Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 61): Trương Vũ – Mùa đông Prague

Tặng những nhà văn Việt Nam

Lời Mở:

Đầu tháng 7, 2016, trong một chuyến đi chơi Châu Âu, tôi đến thăm thủ đô Prague của Cộng Hoà Tiệp (The Czech Republic). Khi đến công trường Wenceslas, tôi nhìn lên bao lơn của toà cao ốc Melantrich. Nơi đó, một ngày mùa đông 1989, Alexander Dubcek và Vaclav Havel đứng cạnh nhau, ngỏ lời với gần một triệu người dân Prague đang tụ họp ở công trường này, khởi động một cuộc cách mạng làm sụp đổ hoàn toàn chế độ Cộng Sản và xây dựng một xã hội dân chủ thực sự cho Tiệp Khắc. Một cuộc cách mạng bắt nguồn từ những vận động của giới trí thức và văn nghệ sĩ, khởi đi từ đầu thập niên 1955, không ngừng thách thức với mọi sự đàn áp của giới cầm quyền. Những biến động ở công trường Wenceslas và trên toàn đất nước Tiệp Khắc đã gợi hứng cho tôi viết một tiếu luận ngắn, nhan đề “Mùa Đông Prague”, đăng trên tạp chí Văn Học ở California. Lúc đó, những vận động được biểu dương ở công trường Wenceslas chưa hoàn toàn thành công để trở thành cuộc “Cách Mạng Nhung” (The Velvet Revolution) của Tiệp Khắc. Lúc đó, kịch tác gia Vaclav Havel chưa trở thành Tổng Thống đầu tiên của một nước Tiệp Khắc dân chủ sau thế chiến.

Gần hai mươi bảy năm đã trôi qua. Đã có biết bao đổi thay trên toàn cầu, bao đổi thay trên đất nước Tiệp Khắc. Có cả những đổi thay mà thoạt đầu người dân Tiệp Khắc không muốn có, như sự kiện đất nước bị tách làm đôi, thành hai nước độc lập, Cộng hoà Tiệp và Cộng hoà Slovakia. Ngày nay, cả hai đều là thành viên của Liên hiệp Âu châu (EU) và của khối Liên minh Quân sự Bắc Đại tây dương (NATO). Tuy tách làm đôi, liên hệ giữa họ luôn tốt đẹp. Ngày nay, Alexander Dubcek và Vaclav Havel đều đã ra người thiên cổ.

Trong những ngày ở Tiệp, tôi cảm nhận được một sức sống mạnh mẽ và trẻ trung trên đất nước này. Người dân có mức sống cao, trình độ văn hoá cao, tôn trọng một cách tự nhiên những giá trị căn bản của con người như tự do và bình đẳng. Hầu hết những người dân bình thường tôi gặp đều nói tiếng Anh khá lưu loát, và dầu đất nước này vẫn có một sắc thái riêng của họ, tôi không có cảm giác lạc lõng như khi đến thăm Moscow hay Bắc Kinh. Và, ở Tiệp ngày nay, nếu không có chút hiểu biết về lịch sứ, tôi sẽ không thể nào tin rằng dân tộc đó đã từng hơn bốn mươi năm sống cô lập sau bức màn sắt, bị áp đặt dưới một chủ nghĩa xã hội rất thiếu nhân bản, chịu sự kiểm soát chặt chẽ về chính trị và quân sự của Liên Xô, và chỉ mới tách rời khỏi những ảnh hưởng đó chưa tới 27 năm.

Trong mấy ngày ở Tiệp, tôi có đến thăm khu thương mại Sapa của cộng đồng người Việt ở đây. Khu thương mại khá lớn. Buôn bán nhộn nhịp. Nhà cửa, hàng quán, và cách buôn bán ở đây gợi nhớ đến một số khu buôn bán ở Việt Nam ngày nào. Đang ở một đất nước bên trời Tây, nói toàn tiếng Tiệp hay tiếng Anh, vào đây như vào một thế giới khác, thấy như trở về đất nước cũ, tôi rất xúc động. Đặc biệt, khi tôi trò chuyện với một số đồng bào, và được biết đa số sang Tiệp theo các chương trình xuất khẩu lao động, sống khá vất vả, thu nhập rất thấp so với thu nhập của người Tiệp trung bình. Tuy vậy, số người Việt tìm cách sang làm lao động vẫn tiếp tục. Điều đáng mừng, theo phóng sự của một số báo chí Tiệp, trẻ em Việt nam đa số học giỏi và hội nhập vào xã hội Tiệp khá dễ dàng.

Nhìn lại một số đổi thay chính trị lớn, tôi nghiệm ra một điều: nơi nào có sự tham dự tích cực của giới trí thức và văn nghệ sĩ yêu nước, yêu sự sống, tôn trọng sự khác biệt, và can đảm đứng lên tranh đấu quyết liệt cho điều mình tin, cho những quyền căn bản của con người, thì ở nơi đó, sự đổi thay mang lại ít bạo lực nhất, những quyền căn bản được phục hồi và xã hội phát triển nhanh nhất. Hãy nhìn, như một phản đề, những gì đã xảy ra trong cuộc cải cách ruộng đất ở Việt Nam vào thập niên 50, trong cuộc “cách mạng văn hoá” ở Trung Hoa vào thập niên 60, và sự thống nhất bằng quân sự và áp đặt chủ nghĩa ở Việt Nam vào 1975. Và, như chính đề, hãy nhìn những gì đã xảy ra trong những đổi thay lớn ở Đông Âu, và đặc biệt, ở Tiệp Khắc, vào 1989.

