Tản mạn văn hóa văn nghệ và … văn gừng (6)

Những chuyn linh tinh liên quan đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng vài hin tượng “kết nối” không đúng mực (2)

Nguyễn Thanh Văn


Việc đánh giá có nét lệch lạc về hình ảnh Trịnh Công Sơn không thiếu. Một ông nhà báo gọi ông là “triết gia khổ hạnh”, trật lất cả hai vế. Những “từ vực sâu tôi về làm cát bụi” hay “nhìn lại mình đời đã xanh rêu” hay “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” …góp phần nâng giá trị ca từ nhạc Việt lên hẳn và một thời công chúng ngủ qua đêm bỗng nhận ra sự có mặt của người nói thay tiếng nói của thế hệ mình, dùng đúng ngôn ngữ đang hàm tiếu hay đã nở trọn vẹn, lặng lẽ từ lâu ngay giữa tim mình. Thậm chí nhận định công lao của họ Trịnh giúp đem lại hơi thở và sắc điệu hiện đại, hòa với ngôn ngữ văn nghệ thế giới những thập kỷ 60, 70 cũng không sai. Nhưng nhắc ông như cách ta nhắc Nietzsche, Kant, hay Merleau-Ponty thì bất ổn rồi. Âm hưởng triết lý của Trịnh Công Sơn tạo ra từ ca từ và ngôn ngữ giàu chất thơ, bay bổng với giai điệu mới, giàu cảm xúc ai cũng rõ. Nhưng không nên rán tìm và tán thêm những gì không có và không thực cần thiết cho một nhạc sĩ, thực tế không có “original thinking” trong ca từ của Trịnh Công Sơn như cách ta muốn tìm thấy ở mẫu người mà ta gọi là triết gia. Dù những từ đại khái như “vô thường”, “hư vô”, “hư không”, xem đời là “quán trọ” tràn đầy trong các ca khúc của Trịnh. Nếu xem việc sử dụng thuật ngữ triết học, Phật pháp đồng hóa với tư cách thiền sư, triết gia thì đấy chính là cái nhầm của rất nhiều “nhà thơ thiền” hiện nay (và lâu nay) – và hy vọng bài viết của tôi liên quan vấn đề này sớm được giới thiệu với bạn đọc. Ngay chuyện có người đã làm là dùng ý “từ vực sâu tôi trở về cát bụi” gợi ý vô thường rồi dùng Phật Pháp tán vào, e có phần khập khiễng. Trước hết ý “trở về cát bụi” mang âm hưởng và cả từ ngữ của Thánh Kinh. Và nếu đồng thời cũng làm ta liên tưởng đến khái niệm vô thường của nhà Phật thì nhớ Đức Phật dạy tứ đại có rã ra thành cát bụi thật, nhưng chấm hết ở đó với điệu buồn “mệt nhoài” thì e không dính chi tới Phật Pháp. Cái hơi – không phải cái ý, vì hẳn Trịnh Công Sơn không định dùng âm nhạc làm triết học chi – đồng hóa “sự sống” với tứ đại để than thở, tuyệt vọng quyết không phải bản ý của Đức Phật. Cuối cùng “phiếm luận” đã dài dòng quá rồi, sự thực cái làm người hâm mộ nhạc Trịnh và phiêu diêu với “Cát bụi” – trong bản chất – chẳng dính chi tới Thánh Kinh và Phật Pháp cả. Chính giai điệu mệt mỏi phù thủy của người làm nhạc ru hồn người nghe đó thôi. Triết lý? Có chăng đó là chút khí vị hiện sinh của thập kỷ 60,70 và sự “ôi cát bụi mệt nhoài” (mà ai đó có cách nói “cát bụi mệt mỏi” cũng y chang) khơi cảm hứng và hòa điệu từ những trái tim đã phát ngấy cuộc chiến tranh kéo dài quá mức chịu đựng, đất nước dần thành bãi chiến trường và suối máu, khi lãnh tụ hai phe chung giọng sẵn sàng chiến đấu tới mạng sống cuối cùng của gia đình ai khác – trộn lẫn cả yếu tố hảo hán thà chết không đầu hàng lẫn hương vị phi nhân, tay dính máu người không ngán – không thực là cảm hứng từ Phúc Âm hay Đại Bát Niết Bàn Kinh chi cả.

