Người đọc tác phẩm

Liễu Trương

Vào những năm 1970, các nhà nghiên cứu văn học ở Tây phương bắt đầu quan tâm đến vấn đề đọc. Trước thời điểm đó, người ta tìm hiểu tác phẩm văn chương bằng cách nối kết tác phẩm với một thời kỳ, một cuộc đời, một vô thức hay một lối viết. Rồi bỗng nhiên tác phẩm văn chương được xem xét trong quan hệ với người sau cùng đã cho tác phẩm một sự tồn tại, đó là người đọc. Các nhà lý luận văn học nhận thấy hai câu hỏi hệ trọng được đặt ra từ trước: Văn chương là gì? Nghiên cứu văn bản như thế nào? tựu trung là tự hỏi tại sao người ta đọc một cuốn sách. Phải chăng phương tiện tốt nhất để hiểu cái “sức mạnh” và tính trường cửu của một số tác phẩm là tự hỏi về những gì người đọc tìm thấy trong những tác phẩm đó?

Người ta bắt đầu quan tâm nhiều đến việc đọc khi những tiếp cận về thuyết cấu trúc bắt đầu có những giới hạn. Người ta nhận thấy không ích lợi gì khi muốn quy văn bản vào một loạt hình thức. Thi pháp học đã đi vào ngõ cụt: khi một công trình nghiên cứu bị giới hạn vào những cấu trúc thì đi đến những cái mẫu quá khái quát hoặc quá phiến diện. Quả thật, một mặt, những phương pháp mà các nhà thi pháp học đưa ra như những phương pháp tạo nên văn chương lại ở ngoài văn chương: Roland Barthes áp dụng phương pháp cấu trúc cho những cuốn phim James Bond. Mặt khác, thi pháp học là khoa học của cái khái quát, đã thất bại khi trình bày tính độc đáo của mỗi văn bản: nếu việc dùng đến phương pháp đa âm (nhiều phương diện) là một trong những ưu điểm của việc nghiên cứu tác phẩm của Dostoïevski, thì phải nhìn nhận rằng phương pháp đó không thành công với những tác giả tầm thường hơn Dostoïevski. Giá trị của một tác phẩm văn chương không thể bị quy vào việc dùng kỹ thuật này hay kỹ thuật nọ.

Vì thuyết cấu trúc không đủ để giải thích tác phẩm nên cần có sự đổi mới trong cách tiếp cận văn bản. Thế nên vào đầu những năm 1980, những tiến bộ của ngôn ngữ học đã mở ra những viễn ảnh mới.

I Sự tiến hóa của ngôn ngữ học: phát triển của thực dụng học

Chính sự phát triển của thực dụng học khiến các nhà nghiên cứu văn học quan tâm đến những vấn đề tiếp nhận tác phẩm văn chương. Để miêu tả sự tiến hành của ngôn ngữ, ngành ngôn ngữ học có tăng thêm hai nhánh của truyền thống là “cú pháp” (quan hệ giữa các ký hiệu) và “ngữ nghĩa học” (quan hệ giữa các ký hiệu với những gì mà các ký hiệu cho ý nghĩa), vào thực dụng học (quan hệ giữa các ký hiệu với người dùng ký hiệu). Bộ ba đó (cú pháp, ngữ nghĩa học, thực dụng học [thuật ngữ tiếng Việt tương ứng, quen thuộc hơn, trong tiếng Việt là semantics "nghĩa học”, pragmatics “dụng học”, và syntactics “kết học” – Văn Việt]) là do nhà triết học Mỹ C. Morris (Foundations of the Theory of Signs, 1938) đưa ra. Thực dụng học phân tích những gì mà người nói “làm” với ngôn ngữ. Cái ngành đặc biệt đó của ngôn ngữ học đã phát triển nhanh chóng kể từ những năm 1960. Có hai cuốn sách quan trọng: How to Do Things with Words (1962) của J. L. Austin và Le dire et le dit (1984) của O. Ducrot. Austin nhận xét rằng ngôn ngữ không những miêu tả mà còn có thể tự nó tạo nên một tình trạng thật sự. Từ nguyên lý đó, Ducrot cho thấy lời nói luôn luôn hướng về một người tiếp nhận, và lời nói cố gây ảnh hưởng rõ ràng ít nhiều.

