Phơi bày những sự thật hãi hùng của cuộc Cách mạng Văn hoá (Các nhà sử học nổi dậy đã ghi lại một quá khứ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng muốn xóa bỏ.)

Bài điểm sách về cuốn “Thiên hạ đại loạn: Lịch sử Cách mạng Văn hóa Trung Quốc” [The World Turned Upside Down: A History of the Chinese Cultural Revolution] do Dương Kế Thịnh [Yang Jisheng] viết bằng tiếng Trung, Stacy Mosher và Quách Kiến [Guo Jian] dịch ra tiếng Anh

Barbara Demick, The Atlantic, số Tháng Giêng/Tháng Hai 2021

Trần Ngọc Cư dịch

image

Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, một nhóm nổi dậy buộc một thủ lĩnh đối thủ phải tham gia một buổi chỉ trích. (Li Zhensheng)

Ở Trung Quốc, lịch sử từ lâu đã chiếm một địa vị gần như tôn giáo. Trong thời kỳ đế chế, ngược dòng lịch sử hàng nghìn năm và tồn tại cho đến khi triều đại nhà Thanh sụp đổ vào năm 1911, sự cống hiến của các nhà sử học trong việc ghi lại sự thật được xem như một cách chặn đứng hành vi sai trái của hoàng đế. Các vua chúa Trung Hoa, mặc dù bị truyền thống cấm can thiệp vào việc viết sử, tất nhiên đã ra sức làm việc này.

Những người kế nhiệm họ cũng làm như thế. Trong số những người có ý định khai thác lịch sử mạnh mẽ nhất để đạt được lợi ích chính trị là các nhà lãnh đạo hiện tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ thường xuyên tẩy rửa các sách, tạp chí và sách giáo khoa tiếng Trung Quốc về bất cứ thứ gì có thể làm suy yếu tính chính danh của họ — kể cả bất kỳ thứ gì làm hoen ố Mao Trạch Đông, người cha sáng lập đảng. Nỗ lực này, một nhiệm vụ không nhỏ, đã không thể tiến hành mà không bị thách đố. Một trang web của các nhà sử học nghiệp dư đã thu thập tài liệu và lời khai của nhân chứng từ bảy thập kỷ trôi qua kể từ khi thành lập Trung Quốc hiện đại vào năm 1949. Quách Kiến, một giáo sư tiếng Anh tại Đại học Wisconsin tại Whitewater, đã dịch một số phát hiện của họ, mô tả các nhà nghiên cứu kiên trì và can đảm như là "những người kế thừa di sản vĩ đại của Trung Quốc," tận tâm "bảo tồn ký ức lịch sử chống lại sự đàn áp và chứng lãng quên."

Người nổi tiếng nhất trong số các nhà sử học tự phong mới là Dương Kế Thịnh [Yang Jisheng], người đã tường thuật chi tiết về Bước nhảy vọt vĩ đại của Mao — thảm họa nhân tạo tồi tệ nhất thế giới, một nỗ lực sai lầm nhằm khởi động nền kinh tế Trung Quốc đã dẫn đến cái chết của khoảng 36 triệu người vì nạn đói — được xuất bản ở Hồng Kông vào năm 2008. Mặc dù cuốn sách này, nhan đề “Bia mộ” [Tombstone], đã bị cấm ở đại lục, nhưng nó vẫn được lưu hành ở đó dưới dạng các phiên bản samizdat [sách cấm] có sẵn trên mạng và từ những người bán sách lưu động, họ đã giấu bản sao trên xe đẩy của mình. Bốn năm sau, được Quách Kiến và Stacy Mosher biên tập và dịch sang tiếng Anh, cuốn sách đã được xuất bản trên toàn thế giới với sự hoan nghênh nồng nhiệt, và vào năm 2016, Dương đã nhận được giải thưởng về “lương tâm và tính chính trực trong nghề báo” từ Đại học Harvard. Ông đã bị cấm ra khỏi nước để tham dự lễ trao giải và đã nói với bạn bè rằng ông sợ mình bị theo dõi liên tục.

