Ham muốn trong truyện của Võ Phiến

Liễu Trương

Ở miền Nam vào những thập niên 60-70, truyện dài đăng nhiều kỳ trên các nhật báo được nhiều người theo dõi. Mỗi ngày độc giả trông báo ra để đọc tiếp truyện đang đọc lỡ dở. Để đáp lại nhu cầu của độc giả, có những tác giả viết truyện nhiều và nhanh, trong tình trạng gấp rút để kịp đăng báo. Gấp rút đến nỗi có tác giả nhầm lẫn tên nhân vật của truyện này với tên nhân vật của truyện khác. Điều này không thể xảy đến cho nhà văn Võ Phiến. Ông sáng tác truyện một cách đắn đo, chừng mực; ông nhắm cái phẩm hơn cái lượng.

Truyện của Võ Phiến – truyện dài cũng như truyện ngắn – không để người đọc dửng dưng. Vốn có óc quan sát nhạy bén, Võ Phiến đưa vào truyện những chi tiết có khi rất chi li mà ông thấy ở ngoài đời, hoặc do kinh nghiệm bản thân, để tô đậm cá tính của một nhân vật, tạo động lực cho một hành động, dựng lên một cảnh huống gây ngỡ ngàng. Những nhân vật như ông Ba Thê và Toàn, người con trai lớn của ông ta, ông Tú Từ lâm, chị Bốn Chìa vôi, v.v. là những nhân vật khiến người đọc khó quên. Truyện của Võ Phiến hàm nhiều nghĩa và có thể được tiếp cận từ nhiều góc độ: kỳ ảo, liên văn bản, mỹ học, xã hội học, v.v.

Từ góc độ phân tâm học, việc thăm dò tác phẩm của Võ Phiến cũng cho phép nhiều khám phá trong văn bản. Có điều cần nói rõ là đọc một tác phẩm theo phân tâm học không có nghĩa là phân tâm tác giả. Nhà văn quyết định sáng tạo tác phẩm theo chủ ý của mình, theo tài năng, nghệ thuật của mình, cho nên tác phẩm mang dấu ấn của nhà văn, điều này không ai phủ nhận được. Tuy nhiên, trong tác phẩm có những yếu tố, những khía cạnh mà nhà văn không ngờ, nó thoát khỏi nhà văn, cho nên đọc tác phẩm theo phân tâm học là cố đi tìm vô thức hay đúng hơn một phần nào của vô thức trong tác phẩm, mà vô thức trong tác phẩm không phải là vô thức của tác giả.

Một trong những chủ đề trội nhất trong truyện của Võ Phiến là ham muốn và là ham muốn xác thịt. Học giả Nguyễn Hiến Lê đã nhận xét điều này khi ông viết về tùy bút của Võ Phiến mà ông gọi là tạp bút: “Về loại đó ông sâu sắc như Nguyễn Tuân mà tự nhiên hơn, dí dỏm hơn, đề tài phong phú hơn, đa dạng hơn, nhưng ông cũng có tật hay gợi đến vấn đề sinh lý.

Vấn đề sinh lý như Nguyễn Hiến Lê nói, nó xuất hiện thường xuyên trong truyện của Võ Phiến và ngay trong một số tùy bút mà hình thức có khi gần với truyện. Chẳng hạn bài tùy bút Lại thư nhà kể chuyện anh Bốn Thôi bất lực có sáu người vợ. Phân tâm học đặt cho vấn đề sinh lý những cái tên như “ham muốn” (désir), “dục năng” (pulsion sexuelle) để diễn tả đời sống tâm lý và hành vi của con người.

Vậy ham muốn là gì? Nó xuất hiện như thế nào trong truyện của Võ Phiến, và nó có vai trò gì trong việc sáng tạo văn chương của tác giả?

I  Những đặc tính của ham muốn

Trước hết cần phân biệt ham muốn với nhu cầu. Nhu cầu và sự thỏa mãn hay không thỏa mãn của nó được xem như những hiện tượng trước tiên thuộc về thể xác. Còn ham muốn có phải là một hiện tượng chỉ thuộc về thể xác, về sinh lý học không? Cũng cần nhắc rằng đói, khát, làm dáng hay tình mẫu tử cũng là những hiện tượng thuộc tư duy, nghĩa là những từng trải của ý thức chứ không chỉ là những hiện tượng hoàn toàn thuộc thể xác. Có ba lý do để phân biệt ham muốn với nhu cầu. Lý do thứ nhất: ham muốn có tính liên chủ thể; lý do thứ hai: sự nảy sinh của ham muốn là do những quy luật phức tạp; và lý do thứ ba: bản tính luôn thay đổi của đối tượng của ham muốn.

Trái với tính tự nhiên của nhu cầu mà đối tượng đã được thiên nhiên quy định một cách bất biến, ham muốn có tính liên chủ thể, ham muốn của con người là một ham muốn mà tha nhân chia sẻ, không thể có một ham muốn trong cô đơn. Chẳng hạn về hiện tượng thời trang, tôi chỉ ham muốn cái mà những người khác ham muốn. Theo nhà triết học A. Kojève, mọi ham muốn là ham muốn tha nhân, có nghĩa tha nhân vừa là vật thể vừa là chủ thể của sự ham muốn của tôi. Về vật thể, sự ham muốn của tôi nhằm một vật thể (áo quần, nhà cửa…) vật thể này được tha nhân ham muốn, và đối với tôi, ham muốn của tha nhân làm cho vật thể đáng được ham muốn. Về chủ thể, thật ra không phải tôi ham muốn mà là tha nhân ham muốn xuyên qua tôi, và tôi chỉ là một chủ thể ảo của sự ham muốn “của tôi”. Nói chung, những ham muốn của chúng ta bị một mãnh lực vô danh chi phối, nó chế ngự đời sống hằng ngày của chúng ta.

Ham muốn tùy thuộc vô số những quy luật xã hội, nó có biến tính từ xã hội này sang xã hội khác, và ham muốn cũng tùy thuộc những quy luật văn hóa.

Chỉ có con người mới biết ham muốn. Trong khi cỏ và nước làm cho con bò thỏa mãn sự đói khát của nó, ham muốn của con người trái lại luôn luôn nhắm một đối tượng mới, và dường như ham muốn, vì bản chất của nó, nó luôn luôn thay đổi và phản bội với đối tượng. Con người không bao giờ thỏa mãn.

Vậy ham muốn không thể bị quy vào nhu cầu, và tính bất khả quy của nó cũng được áp dụng cho dục tính của con người. Ham muốn có vô số đối tượng, nhưng có một đối tượng chung cho con người, đó là ham muốn xác thịt, vì con người có một thể xác. Tuy nhiên, khác với nhu cầu của thú vật, ham muốn xác thịt của con người, cũng như những ham muốn khác, bị ảnh hưởng của văn hóa và tùy theo tâm lý của từng người, cho nên nó biến đổi từ cá nhân này qua cá nhân khác, điều này đưa chúng ta vào truyện của Võ Phiến.

