Rác thất vọng. Rác hy vọng.

Du ký của Ngu Yên

Năm 2010 tôi về Việt Nam trong một hành trình dài từ Hà Nội đến Sài Gòn. Từ Bắc đến Nam, từ phi trường đến bến xe, từ hẻm đến đường phố, bất kỳ nơi nào cũng có bầy chim cánh cụt, nhiều màu, đa số màu đen trắng, đứng từng nhóm, miệng há to, kêu lên khao khát: “Hãy cho tôi rác! Hãy cho tôi rác! Hãy cho tôi rác!”. Nhìn chung quanh, dọc đường đi, đất nước tôi vẫn còn nhiều rác, nhưng với tiếng kêu thèm muốn, năn nỉ xin rác đồng loạt khắp nơi kia, chắc chắn dân tôi sẽ nghe. Bắt đầu thay đổi một thói quen phải như vậy. Lòng tôi ấm lại. Một niềm vui phập phồng.

1. Rác thất vọng

Ở đâu có sinh vật, ở đó có rác. Rác là bằng chứng có người. Người tiền sử đã biết xả rác. Xả rác là hành vi bẩm sinh. Không xả rác là hành vi tập quán. Từ hành vi bẩm sinh trở thành thói quen cho đến khi có thể thay đổi để trở thành tập quán ngược lại là một hành trình vô cùng khó khăn, vô cùng khốc liệt, không dễ gì làm được. Vậy mà có một số dân tộc thành công giữ gìn sạch sẽ nơi họ cư trú một cách tự hào như dân Singapore, Nhật, Đài Loan, Nam Hàn …

Không xả rác không chỉ là hành vi giữ gìn sạch sẽ địa lý và không gian, còn là một khả năng hiểu biết về vệ sinh, giữ gìn sức khoẻ cá nhân, gia đình và hàng xóm, quan trọng hơn hết là giữ lòng tự trọng, giữ sạch sẽ cho tinh thần. Người không xả rác ngoài đường phố, thường là người không xả rác trong tâm hồn mình.

Ngày tôi rời khỏi Sài Gòn về lại Mỹ, vẫn còn thấy bầy chim cánh cụt kêu van, tôi bay lên với lòng hy vọng, “Hãy cho tôi rác,” sẽ từ tốn sạch hóa tâm hồn của dân tôi, một ngày nào đó, một ngày của hoan nghênh. Bạn đọc đừng nghĩ rằng tôi đang hư cấu.

Sự thật là chúng ta vẫn thường nghe lời than phiền, mỉa mai, đôi khi mắng mỏ về xứ Việt dơ bẩn, nhiều rác rưởi, hôi hám, thiếu vệ sinh, nhưng nhức nhối hơn nữa khi nghe động chạm đến “rác rưởi tâm hồn.” Gian manh, lừa lọc, mánh khóe, là những loại rác tinh thần; một loại rác độc hại khác là hối lộ. Một dân tộc mà chỉ còn một số ít người sạch sẽ từ trong ra ngoài, nghe không đáng buồn sao? “Hãy cho tôi rác ngoài đường phố” rồi “Hãy cho tôi rác trong tâm hồn bạn”, phải chăng là điều đáng mừng?

Ai nghĩ ra hoặc bắt chước đâu đó phong trào chim cánh cụt xin rác, tôi ngưỡng mộ nhân vật này. Những tâm trí như vậy nay đã về đâu?

 

image

 

Tháng 5 năm 2024 vợ chồng tôi trở về Việt Nam trong chuyến đi ngắn hơn, từ Đà Nẵng về Sài Gòn, băng qua những ngày xưa thân ái, những thời thơ mộng, những tháng năm khốn khổ, vân vân, vù vù một giấc mơ sắp đến hồi thức dậy.

