tiếng xa lạ, nhưng anh tự hiểu như những yêu cầu nho nhỏ: Ngồi dậy, Ăn một chút nhé? Anh cảm thấy thế nào?, đại loại thế. Cô đỡ anh ngồi dậy, lau mặt cho anh bằng nước nóng trong cái chậu nhựa đỏ với đủ thứ hình hoa hòe hoa sói. Hơi nóng tỏa lên từ chiếc chậu thành luồng như một thứ bùa phép.

Tiếng ồm ồm từ góc phòng, anh thanh niên ngồi sẵn đấy từ lâu, dáng người cũng nhỏ thó. Anh thanh niên dùng chân đẩy lại cái lò than đang đỏ trong khi cô gái đang bày ra mấy cái chén cáu bẩn. Bây giờ thì anh đã nhận ra cả hai, họ trông nom nhà trọ địa phương. Cả hai cùng là người Miao chính cống. Khi Kaili bắt đầu phát triển thành thị trấn, họ lên đây tìm việc làm, kiếm cơ hội học nghề. Anh thanh niên đến từ làng Shidong nổi tiếng với hội lễ đua thuyền rồng. Mỗi độ tháng bẩy, người Miao khắp vùng ăn mặc sặc sỡ kéo về đây xem hội. Con gái đứng từng tốp, đeo bạc, mặc áo thêu, hát vang khắp hai bờ sông. Cả một vùng ầm ầm như muốn nổ tung khi những chiếc thuyền rồng chạm trổ lướt ra…

Anh về lần này đô thị nhỏ mọc lên như nấm, những đô thị tham vọng kiểu nhà quê sặc sỡ, bùng nổ vội vã. Nhiều lần anh thấy người ta vẫn mặc áo bông, gánh lò than băng ngang qua bùng binh, nước phun trong ánh đèn xanh đỏ, miệng rao: mạiiiii tòfuuuù. Một lần anh gặp cô gái mặt sạm sần đeo nơ đỏ mặc quần jean, mang túi hiệu Gucci bên trong đựng con gà trống, chen chúc trên xe đò. Khi còn ở Yangshuo bên tỉnh Guangxi, anh lang thang vào các làng quê hoang vắng. Lần đó anh cho dừng đò ngang giòng sông Li nổi tiếng suốt lịch sử của giới thi văn Trung Quốc, ghé vào ngôi làng cổ trên ngàn năm. Ngôi làng đẹp như một phế tích. Tre bên rìa làng vẫn rậm và dầy, núi vẫn từng hòn dựng đứng lẫn trong mây, sông cao chẩy mượt mà. Ngoài sông, người ngư phủ mặc áo lá bằng xơ dừa, đang lướt trên con thuyền tre bằng ba thân tre tàu dài ghép lại, mấy con chim bói cá đã thuần, đang ngụp lặn lôi từng con cá lớn lên thuyền… Nhà cửa cổ, to lớn nhưng hoang tàn. Anh đi lòng vòng quanh mấy căn hẻm trong làng, cố hình dung khung cảnh phơi phóng cào xấy. Anh có cảm giác như đang quan sát đồng tiền cổ trong hiệu đồ cổ, cố phán đoán thật giả. Vắng tanh, dăm người già che dù ngồi nói chuyện dưới bóng cây. Một người đứng chờ bên đường, đưa anh quả bưởi. Bọn trẻ đi sạch!

Anh về lần này những tưởng tìm được chiếc mũ cổ truyền nổi tiếng!

Cô gái múc cho anh tô cháo lớn nấu với rau cải cúc, một chén củ cải muối xắt lát từng khoanh tròn, một đĩa đậu phụ mùi.

Đĩa đậu phụ có mùi thum thủm người Trung Hoa ăn cả vài ngàn năm. Anh nghĩ đến mấy ông già ngày xưa đội khăn vải ăn đậu mùi chiên, uống rượu sủi bọt tăm. Anh nghĩ đến hình ảnh một buổi chiều tối, sau ngày đồng áng, người trong thôn trang gọi bọn trẻ về, đóng cánh cổng gỗ, quây quần vào bàn, cũng ăn thứ đậumùinày!

