"Những hòn cuội nhặt dọc đường" và kẻ lãng du trong cõi hồng trần

Đặng Văn Sinh

clip_image002

Vào một ngày cuối tháng 8 năm 2005, tôi đang ngồi gõ máy bản thảo bài phê bình tập truyện ngắn “Lá bàng xanh ngoài cửa sổ” của nhà văn Tô Đức Chiêu thì chuông điện thoại reo. Đầu dây đằng kia, một giọng trầm, âm lượng đầy nội lực hỏi: “Xin lỗi, ông có phải nhà văn Đặng Văn Sinh không ạ?”. Sau khi được xác nhận tôi đúng là chủ nhân số máy vừa gọi, người khách tự giới thiệu: “Tôi là họa sĩ Lê Trí Dũng ở đại học Mỹ thuật công nghiệp, vừa đọc trích đoạn tiểu thuyết “Ký ức làng Cùa” của ông trên tạp chí Nhà văn. Tuy mới đọc một chương mà đã thấy tác phẩm gây ấn tượng mạnh, tôi gọi điện trước hết để chúc mừng, sau nữa là, phiền ông gửi cho mua một cuốn theo đường bưu điện, tôi sẽ chuyển tiền vào tài khoản…”.

Nghe xong tôi lặng người đến mấy giây rồi trả lời họa sĩ: “Cảm ơn ông đã đọc của tôi, nhưng thật đáng buồn, bản thảo đã qua năm nhà xuất bản đều bị từ chối. Có đầu nậu đã dàn trang, vẽ bìa, dự kiến in lần đầu vài nghìn bản, nhưng đến phút cuối cùng vẫn không xin được giấy phép”. Lê Trí Dũng ngẫm nghĩ một lúc rồi chợt đưa ra sáng kiến: “Hay là ông “bán” cho tôi bản photocopy để anh em ở đây đọc, chứ dở dang thế này không chịu được”.

Biết đây chẳng những là tay ham đọc sách mà còn có “con mắt xanh” nên tôi mách nước: “Toàn bộ bản thảo cuốn sách tôi đã chuyển cho ban biên tập tạp chí, ông có thể liên hệ với nhà thơ Nguyễn Trác hoặc nhà văn Văn Vinh mượn”.

Bẵng đi một thời gian, một hôm Lê Trí Dũng lại gọi điện cho tôi thông báo: “Cảm ơn ông, chúng tôi đã đọc xong “Ký ức làng Cùa”. Mấy ông bạn tôi đọc rồi, thích quá, bảo, ở chốn rừng xanh núi đỏ xa xôi ấy, vậy mà có một tay bút thật đáo để”. Từ đấy chúng tôi thường xuyên gọi điện cho nhau. Và cứ đến dịp tết Lê Trí Dũng lại gửi cho tôi tấm ảnh chụp “con giáp” do chính anh vẽ với lời đề tặng rất trân trọng.

Cuối tháng 1 năm 2007, Lê Trí Dũng gửi tôi cuốn tạp văn “Những hòn cuội nhặt dọc đường hành quân” do nhà xuất bản Mỹ thuật ấn hành. Cuốn sách khá đặc biệt, khổ vuông 15x 15 cm, bìa cứng in ký họa người lính, AK 47 trên vai, lưng mang ba lô cóc, ceintureron treo lỉnh kỉnh những bi đông, dao găm, lựu đạn… được bố cục trong một không gian hẹp bằng những nét đanh, mảnh đan cài vào nhau, đang hành quân. Góc dưới bên phải là nhan đề tác phẩm được sắp xếp theo chiều dọc bằng loại chữ khổ nhỏ năm màu như những hòn cuội lấp lánh, tạo nên sự tương phản với những nét trắng mảnh trên nền đen. Trái lại, bìa sau được thể hiện vô cùng phóng túng bởi con ngựa màu đỏ gắt, xù lông tung bờm, bốn chân xoãi ra trong tư thế phi nước đại trong khi chiếc đuôi đang bay lên dưới ánh trăng đêm.

Cuốn tạp văn dày 268 trang gồm 17 bài viết và một “Lời cuối sách”, được in đẹp, sửa morasse kỹ, hầu như rất ít lỗi kỹ thuật. Điều thú vị nữa là, cùng với mỗi bài viết, Lê Trí Dũng lại kèm theo ít nhất một minh họa, có những minh họa rất hoành tráng. Xem minh họa của anh ta càng hiểu sâu hơn tạp văn của anh…

Và tôi sững sờ. Sự từng trải, tầm vóc văn hóa, và sau hết là ngọn bút của người họa sĩ từng một thời là lính xe tăng này thật tài hoa, khiến bất cứ ai, sau khi đọc cũng phải tâm phục khẩu phục.

Hơn 4 năm sau, vào ngày 5 tháng 10 năm 2011, tôi lại nhận được ấn phẩm của Lê Trí Dũng bằng chuyển phát nhanh. Đó là cuốn tạp văn thứ hai, dày gần gấp đôi cuốn trước, vẫn hình vuông, khổ 15x15cm, và điều đặc biệt là, nó vẫn mang tựa đề “Những hòn cuội nhặt dọc đường”. Ngoài lời giới thiệu của họa sĩ râu dài Phan Cẩm Thượng và Yên Ba và “Lời cuối sách”, “Những hòn cuội nhặt dọc đường” lần này in 30 bài tạp văn cùng khá nhiều tranh minh họa của tác giả phần lớn được dàn trải trên cả hai trang, rất sinh động, càng làm tăng sức hấp dẫn.

Sức viết của Lê Trí Dũng thật đáng nể, giữa năm 2013, Lê Trí Dũng xuất bản cuốn “Những hòn cuội nhặt dọc đường” thứ ba, lần này là khổ 14×20,5cm, dày 356 trang, do nhà xuất bản Văn học ấn hành, trong đó có 80 trang dành cho những bài phê bình. Các bài viết được Lê Trí Dũng phân loại 4 chủ đề: “Muôn mặt hội họa”, “Sắc màu cuộc sống”, “Vài tích cổ văn” và “Hòn cuội và những người bạn”.

Đến tháng 11 cùng năm, họa sĩ cầm tinh con trâu (hẳn là trâu vàng) lại trình làng tập tranh Lê Trí Dũng khổ 21x23cm, bìa cứng, in song ngữ của nhà xuất bản Mỹ thuật với 72 con ngựa vô cùng trang trọng. Chính tập tranh đã làm nên “thương hiệu” Lê Trí Dũng. Không riêng gì độc giả mà ngay cả giới phê bình mỹ thuật cũng phải thừa nhận, Lê Trí Dũng là chuyên gia hàng đầu về “ngựa” của nền hội họa đương đại Việt Nam.

