Mã huyền thoại của các văn bản truyện kể

Iu. M. Lotman

Lã Nguyên dịch

Dịch giả gửi Văn Việt

images

Huyền Thoại Hercules

1. Văn bản trần thuật tiền truyện kể thuộc loại huyền thoại xuất hiện trước văn bản truyện kể. Trong văn bản huyền thoại, do thời gian không được xem là sự vận động tuyến tính, mà được quan niệm như là sự lặp lại, đóng kín, nên khúc nào của chuỗi thời gian cũng được lĩnh hội như là sự lặp lại nhiều lần ở quá khứ và rồi sẽ lại lặp lại vô tận ở tương lai. Với ý nghĩa như thế, những việc xẩy ra trong văn bản huyền thoại  không phải là sự kiện, còn bản thân huyền thoại chỉ ghi lại qui luật tuần hoàn, chứ không phải những trường hợp hãn hữu, trệch ra khỏi qui luật ấy.

2. Khác với huyền thoại, các văn bản ghi lại “biến cố”, ghi lại những sự kiện không nên xẩy ra, ghi lại việc xoá bỏ trật tự, chứ không phải bản thân trật tự, được hình thành ở cực đối lập. Sử kí, sử biên niên là những văn bản như thế. Do sự tác động của những biến thiên lịch sử, ý thức huyền thoại bị tan rã, sự tan rã này hình thành như là sự thâm nhập của trần thuật phi huyền thoại vào huyền thoại. Thời gian tuần hoàn được thay bằng thời gian tuyến tính, còn bản thân huyền thoại thì hiện ra như là sự trần thuật về những chuyện thái quá, những sự kiện đơn nhất, lạ đời, dị thường, nghĩa là, nó không còn là huyền thoại nữa.

3. Do có sự biến thái như thế, văn bản huyền thoại bị thay đổi muôn hình vạn trạng.  Ở đây, chúng tôi chỉ quan tâm tới một bình diện – sự biến thái của nhât vật hành động [1].

3.1. Sự xuất hiện của vô số nhân vật là một trong những trường hợp biến thái như thế. Cấu trúc tuần hoàn của thời gian huyền thoại và nguyên tắc đẳng cấu đa tầng của không gian sẽ khiến cho điểm nào của không gian huyền thoại mà nhân vật hành động đang có mặt cũng có những biểu hiện tương đồng trên các khu vực đẳng cấu ở cấp độ khác. Chẳng hạn, giấc ngủ hoá ra cũng chính là cái chết, ban đêm, mùa đông và cái chung cục mạt thế của một chu kì lớn toàn vũ trụ. Tương tự như thế, buổi sáng, mùa xuân, sự thức dậy, sự hồi sinh, sự sáng tạo ra thế giới mới giống hệt như nhau. Từ một điểm nhìn khác, cái chết được đồng nhất với mọi sự thâm nhập vào một không gian khép kín: mai táng, giao phối, ăn uống. Trong huyền thoại, đàn bà được đồng nhất với hang động, mồ mả, nhập vào đàn bà là nhập vào cái chết. Bầu trời, mặt đất và cơ thể con người cũng đồng nhất với nhau. Không gian huyền thoại có những thuộc tính tôpô [2]: cái tương tự cũng chính là bản thân nó. Tư duy huyền thoại định hướng cực mạnh, một mặt, vào việc xác lập cái đồng hình, đẳng cấu, biến nó thành hiệu quả khoa học, mặt khác, tạo điều kiện cho sự hồi sinh của nó ở những thời đại lịch sử khác nhau. Từ góc độ của vấn đề mà chúng tôi đang quan tâm, những đặc điểm nói trên được hiện thực hoá giống như là sự đa dạng tên gọi của nhân vật hành động và sự thống nhất bản chất giữa chúng (tên gọi – không phải là một thực thể khác, mà là một biểu hiện khác: tất cả các tên gọi đều đồng hình). Phiên dịch một văn bản như vậy lên mặt bằng một văn bản trần thuật theo tuyến tính sẽ dẫn tới sự xuất hiện của vô số nhân vật, bởi vì, những biểu hiện đẳng cấu của một đối tượng sẽ trở thành một tập hợp đối tượng. Tất cả các văn bản mà các nhà huyền thoại học được cung cấp trong thực tế đều là kết quả của sự biến thái như vậy. Đồng thời, chúng tôi nhớ là đã giải cấu trúc huyền thoại một cách chính xác từ rất nhiều văn bản ở thời kì sau này. Chẳng hạn trong vở hài kịch của Shakespeare Chuyện sẽ như ý các người [3] các nhân vật hành động được phân bố như sau:

