Tiếng Việt thời LM de Rhodes – tiền gián, bẻ tiền bẻ đũa

Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này bàn về cách dùng tiền gián, bẻ tiền bẻ đũa thời LM de Rhodes trong tự điển Việt Bồ La. Đây là tục lệ rất ít tài liệu nào ghi nhận. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false . Các chữ viết tắt khác là NCT (Nguyễn Cung Thông), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), ĐNQATV (Đại Nam Quốc Âm Tự Vị), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), PG (Phật Giáo), CG (Công Giáo), VN (Việt Nam), TQ (Trung Quốc), HV (Hán Việt), Bắc Kinh (BK). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán).

1. Tiền gián

1.1 Cách dùng tiền gián được VBL ghi hai lần trong các trang 277 (mục gián) và 794 (mục tiền):

clip_image002VBL trang 277

Trang 277 giải thích tiền gián là loại tiền đồng nhỏ chỉ dùng ở Đông Kinh (Đàng Ngoài). Trang 794 giải thích rõ hơn rằng tiền gián có giá trị kém (minores/L) hay là loại tiền ‘dỏm’.

Có thể thấy là tiền gián, và tổng quát hơn, tiền vào thời VBL chỉ đồng tiền bằng kim loại[2] chứ không phải tiền giấy[3] như tiếng Việt hiện đại. Cấu trúc đặc biệt của loại tiền này với lỗ vuông hay tròn ở giữa (xem thêm chi tiết ở phần sau) đã tạo ra một số cách dùng đặc biệt như

– một vỉa tiền (VBL trang 794) – một vác tiền (Vallot, 1898 – Đàng Ngoài)

– một tiền = 60 đồng tiền kẽm – một chày (Vallot, 1898 – Đàng Ngoài)

– lõi tiền (VBL trang 794)

– xỏ tiền vào (VBL trang 794)

– gieo tiền (VBL trang 794)

– làm tiền (VBL trang 794, đòi thuế bằng đồng tiền, khác với nghĩa trong tiếng Việt hiện đại)

– tiền bộp (VBL trang 794, tiền chì đã mòn đi)

– tiền giấy/tiền chỉ (VBL trang 794, phí trả cho nhà nước)

– ăn tiền/ăn giấy/ăn chỉ (VBL trang 7, phí cho nhà nước/quan lại)

– bẻ tiền (VBL trang 794, 795, 32, 239…)

v.v.

Nhận xét về tiền gián (VBL trang 277) cũng phù hợp với trích đoạn từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư[4] (khắc in năm 1697) thì tiền gián xuất hiện từ thời nhà Mạc (1527-1683):

春正月是時登庸欲更立新政乃令鑄年號樣圜法通寶錢多不䏻成後復鑄鉛鉄新色諸間錢頒行天下各處使之通用焉 – Mùa xuân, tháng giêng, bấy giờ Đăng Dung muốn đổi làm chính lệnh mới, bèn sai đúc tiền Thông Bảo theo kiểu cách đồng tiền cũ, nhưng phần nhiều không thành. Sau lại đúc các loại tiền gián[5] pha chì và sắt ban hành các xứ trong nước để thông dụng.

Học giả Lê Quý Đôn giải thích thêm, trích Vân Đài Loại Ngữ[6] trang 394-395 “Ở nước Nam ta, mỗi tiền 36 đồng,gọi là sử tiền, mỗi tiền 60 đồng gọi là cổ tiền. Mười tiền sử tiền là 6 tiền cổ tiền, hay là 1 quan sử tiền. Mười tiền cổ tiền là 1 quan, 6 tiền, 24 đồng sử tiền. Cũng gọi là 1 quan cổ tiền. Hồi đó, công tư tiêu dùng, ban thưởng hay cấp phát, đều kể theo sử tiền; mà thu nộp thuế, thì theo cổ tiền. Gần đây, thuần dùng cổ tiền còn sử tiền thì chỉ sử dụng về việc mua bán trong dân gian mà thôi. Sử tiền là tiền gián. Cổ tiền là tiền quí. Sách Quảng Đông Tân Ngữ, của người đời Minh, nói: “Ở Giao Châu cũng dùng tiền đời Tống, lấy 60 đồng là một tiền” (hết trích).

Trong “Phủ Biên Tạp Lục” (người dịch Ngô Lập Chí, Đại Học Tổng Hợp Hà Nội – 1959), học giả Lê Quý Đôn cũng nhắc đến tiền gián thời nhà Mạc “… Khi ấy họ Mạc đúc tiền “tiêu gián” có đề chữ “Thái bình an pháp”, tiền ấy có mang trộm vào Thuận Hóa. Họ Nguyễn theo hình dáng ấy cũng đúc tiền “tiêu gián” cũng đề chữ “Thái bình” hiện nay còn thấy 5, 3 đồng ấy ở trong dân gian, cứ 3 đồng tiền ấy ăn 1 đồng tiền thường dùng…”.

Trong Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646, LM de Rhodes cũng ghi hai loại tiền: tiền lớn và tiền bé; tiền bé chỉ dùng ở Đàng Ngoài chứ không dùng ở Đàng Trong, đã ly khai với Đàng Ngoài. Điều này phù hợp với sự kiện tự điển LM Béhaine (soạn ở Đàng Trong 1772/1773) không ghi sử tiền hay tiền gián, nhưng ghi một quan tiền là 600 đồng tiền cũng như VBL. Cách dùng gián[7] còn được giải thích một cách khác, theo LM Gustave Hue trong Dictionnaire annamite-chinois-français (1937), gián là 6 phần mười (~ 6/10) như chục gián là 6 (chục gián = six/P trang 328 sđd).

Đại Nam Quốc Ngữ (sđd, trang 194-195) còn ghi “Kim chế dụng cổ tiền bất dụng sử tiền phép đời nay dùng tiền quý không dùng tiền gián”. Điều này cho thấy đến thời học giả Nguyễn Văn San (1808-1883) thì tiền gián đã không còn lưu hành nữa.

1.2 Xem lại chữ gian/gián/nhàn/cân 間 閒 qua các cách đọc (thanh mẫu kiến 見 vận mẫu san/khai 山開 bình thanh 平聲 khai khẩu nhị đẳng 開口二等) theo phiên thiết

古閑切 cổ nhàn thiết (TVGT, ĐV, QV, TG 字鑑)

居閑切 cư nhàn thiết (NT, TV, VH, TTTH, LTCN 六書正擶)

居顏切,音蕑 cư nhan thiết, âm gian (CV, TVi)

古莧切 cổ hiện thiết (QV)

居莧切 cư hiện thiết (TV, TTTH)

何閒切 hà nhàn thiết (TV, LTCN 六書正擶)

何艱切,音閑 hà gian thiết, âm nhàn (CV, TVi)

孤限切 cô hạn thiết (ThV 釋文)

下瞎切 hạ hạt thiết (TV)

賈限切 cổ hạn thiết (TV, TVi) TVi ghi âm gian 音姦

古因切,音巾 cổ nhân thiết, âm cân (TVi)

居慳切,音姦 cư khan thiết, âm gian (CTT) – gian bây giờ dùng chữ 奸 không như cách ghi của TVi/CTT

居晏切 cư yến thiết (CV, TVi) – TVi ghi âm gián 音諫

TNAV ghi vận bộ 寒山 hàn san (dương bình)

TNAV cũng ghi vận bộ 寒山 hàn san (khứ thanh)

CV ghi bình thanh và khứ thanh

經天切 kinh thiên thiết (CV)

居賢切,音兼 cư hiền thiết, âm kiêm (TQTHCN 增廣字學舉隅/1875) – TVi cũng ghi cùng phiên thiết nhưng ghi âm kiên 堅

叶音巾 hiệp âm cân (VB)

紀閒反 kỉ nhàn phản (KH), v.v.

