Tiếng Việt từ TK 17: các cách dùng trống một, giữ/cầm canh, nhà điếm/ dỏ, trắc ảnh, thì – giờ (phần 42)

Nguyễn Cung Thông[1]

 

Phần này bàn về các cách dùng trống một, trống hai, giữ canh, cầm canh, nhà điếm, tuần điếm từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo, cũng như các cách nói liên hệ như đêm năm canh. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ), điều này cho ta dữ kiện để xem lại một số cách đọc chính xác hơn cùng với các dạng chữ Nôm cùng thời hay sau đó. Phần sau bàn thêm về chữ thì và các dạng biến âm đã có từ TK 17 như giờ, giây… Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các tài liệu chữ Nôm của LM Maiorica, các bản chép tay của LM Philiphê Bỉnh (sđd) và bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), TQ (Trung Quốc), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/Hội Khai Trí Tiến Đức), TNNL (Thiên Nam Ngữ Lục), v.v. Kí viết là ký (tên người, tên sách) và trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt cổ hay Hán cổ). Ngược dòng thời gian ở phương tây thời xưa thường dựa vào mặt trời và mặt trăng (ánh sáng thiên nhiên) để xác định thời gian, sau đó lại dựa vào âm thanh (tiếng chuông nhà thờ từ ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo chẳng hạn, tiếng gà gáy) để biết giờ hành lễ, đi làm. Vào TK 13 thì ở vài thành phố Ý đã dùng tiếng chuông nhà thờ để biết giờ, cho đến TK 15 thì ‘chuông canh’ đã rất phổ thông ở Âu châu. Ngay cả khi bắt đầu có đồng hồ bằng máy thì rất ít người sở hữu nên vẫn phải tuỳ thuộc vào tiếng chuông để biết giờ đi làm, đi học hay đi lễ, v.v. Tuy cũng dựa vào sự vận hành của mặt trời và mặt trăng, ở phương Đông thì thường dựa vào âm thanh của tiếng trống (canh), thanh la[2], tiếng gà gáy/chim hót hay đồng hồ nước (lâu khắc), td. VBL đã ghi lại cách tính giờ này trong các mục khác nhau như trống, canh, giờ, trắc ảnh, gà cầm giờ/cầm canh… Giao thoa giữa văn hoá, tư duy và thời gian không chỉ thể hiện qua phương pháp xác định thời gian[3], nhưng còn có những kết quả rất thâm trầm mà ít người nhận ra được, nhưng các vấn đề này không nằm trong phạm vi trong bài viết phần 42 này. Ảnh hưởng của mặt trăng phản ánh qua cách gọi 12 tháng, còn gọi là tháng âm lịch (‘tháng mặt trăng’), cùng các tên gọi đặc biệt cho giờ của ban đêm (canh một, trống một…), ngày 15 trong tháng (ngày rằm), ngày đầu năm (ngày tết[4]). Phần này chỉ giới hạn trong một số cách dùng trên từng được ghi lại trong VBL, td. nông lịch là một chủ đề mở rộng và liên hệ, rất đáng chú ý nhưng không nằm trong phạm vi bài 42 này.

 

1. Nhà điếm, điếm tuần, chòi, nhà dỏ (VBL)

1.1 Nhà điếm hầu như mang một nghĩa tiêu cực trong tiếng Việt hiện đại như trong các cách dùng ổ điếm, con điếm, điếm đàng – có lẽ do ảnh hưởng từ nghĩa của từ điếm HV 玷 (điếm nhục – đồng âm dị nghĩa). Tuy nhiên vào thời VBL thì nhà điếm là điếm canh – xem hình vẽ một điếm canh vào đầu TK 20 (trích từ Quốc Văn Giáo Khoa Thư). Có lẽ để cho rõ nghĩa hơn nên VBL còn ghi thêm điếm tuần ~ nhà điếm (tuần HV 巡 là xem xét) cũng như là nhà dỏ (VBL trang 175) – dỏ (chữ Nôm[5] dùng đỗ 杜,biến âm đ – d), dỏ làng là chòi canh của làng (Huỳnh Tịnh Của/Génibrel). Hình vẽ bên dưới cho thấy ba người nam có trang bị vũ khí, đặc biệt là các dụng cụ báo động như trống… Ngoài ra, điếm canh đặt ở một nơi không có nhà cửa dân chúng và có thể quan sát nhiều nơi (td. như gần cổng làng, trên đường cái…). Điều này cho thấy điếm canh có nhiều nhiệm vụ như bảo đảm an toàn cho địa phương, thông tin thời gian hay vấn đề nào quan trọng cho công chúng, v.v. Ta cũng không ngạc nhiên khi trống canh lại thường được liệt kê trong phần binh khí như trong Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa (Pháp khí bộ nhị thập cửu) hay Đại Nam Quốc Ngữ (Binh khí môn đệ nhị thập bát).

clip_image002

VBL ghi nhà điếm hay điếm tuần, ngoài ra dựa vào định nghĩa phần tiếng Bồ caza de vigia thì cũng là chòi, hay caza de vigia no caminho ~ nhà dỏ ~ nhà điếm ~ điếm tuần~chòi.

clip_image004

VBL trang 221

clip_image006

VBL/tr. 112

clip_image008

VBL trang 175

Nhà điếm vào cuối TK 19 mang nét nghĩa là nhà đĩ, nhà thổ: td. tự điển Bonet[6] vào năm 1899 ghi nhà điếm là maison de prostitution. Không nên ngạc nhiên về khuynh hướng thay đổi nghĩa từ thời VBL, có thể thấy trong các cách dùng như nhà xe (nhà tang, bây giờ là nhà chứa xe/garage), mực tàu (dụng cụ/dây-mực vẽ đường thẳng, bây giờ thường hiểu là mực của người Tàu), bơm (tóc bù xù, bây giờ thường hiểu là máy bơm), nhà điếm (chòi canh/điếm canh, bây giờ thường hiểu là nhà thổ), sinh thì/sinh thời (chết, bây giờ thường hiểu là khi còn sống), v.v. Dỏ hay nhà dỏ (VBL), điếm dỏ, canh dỏ (Béhaine/1772-1773) thì không còn thấy dùng trong tiếng Việt hiện nay nữa. Điều thú vị là khi chép tay lại phần Việt và Bồ của VBL, LM Philiphê Bỉnh[7] đã đổi nhà điếm (VBL) thành cái điếm, phản ánh khuynh hướng thay đổi cách dùng vào thời này (cùng thời với LM Béhaine ở Đàng Trong):

clip_image010
Tự điển Việt Bồ chép tay của LM Philiphê Bỉnh

Có hai chữ cần được xem lại từ thời VBL như ghi nhận ở trên: điếm và dỏ.

1.1 Chữ điếm 店 (thanh mẫu đoan 端 vận mẫu liêm tiêm 廉纖 khứ thanh) có các cách đọc theo phiên thiết

都念切,音墊 đô niệm thiết, âm điếm (TVGT, QV, TV, LT, VH, CV, TVi) QV/TV ghi khứ thanh. QV/TV/LT có ghi thêm cách đọc của 坫 là 知林切 tri lâm thiết (*trâm) bình thanh.

都念反 đô niệm phản (LKTG)

丁念翻 đinh niệm phiên (BH 佩觿)

丁念切 đinh niệm thiết (NT – Nguyên khan bản, TTTH)

TNAV ghi vận bộ liêm tiêm/khứ thanh

CV ghi cùng vần/khứ thanh 店 坫 墊 阽 玷 (điếm điếm/diêm)

都見切 đồ kiến thiết (CTT) thời CTT thì phụ âm cuối -m đã trở thành -n (nói cách khác là hai phụ âm cuối -m và -n nhập thành một).

Giọng BK bây giờ là diàn so với giọng Quảng Đông dim3 và các giọng Mân Nam 客家话 [客英字典] diam5 [沙头角腔] diam5 [梅县腔] diam5 [台湾四县腔] diam5 [客语拼音字汇] diam4 [东莞腔] diam5 [海陆腔] diam5 [宝安腔] diam5 [陆丰腔] diam, tiếng Nhật ten tiếng Hàn jeom, v.v.

Để ý Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) ghi điếm[8] là 坫 bộ thổ so với 店 bộ nghiễm – cách dùng tương đương này còn được TVGT ghi về chữ 店 là 或作坫 (hoặc tác điếm).

