“Hí bút” mà sao buốt tâm can (Về bài thơ “đại nhân hí bút” của Nguyễn Du)

Nguyễn Hoa Lư[1]

1. Tập thơ chữ Hán “Thanh hiên thi tập” gồm 78 bài thơ, được chia làm làm ba phần, ứng với ba giai đoạn trong cuộc đời của Nguyễn Du. Đó là “Mười năm gió bụi” (1786 -1795) gồm 30 bài được sáng tác trong thời gian Nguyễn ăn nhờ ở đậu trên đất Quỳnh Côi, Thái Bình. “Dưới chân núi Hồng” (1796 -1802) gồm những bài thơ thời ẩn cư ở quê nhà Nghi Xuân và gần 20 bài trong thời làm quan đất Bắc Hà (1802-1804).

“Đại nhân hí bút” được các nhà nghiên cứu và sưu tầm xếp vào thời kỳ “Mười năm gió bụi”, lúc Nguyễn chưa đến tuổi tam thập nhi lập.

Theo chúng tôi, bài thơ có thủ pháp độc đáo, chỉ xuất hiện một lần, không hề được lặp lại trong “Thanh Hiên thi tập” và cả trong toàn bộ sự nghiệp thơ chữ Hán của Tố Như.

Bài thơ như sau:

錯落人家珥水濱,
居然別占一城春。
東西橋閣兼天起,
胡漢衣冠特地分。
苜蓿秋驕金勒馬,
葡萄春醉玉樓人。
年年自得繁華勝,
不管南溟幾度塵。

Đại nhân hí bút

Thác lạc nhân gia Nhĩ thuỷ tân
Cư nhiên biệt chiếm nhất thành xuân.
Đông tây kiều các kiêm thiên khởi,
Hồ Hán y quan đặc địa phân.
Mục túc thu kiêu kim lặc mã,
Bồ đào xuân tuý ngọc lâu nhân.
Niên niên tự đắc phồn hoa thắng,
Bất quản Nam minh kỷ độ trần.

 

Dịch nghĩa

Thay người viết đùa

Trên bãi sông Nhị, nhà cửa lô nhô,
Nghiễm nhiên riêng chiếm cảnh xuân của cả một thành.
Bên Đông bên Tây, cầu và nhà gác cao ngút trời.
Áo mũ Hán Hồ, người với người phân biệt rõ ràng.
Mùa thu, ngựa đeo giàm vàng kiêu hãnh ăn mục túc.
Ngày xuân, người trong lầu ngọc say rượu bồ đào.
Năm lại năm, tha hồ hưởng thú phồn hoa,
Không quản bể Nam mấy phen nổi cơn gió bụi.

Muốn khám phá bài thơ, ta phải bắt đầu tìm hiểu đầu đề “Đại nhân hí bút”.

Các tác giả đều dịch “Thay người viết đùa”, có thể điều đó khiến người đọc gặp khó khăn trong việc giải mã bài thơ?

Chữ hí (戲) thuộc bộ qua (戈) là một thứ binh khí dài thời cổ, nếu dịch sang tiếng Việt là “đùa” sẽ không nói hết được sắc thái bỡn cợt, trào lộng của nguyên văn.

“Đại nhân” (đại ở đây có nghĩa là thay thế) nếu dịch là “thay người” cũng chưa rõ ý. “Nhân” có nghĩa là người hay người khác, có thể là bất kỳ ai (kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân), nhưng “nhân” trong bài là một người bạn cụ thể. Trong “Nam trung tạp ngâm”, Nguyễn Du có hai bài “Tống nhân” và “Tặng nhân” đều viết cho những người bạn cụ thể.

Thay bạn mà “hí bút” thì chắc chắn đây phải là bạn thân thiết, bạn tri giao. Đầu đề bài thơ nếu muốn rõ nghĩa cần dịch là “Thay người bạn thân viết giỡn chơi”

Từ đầu đề bài thơ, xuất hiện ngay hai câu hỏi:

(i) “Hí bút” – đùa giỡn mà viết ra, vậy nét trào lộng trong nội dung bài thơ nằm ở chi tiết hay câu chữ nào?

(ii) Người bạn (thân) trong bài thơ này là ai? Không thấy có văn bản nào nói đến. Nếu không biết tên họ, chúng ta có thể nói gì về đặc điểm của người bạn thân này?

Trong bài viết này, chúng tôi muốn đưa ra những kiến giải để trả lời hai câu hỏi trên. Văn bản thơ và các cứ liệu lịch sử được chúng tôi lấy ra từ bộ “Nguyễn Du toàn tập” của nhóm tác giả Mai Quốc Liên và Vũ Tuân Sán (sẽ được gọi tắt là nhóm Mai Quốc Liên)[2]. Công trình của nhóm Mai Quốc Liên được xây dựng nên nhờ kế thừa từ các tài liệu có thể được coi là gốc về văn bản thơ Nguyễn Du.

