Tưởng nhớ Mai Sơn: ĐỌC NHƯ KẺ LỮ HÀNH: Trò chuyện với nhà thơ Giáng Vân

 (Lời Tựa cho cuốn Tiểu luận – phê bình – điểm sách Sự quyến rũ của chữ, Mai Sơn, NXB Văn hoá Văn nghệ, 2017)

 

Nhà phê bình bị câu chữ quyến rũ - Ảnh 2.

 

Nhà thơ Giáng Vân: – Thưa nhà văn Mai Sơn, anh có một phương pháp nào cho việc đọc không?

Mai Sơn: – Tôi thích đọc cả âm nhạc (xét như một văn bản), tiểu thuyết, thơ và biên khảo, đặc biệt là triết học, nên thật khó nếu phải nói về một phương pháp đọc nào đó cụ thể; nói chung, tôi có một định tinh quan tâm mà các loại đọc kia là những hành tinh phải quay chung quanh nó, đó là sự sâu sắc và cái đẹp hiếm gặp nhưng lại rất gần gũi với tôi. Như một đứa trẻ con được thầy giáo và người lớn dạy bảo, tôi phải tìm mọi cách đọc để nhớ lâu, hiểu sâu và có thể truyền đạt cho người khác những gì hay nhất có thể. Cái cực kỳ hệ trọng là làm sao để tát cạn cho hết những điều tinh túy nhất có trong cuốn sách. Nỗ lực hết mình có thể gọi là phương pháp không?

Giáng Vân: – Sự rỗng của tâm thức là trạng thái tuyệt vời cho tiếp nhận, cụ thể hơn ở đây tôi muốn giới hạn là ở sự đọc, rất mâu thuẫn với các loại tiêu chí, chuẩn mực, các kinh nghiệm, các thước đo, các định dạng văn học, anh có nghĩ như vậy không?

Mai Sơn: – Không thể có một tâm thức rỗng hoàn toàn. Chỉ có thể là những gì vốn định hình bắt đầu mờ đi, và ta bắt đầu đón nhận một cái gì mới mẻ. Một cuốn sách hay tự động làm cho ta thấy mình như khách lạ bước vào thế giới của nó; nếu thấy thế giới đó quen thuộc quá, thì không đọc cũng không sao; giống như nghe lại một bài hát cũ vậy.

Giáng Vân: – Một khi người ta chứa đầy ắp tri thức, làm thế nào để khi ta đọc, những thứ đó không phi ra án ngữ các ngả đi ra thế giới của chúng ta?

Mai Sơn: – Không có đầu óc nào lại đầy ắp tri thức đến độ không còn có thể chứa thêm cái gì mới mẻ. Người ta chỉ tự ngăn cản mình đọc cái mới bằng sự tự đắc ngu xuẩn mà thôi. Cũng có thể có một đầu óc đầy ắp tri thức liên quan đến công việc làm tương chao hay bánh tráng chẳng hạn, và họ không thèm đọc gì về các lĩnh vực đó nữa. Tương tự, chúng ta không nên đọc những cái quá dở, quá cũ, quá thấp trong lĩnh vực mà mình quan tâm hay quen thuộc.

Giáng Vân: – Và khi không có tri thức, người ta có đọc dễ hơn không? Vì sao dễ và vì sao không dễ?

Mai Sơn: – Lý tưởng nhất là có tri thức một nửa để hiểu mình đang đọc cái gì, và vô tri một nửa để luôn mở rộng tâm trí đón nhận cái mới lạ.

Thật đáng tiếc cho một người đọc hết sách kinh điển của Marx đã lờ đi một cuốn sách nhỏ viết dí dỏm về triết học của ông trong nhà sách, nếu anh ta không biết làm rỗng mình đi, tức là, nói theo ngôn ngữ Phật giáo, hư kỳ tâm. Vậy là có khi anh ta đã bỏ mất cơ hội đọc một cuốn sách hay. Tốt nhất là đóng vai một người lữ hành, ra bến xe khách, mua đại một chiếc vé nào đó, lên xe, không biết sẽ đi về đâu.

Giáng Vân: – Sự đọc cho anh những gì trong công việc nghiên cứu, và cho công việc sáng tạo?