Suốt hành trình đó, không còn thấy một con chim cánh cụt nào, 14 năm sau, chúng đã đi đâu? Trốn về nơi băng tuyết? Bầy chim hy vọng đang kêu van ở nơi nào? Xin cho tôi rác, sao rác vẫn còn đầy khắp nơi? Hay chính bầy chim này đã tàn rụi thành rác? Đang ngồi trên chuyến xe đò ngấp nghé trên quốc lộ 1 ở đầu ngõ vào Nam, tôi chợt nghĩ ra: Có cánh chim hy vọng nào cụt đâu? Nếu cụt, làm sao bay cao chở theo niềm hy vọng? Bầy chim cánh cụt không phải kêu van mà khóc than vì rác không xả vào chúng mà rác phơi phới tung tăng trên đường dài phố ngắn. Lòng cảm thấy nặng nề.

 

image

 

Rồi thật bất ngờ, khi xe đổ chúng tôi xuống Thanh Đa tìm thăm người quen đã hẹn. Đi bộ dọc đến một góc đường tôi gặp lại cố nhân. Một con chim cánh cụt trắng đen, bạc thếch màu thành xám nằm lăn trong đống rác cao, lấp ló nửa người, miệng vẫn mở to. Nó kêu gì đây? Tôi không đoán ra. Tôi vội băng qua đường. Bỏ lại sau lưng thứ gì đó đầy cảm giác.

Bạn đọc đừng nghĩ là cảm giác thất vọng, cảm giác mà tôi đã có là hy vọng.

“Một cái đầu trống rỗng không thực sự trống rỗng; nó chứa đầy rác rưởi. Do đó, rất khó để nhồi nhét bất cứ thứ gì vào một cái đầu trống rỗng.” (An empty head is not really empty; it is stuffed with rubbish. Hence the difficulty of forcing anything into an empty head.) Eric Hoffer nói câu này, khiến tôi kinh sợ và biết rác tinh thần tai hại như thế nào. Đặc biệt, Hoffer cho chúng ta biết, khi đầu óc trống rỗng, sẽ là nơi rác tụ họp. Khi rác đã đầy trong não thì không còn có thể thu nhận được ánh sáng.

Khi vợ chồng chúng tôi rời Sài Gòn, quê hương tôi vẫn còn nhiều rác, nhất là loại rác độc hại càng ngày càng nhiều, càng dày. Nhưng, không giống các thế hệ già: Trường Sơn giải phóng, các thế hệ trẻ, ít rác hơn, tươi sáng hơn, chẳng phải là điều đáng mừng sao?

Chúng tôi rời Sài Gòn đến Tokyo. Nhật được thế giới ca tụng là một nơi sạch sẽ ngoài đường phố và tinh thần tự hào Samurai. Nhà ở, nhà thuê, trong sân, sau vườn, ngoài đường, bên trái, nên phải đều sạch sẽ, không thấy rác. Nếu họa hoằn có một chút rác lạc lõng phất phơ, lập tức một bàn tay địa phương chụp lấy, cất vào túi, như lượm được tiền. Giữ gìn sạch sẽ đã trở thành tập quán sâu đậm của dân Nhật.

Làm sao chính quyền Nhật luyện tập người dân không xả rác? Dĩ nhiên là họ đã phát động phong trào giáo dục học đường và văn hóa dân tộc. Nhưng trước hết, dân Nhật đã có thói quen trọng vọng sự sạch sẽ, đơn sơ, ngăn nắp ngay từ phong cách quét sân, pha trà, làm việc. Tinh thần tự trọng của họ vừa cao độ vừa phẩm chất, do đó, rác không thể nào đến gần hoặc lang thang đây đó. Nhưng còn du khách thì sao? Đâu phải quê nhà của họ để gìn vàng giữ ngọc. Nhưng không dễ xả rác bậy, vì những ánh mắt nhân dân khắp nơi rình rập. Người du lịch cầm rác trên tay sẽ cảm thấy xấu hổ nếu không bỏ rác vào thùng rác, sẽ cảm thấy sợ hãi nếu muốn thả rác vào một góc đường, chậu cây nào đó vì có khả năng bị phát giác ngay lập tức. Ở Nhật, nếu có rác trên tay, thường thường bỏ ở đâu? Đa số trường hợp, bỏ vào túi quần hoặc xách tay. Cái bí quyết giữ thành phố sạch sẽ là không có thùng rác. Kiếm thùng rác ở Nhật khó như kiếm khủng bố. Có thùng thì bỏ rác. Không có thùng thì không bỏ rác. Chỉ đơn giản là như vậy. Mỗi người phải tự thanh toán rác của mình, hoặc ngay từ đầu đừng tạo ra rác hay mang theo rác. Mỗi lần đi dạo chơi, tôi mang rác về, bỏ vào thùng rác ở khách sạn.