II Thân xác và ham muốn trong thế giới truyện của Võ Phiến

Qua những truyện của Võ Phiến, chúng ta thử xem thân xác, đối tượng của ham muốn, được biểu hiện như thế nào, ham muốn nảy sinh trong trường hợp nào và khi ham muốn không được thỏa mãn, hiện tượng gì sẽ xảy đến.Trong truyện của Võ Phiến, thân xác được nhắc nhở thường xuyên và được miêu tả dưới nhiều khía cạnh.

Có những thân xác gây lo âu. Trong truyện ngắn Tâm hồn, mối lo âu lớn nhất của vợ chồng Thảo là sức khỏe, họ thuộc hết những cây lá dùng làm thuốc, thủ sẵn ve dầu để xoa khi bị lạnh. Thảo có một đời sống công chức tầm thường, vô vị, anh ta nuôi những mộng tưởng cao xa. Để thoát khỏi cuộc sống đơn điệu, Thảo đi tìm những tình yêu vụng trộm, nhưng chỉ cần một cơn mưa lạnh cũng đủ làm Thảo khó chịu, lo sợ cho thân xác của mình, và mau mau trở về ẩn nương trong cuộc sống đơn điệu, để được vợ săn sóc sức khỏe.

Tiểu thuyết Một mình cho thấy tâm trạng bứt rứt của một người đàn ông bỗng nhiên cảm thấy mình bất lực. Hữu, nhân vật chính của truyện, khi thấy thân xác mình bạc nhược thì đâm ra lo lắng, anh ta tìm cách giấu mồ hôi cứ toát ra khỏi người, và có cái tật hay sờ lên mặt, kéo chằng da mặt ra như để thăm dò thân xác. Hữu quá lo lắng cho thân xác nên có mặc cảm đối với những thanh niên khỏe mạnh như Ngạc, một người bạn đồng nghiệp, mặc cảm khiến Hữu ghen với người vợ trẻ. Cuối cùng Hữu dan díu với một cô gái điếm tên Nga, Hữu muốn gây xao xuyến trong lòng cô ta, muốn kích thích nhục dục của cô ta, như để tự chứng minh là mình không đến nỗi tệ lắm. Nhưng Hữu đã thất bại: Nga vẫn dửng dưng.

Thân xác cũng có thể bị ruồng rẫy, hất hủi, như trong tiểu thuyết Đàn ông. Chị Lê, một phụ nữ giàu tình cảm, dễ xiêu lòng, chẳng may gặp phải một người chồng là một tay buôn lậu, vào tù ra khám. Chị Lê đành làm nghề gái nhảy để nuôi con. Chị biết đời mình không mấy tốt đẹp nên tuyệt đối chị không trở về làng quê, và chị khinh rẻ thân xác chị: “Những cuộc chung chạ… chung chạ vô hiệu quả lặp lại mãi mãi, khiến chị tự khinh mình, coi thường xác thịt mình”.  (T.T. II, tr.88) Chị Lê có một cô bạn trẻ tên Thục. Cô này bị một người đàn ông đã có vợ lường gạt, cô đành làm nghề rước khách, cô cảm thấy cuộc đời không đáng sống, bèn tự tử nhiều lần. Thục đi xa hơn chị Lê, cô muốn hủy diệt thân xác mình.

Nhưng thân xác gây lo âu hay bị ruồng rẫy chỉ là trường hợp hiếm hoi. Trong truyện của Võ Phiến, quan trọng nhất là thân xác quyến rũ, thân xác đối tượng của ham muốn. Trước hết, thân xác có thể xuất hiện trong trí tưởng tượng để làm nảy sinh ham muốn. Trong truyện ngắn Người tù, Trần Kỳ Vĩ, một thanh niên mười chín tuổi, thân hình gầy guộc, ốm yếu, bị kết án mười năm tù, vì đã dịch ra tiếng Pháp giùm cho ông già Đỗ Nghĩa Hành lời yêu cầu quân đội Pháp cho phép dân chài vớt ghe thuyền bị giấu dưới nước lâu ngày. Trần Kỳ Vĩ yêu con gái của ông già Hành; trước khi vào tù, anh ta chỉ mới ngỏ lời với cô gái muốn cưới cô. Người con gái tỏ ra dè dặt. Nhưng Vĩ càng gặp trở ngại vì bị giam cầm, ham muốn của anh ta càng mãnh liệt hơn, chỉ có một ngôn ngữ táo bạo mới xoa dịu phần nào nỗi ham muốn:

“– Này, da thịt con gái nó có cái mùi thơm tho riêng, anh có thấy thế không? Tôi chắc là chỉ những người chưa chồng mới có cái mùi thơm ấy. Hôn một lần rồi không làm sao quên được. […] Này, hôn nhau không biết mấy lần rồi đấy nhé! Hôn tay, hôn chân, hôn má, cổ, mặt, mũi… Khắp hết, khắp hết.”  (T.N. I, tr. 62) (1)

Trong các truyện khác, giác quan của nhân vật ham muốn mở rộng để nắm bắt thân xác của tha nhân. Đặc biệt qua thị giác, ham muốn nảy sinh dưới nhiều hình thức.

Bình, con người ham muốn trong truyện Dung, muốn chiếm hữu cô gái tên Dung một cách tàn bạo, đến nỗi cô gái có cảm tưởng mình là một con mồi. Cô ta nhận xét: “Vẫn cái thèm muốn tha thiết, một sự tấn công ương ngạnh tàn bạo, nhưng kín đáo, lặng lẽ […]. Thế mà lạ lùng, tôi vẫn không đương nổi sức tác động kỳ quái của cặp mắt hắn. (T.N. I, tr. 37)

Ham muốn cũng nảy sinh qua sự nhìn trộm. Thiện, nhân vật chính của truyện Kể trong đêm khuya, nhớ lại hồi còn làm cái việc kèm trẻ ở Nha Trang, anh ta hay nhìn trộm một cô gái bên láng giềng: “Mắt vẫn ngó chăm về cánh cửa sổ trước mặt, tôi thầm nghĩ: “Sau đó cử động một thân hình! Trời ơi! Một thân hình xa vời, ngoài sự mơ tưởng của mình.” […] tôi vẫn cứ lì ra ôm lấy song cửa, thèm khát nhìn sang phòng bên kia.” (T.N. II, tr. 42-43) (2)