Thay vì chịu khuất phục, họ Dương đã làm điều đó thêm một lần nữa. Cuốn sách mới nhất của ông, “Thiên hạ đại loạn”, được xuất bản cách đây 4 năm ở Hồng Kông và hiện bằng tiếng Anh, nhờ cùng các dịch giả nói trên. Đó là một bài tường thuật về Cách mạng Văn hóa, một cuộc mạo hiểm sai lầm khác của Mao, bắt đầu vào năm 1966 và chỉ kết thúc bằng cái chết của ông vào năm 1976.

Dương sinh năm 1940 tại tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. Trong một cảnh đau lòng trong “Bia mộ”, ông viết, khi ông từ trường về thăm nhà ông thấy người chú thân yêu – người từng nhịn miếng thịt cuối cùng của mình cho cậu bé mà ông ta đã nuôi nấng như một đứa con trai ăn – không thể nhấc tay chào, đôi mắt trũng sâu và gương mặt hốc hác. Điều đó xảy ra vào năm 1959, vào thời cao điểm của nạn đói, nhưng phải mất nhiều thập kỷ họ Dương mới hiểu rằng cái chết của chú mình là một phần của thảm kịch quốc gia, và Mao là người chịu trách nhiệm về điều đó.

Trong thời gian đó, Dương đã đánh dấu vào tất cả các ô mục cần thiết để thiết lập uy tín cho con người Cộng sản của mình. Ông tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản; từng là biên tập viên của tờ báo lá cải in rô-nê-ô tại trường trung học của mình, có tên “Người Cộng sản Trẻ”; và viết một bài thơ ca ngợi Đại Nhảy Vọt. Ông theo học ngành kỹ sư tại Đại học Thanh Hoa danh tiếng của Bắc Kinh, nhưng việc học của ông bị gián đoạn khi Cách mạng Văn hoá bắt đầu và là lúc ông và các sinh viên khác được cử đi khắp nước, tham gia cái mà Mao gọi là “mạng lưới vĩ đại” để truyền bá thông tin. Năm 1968, Dương trở thành phóng viên của Tân Hoa Xã. Ở đó, sau này ông viết, ông biết tin tức "được tạo ra bằng cách nào và các cơ quan báo chí đóng vai trò cái loa cho quyền lực chính trị như thế nào."

Một chủ sở hữu tài sản bị sỉ nhục công khai. (Li Zhensheng)

Nhưng mãi cho đến khi xảy ra cuộc đàn áp những người biểu tình vì dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, Dương mới tỉnh ngộ về chính trị. “Máu của những sinh viên trẻ đó đã tẩy sạch từ bộ não của tôi tất cả những dối trá mà tôi đã tiếp nhận trong nhiều thập kỷ trước,” ông viết trong “Bia mộ”. Ông thề sẽ khám phá ra sự thật. Dưới chiêu bài nghiên cứu kinh tế, Dương bắt đầu đào sâu vào Đại Nhảy Vọt, khám phá ra quy mô của nạn đói và mức độ tội ác của Đảng Cộng sản. Công việc của ông tại Tân Hoa xã và tư cách đảng viên đã cho phép ông tiếp cận các văn khố mà các nhà nghiên cứu khác không vào được.

Khi tiếp tục tìm hiểu cuộc Cách mạng Văn hóa, ông thừa nhận rằng những trải nghiệm trực tiếp của ông trong những năm đó không giúp ích được nhiều. Vào thời điểm này, ông chưa hiểu rõ về nó và đã “thấy cây mà không thấy rừng”, ông viết. Năm năm sau khi cuộc biến động kết thúc, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản đã thông qua nghị quyết năm 1981 đưa ra lập trường chính thức về tình trạng hỗn loạn kinh hoàng này. Nghị quyết mô tả Cách mạng Văn hóa đã gây ra “bước thụt lùi nghiêm trọng nhất và những tổn thất nặng nề nhất mà Đảng, nhà nước và nhân dân phải gánh chịu” kể từ ngày thành lập nước cộng hoà nhân dân. Đồng thời, nó minh định rằng bản thân Mao – nguồn cảm hứng mà không có nó Đảng Cộng sản Trung Quốc không thể duy trì quyền lực – không thể bị ném vào đống rác lịch sử. “Đúng là ông đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng trong Cách mạng Văn hóa,” nghị quyết nói tiếp, “nhưng, nếu chúng ta đánh giá tổng thể các hoạt động của ông, thì những đóng góp của ông cho cuộc cách mạng Trung Quốc vượt xa những sai lầm của ông”. Để minh oan cho Mao, phần lớn tội lỗi của cuộc bạo loạn được đổ qua cho vợ ông ta, Giang Thanh, và ba người cực đoan khác, được gọi chung là “Bè lũ bốn tên.”

