Vị của hoan lạc trên đầu lưỡi

Lê Hồng Lâm

Tối qua tôi ngồi trong rạp xem đến hết dòng credit cuối cùng của bộ phim Muôn vị nhân gian (The Taste of Things) với sự dịu dàng bao phủ, rồi bước ra khỏi rạp với sự bồi hồi rung động. Một bộ phim đẹp quá, thi vị, tinh tế và thanh tao đến nao lòng.

Hôm qua tôi up story là một câu thoại trong phim Close-Up (1990) của ông Abbas Kiarostami: “With every good film I see, I feel reborn”. Đó là lời tự bào chữa trước tòa của một anh lừa đảo giả mạo một đạo diễn nổi tiếng, nhưng nó xuất phát từ tình yêu thuần khiết của anh ta với điện ảnh. “Với mỗi bộ phim hay mà tôi xem, tôi cảm giác được tái sinh”. Hay một câu khác của anh này mà tôi không nhớ nguyên văn, nhưng đại loại anh nói, đôi khi tôn giáo không cứu rỗi được tâm hồn phiền muộn của anh, nhưng anh lại tìm được sự cứu rỗi từ những bộ phim hay của người đạo diễn mà anh ta giả mạo kia.

Thực ra tìm những bộ phim hay không khó, nếu lọc một năm từ hàng ngàn phim thì cũng ra được trên dưới chục phim. Nhưng một bộ phim hay khiến ta có cảm giác “feel reborn” thì rất hiếm. Và bộ phim mới nhất của Trần Anh Hùng có lẽ là một trong những bộ phim như vậy, với tôi.

Có một bộ phim về đề tài ẩm thực mà trước đây tôi cũng rất mê là Babette’s Feast (1987), tác phẩm của điện ảnh Đan Mạch đầu tiên thắng giải Oscar mà tôi cũng up story chiều qua trước giờ xem Muôn vị nhân gian. Trong bộ phim đó, xem lâu quá rồi, tôi nhớ mãi bữa tiệc mà một cô gái người Pháp lưu vong trên đất Đan Mạch bày biện để thết đãi những người dân trong cái làng sùng đạo mà cô ta đang sống. Xem bộ phim đó, ta thấy được ẩm thực có thể giúp chúng ta kết nối, sống vui và hạnh phúc như thế nào, đồng thời cũng thoát được khỏi những khuôn mẫu, khuôn sáo, luật lệ khắc nghiệt của cộng đồng tôn giáo khiến người ta quên đi việc thưởng ngoạn đời sống hàng ngày.

Bộ phim tối qua của anh Hùng mang lại cho tôi cảm được vẻ đẹp thi vị, bay bổng ấy của đời sống. Một bộ phim hoàn mỹ khiến ta khao khát được tận hưởng, từ những cú máy điệu nghệ, những ý tứ vừa triết lý sâu xa mà vẫn chân thành gần gũi, rằng sống trong đời này là một niềm hoan lạc. Và hãy tận hưởng sự hoan lạc ấy trong từng phút giây.

Nói đến hoan lạc chúng ta thường nghỉ đến chuyện giường chiếu. Nhưng xem Muôn vị nhân gian, tôi lại thấy niềm hoan lạc ấy dâng tràn trên đầu môi, đầu lưỡi, của cả những món ăn ngon và những lời tình tự. Từ những món ăn được chế biến và trưng bày như một tác phẩm nghệ thuật; và được hòa quyện giữa hai tâm hồn tri âm cho đến những lời nói, những sự tán tỉnh mà họ dành cho nhau với một sự “tương kính như tân” như thưở ban đầu. Ẩm thực trong bộ phim này đã được nâng lên tầm mỹ học. Khi đến một bữa tiệc ta phải thấy được cấu trúc của những món ăn và ý tưởng của người đầu bếp – ông Dodin (Benoît Magimel) nói. Bậc thầy của ẩm thực nước Pháp thế kỷ 19 ấy được xưng tụng là “Napoleon của giới ẩm thực”. Nghĩa là ông được ví như một kẻ chinh phục, một người khám phá giữa muôn vị nhân gian để biến thành mĩ vị nhân gian được hòa quyện trong những món ăn của ông và người cộng sự, nàng thơ, tình yêu lớn nhất của đời ông, nàng Eugénie (Juliette Binoche). Có lần khi nói về năng khiếu ẩm thực của con bé Pauline, con bé mới hơn 10 tuổi mà chỉ ra vanh vách những thứ nguyên liệu cầu kỳ được Eugenie nấu trong món soup, ông nói với bà rằng con bé ấy sẽ khám phá ra những món ăn tuyệt diệu. Mà với ông, “việc khám phá ra những món ăn mới mang lại nhiều hoan lạc cho nhân loại hơn là việc khám phá ra một hành tinh mới.”