Điều quan trọng của những nghiên cứu về thực dụng là tác động qua lại trong diễn ngôn. Nếu ngôn ngữ ít được dùng để đưa thông tin hơn là gây tác động nơi người khác, thì một lời phát biểu không thể được thấu hiểu khi người ta chỉ dựa vào người phát biểu. Quan trọng là phải kể cả người nói và người nhận lời nói.

Vậy hiểu một tác phẩm không thể chỉ nêu lên cấu trúc của tác phẩm hoặc nối kết tác phẩm với tác giả. Chính quan hệ qua lại giữa nhà văn và người đọc mới cần được phân tích. Vậy trước hết đọc là gì? Người đọc là gì?

II Định nghĩa việc đọc và người đọc

Đọc là một sự tiếp nhận mà người ta phải xem như một tác động qua lại giữa tác giả/tác phẩm/người đọc. Đọc cũng là một hành động sáng tạo, sản xuất ra cái nghĩa, một hành động tiếp nhận hơn là giải mã, người đọc không giải mã mà thêm một cái mã, nói theo Roland Barthes. Đọc là một hành động chóng qua, bị gián đoạn khi người đọc ngưng nghỉ, và tùy thuộc trí nhớ của chúng ta.

Đọc là giải thích, là giả định một đối thoại, một hoàn cảnh trao đổi giữa nhà văn và người đọc, nhưng đối thoại đó bị “đóng” theo cái nghĩa một khi tác phẩm được viết ra, không có một thông tin nào được thêm vào, nếu không là do cách vòng vo của những văn bản khác do chính tác giả thực hiện qua thư từ, những cuộc phỏng vấn, hoặc do những người đọc khác như các nhà phê bình. Tóm lại, đọc là một hành động phức tạp bị ép giữa những bó buộc và sự tự do của người đọc.

Có nhiều hạng người đọc: người đọc khờ khạo và người đọc uyên bác, người đọc thông thường và người đọc chuyên môn như các nhà phê bình, sinh viên… Một tác phẩm có những người đọc thuộc thời của tác phẩm và những người đọc đến sau, những người này có lối suy nghĩ khác, lối phát biểu khác. Vậy người đọc là một cái gì trừu tượng hay ít ra là một con người khó nắm bắt, luôn thay đổi mà đôi khi tác phẩm tìm cách tô đường viền quanh: văn bản hướng về một người đọc thật sự. Nhưng không có văn bản nào hoàn toàn tiên đoán được những người đọc nào là người đọc thật sự, tiên đoán không những phản ứng của họ, cách tiếp nhận của họ. Vậy tác giả hướng về một quần chúng giả định.

Về phía người đọc, mọi cách đọc có chính đáng không? Người đọc có quyền giải thích văn bản theo ý mình không? Không thể quy tác phẩm vào một giải thích duy nhất. Hẳn văn bản cho phép nhiều cách đọc,  nhưng không cho phép đọc theo bất cứ cách nào.

Có ba quy tắc hợp thức hóa:

1/ Theo Roland Barthes, để việc đọc được chính đáng thì việc đọc phải theo tiêu chuẩn về mạch lạc bên trong của văn bản. Lưới giải thích phải có tính phổ cập cho toàn thể tác phẩm, phải tôn trọng sự hợp lý và luôn luôn diễn tiến theo một ý hướng. Khi đọc kịch bản của Racine, Barthes không muốn nêu lên một sự thật nào của tác phẩm mà chỉ đối chất tác phẩm với một ngôn ngữ, tức, trong trường hợp này, ngôn ngữ của thuyết cấu trúc và của phân tâm học.

