Hoạt động sáng tạo trong phong trào phản kháng của Myanmar

Các nhà hoạt động văn hóa Đông Á làm mạnh thêm cuộc phản kháng của họ bằng những hình ảnh từ phim ảnh, bài hát và meme[*]; thậm chí những mảng di sản đấu tranh của Nam Phi cũng tìm đường đến những con phố sôi sục của Myanmar.

Percy Mabandu, New Frame, 10 tháng Ba 2021

Hiếu Tân dịch

clip_image002

(Minh họa của Anastasya Eliseeva)

Một hoạt động sáng tạo đang bừng nở trên các đường phố đầy chặt những cuộc biểu tình phản kháng của Myanmar. Bên những chướng ngại vật và các cuộc đột kích của quân đội, một thế hệ nghệ sĩ mới của Myanmar đang xác định những cách thức mới cho việc dùng nghệ thuật và văn hóa để phục vụ phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ. Các nhà hoạt động văn hóa Đông Á đang chế ra một loại hỗn hợp sáng tạo có thể ứng tác, du nhập và tái tạo lại các hình ảnh từ Hollywood, âm nhạc và ‘meme để giữ cho cuộc chiến chống cuộc đảo chính quân sự trở nên sống động và đầy cảm hứng.

Vào ngày 1 tháng 2 năm 2021, người dân ở đất nước Đông Á này thức dậy trước những thông cáo quân đội đã giành quyền kiểm soát nhà nước. Quân đội, do Đại tướng Min Aung Hlaing lãnh đạo, đã lật đổ một chính phủ dân cử và đưa nhà lãnh đạo của nó, Daw Aung San Suu Kyi, trở lại quản thúc, cùng với các nhân vật cao cấp khác của đảng cầm quyền, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD).

Tatmadaw, tên gọi quân đội, đã biện minh cho cuộc đảo chính bằng cách đưa ra những cáo buộc về những bất thường trên diện rộng trong cuộc bầu cử mà NLD đã thắng lớn vào tháng 11. Người dân giận dữ tràn ra các đường phố. Trong số đó, các nghệ sĩ cá nhân, các tập thể sáng tạo và các cộng tác viên bắt đầu sử dụng nghệ thuật của họ để quảng bá những đòi hỏi dân chủ cho đất nước và đòi trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân sự đã được bầu.

Các truyền thống dùng nghệ thuật để phản kháng ở Myanmar cũng lâu đời như thiên hướng đàn áp của quân đội. Trong thực tế, quân phiệt Myanmar từ lâu đã coi nghệ thuật này là một mối nguy hiểm đáng sợ. Nó đã giam cầm các nhà thơ và họa sĩ, các ca sĩ nhạc rap và các nhà văn trong nhiều năm. Được biết, trong số nhiều người bị giam giữ trong các cuộc đột kích ban đầu của cuộc đảo chính có một nhà làm phim, hai nhà văn và một ca sĩ hát nhạc reggae.

Trong số đó có Ko Zayar Thaw, người đã giành được ghế quốc hội ở một quận từng được coi là thành trì của quân đội, và là thành viên của Generation Wave (Làn sóng thế hệ), một nhóm hip-hop đã từng thách thức chính quyền quân phiệt cũ bằng những lời ca châm biếm. Vì việc này anh đã bị ngồi tù nửa thập niên. Sau khi được trả tự do, anh gia nhập NLD khi tổ chức này ra tranh cử trong cuộc bầu cử phụ vào năm 2012.

clip_image004

Ngày 14 tháng 2 năm 2021: Một nhóm thanh niên tham gia biểu diễn hip-hop với chủ đề chống đảo chính trước bức vẽ graffiti mô tả kiểu chào ước lệ bằng ba ngón tay ở Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar. (Ảnh của Hkun Lat / Getty Images)

Việc quân đội nắm quyền lực hiện nay và việc người dân dám đòi lại nó thông qua biểu tình đã nhắc nhiều người nhớ đến phong trào ủng hộ dân chủ năm 1988. Một thế hệ các nhà hoạt động mới đã quay lại thời kỳ lịch sử đó để tìm kiếm những bài hát phản đối. Đặc biệt, ba bài hát của phong trào ủng hộ dân chủ năm 1988 đang tìm thấy những tiếng nói mới.