Bài viết này được đăng lại vì tác giả tin những điều trình bày trong bài viết chưa bị thời gian gần hai mươi bảy năm đào thải, ít ra, với trường hợp Việt Nam. Tác giả giữ nguyên lời đề tặng ‘những nhà văn Việt Nam’, như trong bản gốc.

Maryland, tháng 8 năm 2016

Trương Vũ

Tháng Giêng 1968, Alexander Dubcek, lãnh tụ Ðảng Cộng Sản Tiệp Khắc chủ trương đổi mới chế độ trong một chính sách được gọi là “Chủ Nghĩa Xã Hội Với Bộ Mặt Nhân Bản”. Biến cố này được gọi là “Mùa Xuân Prague”. Bảy tháng sau, nửa triệu quân của khối Warsaw cùng với thiết giáp xa tiến vào thủ đô Tiệp Khắc. Alexander Dubcek bị tước hết quyền hành, đuổi ra khỏi Đảng, đưa đến Slovakia làm một viên chức kiểm lâm không ai biết tới.

Hai mươi mốt năm sau, vào mùa đông 1989, cùng với những cơn lốc đang thổi xoáy vào các chế độ Cộng Sản ở Ðông Âu, người dân Tiệp Khắc vùng dậy. Vài ngàn người, rồi chục ngàn người, rồi trăm ngàn người, rồi gần một triệu người, tụ tập tại công trường Wenceslas đòi hỏi chấm dứt một chế độ cai trị mà họ cho là rất thiếu nhân bản.

Từ mùa xuân 68 đến mùa đông 89, có những cái đi và đến ngược chiều nhau. Có những lãnh tụ lớn như Husak, Jakes, đến với quyền hành vào mùa Xuân 68 và bây giờ bị buộc phải ra đi. Alexander Dubcek, bị buộc phải ra đi sau biến cố Mùa Xuân 68, thì vào ngày 24 tháng 12 năm 1989, xuất hiện trên một bao lơn ở Công trường Wenceslas để đón nhận những tiếng chào mừng nồng nhiệt của dân chúng.

Những gì thực sự xảy ra ở Tiệp Khắc không phải chỉ đơn giản ở những cái đi và đến này. Alexander Dubcek có tái xuất hiện, nhưng những khuôn mặt nổi bật ở Mùa Ðông Prague lại là những nhân vật của nhóm Diễn Ðàn Công Dân (Civic Forum) như nhà soạn kịch Vaclav Havel hay giáo sư Komarek của Hàn Lâm Viện Khoa Học. Những nhân vật này có vẻ như mới lao mình vào những cơn lốc của thời đại kể từ ngày 19 tháng 11, năm 1989, tức ngày thành lập nhóm Diễn Ðàn Công Dân. Thật ra, cuộc tranh đấu của họ đã khởi đầu từ 1955, vào năm mà “Bài Thơ Cho Người Trưởng Thành” được sáng tác ở Ba Lan. Kể từ ngày đó cho đến trước mùa Ðông 1989, cuộc tranh đấu của Tiệp Khắc hoàn toàn là cuộc tranh đấu của trí thức, không mang bóng dáng của những thành phần khác như thợ thuyền hay nông dân.

Những gì đã thực sự xảy ra ở Tiệp Khắc từ 1955 đến nay?

Nhà văn — lương tâm của đất nước:

Quốc gia Tiệp Khắc chỉ mới chính thức thành lập như một nước độc lập vào ngày 28 tháng 10 năm 1918 sau sự bại trận của đế quốc Áo Hung vào Ðệ Nhất Thế Chiến. Danh xưng đầu tiên là Cộng Hoà Tiệp Khắc. Hai sắc dân chính là Czech (64%) và Slovak (30%). Trong Ðệ Nhị Thế Chiến, Tiệp Khắc bị Ðức chiếm đóng và một phần lãnh thổ bị sát nhập vào Ðức. Một chính phủ lưu vong đã được thành lập ở Anh để tiếp tục điều khiển cuộc kháng chiến trong nước.

Sau khi Ðệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, một cuộc bầu cứ được tổ chức vào 1946, dưới ảnh hưỡng chính trị của Liên Xô, đã đem lại thắng lợi cho Ðảng Cộng Sản Tiệp Khắc với một đa số tương đối so với các Đảng phái khác. Hai năm sau, vì chia rẽ và thiếu phối hợp, các Đảng phái không Cộng Sản đã thất bại trong nỗ lực ngăn chặn sự áp đặt xã hội chủ nghĩa theo kiểu của Liên Xô. Một bản Hiến Pháp mới được ban hành và danh xưng của quốc gia được đổi lại là Cộng Hoà Nhân Dân Tiệp Khắc.

Sang năm 1950, cuộc thanh trừng lớn trong nội bộ Ðảng Cộng Sản bắt đầu. Bộ Trưởng Ngoại Giao Vladimir Clementis bị cách chức và sau đó bị xử tử cùng với 10 Đảng viên cao cấp khác. Ðảng Cộng Sản bắt đầu cai trị Tiệp Khắc theo đường lối cực đoan của Stalin. Cuộc thanh trừng lan rộng đến các thành phần khác của xã hội. Ðường lối này vẫn được duy trì sau cái chết của Stalin và cả sau khi chủ trương Xét Lại được áp dụng ở Liên Xô.

Những bất mãn lớn bắt đầu. Trước hết, một cuộc nổi dậy nhỏ của thợ thuyền xảy ra ở một thị trấn xa xôi, Plzen, vào tháng Sáu 1953 để phản đối vụ đổi tiền mới. Cuộc nổi dậy đã bị cảnh sát đặc biệt dập tắt và không tạo được tiếng vang đáng kể.