Cả hai kéo ghế đẩu dài ngồi phía bên kia lò than, đối diện anh, phủ cái chăn bông cũng đủ thứ màu mè hoa lá lên ngang đùi che kín chân. Họ có vẻ như những người thân duy nhất của anh trong thị trấn xa xôi này. Cô gái giơ ngón tay trỏ, nói một câu gì đó. Anh bắt đầu ăn cháo, gắp bỏ vào vài lát củ cải muối màu nâu sậm mùi khẳm. Anh nghĩ đến cái vại đất đầy mun khói đặt ở góc bếp, những cái vại mà mỗi gia đình dùng đến vài chục năm. Anh ăn từng muỗng cháo lớn và bỗng thấy nhớ nhung…
Lần đó anh ở lại căn phòng ấy độ bốn ngày. Khi bình phục, anh sang tỉnh Guangxi, qua biên giới về Việt Nam.

Khách sạn Vagabond, thủ phủ Sacramento.

Tỉnh dậy lúc đã một giờ trưa, nắng đã xế nghiêng đi một ít, bóng đổ hắt ngang, anh ngồi ngật ngừ quan sát đồ vật. Mấy cái tách ánh lóe lên màu ngà. Ghế nâu. Tất cả được trộn lẫn tuyệt diệu. Ánh nắng vàng trong trẻo từng miếng tròn trên vách, không cả một hạt bụi. Như có sự thầm thì từ khối năng lượng ở trên cao, một nơi rất xa. Một cảm giác rất ngọt ngào nhưng yên tịnh, cảm giác rất gần với một thế giới khác biệt không rõ nào đó. Anh sẽ chẳng lấy làm lạ hoặc chống cự nếu có một thế lực huyền bí nào đó quyến rũ và kéo tuột anh đi vào một vùng vốn từng bị sợ hãi.

Anh giơ tay lên và có thể cảm được chính xác trọng lượng của cánh tay mình!

Không một chút phiền toái nào còn lại. Anh chỉ ve vuốt việc ý thức về bản thân qua từng động thái nhỏ nhất, sự nhậy cảm trong suốt. Anh mở nước ra bồn, nước nóng làm người anh râm ran. Khói tỏa lên mờ chiếc gương trên tường, mờ mịt tất cả. Anh có cảm giác mình thực sự xa, hoàn toàn xa khỏi thế giới của những mối liên hệ. Anh không còn dính dáng với bất cứ điều bận rộn nào, không nghĩ tới bất cứ người thân nào. Thật ra anh cũng chẳng nhớ được nhiều những gì đã xảy ra, anh từ đâu đến. Chẳng có một chút khái niệm gì về nguồn gốc, biên giới, quốc gia, tổ tiên… Anh thật hơn, trực tiếp hơn với bầu không khí trong phòng, sự đụng chạm của những phân tử khí và nước trên da anh, việc chà xát nhẹ của chiếc mền len lên người anh đang phóng ra những tia điện cực nhỏ, cạnh bàn có độ sắc vừa phải, và ánh nắng vừa va vào phát ra năng lượng chấm dứt cuộc hành trình vô tận trong không gian.

Anh như nổi bồng bềnh, căn phòng nổi bồng bềnh. Nó như một cái thùng kín mít trôi nổi trong bóng tối mà anh tha hồ hưởng thụ ánh sáng từ một cái đèn nhỏ. Ngoài nguồn sáng duy nhất này, chẳng có điều gì còn lại, nó là tuyệt đối. Anh là một thực thể tuyệt đối trọn vẹn khác. Ngoài ra là bóng tối.

Màn hình từ máy vi tính xách tay phát ra âm thanh của nước, có mấy con cá đủ màu bơi ngược xuôi khi mấy cái bong bóng nước lăn tăn vỡ. Những con cá phát sáng đang ẩn dưới gầm tủ, sau ghế, trên vách. Mắt chúng ngó nghiêng, chúng di chuyển nhẹ nhàng không một tiếng động. Chúng chao lên, lẩn đi khi anh đi qua.

