Đọc thơ tình Nguyễn Quang Thân và những dòng liên tưởng

Mai Quỳnh

Tôi và bạn đọc cảm ơn nữ sĩ Dạ Ngân đã giữ gìn cẩn trọng và bỏ nhiều công sức cho ra mắt công chúng Di cảo của nhà văn Nguyễn Quang Thân (NXB Phụ Nữ – Phuong Nam Book). Nhờ vậy, trước mắt tôi, lớp lớp bộn bề hàng chục trang bìa màu sắc rực rỡ những cuốn sách đủ thể loại mang tên ông, nay có thêm một mảng màu khiêm nhường chứa đựng nỗi niềm sâu kín: Những trang thơ tình!

image

 

Vỏn vẹn 10 bài, 9 bài viết trong khoảng 17/5 đến 25/6/1982 ở Vũng Tàu; 1 bài viết trong đêm Noel 1984 ở Hải Phòng. Mười bài thơ như 10 trang nhật ký về cuộc tình đẹp khi ông ngỏ lời và được ưng thuận. Nhưng trớ trêu thay, gần nhau chưa được 1 tháng đã đến hồi chia ly, kẻ Bắc người Nam. Hạnh phúc bên nhau đấy rồi sầu muộn tương tư ngay đấy. Chúng tôi xin bạn đọc lượng thứ lướt qua mấy dòng liệt kê. Từ 17/5 đến 25/5/82: Cái cúc áo của em, Bài thơ xuyên trái đất, Đi tàu với em, Mắc mưa, Chiều nay em đi gặp biển, Tôi nhớ. Bỗng nhiên, từ 30/5 đến 25/6/82 đã là: Chưa bao giờ, Một mình tôi lang thang, xa cảng miền Tây. Hơn một năm sau vào đêm Noel là Chùm thơ khi Nguyễn Quang Thân bắt đầu gạo lứt giường đơn ở Hải Phòng.

Khi đến Trại viết văn Vũng Tàu tháng 5/1982, Nguyễn Quang Thân đã 47 tuổi với hơn 20 năm cầm bút chuyên về tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện thiếu nhi, kịch bản. Bỗng bật ra 10 bài thơ tình chỉ trong thời gian rất ngắn. Tôi liên tưởng hiện tượng, sau Tết Nguyên đán ngoài Bắc, vào một thời khắc “bữa ấy mưa xuân phơi phới bay”[1], đồng loạt mầm non trên cành xoan trụi lá nhú lên tua tủa. Tháng Năm 1982 ấy, cái cây khô Nguyễn Quang Thân bỗng được làn mưa xuân Dạ Ngân tưới mát. Mầm non thơ bấy nay trong Nguyễn Quang Thân đồng loạt nở rộ. Vẻ đẹp chân chất, dịu dàng của nữ nhà văn trẻ đang ở tuổi thanh xuân 30 hút hồn ông. Cái chất “khát sống” (lời nhà nghiên cứu phê bình văn học trẻ Nguyễn Hoài Nam) bật ra. Ông yêu và được yêu. May mắn thay, không phải là cơn yêu bốc đồng, vội đến vội đi. Hai con người ấy sớm nhận ra cái cốt lõi: sự đồng điệu trong tâm hồn:

“Em đọc anh và em đã khóc.

Người ấy chưa bao giờ.

Em hôn anh và em đã khóc.

Người ấy chưa bao giờ.

Em rời anh và em đã khóc.

Người ấy chưa bao giờ.

Anh nhìn em và anh đã khóc.

Anh chưa bao giờ.

(Chưa bao giờ).

Đọc, rồi trong lòng người viết nhói lên một niềm chua xót cho những cuộc nhân duyên không có tình yêu đích thực! Họ chưa bao giờ làm được những điều đơn giản dành cho nhau!

Phương tiện truyền thông đã nói nhiều, khá đầy đủ về những cam go của cuộc tình này. Cuối cùng, họ đã đến được với nhau, sống một cuộc sống “tương kính như tân”, trở nên một cặp đôi nhà văn tài năng tương xứng. Cặp đôi nhà văn hiện đại ấy lại đưa dòng liên tưởng của tôi về những cặp đôi nhà thơ – nhà văn cận đại, hiện đại trong nước và nước ngoài. Đông Hồ (1906-1969)/Mộng Tuyết (1914-2007); Vũ Ngọc Phan (1902-1987)/Hằng Phương (1908-1983); Chế Lan Viên (1920-1989)/Vũ Thị Thường (1930-….); Louis Aragon (1897-1982)/Elsa Triolet (1896-1970), Pháp; Anna Akhmatova (1889-1966)/Nikolai Gumilev, Nikolai Punin, Nga. Những cuộc tình nổi tiếng ấy còn để lại cho đời sau những vần thơ trác tuyệt, Mười bài tương tư ngắn của Mộng Tuyết; Lòng quê (tặng Vũ Ngọc Phan) của Hằng Phương; Tình ca ban mai của Chế Lan Viên; Đôi mắt Elsa, Tình yêu Elsa, Bài ca Elsa, Người điên của Elsa, Elsa ngồi trước gương của L. Aragon; Chùm thơ tình của Akhmatova. So sánh luôn khập khiễng. Nhưng, có phải, chùm Thơ tình của Nguyễn Quang Thân, chỉ có 10 bài ấy thôi trong cả đời viết, cũng cùng chung một không gian phi thời gian? Ấy là không gian yêu!