Nhà văn Tiệp Khắc có một thế đứng khá đặc biệt trong lịch sử của nước họ vì đó là thành phần đóng góp nhiều nhất và hiệu quả nhất trong việc xây dựng nền độc lập của Tiệp Khắc. Nhưng, cho tới lúc đó, Hội Nhà Văn Tiệp Khắc, được thành lập vào 1949, chỉ là một công cụ để tuyên truyền cho chế độ. Số hội viên có giới hạn và đa số viết theo chỉ thị. Những người cầm bút có tư cách thì tránh né công việc như vậy bằng cách xin dịch thuật sách ngoại ngữ hoặc sáng tác những bài thơ vừa đủ mơ hồ để thoát lưới kiểm duyệt. Một số ít nhà văn hoặc chống đối hoặc không viết theo đường lối đã phải chịu những trừng phạt khác nhau tuỳ theo cấp độ. Thi sĩ Laco Novomesky bị án mười năm tù vì đã viết những bài thơ “thiếu ái quốc”.

Ngày 21 tháng Tám 1955, một tuần san văn học ở Warsaw, tờ Nowa Kultura, đăng tải một bài thơ dài và cay đắng của một nhà thơ Cộng Sản Ba Lan, Adam Wazyk, mang nhan đề “Bài Thơ Cho Người Trưởng Thành”. Nhà thơ Wazyk, trong suốt cuộc đời của ông kể từ lúc bắt đầu khôn lớn, đã tận tuỵ phục vụ cho lý tưởng Cộng Sản. Bỗng nhiên, ông sáng tác và gởi đăng bài thơ nói trên như một bản tuyên chiến gởi đến chế độ. Ngay sau đó, ông bị trục xuất khỏi hội Nhà Văn Ba Lan, và đồng thời chủ bút tập san Nowa Kultura cũng bị cách chức. Tuy nhiên, bài thơ của Adam Wazyk ở Ba Lan đã đánh thức những người trưởng thành ở Tiệp Khắc, nhất là những người cầm bút.[1]

Ðại Hội kỳ 2 của Hội Nhà Văn Tiệp Khắc được tổ chức vào tháng Tư năm 1956. Tổng Thống lúc đó là Zapotocky đến đọc diễn văn khai mạc, trong đó ông nhấn mạnh là Ðảng không hề và sẽ không bao giờ chi phối vào các công trình văn học, và các nhà văn Tiệp Khắc hoàn toàn có tự do để sáng tác. Ngay lập tức, thi sĩ nổi tiếng của Tiệp Khắc là Jaroslav Seifert đã cùng với nhiều nhà văn khác như Frantisek Hrubin mạnh mẽ chỉ trích sự thiếu thành thật trong bài diễn văn và yêu cầu Đảng trả tự do cho những người cầm bút đang còn ở trong tù. Các nhà văn đã kịch liệt công kích chính sách “viết theo yêu cầu” và cho đó là một thái độ nhục mạ người cầm bút. Sau đó, khẩu hiệu được trương lên ở Ðại Hội là “Nhà Văn — Lương Tâm Của Ðất Nước”. Mặc dầu Seifert và Hrubin được bầu vào chủ tịch đoàn, Đảng đã phản công khá hữu hiệu và cuối cùng áp lực được đại hội đưa ra một tuyên ngôn công nhận Ðảng Cộng Sản Tiệp Khắc như là “Người đề xướng và tổ chức cuộc cách mạng vĩ đại” và cám ơn Ðảng về “Những đề nghị khôn ngoan và đứng đắn”.

Vào tháng Năm 1956, các nhà văn thuộc Nhóm Phản Kháng đã cho phát hành một tạp chí lấy tên là Tháng Năm (Kveten) nhằm cổ võ những công trình văn học có giá trị thực sự. Mô thức này đã lan tràn sang nhiều lãnh vực khác. Và, chính những hoạt động có tính quốc cấm này đã làm cho đời sống văn hoá của Tiệp Khắc trở lại sinh động.

Ðại Hội kỳ 3 được tổ chức vào tháng Sáu 1957, sau khi các cuộc nổi dậy ở Poznan (Ba Lan) và Budapest (Hung Gia Lợi) đã hoàn toàn thất bại. Nhà thơ Frantisek Hrubin bị ép buộc đứng lên đọc lời tự phê bình về những “Phát biểu sai lầm” của ông trong kỳ đại hội trước. Về phần Seifert lúc đó đã 56 tuổi, ông vẫn không chịu đầu hàng, và không chịu tự ý rời khỏi Chủ Tịch đoàn dưới áp lực của Ðảng. Nhóm chủ trương tạp chí Tháng Năm tuyên bố hậu thuẫn Seifert. Cùng lúc đó, một số khuôn mặt mới đã nổi bật lên để cùng với Seifert và Eduard Goldstucker, vừa mới được trả tự do, làm một cuộc cách mạng cho trí thức Tiệp Khắc. Các khuôn mặt đó là nhà thơ Jan Prochazka, nhà soạn kịch Ivan Klima, nhà viết tiểu thuyết Ladislav Mnacko, và nhà soạn kịch Vaclav Havel. Lúc đó, Vaclav Havel mới 21 tuổi.

Hai năm sau, Ðảng áp lực Hội Nhà Văn trục xuất Seifert và bốn nhà văn thuộc Nhóm Phản Kháng. Sau đó, Đảng đóng cửa tạp chí Tháng Năm.Những người phản kháng bắt đầu đi tìm một phương thức đấu tranh khác.

Sang năm 1960, danh xưng của Tiệp Khắc được đổi lại là Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Tiệp Khắc.