2. Không bám chắc tiêu đề bài thơ với hai từ khóa mà chúng tôi nêu ở trên có thể dẫn đến những hiểu nhầm trong việc giải thích, trích dẫn và cước chú. Xin đưa vài ví dụ:

Theo Trần Duy, nhà xuất bản Hà Nội, “Đại nhân hí bút” đã viết về: “Một Thăng Long đẹp và sang dưới con mắt của một người trẻ: Kinh đô đông đúc, nhà chen chúc ra tận bến sông Hồng. Thành thị tưng bừng sắc Xuân. Cầu quán, lầu gác nguy nga trải dài từ Đông sang Tây. Khách ngoại quốc chen vai đủ cả Hán, Hồ.[3]. Vậy với Trần Duy, bài thơ là một bức tranh hiện thực của một góc thành Thăng Long xưa. Tác giả không quan tâm đến “hí bút”.

Phạm Quang Ái, phó tổng tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh, viết: “Đại nhân hí bút dường như là một hồi ức về cảnh sống xa hoa của hạng quý tộc như ông Khản, nhưng lại viết với lời lẽ mỉa mai, phê phán.[4]. Phạm Quang Ái nói cụ thể hơn Trần Duy nhưng ông không chứng tỏ tính xác thực khi cho rằng đó là cảnh của “hạng quý tộc như ông Khản”. Khi đưa ra chi tiết đó, có thể Phạm Quang Ái quên rằng, trong triều thì Nguyễn Khản là quan đại thần lừng lẫy, về nhà ông người anh cả, hơn mẹ Nguyễn Du đến dăm tuổi, người đã cưu mang dạy dỗ Nguyễn thời mới mồ côi cha mẹ. Phạm Quang Ái nói về sự mỉa mai, phê phán trong bài thơ, nghĩa rất xa với “hí bút”.

Nhà thơ Vương Trọng: “Riêng mảnh đất Thăng Long, Nguyễn Du còn để lại 5 bài thơ chữ Hán, trong đó có một bài viết về Thăng Long đời nhà Lê. Bài này có tựa "Đại nhân hý bút", có nghĩa là "Thay lời người khác viết đùa" tả cảnh Thăng Long Hà Nội rất chi tiết… [5]. Vương Trọng cũng không để ý đến đầu đề bài thơ, và “cảnh Thăng Long rất chi tiết có ý nghĩa hiện thực không?

Nhóm tác giả Mai Quốc Liên, tuy không đưa ra những bình luận về nội dung bài thơ nhưng qua những cước chú có thể thấy nhóm cũng không chú ý đến từ khóa “hí bút”. Chúng tôi muốn bình luận về ba cước chú của nhóm này.

Thứ nhất, chữ “Kiều” trong câu thứ ba, “Đông Tây kiều các kiêm thiên khởi”, được nhóm giải thích: “Kiều có một nghĩa là “cao”, nhóm lý luận rằng không thể hiểu “kiều” là “cầu” vì trái với ý thơ tiếp theo “vươn ngang trời”.

Nhóm Mai Quốc Liên dẫn “Trung Hoa đại tự điển”, về nghĩa “cao” của chữ “kiều”.Chúng tôi có chút hồ nghi với ý kiến này.“Kiều” với nghĩa là cao được viết 喬 với bộ mộc 橋 [6]. như trong bài thơ là.Và với cách viết 橋, kiều trong văn bản có nghĩa là cầu hoặc cây cao.

Ngài ra, nếu 橋 còn có nghĩa cao là tính từ như quan niệm của nhóm Mai Quốc Liên thì câu thơ của Nguyễn phạm lỗi đối xứng, “kiều các” là nhà cao không đối với “y quan” là áo mũ trong câu thứ tư được. Lại nữa, nếu đã ví nhà gác “cao vươn ngang trời” thì cần gì đến tính từ cao?

Kiều (橋) ngoài nghĩa thông dụng là cầu còn có nghĩa là cây cao. Vậy nếu dịch “nhà cửa, cây cối cao ngang trời” có thể là được. Nhưng chúng tôi vẫn nghiêng về các hiểu “Những cây cầu và nhà cửa cao ngang trời”.

Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nói cách hiểu “kiều” là cao như lý giải của nhóm Mai Quốc Liên là không chính xác.

Thứ hai, “Hồ Hán” trong câu bốn, “Hồ Hán y quan đặc địa phân”, thì “Hồ” là tên gọi chung các dân phía Bắc và phía Tây nước Trung Hoa thời cổ là “Hán”, không hiểu sao nhóm lại hướng người đọc hiểu nghĩa “Hồ” trong bài thơ là Hoa Kiều sinh sống trên đất Thăng Long, và “Hán” lại chỉ người bản địa, người Việt!