Điểm đáng chú ý ở đây là điếm còn có một nét nghĩa tiêu cực (điếm HV 玷 là vết trong viên ngọc > điếm nhục 玷辱) và nét nghĩa này hầu như lấn áp phạm trù nghĩa khá rộng của âm điếm: td. con điếm, gái điếm, thằng điếm, nhà điếm, ổ điếm, đĩ điếm, đàng điếm, điếm đàng, mèo đàng chó điếm, điếm thúi, v.v. Chỉ cách đây 15 thập niên, người Việt còn nói "ăn mặc điếm lắm" hàm ý ăn mặc lịch sự lắm (tích cực, Theurel/1877 sđd) hay “ăn mặc điếm” (Việt Nam Tự Điển/1931): các câu này hầu như mang nghĩa rất tiêu cực trong tiếng Việt hiện đại.

Một dạng biến âm của điếm là tiệm (tiệm rượu, tiệm thuốc… cuối TK 19) bắt đầu trở nên phổ thông ở Đàng Trong cho đến ngày nay so với Đàng Ngoài dùng hàng, quán.

1.3 Chữ đỗ/đổ 杜 (thanh mẫu đoan 端 vận mẫu ngư mô 魚模 thượng/bình/khứ thanh ) có các cách đọc theo phiên thiết

徒古切 đồ cổ thiết (TVGT, NT, QV, TTTH, CV, TVi)

動五切 động ngũ thiết (ĐV, TV, LT, VH, CV)

董五切,音睹 đổng ngũ thiết, âm đổ (TV, LT) TV ghi thượng thanh

同都切,音徒 đồng đô thiết, âm đồ (TV, LT, TViB) TV ghi bình thanh

動玉切 động ngọc thiết (TV) TV ghi thượng thanh

TNAV ghi vận bộ ngư mô 魚模 (khứ thanh)

CV ghi cùng vần/thượng thanh 杜 土 荰 肚 (đỗ thổ), v.v.

Giọng BK bây giờ là dù (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông dou6 và các giọng Mân Nam 客家话 [梅县腔] tu5 [海陆腔] tu6 [客英字典] tu5 [陆丰腔] tu6 [客语拼音字汇] tu4 [台湾四县腔] tu5 [东莞腔] tu5 [宝安腔] tu5, tiếng Nhật to tiếng Hàn du/tu.

Âm đỗ hay đổ (TV, LT) có khả năng rất cao để trở thành dạng dỏ bởi vì

a) nguyêm âm ô trở thành o: độc > đọc, khốc > khóc, độ > đọ, đo, khổ > khó…

b) phụ âm đầu đ trở thành d: đa > da (cây da/VBL), đao – dao, kín đáo – kín dáo (VBL), động – dộng, (thợ) đào -dào, đã – dã (giã, rã) – đã bệnh là hết bệnh…

Nét nghĩa rất cổ của đỗ/đổ là ngăn chận, đóng (không mở ~ bế tắc) đã được bảo lưu trong cách dùng dỏ/nhà dỏ (VBL) hay là nơi chận lại để kiểm soát sự qua lại[9]:

杜,塞也《小爾雅·廣詁》

Đổ, tắc dã 《Tiểu Nhĩ Nhã ·Quảng cổ 》

犯令陵政則杜之。——《周禮·大司馬》。註:“杜塞使不得與鄰國交通”

Phạm linh lăng chính tắc đỗ chi. ——《Chu lễ ·Đại tư mã 》. Chú :“đỗ tắc sử bất đắc dữ lân quốc giao thông”

v.v.

2. Trống một trống hai, cầm/giữ canh, giờ, giây, phút

clip_image012

VBL trang 86

clip_image014

VBL trang 814

Canh HV 更 có một nét nghĩa cổ đại là trống báo hiệu thời gian: VBL đã ghi khá chính xác cầm canh hay giữ canh là coi giữ trống canh, trống là phiên canh cho một đêm. Đêm có năm canh và trống một là canh thứ nhất, trống hai là canh thứ hai… Thời cổ đại chia đêm làm năm canh: lấy giờ Tuất làm canh 1 (từ 7 giờ đến 9 giờ tối – thường thì vào khoảng 7 giờ thì mặt trời bắt đầu lặn[10] khởi đầu ban đêm). Canh một đánh một tiếng (trống một), canh hai đánh hai tiếng (trống hai), v.v. Người Việt còn chia một canh gồm đầu canh, giữa canh và cuối canh (Vallot, sđd) so với Trung Hoa chia một canh thành năm điểm 点 hay 24 phút. Đặc biệt cho ban đêm thì còn có cách gọi khác là ngũ canh, ngũ cổ 五鼓 (năm thì trống) hay năm canh (thành ngữ "đêm năm canh") tương ứng với một khoảng thời gian là 10 giờ (từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau):

– canh 1 hay giờ Tuất (từ 7 giờ tối đến 9 giờ tối) ~ trống một (VBL) ~ nhất canh, nhất cổ

– canh 2 hay giờ Hợi (9 đến 11 giờ tối) ~ trống hai (VBL)

– canh 3 hay giờ Tí (11 giờ khuya đến 1 giờ sáng) ~ trống ba

– canh 4 hay giờ Sửu (1 đến 3 giờ sáng) ~ trống tư

– canh 5 hay giờ Dần (3 đến 5 giờ sáng) ~ trống năm

Vào đầu TK 19, Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng dùng trống ba để chỉ canh ba:

吝更㐌分

Lần nghe canh đã một phần trống ba (câu 2026 – bản Kiều 1872).

Trong bản Nôm Các Thánh Truyện/CTTr Tháng Hai (Maiorica) có đoạn "Đến canh năm, vua dạy hai người các quan đam xác người xuống bỏ dưới biển"; "vì chẳng biết chủ về trống một hay là nửa đêm, hay là trống năm gần sáng, phải giữ canh liên kẻo mất lòng thầy mình dạy giữ nhà" ĐCGS quyển chi cửu/chi thập trang 144.

Cách dùng canh có vẻ ổn định vào TK 17 khi VBL ghi là một đêm có năm trống (mục trống, VBL trang 814) hay chính là năm canh, tuy VBL không ghi thành ngữ "đêm năm canh" như Béhaine (1772/1773) hay Taberd (1838), Huỳnh Tịnh Của (1895). Một đơn vị thời gian khác là khắc, hiện diện trong cách dùng "đêm năm canh, ngày sáu khắc", có phạm trù nghĩa phức tạp hơn vì giá trị thời gian của khắc có thể thay đổi theo dòng lịch sử và tuỳ thuộc cách dùng địa phương. Khắc ở Nhật Bản có giá trị thời gian khác hơn ở Trung Hoa, tuy là đã nhập hệ thống này từ tiếng Hán. Việt Nam cũng cho thấy khuynh hướng tương tự; cũng nên nhắc ở đây một điểm quan trọng là khắc cũng thay đổi theo thời đại bên Trung Hoa. VBL không có mục khắc, nhưng từ thời Béhaine (1772/1773) đã ghi khắc là một phần tư giờ. Khắc chỉ giờ trong ngày từng xuất hiện trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập:

泣頭連臘 率徐没刻忍更

Soi khắp đầu Giêng liền cuối Chạp. Suốt từ một khắc nhẫn năm canh. Hồng Đức, 5a

Cách chia giờ theo VBL (trang 286- trang 288), mà LM de Rhodes ghi là gọi theo ‘tên loài vật’ và một ‘giờ ta’ tương đương với hai ‘giờ tây phương’. Một ngày[11] gồm có 12 giờ (ta) – tên gọi dựa vào tên thập can và thập nhị chi – VBL không viết hoa như ngày nay:

– giờ dần từ 3 đến 5 giờ sáng (giờ dần, biểu tượng là con hồm ~ hùm ~ hổ/NCT)

– giờ mẹo 5 đến 7 giờ sáng (con mèo – VBL không ghi loại từ con/NCT)

– giờ thìn 7 đến 9 giờ sáng (con rồng)

– giờ tị 9 đến 11 giờ sáng (con rắn)

– giờ ngọ 11 đến 1 giờ trưa (con ngựa), VBL ghi thêm chính ngọ là giữa trưa

– giờ mùi 1 đến 3 giờ trưa (con dê)