Mai Sơn: – Về triết học, khi hiểu một điều gì đó sâu xa ghê gớm, mình cảm thấy trí óc mình bừng sáng, và nói thật, lúc đó mình vững tin mình là con người vì đã hiểu được những chân lý có tính phổ quát. Về văn học, đọc được một cái gì thực sự thú vị mới mẻ, nó luôn kích thích, làm mình cảm thấy bứt rứt khó chịu, muốn cầm bút lên ngay.

Giáng Vân: – Anh có bị những cái bóng trùm lên không? Nếu ai đó bị những cái bóng trùm lên thì họ phải thoát ra bằng cách nào?

Mai Sơn: – Có. Đọc họ chỉ muốn ném bút cho rồi. Nabok, William Faulkner, Milan Kundera, Orhan Pamuk… là những bóng ma. Họ làm bá chủ thế giới của mình rồi. Nhưng choáng một hồi thì sau đó thấy vẫn còn những rẻo đất chưa ai chiếm lĩnh, và hình như chỗ đó dành cho mình. Không cần phải cố gắng thoát ra khỏi những cái bóng đó, thậm chí nên đọc thêm để thấy họ đang ở đâu, và mình đang ở đâu, và mình chưa đến nỗi tệ. Và hình như những bóng ma ấy không dọa nạt mình mà khích lệ, thách thức mình viết nữa, vì họ thấy mình có cái gì đó cùng nòi.

Giáng Vân: – Là người đang làm việc ở một trường đại học, anh thấy những người trẻ bây giờ đọc thế nào? Câu chuyện đọc của họ có khác gì với câu chuyện đọc của anh? Anh có thể kể một vài câu chuyện về họ không?

Mai Sơn: – Sự khác biệt là rất đáng nói. Họ đọc những câu chuyện có mang theo những thông điệp cụ thể, quan thiết đối với bản thân họ. Họ thực dụng. Nhưng đó là điều tất yếu. Vì xã hội không cho họ không gian để mơ mộng, để lãng mạn, thậm chí tôi có cảm giác họ không có được một giây để quên mình đi. Trái lại, xã hội tước đoạt của họ quá nhiều, từ môi trường đạo đức, lý tưởng văn hóa, đạo đức hành xử, sự an toàn trong đời sống hàng ngày. Xã hội gây cho họ quá nhiều áp lực. Vậy nên, họ đọc để tìm sự an ủi, hoặc tìm kiếm “vũ khí” để chiến đấu với cuộc đời, chứ không phải để làm giàu có tâm hồn, tâm thức. Đọc phải ra tấm ra món, phải bỏ túi được càng nhiều kiến thức chắc chắn càng tốt. Cái đọc không còn là quà tặng của cuộc sống nữa. Và hình ảnh người đọc sách không còn là kỳ quan của trái đất để ta đem tặng cho các hành tinh khác.

Cái đọc của tôi rất phi thực dụng, rất trừu tượng, càng lớn tuổi lại càng cần những cái trừu tượng, không hẳn là những cái siêu hình hay tôn giáo gì đâu. Ngay cả khi đọc những tiểu thuyết hiện thực, mình cũng chỉ nắm bắt được cái phi thực của nó. Mà suy cho cùng, văn chương thứ thiệt là phi thực, là thế giới thứ hai. Một nhà văn bất tài thì có viết về cái giả tưởng, huyễn tưởng, huyền ảo đi nữa, đọc vẫn thấy “thật thà như đếm”; ngược lại nhà văn thứ thiệt viết tới viết lui loanh quanh một con ngựa thôi, như Norman Mc Carthy chẳng hạn, vẫn thấy mê hoặc như đang chiêm ngưỡng con ngựa mẫu trên thế giới lý tưởng của Plato. Ngoài ra, càng ngày mình càng đọc trong tinh thần phê phán, cốt để loại bỏ tạp chất, rút ra tinh chất. Đọc kỹ, rất kỹ, nhưng không hy vọng chia sẻ được với ai cả. Vì cái đọc ngày càng có tính cá nhân, thậm chí như một nghi lễ với chính mình. Để khi mình lìa đời, hy vọng mình chỉ còn là một khối tinh thần thuần túy được tạo nên bởi ý tưởng.

Nhưng mặt khác, tôi có thể tìm thấy những câu trả lời cho những thắc mắc ghê gớm của riêng tôi bằng cách đọc thơ, trong đó có thơ của các tác giả Việt Nam.

Comments are closed.