Tiếng Việt từ TK 17: Cách dùng đặc biệt a phien – a phiền – a phiện – á phiên – nhã phiên – nha phiến (phần 40B)

 Nguyễn Cung Thông[1]

 

Phần này tiếp theo phần 40, bàn thêm về cách dùng á phiện thời VBL (ap hien, trang 12):

clip_image002

VBL trang 12

Các chữ viết tắt trong bài NCT (Nguyễn Cung Thông), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), LM (Linh Mục), VBL (từ điển/tự điển Việt Bồ La), HV (Hán Việt). Nội dung phần này lấy từ các trao đổi với GS TS Nguyễn Thị Hai và TS Huỳnh Thị Hồng Hạnh (Trưởng Khoa Ngôn ngữ học ĐHTH TPHCM) về cách viết ap hien trong VBL (11/2023). Tuy đã hiện diện lần đầu tiên qua dạng con chữ La Tinh/Bồ, người viết (NCT) chưa từng đọc thấy dạng này qua quá trình tra cứu và rà soát cho đến nay (11/2023); người viết cũng đồng ý với GS Hai về khả năng rất thấp của dạng này trong tiếng Việt với vài nhận xét tóm tắt như sau:

1. Một số Thầy cả Việt Nam vào cuối TK 18, đầu TK 19 có chép tay phần Việt và Bồ của VBL. Có lẽ các vị này muốn trao dồi tiếng Bồ vì sẽ đến Bồ Đào Nha với sứ mạng đặc biệt (td. xin vua Bồ Đào Nha gởi Linh Mục dòng Tên /Jesuit chính thức sang truyền đạo ở VN như vào thời kì đầu), như trường hợp LM Philiphê Bỉnh. Các tài liệu chép tay này cung cấp một số thông tin thú vị về tiếng Việt ở Đàng Ngoài vào cuối TK 18 và đầu TK 19, và cho ta cơ sở so sánh với các tài liệu cùng thời ở Đàng Trong như tự điển của Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838).

LM Philiphê Bỉnh (1759 -1833) đã chép tay phần Việt và Bồ trực tiếp từ VBL, tuy nhiên ông không ghi ap hien như VBL mà đã hiệu đính lại thành a phiền rất rõ nét (để ý cùng âm điệu bằng – thanh ngang và thanh huyền):

clip_image004

Trích từ https://digi.vatlib.it/view/MSS_Borg.tonch.8

 

Một tự điển Việt Bồ chép tay khác cùng thời (cũng chép lại từ VBL) ghi a phiền (phần Việt) và amfiăo (phần Bồ):

clip_image006

Trích từ https://digi.vatlib.it/view/MSS_Borg.tonch.23

Cũng một tự điển Việt Bồ chép tay khác cho ta thấy người soạn bắt đầu viết là Á phiên, nhưng sau sửa thành Áp hiên theo kiểu VBL – phản ánh phần nào tính cách (phản xạ) tự nhiên của người nói tiếng Việt (bản địa) nhưng sau lại xoá phụ âm p- của ph- để ráp vào âm tiết thứ nhất A, tuân theo luật sao chép lại VBL cho ‘chính xác’:

clip_image008

Trích từ https://digi.vatlib.it/view/MSS_Borg.tonch.26

 

2. Dạng ph- được dùng để kí âm /f/ lần đầu tiên trong tiếng Việt, thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, nên khó có khả năng tách ra làm hai phụ âm p- và -h như trong các loại hình ngôn ngữ khác (chắp dính, hoà kết), nhất là khi sắp chữ để in. Điều này còn phản ánh phần nào trong các cách kí âm tiếng ngoại quốc (td. thuật ngữ CG, thuật ngữ PG) bằng chữ Nôm vào TK 17 như

A men (< Amen) có thể viết là 亞綿 (á miên HV), 阿綿 (a miên HV), 亞明 (á minh HV)… Không thấy dùng âm am 諳 hay áp 壓 cho vần đầu chẳng hạn

A dong (< Adam) 阿容 A dung hay Á Đang 亞當 hay Á/Ách Đang 啞噹 (Matteo Ricci)

A Vê Ma Ri A (< Ave Maria) 亞 (亜為) 瑪 移 亞

v.v.