Ít ai nghĩ đến việc trị rác bằng cách không có thùng rác. Không có nơi nào che giấu hoặc thừa nhận cái xấu, rác tinh thần, thì mỗi người phải tự thanh toán rác của mình, để tâm hồn được sạch sẽ. Phải chăng là một phương trình? Một cách trị rác tinh thần?

Khó ai ngờ Tokyo là thành phố quạ. Những hôm thức dậy sớm, vợ chồng tôi đi săn quán cà phê ngon, lãng mạn với tinh sương, ngắm nghía những con đường ngang dọc, thám du vào những hẻm nhỏ cong lượn, hai bên nhà san sát, tạo ra cảm giác kỳ thú, nhưng ma quái hơn khi nghe tiếng quạ kêu lẻ loi, kêu từng bầy, kêu liên tục. Đặc biệt, tôi luôn nghe một tiếng kêu rất lớn, đều đặn, cảm tưởng như tiếng kêu của con quạ chúa hoặc con quạ đầu đàn. Tiếng của nó vang to đàn áp các tiếng quạ khác và điều khiển từng nhóm quạ bay lên, di chuyển đến chỗ khác. Tiếng quạ kêu chỉ có một âm “kua” ngang ngang, khàn khàn, rền rền, khiến tôi thoáng cảm nhận như mình đang hoang tưởng. Sự thật, quạ xuất hiện nhiều nơi ở Tokyo, suốt ngày, nhưng buổi sớm khi thành phố còn ngái ngủ, ít tiếng động, tiếng quạ nghe nổi bật như tiếng kinh cầu thần chết. Tại sao quạ có mặt tại Tokyo? Tôi đọc sách về thành phố này, điều nghiên nhiều chi tiết trước khi đi du lịch, chưa thấy ai nói đến bầy quạ cầu kinh buổi sớm. Chắc phải có lý do gì, tôi dự định sẽ phải tìm hiểu khi trở về Mỹ.

Sớm hôm đó, Tokyo nhiều sương mù. Hơi nước trắng đục lang bang lờ mờ những con hẻm sâu. Vẫn tiếng quạ lớn nhỏ xa gần khiến cảnh tượng như trong phim kiếm hiệp. Chúng tôi tiến vào con hẻm nhỏ, hy vọng một quán cà phê bình dân mở cửa sớm đón khách đi làm. Nơi đầu hẻm, chúng tôi nghe tiếng “kua” lớn, trầm, rền, chặp chặp vang lên, càng lúc càng gần. Mỗi khi tiếng này lồng lộng, các tiếng qụa khác kêu theo, rồi một bầy quạ khoảng mươi con bay lên rầm rập, kua, kua, kua… Vợ tôi hơi sợ sệt, nép, tôi đang tò mò, kéo. Trong đám mù hơi, một bóng người lùn, đi khập khiễng, tay cầm khúc gậy ngắn, quơ qua quơ lại. Kua, kua, kua, kua, ông kêu lên từng hồi, tiếng trầm trầm, rền rền của quạ chúa. Từng bầy quạ bay lên, đậu xuống, tưởng chừng khúc gậy kia có uy lực gì bí hiểm.

Chúng tôi nép lại bên lề, dưới hiên một quán ăn đóng cửa, nhường cho ông đi qua. Quơ quơ, khàn khàn, kua, kua, khập khiễng. Ông đúng nghĩa là người Nhật lùn mà tôi đã biết qua hình ảnh sách vở, nhưng y phục gần gũi với thợ thuyền. Ghi nhận hình ảnh sinh động kỳ quái này, cho mãi đến khi vợ chồng tôi tìm ra quán cà phê, ngồi uống, ngắm thành phố trở mình rầm rộ. Lúc đó, tôi mới nghĩ ra: Đúng là rác!