Chúng ta sẽ thấy trong truyện Lỡ làng cũng có chuyện nhìn trộm. Sau này, khi sống ở hải ngoại, Võ Phiến cũng dùng lại thủ pháp nhìn trộm trong bài tùy bút Nhớ làng. Sự nhìn trộm lần này quả là gay cấn. Một nhân vật tên Năm Hà, làm cán bộ trong thời kháng chiến. Trong nhà Năm Hà, có một đại đội trưởng ở trọ. Vợ Năm Hà tuy không đẹp, nhưng có một thân hình khêu gợi: “Chị khỏe mạnh ngồn ngộn. Da thịt chị nõn nà, ửng hồng. Da thịt ấy như sáng lên, như hớn hở”. Một hôm Năm Hà từ ngoài đồng trở về nhà bất thình lình, anh ta thấy cửa phòng đóng kín. Nhìn qua khe cửa quá nhỏ, anh ta chỉ thấy phần nào cái cảnh làm anh ta rụng rời: “Anh Năm Hà thấy một bàn chân đàn bà đang nằm […]. Trên mặt chiếu bàn chân xuôi xuống, cố hết sức chúc mũi xuống […]. Bốn ngón chân quắp xuống, còn ngón chân cái thì rướn cong lên. Nó rướn cong, ôi chao, quá sức nó, làm nổi cao một sợi gân. Trời, ngón chân cái, nó rướn cong như cái đuôi con chuột trong cơn hấp hối, bị kẹp nát đầu trong chiếc by […]. Anh Năm Hà cuống cuồng, run bấn.

Sự miêu tả một phần rất nhỏ của thân xác – ngón chân cái – cũng đủ gợi lên một hình ảnh mãnh liệt, đầy ám ảnh.

Trong truyện Để ý, một người đàn ông từ xa nhìn trộm – lại chuyện nhìn trộm – người thiếu nữ mình yêu. Người này quặt tay ra sau lưng để sờ mấy cái nút áo. Thế là người đàn ông để ý đến bàn tay: “Ở đốt cuối cùng, ở mỗi chỗ gốc ngón tay giáp liền với bàn tay có trũng xuống một lỗ con con nhỏ xíu, trông như những cái má núm đồng tiền! Thao ơi! phải chịu rằng lúc ấy anh hết thản nhiên được. Anh rung động, anh thương mến sự lo lắng vu vơ của em […] làm sao anh khỏi bị khêu gợi, bị xúc động […]. Má lúm đồng tiền thì có lẽ không có gì đẹp, nhưng mà nó dễ thương vì mũm mĩm, như ngây thơ. Làm sao anh không thương mến một bàn tay lúm đồng tiền...” (T.N. II, tr. 252)

Trong truyện Thị thành, xúc giác phụ họa với thị giác để gây ham muốn. Trần Hùng, một thanh niên sống ở miền quê, rất hãnh diện về tổ tiên của anh ta, vì những vị này đã có công trong cuộc Nam tiến. Kỷ niệm còn lại là ngôi nhà từ đường mà Trần Hùng rất quý và chăm sóc kỹ càng. Nhưng một biến cố xảy đến khiến Trần Hùng phát hiện ngoài ngôi nhà từ đường còn có cái khác làm cho anh say mê. Một hôm phi cơ của giặc oanh tạc vùng quê của Trần Hùng, Trần Hùng sợ hãi bom đạn, bèn lo ẩn núp. Tình cờ nơi ẩn núp của Trần Hùng, có một cô gái từ thành thị vừa tản cư đến. Vô tình Trần Hùng áp mặt vào bắp chân của cô gái: “Y nghe trên má một cảm giác mát hơn là khi áp mặt lên cái nền nhà từ đường […]. Y hé mắt ra nhìn: bắp chân tròn và trắng như một con cá thu nằm phơi ngửa bụng dưới ánh nắng […]. Nếu bắp chân chỉ nhẵn như bụng cá thu thì còn dễ chịu. Đằng này nó lại có những sợi lông thưa thớt, thực nhỏ và thực xinh, lại có những lỗ chân lông, những dấu gân, mạch máu, v.v. để cho y ngắm nghía và nghĩ ngợi rất dài. Y thử lấy bàn tay mơn nhẹ như vuốt trên lưng một con mèo ngủ. Cái chân vẫn nằm im nhưng làn da máy động…” (T.N. I, tr. 122)

Trong truyện Băn khoăn cũng có chuyện bắp chân gây ham muốn: “Hai người lội qua một dòng suối, nước lạnh rợn da thịt. Chân còn ướt, Loan vừa đi hai tay vừa nắm giữ ống quần cao gần đến gối. Người đồng chí bước theo sau, nhìn hai bắp chân trắng muốt dưới ánh trăng.” (T.N. I, tr. 143)

Và tác động kích thích của những sợi lông tơ trên một làn da cũng đã xuất hiện ở vài truyện khác, chẳng hạn trong truyện Mưa đêm cuối năm: “Trưa đó y ngồi bên cạnh người con gái được khá lâu. Có một lúc y chú ý đến hai cánh tay tròn và trắng muốt, trên đó óng ánh những sợi lông vàng […]. Y muốn được đưa tay ra xoa vuốt cánh tay ấy, xoa vuốt, mơn man!” (T.N. I, tr. 78-79)

Trở lại chuyện Trần Hùng trong Thị thành, khi Trần Hùng và cô gái đã làm quen với nhau: “Y định tìm một câu gì ỡm ờ để trêu lại cô ta chơi, nhưng trong lúc y nhìn xuống cái cổ cô ta, chờ cho cô ta cười xong, thì có cái gì guộn lên nong nóng ở ngực: tự nhiên y xúc động.

Cô gái khoe hồi còn ở thành phố, cô có làm việc trong một tiệm trà. Khi cô đang nói đến mùi thơm của trà Tàu trong tiệm, mùi thơm đó thấm vào người và áo quần, thì bỗng dưng cô ngừng lại vì cái nhìn chằm chặp của Trần Hùng. Ở đây khướu giác cũng phụ họa với thị giác để tìm tòi: “Y nhìn chăm vào cái cổ và vai của cô ta như muốn tìm cho thấy cái mùi trà thơm.” (Sđd, tr. 124)

Có thể nói, khứu giác cũng dễ bị kích thích. Trong truyện Một mình, trước khi dan díu với Nga, Hữu đã mon men đến gần Châu, một cô gái gọi Hữu bằng “chú”. Một hôm đến thăm Châu đau mới dậy: “Tóc nàng lâu không gội, thoảng một mùi nồng nồng. Nhưng chàng không tránh cái mùi đó. Và chính mùi đó như đánh thức dậy một cái gì. Sau cùng, Hữu phải nhận rằng lần ấy chàng thèm muốn. Thật lạ.” (T.T. I, tr. 202)

Trong truyện Băn khoăn, ham muốn dần dần xuất hiện qua thị giác rồi qua xúc giác. Hiệu và Loan được gần nhau dưới mái nhà ông Trợ Thỉ, nhưng họ phải dè dặt, ý tứ. Trong khi ông Trợ Thỉ nói chuyện: “Hiệu đăm đăm nhìn khuôn mặt và chiếc cổ của Loan, ngực anh ta hồi hộp. Hiệu biết chắc đã đến lúc anh ta phải làm một cái gì. Anh thấy mình yêu Loan quá đi, thèm muốn Loan nữa. Cổ anh khô mà đầy, anh nuốt ực một cái […] Hiệu nhẹ nhàng, hết sức nhẹ nhàng, đặt bàn tay mình trên lưng bàn tay Loan. […] Bàn tay Hiệu vẫn đè lên bàn tay kia một lúc lâu […] Rồi Loan cúi đầu xuống, cắn nhẹ môi dưới của mình, đồng thời nhích ngón tay cái lên. Hiệu vội rút bàn tay mình về. Loan vẫn để yên bàn tay ở chỗ cũ.” (T.N. I, tr. 138-139)

Ham muốn hiện rõ qua sự đối thoại câm của hai bàn tay, bàn tay người ham muốn đóng vai chủ động, và bàn tay của người được ham muốn thụ động, chờ đợi.

