Khán phòng Âm Nhạc Chiềng Đi – Một dấu son trong lịch sử âm nhạc Việt Nam

Trịnh Lữ

Là tôi nghĩ thế.

Thứ nhất: Đây là là khán phòng âm nhạc do một nghệ sỹ dương cầm Việt Nam tự lực xây dựng với sự ủng hộ và tham gia nhiệt thành của nhóm nghệ sỹ cộng sự, chính quyền và cộng đồng các dân tộc thiểu số tại bản Chiềng Đi, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, nhằm hai mục đích rất rõ ràng: góp phần bảo tồn và phát huy di sản âm nhạc bản địa; và khởi xướng, thúc đẩy một giòng chảy âm nhạc mới với cảm hứng và hồn cốt dân gian Việt Nam trong hình thức và với phương tiện nhạc cụ của âm nhạc cổ điển Tây Phương. Với hai mục đích ấy, khán phòng cũng có thể trở thành nơi giao lưu của âm nhạc quốc tế và âm nhạc Việt Nam, cổ điển và hiện đại.

Thứ hai: Trên một đỉnh núi bao quanh bởi thung lũng đào và mận, ở độ cao gần 1000 mét, Khán phòng Âm nhạc Chiềng Đi được thiết kế (mà không có bản vẽ nào, hoàn toàn làm đến đâu nghĩ đến đấy của người nghệ sỹ dương cầm không biết sợ là gì kia) có sân khấu mà nền phông có thể mở hết ra cảnh núi rừng phía bên kia thung lũng đào mận. Hai bên cánh gà có thể mở rộng hết cả chiều sâu của sân khấu với giải pháp “cửa liếp” chống lên rất dân giã, đơn giản, mà thuận lợi cho những màn thực cảnh đặc biệt của người Dao, người Mông… Chỗ khán giả ngồi thì theo từng bực lên theo sườn núi tự nhiên, với những nệm ngồi cá nhân có lưng dựa thoải mái, mà giản dị, thân mật, chân tình. Lối dùng rèm vải, mái lá cọ, vách gỗ, tường bao xây gạch trát vữa bằng tay không cần “mặt trơ trán bóng” rất có duyên. Trang trí tối giản, chỉ cần một khoảng sân cỏ trồng hoa, vài tảng đá có thể dùng để làm nơi cúng thiên địa theo truyền thống địa phương; một cánh cửa gỗ của người Thái có khắc hình đầu trâu, lối đi lát đá chỉ cốt không lầy lội… Vì cảnh chung quanh đã đầy hoa lá tự nhiên bốn mùa đua nở. Hơn nữa, theo sườn núi, bên dưới khán phòng được làm thành một dẫy sảnh để triễn lãm tranh, tượng… Nối với một nhà bếp đúng kiểu người Dao, có lửa củi, chảo gang cỡ đại, ống khói đắp đất, nơi khán giả được mời xuống thưởng thức rượu mận hâm nóng với đủ mọi thứ nhắm đặc sản địa phương. Ngay trong gian đầu tiên của khu triển lãm này cũng có một lò lửa có ống khói để người xem có thể quây quần trò chuyện với li rượu nóng những ngày mây mù lạnh giá trên núi cao. Quả thật, một không gian như vậy khiến người lãng mạn thấy ngay cả Nhà Hát Lớn ở Hà Nội có vẻ trưởng giả xa lạ hẳn. Khán phòng Chiềng Đi, với tôi, là một tác phẩm kiến trúc thực sự có giá trị đặc biệt. Nó không được xây dựng để thi đấu kiến trúc với ai. Nó hiện hình vì tình yêu âm nhạc và bản năng thích ứng tự nhiên tối giản của một tâm hồn Việt Nam.

Thứ ba: Buổi diễn khai trương ngày hôm qua, 2/3/2024, đã như một dấu son khẳng định sự ra đời chính đáng của Khán phòng Âm Nhạc Chiềng Đi. Đội ngũ của người nghệ sỹ dương cầm, bao gồm từ nhạc sỹ, hoạ sỹ, nhà báo, bác sỹ, kỹ sư, chuyên gia âm thanh, ánh sáng, thợ nề thợ mộc thợ xây thợ hàn thợ điện… Rồi cả đông đảo người già người trẻ các dân tộc Dao, Mông, Thái… đã ở Chiềng Đi hàng ngàn năm nay; từ trưởng bản cho tới thầy cúng, và cả những người chỉ biết hưởng thành quả của họ như người viết bài này; tất cả đều đã thực sự hạnh phúc khi Khán phòng đã bắt đầu cuộc sống của mình với một buổi diễn đẹp đến thế.

