Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ Miền Nam (kỳ 204): Y Vũ & Nhật Ngân: Tôi Đưa Em Sang Sông

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2022)

clip_image001

clip_image002

clip_image003

clip_image004

Tôi Đưa Em Sang Sông – Sáng tác: Y Vũ & Nhật Ngân

Trình bày: Khánh Ly

Nghe thêm:

Hoài Nam – 70 Năm Tình Ca (45) – Nhật Ngân

Đọc thêm:

Y Vũ – Nhật Ngân và Tôi đưa em sang sông

Bài 1:

Ai mới thật sự là tác giả

bài hát “Tôi đưa em sang sông”


Nguyễn Duyên
sưu tầm

Tôi đưa em sang sông là một bài hát hay, rất quen thuộc được nhiều người ái mộ trong thập niên 60. Thời học sinh sinh viên tôi cũng thích bài nầy vì giai điệu đơn giản – slow rock – lời hát chân thành  xúc cảm. Gần đây qua internet với nhiều tư liệu khác nhau cho thấy hai vị đồng tác giả của bài hát (Nhật Ngân và Y Vũ) đều phát biểu khác nhau về nguồn gốc bài hát. Nhật Ngân thì cho rằng bài nấy ông có cảm xúc sáng tác từ Đà Nẵng và đưa vào Sài Gòn nhờ nhạc sĩ Y Vân lăng-xê giùm. Còn nhạc sĩ Y Vũ (em Y Vân ) thì nói rằng bài hát được cảm xúc từ mối tình lãng đãng với một cô gái ở Sài Gòn…

Vậy không biết sự ra đời bài hát bắt nguồn từ đâu?

Mời quý vị xem tư liệu mà tôi sưu tập được để cùng nhận định, góp ý thêm một giai thoại về bài hát.

Trần Nhật Ngân, sinh năm 1942 tại Thanh Hóa và là con út trong một gia đình sáu người con. Vì thân phụ là một công chức thường phải di chuyển nhiều, nên Nhật Ngân cũng đã từng sống ở nhiều nơi: Huế và Đà Nẵng.

http://nguyenquocdong.vnweblogs.com/gallery/4781/NhatNgan.jpg

Vào khoảng cuối thập niên 50, bố ông đã qua đời, Nhật Ngân cùng mẹ vào Sài Gòn, theo chân các anh chị đã vào đây từ trước. Sau khi học hết trung học ở trường Võ Trường Toản và lấy được mảnh bằng tú tài, ông trở ra Đà Nẵng dạy nhạc và Việt văn tại trường Phan Thanh Giản. Trước đó, tại Đà Nẵng và Huế, Nhật Ngân đã đến với âm nhạc qua sự chỉ dẫn của các linh mục và sau đó ở Sài Gòn, qua sự hướng dẫn của những người thân trong họ là giáo sư âm nhạc và nhạc sĩ nổi tiếng như Đỗ Thế Phiệt và Nhật Bằng.

Theo lời tâm sự của Nhật Ngân, đáng lẽ ông đã trở thành một nhạc công vĩ cầm như người em họ là Nhật Hiền, nhưng vì gia đình ông quá nghèo, không mua nổi cây đàn cho ông. Do đó, ông đành quyết định thôi học. Vì lòng đam mê âm nhạc và nhất là nhờ ở khả năng thiên phú của mình, Nhật Ngân đã hoàn thành nhạc phẩm đầu tay vào năm 1960 khi ông mới 18 tuổi. Đó là một ca khúc tình cảm mang tên Tôi đưa em sang sông.

Về trường hợp ra đời ca khúc này, Nhật Ngân cho biết: khi trở về dạy học ở Đà Nẵng, ông có yêu một người con gái. Thời đó đối với các gia đình ở miền Trung là phải có chức phận thì họ mới gả con gái cho mình. Ông chỉ là người dạy học thôi, lại còn quá  trẻ, nên gia đình cô ấy không chịu gả. Và cô ấy đi lấy chồng. “Thật sự là ngẫu hứng thôi, tôi làm bài hát đó".