Xúc giác bị kích thích mạnh mẽ hơn trong hai truyện Anh emHoạt cảnh II. Cả hai truyện đều xảy ra giữa hai anh em bà con, tức có vấn đề cấm kỵ. Đặc biệt trong truyện Hoạt cảnh II, hoàn cảnh gia đình đã đưa đẩy hai anh em vào một tình thế khó xử. Cả hai đều mồ côi cha mẹ, phải nương tựa nhau. Hai anh em đi theo đoàn người di dân lên miền đất mới. Người anh bị ray rứt vì cảm thấy ham muốn đứa em gái và phản ứng bằng cách ăn nói xẳng xớm với cô em. Nhưng cũng có lúc người thanh niên mềm yếu. Sau bữa ăn, người con trai: “vừa xỉa răng vừa nhìn xuống mái tóc, rồi nhìn xuống cổ tay người con gái”. Khi hai anh em ngồi bên nhau dưới gốc cây, trong sương đêm: “Hông cô con gái ấn vào hông anh […]. Một ý nghĩ lồng lộn dữ dội trong đầu óc anh: “Nó chắc nịch! Nóng hổi và chắc nịch!”” (T.N. I, tr. 289)

Như chúng ta đã thấy, người đàn ông ham muốn trong truyện của Võ Phiến chỉ nhạy cảm với những phần nào đó trên thân thể người phụ nữ. Chỉ cần một mái tóc dày, một bàn tay với những chỗ lõm ở gốc các ngón tay, một cánh tay tròn với những sợi lông tơ, một cái cổ, một cái vai, một bắp chân trắng muốt. Trái lại cái lưng là biểu tượng cho sự hững hờ, sự dửng dưng, nó không gợi ham muốn.

III Nhân vật ham muốn

Những nhân vật ham muốn của Võ Phiến đều thuộc nam giới và có thể được xếp theo hai hạng. Một là hạng người còn trẻ, vì lý do nào đó như: vấn đề sức khỏe, đã có vợ nghĩa là không còn là một thanh niên trẻ, hấp dẫn, tự do tung hoành, chênh lệch tuổi với vợ, góa vợ, v.v. đã trở nên những người có tự ti mặc cảm, cho nên càng ghen nhiều hơn. Đó là trường hợp của Thọ (Thác đổ sau nhà), Hữu (Một mình), Hải (Đêm xuân trăng sáng), Thúc (Yêu đương)… Hai là hạng người đàn ông đứng tuổi, khoảng năm mươi, còn sung sức, ham muốn nhục dục và không chút đắn đo về tình cảm. Hạng người này được tác giả miêu tả như những người đàn ông vạm vỡ, nước da đen, với những ngón tay cụt ngủn, thô kệch. Tiêu biểu nhất là ông quận Toàn trong truyện Thác đổ sau nhà. Trong một bữa tiệc cưới, chỉ cần xem cách ăn uống, cử chỉ và lối ăn nói của ông ta, dưới cái nhìn khiếp sợ của một phụ nữ có lần đã yếu đuối với ông ta, cũng đủ biết ông quận Toàn ham nhục dục như thế nào. Khi ông ta ăn: “Trông cái môi ông nhếch lên, lưỡi ông quơ soát lại hàm răng, và ông chíp chíp nho nhỏ trong miệng, tôi đoán có lẽ cái vị của món bồ câu ăn với xà lách còn một chút lưu luyến nơi ông. Nhưng chắc ông đã bắt đầu nghĩ đến ly cà phê mà ông sắp thưởng thức rồi.” (T.N. I, tr. 178) Và khi nói chuyện, ông ta xưng “bọn thợ săn chúng tôi, […] ông bấu chặt lấy lưng ghế, chồm người tới, trố mắt lên tròn xoe”. Rõ thật đây là một người muốn uy hiếp, muốn chinh phục và chiếm hữu. Trong khi nói chuyện: “Vụt một cái ông ta sụn xuống, rùn cổ thụt đầu vào, nhô hai vai cao lên, và giơ cả hai bàn tay lên, há miệng trợn mắt”. (tr. 172-173)

Bộ điệu của ông quận Toàn gợi lên hình ảnh con rùa, mà con rùa, đối với Võ Phiến, là một con vật gây nhiều liên tưởng có dục tính. Trong truyện Chim và rắn, Võ Phiến viết: “… nói về rùa phải thận trọng một chút đấy nhá: gọi đầu rùa bằng chữ nho hay gọi cái mai của nó bằng tục danh đều khiến ai nấy đỏ mặt. Chúng ta quá là tệ. Con rùa, nó có còn gì nữa đâu; cả cái nó phô ra cùng cái nó giấu vào đều bị chúng ta liên hệ đến chuyện tục tĩu.” (T.N. I, tr. 294)

Ông quận Toàn được ví với con rùa, tức ông ta bị loại vào hạng người thô tục. Sau cơn khoái lạc, ông ta lại được ví với con trăn: “Tôi nhớ lại hồi khuya, lúc ông ta vừa buông tôi ra, nằm ngửa bên cạnh tôi, […] nét mặt ông ta trân lại, sắt lại, trầm ngâm. Không phải ông ta đuổi theo một tư tưởng gì, mà chính là ông ta cần yên tĩnh để lắng xuống nghe cảm giác khoái lạc thấm lần thấm lần vào cơ thể. Trông như một con trăn nuốt rất chậm, rất cẩn thận, vừa nuốt vừa đề phòng con mồi, như một người hít xong khói thuốc phiện nằm ngửa lơ mơ tê mê.” (T.N. I, tr. 212)

Trong truyện Lỡ làng, ông Thanh tra người cũng vạm vỡ, nước da cũng đen điu như ông quận Toàn. Ông Thanh tra có tiếng chơi ngựa, sành sõi về ngựa và đàn bà. Trong tâm lý của người đàn ông muốn chinh phục và chế ngự phái yếu, đàn bà và ngựa đều như nhau.

