Đào Duy Anh (1)

Thái Kế Toại

 

Viết tạm xong số chân dung văn nghệ sỹ chủ chốt của Nhân Văn Giai Phẩm xong tôi thấy cứ thiêu thiếu. Phần thể hiện về trí thức, giáo dục chưa có bao nhiêu ngoài Giáo sư Trương Tửu. Trong khi đó những vị Giáo sư đáng kính tham gia phong trào, đóng vai trò quan trọng còn nhiều: Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Đào Duy Anh, Đặng Văn Ngữ cùng một số trợ giảng, sinh viên thân thiết của họ. Cuối cùng tôi chọn Đào Duy Anh nhưng với tham vọng qua chân dung của ông có thể phản ánh tương đối quy mô, nội dung của phong trào trong ngành giáo dục và các bạn đồng chí hướng của ông. Tuy vậy vẫn phải gặp một trở ngại là tư liệu về giai đoạn 1956-1958 cho chuyên đề rất hiếm. Bản thân Đào Duy Anh cũng không muốn nói về chuyện đó. Những học trò yêu của ông, bốn tứ trụ sử học cũng né tránh, ít nói cụ thể chuyện cũ. Vì vậy tôi sẽ phải tìm cách viết mới như là đặt những tấm gương phản chiếu xung quanh ông để bạn đọc tự suy ra cái đời sống thời đại trong tinh thần của ông.

Có một học trò của ông là nhà văn Thái Vũ tức Bùi Quang Đoài đã phủ nhận vai trò của Nhân Văn Giai Phẩm trong văn nghệ với giáo dục, cho là khu biệt, không liên quan đến nhau. Thực ra các ông mới là những thủ lĩnh tiên phong về lý luận văn hóa về dân chủ, chính trị trên các báo Nhân Văn, Giai Phẩm và tác động sâu rộng đến sinh viên, học sinh, nhân dân bên cạnh các tác phẩm văn học xuất sắc khác… Các ông cũng có mối quan hệ thân thiết với Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy và các văn nghệ sỹ quan trọng khác giúp tổ chức cho các ông tập san Đất Mới và Tự do diễn đàn.

Xin mời đọc trước mấy đoạn của văn học miền Nam, thứ không có trong văn học miền Bắc cùng thời. Đó là tâm trạng người day dứt của người Hà Nội, một thứ bi kịch thời đại, trước sự lựa chọn ở lại hay đi Sài Gòn. Làn sóng và tâm trạng người di cư, nỗi đau khổ của gần một triệu người dân miền Bắc, tiếng thơ của văn nghệ miền Nam về máu chảy ở Budapest Hunggari trên tạp chí Sáng Tạo, thứ tâm trạng nhân loại tiếc thay không có ở Hà Nội, cuộc đấu tranh vì dân chủ của sinh viên Sài Gòn với chính quyền miền Nam trong đó có nhiều người vừa rời bỏ Hà Nội.

Đoạn thứ nhất

Phượng nhìn xuống vực thẳm.
Hà Nội ở dưới ấy.

Từ chỗ anh đứng, Phượng nhìn sang bờ đường bên kia. Những tảng bóng tối đã đặc lại thành khối hình. Từng chiếc một, những hàng mái Hà Nội nhoà dần. Phượng nhìn lên những hàng mái cũ kỹ, đau yếu ấy, giữa một phút giây nhoè nhạt, anh cảm thấy chúng chứa đựng rất nhiều tâm sự, rất nhiều nỗi niềm. Những tâm sự câm lặng. Những nỗi niềm nghẹn uất. Của Hà Nội. Của anh nữa.

Dưới những hàng mái cong trũng, ngập đầy lá mùa kia, đang xảy ra những tâm trạng, những biến đổi gì mà ở bên này đường Phượng không đoán hiểu được. Hà Nội đang đổi màu. Đứng bên này bờ đường nhìn sang, Phượng bắt đầu tiếp nhận với một thứ cảm giác ớn lạnh, cách biệt, anh đã đứng trên một bờ vĩ tuyến mà nhìn về một vĩ tuyến bên kia. Bên ấy, có những hình ảnh chia cắt, đứt đoạn. Bên ấy, có những hình chiến luỹ, những hàng rào dây thép gai, những đoạn đường cấm, những vùng không người.

Phượng cũng không hiểu tại sao nữa. Giờ này anh còn là người của Hà Nội, thở nhịp thở của Hà Nội, đau niềm đau của Hà Nội, mà Hà Nội hình như đã ở bên kia.

Phượng nhìn xuống lòng đường. Trong bóng tối, mặt nhựa lầm lì không nói gì. Những hình cây đổ nghiêng trên những tấc đất đá câm nín. Bí mật dàn ra những bề phẳng, những đường dài như một dòng sông ngăn chia hai bờ, và Phượng đã đứng ở bên này mà nhìn sang một bờ bến bên kia. Bên kia có Hà Nội. Bên này có anh. Có tập thể. Có những bạn đường. Có một chuyến đi về Hà Nội.

Chung quanh chỗ Phượng đứng, những tảng bóng tối đã đọng lại trên bờ đường như những bờ hầm hố. Nhìn xuống, Phượng có cảm giác chơi vơi như đứng trên một tầng cao. Anh nhìn xuống vực thẳm. Hà Nội ở dưới ấy.