2/ Nhà triết học Paul Ricoeur thêm vào quy tắc mạch lạc bên trong cái quy tắc mạch lạc bên ngoài: việc đọc không thể đi ngược lại những yếu tố khách quan như tiểu sử, lịch sử hay yếu tố nào khác có trong văn bản.

3/ Câu trả lời thỏa đáng nhất đến từ sự tiếp nhận việc đọc của ký hiệu học. Theo ký hiệu học, văn bản đã được xếp đặt trước. Từ đó người đọc không thể làm bất cứ cái gì. Theo Umberto Eco, trước một văn bản, người đọc có những nhiệm vụ “ngữ văn học”: người đọc phải nhận ra một cách rõ ràng nhất những chỉ thị của tác giả. Nếu không người đọc sẽ đi đến những giải mã lệch lạc.

Vậy tất cả những cách đọc đều không có tính chính đáng.

III Lý thuyết về việc đọc

Việc xem người đọc như một yếu tố chủ yếu của tác phẩm là một vấn đề hiện đại. Antoine Compagnon, trong cuốn Le démon de la théorie. Littérature et sens commun (1998) xem “lịch sử của những lý thuyết về việc đọc trong những thập kỷ sau này” như “lịch sử của sự tự do lớn dần được dành cho người đọc đối diện với văn bản”. Trong một thời gian lâu dài người đọc bị giới phê bình văn học phủ nhận, quên lãng. Đối với các nhà phê bình Brunetière và Lanson, cuốn sách tự nó tồn tại, nó là một đồ vật tự chủ. Và đối với các nhà phê bình mới của Mỹ (New Criticism), giữa hai thế chiến, như Wimsatt, Beardsley, Richards thì việc đọc phải có tính khách quan, phải đi sát với cái hệ thống đóng của tác phẩm.

Rồi đến những năm 1950-1960, ngành phê bình chủ đề hay phê bình sáng tạo được những tiểu luận về tưởng tượng của Gaston Bachelard gây cảm hứng. Phê bình chủ đề quan niệm văn chương như một thử nghiệm cá nhân và chủ quan hơn là một đồ vật. Thực ra, người đọc được đưa lên hàng đầu, người đọc phải hòa tâm thức của mình trong tâm thức của tác giả. Nhà phê bình văn học Thụy sĩ Jean Rousset quan niệm người đọc phải “đi vào trong tác phẩm để gắn bó với những chuyển động của một trí tưởng tượng và những hình vẽ của một kết cấu”. Jean-Pierre Richard, nhà phê bình chủ đề, cũng cùng một quan niệm về việc đọc, đối với ông, sự tiếp nhận của người đọc giả định một sự gia nhập. Sự gia nhập của người đọc là cần thiết cho mọi việc đọc cũng như cho mọi cách diễn giải văn bản. Việc đọc được hình dung trong chuyển động đôi của nó: tự hoà mình vào tác phẩm và tìm lại sự thôi thúc đã đưa đẩy đến sự sáng tạo tác phẩm, trước khi tìm ra khoảng cách cần thiết cho việc diễn giải. Jean Rousset cho đó là “một vị trí hơi lập lờ, vị trí của một người diễn giải khi thì ở trong khi thì ở ngoài đối tượng của mình”.

Giữa những năm 1970, trường phái Constance ở Đức thể hiện cho thử nghiệm đầu tiên về việc làm mới nghiên cứu văn bản kể từ việc đọc. Trước đó người ta chủ yếu quan tâm đến quan hệ giữa văn bản và tác giả ; sự tiếp cận của các nhà nghiên cứu Đức dời chuyển việc phân tích đến quan hệ giữa văn bản và người đọc. Tuy nhiên trường phái Constance chia ra làm hai nhánh rõ rệt: ”Mỹ học của sự tiếp nhận”  của Hans Robert Jauss, và lý thuyết về ”người đọc hàm ẩn” của Wolfgang Iser.