Ngoài ra, cách hiểu trên bị vướng bởi Hồ (胡) mang nghĩa rợ Hồ, có ý khinh miệt các bộ tộc, dân tộc có đời sống văn hóa lạc hậu. Một số tác giả dịch “người Kinh người Thượng” cũng bị áp đặt. Chúng tôi có lý giải khác, muốn vậy phải mở được khóa của bài thơ mà chúng tôi sẽ trình bày ở dưới.

Thứ ba, chữ “mục túc” trong câu thứ năm, “Mục túc Thu kiêu kim lặc mã”, nhóm Mai Quốc Liên giải thích: “Mục túc là một loài thực vật mọc ở Tây Vực, thời Hán Vũ Đế được nhập vào đất Hán. Mục túc dùng làm thức ăn cho ngựa ở triều đình.”

Nếu chú giải dừng ở đó, nghĩa của câu thơ đã rõ ràng, trừ một chút cầu kỳ đến khó hiểu khi nói “mục túc là một loài thực vật” vì đơn giản đó là một loại rau ăn. Câu thơ nói rằng ngựa của các nhà gia thế bên bờ sông Nhị sang trọng không kém gì ngựa của vua chúa: đeo dàm vàng và ăn rau mục túc.

Không hiểu sao, nhóm còn tiếp tục dẫn thêm trong chú giải về mục túc, rằng đó là thức ăn của tầng lớp dưới. Cụm từ “mâm mục túc” chỉ bữa ăn kham khổ, đạm bạc. Thơ Nguyễn Trãi: “Bàn vô mục túc tọa vô chiên”. Và nhóm kết luận: “mục túc và bồ đào là vật phẩm của các nhà giàu sang từ thời thượng cổ”. Nói rau mục túc là vật phẩm thực làm khó cho người đọc, lại đem câu thơ của Nguyễn Trãi vào ở đây khiến câu thơ vốn đơn giản của Nguyễn Du trở nên mông lung, khó hiểu.

Theo chúng tôi, có thể vì không để tâm suy nghĩ, bỏ qua chìa khóa nằm trong đầu đề bài thơ mà những cước chú của nhóm Mai Quốc Liên mang tính áp đặt, vừa thừa, vừa thiếu như vậy.

3. Để tìm lời giải cho hai câu hỏi trên, chúng ta cần chú ý đến hoàn cảnh của tác giả khi viết bài thơ này. Danh hiệu “đại thi hào Nguyễn Du” là câu chuyện của hai trăm năm sau, Nguyễn cũng chưa có “Đoạn trường tân thanh” khiến Mộng Liên Đường phải thốt lên là “có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ đến ngàn đời”.

Bài thơ trên, Nguyễn viết trước thời kỳ “tam thập nhi lập”. Trong 20 năm liền, cuộc đời của Nguyễn, từ một cậu ấm con quan Tể tướng liên tục bị dập vùi bởi những ngọn sóng khắc nghiệt nhất. Những ngọn sóng đến từ những thăng trầm thời cuộc và của gia tộc. Trong gia đình, Nguyễn chứng kiến quá nhiều cái chết của người thân. Mất cha lúc 10 tuổi, 13 tuổi mất mẹ, và liên tiếp sau đó là nhiều anh em trong gia đình bị chết hoặc bị giết, rồi cái chết của ba đứa con nhỏ và ở tuổi 30 thì mất vợ.

Có quá nhiều câu thơ trong giai đoạn này để ta hình dung về một gã thư sinh nghèo, nhiều bệnh, đa cảm, bơ vơ, ít giao du. “Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán/ Bạch đầu đa hận tuế thì thiên/ Cùng đồ liên nhữ dao tương kiến/ Hải giác thiên nhai tam thập niên.”

Quê hương Hồng Lĩnh, chẳng còn nhà cửa, anh em tan tác.

Đầu đã bạc, nhiều mối hận cho ngày tháng trôi nhanh.

Từ xa nhìn nhau, trăng thương ta cùng đường,

Ba mươi năm nơi chân trời góc biển

Quỳnh Hải nguyên tiêu

“Cùng đường”, “đa bệnh”, “bế môn” và “tóc bạc” là âm điệu quen thuộc xuyên qua “Thanh hiên thi tập”.

Con người Nguyễn như vậy, bạn thân của ông bên bờ sông Nhị có thể được hình dung thế nào? Thân nhau đến mức thay lời mà “hí bút”! Người đó chỉ có thể, cũng như Nguyễn, một kẻ “thư kiếm vô thành sinh kế xúc”, văn võ đều không thành, sinh kế quẫn bách, hay một vị quan vô danh, đi xe nhỏ cưỡi ngựa hèn.