Anh nhớ đến Thu. Thu cũng còn ở dưới ấy, trong Hà Nội. Cái mái nhà cũ kỹ bên kia, chính là mái nhà Thu, lại cũng chính là ở bên ấy, Thu sẽ đến với anh, ở bên này. Từ một mái nhà của Hà Nội đêm nay, đến bờ đường anh đứng, chỉ có một đoạn ngắn, nhưng Phượng biết rằng đêm nay, nó chứa đựng tất cả ý nghĩa của một đoạn đời. Và Thu, Thu phải đặt cả đời Thu vào một chuyến đi, thì Thu mới vượt được đoạn đường ngắn ngủi ấy, và Thu mới sang được với anh. Như anh, như hàng nghìn hàng vạn con người Hà Nội đêm nay, Thu sẽ ở lại hay sẽ vượt lòng biên giới cũ. Giữa những phút giây Hà Nội đang rắn lạnh lại trong chuyển đổi chính thể đã bắt nguồn, đứng bên này đường, Phượng mới cảm thấy rằng ở bên kia Hà Nội, Thu đã ở thật xa anh. Cái cảm giác ớn lạnh mỗi khi anh đứng trước một dòng sông lại nổi lên. Con sông biên giới đêm nay lại hình như con sông Hồng chảy qua một bờ Hà Nội. Trong Phượng, sóng lòng của chuyển dịch chưa kịp nổi lên mà những ngọn sóng của dòng sông cũ đã nổi dậy. Âm thanh oà oà. Lòng đêm Hà Nội chứa đựng những tiếng đổ vỡ đang xô chen trong bóng tối đặc quánh.

Mai Thảo, Đêm giã từ Hà Nội

Đoạn thứ hai

Năm 1954 với những đợt di cư đầu tiên khuôn mặt dân tộc Việt đẹp một cách kỳ diệu – đó là điều Kha vẫn thường lòng tự nhủ lòng. Ra đi để lại mồ mả ông cha phía sau và biết bao nhiêu trường hợp gia đình phân đôi cha mẹ già ở lại con cháu ra đi, ra đi hẹn ngày trùng phùng tuy còn xa lắm nhưng tất nhiên phải có. Cuộc chia tay của gia đình nào mà chẳng “lệ rơi thấm đá tơ chia rủ tằm!” Vào tới miền Nam, đồng bào miền Nam nhân hậu lại hiểu lầm và hỏi mỉa “Ngoài đó chiến thắng Điện Biên Phủ, tổ quốc độc lập vinh quang rồi sao không ở lại mà lại di cư?” Kha nghe kể có người anh là sĩ quan mang tiểu gia đình theo quân đội viễn chinh vào đóng ở Nha Trang trước, người em trai đã vô Nam làm ăn tự mấy năm trước bèn đi chuyến xe tốc hành từ Sài Gòn tới Nha Trang tìm gặp anh, chỉ vào chiếc xe Jeep sơn màu cứt ngựa của quân đội và nói: “Anh quen bơ sữa của giặc nó thí cho, anh ngồi trên chiếc xe Jeep này của giặc anh có thấy nhục không? Rồi bỏ đi liền, lên chuyến tốc hành về Sài Gòn. Người anh đành im lặng. Còn biết nói gì hơn?! Còn muốn nói gì hơn?! Làm sao mà giải thích cho người em hay hoàn cảnh tế nhị của mình cũng như của ngót một triệu đồng bào di cư khác, là vào Nam đề giữ lấy nhân phẩm điều kiện tiên quyết của con người xứng đáng với danh vị đó. Sự kiện hiểu nhầm đầy rẫy giữa những người từ Bắc vô với những người vốn ở miền Nam hoặc sắp từ Nam “chọn tự do” ra Bắc. Người em mắng anh xong rồi ra Bắc, mặc dầu có biết rằng mẹ, chú, bác, cô, dì và các anh em khác cũng đương lênh đênh trên con dường vào Nam bằng đường thủy. Người anh không hề giận em, sự đau khổ vì nhiều từng trải dã khiến anh trở thành bao dung. Cũng như tất cả những ai đã “qua cầu cộng sản,” anh hiểu với tuyệt kỹ bưng bít và tuyên truyền của cộng sản thêm vào những sơ hở ấu trĩ của miền quốc gia thì hình như định mệnh của một số người Việt miền Nam là phải đích thân “qua cầu cộng sản” ngõ hầu mới hiểu bộ mặt thật cộng sản để mà thông cảm với nỗi lòng đau như cắt của tám mươi vạn đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Một niềm an ủi cho người anh, là sang năm 1955 anh nhận được bưu thiếp của người em trong có một câu lờ-mờ như lời xin lỗi. Thoạt anh bỡ ngỡ chưa hiểu, thì một tháng sau nhặn được một bức thư dài gửi thoát qua đường Cao Mên, bức thư đó đoạn sau cùng người em viết:

“… Mẹ bảo các em viết thư ngay cho con biết chừng. Con gởi lời vào chúc bà ngoại, các chú thím cậu mợ, các anh chị bên nội bên ngoại được mạnh giỏi. Con gửi lời thăm bà con chòm xóm đã vào tới đây và mong mỏi chòm xóm mạnh giỏi làm ăn thịnh vượng. Cả nhà nhớ là con đương chờ tin của nhà. Vì công cuộc làm ăn nên con chưa thể tới thăm cả nhà được.

Mẹ ơi con cứ động mơ thấy mẹ là lòng nghẹn ngào nước mắt ứa ra vì ngay trong giấc mơ con đã linh cảm thấy việc đó đâu có thực hiện dễ dàng như thế. Hoàn cảnh đau thương biết là chừng nào!