Cũng không nên gọi một người uống được và thường uống rượu Tây, dùng bữa với đũa ngà, đũa mun, chén kiểu ngon miệng hơn đũa tre, đũa gỗ thường và là tác giả những “tình yêu như vết cháy trên da thịt người”, khắc khoải với “môi nào hãy còn thơm” là sống nếp khổ hạnh – chưa nói kẻ hát rong sang trọng có họ Trịnh chưa bao giờ xem mình là kẻ khổ hạnh. Có vị nghe Trịnh Công Sơn biết nói tiếng Tây, tiểu sử học trường Chasseloup Laubat, ban triết, là ngờ ngợ không phải là Sorbonne, Harvard …đi nữa, cũng trình độ chuyên sâu chi đó ghê gớm lắm; thực tế đấy là trường trung học Lê Quý Đôn hiện nay và thành thật mà nói, tôi cho từ “ban triết” nghe dễ hiểu nhầm quá, chắc từa tựa như bọn tôi chọn ban C, có môn chính là ngoại ngữ, Việt văn và môn triết ở trường Quốc Học, Huế trước 75 – mà thiệt tình quả có không ít bạn chọn một phần vì dốt toán lý. Ở đệ nhị cấp, học sinh được giới thiệu môn triết học ở trình độ “đại khái”, “đại cương” không có màu sắc “chuyên” như sinh viên ban triết, khoa triết ở đại học. Tất nhiên không nên hiểu người viết chủ trương phải tốt nghiệp ngành triết học mới hiểu triết học; chưa nói triết học và hương vị triết lý trong sáng tác nghệ thuật là hai lĩnh vực khác nhau.

Con người ta có yêu có ghét là sự rất thường, kể cả chuyện người nhạc sĩ tài năng thích nhắc trường Chasseloup Laubat mà ít nhắc trường Sư phạm Quy Nhơn cũng thế thôi. Nói ông mặc cảm vì địa vị thầy giáo cấp tiểu học thì “khó nói” và lấy chi để chứng minh! Các bạn cùng thời xác định Trịnh Công Sơn học Sư phạm Quy Nhơn chỉ để trốn lính. Nói e không tế nhị, tôi nghe có chuyện các tay chơi địa phương từng chặn đường đánh chàng trai xứ Huế hiền lành, yếu xìu mấy trận ra trò vì can tội được nhiều em trong khu phố hâm mộ. Nếu đúng như rứa, có chuyện đánh người vô tội thừa sống thiếu chết, thì bắt người ta nhắc và nhớ răng đặng hè! Còn các hung thủ này – giờ nên xí xóa vì ắt nằm nghĩa địa cả rồi! – không tiêu biểu cho tính cách Bình Định hiệp nghĩa, quý người xa xứ thì cả nước ai chẳng biết. Mô phải một mình ông giáo Huế họ Trịnh ni do tiếng gọi của âm nhạc thần thánh mà sao nhãng nghiệp sư phạm, còn khối chi thầy cô Huế gắn bó với quê hương mới và chưa nói có một ông giáo Huế nữa được dân Bình Định cưu mang, trọng vọng và lưu danh cùng lịch sử là ông giáo Hiến, chủ nhiệm lớp học có vua Quang Trung theo học đó sao! Ai không tin thử mail thầy dạy sử cũ hỏi sẽ rõ.