Tập tranh ngựa Lê Trí Dũng gửi ngay cho tôi sau khi in xong, nhưng “Những hòn cuội nhặt dọc đường” tập 3 anh lại mang đến tận nhà tặng cùng với bức tranh gà rất đặc sắc nhân chuyến viếng thăm chùa Thanh Mai (Chí Linh, Hải Dương) đầu xuân Đinh Dậu (2017).

Trước hết, phải nói, Lê Trí Dũng là một kẻ lãng du có sao Thiên Di chiếu mệnh nên rất hào hứng với những chuyến phiêu lưu mạo hiểm, rất phù hợp với sự phân tích của nhà văn Xuân Cang về quẻ Lữ (Hỏa Sơn Lữ) trong Kinh Dịch. Vì thế, những trang viết của anh hầu như không chịu sự ràng buộc của khuôn khổ hình thức, luôn bất chập luật chơi như đàn ngựa hoang, thả sức tung hoành trên thảo nguyên chữ nghĩa. Văn Lê Trí Dũng có lúc thấp thoáng bóng ma quỷ như “Liêu trai chí dị”, có lúc lại hàm chứa yếu tố hoạt kê của tiếu lâm dân gian, nhưng cũng không hiếm trường hợp “nhại” lối kể rất đặc trưng của loại tiểu thuyết chương hồi trung đại.

Tạp văn Lê Trí Dũng “lạ” không chỉ ở loại thể rất khó định danh mà còn “mới” ở phong cách thể hiện bởi tính hàm ngôn, ẩn dụ khiến người đọc luôn bị bất ngờ bởi những tình huống ngoài dự đoán. Đó là thứ tạp văn, một mặt được viết để giải tỏa những ẩn ức bị dồn nén của một tâm hồn quá nhạy cảm trước cuộc sống phức tạp, nhưng, mặt khác, biết đâu lại chẳng là trò chơi chữ nghĩa nhằm “trêu ngươi” thiên hạ, nhất là với các “nhà” quan văn nghệ, nhãn mác đầy mình, luôn lên giọng dạy dỗ đồng nghiệp nhưng lại có cái đầu “văn hóa lùn” (!?).

Có thể do cái tạng của mình, Lê Trí Dũng không mấy khi cao đàm khoát luận, thường là khá khiêm nhường, mỗi bài chỉ vài trăm chữ, nhiều là hai nghìn chữ nhưng nó bắt người ta phải đọc đến cùng rồi lặng lẽ suy ngẫm, về đủ mọi thứ trên đời từ văn hóa, lịch sử, đến tôn giáo, cổ ngoạn, rồi cả nghệ thuật chơi chim cảnh. Anh viết nhiều về Phật giáo, đề cao mối quan hệ nhân quả trong cõi nhân gian mờ mịt với hai phạm trù thiện ác. Văn Lê Trí Dũng là sự tổng hợp của các phong cách mà điểm nhấn ở đây là nghệ thuật hội họa với kiểu tư duy phóng túng, linh hoạt, thậm chí có phần bụi bặm.

Từ nhan đề “Những hòn cuội nhặt dọc đường” người đọc có thể hình dung, phong cách tạp văn của Lê Trí Dũng là một thể thống nhất cho 98 bài của ba tập nối tiếp nhau. Quan điểm nghệ thuật của tác giả là nhất quán được phát triển trên nền tảng triết lý trung dung, vốn là “đạo” của người quân tử.

“Những hòn cuội nhặt dọc đường hành quân” mới đọc tưởng viết chơi mà lại không phải là chơi. Nó luôn ẩn giấu một tư tưởng nào đó. Nó thiên biến vạn hóa bởi lớp ngôn từ dân dã, chẳng có gì là cao siêu mà lại thấm đẫm triết lý nhân sinh. Triết lý ấy đôi khi trượt ra ngoài văn bản như phép ẩn dụ của văn học cổ điển. Lê Trí Dũng luôn tự nhận viết văn với mình chỉ là “tay trái”, nhưng thật ra, tạp văn của anh sực kỳ chuyên nghiệp. Mỗi bài viết đều nhằm ký gửi một tâm sự hay triết lý nhân sinh, chuyện của mình nhưng cũng là chuyện cuộc đời với đầy đủ các cung bậc tình cảm. Tạp văn là thể loại cần ngắn ngọn, ý tứ cô đọng, và nhất là phải diễn đạt được một tư tưởng nào đó, nên rất khó viết. Trong làng văn chính hiệu, không ít người có đủ học vị học hàm, chức tước đầy mình, hăm hở lao vào, những muốn dạy cho đám “nhân quần khinh khỉnh” kia bài học nhớ đời, ai ngờ thất bại cay đắng vì …nhạt!

Tôi muốn nói rằng, tạp văn Lê Trí Dũng là của trời cho. Nó xuất phát từ quẻ Tiên thiên trong “Dịch”, không học được. Hẳn là trong quẻ Hà Lạc của nhà họa sĩ “máu” xê dịch này phải có Hóa công, Thiên nguyên khí, Địa nguyên khí hay “Nạp âm” tuyệt hảo. Hơn thế nữa, Lê Trí Dũng là con nhà nòi. Cụ thân sinh từng tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, có tranh treo ở Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Thân mẫu thời bao cấp, từng là chủ một hiệu sách nhỏ. Đấy chính là điều kiện tuyệt vời để Lê Trí Dũng có thể học được trí khôn nhân loại qua đủ các loại sách đông tây kim cổ, nho ý lý số mà anh gọi là “thượng vàng hạ cám”.

Với cái vốn “trời cho” ấy, Lê Trí Dũng như một ẩn sĩ sơn lâm. Anh thao túng các con chữ như thầy phù thủy cao tay điều khiển âm binh, tên nào vào đúng vị trí sở trường tên ấy, đến thời cơ hành động, chúng kết hợp với nhau, phát huy hết công năng, tạo nên một “bát trận đồ” chữ nghĩa, khiến người đọc chỉ biết gật đầu thán phục mà không thể nào bắt chước. Như vậy, viết tạp văn hẳn là phải có “thuật”. “Thuật” như thế nào thì thú thật là tôi chịu, họa chăng chỉ có tác giả mới trả lời được câu hỏi hóc búa này.