Kính chúc mẹ mạnh khỏe

Con của mẹ

T.”

Đã có những người vượt tuyến, có người bị giữ hàng tháng, bị tra khảo vì ngờ là phản gián điệp. Trong đám người được thả ra trên đất tự do ấy có người tuyên bố “dù có bị giữ hàng năm và mỗi ngày một trận đòn rồi mới được thả, tôi vẫn thấy là xứng đáng! Đó là thái độ và tiếng nói của những người đã có kinh nghiệm bản thân qua “cầu đoạn trường cộng sản”. Đọc xong lá thư của em, người anh bắt đầu nuôi hy vọng đợi ngày tái ngộ, hy vọng em sẽ trở về giới tuyến của mình qua con đường Lào hoặc Miên.

Sinh viên Đại học Hà Nội di cư – thăm Kha. Thời này đoàn Sinh viên Đại Học Hà Nội đang dẫn đầu phong trào chống thực dân

Pháp và cộng sản, và cố lôi kéo anh em sinh viên Nam cùng tham dự phong trào, mặc dầu vào dạo đó anh em Hà Nội có nhận thức thấy trong số sinh viên Nam có nhiều khuynh hướng thân cộng. Sinh viên đại học Hà Nội đã vận động xong cuộc tổng bãi khóa để đòi được chính phủ Pháp trao trả Viện Đại học cho chính phủ Việt Nam. Cũng đã gần tới kỷ niệm đệ nhất chu niên ngày đất nước chia cắt. Vào ngày 13-7-1955 Kha cùng một số đông các anh em sinh viên và một số đông hơn nữa anh em học sinh đi biểu tình bốn tiếng đồng hồ liền trước các trụ sở Ủy Hội Quốc tế – một ở đường Yên Đổ, một ở khách sạn Galliéni, một ở khách sạn Majestic – phản đối họ đã quá nhân nhượng với Cộng Sản. Vì có sự can thiệp yêu cầu của Thủ tướng – ông Ngô Đình Diệm – đoàn biểu tình tạm giải tán, nhưng cơn căm phẫn – không riêng gì của anh em sinh viên, học sinh, mà của toàn dân – còn kéo dài đến ngày 20 tháng 7.

Sớm ngày 20-7 Miên được nghỉ bèn đến thăm Kha tại làng Thăng Long, tới nơi chỉ thấy những căn lều trống trải. Nàng hỏi anh sinh viên ở lại phụ trách bếp nước, được anh cho hay toàn thể anh em sinh viên đã chia nhau đi biểu tình phản đối Ủy hội Qưốc tế ở ba trụ sở của họ. Miên lên xe theo hút họ ra chợ Bến Thành thấy Kha cầm đầu một trong ba toán. Gọi chàng thì không tiện, nàng về thẳng nhà. Đến trưa Miên hay tin cuộc biểu tình đã trở thành vĩ đại với hào khí ngất ngất có thể át cả cuộc biểu tình tổng khởi nghĩa xưa tại Hà Nội.

Quả thực thế, khối sinh viên di cư, hợp với khối học sinh các trường Chu Văn An, Nguyễn Trãi và khối học sinh còn ở tạm khu lều Phú Thọ cùng ùa tới, rồi cả khối sinh viên học sinh đó thu hút đồng bào các giới… Chính phủ Ngô Đình Diệm vào những ngày đầu di cư này như một cô gái nghèo hiếu hạnh vừa đến tuổi dậy thì với một nhan sắc vừa khích động tình yêu, vừa vừa khích động lòng thương, và lòng ái quốc dâng lên như nén hương lòng thơm ngát… Tin tức truyền đi qua các cửa miệng rất nhanh chóng: “Đoàn biểu tình tới khách sạn Galliéni thấy một tên lính Việt Cộng đứng gác bèn ồ ạt xông vào, tên Việt Cộng bỏ chạy… Một học sinh Chu Văn An bị thương ở mặt phải chở đến nhà thương Chợ Rẫy…”

Tin tức khác về đoàn biểu tình trước khách sạn Majestic:

“Sinh viên cướp súng tiểu liên rồi dùng judo quật một nhân viên Ủy hội, nhân viên Ba Lan trong Ủy Hội trốn biệt tăm. Đồ đạc của khách sạn bị dập phá tan hoang.

Nhớ lại ban sáng thấy Kha đứng ở bùng binh Chợ Bến Thành, Miên không rõ sau đấy Kha dẫn đầu toán đến khách sạn Galliéni, hay dẫn đầu toán đến Majestic. Nàng thuê xe đến cả hai nơi cùng chỉ thấy hai cảnh tan hoang, cửa kính bị đập vỡ, cửa chớp bị phá gẫy, các đồ đạc vứt xuống đường ngổn ngang… Anh em sinh viên thì chỉ đập phá cho sướng tay nhưng một số dân chứng nhân dịp bèn ùa vào hôi của. Khi Miên tới, anh em cảnh sát đã cố vãn hồi dược trật tự và đứng canh gác quanh khách sạn. Miên tới làng Thăng Long, Kha vẫn chưa về.

Buổi sáng hôm đó Kha ở trong toán dẫn đầu cuộc biểu tình đến khách sạn Galliéni. Bầu không khi biểu tình quả có sục sôi nhưng lần này hoàn cảnh đất nước có khác và Kha đã trưởng thành, thái độ chín chắn hơn, chàng làm chủ thời cuộc chứ không bị thời cuộc lôi cuốn đi như ngày tổng khởi nghĩa năm xưa làm chàng quên Vân. Buổi chiều hôm đó chàng đến tìm gặp Miên.