Trong truyện Một mình, Hữu tìm cách chinh phục Nga. Anh ta nghĩ: “Đàn bà cũng như con ngựa: thoáng một cái, biết ngay người chủ là tay yếu hay cứng cương.”

Đến như ông Tú Từ lâm trong truyện Đàn ông, một người già yếu mà cũng còn ham muốn, sự ham muốn thảm hại của ông ta chỉ để lại được một vết bẩn trên bàn chân chị Lê.

IV  Ham muốn của người lớn dưới cái nhìn của trẻ con

Trong truyện của Võ Phiến, trẻ con cũng bị đưa vào thế giới ham muốn của người lớn. Có ba cảnh trẻ con ngây thơ, vô tội, tình cờ chứng kiến một cảnh nhục dục của người lớn mà chúng không thấu hiểu.

Cảnh thứ nhất trong Thương hoài ngàn năm. Bạch là con gái út trong một gia đình nông dân, nó lớn lên giữa thiên nhiên, trong gia đình không ai để ý đến nó. Các chị nó đã đi lấy chồng, còn lại một người chị tên Thanh đã đến tuổi cặp kè, nên bà mẹ thường trông chừng. Một hôm trong làng có vụ che mía vào đêm trăng. Che mía là cơ hội để trai gái trong làng gặp gỡ, hát hò với nhau. Bà mẹ chỉ cho phép Thanh đi dự che mía nếu cô đem theo đứa em. Trong đêm khuya, Bạch chờ chị che mía lâu quá bèn nằm ngủ bên bờ ruộng. Lúc tỉnh dậy, nó đi tìm chị. “Khi trông thấy chị nó với một người con trai ôm nhau trửng giỡn như cặp chồn cắn lộn giữa bụi cây thì nó ngạc nhiên sợ hãi ngồi nép xuống. Nó im lặng nghe chị nói chuyện rì rầm, nhìn chị hôn hít. Và tới khi trông thấy chị nó phơi bày da thịt trắng nõn dưới trăng, con bé cứ lặng lẽ ngồi xem.” (T.N.II, tr. 127)

Cảnh thứ hai trong truyện Lỡ làng. Thông là một cậu học sinh 13 tuổi, thường có thói quen chơi đá banh trước nhà với các bạn. Trong láng giềng có cặp vợ chồng chênh lệch về tuổi tác: người chồng là ông thanh tra, khoảng năm mươi tuổi, nhưng người vợ, mà Thông gọi là chị Lai, chỉ mới mười bảy tuổi. Thông rất mến chị Lai, người phụ nữ này có những cử chỉ âu yếm như một người mẹ đối với Thông. Một buổi trưa trời nóng, bốn bề vắng lặng, Thông thơ thẩn ngoài sân. Tình cờ ở nhà ông thanh tra có cánh cửa sổ hé mở. Thông nhìn vào và bắt gặp một cảnh tình tự giữa hai vợ chồng ông thanh tra: “Trên chiếc giường mùng, ông thanh tra nằm xây mặt vào vách, quay lưng ra phía y, đưa bàn tay mặt lên ấp vào cổ chị Lai, mân mê và luồn những ngón tay của ông ta vào mớ tóc rất tốt rất đen của chị. Chị Lai ngồi nghiêng nghiêng, lưng quay vào vách, đầu bị bàn tay ông thanh tra kéo xuống. Ông ta xoa và mân mê cổ chị như thế, rồi kéo đầu chị gục xuống lần lần, đến khi ấy ông quàng luôn cánh tay trái ngang lưng chị siết mạnh đến nỗi cả ông thanh tra và cả chị Lai cùng giãy lên và cười rúc rích.” (T.N.I, tr. 95)

Cảnh thứ ba trong tiểu thuyết Một mình. Trở lại chuyện của Hữu. Khi nhỏ, Hữu đã từng chứng kiến cái cảnh ông cụ Thuần ngoại tình, nằm lên mình bà vợ của ông bác của Hữu. Hình ảnh cái thân xác nặng nề của ông Thuần đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho Hữu. Hữu đâm ra lo lắng cho người phụ nữ nằm dưới tấm thân to lớn kia.

Như thế Võ Phiến đã nhiều lần đưa trẻ con vào thế giới ham muốn của người lớn, cảnh này được tái diễn trong bài tùy bút Cái lạnh nửa người mà tác giả viết sau khi đã rời đất nước.

Nếu đọc văn bản theo phân tâm học là đọc theo lối liên tưởng thì cảnh tình tự giữa hai người lớn khác phái dưới mắt trẻ con làm liên tưởng đến cảnh tình tự giữa cha mẹ mà Freud gọi là cảnh nguyên thủy, tiếng Đức là: Urszene, tiếng Pháp: la scène primitive, và tiếng Anh: Primal Scene. Cảnh nguyên thủy là cái cảnh cha mẹ giao hợp mà đứa con mục kích hoặc huyễn tưởng. Đứa con cho đó là một hành động có bạo lực, thậm chí đó là một hành động hiếp dâm của người cha xúc phạm người mẹ. Cho nên đứa con tỏ ra lo sợ cho người mẹ. Trong truyện Lỡ Làng chẳng hạn, Thông cảm thấy lo sợ cho chị Lai và nếu đọc truyện theo liên tưởng thì ông thanh tra và chị Lai là cha mẹ của Thông.

V  Giấc mơ của người ham muốn

Khi ham muốn không được thỏa mãn, hoặc khi người ham muốn thiếu tự tin, sợ mất sở hữu của mình, thì hiện tượng ghen xuất hiện. Cơn ghen xảy ra thường xuyên trong truyện của Võ Phiến. Cơn ghen của một cậu bé mới lớn trong Lỡ làng, của một thanh niên khám phá người thiếu nữ mình yêu thầm lại là người yêu của bạn mình trong Kể trong đêm khuya, của một người chồng bị mặc cảm vì thân xác còm cõi của mình trong Thác đổ sau nhà, cơn ghen của ông bác của Hữu đến mức cầm dao đâm vào cổ ông cụ Thuần, và cơn ghen bệnh hoạn của một người chồng trong Người chồng bất thường, v.v. Nhưng điển hình nhất và sâu sắc nhất là khi cơn ghen xuất hiện trong giấc mơ. Có ba giấc mơ về ghen đáng cho chúng ta chú ý: giấc mơ ghen của Hữu trong Một mình, giấc mơ ghen của Thúc trong Yêu đương, và giấc mơ ghen của Hải trong Đêm xuân trăng sáng.

Freud cho rằng giấc mơ là “con đường vương giả” đưa đến vô thức. Trong đời sống ban ngày, vô thức bị ý thức kiểm duyệt, cho nên vô thức luôn luôn bị kìm nén. Trong giấc ngủ, sự kiểm duyệt trở nên lơi lỏng, do đó những ham muốn tự do xuất hiện trong giấc mơ. Giấc mơ là sự thực hiện (được cải trang ít nhiều) của một ham muốn đã bị kìm nén ban ngày. Giấc mơ có khả năng biểu hiện tình trạng nội tâm của con người. Vì thế giấc mơ là một hình thức được khai thác nhiều trong việc tạo dựng hư cấu. Tác giả dùng giấc mơ để kể chuyện theo tính chủ quan của nhân vật, và đương nhiên tác giả không tránh khỏi những trải nghiệm của bản thân.