Nhân đây xin tán qua việc lăng xê những mối tình nhiều hương vị romantic của nhạc sĩ và hai chị em cô Bích Diễm và Dao Ánh – một tiểu mục tế nhị, e dễ mếch lòng nhiều người lỡ đọc bài viết nho nhỏ này. Chuyện bóng dáng giai nhân xuất hiện bên cạnh các bậc tài tử không những bình thường, mà thường được các fan thích thú theo dõi. Đáng lẽ cứ để “thiên sinh tự nhiên” qua loa như rứa là đẹp, quá đẹp nữa là khác. Khi đẩy quá “cận cảnh” e không tiện lắm. Bích Diễm có một “Diễm Xưa” đầy sương khói làm chứng, Dao Ánh có một tập thư dày cộm để làm bằng. Tôi có nghe anh PL, một trong những người lúc còn sinh tiền anh Trịnh Công Sơn rất yêu mến, giải thích chuyện Trịnh Công Sơn khấp khởi chờ đón cô Dao Ánh, người đã nỡ lòng “bỏ mặc Sơn rồi bỏ mặc Sơn” – xin phép đùa một tí – rồi thất vọng vì người xưa về cùng với phu quân của mình. Điều an ủi cho chàng nghệ sĩ tội nghiệp của chúng ta – cũng vì “thương” mà tội, chứ Dao Ánh có thể yên tâm vì nàng không hề bỏ Trịnh Công Sơn một mình mà bỏ chàng lại với Hồng Nhung, Vân Anh và… và… – là hóa ra chồng cô Dao Ánh cũng là tay gentleman và là một fan của Trịnh. Ông này ứng xử lịch duyệt sao đó mà Trịnh cũng có cảm tình với chính chồng của người xưa. Và đó là nguyên ủy của ca từ khá độc đáo của nhạc sĩ “yêu em lòng bỗng từ bi bất ngờ”. Vượt qua thái độ mộ tài và tò mò thêu dệt quanh các idol – chuyện thường tình đúng tâm lý quần chúng – có khi không khỏi bối rối tự hỏi thế việc công khai hai chị em ruột cùng có quan hệ với một đối tượng và xem ra loanh quanh cùng thời điểm có “tiện” cho cả ba bên hay không. Chuyện Dao Ánh ở độ tuổi early teens – xin vui lòng xem ý tiếp đây là chuyện chatting thêm cho dzui cửa dzui nhà, không có ác ý chi cả – có làm Trịnh Công Sơn có thể bị hồi tố tội “dụ dỗ gái vị thanh niên” hay không đây. Lỡ ai đó có sáng kiến kết nối chuyện hàng loạt những “mối tình” (về những quan hệ “nhẹ nhàng” – thiên về lãng mạn, không nhất thiết có khía cạnh sexual của người có danh tiếng – giới viết lách phương Tây chọn cách nói “relationship”, không phải là “love” hay “amour”, nhất là khi có sự “bắt cá” từ hai, ba tay trở lên, một căn bệnh khá phổ biến của cánh văn nghệ sĩ) – xin miễn liệt kê – chồng chéo qua lại của Trịnh thì có thực hay ho lắm không! Một bài thơ hay vẫn hay dù in bao nhiêu bản, nhưng dưới mỗi bản gửi đi đều chua dòng “riêng tặng” thì không rõ còn tiếp tục hay nữa không!

Có hôm tôi ngồi uống tí ti với một bạn cố tri của ông nhạc sĩ, cựu sĩ quan Việt Nam Cộng hòa, ông này nhắc kỷ niệm cũ, nghêu ngao mấy câu “bạn bè ngồi quanh tuốt sáng giáo gươm”, có cả màn nghẹn lời và ngân ngấn lệ. Chợt người già này kể khi mới đi cải tạo về có mời Trịnh Công Sơn tới chơi và trong câu chuyện ông nhìn thời thế mà có ý lo cho Trịnh Công Sơn. Đáp lại, nhạc sĩ trấn an bạn “Yên tâm. Moi có số thời mô cũng được các anh họ thương”. Ông cựu sĩ quan bị cải tạo uống trọn nửa chai còn lại, không thèm đẩy qua tôi.