Doãn Quốc Sỹ, Tình yêu thánh hóa (Khu rừng lau III)

Đoạn thứ ba

Hãy cho anh khóc bằng mắt em

Những cuộc tình duyên Budapest
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác
Hãy cho anh giận bằng ngực em
Như chúng bắn lửa thép vào
Môi son họng súng
Mỗi ngã tư mặt anh là hàng rào
Hãy cho anh la bằng cổ em
Trời mai bay rực rỡ
Chúng nó say giết người như gạch ngói
Như lòng chúng ta thèm khát tương lai
Hãy cho anh run bằng má em
Khi chúng đóng mọi đường biên giới
Lùa những ngón tay vào nhau
Thân thể anh chờ đợi
Hãy cho anh ngủ bằng trán em
Ðau dấu đạn
Ðêm không bao giờ không bao giờ đêm
Chúng tấn công hoài những buổi sáng
Hãy cho anh chết bằng da em
Trong dây xích chiến xa tội nghiệp
Anh sẽ sống bằng hơi thở em
Hỡi những người kế tiếp
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
12-56

Thanh Tâm Tuyền

Đào Duy Anh

Học giả Đào Duy Anh (1904-1988) sinh tại Thanh Hóa, nguyên quán làng Khúc Thủy, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Tổ tiên họ Đào thế kỉ XV có Anh liệt tướng quân Đào Đình Lãng đã từ Khúc Thủy tìm vào Lam Sơn theo phò Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, giành lại độc lập Tổ quốc, được phong Thượng tướng khinh xa. Đời ông nội của Đào Duy Anh chuyển cư vào xã Trung Chính, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Sau khi đỗ Thành chung tại trường Quốc học Huế năm 1923, ông không làm công chức dưới chính quyền thực dân Pháp mà làm nghề dạy học ở Trường Tiểu học Đồng Hới tỉnh Quảng Bình. Ông chịu ảnh hưởng của các phong trào yêu nước đang dấy lên thời kỳ đó như phong trào đấu tranh đòi "ân xá" cho Phan Bội Châu năm 1925, đám tang Phan Châu Trinh năm 1926… Cuối năm 1925, ông tham gia sự kiện Hội Quảng Tri Đồng Hới đón tiếp Phan Bội Châu trên đường từ Hà Nội vào Huế.

Năm 1926, ông từ chức giáo học, vào Đà Nẵng và có ý định đến Sài Gòn. Trên đường vào Đà Nẵng, ông đã gặp Phan Bội Châu đang bị giam lỏng ở chùa Phổ Quang, vào Quảng Nam gặp Huỳnh Thúc Kháng đang làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Ông đã giúp Huỳnh Thúc Kháng sáng lập báo Tiếng dân và làm Thư ký tòa soạn. Đào Duy Anh tham gia Việt Nam Cách mạng Đảng năm 1926 và sau khi đảng này đổi tên thành Tân Việt Cách mạng Đảng (tháng 7 năm 1928), ông trở thành Tổng Bí thư.

Năm 1928, ông sáng lập Quan hải tùng thư, với sự cộng tác của những trí thức như Võ Liêm Sơn, Trần Đình Nam, Phan Đăng Lưu… xuất bản những tập sách phổ cập để người đọc làm quen với tư tưởng khoa học và duy vật lịch sử (như Lịch sử các học thuyết kinh tế, Phụ nữ vận động, Lịch sử nhân loại, Tôn giáo là gì? Xã hội là gì? Dân tộc là gì?). Trong thời gian này, ông lấy biệt hiệu là Vệ Thạch (chim tinh vệ).

Tháng 7 năm 1929, Đào Duy Anh bị chính quyền Pháp bắt giam cho đến đầu năm 1930. Sau khi ra tù ông cưới bà Trần Thị Như Mân, người đồng chí trong Đảng Tân Việt. Từ đó ông bà bỏ chính trị, chuyên tâm nghiên cứu văn hóa bắt đầu là từ điển học rồi văn hóa, văn học, sử học.

Sau Cách mạng tháng Tám, Đào Duy Anh bị chính quyền cách mạng ở Huế bắt giam rồi được Hồ Chủ tịch mời ra Hà Nội giảng dạy môn Lịch sử tại Đại học Văn khoa. Ông là Ủy viên Ban vận động Đại hội văn hóa toàn quốc năm 1946. Trong kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động trong Chi hội văn nghệ Liên khu IV.

Đào Duy Anh lẽ ra có thể giữ một chức vụ lãnh đạo trong Chính phủ nhưng chỉ nhận nhiệm vụ khiêm tốn Ủy viên Ủy ban Kiến thiết Quốc gia theo Sắc lệnh số 78 ngày 31/12/1945, cùng với các nhân sĩ trí thức khác

Năm 1950, ông được mời ra Việt Bắc làm Trưởng ban Sử – Địa thuộc Vụ Văn học Nghệ thuật, Bộ Giáo dục.

Năm 1952, do sức khỏe kém, Đào Duy Anh về Thanh Hóa giảng dạy tại trường Dự bị Đại học. Năm 1954, ông trở về Hà Nội giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa.

Từ năm 1955 – 1958, ông là Chủ nhiệm khoa Sử Trường Đại học Sư phạm và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó làm chuyên viên Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Ông có công lao to lớn trong việc đào tạo cán bộ nghiên cứu Sử học Việt Nam. Thời gian làm chủ nhiệm bộ môn Cổ sử Việt Nam ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã đào tạo được những thế hệ sử gia đầu tiên của nền đại học Việt Nam độc lập.