Ẩm thực và văn hóa của nước Pháp, tập trung chủ yếu trong giới quý tộc tinh hoa của nước Pháp thế kỷ 19 được Trần Anh Hùng tri ân và tôn vinh một cách tinh tế, sang trọng và lịch lãm khiến ta chỉ biết chiêm ngưỡng và thán phục. Anh ta phải tinh tế và tài hoa như thế nào, để làm một bộ phim về văn hóa và ẩm thực của một đất nước được xem là vua trong nền ẩm thực của thế giới mà khiến giới Hàn lâm phải gật đầu. Nhưng xem bộ phim này của anh Hùng, tôi cũng thấy nhiều chất của Việt Nam trong đó. Nó ẩn hiện một chút trong căn bếp, trong chế biến món ăn và cả trong khu vườn của họ nữa. Thế nên tôi nghĩ, cái “cốt” Việt Nam trong anh Hùng vẫn còn nhiều lắm. Mà ẩm thực Việt Nam, chẳng phải cũng đang là một ngôi sao mới của nền ẩm thực thế giới đó sao? Thế nên tôi nghĩ khán giả phương Tây, ngay cả giới quý tộc hoặc thượng lưu, cũng phải lác mắt trước bộ phim này đấy. Và tôi cũng thầm nghĩ rằng, hẳn anh ta phải có một trình độ thẩm mỹ như thế nào, một sự tự tin, thậm chí kiêu hãnh như thế nào để có thể làm một bộ phim đẹp như thế về ẩm thực, và hơn thế nữa, là về tận hưởng niềm khoái lạc/hoan lạc trong đời sống này.

Một trong những cảnh về sự tận hưởng niềm hoan lạc – theo nghĩa đen ấy – trong phim là cảnh năm người đàn ông thuộc giới quý tộc Pháp, phải trùm cả cái khăn trắng phủ hết đầu xuống vai, để bọn họ có thể tận hưởng: cứ gục đầu xuống mà cắn mà xé mà xì xụp trong sự thống khoái của bản năng động vật mà không phải e ngại. Cảnh đó khiến tôi cười không ngậm được mồm. Trông năm gã quý tộc lúc đó không khác gì… năm con chó đang say sưa tận hưởng món ngon. Họ cũng “thách đấu” nhau qua những bữa ăn. Hay những bữa tiệc ăn uống kéo dài suốt 8 tiếng đồng hồ…

Hơn tất cả, ẩm thực trong phim của vị đạo diễn hoa mỹ này là để tri ân và tôn vinh con người ở những thứ sáng tạo đẹp đẽ của chúng ta. “Chúa tạo ra nước nhưng con người tạo ra rượu vang” – một gã đàn ông lịch lãm nói thế khi cầm trên tay một ly rượu vang khiến gã mê đắm. Hay Dodin từng nói đến một loại rượu vang khác, được tận hưởng đủ những “đặc ân của sự ân sủng”, một loại rượu vang có tuổi đời hơn 500 năm mà nàng thơ của ông yêu thích.

Khi đi dự một bữa tiệc của vị Hoàng tử Điện hạ Á Âu với cái menu nghe xong muốn tẩu hỏa vì sự đầu tư hoành tráng, Dodin vẫn chê nó rằng, đó là một thứ “có luật lệ nhưng không có trật tự, có diễu hành nhưng không có hàng lối”… đại loại vậy, tôi không nhớ được hết thoại, nhưng thoại trong bộ phim này hay quá, nhiều layer quá. Và những nhân vật trong bộ phim này nói về ẩm thực mà như nói về nghệ thuật hàn lâm, về khoa học, về nghiên cứu, về kiến trúc và thậm chí cả về triết học. Còn những người như Dodin và nàng thơ Eugénie như những người nghệ sĩ tài hoa thực thụ. Việc khám phá ra một thứ mĩ vị mới dâng cho cuộc đời này là thứ khiến họ hạnh phúc hơn thảy.