– giờ thân 3 đến 5 giờ chiều (con khỉ)

– giờ dậu 5 đến 7 giờ tối (con gà)

– giờ tuất 7 đến 9 giờ tối (con chó)

– giờ hợi 9 đến 11 giờ khuya (con lợn)

– giờ tí 11 đến 1 giờ sáng (con chuột), VBL ghi thêm chính tí là giữa đêm

– giờ sửu 1 đến 3 giờ sáng (con trâu)

Cách tính giờ như trên là từ thời Đường trở về trước, so với Trung Hoa từ đời Tống thì giờ tí lại bắt đầu từ 12 giờ đêm đến 2 giờ sáng[12], giờ sửu từ 2 đến 4 giờ sáng…

Nếu dựa vào thành ngữ đêm năm canh ngày sáu khắc thì sáu khắc bằng 14 giờ đồng hồ, hay mỗi khắc bằng 14/6 ~ 2 giờ 20 phút. Do đó khắc 1 là từ 5 giờ đến 7 giờ 20 sáng – khắc 2 là từ 7 giờ 20 đến 9 giờ 40 sáng. -  khắc 3 là từ 9 giờ 40 đến 12 giờ trưa – khắc 4 là từ 12 giờ đến 14 giờ 20 đầu giờ chiều – khắc 5 là từ 14 giờ 20 đến 16 giờ 40 chiều – khắc 6 là từ 16 giờ 40 đến 20 giờ chiều tối. Tuy nhiên lại có thành ngữ một giờ bốn khắc, hay một khắc bằng 60/4 = 15 phút. So với cách tính khắc[13] 刻 thời Hán cho đến năm 1628 là 1/100 của một giờ hay 1/100x24x60 = 14 phút 24 giây (gần bằng 15 phút hay khắc của Việt Nam). Ngoài ra, VBL ghi thêm các cụm danh từ giáp dần/bính dần, đinh mẹo, mậu thìn (không thấy ghi ất theo đúng thứ tự), kỉ tị, canh ngọ… quí dậu, giáp tuất, ất hợi, ất sửu. Đây là sự kết hợp của 1 trong 10 thiên can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý viết hoa trong tiếng Việt hiện đại) và 1 trong 12 địa chi (Tý, Sửu, Dần, Mão (Mẹo), Thìn, Tị, Ngọ, Mùi (Vị), Thân, Dậu, Tuất, Hợi) theo đặc tính âm và dương. 5 can Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm (dương) kết hợp với 6 chi Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất (âm) – và 5 can còn lại Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quí (âm) thì kết hợp với 6 chi Sửu, Mão, Tị, Mùi, Dậu, Hợi (dương) để cho ra 60 năm âm lịch, thành ra không có các năm Giáp Mùi, Quí Ngọ… Có thể đây là ý của cách giải thích của VBL trong mục giờ: không được rõ ràng cho lắm vì gồm cả phép tính năm vào giờ. Mục giờ của VBL chiếm khoảng hơn hai trang/cột cho thấy sự chú ý đặc biệt[14] của LM de Rhodes vào phép tính giờ bản địa – so với mục tiền chiếm hơn ba trang. Điều này không ngạc nhiên vì LM de Rhodes từng đến chầu Trịnh Tráng vào năm 1627, đã tặng cho nhà Chúa quyển Kỉ Hà Nguyên Bản (sách toán hình học theo cách hiểu hiện đại). Chính trong thời gian này, ông còn tặng cho nhà Chúa một chiếc đồng hồ cát và một chiếc đồng cơ báo thức, khiến Trịnh Tráng vô cùng thích thú. Sự quan tâm của các giáo sĩ Dòng Tên đến khoa học và kỹ thuật phản ánh quá trình học tập khi tu học ở các trường Dòng Tên, cũng như trong sự kiện LM Ricci từng tặng hoàng đế Minh Thần Tông một chiếc đồng hồ rung chuông năm 1601. Không những thời gian do con người định đoạt và quản lý, loài vật cũng góp phần vào việc cầm canh như tiếng gà gáy sáng chẳng hạn. Hiện tượng này được VBL ghi nhận trong mục gà qua các cách dùng gà cầm giờ, cầm canh ngay sau mục gà gáy:

clip_image016

VBL trang 253

 

Dựa vào nhịp sinh học (circadian rhythm/A) của loài gà, con người cũng có thể xác định thời gian cũng như trống canh: gà thường gáy khoảng 4 giờ sáng (khi rạng đông) hay có một sự cố xẩy ra như tiếng ồn, lửa cháy ảnh hưởng đến nhịp sinh học… Tiếng Việt còn ghi lại kinh nghiệm dân gian về gà trong câu[15] "gà gáy canh một hỏa tai, gà gáy canh hai đạo tặc (gà gáy sai canh báo hiệu có điềm xấu)". Thời gian và hoạt động của động vật như gà là một chủ đề thú vị nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này[16]. Người đọc có thể tham khảo thêm chi tiết trong bài viết "Tản mạn về năm Dậu – *rơ(ka) – Gà" cùng tác giả (NCT) trên trang này https://sachhiem.net/VANHOC/NGCGTHG/NguyenCungThong10.php .

VBL cũng ghi các cách dùng giây (gêy) và phút (một phút) đều chỉ một thời gian rất ngắn, chứ không có nghĩa như một giây (bằng 1 phần 60 của một phút) hay một phút (bằng 1 phần 60 của một giờ) như trong tiếng Việt hiện đại. Cụm danh từ giây phút cũng chỉ dùng để chỉ một khoảnh khắc nhỏ của thời gian mà thôi (momentum temporis/L – Béhaine/Taberd). Giây chữ Nôm thường ghi bằng chi HV 之, điều này còn có thể liên hệ đến thì HV 時 (~ giờ tiếng Việt) – phần 3 sẽ đi sâu hơn về tương quan giữa các âm thì – giờ – giây – chừ…

Chữ Nôm giờ có một dạng là bộ nhật 日 hợp với chữ dư 余, gần với âm đọc giờ giọng Nam hiện nay. Giờ còn có một dạng chữ Nôm cổ hơn viết là trừ HV 除:

悲除些呐仍 事伤庫欺吒末昆

Bây giờ ta nói những sự thương khó khi cha mất con.

(Các Thánh Truyện – Tháng Giêng trang 29).

Một điểm nên nhắc ở đây là tiếng Việt dùng thập nhị chi và thiên can để chỉ giờ, năm – nhưng để chỉ ngày và tháng theo âm lịch – VBL cho ta biết thêm là tiếng Việt lại dùng số đếm (một, hai, ba) sau danh từ tháng[17] hay mồng (VBL trang 483, 744-745) như

– ngày mồng một, mồng hai… ngày rằm (ngày 15)

– tháng giêng (tháng 1), tháng hai, tháng ba, tháng tư…

Như vậy là vào TK 17, tiếng Việt đã không dùng tên thập nhị chi để chỉ tháng âm lịch như trong tiếng Hán; thay vào đó là tháng hai, tháng ba theo số đếm tiếng Việt ngoại trừ tháng chạp (tháng 12) và tháng giêng (tháng 1 – xem hình chụp bên dưới):

clip_image018

Tháng mặt trăng (blăng) – tháng giêng (Sách sổ sang chép các việc – Philiphê Bỉnh).

3. Trắc ảnh

VBL trang 829 ghi trắc ảnh là đồng hồ mặt trời – nhưng tốt hơn nên dùng địa bàn[18] xem giờ (horologium solare/L). Bóng của cái đinh ở giữa do ánh sáng mặt trời tạo ra sẽ cho ta biết giờ trong một ngày hay tên giờ (canh, thì): hình chụp một trắc ảnh cổ bên dưới cho thấy tên của 12 con giáp với hình vẽ của 12 con vật biểu tượng (để ý giờ Mão và con thỏ) cho 12 giờ của một ngày. Mỗi giờ lại chia thành sơ 初 (giờ đồng hồ đầu) và chính 正 (giờ sau, viết ngay chính giữa), cách chia này xuất hiện vào cuối đời Đường và đầu đời Tống.

clip_image020

Một ‘địa bàn xem giờ’ (trắc ảnh/VBL) cổ của Trung Hoa.