Năm 1956, ông có bài trả lời phỏng vấn về vấn đề mở rộng tự do, dân chủ đăng trên bán nguyệt san Nhân văn số 5 (ngày 20 tháng 11). Viết bài Muốn phát triển học thuật đăng trên Giai Phẩm Mùa Thu 1956 tập III. Năm 1958, Đào Duy Anh bị chuyển sang làm việc tại Bộ Giáo dục. Từ đây, ông bị cách chức giáo sư, không được giảng dạy đại học và điều sang Viện Sử học làm công việc hiệu đính.

Ông nghỉ hưu năm 1965 nhưng vẫn tiếp tục nghiên cứu cho đến cuối đời.

Trong những năm từ 1960 đến 1970, ông dịch, hiệu đính chú giải nhiều bộ sách lớn về văn hoá, sử học như: Lịch triều hiến chương loại chí lục của Lê Quý Đôn, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Thơ chữ Hán của Nguyễn Du… Ngoài ra ông còn biên khảo Chữ nôm – nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, dịch Khoá hư lục của Trần Thái Tông

Ngày 1 tháng 4 năm 1988, ông qua đời tại Hà Nội, thọ 84 tuổi.

Ông là một trong số ít nhân vật Việt Nam được ghi tên vào bộ từ điển Larousse với tư cách là một nhà bách khoa toàn thư của thời hiện đại.

Đào Duy Anh được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội đợt II năm 2000.

Tên của ông được đặt cho các con đường tại quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh), quận Đống Đa (TP Hà Nội), thành phố Thanh Hóa, thành phố Hạ Long (từ đường Trần Phú tới đường Trần Thái Tông)…

Đào Duy Anh đã thực hiện trên 30 công trình về nghiên cứu và dịch thuật cổ văn được in thành khoảng hơn 60 tập sách bắt đầu từ năm 1927.

Ở lĩnh vực từ điển, với hai cuốn từ điển Hán-Việt và Pháp-Việt xuất bản trong thập niên 1930, không chỉ là các sách công cụ tra cứu rất cần thiết thời điểm bấy giờ mà trong đó, ở những trường hợp cụ thể, ông đưa ra những giải thích khoa học và tiến bộ theo quan điểm mác-xít. Với ảnh hưởng và tác dụng to lớn, các công trình này góp phần đặt cơ sở cho nền từ điển học Việt Nam và đưa Đào Duy Anh trở thành nhà từ điển học tiên phong.

Là một trong những người có công xây dựng nền khoa học xã hội – nhân văn hiện đại của Việt Nam, Đào Duy Anh có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực nghiên cứu. Ông là một nhà từ điển học đặt cơ sở cho nền từ điển học hiện đại Việt Nam. Trên lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, văn học, tác phẩm Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh cùng với Văn minh An Nam (La civilization annamite, 1944) của Nguyễn Văn Huyên là những công trình khoa học đặt nền tảng cho sự hình thành nền văn hóa học hiện đại Việt Nam một cách khoa học.

Trong lĩnh vực văn hóa nói chung, với hàng loạt công trình xuất bản trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đào Duy Anh vừa có những đóng góp mang tính khai mở, vừa có cả những khảo cứu chuyên sâu. Tác phẩm Việt Nam văn hóa sử cương được coi là một trong hai công trình khoa học mang tính nền tảng của văn hóa học hiện đại Việt Nam (cùng với Văn minh An Nam của Nguyễn Văn Huyên).

Năm 1964, Đào Duy Anh hoàn thành công trình Đất nước Việt Nam qua các đời. Đây là một khảo cứu cực kỳ công phu, một cống hiến lớn của ông về địa lý học lịch sử. Bằng việc tham khảo nhiều nguồn tài liệu, nhất là tài liệu nước ngoài, học hỏi và kế thừa thành tựu, kinh nghiệm trong và ngoài nước, tác phẩm này được đánh giá vừa có tính tổng kết, vừa chuẩn bị và vạch hướng cho tương lai phát triển của địa lý học lịch sử Việt Nam, xứng đáng là công trình tiêu biểu đưa ông trở thành “nhà địa lý học lịch sử tiêu biểu nhất và nổi bật nhất ở thế kỷ 20”.        

Trong lĩnh vực sử học, Đào Duy Anh không chỉ là thế hệ xây nền đắp móng của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), mà rộng hơn, là của cả nền sử học Việt Nam hiện đại. Các bộ giáo trình ông viết trong ba năm công tác ở Khoa Lịch sử (1956-1958), thuộc thời kỳ lịch sử cổ trung đại Việt Nam, đã trực tiếp góp phần đào tạo thế hệ các nhà sử học đầu tiên của nền sử học Việt Nam mới, cũng là tài liệu tham khảo có giá trị mãi về sau này, ngay cả khi các bộ giáo trình Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (ba tập) do các học trò-cộng sự xuất sắc của ông biên soạn được xuất bản.