Có thể nói, tạp văn Lê Trí Dũng rất khác người. Nó là sự tổng hợp của nhiều thể loại, trong đó bao hàm cả hồi ức, du ký, chân dung nhân vật, tạp luận, nhà đàm, truyện ngắn…, được diễn đạt bằng lớp ngôn từ đa sắc thái với mô hình câu trần thuật ngắn, số lượng từ vựng ở mức tối thiểu nhưng hiệu ứng thẩm mỹ lại đạt mức tối đa. Điều cần nhận diện ở đây là những trang viết dù không phải lúc nào cũng hoàn hảo nhưng là sự trung thực đến tận cùng của người nghệ sĩ dấn thân, một thời từng khoác chiến bào “quất roi cầu Vị ào ào gió thu”. Cho nên, không ít những trang viết của Lê Trí Dũng còn đượm mùi khói súng cho dù chúng ta đã ra khỏi cuộc tương tàn mấy chục năm. Sự trung thực ấy không phải người cầm bút nào cũng làm được, khi mà cuộc sống đương đại được đo đếm từ nhiều hệ giá trị khác nhau, trong đó có những hệ giá trị ngụy tạo đang ngày đêm tàn phá niềm tin, đạo đức, nhân cách và phẩm giá con người.

Đương nhiên, đề tài trong cuộc sống xã hội là phong phú, đa dạng, chất liệu muôn màu muôn vẻ, không ai cấm anh viết, nhưng đâu có phải cứ hạ bút là thành … tạp văn. Đây là thể loại rất kén chọn người cầm bút. Bởi cũng như hầu hết các thể loại văn học khác vấn đề không phải viết cái gì mà là viết như thế nào. Chính cái mệnh đề “viết như thế nào” ấy mới xác định được tầm vóc hay đẳng cấp người sinh ra nó. Từ kinh nghiệm bản thân mấy chục năm, tôi ngộ ra một điều, viết được tạp văn phải là người có sự am hiểu lịch sử, triết học, văn học, hội họa, âm nhạc. Rồi còn phải dày công tham khảo cả thuật phong thủy, từ vi, tướng số, bói dịch nữa. Nói tóm lại là “thông kim bác cổ”. Có vốn văn hóa ấy rồi, cùng với kinh nghiệm sống và bản lĩnh can trường rồi nhưng chưa chắc đã viết được những trang đến mức “quỷ khốc thần sầu” nếu bản thân anh còn thiếu một chút tài năng. “Nguyên khí” ấy là của trời cho, không ai xin được, bởi nó là “duyên” Tạo hóa thích kẻ nào thì ban cho. Vì thế, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chỉ ra cái “duyên” rất linh hoạt trong Phật luận “Cư trần lạc đạo” của người: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên” là vậy.

Lê Trí Dũng vừa có “nguyên khí” vừa có “duyên” nên tạp văn của anh khiến ta phải đọc và suy ngẫm cũng không có gì lạ.

Đề tài là phong phú, bố cục đầy ngẫu hứng, ý tưởng mới lạ luôn làm người đọc sững sờ đã là một thành công, nhưng sự độc đáo của tạp văn Lê Trí Dũng còn được ghi nhận ở kỹ thuật đặc tả và cấu trúc câu của hình thức cổ văn. Câu văn của anh không chỉ dừng lại ở dạng thức ngữ pháp thông thường mà luôn là những kết hợp đa chiều nhằm tạo ra những tầng nghĩa mới như một sự cộng hưởng cho dù hệ thống từ vựng không có gì đặc biệt nếu so với người khác. Văn Lê Trí Dũng như một thứ ma thuật luôn ám ảnh người đọc, bắt người ta phải đọc đến tận cùng nhưng có khi vẫn chưa giải mã được những điều anh ký thác.

Xét về tổng thể, qua ba tập “Những hòn cuội nhặt dọc đường” (NHCNDĐ), ta có thể quy chiếu vào mấy nội dung cơ bản là: hồi ức về một thời quân ngũ và những người bạn chiến đấu; quan điểm nghệ thuật qua những tạp luận và các mẩu chuyện nghề nghiệp; ghi chép sau những chuyến lãng du; và cuối cùng là những truyện ngắn nửa thực nửa hư được “kể” theo phong cách “liêu trai” hiện đại.

Là một cựu chiến binh, Lê Trí Dũng viết về đồng đội qua những hồi ức một thời máu lửa với tâm thức người trong cuộc. Đó là những trang văn thấm đượm tình đồng đội với tấm lòng vị tha, nhân ái, khoan dung và cảm phục. Giọng văn ở thể loại chân dung đồng đội, nhất là những đồng đội đã ngã xuống nơi Thành Cổ phảng phất âm hưởng anh hùng ca. Đọc Lê Trí Dũng càng hiểu thêm, những chiến binh ngã xuống dưới làn đạn đối phương hầu hết là những người trai trẻ, những “tài hoa ra trận” dấn thân vào cuộc chiến vì danh dự như có lần tác giả trả lời câu hỏi của con trai. Chân dung đồng đội của Lê Trí Dũng được ký họa từ chiến hào của những binh nhì cầm súng, như một tấm gương phản chiếu hiện thực khốc liệt còn tươi nguyên màu máu, cho dù trò chơi súng đạn ấy đã lùi xa nhiều thập kỷ. Hồi ức đi liền với những di vật, di thư, những gương mặt mờ nhòa bởi thời gian của một thế hệ trí thức trẻ tài hoa, lãng mạn, đi vào cuộc chiến sinh tử không hẹn ngày về. Lời kể trong hồi ức về những đồng đội thường hào sảng, gợi lại được không khí sôi sục của một thời máu lửa, nhưng phía sau nó người đọc vẫn có cảm giác đắng cay, nghèn nghẹn như niềm bi phẫn không bao giờ được giải tỏa. Những bài “Viên gạch Cổ Thành”, “Ba lần đến Quảng Trị”, “Tài hoa ra trận”, “Mãi mãi là người lính”, “Đồng đội”, “Chuyện kể của một người lính xe tăng”, “Nén hương của sự tri ân”, “Tấm lòng người lính”, “Cây guitare cũ kỹ”, “Những linh hồn Thạch Hãn”, “Chuyện của người lính gặp ở binh trạm”… đều là những mảnh kỷ niệm chiến tranh mà mẫu số chung là hình ảnh người lính can trường, quả cảm, hiển hiện trước mắt người đọc như một biểu tượng của tinh thần thời đại.