Trắc ảnh theo Béhaine/Taberd/Huỳnh Tịnh Của viết là 昃影: trắc là xế/nghiêng (nghĩa gốc là mặt trời ở phương tây/TVGT), ảnh là bóng – nghĩa không rõ cho lắm vì mặt trời ở phương tây thì khó mà đo đạc chính xác? Một cách giải thích khác/NCT: trắc ảnh có thể là dạng Việt hoá hay rút gọn của trắc nhật ảnh 測日影 (đo bóng mặt trời), chức năng chính của nhật quỹ[19] 日晷 hay nhật quy 日規 (đồng hồ mặt trời ~ sundial/A ~ cadran solaire/P).

4. Bàn thêm về chữ thì – thời

4.1 Đầu tiên là xem lại các cách đọc của chữ thì 時, có dạng cổ (chữ hiếm) là 旹 với 㞢 là chi 之 (thanh mẫu thường 常, vận mẫu chi 之 bình thanh) có các cách đọc theo phiên thiết

市之切 thị chi thiết (TVGT, NT, ĐV, QV, TV, VH, TTTH, LTCN 六書正譌) – TVGT ghi (chữ 時) 从日寺聲 tòng nhật tự thanh, và (chữ 旹) 从日㞢作 tòng nhật chi tác.

辰之切 thần chi thiết (CV, Trùng Đính Trực Âm Thiên/TĐTAT)

上紙切 thượng chỉ thiết (VB)

TNAV ghi vận bộ chi tư 支思 (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 時 旹 塒 蒔 漦 鰣 匙 提 (thì để)

禪侍切 thiện thị thiết (TViB)

土紙切, 音氏 thổ chỉ thiết, âm thị (TVi)

施持切, 音匙 thi trì thiết, âm thi (CTT)

時吏切 thì lại thiết, âm thệ  音逝 (TVi)

Giọng BK bây giờ là shí (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông si4 và các giọng Mân Nam 客家话 [客英字典] shi2 [沙头角腔] si2 [梅县腔] she2 shi2 [宝安腔] si2 [客语拼音字汇] si2 [陆丰腔] shi3 [台湾四县腔] sii2 [海陆腔] shi2 [东莞腔] si2, 潮州话 si5, tiếng Nhật shi và tiếng Hàn si.

v.v.

Phụ âm đầu lưỡi xát /ʂ/ (viết là sh-, đọc theo giọng Nam) của giọng Bắc Kinh/BK bây giờ tương ứng với phụ âm đầu lưỡi tắc /tʰ/ (viết là th- tiếng Việt) như shàng, shǒu, shuǐ, shí (BK) – thượng, thủ, thủy, thì (HV). Trong trường hợp của tương quan shí (BK) – thì (HV): để ý là vào TK 17 (thời VBL), phụ âm xát s(h)- chưa hoàn toàn đô/i thành phụ âm tắc t(h)- như các dạng dùng tương đương vi sang – vi thang, lơ xơ/lơ thơ, Thuận (Thŏận) Hóa/Sinua, sự – thờ (sự thượng đế ~ thờ vua trên/VBL)… Thành ra ngoài dạng thì, tiếng Việt còn bảo lưu một số phụ âm mặt lưỡi qua dạng ch- và gi-.

Cấu trúc chữ thì cho thấy bộ nhật (mặt trời biểu ý) và tự 寺 (chùa, hài thanh với phụ âm đầu mặt lưỡi/vô thanh ch-), hay cổ hơn nữa là 㞢 (cũng là chi 之, hài thanh). Các thành phần hài thanh đều cho thấy phụ âm ch- cho ta khả năng liên hệ thì với các dạng chừ, giờ, giây (gi- đọc theo giọng Nam). Một dạng âm cổ phục nguyên của thì là /*djɯ/ (ɯ đọc gần như âm ơ tiếng Việt hiện đại), sau này vô thanh hoá phụ âm đầu để cho ra các dạng sh- và ch-, gi-. Các cách đọc khác nhau của thành phần hài thanh tự 寺 của thì 時 cũng cho ta khả năng biến âm của dạng thì HV như sau

thị 侍 (trông nom) so với thì thì 蒔 秲 (trồng trọt); thi (tên một loài chim)

thì 時 (giờ, thời) so với thị (thẳng ~ trực HV); thì 鰣 (cá) cháy; thì 鼭 (tên một loài chuột); thi 邿 (tên một nước vào thời Xuân Thu)

tự 寺 chùa

tự 字 chữ

tự thị 䦙 (dinh quan)

trĩ 峙 (hàm ý cao nhu gò, đất)

trì 持 (hàm ý nắm, cầm)

trĩ 跱 (hàm ý đứng lại, ngừng)

trĩ 痔 bệnh trĩ

đãi 待 đợi, chờ

đặc 特 đực

chỉ 畤 (chỗ đất tế trời, đàn)

chỉ trĩ thị 洔 (bãi đất nhỏ bên sông)

trích 㭙 (cái vồ, dùi)

trì trù 歭 (trù trì, chần chừ…)

trĩ 䝰 (tích tụ của cải)

trĩ 庤 (chuẩn bị)

tri si (bò ăn cỏ)

đẳng 䓁 等 (cấp bậc)

v.v.

Các tài liệu bằng chữ quốc ngữ từ thời VBL cho đến thời Béhaine (1772/1773), Philiphê Bỉnh (đầu TK 19), Taberd (1838) cho thấy chỉ có dạng thì. Cho đến thời LM Theurel ở Đàng Ngoài (Kẻ Sở, 1877), ông ghi rằng thời là (a) một loại nơm bắt cá (b) dùng thay cho thì từ năm 1860. Ở Đàng Trong, cụ Huỳnh Tịnh Của cũng ghi lý do đổi thì thành thời là do quốc huý – hàm ý kị huý[20] vua Tự Đức tên là Nguyễn Phúc Thì 阮福時 (1829-1883).

clip_image022

Trang 19 – Sách sổ sang chép các việc (Philiphê Bỉnh, 1822): Ngô Thì Nhậm 吳時任 (1746-1803) ghi là Ngô thị Nhậm, so với cách gọi Ngô Thời Nhiệm sau này. Nên nhớ rằng Philiphê Bỉnh (1759-1833) sống cùng thời với Ngô Thời Nhiệm, đây là lần đầu tiên tên ông được viết bằng chữ quốc ngữ, các dạng này cho ta nhiều thông tin hữu ích.

clip_image024

Theurel (1877) – Đàng Ngoài.

Để ý Béhaine (1772/1773), Taberd (1838) ghi "Muốn nghe thì nghe" – Đàng Trong so với "Muốn nghe thời nghe" theo Theurel (Đàng Ngoài) như hình chụp trên. Thời VBL còn có cách nói "chẳng nghe thì chớ" (không muốn nghe thì đừng có nghe/NCT).

clip_image026

ĐNQATV (1895) – Đàng Trong

Khuynh hướng mở rộng nguyên âm hẹp i thành iơ hay ơ, ơi khá đặc biệt trong tiếng Việt: các giọng Bắc Kinh (shí theo pinyin), Quảng Đông (si4), Thượng Hải, Hẹ (si2), Đại Hàn (si), Nhật (ji) đều duy trì nguyên âm i của shí (BK) hay thì (HV):

kị cỡi

ký gởi

khí hơi

ly rời

lỵ lợi

vi bởi

di dời

kì cờ

thị chợ

thi thơ – thư

thì thời, v.v.

So với hĩ ôi (VBL trang 322) > hỡi ôi, hỡi ơi (từ thời Béhaine/Taberd đến nay): hỡi ôi có một dạng chữ Nôm là 矣喂 hỹ uy HV (tương quan i/y – ơi). Ngoài ra, cách dùng than thĩ (VBL trang 739) cũng trở thành than thở (tiếng Việt hiện đại ~ than vãn, than van). Đáng chú ý là than thở (VBL trang 739) thời VBL lại có nghĩa khá hẹp hơn là nói hết ra cho nhẹ lòng.