Giấc mơ thứ nhất là giấc mơ của Hữu. Hữu có một người vợ rất trẻ, tên Quỳnh. Anh bị mặc cảm khi thấy sức khỏe mình giảm sút, thân thể bạc nhược như đã nói trên, trong khi đó Quỳnh đang tuổi sung sức. Hữu ghen với Ngạc, người bạn đồng nghiệp đến nhà nhiều lần, vì anh này có một thân hình cường tráng, đi đứng mạnh dạn. Hữu cũng ghen với đứa cháu trai, gần bằng tuổi Quỳnh, chỉ vì hai người vô tình ngồi gần nhau, đầu gối gần chạm nhau.

Một hôm Hữu nằm mơ thấy một người đàn ông lạ mặt, to lớn đến gọi Hữu đi gấp. Hữu đi theo người đó đến một bến đò, leo lên một chiếc sõng, và người lạ mặt chèo đi gấp rút. Hai người xuống một nơi có một ngôi nhà lớn, cũ kỹ trong một cảnh tượng hoang tàn. Hữu theo người đó vào nhà. Rồi người lạ mặt biến mất. Hữu ở trong một căn phòng rộng mênh mông, không có lối ra, anh ta lo sợ, hoảng hốt. Cuối cùng Hữu tìm được một lối thông qua phòng khách. Một tấm màn màu đỏ che khuất nửa phòng. Khi vén tấm màn lên, Hữu giật mình thấy Quỳnh và một người đàn ông ngồi trên tủ đang âu yếm, cười giỡn với nhau. Hữu uất ức bèn đấm vào cặp tình nhân, nhưng Hữu càng đánh đấm kịch liệt, cặp tình nhân càng to dần và biến thành những người khổng lồ, Hữu có cảm tưởng mình đánh vào những hình người mềm nhũn và nhẹ như gòn. Rồi hai cái hình người nhỏ dần và trở thành như hai cái bóng. Cuối cùng khi Hữu đến gần cái tủ thì cặp tình nhân chỉ còn là một cái tượng tạc hình hai con khỉ cắn đuôi nhau.

Giấc mơ của Hữu kết thúc bằng hình tượng hai con khỉ. Theo Jean Chevalier và Alain Gheerbrant (3), thì khi loài khỉ hiện ra trong giấc mơ, phân tâm học xem đó là hình ảnh của sự tà dâm. Khỉ là biếm họa của cái tôi tham lam, dâm dật. Con khỉ trong giấc mơ là hình ảnh của cái gì đáng khinh trong con người và con người phải tránh. Trong giấc mơ ghen của Hữu, vô thức đã biến người vợ thành một dâm phụ. Giấc mơ này xảy ra vào thời kỳ Hữu hay đau ốm, phải nghỉ làm việc, thân xác bạc nhược; lúc đó Hữu chưa quen biết Nga, chưa có những ý muốn chinh phục phụ nữ. Có thể nói giấc mơ ghen này thật sự là một giấc mơ lo sợ. Những tính từ được tác giả dùng để miêu tả tâm trạng của Hữu trong gấc mơ là: sững sờ, hồi hộp, luống cuống, lo lắng, phân vân, lo sợ. Cũng có nhiều dấu hiệu của lo sợ: trống ngực đánh thình thịch, Hữu rùng mình khiếp sợ. Ngực chàng đập hỗn loạn. Mặt khác, không gian và những nhân vật trong giấc mơ là những yếu tố gây lo sợ. Đối với Hữu, không gian lạ lùng, mênh mông và vắng vẻ, đến nỗi Hữu nghe được tiếng chim kêu, tiếng dơi bay, tiếng dế và tiếng vo vo của muỗi. Ánh trăng chỉ để giúp Hữu thấy rõ cái không gian đó, và làm tăng thêm vẻ tịch mịch. Các nhân vật đều bí ẩn: cặp nhân tình hiện ra trước mắt Hữu, nhưng Hữu không tài nào nắm bắt được; người đàn ông to lớn, lạ mặt cũng im lặng, bí ẩn, chỉ nghe được tiếng cười ghê rợn của người này vào lúc cuối. Cảnh ngoại tình của vợ làm Hữu tức giận nổi ghen, nhưng chẳng bao lâu cơn ghen nhường chỗ cho sự lo sợ. Giấc mơ nói lên mặc cảm của Hữu: Hữu sợ bị vợ bỏ và cảm thấy mình thất bại. Hữu cũng có cảm tưởng bị người đàn ông lạ mặt khinh bỉ. Mặc cảm làm tăng sự lo sợ của Hữu.

Giấc mơ của Thúc trong truyện Yêu đương là một giấc mơ có tính nhục dục. Thúc yêu Lộc, nhưng vì goá vợ, Thúc rất mặc cảm. Trong một bữa tiệc, anh nghe những người thanh niên cười cợt, mách với nhau rằng Lộc thuộc về một người kỹ sư trẻ tuổi, đã có vợ. Tức thì Thúc tưởng tượng nhiều chuyện liên quan đến Lộc, và cơn ghen lên đến cực điểm: “Chàng hằn học. Máu trong người dồn dập bốc lên mặt. Chàng nghe những sợi gân ở thái dương giật giật, căng thẳng.” (T.N. I, tr. 321) “[…] cơn ghen đang dày vò chàng đến tối tăm mặt mũi.” (tr. 323)

Một buổi trưa, Thúc ngủ thiếp và mơ thấy: “[…] hai đàn chó sói cắn nhau. Một phía là những con sói có bờm xù, lông đen, một phía là những con sói màu xám, gầy ốm tong teo. Chúng xông vào nhau, chồm lên cắn xé, náo nhiệt, ghê gớm. Cuộc xô xát có lúc như hỗn loạn, ầm ĩ có lúc như nhịp nhàng: bên này chồm lên rồi bên kia chồm lên, cứ thế thay nhau. Rồi cuộc chiến trở lại náo loạn dồn dập ác liệt.” (tr. 327)

Trong giấc mơ trên, ham muốn của Thúc được thoả mãn qua hình ảnh biểu tượng của hai đàn chó sói. Những động từ “chồm lên”, “cắn xé”, và phó từ “nhịp nhàng” gợi lên những hình ảnh có dục tính. Võ Phiến thường dùng thú vật để nói về dục tính: cọp, chồn, chó sói, trăn, rùa, khỉ. Cảnh chó sói là một huyễn tưởng nhằm đưa đến thú nhục dục. Theo định nghĩa của phân tâm học, huyễn tưởng là sự dàn dựng, bố trí cách thức làm thỏa mãn dục năng, là một hình thức sinh hoạt của tư duy tuân theo nguyên lý thú nhục dục, cũng như giấc mơ và ảo giác tuân theo nguyên lý này. Huyễn tưởng có thể xảy ra trong tình trạng tỉnh, nhưng nó cũng có thể ở ngay trong giấc mơ.