Trong “Thiên hạ đại loạn,” Dương vẫn sống rất nhiều giữa những tán cây, nhưng giờ đây ông mang đến sự sống động và tính tức thì cho một câu chuyện phù hợp với quan điểm phổ biến của phương Tây về khu rừng: Mao, theo ông, phải chịu trách nhiệm về cuộc tranh giành quyền lực từ trên xuống dưới, đưa Trung Quốc vào hỗn loạn, một đánh giá được hỗ trợ bởi công trình nghiên cứu của Roderick MacFarquhar và Michael Schoenhals, các học giả của tác phẩm kinh viện “Cuộc cách mạng cuối cùng của Mao” [Mao’s Last Revolution] xuất bản năm 2006. Cuốn sách của Dương không có anh hùng, chỉ có những bầy chiến binh [swarms of combatants] tham gia vào một “quá trình lặp đi lặp lại, trong đó các phe khác nhau thay phiên nhau hưởng ưu thế và mất quyền lực, được tôn vinh và bị cầm tù, và bị thanh trừng” – một chu kỳ ông tin rằng không thể tránh khỏi trong một chế độ toàn trị. Dương, người đã nghỉ hưu từ Tân Hoa Xã vào năm 2001, không có nhiều tư liệu thư khố [archival material] cho cuốn sách này, nhưng ông đã được hưởng lợi từ công trình gần đây của các người viết sử biên niên không ngại nguy khó, những người mà ông cho là đã đưa ra nhiều chi tiết mới đáng kinh ngạc về cung cách cuộc bạo loạn ở Bắc Kinh đã lan đến nông thôn như thế nào.

Cuộc Cách mạng Văn hóa là nỗ lực cuối cùng của Mao trong việc tạo ra một xã hội xã hội chủ nghĩa không tưởng [utopian socialist society] mà ông đã hình dung từ lâu, mặc dù có thể việc này được thúc đẩy vì ý thức hệ thì ít mà vì sự sống còn chính trị của ông thì nhiều. Mao phải đối mặt với sự chỉ trích nội bộ vì thảm họa Đại Nhảy Vọt. Ông khiếp sợ vì những gì đã xảy ra ở Liên Xô khi Nikita Khrushchev bắt đầu tố cáo sự tàn bạo của Joseph Stalin sau khi ông này qua đời năm 1953. Nhà lãnh đạo chuyên chế già cỗi của Trung Quốc (Mao tròn 73 tuổi khi cuộc cách mạng bắt đầu) không thể không tự hỏi ai trong số những người kế vị được chỉ định của ông sẽ phản bội di sản của ông một cách tương tự.