Ban đêm, các hàng quán đưa rác ra ngoài lề đường, sáng hôm sau xe chở rác đến thanh toán. Tuy nhiên, rác trong bao nhựa nhiều hơn thùng chứa và chính quyền không thể kỷ luật đàn mèo hoang, đám chó rong và xã hội chuột tung hoành về khuya. Chúng kéo ra chè chén, mở hội với các bao rác. Mùi hôi thúi từ rác vung vãi mời gọi đàn quạ đến tham dự điểm tâm giữa rạng đông. Kua, kua, kua, ông lùn kia là một trong nhóm người có nhiệm vụ xua đuổi bầy quạ không cho chúng lộng hành bới rác, trong khi chờ xe rác đến dọn dẹp.

Quạ ở Tokyo, quạ ở các thành phố, quạ là báo hiệu và nhân chứng của rác hiện diện. Rác cũng làm dơ thành phố Kyoto trong những buổi sớm, ít nhất trong khoảng thời gian chào đón bình minh.

 

image

 

Chúng tôi đi qua những khu phố khác, nhất là vùng có thể gọi là phố cũ, gần tòa nhà cao thứ nhì thế giới, những vùng đó, rác dọn không kịp, vẫn lăn lóc, chạy nhảy theo gió, khi chúng tôi dừng lại các ngã ba ngã tư. Cảnh tượng này dẫn đến ý nghĩ: Một thành phố sạch sẽ không có nghĩa là hoàn toàn không có rác, mà chỉ cần có nghĩa chính quyền và dân chúng địa phương ý thức và hành động tích cực dọn rác, nỗ lực không xả rác. Ý thức này không có ở Việt Nam. Đừng nói chi ngàn chim cánh cụt, ngàn con rồng cánh bay cũng không xin hết rác. Hết rác đến từ ý thức của chính quyền và người dân.

2. Rác hy vọng

Khi còn nhỏ, mẹ dạy, “giấy rách phải giữ lấy lề” và giảng giải rành rẽ ý nghĩa của câu nói. Ngoài giá trị, nghèo cho sạch, rách cho thơm, giữ lấy lề, giờ đây, còn cho tôi thêm một ý nghĩa khác, là đừng xả rác. Dù giấy có rách, đừng bỏ cẩu thả, hãy giữ lấy lề. Hãy giữ lề lối, đừng xả thứ xấu xa cho người khác, cho xã hội.

Rác chưa hẳn đã là đồ bỏ. Ngay xưa còn thô thiển, người ta nghĩ như vậy. Ngày nay, rác được gạn lọc thành những thành phần hữu dụng trước khi thực sự phế thải. Một số rác được cải thiện để tái dụng. Một số rác được chế thành thực phẩm cho thú vật. Một số rác được chế biến thành phân bón cho rau cỏ. Phần còn lại, chưa có cách nào hơn, chính thức là rác vô dụng. Quá trình rác vật lý đã như vậy. Rác tinh thần có thể nào cải thiện, tái chế, tái dụng? Có một nhà văn đã nói với tôi, ganh tị tài năng viết lách là chuyện bình thường, nhưng đừng ganh tị với các nhà văn đồng trang lứa, hãy ganh tị với những nhà văn đã lãnh giải Nobel. Vị linh mục hướng dẫn tôi trong thời gian tu hành đã có lần khai mở tâm trí tôi bằng câu nói: Nếu phạm tội, hãy phạm tội nào tốt nhất.