Giọng BK bây giờ là xián jiān jiàn so với giọng Quảng Đông粤语:gaan1 gaan3 haan4 客家话:[沙头角腔] han2 [客英字典] han2 [海陆丰腔] han2 gan1 [梅县腔] han2 [宝安腔] gan1 | gan5 | han2 [客语拼音字汇] han2 [陆丰腔] han3 [台湾四县腔] han2 gan1 – 潮州话:oiⁿ5 [揭阳、潮阳]aiⁿ5 so với dạng jiàn jiàn xián (BK), tiếng Nhật là kan và tiếng Hàn là gan. Nhờ vào VBL mà ta biết gián là cách đọc vào TK 17 của chữ 間 chứ không phải gian, nhàn hay cân. Dựa vào các phương ngữ và phiên thiết, một dạng âm cổ phục nguyên của gian/gián là *kæn mà tiếng Việt còn bảo lưu qua dạng căn (gian nhà). VBL giải thích căn là khoảng không gian giữa hai cột trụ của một nhà gỗ, đây cũng là một nét nghĩa của gian (< căn) mà LM de Rhodes đã ghi nhận chính xác. Nhờ vào VBL mà ta có thể so sánh tương quan căn – gian[8] qua các liên hệ cang – giang trong cách dùng tương đương cang la ~ giang la (VBL trang 85, 277), cả – giá trong khảo cả ~ khảo giá (VBL trang 363), cả (pretium/L – VBL trang 77) là âm cổ của giá (pretium/L cùng nghĩa – VBL trang 271). Đây là các dữ kiện quan trọng để ta hiểu thêm tại sao lại có cách dùng giá cả, hay mà cả[9] (VBL trang 77, 441) lại có nghĩa là trả giá trong tiếng Việt hiện đại. Mà cả là æstimo (tiếng La Tinh/VBL có nghĩa là đánh giá, định giá, suy đoán): cả là âm cổ của giá 價 (giá tiền), do đó mà có thể liên hệ đến ma 摩 (mài, xem xét, đoán) cùng âm điệu (bằng).

Ta có thể liên hệ nét nghĩa phần hay khoảng ở giữa của gian/gián[10], hay một khúc/một đoạn (td. gián đoạn, trung gian) với cách dùng tiền gián: chỉ là một phần của tiền quí:

Đơn vị Tiền quí/VN Tiền gián/VN Nhật/TQ/Hàn[11]

Tiền 60 36 100

Quan (=mười tiền) 600 360 1000

Vỉa tiền (=vác tiền) 3,000 1,800 5,000

Một trăm quan 60,000 36,000 100,000

clip_image004 VBL trang 593

VBL trang 593 còn ghi phân/một phân là một phần của đồng bạc, tương đương với đồng bayoco của Ý vào TK 17. Nên nhắc lại là phân 分 dùng rất nhiều trong các hệ thống đo lường cổ, như trong đơn vị tiền tệ thì mười phân là một tiền (Đại Nam Quốc Ngữ trang 193: tiền, một tiền mười phân).

Nếu tiền gián được ghi hai lần trong VBL – trong mục tiền và mục gián – thì một tục lệ đặc biệt của người VN vào TK 17 lại được ghi 4 (bốn) lần trong cuốn tự điển này, đó là “bẻ tiền bẻ đũa” để chỉ sự ly dị đã xẩy ra. Phần sau sẽ tìm hiểu thêm về tục này, khả năng liên hệ với tiền gián, cũng như các lý do tục này sau này đã vào đến Trung Kì và tận xứ Nam Kì (sau này vì biên giới cực nam của Đàng Trong thời VBL là Ran Ran hay vùng Phan Rang bây giờ). Tục lệ bẻ tiền bẻ đũa chắc đã phổ biến trong dân gian đến nỗi LM de Rhodes/cộng sự viên phải ghi lại bốn lần trong một tài liệu qua hình thức tự điển (VBL). Sự quan tâm về tục ly dị còn hiện diện trong “Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1427-1646” từ góc độ tôn giáo (truyền đạo CG, một chồng một vợ) và văn hóa bản địa/truyền thống (tục đa thê) và quy ước xã hội (td. nộp cheo/ăn cheo là chứng minh hôn nhân chính thức so với bí tích hôn phối CG).

2. Bẻ tiền bẻ đũa

2.1 VBL trang 794-795 ghi “bẻ tiền” và “bẻ đũa bẻ đồng tiền” chỉ người chồng thuộc hạng “thứ dân” khi li/ly dị sẽ bẻ đồng tiền đồng ra hai phần, người vợ giữ một nữa và người chồng giữ một nữa. Ngoài ra, người chồng cũng bẻ những chiếc đủa để người vợ giữ một nữa và sau đó người vợ tự do lấy chồng khác. LM de Rhodes cũngcho rằng đây là thói quen tồi bại khi người vợ tự do lấy chồng khác (lời bình tiêu cực này có thể vì ly dị như vậy thì “trái” với lề luật hôn phối CG cổ điển “một vợ một chồng” – NCT).

clip_image006VBL trang 795

LM de Rhodes giảng rõ hơn trong PGTN trang 299-300: “Mà sự giao cảm[12] cho ngay, thì phải có một vợ một chồng, cho nên khi bạn còn sống, ai là ai chẳng nên lấy bạn khác. Vì vậy đạo thánh đức Chúa trời cấm, dầu lấy nhiều vợ[13], dầu rãy vợ mình, vì chưng đầu hết chẳng có thói ấy… ông Adam có một bà Eva làm bạn, mà ông Adam ở cùng bà ấy cho đến chết , là chín trăm ba mươi năm” (hết trích).

VBL trang 32 (mục bẻ) ghi “bẻ tiền bẻ đũa” và giải thích tương tự như trang 794-795. Thêm một chi tiết là từ lúc “bẻ tiền bẻ đũa” thì người vợ không có tội khi lấy chồng khác – (VBL dùng chữ impunè/L là không bị phạt vạ, không có tội).

clip_image008VBL trang 32

VBL trang 70-71 (mục vợ) cũng giải thích động từ rãy vợ/để vợ là việc ly dị bằng cách bẻ đồng tiền đồng và đôi đũa để trao cho người vợ còn mình giữ lại phần kia. Để ý phần này thêm một dữ kiện nữa là giới sang trọng (giới học thức biết chữ Hán/Nôm – NCT) thì viết giấy chứng minh (VBL ghi libellus repudij/L).