Tôi tâm đắc với những lời phẩm bình văn Nguyễn Quang Thân. “Người khát sống” (Hoài Nam); “giản dị đời thường mà thâm thúy, sắc bén… đôi khi suồng sã trần tục mà vẫn sang trọng, thanh nhã (Dư Khánh); “Kẻ thẳng người mà đi” (Nam Dao); “người của dấn thân, một cánh chim bằng” (Ngọc Anh); “Nhà văn trung thực với chữ nghĩa của mình” (Phan Huy Đường); “ …tuổi cao nhưng đời sống tâm hồn rất trẻ trung, năng động… luôn sống hết mình với tình yêu và khát vọng của đời” (Thanh Hằng); “luôn dấn thân, chấp nhận trả giá để đi đến cùng những khát vọng của mình” (Diễm Chi), … Không thể kể hết những mỹ từ, những phẩm chất tốt đẹp mọi người dành cho Nguyễn Quang Thân với tư cách nhà văn. Thật đồng nhất, những phẩm chất ấy cũng hiển hiện trong Thơ tình, dù chỉ có 10 bài không dài. Có khi còn đầy đủ hơn vì thơ dễ bộc lộ cái riêng, chỉ riêng mình!

Với em, thay vì chỉ dám kề má say sưa[2] là mạnh mẽ, dứt khoát:

Em nằm yên em nhé []

Anh nằm trên em.

Suồng sã, trần tục Em nằm yên em nhé [] Anh nằm trên em mà vẫn sang trọng thanh nhã vì:

Em nằm trên cát…

Trên cát, trên các vương quốc, trên bầu trời và trên Thượng đế.

(Bài thơ xuyên trái đất).

Tuổi cao nhưng đời sống tâm hồn rất trẻ trung, năng động. Đọc Đi tàu với em, ta bắt gặp không gian khoáng đạt, gặp hình ảnh con người cụ thể:

Đi tàu với em.

Trời cao vời vợi.

Mắt nhìn vào đời.

Lưng dựa vào núi.

Đời có nghĩa gì nếu không còn em?

Em là tất cả.

Em là đất đai.

Em là biển cả.

Em là sông dài.

Em là tất cả….

Bỗng đâu, tôi lại nhớ ca từ như thơ trong Bến Xuân[3]

Dìu nhau theo dốc mới nơi ven đồi.

Chỉ thấy chim ghen lời âu yếm.

Tới đây chân bước cùng ngập ngừng.

Mắt em như dáng thuyền soi nước.

tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân.

Cách nhau nửa thế kỷ, hai khung cảnh có đôi tình nhân dắt tay nhau đi, một thơ mộng, một khoáng đạt; hai tâm hồn ấy vừa đồng nhất vừa khác biệt biết bao!

Ý tứ, nhịp điệu thơ Nguyễn Quang Thân thay đổi dồn dập không dễ đọc. Hơn một lần ông viện dẫn sa mạc Sahara, Phi Châu. Cũng hơn một lần ông viện dẫn Đức Phật, Thượng đế, các vương triều và cả Cezar.

Phía trên chúng ta là tượng Phật ngồi

Giữa anh và em là cái cúc áo

Cột mốc biên giới mong manh mà anh

đã dành trọn cuộc đời anh để vượt qua

Khoảng khắc ấy nó không màu đỏ

Màu của nó là màu áo ủa Thích ca

Như cuộc đời em thánh thiện

Anh nhìn cái cúc áo và anh thỉnh cầu

Anh đã vượt qua như Cezar và anh đã vượt

Cái cúc áo ấy màu vàng phải không em?

(Cái cúc áo của em)

Em nằm trên cát

Dưới cát là đất nâu

Là những vương quốc bị chôn vùi từ lâu rất lâu

Dưới nữa là một mặt trời nham thạch đỏ rực

Dưới mặt trời ấy là đất

Là cát bỏng Sahara

Là rừng thông

Dưới rừng là bầu trời Đại Tây Dương

Dưới bầu trời có lẽ là Thượng đế

Em nằm yên em nhé

Trên cát, trên các vương quốc, trên bầu trời

Và trên Thượng đế

Anh nằm trên em.

(Bài thơ xuyên trái đất)

Còn có thể gặp những ý tưởng khác người ấy trong Chiều nay em đi gặp biển, Mắc mưa, Một mình tôi lang thang… Những vần thơ cho tôi cảm nhận từ đấy một cuộc tình nóng bỏng, tan chảy vào nhau. Một cuộc tình mà dự cảm sẽ gặp nhiều chông gai. Một cuộc tình mà người nọ khám phá ra ở người kia cái chất nguyên sơ, hoang dã, không vương tỳ vết thị thành… ở đó họ tìm thấy hạnh phúc thật sự mà đức Phật Thích Ca, Thượng đế hứa ban cho cả loài người.