Những người lính hiện ra trong tạp văn Lê Trí Dũng với đầy đủ thành phần xuất thân từ mọi miền đất nước. Người là nông dân, suốt đời chưa bao giờ rời khỏi làng quê nếu không có cuộc chiến tranh này. Người là học sinh, sinh viên, nghệ sĩ, sẵn sàng “xếp bút nghiên theo cuộc đao binh” với tinh thần lãng mạn “những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng”. Trong bài “Viên gạch Cổ Thành”, một vong hiện về báo mộng cho tác giả, nhân chuyến anh trở lại chiến trường xưa bằng lời kể khá là u uất bởi mấy chục năm làm kẻ tha hương: “Chợt khi nảy cuộc tương tàn, nhuốm màu binh lửa, tôi theo lời kêu gọi của non sông, lên đường chiến đấu. Vốn là con một gia đình nông dân, lúc sắp lên đường, u tôi bảo: Khái ơi, u chỉ có mình mày, mày đi bộ đội u không cản, chỉ mong mày lấy vợ cho u thằng cháu, để mai này… rồi u tôi khóc” (NHCNĐ, Q1, tr.93). Còn đây là tâm trạng của chính tác giả sau khi những bạn bè các khóa của trường Đại học Mỹ thuật lần lượt hy sinh vì nghĩa lớn: “Chiến tranh đã cướp đi của chúng ta bao nhiêu là người thân, mà lại toàn những người ưu tú, tài hoa như thế… Những năm tháng các anh hiện hữu trên cõi đời này dường như là trời sai các anh xuống để làm một việc là để lại sự nuối tiếc trong lòng người ở lại hình ảnh sự hào hoa, ngang tàng, phóng khoáng và lãng mạn của những người trai hệ 7 năm, đánh giặc vô tư, tình yêu trong sáng, hết lòng vì nước vì dân” (NHCNĐ, Q1, tr.172).

Tạp văn Lê Trí Dũng luôn đưa người đọc đến những chi tiết ngoài sức tưởng tượng bằng cách tạo ra sự tương phản giữa cảnh vật và tâm trạng, khi mà đang say sưa về những cánh rừng Trường Sơn bạt ngàn, về những bông hoa tre hiếm hoi, may mắn được gặp trong đời lính chiến, anh bất ngờ kể về một trong những cái chết bi tráng của người chiến sĩ vô danh như một minh chứng cho lưỡi hái khủng khiếp của thần chiến tranh: “Sau phút ngạc nhiên vì vẻ đẹp của nó, lòng tôi lại nặng trĩu khi thấy dưới khóm tre khổng lồ với các gióng thẳng to bằng bắp đùi với những cái lá to bằng cả bàn tay là chiếc võng dù, lật tấm tăng lên là một bộ xương người trong bộ quân phục Tô Châu đã mủn nát, với chiếc mũ tai bèo úp chụp phía trên” (NHCNĐ, Q2, tr.161).

Quan niệm về nghệ thuật của Lê Trí Dũng có phần độc đáo khác với triết lý trung dung mà anh coi như phương châm sống. Qua hàng loạt phiếm luận viết ở những thời kỳ khác nhau rải rác suốt 3 tập “Những hòn cuội nhặt dọc đường”, người đọc cảm nhận được tác giả bao giờ cũng nhất quán về một chính nhân quân tử, một kẻ sĩ luôn giữ được nhân cách nghệ sĩ trong những cơn biến động nhân gian của tiến trình lịch sử gặp quá nhiều khuất khúc. Qua con mắt Lê Trí Dũng, văn nghệ sĩ cũng gồm đủ hạng người, tạo thành một “giới” vô cùng đa dạng, thậm chí phức tạp, mà trong đó không ít kẻ chỉ mượn danh nghệ sĩ để thăng quan tiến chức, nhanh chóng vinh thân phì gia, hay đơn giản hơn chỉ là đánh bóng tên tuổi, lòe thiên hạ. Trong một xã hội mà mọi thứ đều có thể “mua” bằng tiền, thì không thiếu những kẻ bất tài, vô hạnh, “chạy” được đủ thứ danh hiệu rởm, sau đó, bằng mọi thủ đoạn bẩn thỉu, chui vào các “hội đồng chuột”, tự bỏ phiếu cho mình, rồi vênh vang vung tay chém gió. Đối lập với chúng là chân dung những nghệ sĩ lớn, nhân cách đáng trọng, suốt đời phụng sự nghệ thuật, không màng chức tước, tuy có lúc phải “gán” tranh để kiếm ly cà phê hay chén rượu thời bao cấp như Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái. Bài “Tản mạn về vẽ” có thể xem là tuyên ngôn nghệ thuật của Lê Trí Dũng; tuy chỉ gói gọn trong vòng chín trăm chữ, nhưng đó là bài học kinh nghiệm được đúc kết sau mấy chục năm hành nghề: “Văn là người và vẽ cũng là người. Bậc hào kiệt phóng bút thì Đại khí lộ. Người thanh cao thì Thượng khí lộ. Kẻ vẽ để mưu sinh thì Hạ khí lộ. Bọn bon chen danh lợi thì Tiểu khí lộ. Vẽ mà dùng mưu hại người thì Ám khí lộ. Còn tranh chép lại hoặc phần lớn tranh thương mại thì không có khí, nó chỉ là những cái xác không hồn mà thôi” (NHCNĐ, Q1, tr.13). Và đây là phẩm chất đích thức của người của người nghệ sĩ: “Sáng tác, theo tôi phải là người có dũng lược, chí cao tài cả, thông hiểu sự đời mới làm nổi, phải ngay thẳng, không màng danh lợi, lại phải chịu được khổ (vật chất và tinh thần). Lại phải kiên cường…” (NHCNĐ, Q1, tr.13). Lại nữa, cũng phải là người trong nghề, sống chết với nghề, từng nếm trải nhiều lần thất bại mới “nhìn thấy” những tác phẩm được sinh ra trong trạng thái khác thường: “Trong thời bao cấp, đời sống khó khăn, vừa vật lộn với miếng cơm vừa vẽ. Vì thế, nhiều họa sĩ phải vẽ trong Uất khí, cay cú, dồn nén. Đến thời mở cửa, tranh bán ào ào, nhiều người vẽ trong Ngạo khí. Tuy nhiên, cả đói nghèo và giàu có đều có sức mạnh tiêu diệt nghệ thuật ngang nhau…” (NHCNĐ, Q1, tr.14). Hàng loạt “thuật ngữ” độc đáo mà Lê Trí Dũng sử dụng chẳng những tránh được sự khô khan mà còn làm cho bài viết thêm sinh động, tạo nguồn cảm hứng cho người đọc bởi các chiều kích tâm lý, triết lý và cả nụ cười hài hước thấp thoáng phía sau những con chữ. Nhưng tác giả chưa dừng lại ở đây, anh còn đi xa hơn khi nói đến căn bệnh thời đại của những kẻ hoạt đầu: “Đó là hạng vẽ bằng nước bọt, hạng này chửi hết cả thầy, cả bạn, cả ân nhân. Chỉ có họ là giỏi, thiên hạ không ai hiểu họ, ngu hết. Hội đồng không duyệt tranh họ là hội đồng ngu. Tranh không bán được là khách hàng ngu. Phải sống với các vĩ nhân ấy chắc là phải Triệt khí” (NHCNĐ, Q1, tr.15).