Trong phần Mục Lục của VBL, mục divortium[14] (ly dị – tuy nhiên VBL không ghi các từ HV như ly dị, ly hôn, hôn nhân) cũng giải thích tục bẻ tiền bẻ đũa: đây là điều khá đặc biệt cho phần Mục Lục vì thường chỉ ghi cách dùng chữ ở trang nào thay vì nội dung dài dòng như trên. Phần Mục Lục cũng ghi các tục lệ về ma chay, mồ mả (hướng), đạo Bụt cũng như tục bẻ tiền bẻ đũa. Như vậy VBL đã ghi lời giải thích bằng tiếng La Tinh nghĩa của “bẻ đũa bẻ tiền” 4 (bốn) lần: có lẽ là do LM de Rhodes/cộng sự viên khá quan tâm/ấn tượng về sự kiện này! Cũng có thể vì sự phổ thông của tục này và liên hệ trực tiếp với giáo lí CG.

“Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1464” dành một chương (chương 28) viết về hôn nhân, nhưng không ghi nhận tục bẻ tiền bẻ đũa. LM de Rhodes nhận xét rằng tục đa thê rất thông dụng ở giới quyền quý và hiếm khi thấy sự ly hôn ngay cả trong giới “thứ dân”.

Các điểm đáng chú ý là tục bẻ tiền bẻ đũa rút ra từ các tài liệu của LM de Rhodes

– đây là tục lệ của giới thứ dân, hạng bần cùng trong xã hội

– giới sang trọng[15] (quý tộc, biết chữ Hán/Nôm) thì viết giấy chứng minh ly dị

– vợ là “đối tượng chính” có thể “thay đổi” như lấy vợ (không thấy dùng lấy chồng), rãy vợ, để vợ (không thấy dùng ‘rãy chồng, để chồng’), sau khi bẻ tiền bẻ đũa thì người vợ tự do lấy người khác (không thấy nói về người chồng tự do lấy vợ khác sau khi ly dị). Lộn chồng (VBL trang 98, 423) là ngoại tình, lấy người khác: không thấy dùng ‘lộn vợ’, v.v.

– ly dị là trường hợp rất hiếm gặp[16] (cũng khá dễ hiểu khi nhìn từ một xã hội chấp nhận chế độ đa thê, và theo Khổng học thì vị thế “chính thức” của người vợ kém hơn – NCT). Nhận xét này thường được một số tác giả sau này ghi nhận.

2.2 Trong bản báo cáo “Xứ Đàng Trong Năm 1621“, LM Christophoro Borri cũng nhắc đến tục đa thê và những người càng có quyền quy và của cải thì lại càng có nhiều vợ, và họ cảm thấy ‘hổ thẹn hay bần tiện’ khi có điều kiện mà không lại không có nhiều vợ! “Những vợ mọn được gọi là bà hai, bà ba, bà tư tùy theo thứ tự mỗi người. Tất cả đều là nàng hầu của bà vợ cả. Bà này được trọng nể là vợ đích thực, vợ chính thức. Chính bà vợ này chọn các nàng hầu tùy theo ý mình và cưới về cho chồng…” (hết trích) “Xứ Đàng Trong Năm 1621” Nguyễn Khắc Xuyên/Nguyễn Nghị dịch, chú thích. LM Borri cũng nhắc đến việc xử tử các kẻ ngoại tình bằng voi giày. Điều này phù hợp với nhận xét của LM de Rhodes trong “Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646”, và ghi nhận của Baron (sđd); tuy ông không nói đến tục bẻ tiền bẻ đũa (để ý là bản tường trình về Đàng Trong).

2.3 Jean-Baptiste Tavernier (1605-1689) và tài liệu “A New and Particular RELATION Of the KINGDOM of TUNQUIN: With a MAP of the COUNTRY and several FIGURES” (khoảng 1680). Nhà du hành Tavernier thú nhận là ông chép lại các câu chuyện từ tài liệu của anh ông (Daniel Tavernier, qua đời ở Batavia năm 1648). Trích một phần từ chương VII: “Law of the Land permits the Man to divorce his wife when he pleases, which they do many times for very slight causes. But the Woman has not the same Priviledge: or at least, if she desire a separation, it is much more difficult to obtain; and the occasion must be very notorious. The Tunquineses say that this Law was made to keep the Women in subjection, and to oblige them to be respectful to their Husbands. When the Husband desires this separation, the Ceremony is this. You must know that many of the Eastern People never touch their Victuals with their hands, but make use of two little sticks about six inches long, gilt and varnish’d, which serve them instead of Forks. The Husband then, when he goes about to repudiate his Wife, takes one of his own sticks, and one of his Wife’s, and having broken them, they take each one half, and sow it up in a piece of Silk, in which they keep it. Then the Man is bound to restore the Woman what she brought with her, and to keep the Children which they had between them. But these Divorces are not half so frequent as formerly”.

Tạm dịch/NCT: “Phép nước cho người chồng ly dị người vợ bất cứ lúc nào anh ta muốn, và trường hợp này xẩy ra nhiều lần ngay cả vì những lý do rất nhỏ nhoi. Người vợ lại không được quyền như thế, ngay cả khi cô ta muốn ly hôn, thì thật là khó khăn và hoàn cảnh phải là bi đát lắm. Dân Đàng Ngoài nói rằng phép nước như vậy để làm cho người đàn bà phải chịu phục tòng và kính trọng người chồng. Khi người chồng muốn ly hôn, thì theo tục lệ này. Phải biết là dân chúng ở phương đông đa phần không bao giờ ăn cơm bằng tay không, nhưng dùng hai chiếc đũa khoảng 6 inches (inch là đơn vị chiều dài bằng 2.54 cm, hay chiếc đũa 6 inches ~ 15.24 cm -NCT) mạ vàng và đánh bóng, thay vì dùng nĩa. Khi người chồng muốn ly dị, anh ta lấy chiếc đũa anh dùng và chiếc đũa của người vợ và bẻ gẫy chúng. Mỗi người lấy một nửa rồi khâu chúng lại bằng lụa và giữ trong túi riêng. Người chồng sau đó lấy người đàn bà đi chung với người vợ, cũng như được giữ các đứa con. Cách ly dị này xẩy ra không đến 50% so với cách trước”. Người đọc có thể xem thêm chi tiết (tài liệu bằng tiếng Anh) từ trang này chẳng hạn https://quod.lib.umich.edu/e/eebo/A63407.0001.001/1:10.1?rgn=div2;view=fulltext

Rõ ràng là tục bẻ đũa đã hiện diện ở Đàng Ngoài vào khoảng giữa TK 17.