Trong bài Nhà văn và huyễn tưởng, Freud viết: Mỗi huyễn tưởng đặc thù là một sự thực hiện ham muốn, một sự điều chỉnh cái thực tế đã không làm thỏa mãn. Và trong Luận giải giấc mơ, Freud cho biết giấc mơ và huyễn tưởng đều có một điểm chung: cả hai đều là những cách lắp đầy sự ham muốn.

Võ Phiến đã làm cho giấc mơ của Thúc, một người đàn ông ghen đến cực độ, trở thành một huyễn tưởng đầy bạo lực để thỏa mãn một ham muốn mãnh liệt.

Giấc mơ thứ ba là giấc mơ của Hải trong Đêm xuân trăng sáng, nó không có tính lo sợ, cũng không có tính nhục dục, đây là một giấc mơ do hồi tưởng một chuyện ghen được nối dài trong giấc mơ. Người đọc đi theo vô thức của nhân vật để lần lần khám phá nỗi ghen của một người chồng.

Truyện xảy ra ở thôn quê, vào thời kháng chiến chống Pháp, khi quân đội sống chung với người dân làng. Sau khi dự một tiệc cưới, Hải trở về nhà ban đêm, một đêm trăng sáng khắp nơi. Khi Hải về đến nhà, thì hai thanh niên Tương và Vũ trọ trong nhà đang ngủ say. Vợ con Hải cũng ngủ say. Hải bèn ngồi bên cửa sồ và mục kích một cảnh tượng quái dị đang diễn ra ngoài vườn. Hải thấy những đồ vật bằng chai trong nhà lần lượt tiến ra vườn và tụ họp trên một khoảng đất trống, như trình diễn một vũ điệu. Sự xuất hiện của mỗi đồ vật nhắc nhở cho Hải một kỷ niệm, nào là cái bình mực ông bố đã gửi mua bên Pháp, cái ly của một ông cậu nghiện rượu, nào là cái miếng nhựa hình trái tim mà người yêu năm xưa của Hải đã tự tay cắt lấy để Hải khảy đàn, một cử chỉ nói lên tình yêu của cô ta. Rồi bỗng nhiên Hải nhận ra xâu hạt ngọc giả của vợ đang uốn éo như tham gia vào vũ điệu. Anh nhớ lại một buổi trưa, vợ chồng anh đi chơi với đứa con trên đồi, vợ anh đeo xâu hạt ngọc giả. Hai vợ chồng nhìn xuống chân đồi, bỗng thấy bóng dáng một người đàn ông cưỡi ngựa. Vợ Hải đoán đó là ông tướng Hùng Sơn. Trong làng có nhiều tiếng đồn đãi về tướng Hùng Sơn, ông ta là một người đánh giặc giỏi và cũng là người ham thích đàn bà. Phụ nữ trong làng thích nghe những mẩu chuyện về tướng Hùng Sơn như một cấm kỵ có sức lôi cuốn họ. Vợ Hải vốn là một phụ nữ đứng đắn, ăn nói dè dặt, nhưng không hiểu sao trưa hôm đó, khi thấy bóng dáng người đi ngựa mà cô ta nghĩ là tướng Hùng Sơn, mặt mày cô ta bỗng dưng rạng rỡ, cô ta vui cười, phấn khởi và trở nên bạo dạn. Cô ta đưa tay vẫy cái bóng người đi ngựa. Hải nhìn sững gương mặt của vợ, anh như tê liệt trước thái độ lạ lùng của vợ. Một thời gian sau, khi đào giun sau vườn, Hải nhặt được xâu chuỗi hạt ngọc mà có lẽ vợ anh đã vô ý đánh rơi. Nhớ lại cảnh trên đồi trưa hôm đó, Hải tức giận ném xâu chuỗi xuống ao. Hải cũng có những lời nói ghen tuông, khi có người nhắc tới tướng Hùng Sơn, thì Hải tuyên bố trước mặt vợ một cách khinh bỉ rằng tướng Hùng Sơn chỉ biết đánh giặc thôi, ông ta là người không có học. Nhưng rồi Hải xấu hổ về hành động và lời nói của mình.

Có thể nói cái cảnh quái dị xảy ra trước mắt Hải trong đêm trăng thật ra là một giấc mơ, vì sáng hôm sau vợ Hải đến đánh thức anh đang gục đầu trên bàn viết. Chỉ trong giấc mơ vô thức mới được tự do biểu lộ, và sự kiện được biểu lộ ở đây là lòng ghen của Hải. Ghen vì kẻ mình ham muốn và đã chiếm hữu, tức người vợ, lại đi ham muốn người khác, một người đàn ông đã từng kích thích sự tưởng tượng và ham muốn của phụ nữ trong làng. Nỗi ghen lại càng mãnh liệt vì Hải là một người đàn ông tự ti mặc cảm đối với những thanh niên trẻ hơn mình và còn độc thân. Hải thèm muốn cái thân thể đẹp, rắn rỏi, cường tráng của Tương, người thanh niên ở trọ trong nhà, rất hấp dẫn đối với phụ nữ, và giọng hát đầy quyến rũ của anh ta.

Cái cảnh kỳ ảo xảy ra một đêm trăng khiến cho vô thức dễ xuất hiện, vì ban đêm là thế giới của vô thức. Ánh sáng mặt trăng chỉ là phản ảnh của ánh sáng mặt trời, cho nên mặt trăng là biểu tượng cho sự hiểu biết gián tiếp. Mặt trăng là âm, đối diện với mặt trời là dương, mặt trăng có tính thụ động. Để đi vào vô thức của Hải, người đọc được ánh sáng mặt trăng soi đường và dẫn dắt để chứng kiến cơn ghen của Hải ở cực điểm. Chuyện ghen bắt đầu từ tiệc cưới. Lúc đó sự cố xâu hạt ngọc đã chấm dứt từ lâu. Nhưng tại sao cái đêm Hải đi dự tiệc cưới nó dần dần trở lại với Hải? Cơn ghen của Hải bắt đầu nhen nhúm ngay trong tiệc cưới. Có những người lính trẻ cười nói ồn ào, lại có người ngâm những câu ca dao có tính chọc ghẹo con gái. Hải mơ hồ cảm thấy họ không đứng đắn, nhưng không có lý do gì rõ rệt để có thể kết tội họ. Những câu ca dao không động chạm gì đến vợ anh, nhưng anh vẫn cảm thấy áy náy, bất ổn. “Hải lo lắng, hồi hộp, tức giận vô cớ. (T.N. II, tr. 69) Mà thực ra cái gì bỗng làm Hải tức giận, lo lắng? “[…] Hình như chính cái tiếng cười ồn ào của đám quân nhân trên mấy câu phong dao ấy, tiếng cười ồ ạt, tự do, sấn sướt. (tr. 69) Khi Hải về đến nhà: “Những bứt rứt không duyên cớ rõ rệt khiến anh bần thần”. (tr. 72)