Khán phòng kín hết 100 chỗ. Từ 3 giờ chiều đã có người đến, có người từ Sài Gòn vừa bay ra. Mỗi lúc một đông, ai cũng mê mải ngắm thung lũng đào mận, những lối vườn vô vàn loài hoa đá đủ mọi hình mọi mầu, rồi cảnh mây mù đỉnh núi… Bốn giờ chiều thì Khán phòng mở cửa đón khách vào để bắt đầu bằng ba màn thực cảnh do người Dao và người Mông thực hiện. Cái thích nhất, theo cảm nhận của người viết, là đây đúng là “thực cảnh”, những cảnh vẫn diễn ra trong đời sống của người dân địa phương. Bọn trẻ trai múa và thổi khèn ra sao. Bọn trẻ gái múa ô thế nào. Chúng đánh quay, ném khòn ném bóng cho nhau, nắm tay nhau múa, tự nhiên vui vẻ. Khác hẳn những “tiết mục” văn công chuyên nghiệp vốn đã thành “trình diễn” với đủ mọi tính toán tinh vi về biên đạo này nọ. Đặc biệt hay là phần thực cảnh của nghi lễ mà người Dao vẫn làm để chính thức công nhận một thiếu niên trong cộng đồng trở thành người lớn. Nghi lễ này theo chúng tôi biết là rất phổ biến ở mọi cộng đồng người dân tộc thiểu số. Mà ngày xưa thì cộng đồng nào chả là thiểu số, nên có thể coi đây là nghi lễ rất có ý nghĩa của loài người chúng ta. Nó khiến cho một cá thể mới trưởng thành tự thức được bản thân, tự thức được nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong cộng đồng, tự giác được linh hồn bất tử của chính mình và của cả cộng đồng, với mọi giá trị đạo đức trong vai trò một cá thể người của mình trong gia đình và cộng đồng. Mà qua nhiều ngàn đời, người ta vẫn giữ được những nghi lễ ấy, để nhắc nhở nhau rằng mình là ai, sinh ra đời này để làm gì. Chứng kiến thực cảnh ấy trong Khán phòng Chiềng Đi là một trải nghiệm thật sự đẹp. Khiến người xem phải suy ngẫm thật nhiều.

Ba màn thực cảnh ấy như đoạn bà đỡ đã giúp Khán phòng Chiềng Đi lọt lòng mẹ, thành một hài nhi khoẻ mạnh giữa cảnh núi rừng mây bay sương toả. Yên trí rồi, mọi người được mời giải lao xuống tầng triển lãm có bếp để thưởng thức một tiệc nhẹ với rượu mận nhà làm hâm nóng thơm vị quế, và những đồ nhắm đủ vị sản vật địa phương, có người (toàn trai tài gái sắc trí thức đủ mọi ngành nghề) bưng mời tận tay. Rượu vào lời ra, gian bếp đỏ lửa đông người ra vào, nhìn ai cũng thấy cởi mở vui vẻ. Một cảnh trí giữa núi rừng Tây Bắc mà không thể có nhà hát nào khác có được.

Sáu giờ chiểu, mọi người trở lại Khán phòng để vào phần chính của buổi khai trương. Chúng tôi không mô tả chi tiết những gì đã diễn ra ở phần này vì Facebook không thích những gì chi tiết quá. Từ đầu đến giờ chúng tôi cũng đã quá lắm lời rồi. Chỉ xin tóm tắt như sau:

Nghệ sỹ dương cầm Phó An My, người xây dựng Khán phòng Chiềng Đi (như một phần bổ xung cho khu vực HomeStay của chị đã hoạt động ở đây từ hơn 3 năm qua), với cây đàn dương cầm KAWAI trên sân khấu, đã độc tấu hai trích đoạn trong một tổ khúc của nhà soạn nhạc Đặng Tuệ Nguyên mà chị đã trình diễn tại Nhà Hát Lớn những năm trước đây, về chủ để Nước và Khí – hai yếu tố thiết yếu của sự sống. Sau đó, cây kèn saxophone Quyền Thiện Đắc ra sân khấu cùng với chị cống hiến cho thính giả hai chương từ tác phẩm “Cảm hứng Chiềng Đi”: Mũi Tên và Giấc Mơ; cũng do Đặng Tuệ Nguyên sáng tác từ những cảm hứng của anh về truyền thuyết và âm nhạc của người Mông tại Chiềng Đi.