Theo truyền thống kí âm các thuật ngữ PG, chữ/vần a 阿 cũng thường gặp như

A Di (< Ami) 阿夷

A Di Đà Phật (< Amita-buddha) 阿彌陀佛

A Hàm (< Agama) 阿含

A La Hán (< Arhat) 阿羅漢

A Dục Vương (< vua/vương Asoka) 阿育王

Á Lịch Sơn Đại (< Alexander) 亞歷山大

A Nan (< Ananda) 阿難

A tăng kì (< Asaôkhya) 阿僧祇

A Tu La (< Asura) 阿修羅

A xà lê (< ācārya) 阿闍棃

v.v.

Không thấy dạng kí âm nào dùng ap: có vài trường hợp âm đầu kí âm là át hay am như át già 閼伽 (< argha/Phạn nghĩa là công đức, còn có các dạng a già, át ca, át la già 阿伽、遏伽、遏迦、遏囉伽) hay am ba la 庵波罗 (< amra/Phạn nghĩa là trái xoài, tục truyền là do pháp sư Huyền Trang[2] đời Đường đem về Trung Hoa từ Thiên Trúc/Ấn Độ), Đại Nam Quốc Ngữ (khảo/phiên/dịch/chú Lã Minh Hằng, Viện Nghiên Cứu Hán Nôm 2013) còn cho thấy dạng am la 菴蘿 là quả muỗm[3] – xem thêm Phụ Trương mục 3.

 

3. Sống trong một môi trường mà ngôn ngữ Ấn Âu chi phối, người viết (NCT) thấy dạng a phiền (chữ quốc ngữ) và dạng amfiăo (Bồ – VBL trang 12) rất đáng chú ý: á phiện tiếng Hi Lạp/La Tinh/Anh/Pháp/Đức/Nga là opium với nguyên âm đầu tròn môi /o/ so với dạng a phiến với âm tiết đầu là nguyên âm không tròn môi/lớn /a/.

Tương tự như các dạng bụt và phật[4] nhập vào tiếng Việt qua các ngôn ngữ Phạn và Hán và vào các thời kì khác nhau, opium và amfiăo cũng là hai dạng đã để lại dấu ấn trong hầu hết các ngôn ngữ lớn trên thế giới. VBL đã cho ta thấy tiếng Bồ Đào Nha (trung cổ) từng dùng dạng amfiăo (người viết gọi là mô hình A), so với cách dùng khác hơn (td. tự điển Bồ) là opio (so với tiếng Ý oppio, người viết gọi là mô hình B) vào khoảng một TK sau đó – xem hình chụp tài liệu bên dưới soạn bởi tác giả Anthony Vieyra:

clip_image010

 

Tự điển Bồ – Anh (1773): vào thời LM Philiphê Bỉnh thì á phiện tiếng Bồ là opio so với dạng amfiăo (và affion, anfion trong tài liệu của Henry Yule – xem Phụ Trương 2).

clip_image012

Anthony Vieyra[5]/1805 – trích từ https://purl.pt/17181/4/

 

Đa số các tài liệu tiếng Bồ từ TK 18 hầu như dùng dạng opium thay vì amfiăo cho thấy ngữ hệ Ấn Âu đã chiếm ưu thế – thử so sánh các cách gọi á phiện trong ngôn ngữ như

(mô hình A) afiun (tiếng Ả Rập, Iran/Persian/Ba Tư…), afyon (tiếng Thổ Nhĩ Kì), afeem अफ़ीम (tiếng[6] Ấn/Hindi, Urdu…), tiếng Sri Lanka abim අබිං… Tiếng Hán trung cổ a phù dung[7] – a phiến – nha phiến 阿芙蓉 – 阿片 – 片. Đây không kể đến khả năng đơn âm hoá (mất âm tiết thứ nhất a) như tiếng Thái fin ฝิ่น, tiếng Myamar bhein ဘိန်း, tiếng Chứt, Thavung fin (phin), tiếng Việt (thuốc) phiện so với (thuốc) á phiên, tiếng Khme cũng có hai dạng đa âm tiết ញៀនអាភៀន ɲiən ʔaapʰiən  (nghiện á phiện) so với dạng Ɂphɪːn (Surin Khmer).

(mô hình B) opium (tiếng Anh, Pháp, Đức, Tiệp, Nga, Romanian, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, La Tinh/gốc Hi Lạp ὄπιον (ópion)…

Từ bảng liệt kê trên, ta có thể hình dung con đường mà danh từ á phiện đã nhập vào tiếng Hán và tiếng Việt qua mô hình A, cũng như một số ngôn ngữ đã thay đổi mô hình trong lịch sử hình thành như tiếng Bồ chẳng hạn (mô hình A > mô hình B).

