“Việt và Nam” qua góc nhìn của Trương Minh Quý

Tarik Khaldi phỏng vấn đạo diễn Trương Minh Quý, đăng trên website của Liên hoa phim Cannes ngày 22/5/2024

Đỗ Hồng Nhung dịch

 

image

Việt và Nam

 

Liên hoan phim  Cannes hỗ trợ thế hệ nhà làm phim mới từ khắp nơi trên thế giới. Một trong số đó là Trương Minh Quý, người phát triển phim Việt và Nam vào năm 2022, nhờ sáng kiến của Cinéfondation Atelier. Có tên trong hạng mục Un Certain Regard năm nay, phim đưa chúng ta đi sâu 1000 mét dưới lòng đất, nơi hai người thợ mỏ chứng kiến tình yêu của họ dành cho nhau bị thử thách bởi mối đe dọa lưu đày.

 

* Điều gì đã truyền cảm hứng cho anh thực hiện bộ phim này?

Cuối năm 2019, sau khi chuyển từ Việt Nam sang Pháp, tôi bắt đầu ghi lại những ý tưởng đầu tiên cho Việt và Nam. Có lẽ lần đầu tiên nếm trải mùa đông lục địa dài và cô đơn đã khơi dậy trong tôi niềm khao khát được làm một bộ phim về cảnh ly hương. Khoảng cách vật lý giữa tôi và quê hương dần dần được lấp đầy nhờ những câu chuyện đa dạng của đất nước – hiện thực, ký ức và trí tưởng tượng thần thoại. Tất cả được chuyển tải vào phim theo nhiều cách khác nhau. Có lẽ, viết kịch bản cho phim này là một cách để tôi trở về nhà trong suy nghĩ. Và có khi dòng suy nghĩ cuốn tôi trôi vào vết thương hở.

* Xin anh mô tả phương pháp làm việc của mình và bầu không khí trên phim trường.

Trong quá trình tìm kiếm bối cảnh và casting, tôi cố gắng tiếp thu nhiều nhất có thể. Đó là lúc tôi điều chỉnh kịch bản phim sao cho phù hợp với khả năng thực tế nhất. Ví dụ: đối với các bối cảnh trong phim này, tôi đã thử tìm những địa điểm có lịch sử sống, màu sắc, kết cấu… của riêng nó, rồi tôi điều chỉnh mise-en-scène [sự sắp xếp mọi thứ trước máy quay – chú thích của người dịch] để phù hợp một cách tự nhiên với các địa điểm đó. Làm như vậy cũng kinh tế.

Chúng tôi đã quay Việt và Nam trên phim Super 16mm, với màn hình nhỏ, độ phân giải thấp và không thể phát lại. Vì vậy, phần lớn thời gian, đoàn làm phim dàn dựng các cảnh quay mà chỉ được đánh giá chúng bằng mắt thường. Đây là một trải nghiệm mới mẻ đối với đa số, đặc biệt là đội mỹ thuật. Nhịp điệu làm việc khá bình lặng, có nhiều buổi diễn tập. Sở dĩ nhịp điệu làm việc như vậy là do dàn diễn viên không chuyên nghiệp, cần có thời gian để lột bỏ dần sự cứng nhắc, ngại ngùng của họ.

Tôi cảm thấy việc quay phim đã định hình trong quá trình tiền sản xuất, trước khi máy quay chính thức làm việc; nó giống như một mối quan hệ yêu đương đã thực sự bắt đầu thậm chí trước khi hai người gặp nhau. Đó là lý do tại sao tôi thấy khoảng thời gian này thật tự do, táo bạo nhưng đồng thời cũng đầy rủi ro và khó khăn.

* Hãy chia sẻ đôi lời về dàn diễn viên của anh.

Hầu như toàn bộ dàn diễn viên đều chưa từng đóng phim trước Việt và Nam. Họ vô cùng kiên nhẫn với tôi và quá trình làm phim. Nhiều người đã tham gia một số khóa đào tạo và nỗ lực tập luyện trong vài tháng. Lê Viết Tụng, người đóng vai cựu chiến binh trong phim, ngoài đời là một cựu chiến binh thực sự, bị mất cánh tay trong chiến tranh. Anh ấy có máu nghệ sĩ bẩm sinh, dễ dàng đứng trước ống kính, diễn như không diễn.

* Anh muốn mọi người nhớ đến điều gì từ bộ phim của mình?

Nổi lên xuyên suốt bộ phim là một nỗi buồn thấm thía, cảm giác tràn ngập trái tim ta vào ngày cuối cùng, khi ta phải nói lời chia tay với một nơi hoặc một người mà chúng ta yêu hoặc không yêu. Với cảm giác của ngày cuối cùng, một tia nắng mỏng manh trên bức tường bụi bặm cũng tỏa ra nỗi sầu muộn khôn kham. Với cảm giác của ngày cuối cùng, một cái nhìn bình thường cũng trở thành ánh mắt khao khát. Với bộ phim này, tôi muốn đưa khán giả lặn sâu hơn vào sự phức tạp của tâm hồn con người, nơi chúng ta có thể cảm nhận và lắng nghe những rung động yếu ớt của một linh hồn không thể nói thành lời: ở đó, giữa biển cả bao la, chúng ta cảm nhận rõ ràng rằng tâm điểm của sức mạnh thôi thúc ta ra đi nằm ở khát vọng quay trở lại. Để trở về thăm nhà theo cách khác và nói: “Mẹ ơi, con về rồi”.

* Anh học được gì trong quá trình làm bộ phim này?

Giống như tiêu đề bộ phim của Fassbinder, Nỗi sợ hãi ăn mòn tâm hồn, tôi đã học được rằng nỗi sợ hãi, lo lắng cô đặc và hiện hữu thường xuyên đến nỗi chúng được coi như yếu tố hiển nhiên của quá trình làm phim. Tuy nhiên, chúng âm thầm làm suy yếu các quyết định của chúng ta, đôi khi khiến chúng ta mù quáng không nhìn thấy những điều rõ như ban ngày. Tôi đoán thách thức ở đây là giải phóng tâm hồn chúng ta khỏi những nỗi sợ hãi, vốn luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày, nhưng chỉ trở nên rõ ràng hơn do tính chất đặc biệt của việc làm phim.

 

image

Comments are closed.