4.2 Thì giờ (~ giừ – phương ngữ Trung bộ)

Khuynh hướng mở rộng nguyên âm, từ trước/hẹp/không tròn môi trở thành sau/lớn hơn, còn thấy trong dạng giờ của thì – phản ánh phần nào âm cổ hơn của thì. Xem lại thứ tự của cách dùng thời giờ (thì giờ, khác với giờ thời) đáng chú ý: thời là chính đứng trước so với giờ là phụ đứng sau, nói cách khác giờ là một biến âm của thời (thì) và ra đời sau chữ thời (thì); không thấy ai dùng *giờ thời – các cách dùng khác phản ánh khuynh hướng ‘chính trước phụ sau’ là bè phái, bằng phẳng, buồn phiền, v.v. cho thấy các dạng biến âm đứng sau dạng chính (nguồn). Ngoài ra, tự điển Taberd còn ghi cách dùng thì cơm, thì trà/thì chè (cho gia đình quý tộc) mà bây giờ ta thường dùng giờ (ăn) cơm, giờ (uống) trà.

Chữ giờ xuất hiện 4 lần trong truyện Kiều – so với thì 6 lần, khắc 2 lần và giây phút 1 lần cho thấy phần nào mức độ phổ thông của từng cách dùng và nghĩa trong tiếng Việt cách đây hơn 200 năm (xem thêm giản đồ về phạm trù nghĩa của chữ thì trang 16 bên dưới):

䠣蹎納度兜姅

Dón chân đứng núp độ đâu nữa giờ. (câu 1996 – bản Kiều 1872)

Trong Tam Thiên Tự (TTT) và Ngũ Thiên Tự (NTT), ta còn thấy ghi nhận

時 thì giờ (TTT)

時務 thì mùa (NTT)

Giờ bộ nhật hay bộ nguyệt  月余  là loại chữ Nôm tự tạo gồm bộ nhật hợp với chữ dư 余 hiện diện trong Chinh Phụ Ngâm Khúc, truyện Kiều… Nhưng trước đó chữ Nôm giờ thường dùng chữ trừ HV 除 (giả tá, như đã ghi nhận ở phần 2 bên trên)  như ‘ngày giờ chẳng lợi, chỉn đã ghê đấy’ (Truyền Kỳ Mạn Lục), ‘nước kín giờ Dần’ (Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa) … Âm trừ còn cho thấy liên hệ của giờ và chừ.

Trở lại với TK 17 thời VBL ra đời, danh từ giờ cũng xuất hiện rất thường trong các tài liệu chữ quốc ngữ hay chữ Nôm. Các giáo sĩ tây phương đều biết rằng một giờ ở Việt Nam thời này tương đương với hai giờ đồng hồ: td. thuật lại lời Kinh Thánh về nhật thực xẩy ra khi Chúa Giê Su bị đóng đanh (LM de Rhodes tin là nhật thực) từ giờ thứ 6 giờ thứ 9 – giữa trưa đến xế chiều, hay ba giờ đồng hồ tất cả. LM de Rhodes đã đổi ba giờ tây phương thành một giờ rưỡi theo giờ địa phương (trong PGTN) cũng như cách ghi nhận của LM Maiorica trong các bản Nôm: "Mà lại nhật thực ấy một giờ rưỡi làm tối mặt trời" PGTN trang 229, " ba mươi ba giờ nước người. Chẳng phải giờ An Nam vì nước này lấy hai giờ nước người làm một … Khỏi một giờ hết mưa ấy thì vào nhà" TCTGKM trang 53, 161 "Con tao đã giờ nào? Đầy tớ thưa rằng: thân ông, giờ Mùi hôm qua con ông mát, chẳng còn nóng mình nữa" KNLMPS trang 107, v.v. Đến cuối TK 18/đầu TK 19, người VN vẫn dùng giờ (với nét nghĩa là hai giờ đồng hồ) kết hợp với tên thập nhị chi, phản ánh qua bản chép tay của LM Philiphê Bỉnh trích từ Truyện Nước Anam Đàng Trong trang 73:

clip_image028

Trong đoạn trên, đầu giờ Thân (từ 3 giờ đến 5 giờ chiều) tức là 4 giờ chiều theo tiếng Việt hiện đại – bây giờ thì không còn là giờ ‘nước người’ nữa mà là giờ ‘nước ta’. Nên nhắc ở đây là trong bản chép tay Truyện Bà Thánh Anna (mã số Borg.tonch24, Thư Viện Toà Thánh La Mã), Philiphê Bỉnh cũng dùng khắc hàm ý một phần từ giờ:

clip_image030

4.3 Thì cũng là chừ

Một biến âm của thì là chừ mà giọng Huế vẫn còn duy trì (Huình Tịnh Của/ĐNQATV) như bây chừ (bây giờ), răng chừ (làm sao bây giờ), biết răng chừ (biết làm sao bây giờ), chừ chừ (đương lúc bây giờ, nội bây giờ). Chừ chữ Nôm trong tự điển Béhaine (1772/1773)/Taberd (1838) dùng chữ giờ . Các cách dùng ĐNQATV ghi nhận đã từng hiện diện trong tự điển Taberd (1772/1838). Cùng một năm (1898) nhưng tự điển Vallot xuất bản ở Hà Nội không thấy ghi dạng thời so với tự điển Génibrel xuất bản ở Sài Gòn. Trương Vĩnh Ký không thấy ghi nhận dạng thời trong tự điển năm 1884: temps (thì giờ), temporiseur (kẻ chờ thì). Tiếng Mường (Bi) có các cách dùng đáng chú ý: chǔa chỉ thời gian trong quá khứ như chǔa tlước là thời trước; chừ là một cách tính toán trên đốt ngón tay để xem ngày giờ và các sự việc xẩy ra; thì dờ hay thời dờ, v.v.

4.4 Giây là một biến âm của thì

Chữ Nôm giây (đơn vị thời gian) thường gặp là dùng chữ Hán chi 之 như từng hiện diện trong tự điển VBL (ghi là gêy, một gêy ~ một khoảng thời gian ngắn), tự điển Béhaine (1772/1773)/Taberd (1838) ghi là một giây: unum momentum/L ~ một khoảng thời gian ngắn, không xác định là bao lâu) và Aubaret (1867). VBL trang 611 ghi chữ phút là một khoảng thời gian rất ngắn như một chớp mắt, thành ra tiếng Việt còn dùng cụm danh từ giây phút để chỉ một khoảnh khắc, một thời gian nhỏ. Nên nhắc lại là giây và phút vào thời VBL không có nghĩa chính xác như hiện tại. Hiện nay giây là đơn vị quốc tế chính thức[21] của thời gian (International unit of time).

clip_image032

Béhaine/1772-1773, Taberd/1838, Aubaret/1867 – chữ Nôm.

Cho đến đầu TK 20, seconde (tiếng Pháp) thường dịch ra tiếng Việt là giây, phút hay giây phút cũng như moment/P – bây giờ thì nghĩa chính xác là một giây (1/60 của phút).

Tương quan thì – chi – giây không ngạc nhiên cho lắm khi ta biết thành phần hài thanh từng là chi trong quá trình hình thành chữ thì (xem phần trên) – hãy so sánh

chỉ       紙 giấy

chí       chấy (con chí)

chi       giây

thì        cháy (cá cháy – thì ngư, thì viết bằng bộ ngư 鰣 hay )

trĩ         trãi

di thể 洟 di > dãi (nước dãi) VBL ghi là dải (dấu hỏi), xem thêm dạng giây chữ Nôm (câu 1690, Truyện Kiều): dùng bộ mịch 糸 + chữ di 夷, thường dùng để chỉ (sợi) dây ~ giây

phi bay (nguyên âm nhỏ trước i – nguyên âm lớn sau/đôi ay)

mi mày

ni  này

si  say

vị  vai

vi  vây

thị  thấy

thi  thây

*si sư     sãi/thầy

quy quay

v.v.

Chữ giây (trong từ ghép giây phút) xuất hiện 1 lần trong truyện Kiều

出神丿渚殘香

‘Xuất thần giây phút chưa tàn nén hương…’ (câu 1690 – bản Kiều 1872).