Triết lý của Lê Trí Dũng về nghề vẽ có lúc được anh gọi là “những chuyện tầm phào”, tuy nhiên đó chỉ là cách nói khiêm nhường. Thực ra, “Nhàn đàm quanh giá vẽ” của anh cực kỳ nghiêm túc, bởi đó là kết quả của cả quá trình học tập, đọc sách, cầm cọ và trải nghiệm qua các chuyến đi. Bài học được Lê Trí Dũng rút ra là: “Nó giống như những hòn cuội nhỏ tôi đã say mê gom góp được dọc đường hành quân trong đời vẽ”. Thế nên phải am hiểu “Phật luận”, “Bát quái đại diễn luận”, “Nam hoa kinh”, “Đạo đức kinh”, đến “Phong thần”, “Liêu trai chí dị” rồi Tử vi đẩu số… người họa sĩ của những chú ngựa lừng danh mới có đủ bản lĩnh phóng bút “ngạo đời”.

Luận về cái sự “đi” của nghề vẽ, Lê Trí Dũng viết: “…cụ Hoàng Lập Ngôn, hơn 90 tuổi, đã từng một gia đình, một cỗ xe ngựa rong ruổi khắp Đông Dương, bây giờ cũng ít khi cụ ngồi một chỗ. Họa sĩ Nguyễn Thụ lang thang vẽ trên Xứ Lạng rồi lấy vợ trên ấy. Lớp sau có họa sĩ Đỗ Dũng đi vẽ nhiều lần ở Xứ Liền anh Liền chị, thuộc lòng các làn điệu dân ca, yêu nó đến nỗi đoạt cả giải vàng nơi bản địa” (NHCNĐ, Q1, tr. 62). Cũng ở bài nhàn đàm này, trước non thiêng Yên Tử, tác giả thả hồn vào cõi mông lung, bâng khuâng về một miền ký ức: “Xuân về tôi lại chạnh lòng nhớ đến nhiệm vụ thường niên của mình: về Yên Tử ngay những ngày đầu năm! Nỗi cô đơn còn lại ùa về, tràn vào cùng gió rừng trúc thổi muốn ngã người. Trên đỉnh núi Đồng, giữa các hòn cuội khổng lồ dễ bằng cả gian nhà lớn tưởng như của người hành tinh khác quẳng xuống trần gian thi gan cùng tuế nguyệt…” (NHCNĐ, Q1, tr. 63). Và rồi, như trong trạng thái nhập thần giữa nơi đất Phật, tác giả chợt ngộ ra: “Ngoảnh lại, nhìn xuống cõi trần, hỡi ôi, làng Vẽ ngày nay còn quá nhiều điều đáng nói. Tay định nhặt mấy viên sỏi theo thói quen, chợt ngộ rằng ở chốn Hư – Vô này, không có cái gì là của ta mà cái gì cũng của ta cả. Mây trắng trời xanh, sông dài biến rộng, rừng sâu núi thẳm…, cũng đủ cho vài chục năm của chuyến du hành dài ngày trên CÕI THẾ này không uổng được gọi là: Một kiếp người” (NHCNĐ, Q1, tr. 63).

Cũng ở đề tài trên, bài “Trong vòng tạp luận” lại có một kiểu bố cục khác lạ. Nó vừa giống như hồi ức lại vừa giống như một phiếm luận về kỹ thuật vẽ sơn mài có liên quan đến chất liệu giữa sơn ta Phú Thọ và sơn nhái, sơn rởm. Có thể không cần bàn đến nội dung cuộc hội thảo được xem là vô bổ, nhưng nhất thiết phải nhìn nhận đến cách viết khá lan man nhưng đầy ẩn ý như một thông điệp mà tác giả “thòng” vào phần cuối. Những dòng dưới đây, trong cuốn sách cổ mà vô tình tác giả có được trong một chuyến đi tìm cổ vật, cho dù là có thật hay do người viết cố tình “phịa” ra thì cũng rất đáng cho ta bài học về đạo làm người: “Bất ngờ, tôi lật tiếp trang sau, thấy một phù hiệu khá ngộ nghĩnh: Một hình người há mồm (không rõ đang cười hay đang khóc) tay đắc thắng giơ lên trời, một chân giẫm lên một người khác đang nằm dưới (nhìn rõ người nay đang cười mới lạ). Tiều đề: Tự đại. Ở dưới có những dòng chữ sau: Thỉnh thoảng ta nên cảm thấy cái bé nhỏ và thảm hại của bản thân, cảm giác đó rất hữu ích. Chúng ta thường xuyên quên rằng mình bé nhỏ, vô năng. Ngắm một toà nhà trăm tầng, ta dễ hoá ra tự phụ, sao không tưởng tượng rằng tòa nhà chọc trời đó nếu đặt ở bên một ngọn núi nhỏ thôi thì sẽ ra sao nhỉ?” (NHCNĐ, Q2, tr. 117). Để làm rõ thêm ý tưởng của mình, cuối bài viết, Lê Trí Dũng còn viện dẫn cả Lâm Ngữ Đường trong cái cách sống hoà đồng với thiên nhiên của người xưa, hóa ra, ở thời Lâm tiên sinh, xã hội cũng đã dị ứng với “trường phái” thơ “câu lạc bộ”: “Núi lại còn có vẻ u tĩnh và trị được bệnh. Sống trong núi ta có cảm giác núi là mẹ, mình là con. Núi không trị được gãy xương, ghẻ lở… nhưng chắc chắn chữa được thói tự phụ, thói chỉ có mình là đúng, thói xu nịnh người trên bắt nạt kẻ dưới, thói hiếu chiến ham lợi, thói làm thơ con cóc, thói tàn nhẫn, thủ đoạn, thói tự triển lãm mình, thói lộn xộn trong tư duy…” (NHCNĐ, Q2, tr. 118). Rất có thể, không ít người, sau khi đọc cho rằng, “Trong vòng tạp luận” là một bài viết lộn nhất trần đời, nhưng thật ra đó là thứ “lộn xộn” có chủ ý. Nó chỉ mượn cái vỏ hình thức của tiền nhân, còn nội hàm hoàn toàn mang tinh thần thời đại sau khi anh “mua” được cuốn sách cổ giá chỉ bằng tiền…ba bát phở.