Ở trên có nói đến vai trò của ánh sáng trăng, ánh sáng đã nhập cuộc ngay trên đường về nhà Hải. Dọc đường ánh trăng sáng quá, khiến vô số những mảnh vụn bằng chai lấp lánh khắp nơi, chuẩn bị cho sự xuất hiện của cái xâu hạt ngọc giả. Màn kỳ ảo bắt đầu: “Trong điệu vũ của các vật bằng chai, xâu hạt ngọc của vợ Hải lướt đi, uyển chuyển, ưỡn ẹo, lẳng lơ. (tr. 79). Hình ảnh có tính ẩn dụ này hàm ý trách móc ngầm của Hải đối với người vợ mà anh cho là lẳng lơ. Trong giấc mơ, vô thức làm cho hồi tưởng càng phong phú hơn và càng có tính huyễn tưởng. Ở đây ánh sáng lan tràn khắp nơi, ánh sáng bắt nguồn từ gương mặt của vợ Hải, khi cô ta đoán thấy ông tướng Hùng Sơn dưới chân đồi: “Anh có cảm tưởng là ngay trước khi anh trả lời (về cái tên tướng Hùng Sơn), nàng đã bừng lên tươi tỉnh, đã sáng rực lên rồi.” (tr. 80) “[…] Và giữa một bầu trời đầy ánh sáng, cái ánh sáng làm cho Hải thấy chóa cả mắt tuy chỉ nhìn vào mặt vợ mình.” (tr. 82) Một thứ ánh sáng chói lòa, phù thủy, có tính ám ảnh khiến Hải sững sờ phát hiện một gương mặt lạ lùng của vợ, khác hẳn ngày thường: “Trong ký ức của anh, nét mặt vợ mà anh nhìn lúc ấy chỉ toàn là ánh sáng. Cặp mắt của nàng long lanh sáng rực. Những cái răng cũng lóe lên sáng. Mái tóc sáng và những sợi tóc phất phơ cũng sáng nữa. Và cái vòng xâu hạt bằng thủy tinh giả ngọc đeo quanh cổ cũng sáng như reo lên. Hải hoa mắt ngây người”. (tr.83)

Trong truyện Đêm xuân trăng sáng, việc làm của vô thức cho thấy một nỗi ghen ngầm từ từ xuất hiện. Vô thức được khơi dậy bởi tiếng cười và ánh trăng. Lúc đầu có tiếng cười ồn ào của những người thanh niên trẻ trong tiệc cưới, một cách mơ hồ, Hải cảm thấy họ có thể là những tình địch của mình. Rồi người đọc đi từ ánh sáng trăng làm lóng lánh những vật bằng chai khắp nơi trên đường về của Hải, đến xâu chuỗi hạt ngọc lóng lánh dưới trăng, và kỷ niệm đi chơi trên đồi, để cuối cùng đi tới ánh sáng ban ngày làm sáng tỏ nỗi ghen trong hiện thực. Vả chăng, khi Hải đào đất tìm giun trong vườn, hành động của Hải có một giá trị về phương diện phân tâm học: lòng đất sâu thẳm biểu tượng cho vô thức, khi Hải đào đất, anh vô tình đi theo vô thức và tìm ra xâu hạt ngọc giả, tang chứng của nỗi ghen của anh.

Qua các truyện của Võ Phiến, chúng ta có thể nhận thấy ham muốn xác thịt là một ám ảnh lớn và dai dẳng của các nhân vật. Một ám ảnh xuyên qua các lứa tuổi của đời người, từ tuổi thơ, khi con người còn là một chứng nhân ngây thơ, vô tội trước cảnh ham muốn, đến tuổi già bất lực.

Trường hợp của nhân vật Hữu là một minh chứng của sự ám ảnh đó qua thời gian. Khi Hữu quan sát ông cụ Thuần ở sở làm, anh ta mới hiểu ra lý do sự tìm kiếm của mình trong bấy lâu: “Tất cả, từ những cử chỉ lơ đãng, chậm chạp của các bàn tay, cho đến tiếng đằng hắng rền rền phát ra từ một khối thân thể nặng nề, tất cả những cái ấy thỉnh thoảng khiến Hữu nghĩ tới hình ảnh mấy mươi năm trước, khi ông Thuần đè nát xuống và lắng nghe những tiếng động phát ra từ sự lầm lỗi của mình, lúc nào cũng vững chải, cũng bình tĩnh… Cái hình ảnh ấy cứ lâu lâu lại hiện qua trí chàng. Lần lần chàng rõ đó là cái ám ảnh của một sự chiếm đoạt lý tưởng mà chàng ao ước”. (T.N. I, tr. 253-254)

Ham muốn thể xác của một người có thể dừng lại ở sự thỏa mãn, nhưng người ham muốn thường đi xa hơn để chinh phục, chiếm hữu người đó. Để tô đậm ám ảnh của ham muốn, Võ Phiến có cả một kho từ vựng với những động từ như: biết hết, (biết) khắp hết, chồm tới, bấu chặt, vồ lấy, phanh phui, dày vò đến cùng, đè nặng, cắn lộn, v.v. những tính từ như: cuồng nhiệt, sôi nổi, vồ vập, bạo miệng, trắng trợn, háo hức, mềm mại, tròn nung núc và đỏ hồng hồng, nóng hổi và chắc nịch, bạo dạn, háu ăn và dữ như cọp, v.v. Ngoài ra, có những thủ pháp được lặp đi lặp lại như cảnh nguyên thủy, nói theo phân tâm học, cảnh nhìn trộm, những hình tượng thú vật, nghệ thuật rọi lớn những phần trong thân thể có khả năng gây ham muốn, như những sợi lông măng trên da, những cái lúm đồng tiền ở gốc ngón tay, cái cổ, ngón chân cái, v.v. Đặc biệt hơn hết là nghệ thuật tạo nên những giấc mơ, những giấc mơ phong phú chuyển tải những dấu hiệu mà phân tâm học có thể thăm dò và rọi sáng. Nói chung, ham muốn là cái động lực của một hình thức sáng tạo của Võ Phiến.

 

CHÚ THÍCH:

(1) T.N. I: Võ Phiến, Truyện ngắn I, Nxb Văn Nghệ, California, 1989.

(2) T.N. II: Võ Phiến, Truyện ngắn II, Nxb Văn Nghệ, California, 1989.

(3) Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, Dictionnaires des Symboles, Nxb Robert Laffont/Jupiter, 1982.

Comments are closed.