Cả khách thơ và chủ nhà đang trong một khung cảnh tráng lệ, ở đó người ta phân biệt nhau về thành phần, xuất xứ, là quý tộc hay bình dân, là vương giả hay cơ hàn, ngoại quốc hay sở tại chỉ qua bề ngoài “Hồ Hán y quan”. Cách hiểu của nhóm Mai Quốc Liên, rằng “Hồ” là người Hoa kiều, “Hán” là người Việt vừa gượng ép vừa gò bó lại không bao quát được bức tranh hiện thực rộng lớn mà tác giả đã vẽ ra.

Nhưng toàn bộ bài thơ là lời lên án nghiêm khắc? Tìm đâu ra sắc thái của sự “hí bút”?

Chúng ta nhìn kỹ lại bức tranh “phồn hoa” rực rỡ, ở đó có hai tuyến nhân vật. Thứ nhất là đám người quyền quý, có thể mới phất lên rất nhanh “nhà cửa chen chúc lộn xộn”, kệch cỡm tham lam “nghiễm nhiên riêng chiếm cảnh Xuân của cả một thành”, đã thành bản tính “năm lại năm mà sống vô tình với vận nước nổi trôi “chẳng quản biển Nam bao phen nổi cơn gió bụi.

Tuyến thứ hai, người bạn tri giao của Nguyễn, có thể có cả Nguyễn? Họ đang ở đâu trong bức tranh phù hoa đó? Không có câu nào nói về họ cả.

Thì họ vẫn đang ngồi đó, bên bờ sông Nhị, trong một “nhất viện bần”! Đối diện với chủ nhà là ông khách thơ đa sầu nhiều bệnh, mái tóc bạc rối bù trong gió lạnh từ sông Nhị thổi vào. Khách ngước mắt nhìn ra hai bên nhà, thấy rõ: “Đông Tây kiều các kiêm thiên khởi”, phía bên Đông và bên Tây, nhà cửa, lầu gác và những cây cầu cao chót vót tận trời! Có thể tả thực, cũng có chút cường điệu, “hí bút” mà, không hề mâu thuẫn như quan niệm của nhóm Mai Quốc Liên.

Vậy thì chất “hí bút” ở đâu trong tám câu thơ nghiêm trang như một lời kết tội nặng nề kia?

Như một họa sĩ đang vẽ tranh, Nguyễn làm nhòe cái tệ xá của bạn, đẩy người bạn thanh bần của mình khuất trong đám trọc phú nhốn nháo nhà cửa ngựa xe, ồn ào vênh váo với mỹ tửu cùng sắc Xuân ngập tràn! Nguyễn muốn “cay nghiệt” đùa bỡn bạn mình! Nét vẽ nhòe đó tạo nên “hí bút”.

Bạn có thể thắc mắc, chẳng lẽ bài thơ sử dụng thủ pháp nghệ thuật “mật ngôn” hiểm hóc như đánh đố người đọc? Hoàn toàn không phải? Nguyễn không có ý làm thơ gửi cho hậu thế muôn mă sau, và quan trong hơn, người đọc có thể quên mất hoàn cảnh của tác giả khi làm bài thơ.

Nếu bạn đặt mình vào tệ xá, nhìn hai người bạn, “sinh vị thành danh nhân dĩ suy, tiêu tiêu bạch phát mộ phong xuy” – Những người danh chưa có mà thân đã suy, đang im lặng nhìn cảnh phồn hoa bên sông. Rồi bạn lắng nghe Nguyễn cất tiếng ngâm bài thơ của mình… Lúc đó bạn sẽ cảm nhận thấy cái chất “hí bút” của bài thơ. Một bài hí bút tê buốt như một ngọn gió lạnh. Cả người viết, cả người nhận không ai cười được, có chăng lại cái nhếch mép gượng cười và những đôi mắt ầng ậc nước vì xót xa, bi phẫn và bất lực!


[1] Liên lạc: nguyenchinh.math@gmail.com

[2] “Nguyễn Du toàn tập”- Mai Quốc Lên, Vũ Tuân Sán, NXB Văn học 2015

[3] http://www.nxbhanoi.com.vn/chi_tiet_tin/tabid/204/cateID/4/artilceID/16039/language/vi-VN/Default.aspx

[4] http://vanhocnghethuathatinh.org.vn/tac-gia-pham-quang-ai-1538817882.html

[5] http://cand.com.vn/van-hoa/Nha-tho-Vuong-Trong-tri-an-mot-tinh-yeu-Ha-Noi-166110/

[6] Với cách cấu tạo thông thường của chữ Hán, xuất phát từ cùng một 喬 ta có một loạt chữ đồng âm “kiều” nhưng mang nghĩa khác như 僑 với nghĩa ở nhờ làng khác/nước khác (kiều dân); 嬌 với nghĩa mềm mại xinh đẹp…

Comments are closed.