Âm thanh của Khán phòng thực sự tốt. Và khán giả cũng vậy. Dù có nhiều trẻ nhỏ, mà âm nhạc không hề bị phá rối bởi bất kỳ một tiếng động vô ý nào. Người giới thiệu cũng thích, một nhà báo tên Hiền, giai phố cổ Hà Nội, như một thành viên trong gia đình có lời với khách đến chơi nhà. Lời lẽ giản dị thân mật, chân tình. Khác hẳn kiểu MC chuyên nghiệp. Sân khấu cũng giản dị, có gì xếp ra hết ngay, nên ngoài cây dương cầm, người xem thấy có cả một dàn trống bên phải và một cái bục cao có phủ chiếu vải, trên để sẵn bộ đàn bằng tre, micro loại đặc biệt, và hai cái kèn Saxo. Các tiết mục không cần phải kê dọn gì mất thì giờ.

Khi cây vĩ cầm Trịnh Minh Hiền ra sân khấu thì tất cả tối sầm. Mất điện cả bản. Thế là khán giả ai cũng bật đèn điện thoại cầm tay, và đồng thanh lên tiếng “Mình cứ tiếp tục đi!” Rồi Minh Hiền chơi bài “Chiếc khăn piêu”, có vẻ theo lối dân dã, nhưng vì là vĩ cầm nên ngả giọng Gypsy hơn là dân tộc Thái, có lúc dậm chân theo nhịp. Sau đó là một bài violin cổ điển Tây, có dương cầm thủ là Nguyễn Thùy Linh ra chơi phần đệm. Bài này cũng đã khá quen thuộc nên khán giả rất thích, vỗ tay nhiệt tình. Tiếng vĩ cầm trong khán phòng này cũng rất ổn.

 

z5217193874969_39eb03e63df79669f2d186b52910dfd1

Trịnh Minh Hiền đang chơi bài “Chiếc khăn piêu”, ảnh cắt từ clip trong phần bình luận của bài viết

Rồi lại có điện lưới. Sân khấu lại sáng đèn. Và ba tiết mục rất hay của Minh “Môi” (tức là Minh đàn môi- dị nhân gốc Ước Lễ bị âm thanh núi rừng hút hồn) với bộ đàn hoàn toàn làm bằng tre, vỗ bằng tay ra tiếng như âm thanh của trống đồng; rồi của Hoà “trống” (một quái nhân gốc Nam Định đã đưa thứ trống đồng hình bát úp vào kho tàng trống của ta); và một lần nữa là Quyền Thiện Đắc – để cho thấy tiếng đàn tre, trống đồng Việt Nam hoà quyện kinh khủng thế nào với tiếng kèn Saxophone và tiếng hát của Hoà “Trống”. Chỉ nhìn Minh “Môi” và Hoà “trống” chơi nhạc cụ do họ tự chế tạo là đủ thấy họ là những nhạc công bẩm sinh có hồn cốt Việt Nam đích thực và năng lượng kinh khủng như thế nào. Minh “Môi” âm phần tinh tế vi diệu. Hoà “Trống” dương phần đòi hỏi micro vang hết cỡ mới thoả. Âm nhạc của họ có thể hoà đồng với đủ mọi cảnh giới cần đến âm dương giao đãi phù trợ. Cũng dễ hiểu tại sao hai nghệ sỹ này đã được thế giới biết đến và đã lưu diễn qua rất nhiều quốc gia trên thế giới. Và họ rất tự hào được góp mặt vào buổi khai sinh Khán phòng Âm nhạc Chiềng Đi.

Cuối cùng, khi Minh, Đắc và Hoà cùng nhau vào đoạn kết của họ thì màn phông sau sân khấu được mở ra, rừng núi bên kia thung lũng hiện hình với những ngọn lửa cháy sáng thành hai chữ CHIỀNG ĐI bằng lửa. Và bản hoà tấu đặc biệt của đàn tre, trống đồng và kèn saxophone kết thúc với cảnh bùng nổ của pháo hoa rực rỡ như reo hò trên sườn núi. Thích hơn nhiều lối pháo hoa phù phiếm của Great Gatrsby!

Thật là độc nhất vô nhị. Đẹp đẽ. Trang trọng. Thân tình. Khán giả ai cũng sung sướng, reo hò “diễn lại lần nữa đi!!!” Hài nhi Khán phòng Chiềng đi ra chào đời như vậy đấy.

Vừa lúc Chợ Chiềng Đi dưới chân núi cũng nổi lửa đón chào các khán giả của Khán phòng xuống chơi và ăn tối cùng dân bản Chiềng Đi.

Quả thật, buổi chào đời của Khán phòng Âm nhạc Chiềng Đi xứng đáng được ghi nhận vào lịch sử âm nhạc của chúng ta. Bia miệng còn hơn bia đá. Các bạn cứ nghĩ như vậy với chúng tôi nhé.

Nguồn: FB Trịnh Lữ

Comments are closed.