Mô hình A giải thích được tại sao tiếng Việt lại dùng dạng (nh)a phiến/phiên/phiền/phiện, tiếng Hán: Bản Thảo Cương Mục (1578) của học giả Lí Thì Trân 李时珍 (1518-1593) mục A Phù Dung 阿芙蓉 ghi thêm các cách gọi[8] 鴉片 hay 阿片 (nha phiến hay a phiến) – xem chi tiết trong Phụ Trương 1.

clip_image014

Tự điển Taberd (1838) thêm a phiện, nhã phiên vào tự điển của Béhaine (1772/1773, không có mục này) – Đàng Trong. Một trong những cập nhật hiếm hoi của Taberd khi in lại tài liệu viết tay Béhaine!

clip_image016

Theurel (1877) – Đàng Ngoài

 

clip_image018

P. G. Vallot (1898) – Đàng Ngoài

 

clip_image020

Trương Vĩnh Ký (1884) – Đàng Trong

 

clip_image022

Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (Huỳnh Tịnh Của, 1895) – Đàng Trong. Ông đã ghi nhận khá chính xác về nguồn gốc chính của á phiện là ở Ấn Độ (Thiên Trúc) và cách dùng a phù dung từ Trung Hoa (ở Vân Nam).

 

4. Lại một cách kí âm dùng a 

Một loài cây xuất phát từ Trung Á, nhập vào Trung Hoa vào thời trung cổ, có tên là a nguỳ 阿魏. Thật ra âm HV phải đọc là a nguỵ, nhưng tiếng Việt thường gọi là a nguỳ (cùng âm điệu bằng – thanh ngang và thanh huyền) – so với cách gọi a phiền của LM Philiphê Bỉnh và các vị cùng thời. Dạng a nguỵ (nguỳ) được học giả Lí Thì Trân nhắc đến, cũng có tên gọi là a ngu, huân cừ, hi tích nê, ha tích nê (阿虞, 熏渠, 哈昔泥,哈昔泥) hay nguỵ khứ tật, ngũ thái nguỵ, xú a nguỵ (魏去疾, 五彩魏, 臭阿魏), v.v. Các dạng này cho thấy phần nào cách kí âm từ một tiếng đa tiết của một ngôn ngữ cổ. Theo một số tài liệu thì ngôn ngữ cổ đó là Tochari[9] (Tocharian tiếng Anh – khu vực trong vòng khoen đỏ của bản đồ bên dưới); loài cây có rễ (có mủ dùng làm thuốc[10]) có tên là aṅkwaṣ và a nguỵ là một dạng kí âm của tên gọi này. Điều đáng để ý là âm a được dùng cho âm tiết đầu, cũng giống như trường hợp của a phiến (á phiện). A phiến cũng dùng làm thuốc (dược thảo) trong thời kì đầu khi nhập vào Trung Hoa – tham khảo thêm chi tiết từ Bản Thảo Cương Mục về dược tính của a phiến trong phụ trương 1. Về dược thảo a nguỳ, Lí Thì Trân trích Đường Bản Thảo và nhận xét rằng[11] a (trong danh xưng a nguỳ) là tiếng của nước ngoài (di nhân) hàm ý kinh sợ vì loài này rất thối.

clip_image024

Khu vực từng nói tiếng Tochari cổ – trích từ trang https://web.cn.edu/kwheeler/IE_Centum_Tocharian.html

Tham khảo thêm chi tiết từ trang này chẳng hạn https://baike.baidu.com/item/%E9%98%BF%E9%AD%8F/1682798 hay https://zh.wikipedia.org/wiki/%E9%98%BF%E9%AD%8F, v.v.

clip_image026

Bản đồ phân bố của các ngôn ngữ Ấn Âu (Indo-European languages) – trích từ trang https://www.reddit.com/r/MapPorn/comments/gx2v9y/oc_map_of_the_main_indoeuropean_languages_in/

 