Cũng có lúc anh phải vùng vẫy chẳng đi được xa, căn phòng trở nên chật chội o ép. Anh bị mắc kẹt giữa hai vách! Nhưng cũng lại có lúc chúng mở rộng đến vô cùng. Anh đi mãi và nhận ra mình trơ vơ ở trên vách. Trần, vách và sàn được hoán chuyển qua những đường cong khó nhận ra. Có lúc anh bối rối vì sự giống nhau của các căn phòng. Những khái niệm về trái phải, trên dưới, trọng lượng không còn thực. Thoạt đầu anh quẹo trái, trái nữa, trái nữa rồi phải, rồi trái và thế là chẳng tài nào nhận ra phương hướng.

Anh quấn khăn tắm ra bàn ngồi. Cũng như ngày hôm qua anh đã ngồi như thế này ăn bánh mì lát trét mứt dâu.

Anh buột miệng: Thế thôi!

Có tiếng trả lời: Ừ.

Chẳng kiếm nổi những kích động dù nhỏ nhoi?, anh lại hỏi.
Thật ra thì nó vẫn luôn luôn thế, sự thông tuệ và sự thật giản lược nó thế.
Và chúng ta một mình với khoảng rỗng không kích thước?
Anh giơ tay chống cằm nhìn vào khoảng không trước mặt. Khoảng không hiện diện rất cụ thể rõ ràng.
Dường như căn phòng đang được sờ soạng. Có những vọng động ở bên ngoài.

Sang tháng ba rồi nhỉ?, anh lại nói.

Trở mùa.

Có lẽ ngày mai anh nên đi ra ngoài một chút. Ở công viên, anh có thể nhìn khoảng rỗng ấy với một chút sơn phết khác hơn, một ít màu, một ít mùi, một ít cảm giác vừa lạnh vừa ấm của những ngày đầu xuân.

Thế còn chiếc mũ?, bất thình lình anh chợt nhớ ra và hỏi.

Anh nhớ lại trước cả khi trời trở lạnh, anh đã gặp chiếc mũ bạc trong viện bảo tàng Châu Á. Nó được đặt trong cái lồng kính, chiếu sáng bằng ngọn đèn vàng nhỏ. Không khí trong phòng khô và lạnh. Anh nhìn chiếc mũ bạc rất lâu, lâu lắm, nhưng lại bắt đầu thấy hình ảnh của một con gà con. Ngày còn bé anh hay đứng nhìn vào trong phòng ngủ của một căn nhà bỏ hoang. Trong căn phòng ngủ cỏ dại mọc um tùm từ những đường nứt trên nền. Anh thấy xác một con gà con, trên người nó còn ít lông màu vàng. Nắng gắt. Nhiều ngày nó chuyển sang màu đen bẹp dí.

Anh bỗng thấy người anh mềm ra…

Cũng có thể chọn một vài cảm xúc nếu muốn, lại có giọng nói.

Cảm xúc có thể được chương trình hóa, được lựa chọn, nhặt nhạnh hoặc gia giảm. Nhưng chỉ vừa phải. Đam mê thái quá chứng tỏ sự kém cỏi quê mùa! Anh trả lời:
Ừ, cũng như việc chọn một bản nhạc cho buổi sáng, hay quyết định ăn chuối hay táo sau bữa ăn trưa.

Anh thích xắt chuối thành lát, bỏ nho khô, đổ sữa tươi trộn lẫn, ăn vào buổi sáng. Sau đó anh uống cà phê bằng chiếc tách sứ tròn. Đó là lúc anh nhìn ra ngoài cửa sổ và cố nhớ một chút những cảm giác cũ, một thời niên thiếu. Anh thường thấy mình đi lang thang…

Anh đi đây đó trong căn phòng, có nơi anh đã biết qua, có nơi anh chưa từng tới. Có lúc anh ngửi được cả mùi phân ngựa lẫn mùi ngai ngái rau cải xanh.

