Gọi tên là Gốm Việt Nam!

Thái Kim Lan

 

Một người bạn trẻ đã kêu lên khi nghe tôi thông tin về đề tài của cuộc hội thảo vào ngày 18/5 sắp tới mà chúng tôi đang chuẩn bị nhân ngày quốc tế bảo tàng sắp đến (18/5/2024).

Ba tiếng "Gốm Việt Nam" có gì lạ nếu nhìn trên thị trường khắp nước về gốm, nhưng đôi mắt của người bạn trẻ với ngấn nước mắt cảm xúc khi nói tiếp "Gốm thân thuộc lắm – Gốm là đất, mà Đất là Mẹ… Mẹ Việt Nam, Gốm Việt Nam" đã làm tôi sửng sốt.

Liên tưởng ấy, một ví von có thể là sáo ngữ nếu chưa có một lần gặp như bạn ấy đã sống, như riêng tôi đã gặp cách đây trót 40 năm, những chiếc gốm nằm trên bờ sông Hương mà tôi tình cờ nhìn thấy sau hơn 20 năm xa nhà trở về Huế thăm nhà. Cái nhìn đầu tiên đã là nguyên nhân của cuộc sưu tập GỐM, lễ mễ từng chiếc từng chiếc suốt 40 năm, để có được bảo tàng gốm hôm nay.

Tôi đã cứ đinh ninh chỉ vì cú sét yêu đương vẻ đẹp lạ lùng của những chiếc gốm đã lôi cuốn mình khởi sự sưu tập. Nhưng cuộc trò chuyện về gốm với bạn trẻ, soát lại hoài niệm, nhớ kỹ về giây phút đầu tiên cầm chiếc bình gốm trong tay, lại nghe ra một thứ âm vang khác, sót lại trong ký ức, đã làm mình rung động, một âm vang thầm kín, rất nhỏ nhẻ: nghe nỗi thân thuộc, như gặp thân quen: gốm từ đất, đất là mẹ! Còn chi thân hơn cái ấm đất, nồi đất nơi chõng tre trong bếp một thời khói un đen? Giây phút trở về nhà bỗng rất thực, nơi cái va chạm đầu tiên ấy! Chính nó, cảm giác về nhà, nơi quen thuộc ấy tuồng như mới là nguyên nhân!

Cũng đã hơn 40 năm và 2 năm bộ sưu tập ấy được trưng bày, được bảo tàng, những gốm là gốm, những bình, những hũ những ấm lõng chõng la liệt, hầu như đụng chạm cụ thể cái riêng lẻ, tỷ như chỉ thấy "con" mà quên "cái". Chúi mũi với vụn vặt con con bỗng khát khao đại thể mẹ nghìn trùng: Mẹ Gốm Việt Nam! Giải đất chữ S ấy vẫn là chung cuộc trùng phùng của cái cùng con!

Có lẽ đó là lý do ẩn giấu dưới lý do một hội thảo khoa học về "Gốm Việt Nam: Bảo tồn di sản và phát triển đương đại" với ước mong cùng học hỏi từ các chuyên gia, các nhà khảo cứu, các nghệ nhân, từ những miền khác nhau.

Duyên gặp gỡ lại còn hơn khi biết rằng kinh đô Huế những mấy trăm năm trước đã là nơi quy tụ những dòng gốm khắp nước, dựng nên thành quách lâu đài vẫn còn trơ gan tuế nguyệt của thời nhà Nguyễn: Huế vẫn "ở giữa" lòng đất nước!

Thân mời các bạn tham dự hội thảo:

GỐM VIỆT NAM: BẢO TỒN DI SẢN, PHÁT TRIỂN ĐƯƠNG ĐẠI

Ngày 18/5/2024 từ 7:30- 14:30 tại "Điểm gặp Liên Văn hoá" 94/96/98 Bạch Đằng Huế

image image

Comments are closed.