Tóm lại, người viết (NCT) đồng ý với nhận xét về khả năng rất thấp và khó chấp nhận của dạng ap (áp) hien trong tiếng Việt (VBL trang 12), so với các dạng khác hơn như (nh)a phiến/phiên/phiền/phiện, dù rằng dạng này từng xuất hiện trong VBL (in năm 1651). Ap hien có thể là một cách kí âm đặc biệt của LM de Rhodes hay là một lỗi xếp chữ Âu Châu trong quá trình sao chép và in ấn lại ở Roma. Một điều đáng nhắc ở đây là một dạng tương tự là app (hai phụ âm p, tắt của từ application) chỉ mới có mặt trong tiếng Việt trong những năm gần đây thôi. Cách kí âm và dùng như vậy rất hiếm, phần nào phản ánh thời Công Nghệ Thông Tin (CNTT), chỉ những ứng dụng hay chương trình phần mềm đơn giản hay miễn phí, nhất là cho máy tín và điện thoại cầm tay. Đây là một sản phẩm hiện đại từ CNTT, không thấy phương thức kí âm như vậy trong lịch sử hình thành tiếng Việt. Không những VBL cho ta nhiều thông tin quý báo về tình hình tiếng Việt, xã hội cùng lịch sử vào TK 17, tài liệu này còn cho ta dữ kiện đặc biệt về tiếng La Tinh, Bồ Đào Nha vào giai đoạn đầu khi các giáo sĩ Tây phương sang Đông Nam Á truyền đạo. Khi đọc các tài liệu liên hệ từ Bản Thảo Cương Mục hay các tác phẩm của học giả Henry Yule (xem phần Phụ Trương), ta sẽ thấy nhiều dữ kiện thú vị và đáng khai thác thêm nữa, tuy nhiên không nằm trong phạm vi bài viết này.

Phụ Trương

1. Bản Thảo Cương Mục – A phù Dung (tác giả Lí Thì Trân)

本草纲目 – 阿芙蓉  (时珍释名:阿片。俗作鸦片。气味:酸、涩、温、微毒。主治:

1、久痢。用阿芙蓉如小豆大小,每日空心服一次,温水化下。忌食葱蒜等物。

2、赤白痢下。用阿芙蓉、木香、黄连、白术各一分,共研为末,加饭做成丸子,如小豆大。每服壮者一分,老幼半分,空心服,米汤送下。忌食酸物、生冷、油腻、茶、酒、面。又方;罂粟花未开时,外有两片青叶包着。花开即落,收取研末。每服一钱,米汤送下。赤痢用红花的包叶,白痢用白花的包叶。

附方:阿芙蓉现已通称阿片或鸦片,普遍用为镇痛剂、止泻剂、催眠剂及镇静剂,常用于止前、止泻及镇咳。制剂有阿片粉、阿片流浸膏、阿片酊等

Bản thảo cương mục – a phù dung – thích danh: a phiến tục tác nha phiến 。 khí vị: toan、 sáp、 ôn、vi độc。 chủ trị:1、 cửu lị。 dụng a phù dung như tiểu đậu đại tiểu, mỗi nhật không tâm phục nhất thứ, ôn thủy hóa hạ。 kị thực thông toán đẳng vật。2、 xích bạch lị hạ。 dụng a phù dung 、 mộc hương、 hoàng liên、 bạch thuật các nhất phân, cộng nghiên vi mạt, gia phạn tố thành hoàn tử, như tiểu đậu đại。mỗi phục tráng giả nhất phân,lão ấu bán phân, không tâm phục, mễ thang tống hạ 。 kị thực toan vật、 sanh lãnh、 du nị、 trà、 tửu、 diện。 hựu phương ; anh túc hoa vị khai thì, ngoại hữu lưỡng phiến thanh hiệp bao trứ。 hoa khai tức lạc, thu thủ nghiên mạt。 mỗi phục nhất tiền, mễ thang tống hạ。 xích lị dụng hồng hoa đích bao hiệp, bạch lị dụng bạch hoa đích bao hiệp。phụ phương a phù dung hiện dĩ thông xưng a phiến hoặc nha phiến, phổ biến dụng vi trấn hống tề、 chỉ tả tề、 thôi miên tề cập trấn tĩnh tề, thường dụng vu chỉ tiền、 chỉ tả cập trấn khái。 chế tề hữu a phiến phấn、 a phiến lưu tẩm cao 、 a phiến đính đẳng.