2.4 Samuel Baron, trong tài liệu “A Description of the Kingdom of Tonqueen” viết vào khoảng 1685 (xuất bản sau đó nhiều năm như vào năm 1732…1818) giải thích chi tiết hơn tục bẻ tiền bẻ đũa. Có thể đọc toàn bài tường thuật của Baron trên trang này chẳng hạn https://www.e-rara.ch/zut/wihibe/content/pageview/11461563. Một đoạn liên hệ đến tục bẻ tiền bẻ đũa được chụp lại ở trang dưới, cùng với phần dịch ra chữ quốc ngữ (NCT). Đọc bài viết của Baron ta thấy ông ghi nhận rất chi tiết các hoạt động xã hội (gia đình, xã hội, di chuyển của vua chúa và quan lại…), ngoài ra các hình vẽ lại cảnh sinh hoạt trên cũng đáng được tìm hiểu cặn kẽ thêm.

clip_image010

“A Description of the Kingdom of Tonqueen” – trang 670

… Ở trong giới hèn kém[17] của xã hội, khi một người đàn ông và vợ bất đồng ý kiến và đều muốn được rời khỏi nhau, họ ly dị trong sự chứng kiến của vài quan địa phương và chức sắc cộng đồng, cùng với tờ cam kết[18]. Nhưng khi người chồng của địa phương không biết đọc hay viết thì bẻ đôi một đồng xu – thứ tiền của đất nước này – hay một cây đũa tượng trưng cho vợ anh ta, như một minh chứng cho ý muốn bỏ vợ. Một nửa thì anh ta tự giữ, và nửa kia anh ta đưa cho cô, cô sẽ đem nó đến trình cho những người đứng đầu (chức sắc) của làng xã, yêu cầu họ làm chứng rằng chồng cô đã đồng ý cho cô khỏi ‘nghĩa vụ’ làm vợ anh ta, và anh ta không điều còn gì để ràng buộc cho cô mãi mãi về sau nữa. Rồi cô có thể giữ hay vất nửa đồng xu hoặc cây đũa đó đi, và cưới người khác bất cứ lúc nào mình muốn… Khi bị bắt gặp ngoại tình thì người chồng có thể giết người vợ hay đàn ông ngoại tình bằng chính đôi tay mình, hay phạm nhân bị voi giày” (tạm dịch các đoạn liên hệ/NCT).

Tác giả Samuel Baron có cha là Hendrick Baron (người Hà Lan/Dutch) và mẹ Việt, có lẽ sinh trưởng ở Ka Cho (Kẻ Chợ, kinh đô Đàng Ngoài) khi được chúa Trịnh Căn nhận làm con nuôi[19]. Baron viết về vương quốc Đàng Ngoài bằng tiếng Anh nhắm tới quan chức và dân chúng có gốc Anh, cũng như phê bình các điều “tưởng tượng/bịa ra” trong tập du ký Relation nouvelle et singulère du Royaume de Tunquin (Ký sự mới và hiếm về Vương Quốc Đàng Ngoài – tạm dịch/NCT) của tác giả J. B. Tavernier (xuất bản năm 1679 ở Paris).

2.5 Tự điển của LM Béhaine (1772/1773)

Cuốn “Dictionarium Annamitico-Latinum” của giáo sĩ Béhaine cũng ghi nhận tục bẻ tiền bẻ đũa trong mục đũa – thứ tự bẻ đảo ngược và có 5 chữ tất cả “bẻ đồng tiền chiếc đũa

clip_image012

assem et bacillum confringere in signum repudii ~ tạm dịch/NCT: bẻ đồng tiền và chiếc đũa làm bằng chứng ly dị.

Trong bản “Dictionarium Annamitico-Latinum” cập nhật năm 1838, LM Taberd chỉ đổi động từ confringere (bẻ, đánh vỡ) trong tự điển Béhaine thành frangere (bẻ, đánh vỡ) từng được dùng trong VBL (td. bẻ tiền bẻ đũa).

2.6 “Histoire naturelle, civille et politique du Tonkin” (1778)

Tài liệu trên do LM Richard soạn (cuốn 1 – Paris, 1778) cũng viết về tục bẻ tiền bẻ đũa, cùng với các tài liệu bởi LM de Rhodes, Samuel Baron, LM Morrone, đây là cứ liệu cho ta khả năng rất cao là tục ly dị này có xuất xứ từ Đàng Ngoài.

clip_image014

Histoire naturelle, civille et politique du Tonkin – trang 103

Tạm dịch/NCT: “… Để chấm dứt hôn nhân và đuổi người vợ đi, người chồng bẻ một đồng tiền thành hai mảnh và đưa người vợ một mảnh, rồi báo các chức sắc trong làng (lý trưởng/xã trưởng, thôn trưởng – NCT) về sự kiện này. Sau khi trình làng thì người vợ được hoàn toàn tự do, hay thể thức tốt hơn nữa là người chồng giao cho người vợ một tờ chứng nhận do chính tay mình ký và đóng dấu, ghi nhận rằng người chồng không còn quyền hạn gì đối với người vợ cũng như cho người vợ được tự do như mình vậy. Không có ‘tờ giấy rãy vợ’ này thì người vợ sẽ không bao giờ tái giá được…”.

Giải thích của LM Richard về bẻ tiền giống như giải thích của LM de Rhodes trong VBL, trang 794 chỉ ghi hai chữ bẻ tiền để chỉ sự kiện ly dị (phần sau trang 795/VBL mới ghi thêm cách dùng tương đương là bẻ đũa bẻ đồng tiền). Trong phần giới thiệu, giáo sĩ Richard đã ghi là từng tra cứu các tài liệu của LM de Rhodes, Samuel Baron, Tavernier.

2.7 “Lexicon Cochin-sinense Latinum” (khoảng đầu TK 19)

Đây là tài liệu về ngôn ngữ Đàng Trong (thật ra khi phân tích kỹ thì đa phần là tiếng Đàng Ngoài đem vào[20]) của giáo sĩ người Ý Josepho Maria Morrone trao cho trung úy hải quân Mỹ John White khi đi tàu vào thăm Sài Gòn (1819). Chụp lại mục liên hệ (không ghi dấu: Dua/dua ~ đũa, be ~ bẻ, dou ~ đồng, tien ~ tiền, chiec ~ chiếc)

clip_image016

Tạm dịch/NCT: bẻ đồng tiên chiếc đũa ~ minh chứng sự ly dị của dân Đàng Ngoài

Đây là tài liệu ghi rõ ràng nhất về nguồn gốc tục lệ bẻ tiền bẻ đũa là ở Đàng Ngoài (vào đầu TK 19), cũng như tài liệu viết về Đàng Ngoài bởi LM Richard (giữa đến cuối TK 18) và LM Morrone (đầu TK 19).

2.8 Cuối TK 19

Học giả Huỳnh Tịnh Của ghi “cách vợ chồng để bỏ nhau” là “Đồng tiền chiếc đũa bẻ hai” (sáu chữ tất cả – ĐNQATV trang 44). Học giả Génibrel cũng ghi “bẻ đồng tiền chiếc đũa” (en signe de divorce – dấu hiệu ly dị). Các cứ liệu trên của Béhaine/Taberd, Huỳnh Tịnh Của, Génibrel cho thấy tục lệ này đã bắt đầu được ghi nhận ở Đàng Trong.

2.9 Tục bẻ tiền bẻ đũa vào Trung Kì

Trong bài viết về cuốn Từ Điển Tiếng Huế[21] (California, 2001) của BS Bùi Minh Đức, tác giả Nguyễn Đắc Xuân có ghi lại cách dùng bẻ đũa bẻ tiền – như một sinh hoạt dân gian đặc thù của xứ Huế – trích từ trang http://www.gactholoc.com/c55/t55-251/tu-dien-tieng-hue-cua-bac-si-bui-minh-duc-mot-kho-tu-lieu-hue-hoc.html (2012)

Bẻ đũa (bẻ tiền) thời xưa khi vợ chồng không còn ăn ở với nhau, trước khi ly dị mỗi người đi một ngả, người chồng thường bẻ đôi đồng tiền và đưa cho vợ một nửa, ngụ ý chia li. Ngoài ra người chồng còn bẻ những đôi đũa mà hai vợ chồng đã có thời ăn chung rồi trao cho người vợ một nửa, và sau đó người vợ có thể tự do đi lấy chồng khác” (hết trích).