Tháng Tư 1963, nhà văn Ladislav Mnacko hoàn thành tác phẩm “Những Bản Phúc Trình Bị Trì Hoãn” (Delayed Reports). Tác phẩm này làm náo động xã hội Tiệp Khắc vì đã đánh thẳng vào lương tâm của hàng ngũ trí thức, kết án thái độ thụ động của họ, và coi thái độ thụ động này như là một hình thức toa rập với tội ác, một điều mà đa số trí thức muốn tảng lờ. Tác phẩm của Mnacko đã tạo nên cuộc biểu tình của sinh viên Prague vào ngày Lễ Lao Ðộng 1963.[2]

Cuối tháng Năm, Hội Nhà Văn Tiệp Khắc cho phổ biến lời phát biểu của nhà thơ Laco Novomesky, lúc đó đã mãn hạn tù. Lời phát biểu có những câu sau đây:

“Thảm kịch của chúng ta không phát sinh hoặc không phải chỉ phát sinh từ sự kiện là có những kẻ đã tin nhiều hay tin ít vào một điều gian dối và chấp nhận điều gian dối đó. Những người này, hoặc vì sợ hãi, hoặc bằng hảo ý, cho rằng họ đang phục vụ cho một mục tiêu chính đáng nên cứ chấp nhận điều gian dối. Thảm kịch của chúng ta phát sinh từ sự kiện – và sự kiện này áp dụng cho những nhà văn hay nhà báo – là chúng ta đã cố gắng thuyết phục người đọc tin rằng sự gian dối đó là sự thật, chúng ta đã đánh lạc hướng và làm hoang mang cả một thế hệ đang đứng ở ngoài căn phòng này, lạc lõng, ngơ ngác, vì không biết phải dựa vào cái gì để tin. Chúng ta cần mang đến cho thế hệ đó sự tín nhiệm, lòng tin, và sự thật. Nhưng trước hết, hãy mang những điều đó đến cho chính chúng ta.”[3]

Cùng trong năm đó, Vaclav Havel, đã 27 tuổi, hoàn thành vở kịch dài đầu tiên: “Viên Hội” (The Garden Party). Vở kịch xây dựng trên những cái phi lý và lố bịch của xã hội đương thời bằng những lời mỉa mai cay độc. Từ đó, nhiều sáng tác như vậy do những nhà văn đã nổi tiếng hoặc những nhà văn mới nổi đã ra đời. Phản ứng của chế độ vẫn là một phản ứng cổ điển nhưng hữu hiệu: đe doạ, tù đày,và cô lập.

Tháng Giêng 1967, Ðại Hội kỳ IV của Hội Nhà Văn Tiệp Khắc ra Nghị Quyết yêu cầu tái lập truyền thống văn học của Tiệp Khắc, đồng thời yêu cầu được tiếp xúc và trao đổi văn hoá với các nước Tây phương. Lúc bấy giờ, lãnh tụ Đảng là Antonin Novotny. Phản ứng của chế độ vẫn như cũ, vẫn là đe doạ, tù đày và cô lập.

Mùa Xuân Prague:

Ðầu tháng 11, 1967, sinh viên đại học ở Prague biểu tình đòi thay đổi đường lối cai trị của Ðảng. Ðồng thời, trong nội bộ của Trung Ương Ðảng, Alexander Dubcek cầm đầu nhóm chủ trương cải cách, áp lực Novotny huỷ bỏ phương thức cai trị cực đoan. Ðể chống lại những áp lực này, Novotny kêu gọi sự hậu thuẫn của Liên Xô. Tháng 12 năm đó, lãnh tụ Liên Xô Leonid Brezhnev đến thăm và quan sát tình hình ở Prague và ông từ chối hậu thuẫn Novotny. Tháng Giêng 1968, Dubcek được bầu vào chức Bí Thư Thứ Nhất của Ðảng Cộng Sản Tiệp Khắc thay thế Novotny. Sau đó, nhiều thành phần thủ cựu cũng lần lượt bị thay thế. Ðến tháng Ba, Novotny mất luôn chức Chủ Tịch Nhà Nước, và Tướng Ludvik Svoboda lên thay.

Alexander Dubcek chỉ định rồi chỉ đạo một uỷ ban gồm nhiều khuynh hướng khác nhau, từ cải cách đến bảo thủ, soạn thảo một Chương Trình Hành Ðộng nhằm tạo một mô thức xã hội chủ nghĩa mới, có tính “dân chủ” và “dân tộc”, thích hợp với hoàn cảnh của Tiệp Khắc. Tháng Tư 1968, thành phần lãnh đạo Ðảng chấp thuận Chương Trình Hành Ðộng. Alexander Dubcek đã gọi mô thức này là “Chủ Nghĩa Xã Hội Với Bộ Mặt Nhân Bản”. Ngoài những điểm liên hệ đến cải cách chế độ bầu cử, xác nhận quyền tự do hội họp và phát biểu, Chương Trình Hành Động cũng có những điểm quan trọng như tái xác nhận sự theo đuổi mục tiêu Cộng Sản và sự liên minh với Liên Xô và khối Warsaw.

Chương Trình Hành Động của Dubcek đã tạo một sức sống mới cho xã hội Tiệp Khắc. Dân chúng đã phấn khởi gọi biến cố đó là Mùa Xuân Prague. Những tuần lễ tiếp theo, những bài báo đả kích Liên Xô đã thấy xuất hiện trên báo chí. Một số tổ chức có tính chính trị đã được thành lập và không phụ thuộc vào sự kiểm soát của Ðảng. Các phần tử bảo thủ yêu cầu đàn áp các sinh hoạt này nhưng Alexander Dubcek không chịu nghe.