Một là Lời thề máu, được viết bởi ca sĩ kiêm nhạc sĩ Htoo Ein Thin, một cựu sinh viên hoạt động lưu vong sau cuộc nổi dậy năm 1988 và tham gia Mặt trận Sinh viên Dân chủ Toàn Burma (Myanmar). Bài kia là ‘Chúng ta sẽ không đầu hàng cho đến ngày tận Thế’ (We Shall Not Surrender Till the End of the World), được xây dựng trên giai điệu của bài hát được ưa chuộng ‘Gió Bụi’ (Dust in Wind) năm 1977 của băng nhạc rock Mỹ Kansas. Đã lan truyền nhiều băng video về những người biểu tình hát bài hát này. Một bài hát khác là ‘Cố lên Mi Nge’ (Encourage Mi Nge), nghe nói đã được nhiều tù nhân chính trị sử dụng để động viên nhau khi ở trong tù. Nó là tác phẩm của nhạc sĩ huyền thoại Ko Ne Win.

clip_image006

Ngày 17 tháng 2 năm 2021: Những người biểu tình tập hợp trên một con phố sầm uất ở Yangon với thông điệp trên mặt đường bày tỏ thái độ của họ đối với cuộc đảo chính quân sự. (Ảnh của Hkun Lat / Getty Images)

Hiệu ứng Hollywood

Việc đưa văn hóa đại chúng vào để giữ cháy sáng ngọn lửa cách mạng đã tỏ ra có một sức mạnh bền vững trong phong trào vì dân chủ của Myanmar. Khi cuộc đàn áp của quân đội trở nên giết người nhiều hơn, những người biểu tình đã cố gắng giữ vững lập trường của mình bằng những bài ca chiến đấu. Có thể nghe thấy sinh viên, y tá, người sáng tác và những người lao động khác được sắp xếp theo hàng và được che chắn đằng sau những chiếc khiên bằng gỗ tự chế, đang hô vang theo nhịp: “yibambe”, một cụm từ isiXhosa có nghĩa là “giữ chặt”.

Một phần di sản đấu tranh của Nam Phi đã tìm thấy đường đến những con phố sôi sục ở nước Đông Á này qua một cảnh trong bộ phim bom tấn của Hollywood ‘Black Panther’. Bản thân nó là sự tái hiện một bài hát phản đối phổ biến được hát theo kiểu “hô – ứng”. Một người hô lên, “Ayi hlale phantsi’ ibambe uMthetho [Hãy ngồi xuống và giữ hàng]”, mọi người đáp lại bằng cách lặp lại câu ấy. Bài hát này được sử dụng để làm dịu cơn thịnh nộ hoặc để giúp những người biểu tình khi cuộc tuần hành phản đối đang sôi sục.

clip_image008

Ngày 28 tháng 2 năm 2021 trong cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo động ở Yangon những người biểu tình mang những chiếc khiên tạm trên đó có vẽ biểu tượng ‘chào ba ngón tay’ (Ảnh của Hkun Lat / Getty Images)

Trong một trường hợp khác về những người biểu tình áp dụng các biểu tượng của Hollywood để phục vụ các cuộc đấu tranh trong đời thực, những người biểu tình ở Myanmar đã sử dụng kiểu chào bằng ba ngón tay. Cử chỉ này được lấy từ phim Hunger Games. Được thực hiện bằng cách cụp ngón út và ngón cái trong khi giơ cao các ngón đeo nhẫn, giữa và trỏ, kiểu chào bằng ba ngón tay đã trở thành một biểu tượng mạnh mẽ của sự phản kháng trên khắp địa phương này.

Trước đó nó đã được sử dụng trên khắp các thành phố ở Thái Lan. Những người biểu tình Thái Lan tập hợp sau động tác chào bằng ba ngón tay để yêu cầu cải cách chế độ quân chủ của đất nước, viết lại Hiến pháp do quân đội soạn thảo, đòi giải tán Quốc hội và tổ chức các cuộc bầu cử mới. Quân đội Thái Lan đã phản ứng bằng cách cấm sử dụng kiểu chào này. Hiện nay nó nổi lên như một biểu tượng của sự đoàn kết của những người biểu tình vì dân chủ ở Myanmar.

clip_image010

Ngày 9 tháng 2 năm 2021: Hình ảnh của kiểu chào bằng ba ngón tay, mà những người biểu tình đã áp dụng như một biểu tượng phản kháng, được chiếu trên một tòa nhà trong một cuộc biểu tình đêm ở Yangon. (Ảnh của Reuters / Stringer)

Sự hội tụ của văn hóa đại chúng, nghệ thuật và những hình ảnh phản kháng trên những hàng người biểu tình có một lịch sử lâu đời. Trong ký ức gần đây, sự đồng hóa ngoạn mục nhất của các nhân vật và biểu tượng phản đối lấy từ Hollywood là với bộ phim “V biểu tượng Trả thù máu” (V for Vendetta) năm 2005. Các chủ đề chống tham nhũng của nó đã được thu hút vào nhiều phong trào khác nhau trên khắp thế giới.