Gần đây hơn, nhà văn xứ Huế Trần Thùy Mai trong truyện ngắn[22] “Trăng nơi đáy giếng” (2000, đăng lại nhiều lần – đã làm thành phim) cũng từng viết “… xin cho cái lễ chẻ đôi chiếc đũa đồng tiền, ly dị với ông Hoàng… Tôi đã nói với bà Thơi, tôi không cúng, không chẻ đũa, bẻ tiền chi hết, tôi không bỏ ông Hoàng…” (hết trích).

Một người cũng gốc Huế là ông Ngô Đình Nhu (1910-1963) từng đề cập đến tục bẻ tiền bẻ đũa, nhưng trong luận án[23] tốt nghiệp từ trường Cổ tự quốc gia Pháp (École Nationale des Charles). Đề tài luận án/1938 là Les mœurs et lea coutumes des Annamites du Tonkin au XVIIe siècle, rõ ràng bao gồm các phong tục ở Đàng Ngoài, nhất là khi ông Nhu ở ngay tại trung tâm chứa nhiều tài liệu gốc về xứ Đàng Ngoài thời các giáo sĩ sang An Nam truyền đạo.

Thật ra, khi xem lại các tài liệu ở trên từ thời VBL, ta có cơ sở vững chắc để kết luận tục bẻ tiền bẻ đũa hiện diện ở Đàng Ngoài cách đây lâu nhất. Sau đó tục này đi theo các làn sóng di dân đi vào phương Nam (Nam Tiến), điển hình là Đàng Trong vào TK 17, 18 và cuối cùng phải dừng lại ở đồng bằng sông Cửu Long (vì ra đến biển/vịnh Thái Lan).

3. Phê bình thêm về bẻ tiền bẻ đũa

3.1 Thoạt nghe câu bẻ tiền bẻ đũa, người viết (NCT) rất ngạc nhiên vì thông thường là xé tiền giấy, nhưng nếu là đồng tiền thì làm sao mà bẻ (gẫy) được? Bẻ đũa thì có thể cố gắng hiểu được phần nào nếu đũa làm bằng gỗ nhẹ (hay tre) và độ cứng cùng có chiều dài thích hợp thì khả thi. Khá dễ giải thích thói dùng đũa tre trong văn hóa truyền thống nông nghiệp và có nhiều tre trúc như VN, thí dụ như Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa (Khí dụng loại nhị thập nhất, sđd) có câu “Trúc trợ đũa tre tày nhau”.

Ngoài ra khi quyết định phá hủy một vật gì để minh chứng sự ly hôn, thói thường là dùng vật gì không đáng giá nhưng ấn tượng – khó có thể là đồng vàng hay bảo vật gì đó – dẫn đến việc bẻ đồng tiền dùng hàng ngày. Đồng tiền đúc ra với hợp kim đặc biệt để dùng cho lâu dài như trải nghiệm cá nhân của người viết ở phương đông cũng như phương tây. Nhưng đồng tiền xưa có lỗ vuông, và mỏng, thì có khả năng bẻ được – nhất là loại tiền gián làm bằng hợp kim không bền và cứng như đã ghi bên trên.

clip_image018 Vĩnh Thọ Thông Bảo – Lê trung hưng (1593-1789)

Trích từ trang http://thegioicotien.vn/viet-nam-38/vinh-tho-thong-bao-1082.html

Với lỗ vuông khoét ở giữa, mặt cắt ngang (cross section/”tiệt diện, tiết diện/thiết diện”) có chiều ngang giảm đi khoảng 1/3 dựa vào đồng tiền Vĩnh Thọ Thông Bảo chẳng hạn, do đó lực bẻ[24] trên mặt cắt ngang tăng lên khoảng 50% so với đồng tiền không có lỗ khoét. Ngoài ra, thường ở các góc (vuông) có thể mang vết nứt nhỏ (crack) do khi đúc ra hay khi đã dùng nhiều lần: điều này làm cho lực bẻ trên mặt ngang đồng tiền gia tăng rất nhanh. Thành ra vấn đề bẻ tiền không khó như bình thường.

Ca dao VN ghi lại hình ảnh bẻ tiền bẻ đũa rất linh động như

Tay cầm chiếc đũa đồng tiền

Bẻ năm bẻ bảy tôi nguyền tôi ra (Việt Nam Tự Điển, hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo/1931)

Đồng tiền chiếc đũa phân ly

Thiếp đi theo thiếp, anh đi đường chàng

Đồng tiền chiếc đũa phân ly

Chàng mà xa thiếp hội ni cũng buồn, v.v.

3.2 Rãy (rẫy) vợ

VBL trang 634 ghi lại các cách dùng rãy nhau, rãy vợ, rãy cho khuây:

clip_image020VBL trang 634

Vị trí của người chồng luôn được đề cao như cách dùng rất chọn lọc “rãy vợ” (không thấy dùng rãy chồng), truyền thống văn hóa này phản ánh rất rõ nét qua ngôn ngữ.

Rãy (rẫy) vợ (repudiare uxorem/L) cũng được VBL ghi là để vợ (VBL trang 213) cho thấy các cách dùng tương đương, sau này trở thành phương ngữ: Đàng Trong dùng để vợ so với Đàng Ngoài dùng rãy vợ. Sau này, giấy ly dị được gọi là tờ rãy, tờ phóng ở Đàng Ngoài (certificat de divorce, Vallot/1898 – sđd) so với cách gọi “để vợ” (Trương Vĩnh Ký/1884, Génibrel/1898). Rãy có một dạng chữ Nôm là (bộ thủ 扌hợp với chữ lễ 礼, Béhaine/1772-1773). Động từ rãy chắc đã có từ trước thời VBL, và có khả năng liên hệ đến động từ li/ly HV (ly dị). Chữ li/ly 離 (thanh mẫu lai 來 vận mẫu chi 支 hay tề 齊 bình/khứ thanh, khai khẩu tam/tứ đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

呂支切 lữ chi thiết (TVGT, ĐV, QV)

力知切 lực tri thiết (QV, NT, TTTH)

鄰知切,音驪 lân tri thiết, âm li/ly (TV, VH, LT, LTCN 六書正)

抽知切,音痴 trừu tri thiết, âm si (TV, LT)

輦尒切,音邐 lưỡng nhĩ thiết, âm lệ (TV)

力爾反 lực nhĩ phản (KH)

力智切,音荔 lực trí thiết, âm lệ (QV, TV, VH, NT, TTTH, LT)

力智反 lực trí phản (Sư Cổ, KH)

郞計切,音麗 lang kế thiết, âm lệ (QV, TV, VH)

呂計反 lữ kế phản (ThVn 釋文)

叶音黎 hiệp âm lê (từ thời Trác Văn Quân 卓文君, Tây Hán)

良何切,音羅 lương hà thiết, âm la (TVi, KH)

鄰溪切 lân khê thiết (CV, TVi) – TVi ghi âm lê 音黎

力地切 lực địa thiết (CV, TVi) – đây cho thấy khả năng đọc ly/li thành lìa – TVi/CTT ghi thêm âm lợi 音利. Tiếng Tày-Nùng có từ lia là rời (cũng là xa, cai)

利 離 lợi (lời, lãi) li cùng vần (CV) – cho thấy khả năng li đọc thành rời, v.v.