Cuối tháng Sáu năm đó, Ludvik Vaculik, tiểu thuyết gia và đồng thời cũng là Đảng viên Cộng Sản kỳ cựu, cho đăng tải một tuyên ngôn nhan đề “Hai Ngàn Chữ” với chữ ký của 70 nhà văn và nhà khoa học. Bản Tuyên Ngôn nói đến những trở ngại có thể gây ra cho Tiệp Khắc bởi những phần tử bảo thủ trong Đảng và các thế lực ngoại quốc, và hô hào dân chúng hãy đứng dậy tự mình thực hiện lấy chương trình cải cách. Liên Xô và các nước thuộc khối Warsaw liền tổ chức một phiên họp đặc biệt không mời Tiệp Khắc tham dự. Sau đó, họ gởi cho Uỷ Ban Lãnh Đạo Ðảng Cộng Sản Tiệp Khắc một văn thư lên án những phần tử “phản động” đã viết tuyên ngôn này, đồng thời yêu cầu Tiệp Khắc tái lập chế độ kiểm duyệt, bãi bỏ các sinh hoạt chính trị không thuộc Đảng Cộng Sản và trục xuất ra khỏi Đảng các phần tử hữu khuynh. Sau cùng, văn thư nhấn mạnh đến nhiệm vụ phải bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở Tiệp Khắc, và coi đó là nhiệm vụ chung của tất cả các nước anh em, thuộc khối Warsaw. Dubcek phản đối bức tối hậu thư và yêu cầu gặp riêng với Liên Xô.

Trong cuộc gặp gỡ này, Alexander Dubcek đã khẳng định sự trung thành của Tiệp Khắc với chủ nghĩa Mác Lê và với liên minh Warsaw (hay Comecon). Ông hứa trừng trị những kẻ muốn tái lập Ðảng Dân Chủ Xã Hội cũ, những phần tử “phản cách mạng”, đồng thời kiểm soát báo chí hữu hiệu hơn. Brezhnev ra lệnh rút các lực lượng quân đội Xô Viết khỏi Tiệp Khắc nhưng cho dừng lại dọc theo biên giới.

Trong khi đó, Dubcek và các Đảng viên cao cấp thuộc khuynh hướng cải cách lại dự trù một kế hoạch loại trừ tất cả những phần tử chống cải cách ra khỏi Trung Ương Ðảng trong kỳ Ðại Hội Ðảng sẽ tổ chức vào tháng Chín. Hầu hết những phần tử này có khuynh hướng thân Nga và họ đã cầu cứu Liên Xô. Ngày 20 tháng Tám, 1968, nửa triệu quân thuộc các nước Liên Xô, Ðông Ðức, Ba Lan, Hung Gia Lợi và Bảo Gia Lợi tiến vào Tiệp Khắc. Lỗ Ma Ni ngay từ đầu đã phản đối quyết định của các nước liên minh Warsaw đối với Tiệp Khắc nên không tham dự chiến dịch này. Dubcek và Uỷ Ban Lãnh Ðạo Ðảng lên tiếng phản đối sự can thiệp quân sự của liên minh Warsaw nhưng đồng thời ra lệnh cấm quân đội và dân chúng dùng vũ lực cản trở các đoàn quân này. Tuy nhiên, khi các xe tăng tiến vào Prague, bạo động cũng đã xảy ra từ phía dân chúng và khoảng 100 người dân Tiệp Khắc đã bị giết.[4] Cơ quan đầu tiên bị thiết giáp xa bao vây là trụ sở của Hội Nhà Văn Tiệp Khắc.

Alexander Dubcek bị bắt vào đêm 20 tháng Tám và đưa sang Moscow gặp Brezhnev. Sau đó, ông vẫn được giữ chức vụ cũ nhưng không có thực quyền cho đến tháng Tư 1969 thì chính thức từ chức. Gustav Husak lên thay. Cuối năm đó, Husak cử Dubcek đi làm Ðại Sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong lúc Dubcek đang còn ở Ankara, Uỷ Ban Lãnh Ðạo Ðảng bỏ phiếu trục xuất ông ra khỏi Ðảng. Những người còn cảm tình với ông ở trong Đảng đã ngầm khuyên ông xin ti nạn chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ông vẫn trở về Tiệp Khắc. Sau đó, ông được đưa đến thành phố Bratislava, thủ phủ của Slovakia, làm một viên chức kiểm lâm cho đến cuối năm 1988.

Ðối với các thành phần đã tham dự vào Chương Trình Hành Ðộng, hậu quả dành cho họ khá trầm trọng. Hơn một nửa thành viên của Trung Ương Đảng bị thay thế. Hơn nửa triệu Đảng viên bị trục xuất. Ða số các viên chức cao cấp trong những lãnh vực khác nhau bị đuổi việc. Xã hội Tiệp Khắc trở lại tình trạng cai trị khắt khe cũ.

Vào Mùa Thu 1970, một nhóm trí thức gồm cả các cựu Đảng viên Cộng Sản thành lập Phong Trào Xã Hội Của Công Dân Tiệp Khắc nhằm đấu tranh theo tinh thần của Mùa Xuân Prague. Ngay sau đó, 47 thành viên cao cấp của phong trào bị bắt và bị đưa ra toà xét xử vào mùa Hè 1972. Từ đó, một số đông nghệ sĩ và chuyên viên đã trốn khỏi nước.