Không gian củacặp đối kháng           Kinh sưQuận vương Frederick          RừngQuận vương già bị em soán

ngôi, phải sống lưu vong

Oliver de Bois Orlando de Bois
Các cặp yêu nhau (không gắn với một không gian cụ thể) RosalindCelia

Phoeber

Audrey

OrlandoOliver

Silvius

Willam

Cặp xuất hiện do hoá trang RosalindCelia

 

Chàng trai GanymedeCô gái Aliena
Nhân vật không cặp đôi Jacques – người đa sầu

Nếu chuyển truyện kể vào thời gian tuần hoàn với sự đồng nhất tương tự, thì trước hết sẽ đồng nhất Frederick với Oliver và Quận vương già với Orlando: hai nhân vật trước đều là kẻ tiếm quyền, đuổi anh vào rừng và chiếm tài sản của họ, cả hai đi vào rừng, và khi đang đi, họ đã ngay lập tức, thay đổi hoàn toàn bản chất của mình (việc Frederick là em, còn Oliver là anh là hiện tượng đổi chỗ rất điển hình sau này dưới ảnh hưởng của mã thi ca đòi hỏi xoá bỏ đối xứng của đối xứng; hơn nữa, ở đây còn có cả sự tham gia của nguyên tắc gương soi rất quen thuộc của huyền thoại). Có thể nhận ra rất rõ sự giống nhau của các cặp tình nhân được trình bày như những nhân vật song trùng (họ được quy về những cặp đối lập thông thường: cặp song trùng – cao và hài hước, nhưng tính khôi hài của họ được phát triển theo kiểu phân tầng tạo thành các chuỗi: “Rosalind – Celia – Phoeber – Audrey” và “Orlando – Oliver -Silvius – Hề – Willam (Hề của Hề)”. Cũng có thể nhìn thấy rất rõ sự đồng nhất huyền thoại rất điển hình giữa người cải trang và người được cải trang (chết đi và sống lại): “Rosalind và Ganymede”, “Celia – Aliena” (đáng lưu ý là, nếu ở một trường hợp, khi biến đổi, giới tính vẫn giữ nguyên, thì ở trường hợp khác, nó lại biến đổi thành hiện tượng lưỡng diện “Ganymede”, tính hai mặt như một xảo thuật tăng cường tính hài hước). Tóm lại, tất cả sự đa dạng của nhân vật đã được qui về hai cặp: đối kháng và tình yêu. Nhưng ở một cặp tình nhân duy nhất được tạo ra bởi sự đồng nhất các yếu tố hệ hình, yếu tố nữ có đặc tính là con gái của hai anh em trai, còn yếu tố nam, có đặc tính của chính họ. Đồng thời, cả hai anh em đều nằm trong phạm vi huyền thoại – một nhân vật: khi một mình ở Kinh sư, – nhân vật kia ở trong Rừng; việc nhân vật thứ nhất đi vào rừng đánh dấu sự trở về không gian Kinh sư của nhân vật thứ hai, kết thúc thời đại của cái ác (khi Frederick đi vào rừng, tự nguyện trả ngai vàng cho anh cả, thì người thông báo  tin này là Jacques de Bois –  người anh giữa của Oliver và Orlando, nhưng đáng chú ý là, Jacques de Bois không tham gia vào hành động, không rõ từ đâu đến – nó là kết quả trung hoà giữa họ). Cũng rất dễ nhận ra sự giống nhau theo kiểu huyền thoại của cặp anh em sinh đôi theo lẽ chết đi và sống lại, đại diện cho những cái tên khác nhau của một nhân vật hành động chết đi và một nhân vật sống lại. Nằm bên ngoài cặp biến đổi ấy là nhân vật Jacques – người đa sầu, kẻ thường xuyên phỉ báng Kinh sư và những người đang sống, kẻ thường xuyên bóc trần Rừng rú (vương quốc của những người chết). Đó là sự cải biến của kẻ song trùng bất phục sinh của nhân vật chết – phục sinh (liên hệ với hành động cặp đôi của Mêđê – hành động cải tử hoàn sinh và cải lão hoàn đồng cho một chú cừu sau khi luộc nó trong chảo và giết chết vua Pelius; tương tự truyện kể Ngựa – gù: “Bịch vào chảo và ninh nấu trong đó”). Bởi vậy, khi chuyển dịch hành động sang thời gian tuần hoàn và thế giới co giãn của huyền thoại, tất cả các nhân vật trong hài kịch của Shakespeare hoá ra là tên riêng của một nhân vật duy nhất đang chết (Rừng) và một nhân vật hồi sinh (Kinh sư).