“Mỹ học của sự tiếp nhận” nãy sinh vào đầu những năm 1970, đi từ ý muốn duyệt lại sử văn học. Hans Robert Jauss nhận xét như sau: tác phẩm văn chương – và tác phẩm nghệ thuật nói chung – chỉ được nhìn nhận và chỉ sống còn qua một quần chúng. Vậy sử văn học là lịch sử của nhiều thế hệ người đọc kế tiếp nhau hơn là lịch sử của tác phẩm. Văn chương là hoạt động của truyền thông, phải được phân tích qua sự tác động của nó trên những quy phạm của xã hội.

Trong khi Hans Robert Jauss quan tâm đến chiều kích lịch sử của việc tiếp nhận tác phẩm văn chương thì Wolfgang Iser quan tâm đến tác động của văn bản đối với người đọc. Lý thuyết “người đọc hàm ẩn” của Iser có từ năm 1976. Theo nguyên lý của Iser, người đọc là người được giả định trước của văn bản. Vấn đề là một mặt giải thích một tác phẩm được sắp đặt và điều khiển việc đọc như thế nào, và mặt khác giải thích cái cách mà cá nhân người đọc, về phương diện khả năng nhận thức, phản ứng với cách sắp đặt của tác phẩm.

Trong cuốn L’Acte de lecture (Hành động đọc), 1976, Iser muốn xây dựng một “hiện tượng học của việc đọc”. Theo ông, vai trò của người đọc là thiết yếu trong việc gây nên “ấn tượng thẩm mỹ”: tác phẩm không chỉ là văn bản, nó được tạo nên bởi một quá trình năng động, một tác động qua lại giữa người đọc và văn bản. Sự tác động qua lại đó trở nên cần thiết bởi cái bản chất của văn bản: một mặt văn bản có những khiếm khuyết khiến người đọc đưa vào những hình ảnh khác biệt, mặt khác văn bản có “những tập hợp phức tạp về những chỉ thị”, những tập hợp này được áp đặt cho người đọc và kiểm soát hành động của người đọc. Do những cơ cấu của nó, mỗi văn bản định nghĩa “người đọc hàm ẩn” của nó và “trao cho người đọc khả thi một vai trò nào đó” mà người đọc diễn giải theo ý mình. Điều này giải thích sự sống còn của tác phẩm và đồng thời giải thích nhiều cách tiếp nhận.

Đối với Iser, mọi tác phẩm đều có hai chiều kích, hai “cực”: “cực nghệ thuật là văn bản của tác giả” và “cực mỹ học là sự hình thành do người đọc tạo nên”. Cho nên một tác phẩm “có tính ảo không tránh được, vì tác phẩm không thể bị quy về sự thật của tác phẩm, cũng như về tính chủ quan của người đọc, và chính từ cái tính ảo đó mà tác phẩm xuất phát tính năng động của nó” (Iser). Vậy cái nghĩa không có trước, nó được xây dựng qua việc đọc.

Người đọc hàm ẩn, người đọc mà mọi tác phẩm đều hướng về một cách cần thiết, được phân cho một vai trò. Người đọc hàm ẩn phải thể hiện “tất cả những sắp đặt, bố trí cần thiết để văn bản gây hiệu quả.” Do đó, “những nguồn gốc của người đọc hàm ẩn như là một khái niệm được ghép chặt trong cơ cấu của văn bản ; người đọc hàm ẩn là một xây dựng và hoàn toàn không thể được đồng hóa với một người đọc thật sự nào.” (Wolfgang Iser, L’Acte de lecture)