Để thanh trừng những kẻ phản bội bị nghi ngờ trong hàng lãnh đạo cấp cao, Mao đã bỏ qua bộ máy thư lại của Đảng Cộng sản. Mao giao quyền hành cho các chiến binh của mình vốn là những học sinh từ 14 tuổi trở lên, đội Hồng vệ binh, với mũ lưỡi trai và đồng phục rộng thùng thình ôm lấy vòng eo gầy của họ. Vào mùa hè năm 1966, chúng được tung ra để tiêu diệt tận gốc rễ những phần tử phản cách mạng và phản động (“Hãy quét sạch quái vật và ác quỷ,” tờ Nhân dân nhật báo hô hào), một sứ mệnh được bật đèn xanh để hành hạ kẻ thù có thật và trong tưởng tượng. Hồng vệ binh bắt bớ thầy cô giáo của mình. Chúng đập phá đồ cổ, đốt sách và lục soát nhà riêng. (Dương lưu ý, đàn piano và tất nylon nằm trong số những mặt hàng tư sản bị nhắm tới.) Cố gắng kiềm chế giới trẻ quá cuồng nhiệt, cuối cùng Mao đã đưa khoảng 16 triệu thiếu niên và thanh niên đến các vùng nông thôn để lao động khổ sai. Ông cũng điều động các đơn vị quân đội để chặn đứng cuộc bạo loạn đang gia tăng, nhưng cuộc Cách mạng Văn hóa đã tự thể hiện, cơ hồ với đời sống riêng của nó.

Học sinh diễu hành trong ngày Quốc khánh. (Li Zhensheng)

Trong các trang sách của Dương, Mao là một hoàng đế mất trí, điên cuồng ca ngợi việc làm của chính mình trong khi các toán dân quân tàn sát lẫn nhau — mỗi phe đều tự xưng là những người trung thành thực thi ý chí của Mao, tất cả đều là những con tốt trong cuộc tranh giành quyền lực ở Bắc Kinh. Dương viết: “Với mỗi đợt thất bại và tranh giành quyền lực của các phe, người dân bình thường đã bị khuấy động dữ dội và nhấn chìm trong đau khổ tột cùng, trong khi Mao, đứng từ xa, đã mạnh dạn tuyên bố, ‘Hãy nhìn xem, thiên hạ đại loạn’”.[Mao từng nói: “Thiên hạ đại loạn, Trung Quốc được nhờ.” DG.]

Tuy nhiên, sự thèm muốn hỗn loạn của Mao cũng có giới hạn của nó, như Dương đã ghi lại trong một chương đầy kịch tính về cái được gọi là “sự cố Vũ Hán”, đặt theo tên một thành phố ở miền trung Trung Quốc. Vào tháng 7 năm 1967, một phe được hỗ trợ bởi viên tư lệnh lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân trong khu vực đã đụng độ với một phe khác được các nhà lãnh đạo Cách mạng Văn hóa ở Bắc Kinh hậu thuẫn. Đó là một cuộc nổi dậy quân sự có thể đã đẩy Trung Quốc vào một cuộc nội chiến toàn diện. Mao đã thực hiện một chuyến đi bí mật để giám sát một hiệp định đình chiến, nhưng cuối cùng lại thu mình trong một nhà khách ven hồ khi bạo loạn bùng phát gần đó. Chu Ân Lai, người đứng đầu chính phủ Trung Quốc, đã sắp xếp việc di tản trên một máy bay phản lực của lực lượng không quân.

"Chúng ta đang đi theo hướng nào?", viên phi công hỏi Mao khi ông ta lên máy bay. "Hãy cất cánh trước đã," Mao hoảng hốt trả lời.

Điều bắt đầu bằng sự tàn bạo bình thường với hình ảnh những kẻ thù giai cấp buộc phải đội mũ lưỡi trai lố bịch hoặc bị bắt đứng trong tư thế phủ phục, đã xuống cấp tồi tệ để trở thành một thứ bạo dâm trắng trợn [outright sadism]. Ở ngoại ô Bắc Kinh, nơi những con đường vành đai hiện nay thường đông đúc xe cộ dẫn đến những khu nhà có tường bao quanh với những biệt thự sang trọng, nhưng vào những năm 1960 những người hàng xóm ở đây đã tra tấn và giết hại lẫn nhau, bằng những phương pháp tàn ác nhất có thể tưởng tượng được. Những người được cho là con cái của địa chủ đã bị chặt chém bằng nông cụ và bị cắt đầu. Các trẻ sơ sinh là con trai bị chúng cầm hai chân xé xác không cho lớn lên để trả thù. Trong một vụ thảm sát nổi tiếng ở huyện Đạo, tỉnh Hồ Nam, các thành viên của hai phe đối địch – Liên minh Đỏ và Liên minh Cách mạng – đã tàn sát lẫn nhau. Vì vậy, nhiều xác chết sình lên trôi xuống sông Tiêu Thuỷ [Xiaoshui] khiến các thi thể làm tắc nghẽn con đập ở hạ lưu, tạo ra váng đỏ trên bề mặt hồ chứa. Trong một loạt vụ thảm sát ở tỉnh Quảng Tây, ít nhất 80.000 người đã bị sát hại; trong một vụ việc xảy ra năm 1967, những kẻ giết người đã ăn gan và thịt của một số nạn nhân của chúng.