Cứ thế anh trần truồng đi xuyên qua những con vật kỳ lạ đang ẩn nấp sau những dẫy hành lang xám mờ quanh quẹo. Anh vẫn cảm thấy mặt thảm êm dịu dưới chân, nhưng đang đi qua một vùng nhiều màu sắc, dường như có cả lá cây và thoang thoảng mùi ẩm mục. Vỏ cây nứt nẻ màu nâu đen thỉnh thoảng hơi xanh lên vì rêu. Anh ngơ ngẩn dừng lại. Có thể đó chỉ là những liên tưởng tinh tế về mùa mưa. Nhưng rõ ràng cây cỏ dại đang rộ lên xanh um.

Anh cứ thế đi mãi, tự do trong phòng, không mục đích…

Ca-bin trên dãy Sierra cách thung lũng Yosemity 25 dặm

Tuyết đã phủ trắng, cảnh vật khác hẳn. Trinh nguyên. Bên ngoài cửa sổ là sự trở về của tự nhiên, cả một vùng con người phải trốn khỏi. Con đường duy nhất dẫn vào khu núi cao này đã bị đóng lại và còn đóng mãi đến tháng ba năm sau.

Mới tuần trước một người da vàng vẫn còn trọ trong căn ca-bin. Mãi đến gần ngày cuối người ấy mới vội vàng thoát đi. Người chủ nhà ở xa cũng không kịp đến quét dọn. Hắn quên không kéo kín lại cái rèm cửa, ánh sáng mờ mờ ở bên ngoài rọi vào đủ để nhận ra từng món đồ trong phòng. Cái chai còn chút bia cặn vẫn nằm trên bàn. Vài khúc củi cháy dở vẫn nằm hếch lên trong lò sưởi. Kế bên giường trong hộc tủ đóng kín hắn để quên cuốn sổ tay ghi chép với nhiều hình vẽ. Ở trang mở sẵn có những dòng sau:
Con sông Merced sẽ được gói lại trong cái hộp. Cũng như nhiều điều xảy ra trong quá khứ được cất gọn trong những bịch gói phong kín, nhãn hiệu gọn ghẽ. Có món ghi rõ niên hiệu, có món còn lại như vật thể thô không ai nhận ra! Có nhiều điều khác trong quá khứ hoàn toàn nằm ở vùng ngoài! Một lọ gốm cổ bay lơ lửng trong khoảng tối không giới hạn.

Khi tất cả chỉ còn là những mảnh vụn, chợt thấy ý thức như một hạt bụi, một phần trong thế giới phi tính. Người ta là sự nối dài của đất, đá, mỏ quặng. Việc tranh giành phát triển và thói hãnh tiến ngu xuẩn là kết quả bất khả kháng, đương nhiên và không kìm giữ được, trong sự trương nở vận động chung. Có vài kẻ cưỡng lại nhưng họ bị quán tính đè nghiến.”
Bên ngoài tuyết rơi nhẹ thật nhẹ. Không một tiếng gió đêm nay. Tiếng róc rách suối chảy dưới khe, chảy mãi ra ngoài đồng trống. Suối không chảy thành dòng, tuyết chen lấn vào thành những mảng trắng lớn, chỉ có những đường phác đậm do cỏ nước xổ cao lên thành đường đứt đoạn chạy quanh co theo suối. Trên đường cong phẳng lặng một bóng đen đứng im, mắt nó sáng quắc thứ năng lực vô biên và vô cảm. Từng bắp thịt trên thân thể nó căng lên kiêu hãnh. Sự ngự trị của nó trong khung cảnh hoang vắng này là tuyệt đối. Nó vươn cổ tru, tiếng nó vang sâu rùng rợn như một lời cảnh báo.

Trên trời tinh tú dầy đặc đang xoay đi. Tiếng rào rạo của hàng tỉ tỉ đá sỏi đang lặng lờ trong không gian. Ầm ầm những khối năng lượng bùng cháy tự tiêu hủy. Tiếng rạn nứt dồn ép. Tiếng âm u. Tiếng của bóng tối. Gào thét nhưng mất hút.

Nguồn: https://vantuyen.net/2014/07/15/phong-la-nguyen-danh-bang/

Comments are closed.