Thơ Nguyễn Quang Thân không trần trụi, nhiều khung cảnh diễm tình nhưng đã khác xa với sắc màu phong, hoa, tuyết, nguyệt ngày xưa:

Những căn nhà xanh nhiều cửa sổ

Hoa sứ vàng ngôi sao tháng tư

Lá bồ đề hay lụa?

Cây bàng xanh như cửa sổ căn nhà

Vũng Tàu tôi nhớ

Thảm lá thông này đã vào ký ức

Nó bơi trong biển đời tôi, nó bơi

chênh vênh như mộng của đời

như mặt trời đỏ úa

Mặt trời trên thảm lá màu nâu

Vũng Tàu, tôi nhớ

……

(Tôi nhớ)

Mạnh mẽ, bộc trực nhưng thơ tình Nguyễn Quang Thân không buông tuồng, luôn tự nhắc nhở có một lằn ranh, một lằn ranh, tâm hồn trong sạch thanh cao một phía; phía kia là vẩn đục, thấp hèn mà thơ ông không khi nào bước qua! (Cái cúc áo của em, Mắc mưa…).

Những vần thơ khi đang yêu còn nóng bỏng như sa mạc Sahara tiếp ngay đến thơ chia ly. Rồi những tháng năm “hết ngày dài lại đêm thâu” để gỡ rối, đấu tranh, gắng sống và làm việc trong niềm tin “cái gì của Cezar, phải trả lại cho Cezar”; ngòi bút nhà thơ viết rồi xóa, xóa rồi lại viết những dòng tương tư; những vần thơ cô đọng dữ dội.

Đây là cảnh tương tư hiền lành của nữ sĩ Mộng Tuyết 50 năm trước:

Đêm ấy có người ngồi gió lạnh,

Có người chong mãi bấc tương tư.

Người đi trong gió sương đêm ấy,

Đã bước trong lòng một giấc mơ.

(Ngọn bấc tương tư)

Trăng chảy ngập đường đi. Thuở ấy

Đôi người so bóng bước song song.

Rồi trăng từ đó tương tư bóng,

Chảy ngập tương tư khắp nẻo lòng.

(Bóng trăng tương tư)

Năm mươi năm sau, Nguyễn Quang Thân tương tư đau đớn hơn nhiều:

Đêm tối đen đen mặt biển vàng

Một mình tôi lang thang

Bầy chó hoang sục tìm gì trong đá

Hơn gì chúng đâu tôi đói một người

Bánh có thể tìm ra, một khúc xương cũng vậy

Phật quanh đây khá nhiều, Jêsu cũng vậy thôi

Nhưng đói em, tôi đói suốt đời tôi

(Một mình tôi lang thang)

*****

Tôi có một trời thương nhớ

Tôi có một trời đau khổ

Tôi có một trời trẻ thơ

Và tôi có, một trời mộng mơ

Xin đừng chạm vào tôi, điện giật

Đừng hôn, thuốc độc đầy môi tôi

Đừng xoa đầu tôi, tôi đánh lại

Tôi chỉ cần được sống – mình tôi.

(Chùm thơ khi Nguyễn Quang Thân bắt đầu

gạo lứt giường đơn ở Hải Phòng 1984)

Gạo lứt giường đơn có lẽ tới gần 10 năm, nhà thơ cần được sống một mình không phải để than mây, khóc gió, không phải sầu não ủ ê mà tự học tiếng Nga trên cái nền tiếng Pháp vững vàng. Để từ nguyên bản tìm đến nữ sĩ danh tiếng Akhmatova, đọc, dịch thơ bà. Cùng một tiểu luận đậm chất bác học, hàn lâm về cuộc đời và sự nghiệp của bà (tìm đọc: Con thiên nga bay qua một thế kỷ dữ dằn Thơ Anna Akhmatova trong Di cảo Nguyễn Quang Thân).

Nhà thơ yêu và thuộc nhiều thơ Huy Cận, Xuân Diệu… Nhưng phong cách thơ ông gần thơ không vần của Hữu Loan, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao. Cũng dễ hiểu, chỉ như vậy mới truyền tải được tứ thơ hàm súc trong mỗi dòng, mỗi câu.

“Người sao văn vậy”, Hoài Nam viết chí lý. “Văn là người”, Dư Khánh cũng bảo vậy. Hầu như các biên tập viên, nhà báo, bạn văn, bạn đọc tiếp xúc với nhà văn đều chung nhận xét ấy. Thơ Nguyễn Quang Thân hiện ra con người Nguyễn Quang Thân càng rõ hơn. Thơ tình Nguyễn Quang Thân tô đậm thêm màu sắc cho bức tranh văn chương – báo chí đa dạng của con người đa tài này!

Sài Gòn, tháng Năm nóng bức 2024


[1] Thơ Nguyễn Bính.

[2] Buồn tàn thu – Văn Cao.

[3] Bến Xuân – Văn Cao.

Comments are closed.