Trích từ trang mạng http://zhongyibaodian.com/bcgm/afurong.html

2. Nguồn gốc của chữ opium (tiếng Anh) theo học giả Tô Cách Lan (Scottish) Henry Yule (1820-1889) với đóng góp của học giả Anh Arthur Coke Burnell… Trích từ cuốn “A glossary of colloquial Anglo-Indian words and phrases, and of kindred terms, etymological, historical, geographical and discursive” (NXB John Murray, Albemarle Street – London 1886). Tài liệu này ghi rằng á phiện nhập vào[12] Trung Hoa vào TK 9 qua dạng A-fu-dung (A phù dung/NCT) vì ảnh hưởng của tiếng Ả Rập… Có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như https://archive.org/details/hobsonjobsonbein00yuleuoft/page/640/mode/2up?view=theater

Tài liệu này chép lại các đoạn liên hệ đến á phiện từ các tài liệu cổ dựa vào thứ tự thời gian: Td. Vào năm 1516, tàu trên đường về Trung Hoa có ghé Sumatra (cảng Malacca) và Malabar – hồ tiêu họ dùng nhiều ở Trung Hoa, thuốc Cambay và nhiều thuốc anfiam, mà ta gọi là opium (á phiện/NCT)…” trích từ tài liệu của tác giả Duarte Barbosa, trang 206.

Td. Vào năm 1598: amfion là tên gọi opium (hay opio tiếng La Tinh ~ á phiện/NCT) của người Bồ Đào Nha, cũng giống như cách gọi của người Ả Rập, Hồi giáo, Ấn Độ… Người Ấn Độ thường dùng á phiện. Người nào dùng á phiện thì phải dùng hàng ngày, nếu không sẽ chết lần mòn… Như một người chưa từng dùng thuốc phiện, khi dùng nhiều như những người khác dùng hàng ngày, chắc chắn sẽ giết người đó trong tương lai (hàm ý bị nghiện ngập và đi đến chỗ thân tàn ma dại/NCT)” trích lại từ tác giả Linschoten (1596), trang 124. Để ý danh từ amfion tương ứng với dạng amfiăoŏ trong VBL và các tài liệu chép tay từ các Thầy cả dùng tiếng Bồ như Philiphê Bỉnh (xem các hình chụp bên trên).

3. Nguồn gốc danh từ mango (tiếng Anh/Đức/Ý/Nga/Ba Lan/Tây Ban Nha – tiếng Bồ là manga), mangue (tiếng Pháp) nghĩa là xoài so với tiếng Khmer ស្វាយ (svaay)… Xoài còn có một biệt hiệu là vua của mọi loại quả ăn được (the king of fruits), thức ăn của các vị thần (kinh Vệ Đà). Truyền thuyết Myanmar kể lại chuyện một nhà nông tặng đức Phật Thích Ca xoài và sau đó ngài để hột lại cho ngài Anan (Ananda/Phạn) trồng làm thức ăn… Theo học giả Yule thì mango có gốc Bồ Đào Nha manga, danh từ này lại có gốc là tiếng Tamil man-kay (kay là trái, man kay là trái hay quả man ~ quả xoài). Các thương gia Bồ Đào Nha đã dựa vào danh từ này để cho ra dạng manga, mà một số người tưởng lầm là có gốc Mã Lai, thật ra là đã nhập vào Mã Lai từ Nam Ấn Độ (cùng với Sri lanka là bản địa của tiếng Tamil). Theo tác giả Rumphius (trong cuốn Herbarium Amboinense, ị 95) thì khi nhập vào các đảo này (gồm có Mã Lai) thì dùng hai dạng mangka và mampellam (đều là các cách gọi loài xoài trong tiếng Tamil – xem phụ chú 12). Theo người viết (NCT), dạng man hay *mang có khả năng giải thích được tại sao tiếng Trung Hoa lại dùng mang quả 芒果 để chỉ xoài, quả là một dạng đọc gần như go/ga (< mango, manga) và cho thấy rõ nghĩa hơn (biểu ý) của mang (biểu âm < kí âm); vì âm gốc là *mang nên xoài còn có các danh xưng 檬果、漭果、芒果, 闷果、蜜望、望果 mông quả、 mang quả, mãng quả、 muộn quả、 mật vọng、 vọng quả… Ngoài ra, tiếng Việt có dạng muỗm, có thể do đồng hoá phụ âm môi môi[13] m- của phụ âm cuối /ŋ/ muỗng > muỗm, muỗng lại có thể liên hệ đến dạng *mang (gốc Bắc Ấn). So với tiếng Thái ma muông là quả xoài, tiếng Lào là makmuang, tiếng Mã Lai/Inđônêsia là mangga… Dịch một đoạn/NCT từ tài liệu của Yule (chụp lại ở trang 10): “Xoài tiếng Phạn[14] là amra, cũng thấy trong các tài liệu soạn bởi Huyền Trang (khoảng 645) qua cách kí âm am-mo-lo”. Am-mo-lo tương ứng với 庵波罗 am ba la HV (NCT), am la 菴蘿 (Đại Nam Quốc Ngữ sđd).

clip_image028

clip_image030


[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@gmail.com

[2] Trong 《 Đại Đường Tây Vực Ki》(khoảng 646 ) có nhắc đến am ba la quả.