Lê Trí Dũng có sở trường pha trộn giữa các thể loại văn học như là pha trộn màu trong nghệ thuật hội hoạ ngay cả ở loạt bài có chủ đề thuộc lĩnh vực lý luận phê bình, nhưng được diễn đạt bằng ngôn ngữ hết sức dung dị, mang đặc trưng lối “kể” dân gian, mà bài đáng chú ý hơn cả là “Trong cõi hồng trần”. Nội dung bài viết xoay quanh câu chuyện giữa ông chủ bút báo Dân tiến và anh phóng viên lắm lý sự trong loạt bài chuyên đề. Đương nhiên cả tờ báo, cả ông chủ bút lẫn tay phóng viên đều là sản phẩm hư cấu, nhưng phần nội dung “quái dị” mà ông chủ bút yêu cầu cấp dưới phải viết về mấy hạng người thời nay thi đảm bảo sự thật một trăm phần trăm. Và đây là yêu sách của ông ta: “Không được, hạng nghệ sĩ mới là hạng tôi muốn nói đến, hạng ấy có đủ tính chất của ba hạng trên là chính trị gia, thương gia và ăn mày” (NHCNĐ, Q2, tr. 286). Trong cuộc trao đổi tưởng tượng này, gã phóng viên có vẻ chỉ đóng vai trò thụ động, nhưng lại đưa ra thứ lý sự đầy khiêu khích để kích hoạt cái đầu sẵn máu “chiến” của sếp: “Ông nên nhớ rằng họa sĩ họ sáng tác phần lớn trong tâm trạng cô đơn, nếu không tự cho mình là nhất thì vẽ thế chó nào được? Tiền đã không bằng ai, tài cũng chả hơn ai, quyền cũng không bằng ai, sức vóc thì trói gà không nổi, cái lưỡi không hoạt động thì còn hoạt động cái gì?” (NHCNĐ, Q2, tr. 293). Quả nhiên ngài chủ bút mắc mưu, bất ngờ tuôn ra những lời “trắng phớ” mà nếu ở cuộc họp giao ban hàng tuần, có cho ăn kẹo cũng đành ngậm miệng: “Cậu chỉ được cái bênh nghệ sĩ. Cậu tưởng ngọn bút các cậu là vô tình, vô hại à? Cái lưỡi các cậu là vô tâm vô tính à? Trò chơi các cậu là vô thưởng vô phạt à? Không đâu! Nó có thể triệt hạ cả… một thế hệ đấy!” (NHCNĐ, Q2, tr. 293). Nhưng sự việc không chỉ có vậy. “Trong cói hồng trần” còn đủ thứ hệ lụy. Cứ nhìn thân phận của người họa sĩ được phác thảo vài nét dưới đây, người đọc sẽ biết được thực trạng xã hội mà họ đang sống như thế nào: “Không! Tôi chỉ muốn nói là đừng đụng đến họa sĩ. Đó là một hạng người đặc biệt cao thủ, họ phải quằn quại đêm ngày trong cô đơn, đã phải lén lút nhái tranh kiếm sống, đã phải gồng mình vỗ ngực để quên đi cái thực trạng thảm hại của mình, không ít người đã phải lừa thầy phản bạn để kiếm chút danh lợi…” (NHCNĐ, Q2, tr. 294).

Lê Trí Dũng có trí nhớ đặc biệt về những hồi ức, kể cả những hồi ức mang âm hưởng huyền thoại, cho dù có một vài trường hợp anh sử dụng tư liệu “hư cấu” như một biện pháp nghệ thuật làm người đọc bán tín bán nghi. Thế nhưng, chính những dòng “hư cấu” mang hơi hướm “liêu trai” ấy lại khiến cho cuốn tạp văn có sức dẫn dụ như thứ bùa ngải của các thầy mo miền sơn cước. Thì đã hẳn, cái sự viết lách đâu phải lúc nào cũng cần nghiêm túc để “tải đạo”, mà đôi khi cũng chỉ là trò chơi chữ nghĩa để thư giãn lúc trà dư tửu hậu. Ấy thế mà, loại chuyện truyền kỳ giống như những hòn cuội muôn hình muôn vẻ mà kẻ lữ hành lượm được dọc đường thiên lý kia, có khi lại khiến đám đệ tử say mê bởi hồn cốt phiêu lưu, hoang đường của nó. “Chuyện cũ ở Tây sương” (NHCNĐ, Q1, tr.155), với tư cách đứa cháu, ở vùng tản cư Thanh Hóa thời loạn, tác giả, có phần hài hước kể về những cuộc “đấu khẩu” vô tiền khoáng hậu giữa ông ngoại mình và ông thầy phong thủy, để rồi, cuối cùng, sau khi chu du một vòng khắp các xứ Đông Đoài, trở về quê, ông đồ lừng danh Ba Xứ bỗng nhiên trở thành cán bộ văn hóa bài trừ… mê tín dị đoan của chính thể mới! Đến “Những chuyện tầm phào chẳng đâu vào đâu” (NHCNĐ, Q2, tr.205), thì mức độ “hư cấu” đã được tác giả nâng lên tầm “nghệ thuật” khi mà họa sĩ của chúng ta vừa oe oe chào đời trên dường tản cư, đã “nghe” được lời tướng Nguyễn Sơn đặt tên và dự đoán số phận tương lai cho mình: “Hãy đặt tên cho nó là Tuệ Đảm, không có hai thứ ấy thằng bé làm sao chống chọi được với nỗi khổ của đời, ngó mà xem, tướng tá thằng bé chẳng phải tay vừa…” (NHCNĐ, Q2, tr.204-205). Tiếp đó Lê Trí Dũng phịa ra cảnh âm ty địa ngục của Diêm vương, rồi còn lôi cả tiền bối Bồ Tùng Linh vào cuộc du ngoạn âm tào: “Tôi lăn vào giữa đôi ủng da trâu to tướng. Ngửng lên thì ra Thôi phán quan của Bồ Tùng Linh. Ông quát: Thằng nào ném nó vào đây? Số nó chưa hết kiếp nạn, phải tống nó lên dương thế cho bọn tiểu nhân hành hạ, cho biết thế nào là quân tử gặp củ đậu bay, xem còn dám coi thường tiểu nhân nữa không…?, rồi đá thốc một cái. Tôi bắn ngược qua hai cánh sửa sơn đen, bay qua một đường hầm tưởng như bất tận…” (NHCNĐ, Q2, tr.205). Chuyện tầm phào nhưng lại lẩn khuất đâu đó một triết lý nhân sinh. Tạp văn Lê Trí Dũng luôn đưa người đọc đến với những “nghịch lý đời thường” mà “Kỳ ngộ ở Hữu Lũng” là trường hợp điển hình. “Kỳ ngộ ở Hữu Lũng” kể về cuộc trò chuyện ngẫu nhiên của những người có chính kiến khác nhau, thậm chí ở những phương trời khác nhau, về hiện trạng xã hội có quá nhiều bất cập, bởi các giá trị sống đang bị biến dạng, trong một đám cưới vùng cao Xứ Lạng. Các thực khách cố gắng tìm ra tiếng nói chung cho những quan điểm trái chiều, nhưng kết quả lại chịu thua lý lẽ đầy sức thuyết phục của cậu em trai tác giả có cô vợ lúc nào cũng muốn chồng “lên xe xuống ngựa”: “Cô có biết bọn lên xe xuống ngựa, complet, cartable (cặp táp) ấy có mấy đêm được ngủ yên không? Nhận hối lộ 10 thì phải rải lót 9 chứ ăn cả được đâu, kể cả đem vợ ra lót đường… Mà cái còng số 8 nó chờ sẵn khi ăn chia không kín kẽ đấy!” (NHCNĐ, Q1, tr.184).