Hệ quả. Việc phá vỡ tổ chức huyền thoại của văn bản sẽ kéo theo sự chia tách một nhân vật hành động duy nhất thành một hệ thống nhiều nhân vật và sự xuất hiện của cặp nhân vật song trùng – của truyện kể và các dạng khác của phép đối ngẫu hình tượng.

3.2. Do được tổ chức theo nguyên tắc tuần hoàn, văn bản huyền thoại không có các khái niệm mở đầu và kết thúc. Sự chết không phải là người thứ nhất, còn sự sinh hạ không phải là người thứ hai. Truyện kể có thể bắt đầu từ sự chết (sự gieo vãi và cái chết của hạt ngũ cốc diễn ra trước sự sinh trưởng; thụ thai đồng nghĩa với sự chết-sinh hạ, nó là sự phục sinh của người chết; mùa đông đồng nhất với mùa xuân). Sự chết có thể được đặt vào khúc giữa của tồn tại (liên hệ với nghi lễ trưởng thành), sau đó diễn ra sự tái sinh tận gốc rễ, nhưng cái thực tồn vẫn chỉ là tiếp nối sự tồn tại trước kia, chứ không phải là sự xuất hiện của cái mới. Khi kể lại trong hệ thống cấu trúc tuyến tính, sẽ xuất hiện hình tượng được gắn kết từ hai nửa đối xứng – gương soi (thằng ngốc và kẻ bị ruồng bỏ bò qua tai ngựa, hoặc đang bị ninh trong chảo, giống như trong Ngựa – gù, – có quan hệ rất rõ với sự chết,- trở thành vua và hoàng hậu;  Saulos hoá thành Paulos: nét đặc biệt ở trường hợp này chính là, sự tái sinh không chỉ trùng hợp với sự mô phỏng cái chết – suy sụp, mù loà – và sự phục sinh, mà còn trùng hợp với sự đổi tên, lại nữa, nhân vật càng xấu xa, độc ác ở nửa thứ nhất, thì càng đẹp hơn ở nửa thứ hai).

Ví dụ: trong bài thơ Vlas của Nhecrasov, kẻ nông phu là “tên đại ác”, trong lòng “chẳng có Chúa Trời”, là tên ăn hại, là kẻ sát nhân, trải qua sự thay đổi của cái chết huyền thoại (bị ốm, trong lúc mê sảng, y mơ đi xuống địa ngục – “nhìn thấy dưới địa ngục  những tên tội đồ”, “Cá sấu, rắn rết, bọ cạp/ chúng đốt lò, nung lửa, cắt xẻo thịt da/ đám tội đồ than khóc trong nỗi đau,/ những sợi dây xích kêu loảng xoảng”) và sự phục sinh: “Của nả trong nhà, Vlas làm từ thiện”, “Lòng đầy đau thương, không gì an ủi/ Mặt tối sầm, lưng thẳng, dáng cao,/ Chầm chậm đi cùng với đồng bào,/Dọc bao xóm làng, qua bao ngõ phố”.

Suy sụp chậm rãi, cái chết, cơn khủng hoảng của sự tái sinh và cuộc sống mới – đó là sơ đồ tổ chức truyện kể rất ổn định của L. Tolstoi. Không phải ngẫu nhiên, cuốn tiểu thuyết thể hiện đầy đủ nhất toàn bộ vòng tuần hoàn được gọi là Phục sinh.

Ghi chú: Khả năng dựa vào việc nghiên cứu cơ chế cải biến truyện kể để giải cấu trúc loại truyện kể có gốc huyền thoại thuộc tác phẩm văn học ở thời kì sau này không có nghĩa là qui cái này vào cái kia.