Sẽ không công bằng cho người viết này nếu ai đó nhầm với câu chuyện cuối kể trên, tôi muốn phê ngầm Trịnh Công Sơn chi đó. Tuyệt đối không! Cũng như hàng triệu fan của Trịnh Công Sơn, tôi ái mộ ông theo cách chúng ta dành cho “người yêu” – nghĩa là sâu sắc tới thiên vị, nhưng quyết không giống tấm ái tình không ít đảng viên chốn làng quê dành cho chủ tịch đảng Hồ Chí Minh của họ – có thiên hướng ưa idol phải đạt trình độ không vợ không con (thực hư chẳng ai kiểm tra nổi), kiểu nghe nhắc chuyện nữ sắc là cau mặt như lời đồn về Ngô Đình Diệm, để – về mặt phân tâm học – có thể “sở hữu” idol làm của riêng. Nên nói cho đúng rằng là cả thiên tài và anh hùng không nên được miễn trừ dưới ống kính xã hội học với dữ liệu thực tiển mới công tâm. Cả một không khí tinh thần mấy ngàn năm xứ ta thiên về kiểu khẳng định sát rạt “đúng, sai”, “ta, địch”, “tốt, xấu”, “hắn, mềnh” …nghe qua ngỡ rành mạch, quyết liệt mà thực tế là phép tư duy cảm tính và dễ dãi, thường giấu bên dưới cái truyền thống rõ ràng phi-tâm-lý và phi-xã-hội-học của toàn dân tộc (nhập từ văn hóa Bắc phương và có cần cù gia cố thêm) và thói tục này về thực chất là “phi nhân (bản)” khi không nhìn đúng con người “trong hoàn cảnh cụ thể, với các vỉa sâu tâm lý hết sức đa dạng đa nguyên của nó” mà chỉ chăm vào cái nhãn do chính mình dán lên cho người ta mà say và vội bình và phán.

Việc trích dẫn cách nói của ông nhạc sĩ có bị dị nghị, tôi rất vui lòng nhận “lỗi”, sự không ghi nhân thân tên tuổi người bạn của ông – vẫn đang ở đây, ngay Sài Gòn này – chỉ vì lý do tế nhị. Còn lý do quan trọng nhất nằm ở chỗ khác: con người ta phải công khai có quyền có nhược điểm và thậm chí nói hơi “quá” một tí, quyền có khuyết điểm, nhược điểm cần phải được nêu trong Hiến pháp và được luật pháp bảo vệ! Khi còn ở làng quê xưa, anh em tôi dù còn bé tí vẫn rất thú vị, che miệng cười khi nghe một ông chú họ, anh họ đi lính thời Ngô Đình Diệm về phép, oang oang tự hào giữa chốn giỗ chạp rằng dù đi đâu, ở đâu mình cũng cố làm vẻ vang cho chi họ Nguyễn làng mềnh và nêu luôn ví dụ “Cả đại đội khối chi người, mà ông thượng sĩ thường vụ thương, có chuyện chi cũng chỉ sai một mình tui thôi!”. Sự thực không phải cả họ đều tự hào theo, nhưng cả khi cười không kèm tự hào đi nữa, thực sự không ai có giọng cười cợt người nói. Trong niềm vui được “các anh thương” của Trịnh Công Sơn phần nào gợi tới niềm tự hào có phần ngậm ngùi hơn là đáng trách của các thành viên chốn quê xưa của tôi thiệt đó – cho dù người khó tính có quyền nhắc sự khác biệt giữa vị trí nghệ sĩ và một người dân quê ít chữ nghĩa đi nữa –, nghĩa là cái ngạc nhiên, thậm chí có tí bất như ý cũng không ngăn được sự cảm thương số phận nhỏ bé của con người giữa chốn giáo gươm của thời đại, và một chúng sanh trong cõi “ba nghìn thế giới ta là vô danh” hay hữu danh như Trịnh Công Sơn – người mà tôi hoàn toàn đồng ý cách gọi “thiên tài” của anh Bửu Ý (gọi Trịnh Công Sơn và Phạm Duy là thiên tài để còn gọi Cung Tiến, Đoàn Chuẩn, Phạm Đình Chương …là tài năng chứ!) – trong thân phận trôi dạt, bầm dập vô nghĩa có theo thói tự nhiên và thói yếu lòng muôn thuở mà mong được yên thân, và những mong ai đó “thương”, không có tâm hiếu sát với mình, theo thiển ý có thể thông cảm được. Còn chỗ nương tựa khi yếu thế cô thân có thực đáng tin không, và sớm phát hiện ra không nên xem là thuộc về một chương khác.