Hiến Chương 77:

Vào ngày 6 tháng Giêng 1977, các nhật báo ở Tây Ðức đã cho đăng tải một Tuyên Ngôn lấy tên là Hiến Chương 77 (Charter 77). Bản Tuyên Ngôn làm tại Tiệp Khắc mang chữ ký của 242 người Tiệp Khắc thuộc nhiều thành phần khác nhau: Nhà văn, nghệ sĩ, giáo chức, và cựu đảng viên Cộng Sản. Giáo sư Jan Patocka, nhà soạn kịch Vaclav Havel và giáo sư Jiri Hajek được nhắc tới trong Tuyên Ngôn như là những phát ngôn viên chính thức của Hiến Chương 77.

Hiến chương 77 nói lên những bất mãn của những người ký tên đối với những thực tế đang xảy ra ở Tiệp Khắc liên hệ đến Dân quyền và Nhân quyền. Họ lên án chính phủ Tiệp Khắc đã không tôn trọng những quyền công dân được ghi trong Hiến Pháp cũng như trong các thoả ước quốc tế mà Tiệp Khắc đã ký, như thoả ước Helsinki vào 1975.

Hiến Chương 77 cũng nói rõ mục đích của Hiến Chương là: theo dõi những trường hợp cá nhân bị vi phạm nhân quyền; đưa ra những đề nghị sửa sai; và đóng vai trò trung gian giữa chính phủ và những cá nhân bị áp bức.

Ðến cuối năm 1977, có khoảng 800 người ký tên vào Hiến Chương, trong số đó có một số ghi là công nhân. Hiến Chương đã được phổ biến trong lãnh thổ Tiệp Khắc theo kiểu chuyền tay.

Gustav Husak đã phản ứng mạnh mẽ đối với bản Hiến Chương này. Sau đó, những người ký tên đã bị bắt giam hoặc bị đuổi việc. Báo chí đã được nhà nước vận dụng để tấn công Bản Hiến Chương một cách hạ cấp. Dân chúng bị bắt buộc phải ký tên vào những bản lên án các thành phần “phản động” của Hiến Chương 77.

Trong khi đó, cảnh sát và công an đã hành động hoàn toàn đúng như những gì bản Hiến Chương đã mô tả: bắt người vô cớ, lục soát bất hợp pháp, hạch hỏi và tra tấn trái phép. Giáo sư Jan Patocka, một người nổi tiếng và có uy tín, bị cảnh sát mời đến thẩm vấn và một tuần lễ sau thì ông ta chết. Vaclav Havel bị bắt bốn tháng thì được thả. Ðến cuối năm, ông vào tù trở lại và lần này, ông bị kết tội chống chính phủ.

Những cuộc đàn áp như vậy kéo dài trong suốt năm 1978 và số người ký tên vào Hiến Chương vẫn tăng lên. Vào tháng Tư năm đó, một nhóm trí thức khác thành lập một uỷ ban để bảo vệ những người đã bị xét xử trái phép. Họ đòi chế độ Husak phải đưa những người bị bắt ra xử công khai. Chế độ đã phản ứng bằng cách đưa hết nhóm trí thức này vào nhà giam. Từ đó, Phong Trào Hiến Chương 77 yếu đi hẳn. Tuy nhiên, những người đã tham dự vào Hiến Chương 77 vẫn tiếp tục cuộc phản kháng của họ bằng cách này hay cách khác.

Mùa Ðông Prague:

Tháng Tám 1989, Tadeusz Mazowiecki của Công Ðoàn Ðoàn Kết thành lập chính phủ “không Cộng Sản” đầu tiên ở Ba Lan. Tháng Mười 1989, Ðảng Cộng Sản Hung Gia Lợi tuyên bố giải tán. Qua đầu tháng 11, Bức Tường Bá Linh bị phá vỡ.

Giữa một không khí đầy biến động như vậy ở Ðông Âu, Tổng Bí Thư Ðảng Cộng Sản Tiệp Khắc, Milos Jakes, tuyên bố trong một đại hội thanh niên là Ðảng sẽ không tha thứ bất cứ một cuộc xuống đường nào nhằm phản đối sự cầm quyền của Ðảng và cũng sẽ không nới lỏng sự kiểm soát chính trị. Năm ngày sau, 15 ngàn sinh viên và thanh niên biểu tình chống chính phủ trên các đường phố ở Prague gần công trường Wencelas. Cảnh sát đã thẳng tay đàn áp cuộc biểu tình và gây thương tích cho hơn 100 người.

Ngày 19/11/1989, Vaclav Havel và những bạn đồng hành của ông thuộc nhóm Hiến Chương 77 cùng với một số sinh viên, nghệ sĩ và công nhân họp nhau tại tầng dưới của một hí viện lâu đời nhất Âu Châu, hí viện Lanterna Magica. Họ thành lập Diễn Ðàn Công Dân, đóng vai trò của một tổ chức chính trị đối lập. Ðầu tiên, họ lên tiếng yêu cầu trừng phạt những kẻ đã ra lệnh đàn áp biểu tình và đòi hỏi tất cả những lãnh tụ Cộng Sản có trách nhiệm đàn áp phong trào Mùa Xuân Prague phải từ chức. Milos Jakes đã bác bỏ những yêu sách này. Sau đó. Vaslav Havel cầm đầu Uỷ Ban gồm 18 người, tổ chức cuộc biểu tình ở công trường Wencelas vào ngày 20 để hậu thuẫn cho những đòi hỏi của họ.