Đảm nhiệm vị trí Chủ nhiệm bộ môn Cổ sử Việt Nam, Đào Duy Anh đã tập trung nỗ lực cao độ để chỉ trong một thời gian ngắn biên soạn, bổ sung các bộ giáo trình về lịch sử Việt Nam thời kỳ cổ trung đại. Các cộng sự trẻ tuổi bấy giờ như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn đã được sự hướng dẫn, dìu dắt của Đào Duy Anh. Các lớp sinh viên đầu tiên được GS Đào Duy Anh trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn, nhiều người trong số đó sau này trở thành những nhà nghiên cứu, nhà quản lý xuất sắc. Đặc biệt, Đào Duy Anh đã có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng cơ sở tư liệu của Khoa bằng việc mua các thư tịch Trung Quốc, sao chép các bộ sử và tài liệu Hán Nôm của Việt Nam, các tài liệu bằng chữ phương Tây (Anh, Pháp), tiến hành dịch thuật các tài liệu quan trọng với sự cộng tác của các nhà Hán học cao tuổi, thông thạo cả chữ Hán và chữ Pháp. Phòng Tư liệu của Khoa Lịch sử với hàng vạn đầu tài liệu quý hiện nay được xây dựng có phần đóng góp quan trọng của Đào Duy Anh. 

Di sản Đào Duy Anh để lại khẳng định công lao to lớn của ông trong việc xây dựng nền khoa học xã hội và nhân văn nước nhà, với những đóng góp lớn trong nhiều lĩnh vực của sử học và văn hóa học mà gần như ở lĩnh vực nào ông cũng là người đóng vai trò khai phá, đặt nền móng. Nhà sử học Phan Huy Lê viết về Đào Duy Anh: “Bao trùm lên tất cả, ông là một nhà sử học lớn, một nhà văn hóa lớn với những công trình nghiên cứu mang tính khai phá đặt nền tảng cho sự hình thành nền sử học và nền văn hóa học hiện đại Việt Nam”.

Sau 30 năm Trần Đức Thảo đánh giá thẳng thắn về Nhân Văn Giai Phẩm

Năm 1989 trong bản BÁO CÁO VỀ VẤN ĐỀ NHÂN VĂN Trần Đức Thảo viết:

Cuộc kiểm thảo báo Nhân Văn đầu năm 1958 đã tiến hành theo phương pháp “Ai thắng ai” do đấy mà thực chất vấn đề không được nêu lên.

Nguyên nhân sinh ra báo Nhân Văn trước hết là những sai lầm trong Cải cách ruộng đất, đặc biệt là trong Chỉnh đốn tổ chức.

Trước tháng 3-1956 một số cán bộ đã thấy rằng có sai lầm, nhưng không ai dám nói, vì mọi người đều khiếp sợ vì bị quy kết coi như liên quan đến giai cấp địch. Phải đến khi có tin về những sai lầm của Stalin, báo cáo ở Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô và cán bộ ta nghiên cứu những tài liệu của Đại hội, bắt đầu từ tháng 3-1956 mới có những tiếng nói đầu tiên đặt vấn đề sai lầm trong Cải cách ruộng đất vừa qua, và nhất là trong chỉnh đốn tổ chức đang tiến hành. Do đấy mà phát hiện cả một loạt phương pháp quy kết, suy diễn ngược đời, đàn áp, khủng bố. Nhờ phát hiện như thế nên Chỉnh đốn tổ chức được chấm dứt. Tôi thấy rằng nếu không có Đại hội XX của ĐCSLX thì tất nhiên Chỉnh đốn tổ chức tiếp tục tiến hành theo đà năm 1955, đầu 1956, phá vỡ cơ sở Đảng từ xã này đến xã khác, và đã có dự kiến, kế hoạch lên đến huyện, tỉnh và cao hơn nữa. Trên thực tế thì đoàn cố vấn Trung Quốc đã hướng dẫn cán bộ Chỉnh đốn tổ chức của ta chuẩn bị hồ sơ các đồng chí trung ương, trong ấy quy kết một số là địa chủ hoặc lên quan địa chủ.

…Với mức độ nhận thức hạn chế 1956, tôi cũng đã thấy vai trò của Đại hội XX kịp thời hãm lại phong trào “bàn tay phải chặt bàn tay trái” trong Chỉnh đốn tổ chức của ta. Vì thế nên tôi đã hoan nghênh báo Nhân Văn khi nó phản ánh lời kêu gọi của Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Ngày ấy tôi đã viết một bài kêu gọi phát triển tự do dân chủ, cho rằng nếu có xảy ra lệch lạc, sai lầm gì trong lời ăn tiếng nói, thì điều ấy cũng không thấm vào đâu so với con đường “tay phải chặt tay trái” trong Chỉnh đốn tổ chức do ảnh hưởng của đoàn cố vấn Mao ít.

Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm trong ngành giáo dục miền Bắc Việt Nam 1954-1958

Đây là chuyên đề không kém phần quan trọng so với chuyên đề Nhân Văn Giai Phẩm trong văn nghệ, nhưng do thời gian chúng tôi mới chỉ làm được một phần và đề cập đến những người liên quan đến văn học. Còn toàn bộ phần phong trào Nhân Văn Giai Phẩm trong các trường đại học và ngành giáo dục trong khoảng 1954-1958 chưa được khảo cứu, vả lại tư liệu, tài liệu rất hiếm và bản thân các nhân vật chủ chốt cũng rất ít nói về sự kiện của họ.

Bối cảnh ngành giáo dục 1954-1958 và sự hình thành hai khoa văn và khoa Sử của hai trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội

Ngày 10 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 45 thành lập Ban Đại học Văn khoa, bổ sung vào các ban đã có từ trước cách mạng như: Y khoa, Khoa học, Luật học, Cao đẳng Sư phạm và Mỹ thuật. Sau đó, Nghị định ngày 7 tháng 11 năm 1945 của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đã cử GS Đặng Thai Mai, Tổng thanh tra Trung học vụ, kiêm chức Giám đốc Ban Văn khoa của Trường Đại học Việt Nam. Ban này gồm có các giáo sư Cao Xuân Huy, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Đức Nguyên (tức Hoài Thanh), Nguyễn Mạnh Tường.