Sự Trịnh Công Sơn nhờ vả, nương tựa ông Lưu Kim Cương để tránh quân dịch, ra chiến trận, theo tôi cũng nên hiểu đại khái như thế, không to chuyện làm chi. Để bị đày lên núi non, cần thì người ta dí cho một phát đạn sau gáy thì còn ai “đứng lên gọi mưa vào hạ” và còn ai đưa ai về chốn “xa nghìn trùng”! Còn từ chối sự bảo trợ để ra sa trường hy sinh cho thứ đại nghiệp chi đó hay vì có con đường riêng ngược lại, cũng vì đại nghiệp chi đó …có lẽ cứ thế mà tự thân chọn lựa, đừng ép ông nhạc sĩ nặng chỉ vài chục ký lô làm hảo hán mần chi. Chỉ một lý do giữ mạng sống để …nuôi mẹ già trong thời chiến tranh không ai chẳng thông cảm. Chưa nói khác với Phạm Duy còn nhạc xây dựng nông thôn, còn “Anh Quốc ơi …anh đi làm kiếp người hùng” để tạ ân nghĩa, Trịnh Công Sơn có nhờ vả vụ làm lính kiểng thiệt, nhưng không làm nhạc tâm lý chiến, đấy không phải là một chọn lựa dễ dàng, và chứng tỏ ông không hẳn là một người thiếu cá tính như nhiều người mô tả. Người đi bưng xem Lưu tướng (không) quân là thù nghịch, nhưng trong tình cảm cá nhân Trịnh Công Sơn xem ông đại tá này, người bảo trợ cho mình được tiếp tục ở Sài Gòn giữ được mạng sống để sáng tác, như người bạn tốt và hào sảng thiết tưởng không quá khó hiểu. Nhỏ một giọt nước mắt cho một người đã thành người thiên cổ đối với một người giàu tình cảm như tác giả “Cát bụi” chẳng phải chuyện hồ đồ. Nói lang bang ra, răng không đoán Trịnh Công Sơn rất có thể khóc trong tâm trạng lo cho hậu vận ra chiến trận vì mất người bảo trợ rồi! Nói khó nghe với nhiều người, ở một mặt nào đó, ông đại tá Việt Nam Cộng hòa tôi đang nhắc có chỗ rất đáng trọng. Người mà ông bảo trợ từng bị chính quyền Sài Gòn lên án và làm khó dễ, nghĩa là việc ông bảo trợ – cũng chỉ một thời gian nhất định thôi – có thể bị dị nghị. Chưa nói Trịnh Công Sơn vẫn tiếp tục dòng âm nhạc ông chọn, không sáng tác ca khúc “tâm lý chiến” như rất nhiều đồng nghiệp khác như tôi lưu ý ở trên, thậm chí không ở yên trong khu vực tình ca. Bỏ việc phân tích chính trị tuế toái không nằm trong ý định của bài viết, theo tôi Trịnh Công Sơn có lòng tự trọng của mình, của người nghệ sĩ chọn sáng tác theo tâm nguyện trong tình huống không thiếu phức tạp. Nhưng điều nên lưu ý hơn là viên sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam Cộng hòa thực sự có những phẩm chất hiệp nghĩa của bậc hảo hán, và chỗ dung nạp nhau có sự trọng tài và yêu nghệ thuật thực sự, phong độ không phải tầm thường. So với dạng bảo trợ của ông Võ Văn Kiệt sau 75, dù không thiên kiến làm chi, có thể thấy ông Võ Văn Kiệt có dụng ý chính trị đậm nét hơn hẳn. Không thể phủ nhận có việc Trịnh Công Sơn có sáng tác “chiều” chế độ những năm đầu để có tí chút ưu đãi, chính xác để được an toàn, nhưng cũng không thể không thấy ông đã stop ngay chuyện sáng tác sau đó; nếu thực sự công bằng cần thừa nhận đối với nghệ sĩ đấy cũng là một thái độ.