Trong ý nghĩa đó, tôi đã nói, chúng tôi rời Sài Gòn với niềm hy vọng mới, vì:

Từ Đà Nẵng chúng tôi đi xe hơi dọc theo quốc lộ 1, quanh co theo bờ đại dương, ngắm cảnh thiên nhiên. Êm đềm qua Qui Nhơn, Gành Đỏ, hướng về Nha Trang. Ngang Vũng Rô, đột nhiên chúng tôi quyết định ghé lại xem bãi biển hoang dã nổi tiếng đẹp. Xe ngừng trên triền dốc, một con đường đất lài nửa vòng tròn dẫn xuống bãi cát nhỏ, nơi nước biển vập vồ sóng trắng. Từ trên cao nhìn xuống, nhìn ngang, mênh mông trời xanh, biển liền trời. Chúng tôi thấy một người nổi lênh đênh như cái phao trắng. Anh ta đưa tay chào. Không phải, anh ta đưa tay cầu cứu. Chết đuối, vợ tôi và cô en dâu la lớn. Có người chết đuốốối! Cứu người chết đuốốối. Mấy bà bán hàng rong, la theo, nhưng không một ai hành động. Tôi nhìn biển. Tôi nhìn tôi. Tôi nhìn tuổi già. Không thể. Ngoại trừ muốn cùng anh ấy đi cho có bạn đồng hành. Bỗng nhiên, một chàng trẻ khoảng 20 tuổi, cháu gọi tôi bằng ông dượng ngoại, cởi áo, chạy thật nhanh xuống con đường dốc, rồi phóng vào nước xanh, bơi cấp tốc đến nắm tay, kéo thân người vừa chìm xuống. Anh bơi giỏi, đưa người đuối sức đến gần bờ nhưng không vào được. Mỗi lần tưởng có thể vào, lập tức bị sóng lôi ngược ra. Cả hai bắt đầu trôi dạt. Một người khác trong xe đi với chúng tôi, anh gọi tôi bằng dượng, cởi áo, chạy, phóng xuống. Anh lặn sâu bên dưới rồi ra phía sau, giúp người cháu đẩy kẻ bị nạn vượt qua dòng nước ngầm. Khi cả ba vào đến bờ, cấp cứu, rồi nằm lăn ra cát thở dốc. Một mạng người, một ngẫu nhiên, hai can đảm, một cứu một người, một cứu hai người. Sống và chết khốc liệt nhưng thấy dễ dàng như đóng phim. Xe chúng tôi đến Nha Trang muộn hơn giờ dự định.

Đổi tiền ở tiệm vàng, những tờ bạc mới hồng hồng xanh xanh hay dính vào nhau. Đi ăn chiều với gia đình, trả tiền, ra đến đường cái, anh phục vụ trẻ chạy theo, trả lại tiền vì hai tờ 500.000 dính nhau.

Ngồi uống cà phê bên đường, một bà cụ bán vé số ghé qua mời mua, thập thò sợ chủ quán la rầy. Dù tôi thường mơ trúng số nhưng ít khi mua vé số, nên cho bà cụ tiền, nhưng bà không nhận. Đành thôi mua vài vé số tặng cho người ăn xin ở một góc phố.

Đi nhậu với bạn cũ, khuya về say thấp cao, lên được giường khách sạn, coi như đêm may mắn. Sáng hôm sau, anh phục vụ mang lên phòng chiếc điện thoại mà tôi đã đánh rơi trên xe Grab đêm qua. Sáng tinh sương, anh tài xế trẻ đã lái từ Bình Thạnh đến Bến Thành để trả cho ông già say chiếc điện thoại bỏ quên. Tôi cố tìm anh ta để tối thiểu nói một lời cảm ơn mà không gặp.

Ở bất kỳ nơi nào trên thế gian đều có rác. Có người là có rác. Rác không phải là vấn đề. Xả rác mới là vấn đề. Xả rác là hành động của ý thức chọn lựa nơi nào để bỏ rác.

Một vài câu chuyện nhỏ làm chúng tôi quên đi đống rác rưởi để hy vọng một ngày nào đó, có thể còn rất xa, hy vọng không quá xa, dân tôi, quê tôi sẽ sạch sẽ bằng ý thức đừng xả rác bên ngoài và bên trong tâm hồn.

Comments are closed.