Hầu hết những nhạc sĩ, ca sĩ dân nhạc, nhà văn, lực sĩ, và cả những tu sĩ, đã tiếp tay với ông vận động biểu tình để biến Diễn Ðàn Công Dân thực sự trở thành phong trào quần chúng bên cạnh tư cách của một tổ chức chính trị. Hơn 200 ngàn người đã tụ họp lại Công trường Wencelas. Những cuộc biểu tình tương tự đã xảy ra trên những thành phố khác. Diễn Ðàn Công Dân đã đưa ra yêu sách đòi bầu cử tự do và đòi Husak, Jakes và những lãnh tụ cực đoan phải từ chức. Ðến lúc này, Uỷ Ban Lãnh Ðạo Ðảng không còn coi thường Diễn Ðàn Công Dân chỉ như là sản phẩm của một số nhà văn và trí thức. Ngày 24 tháng 11, Jakes và chín thành viên khác của Uỷ Ban Lãnh Ðạo từ chức. Karel Urbanek, một lãnh tụ ít tiếng tăm, lên thay chức Tổng Bí Thư Đảng. Ngày hôm đó, Alexander Dubcek xuất hiện tại Công trường Wencelas, ông đã được mọi người hoan hô nhiệt liệt. Những người thuộc thế hệ ông đã khóc khi nghe lại tiếng nói của ông. Alexander Dubcek đã im hơi lặng tiếng trong suốt 20 năm. Ông không ký tên vào Hiến Chương 77. Ông chỉ làm được hai cử chỉ nhỏ tạm tương xứng với vị thế của ông, đến thăm Vaclav Havel vào giữa năm 1989 khi nhà soạn kịch được thả ra khỏi tù, và ông gởi lời mừng sinh nhật Ðức Hồng Y Frantisek Tomasek, một người không được cảm tình của chế độ. Do đó, ông đã được chào mừng như một cựu lãnh tụ hơn là một lãnh tụ. Ông vẫn nhắc lại chủ trương “Chủ Nghĩa Xã Hội Với Bộ Mặt Nhân Bản”. Nhưng, ở Mùa Ðông Prague 89, câu nói này không còn tạo được một âm hưởng nào như 21 năm trước. Nhiều người có nghĩ đến một vai trò chuyển tiếp mà ông có thể đóng được, và chỉ có thế. Ông cũng không tỏ ra có một tham vọng nào. Ông ủng hộ Diễn Ðàn Công Dân cùng với tất cả những đòi hỏi của họ.

Vì chế độ vẫn không chịu thoả mãn tất cả những yêu sách của Diễn Ðàn Công Dân, Vaclav Havel kêu gọi một cuộc Tổng Ðình Công trong 2 tiếng đồng hồ để cảnh cáo chế độ. Vaclav Havel đã thuyết phục được thợ thuyền nhập cuộc. Ngày 27 tháng 11/1989, hơn một triệu người Tiệp Khắc đã tham dự cuộc Tổng Ðình Công ở Prague. Có cả một phái đoàn của những người mù xuất hiện tại Công trường Wencelas. Vaclav Havel thách đố chế độ hãy nhìn thẳng vào Công trường để thấy đó như một cuộc trưng cầu dân ý bác bỏ tư cách lãnh đạo chính trị của Đảng Cộng Sản Tiệp Khắc. Những yêu sách cũ như bầu cử tự do được nhắc lại, và thêm vào những yêu sách mới như thay đổi nội các và giao những bộ quan trọng như Quốc Phòng cho những người không Cộng Sản v.v… Dĩ nhiên, những đòi hỏi như vậy đã không được dễ dàng chấp nhận. Ký giả Jiri Dienstbier phát ngôn viên của Diễn Ðàn Công Dân, một người đã ra vô nhà giam rất nhiều lần, tuyên bố với báo chí:

“Ở Tiệp Khác, trong suốt 20 năm qua, mọi người đều biết rằng chế độ này không thể nào giải quyết được những khó khăn của đất nước. Nhưng mọi người vẫn sợ. Bạo lực và áp bức là những phương tiện chính để cai trị. Quyền hành đã được xây dựng từ đó và chỉ muốn được xây dựng từ đó. Vì vậy, những kẻ cầm quyền rất sợ nhượng bộ vì họ e ngại nếu nhượng bộ, quyền hành của họ sẽ tiêu tan”.[5]

Tuy nhiên, sau cùng, những kẻ cầm quyền có nhượng bộ.

Ngày 30 tháng 11. Quốc Hội Tiệp Khắc biểu quyết bãi bỏ tư cách lãnh đạo chính trị của Ðảng Cộng Sản Tiệp Khắc như đã ghi trong Hiến Pháp. Uỷ Ban Lãnh Ðạo Ðảng tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử tự do. Ngày 4 tháng 12, khối Warsaw chính thức công nhận: “Cuộc xâm lăng Tiệp Khắc năm 1968 1à một quyết định sai lầm”. Trong vòng một tuần lễ, Nội Các Tiệp Khắc thay đổi ba lần, và cả ba lần họ đều chưa đáp ứng được đúng những đòi hỏi trước đó của Diễn Ðàn Công Dân. Dĩ nhiên, những kẻ cầm quyền còn muốn kéo dài quyền lực của họ.

Lúc này, cuối năm 1989, biến cố Mùa Ðông Prague có thể vẫn chưa đến hồi kết cuộc. Tuy nhiên vấn đề đáng nói ở đây là sự thức tỉnh của dân tộc Tiệp Khắc. Ðể nói về sự thức tỉnh này, không có gì hơn là ghi lại một câu viết trên bức tường một hầm xe điện ngầm ở Prague:

“Chúng ta đã tập bay như chim và tập lặn như cá. Có phải đây là lúc chúng ta bắt đầu sống như những con người?”[6]

*

Cuộc tranh đấu chống chủ nghĩa Cộng Sản ở Tiệp Khắc mang một sắc thái đặc biệt ở Ðông Âu: một cuộc tranh đấu kiên trì và thuần trí thức. Mục đích chính được nhìn qua các Tuyên Ngôn hay sách vở của họ, không nói rõ là họ chống chủ nghĩa Cộng Sản mà chỉ nói là chống bất cứ một chế độ, một thế lực hay một chủ trương nào nhằm áp đảo hay tước đoạt những quyền căn bản của con người. “Chống Cộng” do đó chỉ được hiểu như một hệ quả đương nhiên từ mục tiêu chính.