Chuyện sau đây hé thêm cái khó của người cầm bút trước 1975 ở miền Nam. Khi nghe ca từ “đàn bò [lạc] vào thành phố” của Trịnh Công Sơn, một ông quê Châu Ô, Châu Rí đang ở bưng biền dọa khi tiến công thành phố (Huế) phải tận tay bắn bỏ Trịnh Công Sơn. Ông Lê Hiếu Đằng, người có mặt tại chỗ và vui vẻ nhận có “đế” vô một câu rằng “bò đi lạc thì làm thịt mà ăn”, từng xác nhận tên người nói với nhóm bạn cà phê chúng tôi. Nhưng …thôi, có khi là cách nói cực đoan trong tình huống cực đoan, và không phải lúc nào cũng dùng tư duy hậu chiến nhìn lại quá khứ. Khi đang nằm dưới mưa bom, đang lúc tai bay vạ gió thấy máy bay Mỹ mà có phát ra một câu, cỡ “Địt mẹ thằng Nixon”, mà không nói cho lịch sự rằng “Kìa, máy bay của (ngài) Tổng thống Hoa Kỳ Nixon” như có người phê phán thì e lại hợp văn cảnh và hợp thực tế hơn. Chí Phèo khi nổi cơn chửi cả chính mình nữa là … Và sự chịu đựng những comment cay nghiệt tới mức đó cho thấy cái vị trí “giữa hai làn đạn” mà Bửu Chỉ từng ví von. Đòi bọn văn nhân mỗi bước cho rành mạch theo chuẩn Olympic khi đang khòm lưng đi qua hai làn đạn – mà súng đạn vốn phi nhân – có khi là lối tiếp cận làm dáng của những kẻ may mắn sống sót sau chiến tranh mà còn ghiền nghiệp vụ tâm lý chiến đó thôi. Nhưng các bạn, với một ít chi tiết liên quan thời chiến tôi vừa điểm qua, hẳn thấy cái thời anh chị em cầm bút trước 75 cũng không thiếu phức tạp. Tự do sáng tác trên đất Việt Nam Cộng hòa – đặc biệt giai đoạn 63-75 – hơn hẳn dưới chế độ xảy ra vụ Nhân Văn, ngày nay ai cũng thừa nhận. Nhưng tưởng phải nhắc qua những ai nhiễm thói “bao giờ cho tới ngày xưa” rằng dưới thời Ngô Đình Diệm có khoảng “tự do” thiệt, nhưng có ngoại lệ đó, chớ dại công khai công kích triều Ngô Đình và anh em Diệm-Nhu, săm soi vượt qua barrier, mà được “tự do” ở tù. Chỉ cần một sáng tác có hơi hướm “biểu tượng hai mặt”, ngụ ý châm chích Hoàng gia là có người hỏi thăm ngay. Không trách có người nhận xét dù chống cộng sản, Ngô Đình Diệm và đặc biệt Ngô Đình Nhu có dịp là học cộng sản ngay, đặc biệt ngón nghề đàn áp đối lập. Biết vậy mà thấy chỗ khó của văn hữu một thời, những người tay không một tấc sắt và đừng nhiễm giọng chính trị viên hai miền: hắn và tau, chọn ai? – Chậm, tau bắn! Và rồi “vô tình” bắn đến người đồng bào cuối cùng vì không ai không hiểu trong thâm tâm mấy chục triệu dân An Nam chỉ chọn ấm no, hòa bình, tự trọng và độc lập. Tiếng nói không được nói ra trước họng súng sẵn sàng nhả đạn là: Tau không chọn thằng mô cả! (Ngoài mấy thứ lỉnh kỉnh vừa kể).

Quay lại ý chính của bài viết và thêm một chi tiết nữa về ông nhạc sĩ favourite của tôi. Nhiều bè bạn và cũng là người hâm mộ Trịnh Công Sơn nhắc chuyện ông đã tỏ ra hào hứng và hài lòng như thế nào khi có dịp là nhắc sự kiện mình được phong làm “phó thư ký” tòa soạn tạp chí Sóng Nhạc của Hội Âm Nhạc TPHCM – tôi nhớ khoảng thời kỳ trước khi ông mất không xa lắm! Có cái chi làm người nghe nghèn nghẹn. Anh Trịnh Công Sơn yêu mến, dù không thiếu những lời đắng cay dành cho anh – càng yêu càng oán kia mà – nhưng đồng bào và người hâm mộ đặt tên tuổi của anh cao lắm, so chi với đám chủ tịch, phó chủ tịch, tổng thư ký những thứ hội đoàn rách việc, chỉ tốn tiền thuế của nhân dân. Cái hào hứng với bằng “phó thư ký tòa soạn” một tạp chí mà hội viên phát không may ra họ cầm và thử khảo sát người đi đường trọn một ngày ròng thì ngoại trừ tình cờ có hai ông Trần Long Ẩn và Tôn Thất Lập đi qua, bảo đảm 100% không ma nào biết, làm chúng tôi suy nghĩ mãi. Thì ra cái thảm kịch của chủ nghĩa lý lịch đem lại cho toàn dân ta sâu sắc quá mức ta tưởng. Cái hào hứng của người không ít dịp bật ra miệng “cỡ tôi”, “cỡ Trịnh Công Sơn này” – nghĩa là không hề đánh giá thấp mình – nói lên tâm lý của kẻ thình lình nhận ra mình đang ngụ cư ngay trên quê hương mình, thường trực ý thức bản thân vẫn đang trong quá trình được cứu xét từ “trí thức không yêu nước” lên “trí thức yêu nước”, may mắn hơn hóa thành “trí thức xã hội chủ nghĩa” và từ “tạm trú”, lên “KT3” rồi vỡ òa vì … “có hộ khẩu rồi em ơi là em ơi!”. Một niềm vui quái gở cho người sinh ra trên một thế giới mà mỗi người đáng ra đương nhiên được quyền “bình đẳng và hưởng hạnh phúc” mà chính người đẻ ra chế độ cộng sản ở Việt Nam không những nhắc mà còn “long trọng” tuyên bố trong Tuyên Ngôn Độc Lập.