Mặc dù chưa có phương tiện phổ biến rộng rãi trong thời gian đầu, nhưng Tôi đưa em sang sông đã trở thành một ca khúc được giới học sinh, sinh viên Đà Nẵng rất ưa thích, chép tay truyền cho nhau hát.

Sau đó Nhật Ngân gửi ca khúc này vào Sài Gòn nhờ nhạc sĩ Y Vân phổ biến giùm, với sự sửa đổi một vài chữ trong bản nhạc cho hợp với đường lối của Bộ Thông tin lúc đó không cho phép phổ biến những nhạc phẩm ủy mị, ướt át. Câu "Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là cánh mây trôi bốn phương trời. Và đời em là cánh hoa thì bao người ước mơ, đưa đón trông chờ" được nhạc sĩ Y Vân đổi thành "Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là chiến binh đi khắp phương trời. Mà đời em là ước mơ đẹp muôn ngàn ý thơ, như ngóng trông chờ" cho phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh của đất nước.

Câu kết của bản chính là "Nàng đã thay một lối về, thay cả bàn tay đón đưa" cũng đã được Y Vân đổi thành "Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa." Sự thay đổi lời ca này đã khiến ông cảm thấy "hẫng" đi một chút, như lời ông nói, vì không đúng với tâm trạng của mình lúc đó chưa hề trải qua đời sống trong quân ngũ.

Hơn nữa, vì tác giả còn là một người chưa có tên tuổi nên cần nhờ tới một nhạc sỹ nổi tiếng đứng chung tên để Tôi đưa em sang sông đến với quần chúng dễ dàng hơn. Khi được phát hành, Tôi đưa em sang sông được ký tên bởi hai người là Trần Nhật Ngân và Y Vũ (theo Trường Kỳ -nhacvangonline).

Còn sau đây là lời tâm sự của nhạc sĩ Y Vũ (Y Vũ là tác giả bài Kim nổi tiếng năm 1964 với điệu twist sôi động qua tiếng ca của nữ hoàng nhạc twist thời đó – ca sĩ Túy Phượng):

Tôi sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên tại đất Sài Gòn náo nhiệt. Những ngày tháng thơ ngây tại trường trung học có lẽ không bao giờ phai mờ trong trí nhớ của tôi, bởi ở đó tôi đã để trái tim mình rung động trước cô bạn chung lớp tên Thanh. Tình yêu học trò trong sáng lắm, chỉ cảm nhận qua ánh mắt, nụ cười chứ đâu có dám ngồi gần, dám nắm tay. Những khi tan trường sóng bước bên nhau cũng không biết nói câu gì, chỉ biết… đá cái lon sữa bò khua vang đường phố.

Thanh là con một gia đình khá giả, có cây xăng ở ngã bảy Lý Thái Tổ. Còn tôi hồi đó chỉ có chiếc "xế nổ" hiệu Roumie ngày ngày đi học. Mỗi chiều khi thay ba ra trông cây xăng, Thanh lại nhắc tôi ra đổ xăng… chùa. Những ngày tháng đó với tôi thật hạnh phúc, lãng mạn. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, Thanh biến mất khỏi cuộc đời tôi vì một đám cưới ép gả với chàng bác sĩ. Hụt hẫng, chơi vơi, tôi uống chén đắng đầu đời và nếm trải mùi vị của "thất tình". Tỉnh cơn say vào 2 giờ sáng, tôi ôm guitare và thế là Tôi đưa em sang sông ra đời. Bài hát với giai điệu buồn da diết được coi là tài sản chung cho nhiều chàng trai lâm vào cảnh như tôi thời đó.