Cái lợi của cách tranh đấu này là dù có hiểu được thâm ý của họ, những kẻ cầm quyền cũng khó tìm thấy một cái cớ thật chính đáng tiêu diệt họ cách tàn bạo. Thêm vào đó. với sự can đảm, với ý chí sắt đá, với tài năng, và với ý thức cao độ về trách nhiệm của người trí thức đối với dân tộc, họ đã tạo được một sức mạnh đủ cho cuộc tranh đấu tồn tại trong suốt hơn 30 năm cho đến khi cơ hội đến, họ chộp lấy được ngay, và chỉ trong 10 ngày họ đã đạt được những gì mà Ba Lan mất đến 10 năm.

Nhược điểm của cách tranh đấu này là làm cho họ xa rời quần chúng. Những tác phẩm văn học hay nghệ thuật của họ vẫn làm cho quần chúng say mê thưởng thức, nhưng quần chúng phục họ hơn khi thấy họ hoà nhập với quần chúng là một. Về điểm này, trí thức Tiệp Khắc đến mãi mùa Ðông 89 mới đạt được cái mức mà trí thức Ba Lan đã đạt từ 1976, khi tổ chức Bảo Vệ Công Nhân (KOR) ra đời để tạo một liên minh với Thợ Thuyền. Chính vì vậy mà trong suốt hơn 30 năm, người trí thức Tiệp Khắc khá lẻ loi trong cuộc tranh đấu của họ.

Nếu không có sự thành công của cuộc cách mạng Ba Lan cùng với những biến động mới nhất phát sinh từ những chủ trương Perestroika và Glasnost ở Liên Xô, không chắc những trí thức Tiệp Khắc đã làm nên được lịch sử. Trong trường hợp này, những kẻ cầm quyền sẽ tiếp tục cô lập họ như những kẻ cầm quyền ở Ba Lan đã làm đối với trí thức Ba Lan trước 1976. Trường hợp của Tiệp Khắc còn thuận lợi hơn cho kẻ cầm quyền vì Tiệp Khắc có nhiều tài nguyên, dân số ít và hưởng được một truyền thống tốt về phát triển kỹ nghệ từ trước thế chiến nên thợ thuyền hưởng một mức sống vật chất tương đối đầy đủ. Do đó, sẽ rất khó cho người trí thức thuyết phục thợ thuyền làm những điều có thể nguy hại đến đời sống bình thường của họ.

Dù sao, mỗi nước có một hoàn cảnh riêng, người trí thức Tiệp Khắc có thể đã tiến hành cuộc tranh đấu của họ bằng cách tốt nhất mà họ có thể làm được. Riêng đối với những nhà văn Tiệp Khắc, những người đã ý thức trách nhiệm của mình là phải nói lên tiếng nói lương tâm của đất nước, họ đã làm được những điều mà những đồng nghiệp của họ ở những nơi khác, dù trong hoàn cảnh thuận lợi hơn, đã không làm được. Ðây cũng là lý do cắt nghĩa tại sao nhà văn Tiệp Khắc luôn luôn có một chỗ đứng cao trong lịch sử của nước họ.

Một điều cuối cùng cần được nói đến với lòng khâm phục là trình độ dân trí của Tiệp Khắc. Gần một triệu người xuống đường lật đổ một chế độ mà họ đã chán ngấy, vậy mà họ vẫn giữ được kỷ luật và tự chế đến độ gần như không có một điều đáng tiếc xảy ra. Thêm vào đó là một ý thức chính trị vượt bực. Hoan hô Dubcek nhưng cũng hiểu ra rằng Dubcek đã không theo kịp thời cuộc. Nếu sau này, tổ chức Diễn Ðàn Công Dân đạt được những mục tiêu tranh đấu của họ, chắc chắn phần lớn phải là nhờ ở tinh thần kỷ luật và ý thức chính trị cao của người dân Tiệp Khắc.

Trương Vũ

Maryland, tháng 12 năm 1989

—————

Chú thích:

[1] Nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có Tad Szulo, đề nghị xem ngày đăng tải “Bài Thơ Cho Người Trưởng Thành” như là ngày đầu của cuộc tranh đấu trí thức cho cả Ðông Âu, không riêng gì cho Ba Lan hay Tiệp Khắc. (Xem tác phẩm đã nêu ở chú thích 2).

[2] Szulo, Tad. Czechoslakia Since World War II (New York: The Viking Press, 1971).

[3] Nyrop, Richard. Czechoslakia: A Court Study (Washington, D.C.: The American University/Area Handbook Series, 1982).

[4] Doerner, William. “Our Time Has Come”. Time, Dec. 4, 1989.

[5] Harden, Blaine. “Czechoslovakia In the End of Communist Monopoly”. The Washington Post, Nov. 29, 1989.

[6] Kamm, Henry. “Spirit of 1968 is still alive, still distinct”. The New York Times, Nov. 30, 1989.

Nguồn: https://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do;jsessionid=AB314C31B137BF6289BC9C28B4A6001F?action=viewArtwork&artworkId=19853

Comments are closed.