Nhưng chúng ta là ai mà trách tác giả “Tình nhớ” và chúng ta ở đâu mà mỉa mai người đã đem lại chúng ta những “Nhìn những mùa thu đi” và “Như cánh vạc bay”. Niềm hy vọng – trong tuyệt vọng (…đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng…) – và sự bám víu những giấc mơ vui vui nho nhỏ (…mỗi ngày tôi chọn một niềm vui…) mà không chắc có thực mỗi ngày của chàng nghệ sĩ gầy gò phảng phất mùi vị giấc mơ của Thúy Kiều về một ngày về hy vọng ngoài món tư trang để riêng năm cũ – món quà của triều đình thì bị Hồ Tôn Hiến nhân danh chính sách Cải tạo Công thương nghiệp Phong Kiến Chủ Nghĩa chôm mất rồi – gửi ngân hàng ACB hay Vietcombank, thì rán chạy cho Từ Hải một chân giám đốc Công ty Vệ sĩ Xã hội Chủ nghĩa cũng không có lý do chi để trách. Chuyện không xong thì thác tên họ Từ Hải sáng tác nhạc (Thúy Kiều rành cầm kỳ thi họa kia mà!) và biết đâu dần dà thủ một ghế phó ban công tác quần chúng của Hội Âm Nhạc Minh Triều là coi như đầy đủ quyền công dân Minh Triều vậy. Nếu có đọc qua sử Tàu và biết ông Chu Nguyên Chương, tiền bối của (rằng) vua “Gia Tĩnh triều Minh” cư xử với thần dân của ông ta thế nào, các bạn mới hiểu cho người thuở xưa và người đời nay. Và cái sự hèn của một người và muôn người – trong đó có ta – trong thời đại hôm nay có cái gì khang khác hơn cái mùi thum thủm đặc trưng của sự hèn vĩnh cửu thì đó chính là mùi hèn ngậm ngùi có đặc trưng xã hội chủ nghĩa đó thôi. Cái hài lòng – xin lỗi – có phần tội nghiệp của họ Trịnh về chút chức sắc nhỏ bé làm chúng ta nhói lòng không còn gắn riêng với cái tên Trịnh Công Sơn nữa, vì nó đã thành biểu tượng, tương đương giá trị với tờ chứng minh nhân dân, với giấy hộ khẩu, với tấm bằng “Trí thức yêu nước” trong một vương quốc có đến gần hai chục thành phần lý lịch. Nói khác đi là loại tự hào đã mang quy mô dân tộc từ lâu rồi, có lẽ trừ lòng can đảm còn khá nguyên vẹn của những vị ở Cali và Paris, chủ yếu do không những ở cách hiện trường phê phán an toàn cả một đại dương mà cũng nhờ biết cẩn trọng nội dung sao cho chính quyền sở tại không thấy có gì phải phản đối. Biết vậy để có khi phê bình ai cũng cận nhân tình, vội chi nhận chỉ có mình là dũng cảm.