Mối tình đầu làm tôi trắng tay, nhưng nỗi bất hạnh ấy đem lại cho tôi xúc cảm để có được hai bài hát tâm đắc. Sau Tôi đưa em sang sông gắn liền với tiếng hát Lệ Thu, ca khúc Ngày cưới em lại thành công vang dội: "Hôm nay ngày cưới em, nào men nồng nào hoa thơm, nào môi hồng nào da phấn, khăn áo muôn sắc đua chen…".

Tôi là kẻ đa tình nhưng cũng rất chung tình. Trong đời tôi chưa lần nào phụ người. Khi yêu ai đó, tôi đều yêu hết lòng, sống hết mình. Nhưng rồi không hiểu sao tôi cứ bị ruồng bỏ. Tại tôi vụng về chăng? Tôi cũng tự vấn mình rất nhiều, nhưng rồi cũng không thể trả lời câu hỏi ấy được. Chỉ biết rằng, đời nghệ sĩ như tôi long đong, lận đận đến tận bây giờ, ngoài 60 tuổi mà vẫn chưa có một mái ấm gia đình. Sau mỗi đêm tại nhà hàng Arnold với công việc phụ trách âm nhạc, tôi lại cô đơn trở về căn phòng trọ. Nhưng dù thế nào thì cuộc sống vẫn tiếp nối; dù thế nào tôi cũng vẫn phải làm việc, sáng tạo và yêu thương.

Mỗi tác phẩm của tôi đều in dấu ấn của kỷ niệm, của nỗi niềm riêng. Ca khúc Kim được nhiều người yêu thích chính là ca khúc tôi viết tặng cô gái tên Kim có gương mặt buồn và gia cảnh thật đáng thương. Một năm sau ngày bài hát được tung ra, Kim đã mất vì bệnh tim.

(Tham khảo link http://my.opera.com /diemxuacafe/blog/show.dml/2402789).

Ghi chú: theo Chương trình phát thanh radio Australia: 70 năm tình ca trong Tân nhạc Việt Nam thì cho rằng bài Tôi đưa em sang sông là của Nhật Ngân (sở dĩ để tên Y Vũ vì nhạc sĩ Y Vân ghi tên em mình lên cho thu hút thính giả mà thôi).

Nguồn: https://www.vienamnhac.vn/bai-viet/nhac-moi/vai-cau-hoi-danh-cho-cac-nha-nghien-cuu-nhac-moi

Bài 2:

Nhạc sĩ Y Vũ: ‘Muốn lấy lại danh dự từ Tôi đưa em sang sông’

Dạ Ly

Chuyện tranh cãi ca khúc Tôi đưa em sang sông của tác giả Y Vũ hay Nhật Ngân từ trước đến nay vẫn chưa có hồi kết.

clip_image005

Nhạc sĩ Y Vũ

ẢNH: V.D

Mới đây việc nhạc sĩ Y Vũ trưng bằng chứng là bản viết tay ca khúc này được dư luận đặc biệt quan tâm. “Ca khúc Tôi đưa em sang sông do chính tay tôi viết một mình chứ không có ai tham gia thêm. Ngày trước tôi nghe lời anh trai mình (nhạc sĩ Y Vân – NV) nói rằng hãy thêm tên Nhật Ngân, lúc đó là học trò của anh, vào để cả hai cùng nổi tiếng và tôi đã làm theo. Thật lòng tôi không nghĩ hậu quả hay tranh chấp gì hết mà để tên rất vô tư. Ví như sau này nếu ai đó muốn tôi để tên chung bài hát tôi cũng giúp ngay, để vào không suy nghĩ”, nhạc sĩ Y Vũ nói với PV Thanh Niên về nguyên nhân sự xuất hiện 2 tác giả Y Vũ – Nhật Ngân trong bài hát này.

Nhạc sĩ Y Vũ tên thật là Trần Gia Hội (75 tuổi) sinh tại Hà Nội. Năm 1954 ông cùng gia đình vào nam sinh sống. Ông nổi tiếng với các ca khúc như: Ngày cưới em, Kim, Điên, Hận, Kỷ niệm chúng mình… đặc biệt là bài Tôi đưa em sang sông.