Ước tính có khoảng 1,5 triệu người đã thiệt mạng trong Cách mạng Văn hóa. Số người chết có vẻ nhỏ bé so với tử vong trong Bước đại nhảy vọt, nhưng theo một số cung cách còn tồi tệ hơn: Khi người ăn thịt người trong Cách mạng Văn hóa, họ bị thúc đẩy bởi sự tàn ác chứ không phải chết đói. Đứng lùi xa những chi tiết nghiệt ngã này để đặt cuộc biến động trong một phối cảnh lịch sử rộng lớn hơn của Trung Quốc, Yang nhận thấy một lực tác động không ngưng nghỉ. Ông viết: “Chủ nghĩa vô chính phủ tồn tại vì bộ máy nhà nước tạo ra áp bức giai cấp và đặc quyền quan liêu. Bộ máy nhà nước là không thể thiếu vì mọi người khiếp sợ sức tàn phá của chủ nghĩa vô chính phủ. Quá trình Cách mạng Văn hóa là một trong những cuộc đấu tranh lặp đi lặp lại giữa chủ nghĩa vô chính phủ và quyền lực nhà nước.”

Ở Trung Quốc, Cách mạng Văn hóa không phải là một đề tài hoàn toàn cấm kỵ như các thảm họa khác do Đảng Cộng sản gây nên, chẳng hạn như Đại Nhảy Vọt và vụ đàn áp Quảng trường Thiên An Môn, những đề tài hầu như hoàn toàn biến mất khỏi các cuộc bàn luận công khai. Ít nhất hai viện bảo tàng ở Trung Quốc có các bộ sưu tập dành riêng cho Cách mạng Văn hóa, một gần Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, và một ở thành phố cảng Sán Đầu phía đông nam, hiện nay có vẻ đóng cửa. Và bất chấp những điều khủng khiếp liên quan đến thời kỳ đó, nhiều người Trung Quốc và người nước ngoài lại ưa chuộng những gì đã trở thành sở thích bình dân [kitsch] – ghim và áp phích của Mao, sách đỏ thu nhỏ mà quân cướp cạn Hồng vệ binh thường vẫy, thậm chí cả những bức tượng nhỏ bằng sứ của những người đội mũ lưỡi trai. (Thú thực là tôi đã mua một chiếc cách đây vài năm tại một chợ trời ở Bắc Kinh.) Một thập kỷ trước đây, một cơn sốt về các bài hát, điệu múa và đồng phục của Cách mạng Văn hóa đã bùng lên ở thành phố lớn Trùng Khánh phía tây nam, khơi dậy hoài niệm về tinh thần cách mạng năm xưa. Chiến dịch được lãnh đạo bởi bí thư thành ủy Bạc Hy Lai, người rốt cuộc đã bị thanh trừng và bị bỏ tù trong một cuộc tranh giành quyền lực kết thúc bằng việc Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo đảng vào năm 2012. Lịch sử dường như đang lặp lại.

Mặc dù Tập được nhiều người coi là nhà lãnh đạo độc tài nhất kể từ thời Mao, và thường được báo chí nước ngoài gọi là “Mao mới”, nhưng ông không phải là người hâm mộ Cách mạng Văn hóa. Khi còn là một thiếu niên, ông là một trong số 16 triệu thanh niên Trung Quốc bị đày đến vùng nông thôn, nơi ông sống trong một hang động trong thời gian lao động khổ sai. Cha của ông, Tập Trọng Huân [Xi Zhongxun], một cựu đồng chí của Mao, đã bị thanh trừng liên tục. Tuy nhiên, Tập đã tự xưng là người giữ gìn di sản của Mao. Ông đã hai lần đến chiêm bái trước lăng mộ của Mao tại Quảng trường Thiên An Môn, cúi đầu tôn kính trước bức tượng Người cầm lái vĩ đại.