Liên quan vị nhạc sĩ được “kết nối” và có số lượng tri âm tri kỉ tăng đến mức chóng mặt – đặc biệt sau khi ông qua đời – còn không ít chuyện. Một nhân vật nữ vào hạng vô danh trong giới văn hóa văn nghệ miền Nam phát biểu không biết ngượng miệng rằng bà ta là người chuyên chỉnh sửa ca từ cho Trịnh Công Sơn. Một đồng hương của nhạc sĩ, người mà cũng y như đa số người Huế, Trịnh Công Sơn nghe qua quý danh là xanh mặt (không ít người xác nhận rõ mấy từ mô tả tình cảm dành cho đồng hương này của Trịnh Công Sơn là “Thấy mặt hắn là moi sợ thấy mạ”), có dịp là lảm nhảm “người bạn thiên tài của tôi”, “người bạn nối khố của tôi” trên các trang báo Bắc Nam. Còn danh sách “the gang of four” gồm tên bốn vị sinh thời ông nhạc sĩ nhỏ nhẻ hiền lành nhờ bạn bè hễ thấy mặt từ xa thì báo để ông kịp tháo lui, và nhờ người bạn sống chung trong căn hộ ở đường Nguyễn Trường Tộ báo ngay là nhạc sĩ đi vắng thì tôi quyết “không công bố”. Lý do tế nhị tối thiểu đã rõ, còn một lý do là cũng nên tránh hiểu lầm tào lao xịt bộp rằng do ông Trịnh Công Sơn là người nổi tiếng nên ai Trịnh Công Sơn không ưa ắt phải là người xấu chăng! Một người có nhân cách rất đáng kính đã kể với tôi không chỉ một lần chuyện Trịnh Công Sơn vừa ứa nước mắt vừa kể chuyện vào tháng 4. 1975, ông bị một tay đồng hương – ôi, Huế của ta! – nắm cổ áo đẩy ra khỏi Đài Phát thanh Sài Gòn, ngăn không cho hát và phát biểu. Ai đó thích cay đắng với ông nhạc sĩ thiên tài và người công dân nhỏ bé này về chuyện có được chút thuận lợi trong chế độ mới – ví dụ so với nhạc sĩ Phạm Duy – cũng cần biết thêm ông đã nhận cái thuận lợi đó với không ít đắng cay và mỉa mai thay phần đắng và cay chủ yếu có khi không từ tay người chiến thắng mà do những vị mới hôm qua đây thôi từng lấy chuyện kéo ghế ngồi cạnh Trịnh Công Sơn là một vinh hạnh. Người đồng hương duy nhất nắm cổ áo Trịnh Công Sơn trước đám đông có thể yên tâm vì tôi hứa làm theo lời căn dặn của con người có nhân cách tôi nhắc trên “bỏ qua cho người ta” (tiện đây tôi cũng thêm ý – mà rất nhiều người biết – rằng thông tin ông Tôn Thất Lập đuổi Trịnh Công Sơn ra khỏi Đài Phát thanh Sài Gòn là hoàn toàn sai sự thực, đơn giản vì thời điểm đó Tôn Thất Lập đang ở Pháp). Cái buồn mang quy mô thế sự là họ – tất nhiên gồm cả the gang of four –, lại là những người ưa tiếp tục cao giọng “Sơn và tôi, tôi và Sơn” vào những mùa giỗ chạp.

Từ chỗ tản mạn đã thành rề rà, người viết lại không ham chính mình e sắp trở thành một ví
dụ “kết nối” không đúng mực kiểu các fan nhà ta với giới showbiz chăng, nên xin phép bye-bye. Hẹn gặp lại sớm muộn trên chính những đề tài liên quan tới Trịnh Công Sơn – ví dụ đề tài vào loại nhằm “ổ kiến lửa”: nhạc phản chiến của họ Trịnh – và có lẽ trong các bạn có người đồng ý với người viết bài này rằng nhìn ở một góc cạnh thẳng thắn hơn, cuộc trao đổi có âm sắc bất tận này không hẳn về người nghệ sĩ đã khuất mặt; nó là cuộc tranh luận của chính chúng ta, những người đang sống vốn chưa tiêu hóa nổi quá khứ đầy hệ luỵ của một thời!

Comments are closed.