Lê Trí Dũng đã phát huy tối đa sở trường của tạp văn, nâng nó lên thành loại hình nghệ thuật tổng hợp đầy sức sáng tạo, có khả năng len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống, biến hóa khôn lường. Tạp văn Lê Trí Dũng còn không ngại gom cả lịch sử, triết học, văn hóa, tôn giáo, đến chọi gà, chơi chim cảnh vào đối tượng “nghiên cứu” và giải thích theo cách riêng của mình. Để dọn đường cho học thuyết con người có “kiếp trước”, tác giả sử dụng đoạn mào đầu khiến chúng ta không thể không bật cười bởi những từ ngữ đậm chất trào lộng trong một văn cảnh hoàn toàn nghiêm túc: “Có lẽ phải tìm một ẩn sĩ, dị nhân để hỏi, nhưng bây giờ tìm đâu ra? Mấy chục năm trời chiến tranh bom đạn, đình chùa bị đập phá, chính quyền quét sạch các ẩn sĩ nhằm bảo đảm an ninh… Các dị nhân dạt hết lên mạn ngược, chùa chiền bây giờ toàn các sư có hàm, vị…” (NHCNĐ, Q2, tr.232-233).

Cũng có thể “kiếp trước” nằm trong “dải tần” tư duy thường trực của chàng du tử, thế nên phong vị văn chương ở đây đôi khi cũng thấp thoáng “mùi” kiếm khách: “Khi ngựa đã chồn chân mỏi gối thì lòng tráng sỹ cũng bay theo gió ngàn thôi. Đi tìm ẩn sĩ, thì gặp ông cán bộ văn hóa xã. Vớ được cuốn Tiền kiếp thì lại không thể tự xem cho mình. Muốn biết chỉ có thể soi trong gương… Mà đã tỉnh táo soi mình trong gương thì còn say quái gì nữa! (NHCNĐ, Q2, tr.237). Thế những, “cao trào” của “Kiếp trước” có vẻ như lại nằm ở phần kết mục 2, ngầm chỉ ra ý đồ thực của tác giả về một loại người chuyên diễn trò bịp bợm, mà loại người này càng nhiều thì thiên hạ càng nhanh đến thời mạt vận: “Anh tài thế cơ mà, vừa tra Tiền kiếp tôi vừa nghĩ thế! Giờ chỉ còn cộng trừ nhân chia nữa là xong… Và thật bất ngờ. Đây rồi: Kiếp trước của anh đích thị là một nam hý nhân, tức là một thằng hề chuyên mua vui cho các cung phi kiêm nhiệm vụ của giống đực (ngày nay nôm na người ta gọi là đĩ đực)… Chả trách anh lắm tài vặt thế… Và phút chốc, tôi bỗng thấy ra cái điều anh còn thiếu rành rành hiển hiện trên sách cổ: đó là hai chữ liêm sỉ” (NHCNĐ, Q2, tr.242).