Tâm sự cùng chúng tôi, nhiều lần ông thở dài: “Chuyện tranh chấp bài hát này đã làm tôi thấy buồn phiền trong khoảng thời gian rất dài nhưng không thổ lộ được nên cứ ấm ức trong lòng. Hơn 1 tháng qua, tôi tìm được tập giấy tờ của bà cụ tôi (mẹ nhạc sĩ Y Vũ – NV) cất trong tủ sau khi bà qua đời, trong đó có bản thảo viết tay bài Tôi đưa em sang sông. Vì bài này tôi rất quý nên bà đã lưu giữ lại. Cũng nhờ tìm được bản viết tay nên tôi mới dám lên tiếng khẳng định”.

clip_image006

Bản thảo viết tay ca khúc Tôi đưa em sang sông

ẢNH: NVCC

Theo ông, giờ nhạc sĩ Nhật Ngân đã qua đời nên việc ông lên tiếng sẽ dễ gây hiểu lầm, nhưng ông buộc phải làm vì danh dự. Bao nhiêu năm qua ông không tranh cãi, trong khi ở hải ngoại Nhật Ngân đã nhận tiền tác quyền ca khúc này và ông không có đồng nào.

Nhạc sĩ Y Vũ cũng tiết lộ người con gái ngày xưa tạo nguồn cảm hứng cho ông sáng tác ca khúc Tôi đưa em sang sông tên Thanh, là mối tình đầu của ông. Cuộc tình không trọn vẹn do ông chưa có sự nghiệp, người yêu ông phải vâng lời gia đình theo chồng. Quá đau lòng vì mối tình tan vỡ, ông đã sáng tác nên ca khúc này.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi: “Thời gian qua ông không nhận được tiền tác quyền Tôi đưa em sang sông ở hải ngoại, còn các ca khúc khác thì sao?”, ông nói: “Đúng là tôi không được một đồng nào từ bài này, còn các bài khác tôi nhận đầy đủ không thiếu. Còn ở VN bài Tôi đưa em sang sông tôi nhận đủ tiền tác quyền”.

Trước khi kết thúc cuộc gặp, chúng tôi hỏi: “Việc ông lên tiếng khẳng định bài của mình thời điểm này với mục đích muốn lấy lại danh dự hay muốn đòi tác quyền?”. Ông trả lời như một lời tâm sự: “Tiền tôi cũng rất cần nhưng điều tôi cần hơn là danh dự. Thời gian qua tôi đã phải mang nỗi buồn này quá lớn rồi. Tôi biết Nhật Ngân mất rồi mình không nên làm lớn, nhưng đây là danh dự của bản thân tôi. Ở tuổi này rồi tôi còn bon chen gì nữa đâu…”.

Theo đại diện Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) khu vực phía nam: “Thời gian qua, ca khúc Tôi đưa em sang sông chúng tôi trả tác quyền theo cách chia đôi. Bài hát do khi đăng ký là đồng tác giả Y Vũ – Nhật Ngân nên chúng tôi căn cứ theo đó mà trả mỗi tác giả 50%”.

Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng (người có hơn 100 ca khúc được các trung tâm băng nhạc hải ngoại sử dụng) cho biết: “Tiền bản quyền ca khúc của tôi nếu như nhận tại Trung tâm Thúy Nga Paris là 23 triệu đồng/bài cho tất cả các chương trình biểu diễn, ghi âm, ghi hình. Các tác giả khác tôi nghĩ cũng nằm trong phạm vi đó, khoảng 18 – 23 triệu đồng/bài.

Nguồn: https://thanhnien.vn/nhac-si-y-vu-muon-lay-lai-danh-du-tu-toi-dua-em-sang-song-post711903.html

Comments are closed.