Giọng BK bây giờ là lí chī lǐ lì gǔ so với giọng Quảng Đông lei4 lei6 và các giọng Mân Nam 客家话:[沙头角腔] li2 [客英字典] li2 li3 [海陆丰腔] li2 li6 [客语拼音字汇] li2 [陆丰腔] li3 [宝安腔] li2 [东莞腔] li2 [台湾四县腔] li2 li5 [梅县腔] li2 潮州话:li5, giọng Mân Nam/Đài Loan li5, tiếng Nhật ri và tiếng Hàn li. Một dạng âm cổ phục nguyên của ly/li*rai còn bảo lưu qua dạng rãy (rẫy) của tiếng Việt vào thời VBL, thanh hỏi (rảy) cho thấy vết tích thanh điệu cổ (khứ thanh khác với bình thanh) từ thời Thích Văn (khoảng năm 583) và Quảng Vận (năm 1008).

3.3 Phép vua thua lệ làng

Tục bẻ tiền bẻ đũa còn nói lên phần nào luật làng xã (địa phương) luôn giữ một vị trí quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội trong nước, chính thức là bị giới hạn bởi luật nhà nước. Nếu đa số dân chúng trong xã hội VN phong kiến không rành chữ Hán/Nôm thì việc dẫn nhau ra quan lại để làm giấy ly dị trở nên khó khăn, ngay cả việc nhờ người biết chữ làm giấy ly dị cho mình. Dân chúng từ truyền thống nông nghiệp lúa nước lại không quen thuộc với hệ thống Khổng giáo[25] của phương Bắc. Ngoài ra còn tâm lí hổ thẹn khi đem việc không vui của gia đình ra cho nhiều người ngoài biết đến (vạch lưng cho thiên hạ xem), do đó tục bẻ tiền bẻ đũa xem ra ít tốn kém/phiền phức và thực tế nhất trong một môi trường đơn giản của làng quê VN. Tiền gián (hay loại tiền dỏm, kém chất lượng dễ gảy) của nhà Mạc là chất xúc tác làm cho hoạt động bẻ tiền bẻ đũa dễ xẩy ra hơn. Một trường hợp cho thấy ảnh hưởng của làng xã địa phương (mức độ tự trị) không nhỏ là tục nộp cheo (chứng minh cho đám cưới), không được xác định rõ ràng là bao nhiêu tiền hay tặng vật trong các luật Quốc Triều Hình Luật hay Hoàng Triều Luật Lệ.

Tóm lại, VBL đã cung cấp nhiều thông tin thú vị từ góc nhìn dân dã mà hầu như thiếu vắng từ các tài liệu Hán Nôm. Không thấy các bộ hình luật thời Lê, Gia Long nhắc đến tục này. Đa số các học giả và quan lại VN đều hấp thụ truyền thống Khổng học sâu sắc và không quan tâm đến vấn đề ly dị hay bẻ tiền bẻ đũa của dân đen. Tục bẻ tiền có thể là dấu ấn của thời Nam Bắc triều, khi Mạc Đăng Dung bắt đầu đúc tiền pha kẽm[26] thiếu chất lượng (tiền gián) và do đó có khả năng bẻ đồng tiền ra làm hai được. Sự ly tán của vợ chồng từ lăng kính gia đình qua tục bẻ tiền bẻ đũa còn có thể nhìn từ một góc độ xã hội và chính trị lớn hơn: hay là sự phân tán của người Việt để đi tìm một tương lai khác hơn ở phương Nam (Trịnh Nguyễn phân tranh, Đàng Trong, Nam Tiến). Tục lệ bẻ tiền bẻ đũa đã đồng hành với các lớp người Việt di cư vào miền Trung và vào tận đồng bằng sông Cửu Long, chỉ dừng lại vì giới hạn thiên nhiên của Vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, tục này ngày nay đã mất hẳn vì đồng tiền đúc không còn “kém” như thuở trước và tiền giấy càng ngày càng trở nên thông dụng hơn. Hi vọng bài viết nhỏ này gợi ý cho người đọc, nếu thấy thích thú thì hãy tìm hiểu sâu xa hơn về những tương quan thâm trầm giữa ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử.

4. Tài liệu tham khảo chính

1) Toan Ánh “Phong tục Việt Nam” in lại nhiều lần như NXB Xuân Thu (1988), NXB Đồng Tháp (1998)…

2) Samuel Baron (1685) “A Description of the kingdom of Tonqueen” đăng lại bởi John Walhoe, London (1732) – trang 656 đến trang 707 trong tuyển tập này) – có thể đọc toàn bài trên trang này chẳng hạn http://www.lexilogos.com/vietnam_carte.htm .

3) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu “Dictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).

(1774/Quảng Đông => Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) “Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ” 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).

4) Phan Kế Bính (1915) “Việt Nam Phong Tục” in lại nhiều lần, td. NXB Văn Học… Có thê/ đọc trên mạng như https://www.sachhayonline.xyz/tua-sach/viet-nam-phong-tuc, v.v.

5) Cristophoro Borri (1631) “Relatione della nuova missione delli P.P. della Compagnia di Gesù al Regno della Cocincina (Nhiệm vụ mới của các cha dòng Tên ở Vương quốc Đàng Trong – NCT) bản dịch của tác giả Phạm Văn Bân 4/2011 – có thể xem toàn bài trang này https://thunhan.org/images/file/OGaaTdIb0wgQAKwp/mar-31-11-cristoforo-borri-vietnamese-avril-5-1-.pdf .

6) Đỗ Quang Chính (1972) “Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659” NXB Đuốc Sáng (Sài Gòn).

7) Huỳnh Tịnh Của (1895/1896) “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” Tome I, II – Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d’Adran (SaiGon).

8) J. F. M. Génibrel (1898) “Dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

(1906) “Petit dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

9) Nguyễn Quang Hồng (2015) “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

10) Nguyễn Hồng (1959) “Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam – Quyển 1 – Các Thừa Sai dòng Tên 1615 – 1665” NXB Hiện Tại (Sài Gòn).

11) Gustave Hue (1937) “Dictionnaire annamite-chinois-français” Imprimerie Trung-hoà – NXB Khai Trí (Sài Gòn) in lại năm 1971 theo bản gốc năm 1937

12) Trương Vĩnh Ký J.B.P. (1884, 1920) “Petit dictionnaire francais annamite” Imprimerie de l’union Nguyễn Văn Của (SAIGON)

13) Trần Xuân Ngọc Lan (1985) “Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa” NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội, 1985) – Viện Khoa Học Xã Hội (Thành Phố HCM).

14) Hoàng Thị Ngọ (1999) “Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh” NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội).

