Ocean Vương giữa nỗi kinh hoàng và cái đẹp

Florence NOIVILLE, Le Monde, 14-1- 2021

Nguyễn Ngọc Giao dịch

Khoảnh khắc huy hoàng” (Un bref instant de splendeur, Gallimard, 2021) là cuốn tiểu thuyết đầu tay của một thanh niên người Mỹ gốc Việt. Câu chuyện xúc động về sự trưởng thành, tế nhị và sống sượng, tác phẩm khiến người đọc thán phục.

Trong cuốn tiểu thuyết tự truyện của Ocean Vương, có một phương trình kỳ lạ. “Không có bom đạn = Không có gia đình = Không có tôi”. Công thức ấy tóm tắt rất chính xác gốc gác phức tạp của nhà thơ trẻ người Mỹ gốc Việt tự coi mình là sản phẩm của chiến tranh Việt Nam. Một cuộc chiến tranh mà anh không tham gia, không trải nghiệm – anh sinh năm 1988 – nhưng, vượt qua thời gian và không gian, nó không ngừng giày vò anh.

OV

Nhà văn Mỹ Ocean Vương ở New York, 2019. Ảnh: CELESTE SLOMAN/The New York Times-REDUX-REA

Sự “chấn thương tích cực” hiện diện liên tục như một giọng trầm ấy, Vương đã khai phá nó trong suốt “Khoảnh khắc huy hoàng”. Ngay từ lúc phát hành năm 2019, cuốn sách đã trở thành một hiện tượng xuất bản ở Hoa Kỳ. Báo New York Times tính là cuốn sách bán chạy nhất, Washington Post xếp là cuốn sách hay nhất trong năm. Cuốn tiểu thuyết đang được chuyển thể thành phim, tác giả được đèn chiếu sân khấu rọi sáng, bộ máy truyền thông khổng lồ đã khởi động. Nó không nhầm đối tượng. Tiểu thuyết “Khoảnh khắc huy hoàng” xứng đáng được tuyên dương. Có điều, đối với độc giả, sự huy hoàng rực sáng không chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc.

Cha và ông bay biến

Cũng giống như Ocean Vương, nhân vật tôi, tên là Chó Con (Little Dog), ra đời ở Sài Gòn vào cuối thập niên 1980. Năm hai tuổi, đặt chân tới bang Connecticut nhờ Amerasian Act, đạo luật cho phép những đứa con “Mỹ lai”, cha là người Mỹ, được nhập cư. Chẳng bao lâu Chó Con được biết người mà anh tưởng là ông ngoại không phải là ông ngoại; anh chỉ là hậu duệ của một tay Mỹ vô danh tiểu tốt, không tên họ, chẳng biết mặt mũi ra sao. Trong những năm chiến tranh, bà ngoại, tên là Lan, một cô gái quê, bị ép lấy chồng đã bỏ trốn và bị gia đình xua đuổi, “gái trốn chồng mùa màng thất bát” – có mang với một GI đóng trên khu trục hạm của Hải quân Mỹ. Bị cưỡng hiếp chăng? Không biết! Chỉ biết “đứa trẻ là gái, lớn lên, có mang, đẻ ra một đứa con trai”. Ông ngoại và cha bay biến đi đâu không biết. “Chỉ còn lại là mày”, người ta nói với Chó Con như vậy.