Hans Robert Jauss thì hướng khái niệm đọc về phía “tiếp nhận”, bằng cách giải thích rằng cái nghĩa của văn bản không bao giờ được ổn định mà nó biến đổi tùy theo những bối cảnh của sự tiếp nhận. Theo Jauss, tác phẩm không được xem như chỉ là một hình thức, tác phẩm trước tiên là một quá trình, một hình thức đang chờ đợi để được cập nhật hóa. Jauss muốn giải thích rằng người tiếp nhận tác phẩm được đặt vào một thời lịch sử, có một chức năng lịch sử để hiểu sử văn học, hiểu sự tiến hóa của tác phẩm như một quá trình tiến hóa liên tục. Jauss đưa ra khái niệm “viễn cảnh chờ đợi” nơi người đọc, và cho rằng việc đọc một tác phẩm mới luôn luôn thuộc về những cách đọc đã có trước, thuộc về những quy tắc, những cái mã của những cách đọc trước kia mà người đọc đã quen. Đối diện với một tác phẩm mới có thể xảy ra 3 phản ứng: sự hài lòng tức thì, sự thất vọng, hoặc ý muốn thích nghi với những viễn cảnh mới được tác phẩm mở ra. Vậy sự tiếp nhận là tiêu chuẩn của giá trị tác phẩm. Chỉ có sự tiếp nhận đem lại sự thích thú, đảo lộn cái viễn cảnh chờ đợi của người đọc, tạo nên một “khoảng cách mỹ học” giữa sự chờ đợi và thử nghiệm mới được ban phát cho một giá trị văn chương thật sự.

Những lý thuyết mới nhất về việc đọc không phủ nhận vị trí hàng đầu của sự tiếp nhận trong việc xây dựng một cái nghĩa của văn bản.

Sau người đọc hàm ẩn có người đọc trừu tượng của Lintvelt, tác giả cuốn Essai de typologie narrative, Nxb Corti, Pháp, 1981. Người đọc trừu tượng tương đương với người đọc hàm ẩn. “Người đọc trừu tượng một mặt hoạt động như hình ảnh của người nhận (destinataire) được giả định trước bởi tác phẩm văn chương, và mặt khác hoạt động như hình ảnh của người tiếp nhận (récepteur) lý tưởng, có khả năng cụ thể hóa cái nghĩa trọn vẹn trong một việc đọc năng nổ.”

Về phần Umberto Eco, ông tiếp cận vấn đề người đọc theo ký hiệu học trong cuốn Lector in fabula. Lối tiếp cận của ông rất gần với lối tiếp cận của W. Iser. Năm 1979, Umberto Eco đưa ra lối phân tích việc đọc có tính “cộng tác”. Mục tiêu là xem xét văn bản dự định sự tiếp nhận của người đọc như thế nào, và người đọc phải làm gì (hay đúng hơn người đọc Mẫu sẽ làm gì) để đáp lại tối đa những chờ đợi của các cơ cấu của văn bản. Theo Eco, tác phẩm nghệ thuật được mở ra với vô số cách đọc, và ông khẳng định rằng có “người đọc Mẫu”: “Một “người đọc Mẫu” được tác giả định trước và phải có khả năng hợp tác với việc cập nhật hóa văn bản theo tư duy của tác giả và cũng có khả năng diễn giải”. Eco cho thấy mọi tác phẩm đều phiến diện, cần cập nhật hóa. Vai trò người đọc có tính đôi là đặt quan hệ giữa những thông điệp và nói rõ những điều không được nói lên, những khoảng trống, những tỉnh lược trong truyện kể. Vậy người đọc Mẫu là người đọc biết hợp tác.

Michel Charles, nhà nghiên cứu về lý thuyết văn học, đặc biệt về tu từ học, thì cho rằng việc đọc gợi lên vô số tác phẩm ảo mà tác phẩm thật sự chỉ là một ví dụ.