Như vậy ta có thể thấy thì và các dạng thời, giờ, giây có phạm trù nghĩa khá rộng và thay đổi theo thời gia và văn cảnh. Nghĩa cổ đại của thì là mùa hay ba tháng (td. tứ thì/TVGT ~ bốn mùa), nét nghĩa mở rộng chỉ thời đại như cách dùng thời Nguyễn, thời Trần, thời xưa, thời nay… Nét nghĩa của thì cũng càng ngày càng thu hẹp và chính xác hơn từ một khoảng thời gian bằng hai giờ, một giờ (hiện nay) cho đến một giây là 1/3600 của một giờ[22]. Ngoài ra, thời còn có nghĩa là vận (thời vận) trong cuộc sống như trong các cách dùng gặp thời, có thời, lỡ thời, theo thời, v.v. Nét nghĩa thâm trầm của thì/thời còn được ghi nhận bởi học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần trong cuốn[23] "Dịch học tinh hoa" (1973, chương 4.1) rằng ‘… Chu Dịch nhất bộ thư, khả nhất ngôn, nhi tế chi viết thời: toàn bộ Chu Dịch có thể tóm một lời là chữ Thời mà thôi…’. Học giả Lê Quý Đôn cũng nhắc đến điều trên về đạo Dịch (Vân Đài Loại Ngữ, trang 66 sđd). Hình vẽ bên dưới tóm tắt các nét nghĩa này:

clip_image034

Tóm lại, VBL và PGTN đã cung cấp một số dữ kiện quan trọng về tiếng Việt vào TK 17 qua các cách dùng canh, cầm canh, trống một, trống hai, nhà điếm/tuần điếm, nhà dỏ, trắc ảnh, địa bàn xem giờ. VBL cho ta thông tin về một ngày có 12 giờ gọi theo tên 12 con giáp, và một giờ ta bằng hai giờ đồng hồ tây phương. Tên năm là kết hợp của tên thiên can và tên thập nhị chi để cho một chu kì là 60 năm (lục thập hoa giáp). Các giáo sĩ thời VBL cũng dùng giờ ta trong khi soạn tài liệu bằng chữ Nôm hay chữ quốc ngữ, phản ánh phần nào sự cố gắng hoà đồng với văn hoá bản địa để cho dễ trao đổi (và dĩ nhiên dễ truyền giáo hơn). Khuynh hướng thay đổi nghĩa phản ánh rõ nét qua cách dùng nhà điếm (nơi canh gát, cầm canh) đã trở thành nhà đĩ (tiêu cực) cũng giống như một số cách dùng khác như nồng nàn có nghĩa là xấc xược/hỗn láo (tiêu cực ~ dễ ngươi/VBL) nhưng bây giờ thì hàm ý tích cực (td. tình yêu nồng nàn); mực tàu (dụng cụ tạo đường thẳng bằng dây và mực vào thời VBL), sinh thì/thời (qua đời, chết chứ không phải khi còn sống… Một số cách dùng đã không còn hiện diện trong tiếng Việt hiện đại như nhà dỏ (~ điếm canh), địa bàn xem giờ. Vấn đề trở nên phức tạp hơn nữa khi các biến âm tự nhiên của ngôn ngữ giao thoa với các sắc lệnh kị huý từ các triều đại khi cầm quyền: trường hợp chữ thì cho thấy dạng thời[24] (chữ quốc ngữ) bắt đầu xuất hiện trong hậu bán TK 19 vì kị huý tên vua Tự Đức tuy không hoàn toàn thay thế dạng thì. Hi vọng bài viết nhỏ này gợi ý cho người đọc tìm hiểu sâu xa và chi tiết thêm để có thể khám phá ra nhiều kết quả thú vị trong tiếng Việt.

5. Tài liệu tham khảo chính

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu “Dictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).

2) Philiphê Bỉnh (1822) “Sách Sổ Sang Chép Các Việc” NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.

(1822) “Phép Giảng Tám Ngày”, “Truyện nước Anam Đàng trong quyển nhị”. Các tài liệu viết tay khác của chính tác giả còn lưu trữ trong thư viện tòa thánh La Mã.

3) Huỳnh Tịnh Của (1895-1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II – Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d’Adran (SaiGon).

4) Lê Quý Đôn (1776) "Phủ biên tạp lục" dịch giả Ngô Lập Chí (Trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội – Khoa Xã Hội -1959). "Vân Đài Loại Ngữ" Trần Văn Giáp biên dịch và khảo thích, Trần Văn Khang làm sách dẫn, Cao Xuân Huy hiệu đính và giới thiệu – NXB Văn Hoá Thông Tin (in năm 2006).

5) J. F. M. Génibrel (1898) “Dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

6) Nguyễn Quang Hồng (2015) “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

7) Giêrônimô Maiorica (thế kỉ XVII) “Mùa Ăn Chay Cả”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển thượng”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển trung”, “Đức Chúa Giê-Su – Quyển chi cửu & Quyển chi thập” (ĐCGS), “Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh”, “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông” (TCTGKM), “Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh – Quyển thứ ba”, “Các Thánh Truyện” (CTTr) từ tháng giêng đến tháng mười hai … Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003, LM Nguyễn Hưng).

8) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

“Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646” dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

9) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale) và cuốn tự điển La Tinh – Việt (Dictionarium Latino-Annamiticum – completum et novo ordine dispositum – 1838).

10) J. S. Theurel (1877) “Dictionarum Anamitico-Latinum” LM Theurel ghi nhận LM Taberd khởi thảo và ông cố tình ‘bổ sung’ ngay trong cách giới thiệu trang đầu, (td. hàm ý các cách dùng Đàng Ngoài khác với Đàng Trong/NCT) – Ninh Phú (Đàng Ngoài).

11) Nguyễn Cung Thông (2021) Loạt bài viết như "Tiếng Việt từ thế kỉ 17 – từ Luận Phép Học đến Khoa Học (phần 27)", “Tiếng Việt từ TK 17: thợ dào, thợ rèn, thợ máy … dộng chúa (phần 30)” (NCT: đặc biệt về tương quan đ – d như đao dao, đã dã …) có thể tham khảo toàn bài trên trang này chẳng hạn https://nghiencuulichsu.com/2021/06/17/tieng-viet-tu-tk-17-tho-dao-tho-ren-tho-may-dong-chua-phan-30/; "Tản mạn về từ Hán Việt thời – thì" (2013) trên trang này http://e-cadao.com/ngonngu/tanmantuhanvietthoithi.htm, v.v.

12) Pierre-Gabriel Vallot (1898) “Dictionnaire franco-tonkinois illustré” NXB F.H. Schneider (Hà Nội).

(1905) “Grammaire Annamite à l’Usage Des Français de l’Annam Et Du Tonkin” Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider, HaNoi.

Phụ Trương

1. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT) viết về thời vua Lê Cung Hoàng (1522-1527) – trích từ trang https://www.nomfoundation.org/nom-project/history-of-greater-vietnam/Search-History-of-Greater-Vietnam?uiLang=en :

五 月 初 一 日 司 天 奏 日 食 不 驗 初 五 日 頒 扇 御 制 周 公 輔 成 王 詩 祐 命 周 家 實 自 天 勤 勞 佐 治 任 仁 賢 . [67a*4*1]

Ngũ nguyệt, sơ nhất nhật, Tư Thiên tấu nhật thực bất nghiệm Sơ ngũ nhật, ban phiến ngự chế Chu Công phụ Thành Vương thi: Hựu mệnh Chu gia thực tự thiên, Cần lao tá trị nhiệm nhân hiền [Tháng 5, ngày mồng 1, Tư Thiên tâu có nhật thực nhưng không đúng. Ngày mồng 5, ban quạt, vua làm bài thơ Chu công giúp Thành Vương như sau: Hựu mệnh Chu gia thực tự thiên, Cần lao tá trị nhiệm nhân hiền.]

Tư thiên là môn tính toán (toán pháp), do đó quan tư thiên coi về phép làm lịch, chọn ngày tốt xấu, báo giờ để định mùa vụ cho nhân dân, nhật nguyệt thực… VBL trang 839 ghi nhận sự kiện này. Tư thiên giám (thuộc bộ Lễ) sau này trở thành Khâm thiên giám, đây là một phần thêm vào (cập nhật) tự điển Béhaine (1772/1773) của Taberd khi chép lại và cho in cuốn tự điển Dictionarium Anamitico-Latinum, primitus inceptum ab illustrissimo (1838).

clip_image036

VBL trang 839

Ngoài ra, ĐVSKTT cũng dùng khắc (đơn vị thời gian) 9 lần cho thấy vào TK 17, danh từ này khá phổ thông, tuy nhiên lại không được VBL ghi lại. Ba thí dụ điển hình như

1) 時 漏 下 三 皷 上 皇 睡 熟 驚 起 以 為 賊 范 御 营 . [17b*8*5]

Thời lậu hạ tam cổ, Thượng hoàng thuỵ thục, kinh khởi dĩ vi tặc phạm ngự doanh [Bấy giờ đồng hồ đã trống ba, Thượng hoàng đang ngủ say, giật mình tỉnh dậy, tưởng là giặc đánh vào dinh]. Cách dùng lậu cho thấy cung thành VN đã dùng đồng hồ nước, tam cổ là trống ba dựa theo giải thích của VBL – hay còn là canh ba thường gặp tục ngữ ca dao.