(1999) “Phật Thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh – chữ Nôm và tiếng Việt” NXB Khoa Học Xã Hội – Hà Nội.

15) Josepho Maria Morrone (khoảng đầu TK 19) “Lexicon Cochin-sinense Latinum” đăng trong cuốn “A Dissertation on the nature and character of the Chinese system of writing” viết bởi nhà ngôn ngữ Mỹ Peter Stephen Du Ponceau (1838), in lại bởi NXB Kessinger Publishing. Kèm thêm bảng từ vựng căn bản có 333 chữ Nôm và chữ quốc ngữ với giải thích.

16) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646″ dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

17) Richard (abbé) (1778) “Histoire naturelle, civile et politique du Tonkin” (vol. 1) Paris, Chez Moutard.

18) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale).

19) Nguyễn Q. Thắng/Nguyễn Văn Tài (1997) “Lê Triều Hình Luật (luật Hồng Đức)” NXB Văn Hóa TT (Sài Gòn).

20) Francois Thierry/Maryse Blet-Lemarquand (2013) “Autour des monnaies Hồng Đức thông bảo de Thánh Tông des Lê (1460-1497)” trong Revue Numismatique, 170e Volume.

21) Nguyễn Cung Thông (2011) “A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật?” – có thể xem toàn bài trên các trang http://www.daophatngaynay.com/vn/tap-chi-dao-phat-ngay-nay/Bai-viet-chon-loc/9925-A-Di-Da-Phat-hay-A-Mi-Da-Phat.html, v.v.

(2016) “Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài… thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)” có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachDungXuongThuyenTrenTroiVaRaDoiP1.pdf

(2016) “Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min… Tiếng Việt thời LM de Rhodes” – có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachNoiToiTaTaoToP2.pdf

(2016) “Huyền Tráng, Huyền Tảng hay Huyền Trang? Hiện tượng đồng hóa âm thanh (phần 2)” – có thể tham khảo hai bài viết này trên các trang mạng như http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-qt/con-nguoi-qt/21409-huyen-trang-huyen-tang-hay-huyen-trang-hien-tuong-dong-hoa-am-thanh-phan-2.html

(2015) “Sinh thì là chết?” – có thể tham khảo ba bài viết này (đánh số 11.1 đến 11.3) trên các trang mạng như http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=21612

(2013) “Tản mạn về từ Hán Việt thời-thì” có thể xem toàn bài trang này https://khoahocnet.com/2013/06/15/nguyen-cung-thong-tan-man-ve-tu-han-viet-thoi-thi-phan-6-2/

(2012) “Những đợt sóng giao lưu ngôn ngữ Việt-Trung qua con đường tôn giáo – vài vết tích sau thời nhà Nguyên trong từ điển Việt Bồ La (phần 1.3)” – có thể xem toàn bài trang này http://pgvn.vn/nghien-cuu/201508/Nhung-dot-song-giao-luu-ngon-ngu-Viet-Trung-qua-con-duong-ton-giao-vai-vet-tich-sau-thoi-nha-Nguyen-trong-tu-dien-Viet-Bo-La-phan-1-3-49809/

22) Pierre-Gabriel Vallot (1898) “Dictionnaire franco-tonkinois illustré” NXB F.H. Schneider (Hà Nội).

23) Yu Insun (2010) “Women’s Social Status in the Lê Period of Vietnam (1428-1788)” đăng trong The Journal of Northeast Asian History Volume 7, Number 1 (Summer 2010) 41-66.

24) Christopher Wase (1662/1675) “Dictionarium Minus, a Compendious Dictionary English-Latin and Latin-English” NXB Maxwell (London, Anh quốc).


[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com

[2] VBL cũng ghi nhận trọng lượng của một đồng tiền An Nam cũng như đồng tiền julio, một loại đồng tiền lưu hành ở La Mã vào thời LM de Rhodes (TK 17). Các loại đồng tiền La Mã (ở Ý) như julio, bayoco cho thấy LM de Rhodes quen dùng đồng tiền Ý (so với Pháp). Điều này phù hợp với nơi sinh trưởng của LM de Rhodes là Avignon thuộc về La Mã (Ý) chứ không phải thuộc nước Pháp vào thời kì này! VBL cũng ghi đồng tiền real của Tây Ban Nha (đồng bạc tương đương với một đồng real/VBL trang 237).

[3] Vào thời VBL, tiền giấy (gếy) có nghĩa khác hơn so với tiếng Việt hiện đại – xem trang sau.

[4] Do Ngô Sĩ Liên (1400-1499) khởi soạn vào thời vua Lê Thánh Tông.

[5] Gián tiền HV 間錢 còn có thể hiểu là tiền “nhàn” hay tiền không dùng! Một điều đáng suy nghĩ khi vừa ra lò loại tiền mới này.

[6] “Vân Đài Loại Ngữ” Lê Quí Đôn – Trần Văn Giáp (biên dịch và khảo thích), Trần Văn Khang (làm sách dẫn), Cao Xuân Huy (hiệu đính và giới thiệu) – NXB Văn Hóa Thông Tin (Hà Nội, 2006).

[7] Gián là nói về tiền kẽm. Nghĩa là thiếu, trái với quí là đủ (VNTĐ trang 215).

[8] Khuynh hướng xát hóa và ngạc hóa của phụ âm cuối lưỡi k để cho ra các phụ âm ch/gi/s như căn gian, keo giao, kéo giảo, kẹp/kép giáp còn hiện diện trong các ngôn ngữ Ấn Âu: loại hình ngôn ngữ centum (duy trì dạng k như trong cách đọc centum của tiếng La Tinh nghĩa là 100, centum > hundred tiếng Anh) so với loại hình ngôn ngữ satem (k đã trở thành s, satem là 100 tiếng Iran – để ý cent tiếng Pháp cũng đọc với phụ âm s). Loại hình ngôn ngữ centum gồm có các ngôn ngữ ở Tây Âu Châu như Germanic, Ý, Hi Lạp… Loại hình ngôn ngữ satem gồm có các ngôn ngữ Đông Âu Châu như Ba Tư/Persian, Phạn/Sanskrit, Nga, Latvian, Armenian, v.v.

[9] Đàng Ngoài còn dùng đóng cã, giữ cã là monopoliser/P (giữ độc quyền) so với làm hoa chi (Đàng Trong).

[10] Tuy nhiên, Đại Nam Quốc Ngữ (Nguyễn Văn San, sđd) lại viết gián trong tiền gián bộ ngôn 諫 (can gián).

[11] Người Bồ Đào Nha cũng theo hối suất (“quốc tế” – exchange rate) này vào thời LM de Rhodes (theo VBL). Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1427-1464 cũng ghi sự kiện tiền TQ và tiền Nhật được dùng ở An Nam.

[12] Giao cảm là cách nói nhã nhặn chỉ sự ăn năm của vợ chồng, hay hôn nhân (PGTN trang 299 dùng chữ coniugium/L ~ sự kết hợp). Để chỉ hôn nhân thì VBL dùng gả vợ gả chồng, giao cảm, lấy vợ, cưới/đi cưới. Hôn nhân thường được xem như là sự hợp nhất (union) giữa Thiên chúa , người nam (chồng) và người nữ (vợ) nên tòa thánh La Mã thời trước không chấp nhận ly dị; do đó trước TK 19 thì ly dị rất hiếm gặp ở Tây phương.