Cuối năm 1951, thành lập hai cơ sở đào tạo đại học, một ở Nam Ninh (Trung Quốc), gồm Trường Khoa học Cơ bản và Trường Sư phạm Cao cấp Tự nhiên và một ở trong nước gồm hai phân hiệu Dự bị Đại học tại hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Sau đó, phân hiệu Nghệ An được chuyển ra, nhập với phân hiệu Thanh Hoá làm một. Trường Dự bị Đại học Thanh Hoá bấy giờ chỉ mới phân làm hai chuyên ngành lớn: Khoa học Tự nhiên và Văn khoa.

Trong Văn khoa, Văn và Sử được học chung với nhau. Thời gian học của Dự bị Đại học là một năm rưỡi. Sau khi tốt nghiệp, hầu hết được học tiếp lớp Sư phạm cấp tốc trong một học kỳ.

Đại học Sư phạm Hà Nội 

Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, hoà bình lập lại ở miền Bắc. Ngày 10 tháng 10 năm 1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Trường Dự bị Đại học ở Thanh Hoá (với khoá II) và Trường Sư phạm Cao cấp ở Nam Ninh (Trung Quốc) cùng được lệnh chuyển về Hà Nội tiếp quản Trường Đại học Hà Nội cũ tại đường Lê Thánh Tông, trước vườn hoa Tao Đàn, sắp xếp tổ chức thành hai trường Đại học Sư phạm: Khoa học và Văn học.

Đại học Sư phạm Văn học do Giáo sư Đặng Thai Mai làm Giám đốc, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường làm Phó Giám đốc. Đội ngũ thầy giáo vẫn là đội ngũ của Dự bị Đại học ở Thanh Hoá trước đó nhưng có thêm một giáo sư Triết học lừng danh ở phương Tây là Trần Đức Thảo và một số giảng viên khác là Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Thiếu Sơn, Phan Ngọc, Hoàng Tuệ, Trần Lê Nhân. Hai vị Thứ trưởng Bộ Giáo dục (cũng là hai uỷ viên Trung ương Đảng) bấy giờ là Nguyễn Khánh Toàn và Hà Huy Giáp đã tham gia giảng dạy ngay năm học đầu tiên của khoá đào tạo.

Một khóa gồm những sinh viên đã học xong năm thứ nhất của Dự bị Đại học khóa II ở Thanh Hoá, nay về Hà Nội tiếp tục năm thứ hai. Khoá đào tạo này còn có thêm một số sinh viên vốn là giáo viên được cử đi học, lúc đầu vẫn học năm thứ nhất, nhưng hết học kỳ một thì được bỏ năm thứ nhất chuyển lên học chung với năm thứ hai và tiếp theo là năm thứ ba do yêu cầu chuẩn bị cho kế hoạch thống nhất đất nước hai năm sau theo Hiệp định Genève.

Một khoá khác gồm những sinh viên mới được tuyển vào trường, vốn là học sinh đã tốt nghiệp cấp ba từ khu IV, khu III, khu Việt Bắc, khu V (tập kết), hoặc vừa tốt nghiệp tú tài ở Hà Nội tạm chiếm. Ngoài ra, còn có một ít học sinh tốt nghiệp tú tài ở Sài Gòn tạm chiếm vượt tuyến ra Hà Nội học. Ngay từ năm học 1954-1955, Trường Đại học Sư phạm Văn khoa đã tách Văn ra khỏi Sử – Địa. Trong năm học đầu 1954- 1955 bên cạnh Trường Đại học Sư phạm Văn khoa, vẫn tồn tại lớp Dự bị Đại học Văn học. Nhưng sau một năm dự bị, lớp học này cũng nhập vào Đại học Sư phạm Văn khoa để cùng học tiếp năm thứ hai, năm thứ ba và cùng ra trường vào cuối năm học 1956-1957.

Năm học 1955-1956, Đại học Sư phạm Văn khoa ngừng tuyển sinh một năm. Trong điều kiện hoà bình, Trường Đại học Sư phạm Văn khoa, cũng như Trường Đại học Sư phạm Khoa học, đã có giảng đường ở Lê Thánh Tông rất khang trang. Ký túc xá sinh viên chính là khu nhà D một trong bốn khu nhà ký túc của sinh viên có từ thời Đông Dương học xá trước 1945, khu nhà này sau thuộc về Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trong số sinh viên tốt nghiệp năm học 1955-1956, một số đã được giữ lại làm cán bộ giảng dạy gồm: Cao Huy Đỉnh, Lê Hoài Nam, Nguyễn Duy Bình, Cao Xuân Hạo, Phạm Hoàng Gia, Văn Tâm, Phan Kế Hoành, Hà Thúc Chỉ (bút danh Thúc Hà, được giải Nhất thơ của Liên hoan Thanh niên thế giới tại Berlin, 1955 với bài Chờ con má nhé) và Bùi Quang Đoài (nhà văn Thái Vũ).

Cuối năm 1956 thành lập các Trường Đại học Tổng hợp, Đại học Bách khoa, Đại học Nông lâm, Đại học Sư phạm.

Đại học Sư phạm Hà Nội có Ban giám hiệu mới gồm Hiệu trưởng là Giáo sư Sử học kiêm thi sĩ Phạm Huy Thông, Hiệu phó là Giáo sư Nguyễn Thúc Hào.