Bộ phim dựa trên truyện tranh cùng tên của DC Comics năm 1988 của Alan Moore và David Lloyd. Phim kể về câu chuyện của một nhân vật chính tên là V, một nhà cách mạng đeo mặt nạ Guy Fawkes trong chiến dịch của ông chống lại các thành viên quyền lực và tham nhũng của tầng lớp thống trị. Những kỳ tích trên màn ảnh của ông đã cho thấy chiếc mặt nạ Guy Fawkes bằng chất dẻo của ông đã được các nhóm như Những kẻ nặc danh, Phong trào Chiếm lĩnh, những người biểu tình vì dân chủ ở Hồng Kông và nhiều nơi khác nữa… sử dụng rộng rãi như một biểu tượng chống phát xít.

clip_image012

Ngày 6 tháng 3 năm 2021: Một người biểu tình đeo mặt nạ ‘V for Vendetta’ trong cuộc biểu tình ở Yangon chống lại cuộc đảo chính, bắt đầu vào ngày 1 tháng 2 khi quân đội chiếm quyền kiểm soát. (Ảnh của Stringer / Anadolu Agency qua Getty Images)

Khi những người hoạt động văn hóa trên khắp Myanmar ngày càng hào hứng góp tiếng nói của mình cho chính nghĩa, những hình ảnh của các biểu tượng được chiếu lên các tòa nhà lớn bắt đầu xuất hiện vào ban đêm trên khắp Yangon, thành phố lớn nhất của đất nước. Chúng có thiết kế kiểu chào bằng ba ngón tay, chim bồ câu hòa bình và khuôn mặt tươi cười của nhà lãnh đạo bị hạ bệ, Aung San Suu Kyi.

Trong một chiến thuật khác, các nhà thiết kế đồ họa và họa sĩ đã sử dụng internet để truyền bá nghệ thuật chống lại chính quyền quân phiệt. Nhiều thành viên của các tập thể nghệ thuật trực tuyến đã đổ dồn lên các trang web như Threefingers.org, tại đó họ đã đưa ra các thiết kế chống đảo chính của họ để tải xuống miễn phí. Điều này cho phép những người biểu tình in chúng ra dưới dạng bảng hiệu, nhãn dán hoặc áo phông.

Myanmar và meme

Các nhà sáng tạo ở Myanmar cũng đã sử dụng meme và sự hài hước lật đổ làm công cụ đấu tranh. Những hình ảnh này cũng đã được loại bỏ khỏi những ấn tượng trực tuyến của chúng và được sử dụng làm bảng hiệu và áp phích in trên hàng người biểu tình.

Những ‘meme’ này có những tính cách quen thuộc như Pepe the Frog, được thông qua vào năm 2016 như một biểu tượng của phái cực hữu Hoa Kỳ. Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông cũng đã sử dụng nó trong cuộc đấu tranh của họ.

Ngoài ra còn có các áp phích với meme Doge và Cheems của hai con chó ồn ào dùng gậy bóng chày đập vào nhau – mặc dù nó ngày càng được áp dụng để đưa ra các loại tuyên bố khác.

Việc sử dụng nghệ thuật trong cuộc đấu tranh cho tự do cũng lâu đời như việc nhân loại đòi tự do. Trong khi máu nhuộm đỏ các đường phố Myanmar khi quân đội giết hại những người biểu tình, một thế hệ các nghệ sĩ đang tìm ra những phương pháp sáng tạo để nói lên khao khát tự do của mình.

clip_image014

Ngày 16 tháng 2 năm 2021: Một nhóm người biểu tình trẻ biểu diễn trong cuộc biểu tình chống đảo chính trước đại sứ quán Hoa Kỳ tại Yangon. (Ảnh của Hkun Lat / Getty Images)


[*] Meme: đọc là ‘mim’: sự lan truyền hình ảnh, từ ngữ, cử chỉ, biểu tượng… theo cách mô phỏng như kiểu các ‘gen’ tự sao chép – Người dịch.

Comments are closed.