Sau những năm tháng mỏi mòn chờ đợi dưới điện Diêm La, các vong hồn phải qua công đoạn “tẩy não” để quên sạch tiền kiếp. Trớ trêu thay, một khi được đầu thai vào kiếp sau, kiếp sau nữa, căn bệnh tham, sân, si của đám chúng sinh lắm dục vọng lại tái diễn bất chấp phép màu của bát cháo lú. Người ta cho rằng, thuyết nhân quả chỉ là trò lừa bịp của các nhà mô phạm. Đồng tiến với sức mạnh vạn năng, có thể hối lộ cả ma quỷ. Thế nên mới có chuyện thật như bịa về loại quan chức cỡ “phương diện quốc gia” thời nay, sắm mâm lễ khủng, đi chùa cầu tài cầu lộc qua miệng con mẹ khấn thuê “sang sảng, đanh thép”: “Con cầu Đức Phật sức mạnh vô biên phù hộ độ trì cho con đè bẹp thằng Y đang cạnh tranh ghế ngồi của con, sao cho nó thân tàn ma dại…” (NHCNĐ, Q2, tr.260). Những trò nhố nhăng kệch cỡm, phản văn hóa còn được Lê Trí Dũng “đá đểu” thông qua lời nhận xét của một độc giả như là sự đánh giá khách quan về cách viết chẳng giống ai của mình: “Cách viết lổn nhổn của anh đang là thời thượng đấy! Bây giờ có nghệ thuật xếp đặt, nghệ thuật trình diễn… cởi truồng đi giữa phố, xếp cá thối đổ vào các mẹt lót rơm, đút củ cải vào bao cao su treo lủng lẳng hàng chục cái… được báo chí đăng tải, ca ngợi hết lời là hiện đại, tân tiến, ai không chấp nhận nó là cổ hủ, ngu ngốc. Nhiều quan chức nghệ thuật cổ vũ hết lời mặc dù chả hiểu gì, vì sợ tụi trẻ chê là ngu…” (NHCNĐ, Q2, tr.261). Hình như Lê Trí Dũng rất có “duyên” với Phật, chí ít ra là ở những trang viết, khi đã hơn một lần anh bàn về thuyết nhân quả. Từ câu chuyện cổ tích “Cái cân thủy ngân”, anh nhận xét: “Cái đó rất đúng với đạo Phật. Phật giáo không tin thuyết định mệnh nhưng tin thuyết nhân quả, thuyết luân hồi. Điều đó cho thây sự cố gắng của con người là có ích”. (NHCNĐ, Q2, tr.267). Và cuối cùng, cái kết của bài viết thật đáng làm ta suy nghĩ: “Trời đã về chiều, nhà hộ sinh xế bên vẫn oe oe tiếng trẻ chào đời. Tôi tự hỏi, mỗi ngày lại có không biết bao nhiêu kiếp sau nữa bắt đầu, tiếp tục, lại bắt đầu cuộc hành trình bất tận của số kiếp linh hồn” (NHCNĐ, Q2, tr.268).

Cài gọi là “lổn nhổn” trong tạp văn Lê Trí Dũng chính là sự đa dạng trong hình thức biểu đạt ý tưởng. Ngòi bút Lê Trí Dũng tung hoành bao quát mọi lĩnh vực đời sống từ triết học cổ Trung Hoa đến lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đương đại…, đều được bàn đến dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có thể loại truyện ngắn. Truyện ngắn trong “Những hòn cuội…” thực ra cũng không thuần túy chỉ là “truyện”, mà nó giống như sự phái sinh của tạp văn, nên chất “tạp” vẫn hiễn hiện khá rõ qua cách xứ lý đề tài và cấu trúc văn bản. Một điều dễ nhận thấy, phần lớn các “truyện”, dù là nhái cổ tích hay hiện đại, chúng đều có bóng dáng “liêu trai”, và yếu tố ma quỷ, huyền hoặc thường gắn liền với yếu tố hiện thực như một cặp song sinh. Một nét đặc sắc nữa là, loại “truyện” này thường là rất ngắn, có khi còn mang phong cách ngụ ngôn, luôn tạo nên những tình huống bất ngờ, khiến người đọc không thể dự đoán trước phần kết của nó. “Chuyện cũ ở Tây sương”, “Dị nhân”, “Ván cờ cuối cùng”, “Đồng đội”, “Chuyện kể của một người lính xe tăng”, “Khẩu súng ma”, “Thai giáo”, “Tuyệt chiêu”, “Ma cà rồng”, “Chuyện đệ nhất thần tiễn”, “Thanh kiếm Đường Khê”, “Cây dã hương”, “Vực Quành”…, đều là những truyện mang đặc tính trên. “Khẩu súng ma” được kể lại với sự xuất hiện bí ẩn của nó trong những hoàn cảnh đặc biệt, khó có thể giải thích bằng tư duy luận lý. Phải đặt câu chuyện trong hệ không gian bốn chiều, nhìn nhận chiều thứ tư, chiều tâm linh như một thực thể vật chất để tham chiếu, may ra mới “ngộ” được, vì sao khẩu K54 lại có linh hồn và thỉnh thoảng lại xuất hiện ở những tọa độ cách nhau cả ngàn dặm đường ít ai ngờ đến. Với “Thai giáo” thì đơn giản hơn khi ta tin vào luật nhân quả và thuyết luân hồi, tuy nhiên trường hợp hai anh em Vững, Vàng giống nhau như cặp song sinh, và nhất là những lời kỳ lạ thốt ra từ miệng Vàng trùng hợp một cách đáng ngờ với người anh chết yểu, khó có thể thuyết phục người đọc nếu anh ta là kẻ vô thần.

Tính đa dạng trong truyện của Lê Trí Dũng còn phải kể đến “Vực Quành”. “Vực Quành vừa là truyện “cổ tích” hiện đại vừa là bài tạp văn thể hiện quan điểm của tác giả về một hiện tượng phi nhân tính, một tội ác trong cách ứng xử với những người đã khuất. Nguyễn Xuân Liên, một cựu chiến binh, người Hà Nội, đã bán nhà vào Đồng Hới mua Vực Quành xây dựng “Bảo tàng chiến tranh Việt Nam” trước sự thờ ơ, ghẻ lạnh của chính quyền địa phương. Bỏ ra bao nhiêu công sức và vốn liếng tích góp được của phần đời còn lại, ai ngờ, ít lâu sau, công trình trở thành hoang phế, các hiện vật quý hiếm bị cướp phá, còn chủ nhân thì lại “đi xa” khiến tác giả phải băn khoăn đặt câu hỏi: “Và chúng tôi đã chờ, đã chờ… đến hôm nay vẫn không một hồi âm! Anh Liên ơi! Anh đã ở rất xa là ở mãi đâu? Mà tại sao anh phải đi đến đó? Anh đi thế bỏ Vực Quành cho ai? Thật khốn khổ cho anh và cho cuộc đời! Tôi nhắn tin như thế cho một người bạn thân của tôi và của anh, tin nhắn trả lời: “Sự khốn nạn đến thế thì không còn gì để nói” (NHCNĐ, Q3, tr.187).

Tạp văn Lê Trí Dũng luôn là một ám ảnh đối với người đọc. Có thể xem, “Những hòn cuội…” là cuốn nhật ký hành trình của một họa sĩ lãng tử suốt đời lang thang trên những dặm dài đất nước tìm nguồn cảm hứng cho những họa phẩm “ngựa” kỳ lạ nhất trần đời. Và có lẽ, cũng bởi hiệu ứng từ nguồn cảm hứng về các chú “thiên mã” tung bờm bay trong gió bão ấy mà anh viết được những trang văn đầy ắp hơi thở cuộc sống, mà thấp thoáng đâu đó là những triết lý về nhân tình thế thái…

Chí Linh, 18/4/2017

Đ.V.S.

Comments are closed.