2) 八 月 十 六 日 夜 五 更 初 刻 月 食 全 分 . [10a*3*1]

Bát nguyệt thập lục nhật dạ ngũ canh sơ khắc nguyệt thực toàn phần [Tháng 8, ngày 16, khắc đầu canh năm có nguyệt thực toàn phần.]. Đây là lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong ĐVSKTT cho thấy hệ thống năm canh của ban đêm. Nguyệt thực[25] chỉ xẩy ra vào ban đêm, ngoài ra thời gian nguyệt thực toàn phần kéo dài từ 30 phút đến hơn một tiếng đồng hồ. Điều này phù hợp với khoảng thời gian (sơ khắc ~ giờ đầu) của canh năm trong sự kiện trên.

3)二 十 一 日 巳 時 有 雙 虹 赤 白 彎 入 日 中 一 刻 始 散 . [30b*5*17]

Nhị thập nhất nhật, Tị thì, hữu song hồng, xích, bạch, loan nhập nhật trung, nhất khắc thuỷ tán [Ngày 21, giờ Tị, có hai cái mống, một cái đỏ, một cái trắng vòng vào mặt trời, một khắc mới tan.]. Mống hay cầu vồng thường xuất hiện vào buổi sáng khi nhiệt độ thấp và có nhiều hạt nước trong không khí (so với ban trưa). Như vậy giờ Tị (từ 9 đến 11 giờ sáng) có điều kiện nhiệt và ẩm độ để dễ tạo ra mống; mống đỏ và trắng có lẽ là cầu vòng đôi: một sáng và một mờ hơn (màu nhạt). Thời gian nhìn thấy mống là một khắc (15 phút) cũng hợp lí.

2. Học giả Lê Quý Đôn trong Vân Đài Loại Ngữ đã dành nguyên một chương (chương II – Hình Tượng, 38 điều) viết về mặt trời, chiều dài bóng mặt trời ở các địa phương, mặt trăng, thuỷ triều, phép tính ngày/giờ/năm, lịch… Tuy nhiên lại không có ghi chi tiết rõ ràng nào về các cách dùng này trong tiếng Việt vì đa phần dựa vào tài liệu Hán cổ (td. so với VBL chẳng hạn). Vài nhận xét của ông đáng chú ý như "… Đến đời Lương Vũ đế cho ngày đêm có 100 khắc đem phân phối cho 12 giờ, mỗi giờ 8 khắc thì có phần thừa, nên chỉ lấy 96 khắc cho cả ngày lẫn đêm… Đến năm Đại Đồng thứ 10 (năm 544) lại đổi làm 108 khắc… Đến đời Trần lại phục hồi phép cổ cả ngày lẫn đêm là 100 khắc…" trích trang 99-100; "… Sách người Tây Dương ra đời sau hết, thuyết của họ lại ly kỳ. Những người Tây Dương ấy đi đường biển mười vạn dặm mới đến Trung Quốc, họ lịch duyệt đã nhiều, đo lường lại tinh, cho nên người Trung Quốc đều dốc lònh tin, không ai dám chê cả" trang 95 – 96, Vân Đài Loại Ngữ (sđd). Các tác giả Sôma, Mitsuru; Kawabata, Kin-aki; Tanikawa, Kiyotaka trong bài viết "Units of Time in Ancient China and Japan" còn ghi 1 ngày có lúc bằng 120 khắc[26]. Điều này cho thấy có sự khác biệt về giá trị thời gian của đơn vị khắc, điều này còn thể hiện trong tiếng Việt khi khắc có thể là 1/4 giờ đồng hồ (~ 15 phút) hay có thể là 2 giờ 20 phút. Có lẽ vì thế nên VBL không ghi mục khắc cho đến thời Béhaine (1772/1773) mới ghi khắc là 1/4 giờ.

3. Nam Quốc phương ngôn tục ngữ bị lục (Quan văn Đường tàng bản, khoảng 1914). Đầu TK 20, thì (âm đọc, chữ quốc ngữ) chữ Nôm viết là thìn "…Giời phật thì ở trên mây, nhiều tiền đong đầy ít tiền đong vơi… Thì buổi nào theo kim cương ấy…” trích từ trang 南國方言俗語備錄 • Nam quốc phương ngôn tục ngữ bị lục • Page 5 (nomfoundation.org)

clip_image038

4. Vài chi tiết về phép tính giờ của An Nam – trích từ cuốn Manuel de conversation française-annamite. Saigon: Imprimerie de la Mission, 1911. Cuốn này in lại nhiều lần.

clip_image040

clip_image042

5. Địa bàn xuất hiện hai lần trong VBL: ở mục địa và mục bàn. Địa bàn 地盤 bây giờ ít ai dùng để chỉ la bàn 羅盤 như vào các TK trước (VBL/1651, Béhaine/1772-1773, Taberd /1838, Trương Vĩnh Ký/1886, Huỳnh Tịnh Của/1895, Valot/1898… Còn gọi là la kinh, la canh 羅經, 羅庚 hay kim chỉ nam, v.v.

clip_image044

VBL trang 23

clip_image046

VBL trang 220, địa bàn nằm trong mục địa lí.

clip_image048

Tự điển Bồ Việt chép tay (cuối TK 18) chụp lại từ Thư Viện Toà Thánh La Mã – mã số borg.tonch23. Hầu như chép tay lại hoàn toàn mục tiếng Bồ và tiếng Việt từ VBL: tài liệu này ghi địa bàn nhưng thêm cách dùng kim nam châm.

6. Chữ thì xuất hiện 6 lần trong truyện Kiều của Nguyễn Du

淡仙娘意羅歌兒

Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi

浽名才色期

Nổi danh tài sắc một thì (kì)

吨嗃外劎之燕鸚

Xôn xao ngoài cửa kém gì yến anh  

Câu 62/63/64 truyện Kiều, bản Liễu Văn Ðường, Nghệ An – 1866) – trích từ trang http://nomfoundation.org/nom-project/tale-of-kieu/tale-of-kieu-version-1866 .

Cách gieo vần nhi/thì/gì trong hai câu trên phù hợp với các vần chi/thì/về (câu 1766/1767/1768) đi/gì/thì (câu 2161/2162/2163, câu 3047/3048) thì/quy/kia (2842/2843/2844) thì/đi/chi (câu 3076/3077/3078) – nhớ rằng vần -ời xuất hiện rất nhiều lần trong truyện Kiều như đời/lời/người (câu 1166/1167/1168), người/rời/trời (câu 594/595/596), v.v.  Điều này cho thấy âm thời không phổ biến trong bản Kiều (này) và thời gian soạn có thể trước khi vua Tự Đức băng hà (1883) hay trước khi lệnh kị húy thứ tư của vua Tự Đức (1861).


[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@gmail.com

[2] Thành ngữ bốn chữ Hán: 晨鍾暮鼓 ~ 朝鐘暮鼓 ~ 夕鼓晨鐘 thần chung mộ cổ, triêu chung mộ cổ, tịch cổ thần chung đều gợi ý dùng chuông và trống để báo hiệu, cảnh tỉnh…

[3] Tham khảo thêm bài viết "Vài suy nghĩ về thời gian trong văn hoá" cùng tác giả/NCT, đặc biệt về tư duy tổng hợp (Việt Nam) so với tư duy phân tích (tây phương) trên mạng như trang này chẳng hạn https://cvdvn.files.wordpress.com/2018/04/vc3a0i-suy-nghc4a9-ve1bb81-the1bb9di-gian-trong-vc483n-hoc3a1.pdf

[4] Các ngôn ngữ tây phương không có danh từ đặc biệt chỉ ngày đầu một năm mới: td. New year’s day/A ~ Jour de l’an/P; nhưng ngày 25 tháng 12 lại có tên riêng như Nativity, Noel, Christmas day/A ~ le jour de Noël/P (đây mới là truyền thống ngày ‘tết’ của Âu Châu thời trước, cho thấy ảnh hưởng của đạo Thiên Chúa).