Cũng có lý thuyết phản đối tính tự chủ của văn bản và sự tự do của người đọc để lập nên cái khái niệm “cộng đồng diễn giải” (communauté interprétative). Đó là lý thuyết của nhà nghiên cứu văn học  Mỹ Stanley Fish, ông tìm cách tháo gỡ bộ ba: tác giả/tác phẩm/người đọc, hoặc: chủ ý/hình thức/tiếp nhận để giải thích rằng những bộ ba đó tan trong một tổng hợp: “Hình thức trải nghiệm của người đọc, những đơn vị hình thức và cấu trúc của chủ ý chỉ là một, tất cả đều biểu lộ cùng một lúc, và vấn đề của ưu tiên và độc lập không được đặt ra.”

Tuy nhiên các lý thuyết không chống đối nhau, những cách nhìn khác biệt đó soi sáng chúng ta trong cách tiếp cận vấn đề đọc.

Người đọc hàm ẩn, người đọc trừu tượng và người đọc Mẫu, ngoài những khác biệt giữa họ, đều có chung một nguyên lý là đưa người tiếp nhận (destinataire) vào văn bản một cách khách quan. Những người đọc đó (người đọc hàm ẩn, người đọc trừu tượng, người đọc Mẫu) là những hình ảnh đơn giản của người đọc được giả định bởi truyện kể, hoặc họ là những người tiếp nhận năng nổ tham gia vào sự diễn biến của truyện, họ được xây dựng với cái ý rằng trong mọi văn bản, về phương diện cơ cấu, có một vai trò được đề nghị cho người đọc.

Ngoài ra có một tiếp cận hướng về người đọc thật sự. Lối tiếp cận này được mở đầu với hai tiểu luận của Michel Picard: La lecture comme jeu (Đọc như một trò chơi) (1986) và Lire le temps (Đọc thời gian) (1989). Điều mà Picard trách những nhà nghiên cứu đi trước là phân tích những cách đọc có tính lý thuyết bởi những người đọc trừu tượng. Theo Picard, đã đến lúc chấm dứt những cách đọc giả định đó để nghiên cứu cách đọc duy nhất và thật sự. Trái với người đọc không có thể xác của cái mẫu của Iser và Eco, người đọc thật sự thưởng thức văn bản với óc thông minh của họ, với những ham muốn, với văn hóa, với những hạn định xã hội – lịch sử và vô thức của họ. Cách nhìn này có tính phân tâm học.

Theo Picard, cách đọc tác phẩm văn chương có ba chức năng thiết yếu:

Chức năng thứ nhất là lật đổ mà vẫn tuân theo. Tác phẩm vừa tranh cãi vừa giả định một nền văn hóa. Tính mới lạ của tác phẩm chỉ được hiểu khi tác phẩm được đặt trên cái nền của truyền thống. Vậy đọc tác phẩm văn chương có cái lợi đôi là làm cho chúng ta chìm vào một nền văn hóa và đồng thời làm bung ra những giới hạn của văn hóa đó.

Chức năng thứ hai là nêu lên cái nghĩa giữa hiện tượng đa nghĩa. Tác phẩm văn chương luôn luôn đưa đến nhiều ý nghĩa. Như thế người đọc có quyền rộng rãi để giải thích. Hơn mọi cách đọc khác, cách đọc tác phẩm văn chương mang tính chủ quan: vì nó phong phú về phương diện tri thức và nó cho phép dùng trí tưởng tượng. Nếu truyện Les Misérables (Những kẻ khốn khổ) của Victor Hugo làm người đọc quan tâm đến ba vấn đề lớn của thế kỷ 19: sự thoái hóa của con người vì tình trạng vô sản, sự sa ngã của người phụ nữ vì đói, sự teo tóp của trẻ con, thì tiểu thuyết này cũng cho phép người đọc một loạt đồng nhất hóa và đưa trí tưởng tượng đi xa. Do đó đối với mỗi cá nhân, một không gian lắm nghĩa được vẽ lên nhờ việc đọc, quan hệ giữa tâm lý tính và xã hội tính được sửa đổi.