Sự khoan dung đối với quyền tự do ngôn luận đã bị thu hẹp dưới thời Tập. Một số quan chức đã bị sa thải vì chỉ trích Mao. Trong những năm gần đây, các giáo viên đã bị kỷ luật vì cái gọi là “phát ngôn thiếu nghiêm chỉnh”, bao gồm việc không tôn trọng di sản của Mao. Một số sách giáo khoa đã phớt lờ một thập kỷ hỗn loạn, rút lui việc nhìn nhận những đau thương mất mát của đại chúng trong nghị quyết năm 1981, một văn bản đã mở ra một thời kỳ tương đối cởi mở so với ngày nay.

Cổ phiếu bị tịch thu và sổ tiết kiệm bị đốt cháy. (Li Zhensheng)

Năm 2008, khi cuốn “Bia mộ” lần đầu tiên xuất hiện, giới lãnh đạo Trung Quốc đã tỏ ra biết chấp nhận những lời chỉ trích hơn trước. Hai trong số những người cùng thời với Dương tại Đại học Thanh Hoa vào những năm 1960 về sau đã vào được vị trí hàng đầu của Đảng Cộng sản — cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào [Hu Jintao] và Ngô Bang Quốc [Wu Bangquo], người đứng đầu Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc — và Dương đã nhận được những thông điệp gián tiếp về sự ủng hộ, theo Bùi Mẫn Hân [Minxin Pei], một nhà khoa học chính trị tại Đại học Claremont McKenna College và là một người bạn của Dương. “Cuốn sách đã gây được tiếng vang với giới lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc vì họ biết rằng chế độ chính trị không thể tạo ra lịch sử của chính nó,” ông Bùi nói với tôi. Vấn đề đối với Dương ngày nay "là cảm giác bất an tổng thể của chế độ hiện tại."

Dương, hiện 81 tuổi, vẫn sống ở Bắc Kinh. Theo bạn bè, ông lo lắng về hậu quả của cuốn “Thiên hạ đại loạn” đến nỗi ban đầu ông tìm cách trì hoãn việc xuất bản ấn bản tiếng Anh vì lo lắng rằng cháu trai của mình – người đang nộp đơn vào đại học – có thể phải chịu đòn trả thù. Nhưng bầu không khí chính trị đàn áp ở Trung Quốc ngày nay khiến những đánh giá trung thực về lịch sử Đảng Cộng sản trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, dịch giả Quách Kiến nói với tôi. “Kể từ thời Tả Khâu Minh [một sử gia từ thế kỷ thứ sáu và thứ năm trước Công nguyên] và Khổng Tử, lịch sử được ghi lại một cách trung thực đã được coi là tấm gương phản chiếu hiện tại và là lời cảnh báo nghiêm khắc chống lại sự lạm dụng quyền lực của người cai trị.” Quách cũng dẫn một nguồn từ phương Tây, đương đại hơn, tiểu thuyết 1984 của George Orwell, và câu thần chú của nó, "Ai kiểm soát quá khứ kiểm soát tương lai: Ai kiểm soát hiện tại kiểm soát quá khứ."

Không giống như các triều đại đế chế, Đảng Cộng sản không thể lấy danh nghĩa “mệnh trời” [mandate from heaven] để trị dân. "Nếu đảng thừa nhận sai lầm," Quách nói, "nó mất tính chính danh."

————————————————————————————

Bài báo này xuất hiện trong ấn bản tháng 1/tháng 2 năm 2021 với tiêu đề “Các nhà sử học nổi dậy của Trung Quốc” [China’s Rebel Historians]

BARBARA DEMICK, trước đây là giám đốc văn phòng Bắc Kinh của Thời báo Los Angeles.

Comments are closed.