Tình yêu soulmate, tri kỷ và đồng điệu giữa Dodin và Eugénie đẹp quá, một thứ tình yêu lý tưởng mà con người muôn đời khát khao và chạm tới, nhưng rất rất hiếm người có được. Nên hãy nhìn cách mà họ tôn vinh và trân trọng nhau với một thứ tình yêu thuần khiết nhất.

Đôi diễn viên tài năng hàng đầu điện ảnh Pháp, vốn là vợ chồng của nhau trước đây, như không cần diễn mà vẫn quá chemistry. Đáp lại những lời tỏ tình và tán tỉnh duyên dáng và hóm hỉnh của Dodin, Eugénie luôn đáp lại bằng tiếng cười giòn tan. Ông nói rằng, ông khao khát sống như một ông nhà thơ nào đó ở Trung Quốc thế kỷ 11, rằng sẽ dành ra một năm chỉ để làm việc và một năm chỉ để sống bên vợ. Eugénie đáp lại rằng, thứ nhất anh không phải là nhà thơ, anh cũng không phải là người Trung Quốc. Thứ hai, từ “vợ” nghe có vẻ cũng không chính xác ở đây. Ông vẫn không bỏ cuộc, thì đó là cái mà anh vẫn đang nỗ lực (để có). Rồi sau đó, ông ta còn tập tọng làm thơ tán tỉnh bà nữa chứ. Không lúc nào chàng không thả thính nàng.

Sau những giờ nấu ăn trong căn bếp để thết đãi khách khứa mà ai cũng ra về với sự hài lòng và tri ân, đôi tri kỷ ấy ngồi với nhau giữa vườn khuya để tiếp tục trò chuyện. Khung hình nó thơ và duy mĩ khủng khiếp, rung động không cưỡng lại được.

Cái tình yêu, tình tri kỷ ấy nó đẹp đến mức khiến ta có dự cảm mơ hồ trước sự vô thường của đời sống này. Cho dù hạnh phúc là được tiếp tục sống với cái mà ta đang có, nhưng ta nào cưỡng lại được sự lùi tàn của đời sống này? Xuân Hạ Thu Đông rồi lại Xuân, như một vòng quay bất tận, có lụi tàn rồi mới có tái sinh. Nhưng đôi lúc cuộc đời này đẹp quá, làm sao ta có thể nói lời giã từ?

Còn bao nhiêu cái ý vị tinh tế hay hay ho khác trong bộ phim này khiến tôi xao xuyến, chắc sẽ nhớ ra và viết thêm trong một vài note khác, tôi chỉ chia sẻ thêm chút nữa về cái cảm giác lâng lâng sau khi bộ phim này kết thúc.

Một trong những cú máy đẹp nhất của bộ phim này là cú máy ở đoạn kết, một cú máy dài miên man và từ tốn, chậm rãi như một điệu valse lướt nhẹ qua từng đồ vật trong căn bếp lớn được set-up tinh tế như một cách để Trần Anh Hùng tri ân dành cho Yên Khê (ý này cô Thắm, đạo diễn bạn tôi nói mà tôi thấy đồng cảm quá) – người thiết kế bối cảnh và trang phục của bộ phim này, rồi dừng lại ở cuộc đối thoại, một phần được lặp lại và một phần được tiếp nối, nơi họ bày tỏ sự hạnh phúc khi được tận hưởng niềm hoan lạc trong cuộc sống này, mãi mãi, dù biết là không thể.

Bởi cuộc đời này, dù đẹp và hạnh phúc đến mấy, cũng không bao giờ có sự mãi mãi.

Bộ phim này nó mang lại cho tôi một cảm giác nhẹ bồng, mà sao vẫn thấy khôn kham?

 

clip_image002

Hơn 20 năm ở bên nhau như hai người tình nhân, tri kỷ của nhau cả trong căn bếp lẫn trong đời sống. Nhưng mỗi lời họ nói với nhau đều rất "tương kính như tân" mà vẫn duyên dáng, hóm hỉnh và đầy say đắm trong đó.
"Cho anh ngồi đây ngắm nhìn em ăn được không?" – Ngài Dodin nói.

clip_image004

Không lúc nào họ không nhìn về nhau.

 

clip_image006

Cái set bữa tiệc lớn bên bờ sông này thì choáng ngợp và đẹp như tranh, nơi Dodin tuyên bố lời cầu hôn của ông với Eugénie đã được nàng chấp nhận.

 

clip_image008

Tờ The New York Times chơi lớn khi vẽ một bức tranh minh họa cho một frame trong phim mà tôi cũng yêu ngất ngây.

Comments are closed.