Chức năng cuối cùng mà Picard nêu lên là mẫu hóa bằng trải nghiệm về một hiện thực được hư cấu. Đây là vai trò giáo dục của việc đọc. Mẫu hóa một hoàn cảnh là đề nghị với người đọc trải nghiệm bằng tưởng tượng một cảnh mà người đọc có thể sống trong hiện thực. Nói một cách khác, việc đọc cho phép thử sống nhiều hoàn cảnh. Người đọc tự nhủ khi mình đối phó với những vấn đề tình cảm của nhân vật này hay với những lo âu vật chất của nhân vật nọ, thì mình phải chọn những con đường nào và tránh những con đường nào. Như thế người đọc thu thập được những cái lợi của một trải nghiệm mà người đọc không phải sống qua một cách cụ thể. Người đọc chỉ cần thay thế những yếu tố của thế giới tiểu thuyết bằng những yếu tố tương đương trong thế giới thật của mình. Nhà văn Henry James đã tuyên bố:

Sự thành tựu của một tác phẩm nghệ thuật có thể được đánh giá theo cái ảo tưởng mà tác phẩm gây ra ; ảo tưởng đó cho phép chúng ta tưởng tượng rằng trong một khoảng thời gian chúng ta đã sống một cuộc đời khác, rằng trải nghiệm của chúng ta được trải rộng ra một cách kỳ diệu.

(Theory of fiction, James E. Miller Jr, 1972, tr. 93)

Đọc tác phẩm văn chương qua ba cách: lật đổ mà vẫn tuân theo, nêu lên cái nghĩa giữa hiện tượng đa nghĩa, mẫu hóa bằng trải nghiệm về một hiện thực được hư cấu, là một thực hành đem lại nhiều kết quả mà người đọc khi ra khỏi tác phẩm được biến đổi.

Qua nhiều thế kỷ, ý nghĩa của một tác phẩm thay đổi. Một ví dụ trong văn học Pháp: kịch bản Phèdre của văn hào Racine, ở thế kỷ 17, có phải là bi kịch của một tình yêu tội lỗi đưa đến cái chết không tránh được, như Roland Barthes, ở thế kỷ 20, đã cho thấy không? Tác phẩm văn chương được khắc sâu trong một sự tiến triển, tính rõ ràng minh bạch của tác phẩm xuyên qua lịch sử. Tác phẩm biến đổi, được phong phú hóa do vô số cách đọc. Tác phẩm vừa là hình thức vừa là nghĩa. Hình thức của tác phẩm – thực ra là một đối tượng của mỹ học – có tính vĩnh hằng, nghĩa của tác phẩm luôn luôn mở, những cách đọc tiếp nối nhau phát hiện một lời đáp hàm ẩn trong diễn ngôn của quá khứ. Tất cả diễn ra như là tác phẩm “chỉ kết thúc để mở ra mãi mãi”, nói theo Gaëtan Picon, bằng cách đi từ quá trình của sáng tạo đến quá trình của tiếp nhận.

Tóm lại, đọc là sáng tạo, là diễn giải, là một cách viết lại tác phẩm. Có phải mọi cách đọc, cách đọc của người khờ khạo (có thật có hạng người đọc này không?) cũng như cách đọc của người uyên bác, đều là diễn giải, là phần thêm vào cái nghĩa chăng?

Đến lượt người đọc, không nên tự giam mình trong một cái nghĩa ngược lại với chủ ý của tác phẩm, người đọc phải để những khả thi bất tận của tác phẩm mở ra, phải tránh xây dựng một cái nghĩa độc đoán qua cách đọc của mình.

Tài liệu tham khảo:

Nathalie Piégay-Gros, Le Lecteur, Flammarion, 2002.

Antoine Compagnon, Le démon de la théorie, Seuil, 1998.

Vincent Jouve, La lecture, Hachette, 1993.

Comments are closed.