[3] Cây muỗm hay cây quéo trong Nam Kì gọi là cây xoài (Lý Hạng Ca Dao), tuy nhiên thời VBL đã ghi nhận dạng tlôi (> *xoi > xoài). Các cách dùng này (phương ngữ) rất đáng chú ý và cho nhiều thông tin thú vị.

[4] Nguyên âm tròn môi /u/ (bụt) và không tròn môi /ə/ (Phật): tham khảo thêm chi tiết loạt bài viết “Bụt hay Phật?” cùng tác giả (NCT) trên mạng như https://thuvienhoasen.org/a5104/but-hay-phat-phan-3, v.v.

[5] Trích từ cuốn A Dictionary of the Portuguese and English languages, in two parts, Portuguese and English and English and Portuguese, v. 2 [English-Portuguses] tác giả Anthony Vieyra Transtagano (1712-1797) (ấn bản năm 1773, 1805, 1813…). Tác giả ghi thêm á phiện ‘nổi tiếng là gây ngủ’ (làm cho mê ngủ/sopoforic) (1773).

[6] Á phiện: tiếng Cổ Indo-aryan là Aahi Phen, miền Đông Bắc Ân Độ gọi là kani…

[7] Theo người viết/NCT: a phù dung là một cách kí âm afyon, td. Washington kí âm là 華盛頓 Hoa Thịnh Đốn…

[8] Các tên khác của á phiện: a phù dung, ả phù dung, anh túc 罂粟, ngu mỹ nhân 虞美人, ô hương 烏香 . Hay thuốc (a) phiện, nàng tiên nâu, cơm đen (Đào Duy Anh, Pháp Việt Từ Điển 1936), thú đi mây về gió, v.v.

[9] Tiếng Tochari (không còn dùng nữa) chỉ được khám phá vào đầu TK 20 bởi nhà khảo cổ Auriel Stein. Ngôn ngữ này thường được chia thành tiếng Tochari A (td. dùng trong khi lễ Phật…) và tiếng Tochari B dùng hàng ngày trải rộng từ Turfan đến Tumshug – tham khảo thêm chi tiết trên trang này chẳng hạn https://lrc.la.utexas.edu/eieol/tokol. Có nhà nghiên cứu từng đề nghị dạng *but (> phật trong tiếng Hán cổ) đã đến từ ngôn ngữ Tochari ở Trung Á (không phải từ Ấn Độ hay phương Nam) – tham khảo thêm chi tiết bài viết này chẳng hạn http://www.phathoc.net/PrintView.aspx?ID=76C212

[10] Xem chi tiết trang này chẳng hạn https://www.thaythuoccuaban.com/vithuoc/anguy.htm, v.v.

[11] Xem thêm chi tiết trên trang này chẳng hạn http://zhongyibaodian.com/bcgm/awei.html

[12] Tác giả Ulrich Theobald (2020) cũng cùng một nhận xét – tham khảo thêm các bài viết như “The Opium Trade” trên trang http://www.chinaknowledge.de/History/Qing/qing-event-opiumtrade.html. Ông cho biết vào đầu TK17, dân Đài Loan (lúc đó còn gọi là Formosa) đã biết hút thuốc phiện (gọi là 煙 yên hay là 菸 ư.

[13] Bắc bộ gọi cái muỗng (thìa, môi ~ spoon/Anh, cuiller/Pháp) là cái muỗm.

[14] Có tài liệu cho rằng amra còn là một loại xoài chua (‘cóc rừng’ tiếng Việt) so với nhiều cách gọi khác ở Ấn Độ như Amora, Ambda, Ambade, Ambhazham, Amberella, or Amate Kaai… Điều này phần nào cũng giống như muỗm so với xoài – tham khảo bài viết https://www.jhajistore.com/blogs/news/all-about-amra-%E0%A4%86%E0%A4%AE%E0%A4%A1%E0%A4%BC%E0%A4%BE-the-sour-tangy-cousin-of-mango… Tiếng Tamil gọi xoài là māṅkaṉi và xoài chín là mamaran hay mampalam, tham khảo bài viết https://baskinnature.in/mango/, v.v.

Comments are closed.