Câu chuyện của sự hình thành thật là xúc động. “Khoảnh khắc huy hoàng” đưa ta từng bước dõi theo sự sinh trưởng éo le của “mày”. Tác giả miêu tả tuổi thơ của Chó Con giữa hai người đàn bà, người mẹ làm “neo” trong một quán nhậu, cục cằn, nóng tính và bà ngoại kể chuyện rất có duyên, mắc bệnh tâm thần phân liệt, ám ảnh bị truy bức. Chó Con kể ban đêm thức dậy, thấy mình chỉ là “viên đạn già hơn mình” nằm gọn trong lồng ngực, còn “xương cốt, gân guốc, mạch máu bao bọc chung quanh” không biết tự bao giờ. Thổ lộ nỗi đau “yellow-white” của một con người nước da quá trắng so với người Việt nhưng không đủ trắng so với người Mỹ. Quyết chí sao y nguyên bản Mỹ – giống như nhân vật nữ da đen của Toni Morrison ước mong có “con mắt xanh biếc” (Christian Bourgois, 1994), còn mình thì muốn trở thành trắng nên uống sữa, với hy vọng điên rồ là “cậu con trai da vàng sẽ sáng giá nhờ màu trắng tan biến trong người”. Rồi kể giờ phút dấy lên nhục dục. Những ham muốn xác thịt đầu tiên, trong thửa ruộng trổng thuốc lá, với bạn trai Trevor. Và cha của Trevor, thân tàn ma dại, sặc mùi rượu, lè nhè gọi Chó Con là “thằng nhỏ tàu khựa”, thuộc dòng giống cái bọn mà chú James “đã uýnh tơi tả trong rừng sâu (…) Mày biết chứ, Trev (…) Chú mày đã quẳng bốn đứa chúng nó xuống hố rồi châm xăng đốt trụi”.

Khoảnh khắc…” là một hỗn hợp ác mộng và giấc mơ Mỹ, tinh vi trộn lẫn sống sượng. Chó Con hội nhập đời sống Mỹ trong niềm vui tội lỗi, bán tin bán nghi. Biết rõ mình sẽ chẳng bao giờ hội nhập được hoàn toàn. Cuốn truyện từ đầu đến cuối là một lá thư dài viết cho mẹ. Lá thư viết đi viết lại, đầy ắp những nghi vấn. Mù chữ, mẹ sẽ không bao giờ đọc. Dòng văn như treo bằng sợi chỉ, đung đưa giữa nỗi kinh hoàng và cái đẹp hoàn mỹ… Một khổ công về ngôn ngữ. Một ngôn ngữ khó bảo (tiếng Anh), một ngôn ngữ đang mai một (tiếng Việt) và niềm an ủi: ngôn ngữ của thơ. Chó Con đã ngẫu nhiên khám phá ra nó ở thư viện, qua một bản dịch Rimbaud: “Bỗng nhiên, tôi gần như cảm thấy một kẻ như tôi – tuổi trẻ, nghèo, queer, kỳ cục – có thể tự tưởng tượng mình là nhà văn”.

Sự nghiệp Á-Mỹ

Tác phẩm đầu tay này có những khuyết điểm, đôi chỗ dài lê thê. Kết thúc y chang “Je me souviens” của Georges Pérec (Hachette, 1978), không phải là phần sáng giá nhất. Nhưng những trang viết của chàng trai 31 tuổi thật đáng phục. Những câu chữ xuất thần, những hình ảnh sáng tạo, những đoạn văn khắc hoạ được kết cấu với nhau, tạo ra những mạnh vụn thuốc nổ và những mảnh vỡ của hồi ức bị xâu xé: nếu Ocean Vương tiếp tục trên đà hứa hẹn nay, phải chăng ta sẽ có một James Baldwin của sự nghiệp Á-Mỹ? Trong khi chờ đợi, anh nhắc nhở chúng ta rằng (cũng như sinh  mạng đen), “Yellow Lives Also Matter”. Chớ quên rằng một quan toà Mỹ đã từng tha bổng một nhân viên hoả xa da trắng đã hạ sát một người Hoa vô danh, viện dẫn pháp luật bang Texas “cấm giết người nhưng định nghĩa người là da trắng, Mỹ Phi hay Mễ”. Nếu tính theo thước đo thời gian của văn minh Trung Hoa, câu chuyện xảy ra cũng mới đây thôi, vào năm 1884. “Xác chết da vàng không được suy xét tới (…) bởi vì nó không nằm trong ô nào trên văn bản cả”.

Florence NOIVILLE

 

Nguồn: https://www.diendan.org/sang-tac/doc-un-bref-instant-de-splendeur-cua-ocean-vuong

Comments are closed.