2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 60)

Hoàng Hưng

601. Feminist psychology: Tâm lý học nữ khuynh

Một cách tiếp cận những vấn đề Tâm lý học, nhấn mạnh vai trò của quan điểm nữ giới trong suy nghĩ, hành động, và cảm xúc trong cuộc sống của cá nhân và xã hội. Được những người đề xuất coi như một toan tính cân bằng lại nền Tâm lý học truyền thống nam khuynh và bị thống trị bởi nam giới, cũng như một hình mẫu cho những cách tiếp cận tương tự đối với những nhóm ít được thể hiện hơn.

602. Feminist therapy: Liệu pháp nữ khuynh

Một cách tiếp cận chiết trung với liệu pháp tâm lí, dựa trên những phân tích chính trị nữ khuynh và học thuật nữ khuynh về Tâm lý học phụ nữ và giới. Theo định hướng này, những trải nghiệm về giới cho biết sự hiểu của mọi người về cuộc sống của mình và sự phát triển tình trạng đau buồn trầm cảm, được dùng như chất xúc tác để tìm kiếm liệu pháp, có vai trò trung tâm. Sắc tộc, giai tầng, định hướng tính dục, nhóm tuổi và năng lực trong sự tương tác với giới tính, được khai thác. Liệu pháp nữ khuynh toan tính tạo ra một mối quan hệ trị liệu công bằng trong đó những cố gắng có chủ đích của người chữa trị nhằm truyền sức mạnh cho người bệnh xác định người bệnh như một thẩm quyền ngang giá trị với người chữa trị. Liệu pháp này có thể được chỉ định cho cả người bệnh nữ lẫn người bệnh nam.

603. Fictional finalism: Thuyết hướng đích hư cấu

(trong thuyết phân tâm của Alfred Adler) Niềm tin rằng con người được động viên mạnh mẽ bởi các mục tiêu và lí tưởng – có thể hay không thể thực hiện – mà họ tạo ra cho bản thân và chịu ảnh hưởng bởi những khả năng tương lai hơn là bởi những sự kiện quá khứ như các trải nghiệm tuổi thơ. Điều này tương phản mạnh mẽ với việc nhấn mạnh của thuyết phân tâm kinh điển của Freud.

604. Figurative knowledge: Kiến thức biểu hình

Kiến thức thu nhận được bằng việc tiếp cận và nhớ lại những nét giác tri (tri giác) nổi bật chuyên biệt, như từ ngữ hay thực kiện, năng lực nhớ lại từ vựng, ngày tháng, màu sắc, hình dạng, ấn tượng…

605. Figure-ground perception: Tri giác hình – nền

Năng lực phân biệt đúng giữa một vật thể với nền (bối cảnh) trong một trình hiện ở trường thị giác. Một khiếm khuyết về kĩ năng giác tri (tri giác) này có thể tác hại nghiêm trọng đến khả năng học của trẻ.

606. Filial anxiety: Mối lo của con cái

Sự lo âu sợ hãi của con cái trong quan hệ với cha mẹ, thường là lo trước về trách nhiệm phụng dưỡng che mẹ già sau này.

607. First impression: Ấn tượng đầu tiên

Tri nhận đầu tiên về người khác, liên quan một cách điển hình đến sự đánh giá tích cực hay tiêu cực cũng như một cảm nhận về các đặc trưng thể chất hay tâm lí của người ấy. Những ấn tượng này dựa trên thông tin sớm nhất nhận được về người khác, thường thông qua sự gặp gỡ trực tiếp và có xu hướng dai dẳng, ngay cả khi đối diện với thông tin sau đó mà những người quan sát từ bên ngoài cho là không nhất quán với tri nhận ban đầu. Tức là có hiệu ứng ưu tiên trong sự hình thành ấn tượng. Một số phân tích về lí thuyết giải thích hiệu ứng này là do thông tin nhận được đầu tiên có sức nặng hơn trong tâm trí người tri nhận; những phân tích khác đề xuất rằng thông tin ban đầu định dạng ý nghĩa của thông tin sau đó.

608. First-rank synptoms: (các) Triệu chứng hàng đầu

Các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt được chia thành năm loại, bắt nguồn từ đề xuất cho việc chẩn đoán khu biệt. Bao gồm ảo giác, những thay đổi trong diễn trình suy tưởng, giác tri (tri giác) hoang tưởng, sự thụ động về thân thể (trải nghiệm việc các lực bên ngoài ảnh hưởng hay kiểm soát cơ thể mình), và những sự áp đặt khác. Gần 60% người bệnh được chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt trong Nghiên cứu thí điểm quốc tế về bệnh tâm thần phân liệt (International pilot study of schizophrenia) của WHO cho thấy những triệu chứng hàng đầu. Giờ đây ta biết rằng những triệu chứng này có thể cũng xảy ra trong những chứng loạn tâm khác, trong những rối loạn về tâm trạng, và những chứng loạn thần. [được mô tả đầu tiên bởi nhà tâm thần học Đức Kurt Schneider (1887-1967)].

609. Fixed-role therapy: Liệu pháp định vai

Một hình thức liệu pháp tâm lí dựa trên thuyết kiến tạo tâm trí cá nhân (personal construct theory) của nhà Tâm lý học Mĩ George Alexander Kelly (1905-67), được khai thác đầu tiên bởi Kelly và các đồng nghiệp vào năm 1939 và mô tả trong sách Tâm lý học về những kiến tạo tâm trí cá nhân (Psychology of Personal Constructs, 1955) , trong đó người bệnh bắt đầu bằng việc tự định ra đặc điểm của bản thân rồi cải sửa nó theo hướng thay thế mong muốn.

610. Flashbulb memory: Kí ức chớp loé

Một kí ức bất thường sống động, giàu chi tiết và lâu bền về những hoàn cảnh xung quanh một sự kiện kịch tính. Ví dụ tiêu chuẩn là vụ ám sát Tổng thống Mĩ John F. Kennedy năm 1963: phần lớn mọi người lớn vào thời ấy có kí ức chớp loé về việc họ ở đâu và làm gì khi nghe tin ấy. (Được gọi tên như thế vì kí ức kiểu này mang tính chủ quan về điều được ghi lại chớp nhoáng như bởi máy ảnh có đèn chớp, mặc dù nghiên cứu cho thấy trong thực tế nó thường ít tính xác thực hoàn hảo).

Comments are closed.