3.3. Các nhân vật hành động khác nhau được gọi bằng một cái tên. Do kết quả biến đổi lịch sử, loại hình này dẫn tới sự xuất hiện của hình tượng chứa đựng mâu thuẫn nội tâm với những dạng tương quan khác nhau giữa các tiểu nhân vật (phản đề, đối thoại, vênh lệch, trật khớp hoàn toàn) rất phổ biến trong văn học hiện đại.

4. Trong số phận lịch sử của các thể loại trần thuật, mã huyền thoại của truyện kể chỉ là mã gốc mà sau đó buộc phải tiếp tục biến đổi do được phiên dịch vào các hệ thống mã văn hoá hiện đại phức tạp hơn.

1973

Người dịch: Lã Nguyên

Nguồn: М. Ю. Лотман.- СЕМИОСФЕРА.-  Санкт-Петербург, “Искусство-СПБ”, 2000 г. Cтр. 670-673

 


[1] tiếng Nga: действователь.- ND.

[2] Là thuộc tính được bảo toàn qua sự biến dạng, sự xoắn và sự kéo dãn (ngoại trừ xé rách và dán dính), nên thuộc tính tôpô còn được gọi là thuộc tính “màng cao su”.- ND.

[3] Tiếng Anh: As You Like It, tác phẩm được sáng tác vào quãng 1599, hoặc 1600. Để bạn đọc tiện theo dõi mạch phân tích của Lotman, xin tóm tắt cốt truyện như sau: Chuyện xẩy ra trên lãnh địa của một quận vương Pháp. Frederick soán ngôi của anh trai và đày ông ra sống ở một địa điểm gọi là rừng Arden. Rosalind, con gái của cựu vương, được phép ở lại kinh sư vì nàng là bạn thân nhất của Celia, con gái của Frederick. Orlando, một quý tộc trẻ tuổi phải lòng Rosalind ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng chàng bị anh trai là Oliver bày mưu hãm hại, buộc phải chạy trốn cùng với người đầy tớ trung thành là Adam. Rồi Frederick đuổi Rosalind ra khỏi kinh sư. Celia cải trang thành một phụ nữ nghèo lấy tên là Aliena và Rosalind cải trang thành một chàng trai  lấy tên là Ganymede rồi cùng anh hề để chạy trốn, họ tìm đến rừng Arcadian Arden, nơi cựu vương bị lưu đày. “Ganymede” và “Aliena” gặp Corin, Silvius, những người chăn cừu nghèo khó này giúp họ mua lại căn nhà cũ của ông chủ của mình. Orlando và Adam tìm thấy cựu vương và gia nhập vào đoàn hộ giá. Orlando làm thơ tỏ tình với Rosalind, đem giấu vào gốc cây. Orlando gặp “Ganymede”, nhưng không nhận ra đó là  Rosalind. “Ganymede” “tư vấn” giúp Orlando chữa trị bệnh si tình. Anh hề tán tỉnh cô giái làng Audrey, có ý cưới làm vợ, nhưng bị Jacques ngăn cản. Cô gái chăn cừu Phoeber phải lòng “Ganymede”. Oliver bị Frederick cướp đất, phải bỏ kinh sư, chạy vào rừng, bị sư tử vồ, may được Orlando cứu thoát, nhưng bản thân Orlando thì bị thương.  Oliver ăn năn vì đã ngược đãi Orlando và cũng gia nhập đoàn quân hộ giá cựu vương. Rồi Oliver gặp Celia  – Aliena, họ yêu nhau và đồng ý kết hôn. Ở cảnh cuối, các cặp Orlando và Rosalind, Oliver và Celia, Silvius và Phebe, anh hề và Audrey, tất cả đều được kết hôn với nhau. Frederick cũng sám hối lỗi lầm, trả lại ngai vàng cho cựu vương, còn mình thì đi tu. Đoàn tuỳ tùng của Quận vương vô cùng hoan hỉ, cỉ mình Jacques – sầu tư (em trai Oliver, anh trai Orlando) không bỏ rừng về kinh sư, mà theo chân Frederick cùng lên đường đi tu.-ND.

Nguồn: http://languyensp.wordpress.com/

Be first to comment