[13] PGTN trang 300 dùng chữ proligamia, có lẽ là in nhầm từ chữ La Tinh polygamia với gốc là tiếng Hi Lạp cổ πολυγαμία (polugamía) có cấu trúc πολύς- (polús, nhiều) và -γάμος (gámos, sự cưới hỏi) dẫn đến cấu trúc La Tinh polygamia. Thời LM de Rhodes (TK 17) và các LM Béhaine/Taberd (TK 18, đầu TK 19) giải thích polygamia là lấy, cưới hay nuôi nhiều vợ chứ không dùng cụm danh từ HV ” (chế độ) đa thê, đa hôn…”.

[14] Bảng mục lục La Tinh (Index – Latini sermonis) ở phần cuối VBL thường ghi chữ La Tinh và trang/cột/tờ dùng chữ này trong VBL, ít khi ghi lại nghĩa và cách dùng một cách đầy đủ như các chữ chỉ tục lệ phổ thông như ma chay, thành hoàng, đạo Bụt… Danh từ divortium này có gốc là động từ La Tinh divertere nghĩa là phân ly/chia lìa, cho ra các dạng tiếng Anh/Pháp divorce/ly dị, divorcee/người đã ly dị, divert/rẽ hướng khác.

[15] PGTN và VBL dùng cuôn tử (quân tử, người biết chữ) so với tiểu nhin (tiểu nhân ~ thứ dân, dân đen)

[16] Bác sĩ/nhà ngoại giao Tô Cách Lan John Crawford (1783-1868) soạn một số tác phẩm nổi tiếng rút từ kinh nghiệm của thời làm việc như du kí (1828) “Journal of an Embassy to the Courts of Siam and Cochin-China, exhibiting a view of the actual State of these Kingdoms” – liên hệ đến xã hội Đàng Trong vào giữa TK 19. Các điểm đáng chú ý từ cứ liệu này là (a) không thấy đề cập đến tục bẻ tiền bẻ đũa (b) ngoại trừ hai bên đều đồng thuận, hầu như không bao giờ xẩy ra ly dị.

[17] “giới hèn kém” là tạm dịch từ “Among the meaner sort” (NCT: trong các người thuộc giới nghèo, hạ cấp – mean tiếng Anh là tính từ có nghĩa là nghèo hèn/bần cùng vào TK 17, meaner là còn nghèo hơn nữa). Xã hội VN vào TK 17 chỉ có một số ít người thuộc giai cấp thượng lưu (giàu có, quyền thế) so với đa số quần chúng.

[18] Tờ chứng minh khi ly dị hay giấy chứng nhận ly hôn, thời học giả PG Vallot (1898) còn ghi “Certificat de divorce: tờ rẫy, tờ phóng“. Cụ Phan Kế Bính nhận xét “Đàn ông muốn bỏ vợ phải viết tờ ly dị gọi là tờ rẫy vợ” (1915 – “Việt Nam Phong Tục”, trang 177).

[19] Baron còn thuật lại rằng nhờ làm con nuôi hoàng tử Đông Kinh mà ông đỡ được bao nhiêu nhọc nhằn, đặc biệt cho người ngoại quốc ở xứ này, vì sự đòi hỏi hay làm tiền (extortion) của các quan lại kiêu căng (insolent courtiers)… Sau khi thuật lại các phong tục cưới hỏi và ly dị, Baron đưa ra kết luận là các câu chuyện của tác giả Jean-Baptiste Tavernier (1605-1689) viết về Đàng Ngoài là ‘hư cấu’ (fictions). Tác giả/thương gia/nhà du hành người Pháp Tavernier đã viết một cuốn du kí về Đàng Ngoài vào năm 1679 trong 6 chuyến viếng thăm châu Á từ 1661-1668 (“Les Six Voyages de Jean-Baptiste Tavernier”). Cuốn sách trên bán chạy nhất (best seller) vào thời kì xuất bản và được dịch ra các tiếng Đức, Hà Lan, Ý và Anh.

[20] Tài liệu này là bằng chứng cho thấy một trong các nhóm dân định cư ở ĐBSCL từng có gốc Đàng Ngoài. Một trường hợp thú vị nữa là bảng từ vựng Đàng Trong này còn ghi mần là động từ làm ở tỉnh Nghệ An.

[21] Từ Điển Tiếng Huế (2001) được tái bản vào những năm 2004 và 2010 (lên gần 2000 trang) – xem bài báo liên hệ (2014) trang này https://svhtt.thuathienhue.gov.vn/?gd=27&cn=114&tc=2058 …v.v…

[22] Có thể đọc truyện ngắn này trên trang https://www.chutluulai.net/forums/forum/v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc-ngh%E1%BB%87-thu%E1%BA%ADt/truy%E1%BB%87n/5490-tr%C4%83ng-n%C6%A1i-%C4%91%C3%A1y-gi%E1%BA%BFng-_tr%E1%BA%A7n-th%C3%B9y-mai

[23] Đọc thêm chi tiết trong bài viết “Ngô Đình Nhu – Nhà lưu trữ Việt Nam thời kì 1938-1946” của tác giả Đào Thị Diến (6/3/2017) trên trang này chẳng hạn http://www.vanhoanghean.com.vn/component/k2/30-nhung-goc-nhin-van-hoa/11761-ngo-dinh-nhu-nha-luu-tru-viet-nam-thoi-ki-1938-1946, v.v.

[24] Lực bẻ s (stress) trên một mặt cắt ngang hình chữ nhật có chiều sâu h, chiều ngang b là s=12My/(bh3). Nếu giữ các giá trị của h, M (moment) và y (chiều cao từ trục giữa neutral axis) không đổi, thì s sẽ tăng nếu b giảm.

[25] Hệ thống pháp luật phong kiến Trung Hoa và Việt Nam dành nhiều quyền hành cho phái nam. Thí dụ như những tiêu chuẩn phái nữ phải tuân theo, trường hợp tam tòng là (a) tại gia tòng phụ (con gái khi còn ở nhà phải nghe theo cha mẹ) (b) xuất giá tòng phu (con gái lấy chồng phải nghe theo chồng) (c) phu tử tòng tử (khi chồng chết thì phải nghe theo con trai). Tuy nhiên, luật vào thời Lê cũng mang dấu ấn phương Nam khi cho phép người vợ ly dị chồng khi người chồng không gặp hay chăm nom người vợ trong thời gian 5 tháng. Không thấy các tác giả trong bài này ghi lại điều này, lại một trường hợp phép vua thua lệ làng?

[26] Chì (kí hiệu Pb) là kim loại mềm và dễ uốn nắn thường hiện diện sau đồng (kí hiệu Cu), chính vì vậy mà dùng để đúc đồng tiền. Tuy nhiên chì cũng làm cho lực bẻ đồng tiền giảm đi nhiều (dễ bẻ gẫy hơn). Xem bài viết về các thành phần kim loại của Hồng Đức Thông Bảo của Francois Thierry/Maryse Blet-Lemarquand (2013, sđd).

Comments are closed.