[5] Béhaine (1772/1773) còn ghi các cách dùng dỏ ~ điếm dỏ (điếm canh), canh dỏ (canh điếm), Taberd (1838) chỉ ghi hai mục dỏ và điếm dỏ so với Theurel không thấy dùng dạng này (chỉ ghi ở phần Phụ Lục). Vào thời VBL, dỏ cũng đọc như nhỏ – thành ra nhà dỏ có thể là nhà nhỏ (cũng gần nghĩa) so với chòi, tuy khả năng khá thấp vì nhỏ (không lớn) chữ Nôm viết là nhũ HV 乳 hay (thêm chữ tiểu vào cho rõ nghĩa) so với dỏ (nhà điếm) chữ Nôm là đỗ/đổ HV 杜. Không thấy dùng dỏ, nhà dỏ trong tiếng Việt hiện đại.

[6] "Dictionnaire annamite-français: langue officielle et langue vulgaire" Tome Premier A-M: tác giả Jean Bonet, NXB Imprimerie Nationale (Paris, 1899).

[7] Hình chụp lại từ bản điện tử/thư viện Toà Thánh La Mã – mã số borg.tonch8

[8] Cụ Huỳnh Tịnh Của cũng ghi điếm (tiệm, quán) là 店 so với điếm (chỗ canh giờ) là 坫 (ĐNQATV).

[9] Có thể vết tích của dỏ là cách dùng dòm dỏ (dòm giỏ/ĐNQATV) như trong Truyền Kỳ Mạn Lục – tuy nhiên dỏ chữ Nôm viết là 諸 có khác với chữ đỗ/đổ 杜 nên cần phải tìm hiểu thêm nữa.

[10] Td. đầu tháng 1 năm 2024, mặt trời lặn trong khoảng thời gian từ 6 giờ tối đến khoảng 7 giờ tối trên Biển Đông (‘South China Sea’). Như vậy là canh 1 còn phù hợp với sự vận hành của mặt trời cho đến nay.

[11] Hoài Nam Tử thời Tây Tấn còn ghi một thuyết cho rằng một ngày gồm 15 giờ (thời thần).

[12] Theo bài viết rất chi tiết so sánh phép tính thời giờ ở Trung Hoa và Nhật Bản thời trước: "Units of Time in Ancient China and Japan" các tác giả Sôma, Mitsuru; Kawabata, Kin-aki; Tanikawa, Kiyotaka (25/10/2004) – tham khảo trên trang này https://academic.oup.com/pasj/article/56/5/887/2948928?login=false

[13] Gọi là khắc vì sau một khắc thì cắt (khắc, chạm) dấu vào trắc ảnh (nhật quỹ) hay lâu khắc (đồng hồ nước).

[14] Phản ánh phần nào tư duy/truyền thống tây phương "thời giờ là tiền bạc" (time is money/A).

[15] Tục ngữ Trung Hoa còn có câu 一更人,二更鑼,三更鬼,四更賊,五更雞  “nhất canh nhân, nhị canh la, tam canh quỷ, tứ canh tặc, ngũ canh kê ” đại ý là canh một con người sửa soạn hoàn tất công việc, canh hai tiếng thanh la cho biết giờ ngủ, canh ba là thời hắc ám của ma quỷ ra mặt, canh tư là khi đạo tặc ra mặt (khi con người đã yên giấc ngủ), canh năm là khi gà gáy đánh thức người ta bắt đầu ngày mới. Ta thấy con người có đóng góp trong hoạt động cầm/giữ canh (đánh thanh la) cũng như loài vật (gà gáy).

[16] Tham khảo bài viết và kết quả thí nghiệm "Circadian clock determines the timing of rooster crowing" các tác giả Tsuyoshi Shimmura/Takashi Yoshimura thuộc đại học Nagoya (2013), trang này chẳng hạn https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0960982213001863, v.v.

[17] Nhưng mục tí, tuất lại ghi cách dùng giờ tí/tuất, ngày tí/tuất, tháng tí/tuất – phản ánh vết tích của cách dùng thập nhị chi để gọi tên tháng (cũng như Trung Hoa, Nhật Bản).

[18] Không thấy VBL/PGTN dùng danh từ la bàn 羅盤 hay kim chỉ nam (chỉ nam châm 指南針) mà chỉ dùng địa bàn 地盤. Cách dùng địa bàn xem giờ (horologium solare/L – VBL) có lẽ để phân biệt với địa bàn xem hướng (la bàn) ~ pixis nautica/L (VBL, hàm ý la bàn cho đi biển). Định nghĩa của hai dụng cụ này hoàn toàn khác hẳn trong tiếng La Tinh (hay tiếng Anh, Pháp…), nhưng VBL lại dùng danh từ địa bàn trong tiếng Việt, có lẽ vì cấu trúc của chúng có phần giống nhau như thiết kế bàn tròn, tên phương hướng và giờ cùng dựa vào tên thập nhị chi: ngọ ~ hướng chính nam, dậu ~ hướng chính tây, tý ~ hương chính bắc, mão ~ hướng chính đông.

[19] Nhật quỹ 日晷 dùng vào ban ngày (dựa vào ánh sáng mặt trời) đã từng được tìm thấy vào đời Tần và Hán, ngoài ra còn có nguyệt quỹ 月晷 dùng vào ban đêm dựa vào ánh sáng từ mặt trăng.

[20] Kị huý không những là ác mộng cho các thế hệ sĩ tử cùng thời, mà còn làm cho các nhà nghiên cứu về tiếng Việt thời sau bối rối: vì sự thay đổi không đồng nhất từ thời gian (lịch đại) đến không gian (đồng đại, phương ngữ), chữ viết (td. bỏ nét, đổi chữ) so với âm đọc, cùng ảnh hưởng của khuynh hướng chính trị/lịch sử, v.v.

[21] Giây kí hiệu là s (tắt của chữ second) và là khoảng thời gian bằng 9 192 631 770 lần chu kỳ của bức xạ điện từ phát ra bởi nguyên tử Cs133 (nguyên tố Cesium) khi thay đổi giữa hai mức năng lượng đáy siêu tinh vi.

[22] Đa phần là ảnh hưởng của giao lưu văn hoá tây phương, tuy nhiên quán tính của tư duy truyền thống về thời gian vẫn còn thể hiện qua hiện tượng ‘đồng hồ giây thun’ khi đi ăn đám cưới, tụ họp bè bạn/gia đình, lễ hội…

[23] Chu Dịch Tinh Hoa in lần đầu năm 1973 – năm 2019 NXB Trẻ in cuốn DỊCH HỌC TINH HOA, CHU DỊCH HUYỀN GIẢI trong quá trình khôi phục lại tủ sách của học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần.

[24] Nếu dùng chữ Hán thì phải tránh viết chữ thì nguyên dạng – như bớt/bôi nét, hay viết tự 序 (cùng nghĩa là mùa) hay viết thìn 辰 (cùng nghĩa là giờ và cận âm) thay vì thì 時, v.v. Tham khảo bài viết "Giới thiệu văn bản Tuần Cai biệt thự hợp tập – Hợp tập thơ văn của Thụy Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y (1833 -1877)" của tác giả Phùng Minh Hiếu, hay “Nghiên cứu chữ huý trên các văn bản Hán Nôm” tác giả Ngô Đức Thọ, v.v.

[25] Tham khảo thêm chi tiết trong các bài viết của tác giả Akira Okazaki như "Solar and Lunar Eclipse Records in Vietnamese Historical Sources —From Ancient Times through 18th Century" (2021), "Two Aspects of Solar and Lunar Eclipse Records in Vietnamese Historical Sources", "Lunar Eclipse Records in the Vietnamese Historical Source Đại Việt Sử Ký Toàn Thư" (2014)…

[26] Có thể là vào thời Hán Ai Đế, nhưng đến cuối thời Minh và đầu thời nhà Thanh thì 1 ngày là 96 khắc cho phù hợp với 24 giờ đồng hồ (ảnh hưởng của tây phương qua các giáo sĩ truyền đạo): 1 khắc = 15 phút chẵn.

Comments are closed.