Trong hai niên khoá 1956-1957, 1957-1958 quan hệ giữa hai trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội là quan hệ vừa độc lập, vừa đan xen. Bởi đã có trường, hai Ban Giám hiệu, hai đối tượng sinh viên, hai hệ thống phòng ban, nhưng trường sở vẫn là một khoa và đội ngũ giáo viên vẫn là một. Giáo viên vẫn dạy cả hai đối tượng sinh viên thuộc hai trường – Chủ nhiệm Khoa Văn lúc này là Giáo sư Đặng Thai Mai.

Trong năm học 1956- 1957 về Khoa làm cán bộ giảng dạy có các vị: Vũ Đình Liên, Trương Chính, Đỗ Đức Hiểu, Đinh Gia Khánh và ba cán bộ phiên dịch Trung văn được đào tạo từ Trung Quốc về là Đặng Đức Siêu, Nguyễn Ngọc San, Nguyễn Thạch Giang.

Tháng 8-1957, Khoa lại có thêm một số cán bộ giảng dạy vốn là sinh viên vừa tốt nghiệp được tuyển chọn: Nguyễn Đình Chú, Trần Văn Hối, Nguyễn Hải Hà, Trần Văn Bính, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nguyễn Phan Cảnh, Nguyễn Khắc Phi; Lê Bá Hán và Bùi Văn Nguyên được điều từ trường cấp 3 lên đại học. Bấy giờ, đã có sự phân định chức danh trong đội ngũ giáo viên đại học. Trên hết là giáo sư gồm Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Phạm Huy Thông, Trương Tửu, Hoàng Xuân Nhị. Dưới giáo sư là giảng viên; dưới giảng viên là phụ giảng; dưới phụ giảng là trợ lí, tập sự trợ lí.

Bước vào năm học 1958-1959 hai trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội bắt đầu tách biệt. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhường hẳn cơ sở cũ ở đường Lê Thánh Tông cho trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, và chuyển ra xây dựng trường mới trên cơ sở của Trường Trung cấp Sư phạm Trung ương đang chuẩn bị giải thể tại cây số 8 đường Hà Nội – Sơn Tây.

Về mặt tổ chức, trong một hai năm đầu khi mới tách ra khỏi khoa chung của hai trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội, Khoa Ngữ văn chỉ mới là phân khoa, cùng với phân khoa Lịch sử, nằm chung trong một khoa Văn Sử do thầy Nguyễn Lương Ngọc làm Trưởng Khoa (kiêm phân khoa trưởng của Văn).

Đại học Tổng hợp Hà Nội

Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ra đời tháng 6-1956 của Chính phủ, do GS. Ngụy Như­ Kontum làm giám đốc. Trường lúc đầu chỉ có hai ban Khoa học và Văn khoa. Ban Văn khoa gồm hai bộ phận t­ương đối độc lập là Văn và Sử do GS Trần Đức Thảo phụ trách chung, như­ng chỉ một thời gian ngắn sau đó được chia thành hai khoa là Văn học và Lịch sử. Lúc mới thành lập, trụ sở của trường là Đại học Việt Nam, 19 Lê Thánh Tông. Khoa Lịch sử làm việc tại số 7 và số 9 phố Hai Bà Trư­ng.

Đội ngũ cán bộ đầu tiên của khoa Sử chỉ có khoảng hai chục ngư­ời, gồm các nhà khoa học nổi tiếng như­ GS. Trần Đức Thảo, GS. Đào Duy Anh, GS. Trần Văn Giàu, các thầy giáo Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Vư­ơng Hoàng Tuyên… và một số cán bộ biên dịch tư­ liệu vốn là những nhà Hán học uyên thâm như­ các cụ, các bác Trần Lê Nhân, Đoàn Thăng, Ngô Lập Chi, Kiều Hữu Hỷ, Trần Lê HữuNăm 1957 các thầy Kiều Xuân Bá, Đặng Huy Vận, Hà Văn Tấn, Ngô Vi Luật, Hoàng Văn Lân, Lê Khắc Thành… được bổ sung về làm cán bộ giảng dạy. Trong Khoa Lịch sử đã dần dần hình thành các bộ môn: Cổ sử Việt Nam, Cậnđại Việt Nam, Hiện đại Việt Nam, Lịch sử thế giới do các GS. Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh trực tiếp hoặc kiêm nhiệm phụ trách.

Lớp sinh viên khoá I có 80 ngư­ời được tuyển từ nhiều nguồn, nhiều địa phương, trong đó có một số cán bộ, học sinh miền Nam tập kết, cán bộ đi học, học sinh bổ túc công nông và cả l­ưu học sinh Trung Quốc.

Năm 1958, GS. Trần Đức Thảo chuyển sang công tác ở Nhà xuất bản Sự thật. Khoa Lịch sử do GS. Trần Văn Giàu làm Chủ nhiệm. Bộ môn Cổ sử Việt Nam do thầy Phan Huy Lê làm chủ nhiệm. Bộ môn Cận đại Việt Nam do thầy Đinh Xuân Lâm làm chủ nhiệm. Các bộ môn Hiện đại Việt Nam và Lịch sử Thế giới đều do GS. Trần Văn Giàu phụ trách. Sinh viên các khoá 2, 3, 4 tiếp tục tựu trường. Năm học 1958-1959, cùng với việc học tập, thầy trò khoa Lịch sử đã đi thực tế lao động sản xuất ở Thanh Oai (Hà Tây).

Comments are closed.